EU: Thiếu điện lan rộng; Góc khuất nước Anh; Đức: Vụ đảo chính, Tịch thu tài sản Rosneft, bù đắp kho đạn

CHÂU ÂU RỐT RÁO TÌM NGUỒN CUNG KHÍ ĐỐT THAY THẾ NGA, THIẾU ĐIỆN LAN RỘNG

(Ảnh minh hoạ).

Trước cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, một số quốc gia có thể sớm đối mặt với cảnh cắt điện luân phiên.

Theo báo Guardian, công ty Lưới điện Quốc gia của Anh cảnh báo các gia đình tại nước này có thể chịu cảnh mất điện luân phiên, mỗi lần trong 3 giờ đồng hồ nếu như nguồn cung khí đốt từ Nga bị tạm ngừng.

Công ty cho biết trong trường hợp xấu nhất, một số khách hàng có thể bị cắt điện để đảm bảo an ninh tổng thể và tính toàn vẹn của hệ thống điện trên khắp Vương quốc Anh.

Lưới điện Quốc gia cho biết kịch bản này sẽ xảy ra nếu như Anh trải qua một đợt lạnh bất thường kết hợp với việc giảm nhập khẩu điện từ châu Âu và không đủ khí đốt cho các nhà máy điện hoạt động.

Các nhà máy sử dụng khí đốt để tạo điện đóng góp 40% sản lượng điện của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, nước này không phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung của Nga. Lưới điện Quốc gia cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng khiến Anh không còn có thể nhập khẩu điện từ Pháp, Hà Lan hoặc Bỉ, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu điện trên toàn quốc.

Tại Phần Lan, ngày 1/12, công ty vận hành lưới điện Fingrid nước này nhấn mạnh nguy cơ thiếu điện đang gia tăng do nguồn cung điện trong nước và các nguồn nhập khẩu không ổn định.
Fingrid đã cảnh báo về khả năng mất điện trong mùa đông này, một phần do chưa ấn định được thời gian vận hành lò phản ứng điện hạt nhân mới Olkiluoto 3. Một nguyên nhân khác tác động tới vấn đề đảm bảo nguồn điện của Phần Lan có liên quan đến việc nhập khẩu điện. Cụ thể, nước láng giềng Thụy Điển - một nhà xuất khẩu điện lớn, có kế hoạch tạm ngừng vận hành Oskarshamn 3, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất của nước này, để bảo trì từ 9 - 18/12 tới, trong khi lò phản ứng Ringhals 4 vẫn chưa hoạt động trở lại cho đến ngày 31/1/2023. Fingrid ước tính mức tiêu thụ điện cao đỉnh điểm trong mùa Đông này vào khoảng 14.400 megawatts (MW).

Trong khi đó, tại Pháp, đầu tháng 12, chính phủ thông báo sẽ triển khai kế hoạch cắt điện luân phiên kể từ đầu năm 2023 để đối phó với nguy cơ thiếu điện. Theo công ty điện lực EDF nước này, từ tháng 1/2023, việc cắt điện sẽ thực hiện luân phiên theo từng khu vực và thời điểm cụ thể, bao gồm cả các khung giờ cao điểm từ 8h - 13h hay từ 18h - 20h. Tình trạng mất điện sẽ không kéo dài quá 2 giờ đồng hồ và được thông báo trước. Ước tính việc cắt điện luân phiên có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 60% người dân Pháp.

Để ứng phó trước nguy cơ thiếu điện và mất điện trong mùa đông giá lạnh, các quốc gia EU đã thống nhất những biện pháp chưa từng có từ trước đến nay.

“Các nước thành viên sẽ tự nguyện cắt giảm 10% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm từ ngày 1/12/2022 đến 31/3/2023”, tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ. Mỗi nước sẽ được tự do lựa chọn các biện pháp phù hợp để đạt được mục tiêu trên. Các văn phòng nhà nước được yêu cầu hạ nhiệt độ sưởi và ánh sáng trong trường hợp không cần thiết. Nhân viên được khuyến khích làm việc từ xa. Các chính phủ cũng động viên mỗi gia đình tự giác tiết kiệm điện.

Bên cạnh các phương án tiết kiệm điện, chính phủ các nước châu Âu cũng ráo riết tìm kiếm nhiều nguồn cung năng lượng thay thế.

Trong khi Đức tìm đến các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông thì Italia lại chạy sang châu Phi.

Trong chuyến công du tháng 9 tới khu vực vùng Vịnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ký các hợp đồng về cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Còn Italia, trong tháng 4, Thủ tướng Italia Mario Draghi và Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã nhất trí hợp tác về đầu tư năng lượng tái tạo và chứng kiến lễ ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên mới giữa hai công ty năng lượng quốc doanh lớn là Eni và Sonatrach.

Algeria hiện là nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai của Italia, cung cấp khoảng 21 tỷ mét khối mỗi năm, sau Nga với 30 tỷ mét khối năm 2021. Tuy nhiên, đường ống xuyên Địa Trung Hải nối Italia với Algeri mới chỉ hoạt động với 2/3 công suất, tạo cho Rome cơ hội để nhanh chóng tăng lượng khí đốt nhập khẩu của Algeria, hiện có thể đạt công suất tối đa ở mức 33 tỷ mét khối - chiếm hơn 40% nhu cầu của Italia.

(Nguồn: VTC)

NHỮNG GÓC KHUẤT CỦA NƯỚC ANH

Theo thống kê của chính quyền thành phố London, hiện có 100 tỷ phú và 5.000 triệu phú (có khối tài sản lớn hơn 20 triệu Bảng) sinh sống tại thủ đô nước Anh. Ngoài ra có thêm khoảng 350.000 cư dân London sở sữu số tài sản lớn hơn 700.000 Bảng.

Theo những con số này thì London quả là một trong các thành phố giàu có nhất thế giới, nhưng điều gì đã kéo các tỷ phú trong và ngoài nước Anh đến với London?

Những khoảng tối

London trên thực tế không phải là một thành phố dễ chịu để sống. Cuộc “đại tu” lớn nhất tại London diễn ra sau đại chiến thế giới thứ hai khi thành phố được xây lại gần như hoàn toàn. Thủ đô nước Anh vì thế không được quy hoạch cho cuộc sống hiện đại. Việc thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng điện – nước xuống cấp, tắc đường, ô nhiễm, v.v… là “chuyện thường” tại thành phố đang quá tải dân số này. Kể cả người giàu cũng phải chịu bất tiện khi sống tại London khi sân bay Farnborough ở ngoại ô thành phố đang phải “vật lộn” tìm chỗ đậu máy bay mới vì có quá nhiều người đang sở hữu chuyên cơ riêng.

Vậy tại sao người giàu lại cứ muốn chuyển đến London? Tỷ phú Bjorgolfsson người Iceland, Chủ tịch công ty đầu tư Novator Partners LLP. nổi tiếng, đã sống tại London gần 20 năm, giải thích: “Tựu chung lại thì ai cũng muốn “hưởng” chế độ thuế cực kỳ ưu đãi của London. Các khách hàng hay hàng xóm của tôi khi sống tại London thì chỉ phải chịu mức thuế bằng 10-15% so với mức ở tổ quốc họ”.

Nhưng thuế có phải câu trả lời duy nhất? Interpol và Europol từng không ít lần cảnh báo về nạn rửa tiền tràn lan tại London. Năm 2018, hai tổ chức này đã cộng tác với cảnh sát Anh điều tra nữ tỷ phú Zamira Shirali qizi Hajiyeva. Bà Zamira là vợ của Jahangir Hajiyev, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế Azerbaijan. Trong khi Jahangir phải vào tù vì các vi phạm tài chính, vợ ông ta vẫn sống một cuộc đời vương giả ở London. Có thông tin rằng chỉ riêng khoản tiền bà Zamira chi cho việc mua sắm tại cửa hàng bách hóa Harrods đã lên tới 16,3 triệu bảng.

Giới chức trách Anh kết luận bà Zamira đang nắm trong tay một khối tài sản khổng lồ chồng bà ta bòn rút được từ chính quyền và người dân Azerbaijan. Những khoản tiền “bẩn” này đã được “rửa” thông qua hệ thống tài chính London để rồi sau đó “biến hóa” thành tài sản thật ngoài đời. Tuy đã ra kết luận rõ ràng như vậy nhưng phía Anh vẫn gặp khó khăn trong việc trục xuất bà Zamira về Azerbaijan. Bà ta không những sẵn sàng trả hàng triệu bảng cho các khoản tại ngoại mà còn chi ra từng đấy để thuê luật sư kéo dài vụ kiện trước tòa.

Tổ chức Minh bạch quốc tế mới đây đã ra báo cáo cho biết tổng số bất động sản tại Anh được mua bởi những khoản tiền “khả nghi” đã lên tới 4,4 tỷ bảng. Phần lớn số bất động sản này có liên quan đến những cá nhân được cấp visa hạng 1. London cấp visa hạng 1 cho những người nước ngoài đầu tư tối thiểu 2 triệu bảng vào nước Anh. Cá nhân đầu tư càng nhiều tiền, visa và các thủ tục giấy tờ khác của họ càng được ưu tiên xử lý, và người đó cùng gia đình sẽ sớm được trở thành công dân Anh. Vấn đề là không ai quan tâm điều tra nguồn gốc của các khoản tiền đầu tư nói trên.

Phát ngôn viên của tổ chức Minh bạch quốc tế phát biểu trong buổi họp báo: “Cả xã hội và chính phủ Anh đều đồng thuận việc không được để “tiền bẩn” xâm nhập vào hệ thống tài chính quốc gia. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách hãy tiến những bước đầu tiên để đạt được mục tiêu này. Đã từ quá lâu rồi những cá nhân và tổ chức tội phạm tại các quốc gia khác được mời chào tiêu tiền vào thị trường tài chính, bất động sản và hàng hóa xa xỉ ở Anh. Nhiều thành phố lớn mà nghiêm trọng nhất là London đã trở thành cái “két sắt” cho tội phạm nước ngoài… Chúng tôi kêu gọi chính phủ Anh xem xét việc cải cách ngay quá trình cấp visa hạng 1”.

Nhà báo điều tra Oliver Bullough giải thích cách mà nhiều đối tượng tội phạm nước ngoài rửa tiền tại Anh: “Đa số ngân hàng phương Tây không cho phép xử lý những giao dịch chuyển tiền từ các nước như Nga, Kazakhstan, Colombia, v.v… vì sợ gặp phải tiền “bẩn”. Số tiền này trước hết phải qua một loạt các công ty bình phong, quỹ đầu tư, v.v… mà nhiều trong số đó đặt tại lãnh thổ hải ngoại của Anh như Anguilla, Bermuda, quần đảo Cayman, v.v… Công dân Anh có mặt trong mọi bước của quá trình này, từ kế toán viên hay nhân viên ngân hàng “ngoảnh mặt đi” trước những giao dịch khả nghi đến luật sư sẵn sàng bào chữa cho tội phạm có tổ chức”.

“Sau khi tiền đã nằm trong tài khoản tại Anh, sẽ có những “chuyên gia” xử lý hộ cho các ông chủ nước ngoài. Họ có thể thành lập công ty bình phong hay mua bán bất động sản để “che đậy” những khoản tài sản phi pháp. Hay họ cũng có thể ủng hộ số tiền trên cho một trường đại học hay tổ chức từ thiện nhằm “mua danh” cho những kẻ tội phạm”.

Năm 2018, Chính phủ Anh quyết định thành lập Trung tâm Tội phạm kinh tế quốc gia trực thuộc Cục Tội phạm quốc gia. Sau bốn năm trung tâm đi vào hoạt động, ngay cả những người trong cuộc cũng thừa nhận tệ nạn rửa tiền tại London vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng. Ông Graeme Biggar, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Chúng tôi mới chỉ chạm đến “bề nổi” của tảng băng. Vấn đề lớn nhất là chính sách quản lý thị trường tài chính quá lỏng lẻo của London. Chúng tôi từng phát hiện ra một căn gác dưới gầm cầu thang chung cư được đăng ký là trụ sở của 5 công ty khác nhau. Đấy là kết quả của việc đăng ký doanh nghiệp mới quá dễ dàng. Các đối tượng rửa tiền tùy tiện lập công ty bình phong, rồi lại có những đối tượng khách cho chúng thuê địa chỉ giả để đi đăng ký doanh nghiệp”.

Nói vậy không có nghĩa rằng Trung tâm Tội phạm kinh tế không làm việc của họ. Hồi tháng 6 năm nay trung tâm đã phạt ngân hàng Commerzbank 38 triệu bảng vì tội lơ là các biện pháp chống rửa tiền. Trước đó họ cùng nhà chức trách Mỹ phạt ngân hàng Standard Chartered 1,1 tỷ USD do để xảy ra hoạt động rửa tiền và vi phạm lệnh cấm vận Iran.

Cuộc chiến giấy tờ

Trong cuộc chiến chống rửa tiền, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng trên mặt trận này chính luật pháp Anh lại đang tạo điều kiện để bị những đối tượng tội phạm lợi dụng. Jho Low là một đối tượng chủ chốt trong vụ đại án tham nhũng ở Malaysia. Trước khi Interpol phát lệnh truy nã toàn cầu với Jho Low, tờ Wall Street Journal có đăng một bài điều tra về các hoạt động tham nhũng của hắn. Tòa soạn báo ngay lập tức bị công ty luật Schillings ở London kiện ra tòa. Các luật sư Schillings cáo buộc hai tác giả bài báo là Tom Wright và Bradley Hope đã qua mặt báo và cuốn sách “Billion Dollar Whale” của họ mà xúc phạm danh dự của Jho Low.

Tại sao Jho Low lại đi kiện tờ Wall Street Journal của Mỹ tại Anh? Nhà báo Bradley Hope hiện đang điều hành tổ chức hỗ trợ báo chí điều tra Project Brazen ở Anh, giải thích: “Luật báo chí, luật bảo mật thông tin cá nhân và luật sở hữu trí tuệ ở Anh và xứ Wales “nổi tiếng” là được làm ra để bảo vệ những kẻ đi kiện. Chỉ cần phía nguyên đơn có đủ tiền và kiên nhẫn là có thể khiến bên bị đơn sạt nghiệp. Bất kỳ tòa soạn nào ở Anh cũng lo việc bị kiện vì tội “bôi nhọ người khác” chỉ vì họ dám nói ra sự thât”.

Các công ty luật London liên tiếp phủ nhận việc họ đang tấn công quyền tự do báo chí. Họ một mực cho rằng tất cả các khách hàng của họ có quyền được bảo vệ trước tòa. Không có nhiều người tin vào lời lẽ của họ. Một nhóm các hạ nghị viên của cả hai đảng Lao động và Bảo thủ từng ra tuyên bố chung chỉ trích những công ty luật như Carter-Rick, CMS và Harbottle & Lewis vì lợi nhuận mà đứng ra bảo vệ cho các đối tượng tội phạm nước ngoài. Trước đó các công ty này đã đâm đơn kiện nhà báo điều tra Catherine Belton sau khi bà xuất bản một series phóng sự về hoạt động tham nhũng của các tỷ phú Nga sống ở London.

Nhiều người còn nhớ vụ ám sát nữ nhà báo Malta lão thành Daphne Caruana Galizia. Bà là một huyền thoại trong ngành báo chí Malta vì đã “lật tẩy” không biết bao nhiêu vụ án buôn lậu, rửa tiền, hối lộ xuyên quốc gia. Bà bị ám sát bởi một quả bom xe vào năm 2017.

Con trai bà, nhà báo Paul Caruana Galizia, nói về vai trò của các công ty luật ở Anh trong cái chết của mẹ mình: “Khi đó mẹ tôi có tới 47 đơn kiện khác nhau từ các công ty luật ở Anh trong khi bà chưa bao giờ viết gì về Anh quốc cả. Họ còn thường xuyên gọi điện đe dọa đến cả gia đình… Đến khi cảnh sát điều tra ra những kẻ đứng sau vụ ám sát đều là người từng bị mẹ tôi chỉ trích thì các công ty luật kia đều “phủi sạch” trách nhiệm khỏi tay họ, thậm chí còn từ chối cung cấp thông tin về khách hàng cho nhà chức trách”.

Nỗi sợ bị kiện khiến các nhà báo Anh không dám nói gì chắc chắn cả. Một nhà báo giấu tên nhận xét với hãng tin Al Jazeera: “Chúng tôi không bao giờ viết “bản báo cáo cho thấy”. Thay vì vậy chúng tôi viết “Bản báo cáo gợi ý rằng”. Mục đích là để có bị kiện ra tòa thì phía bên kia cũng không thể dùng lời lẽ của mình làm bằng chứng”.

Nhà báo điều tra Tom Burgis, một nạn nhân thường xuyên của những công ty luật London, giải thích: “Trong công ty họ không chỉ có luật sư. Họ còn có chuyên gia quan hệ công chúng, thám tử điều tra, v.v… sẵn sàng làm mọi chuyện để đạt được mục đích của mình. Có một lần tôi gặp “tay trong” của mình tại bãi đậu xe. Tôi đã kiểm tra chắc chắn rằng trong bãi đậu xe không có người. Vậy mà ngay ngày hôm sau tôi nhận được bức thư của một công ty luật miêu tả từng chi tiết của cuộc gặp. Tôi nghi rằng bằng cách nào đó họ đã lấy được cuộn băng ghi hình camera giám sát ở bãi đậu xe”.

Đã hơn 20 năm nay các tổ chức báo chí như Project Brazen tìm cách kêu gọi chính phủ sửa những luật liên quan đến trung thực thông tin và bảo vệ danh tiếng. Mục tiêu của các tổ chức này là loại trừ được việc các cá nhân, tổ chức nước ngoài kiện được phóng viên ngoại quốc tại tòa án Anh, trong khi sự việc được đưa tin không liên quan gì đến Anh quốc.

(Nguồn: CAND)

NHÓM ÂM MƯU ĐẢO CHÍNH ĐỨC MUỐN ĐƯA HOÀNG TỬ LÊN CẦM QUYỀN, NGA PHỦ NHẬN LIÊN QUAN

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 7/12, Đức bắt giữ 25 thành viên và những người ủng hộ nhóm cực hữu có âm mưu lật đổ nhà nước để đưa một vị hoàng tử lên làm lãnh đạo quốc gia.

Theo cơ quan công tố, nhóm này chịu ảnh hưởng của các thuyết âm mưu chính quyền ngầm của QAnon và Reichsbuerger – các nhóm cực hữu có thành viên bị bắt trong vụ phá phách trụ sở Quốc hội Mỹ hồi tháng 1/2021.

Các thành viên nhóm Reichsbuerger (Những công dân của Reich) không công nhận nước Đức ngày nay là nhà nước hợp pháp mà vẫn trung thành với chế độ quân chủ Đức, một số thành viên vẫn ủng hộ tư tưởng của Đức quốc xã hoặc cho rằng Đức đang bị chiếm đóng quân sự.

Nhóm này muốn đưa một thành viên hoàng gia Đức, được xác định là Heinrich XIII P. R., lên làm lãnh đạo của quốc gia tương lai, còn Ruediger v. P. sẽ là người đứng đầu quân đội, để xây dựng quân đội mới.

Nhóm này đã dựng lên một cấu trúc giống chính phủ, lập ra “hội đồng” họp định kỳ từ tháng 11/2021 để hoạt động như một chính quyền chờ tiếp quản, với các bộ khác nhau như ngoại giao và y tế.

Cũng theo cơ quan công tố, Heinrich đã liên lạc với đại diện của Nga để xin giúp đỡ. Cơ quan công tố nói rằng chưa có bằng chứng cho thấy đại diện đó phản hồi tích cực với đề nghị của Heinrich.

Gia đình Reuss và văn phòng Hoàng tử Reuss không phản hồi đề nghị bình luận.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức cho biết các cơ quan an ninh đang điều tra để tìm ra bất kỳ tiếp xúc nào với Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định không có gì nghi ngờ việc Nga không có bất kỳ dính dáng nào tới âm mưu cực hữu để lật đổ nhà nước Đức. Ông Peskov nói rằng đây “có vẻ là vấn đề nội bộ của Đức”.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser tuyên bố chính phủ sẽ xử lý bằng tất cả sức mạnh của luật pháp.

Bà tuyên bố nhà nước hợp hiến biết cách tự bảo vệ mình trước “những kẻ thù của dân chủ”.

Cơ quan tình báo nội địa Đức cho biết phong trào Reichsbuerger mở rộng đáng kể trong năm ngoái và gây ra mối đe doạ mức độ cao.

Một quân nhân đang trong nghĩa vụ và nhiều lính dự bị nằm trong số những đối tượng bị điều tra. Quân nhân này là thành viên của lực lượng tinh nhuệ KSK. Lực lượng này được điều chỉnh trong những năm gần đây sau khi xảy ra một số vụ việc liên quan đến tư tưởng cực hữu.

Một cựu nghị sĩ từ đảng cực hữu Lựa chọn khác cho Đức (AfD) cũng nằm trong số bị bắt giữ.

Cơ quan điều tra nghi ngờ các thành viên của nhóm này lên kế hoạch mang vũ khí ập vào Hạ viện Đức ở Berlin, gợi nhớ lại vụ người biểu tình ập vào trụ sở Quốc hội Mỹ để phản đối kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

Cơ quan tình báo nội địa Đức cho biết có khoảng 21.000 người tham gia phong trào Reichsbuerger, trong đó có khoảng 5% là thành phần cực đoan.

Gia đình Reuss

Gia đình Reuss từng tuyên bố không liên quan đến Heinrich, gọi đó là người bối rối, tin vào các thuyết âm mưu, báo chí địa phương đưa tin.

Chế độ quân chủ Đức bị bãi bỏ cách đây 1 thế kỷ. Khi Hiến pháp Weimar bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/8/1919, những tước hiệu và đặc quyền của giới quý tộc cũng bị xoá bỏ. Hiện không có hoàng tử và công chúa nào được công nhận chính thức ở Đức.

Hoàng tử Heinrich XIII của Gia đình Reuss là một trong những hậu duệ cuối cùng của triều đại từng cai trị vùng đất rộng lớn ở miền đông nước Đức.

Trong nhiều năm qua, vị hoàng tử 71 tuổi làm trong ngành bất động sản công khai ủng hộ lý thuyết cho rằng cuộc sống sẽ tốt hơn dưới chế độ quân chủ, vì thuế chỉ dưới 10% và cấu trúc “đơn giản và minh bạch”.

Cơ quan công tố cho biết chiến dịch truy quét được lực lượng hơn 3.000 người triển khai trên khắp 11 bang. Các nghi phạm ở Đức và Ý cũng bị bắt giữ, trong đó có Heinrich.

Cảnh sát Ý cho biết đã bắt một cựu sĩ quan quân đội Đức 64 tuổi ở thành phố Perugia vì liên quan và sẽ cho dẫn độ sang Đức.

Tuy nhiên, cảnh sát từ chối bình luận về tin của ANSA nói rằng nghi phạm đóng vai trò tuyển mộ này là một nhân vật nổi bật trong làn sóng biểu chính phản đối phong toả ở Đức trong đại dịch COVID-19.

(Nguồn: Soha)

ROSNEFT CÔNG NHẬN THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG VÌ BỊ TỊCH THU TÀI SẢN Ở ĐỨC

Rosneft ngày hôm qua (7/12) công bố các khoản thiệt hại do bị tịch thu tài sản ở Đức. Thông báo của Ronseft ghi nhận khoản lỗ 56 tỷ rúp do chuyển giao tài sản của công ty tại Đức cho cơ quan chức năng của nước này.

Theo thông báo của Rosneft: “Trong quý 3/2022, tác động tiêu cực đáng kể nhất đến lợi nhuận là do chuyển giao tài sản của Rosneft cho Cơ quan Lưới điện Liên bang Đức, dẫn đến khoản lỗ 56 tỷ rúp. Việc chuyển giao tài sản cũng làm giảm 76 tỷ rúp tiền mặt”.

Teknoblog trích thông báo của Rosneft cho biết, tổng đầu tư của Rosneft vào các tài sản này vượt quá 5 tỷ USD, tương ứng với tổng chi phí lịch sử và các khoản đầu tư vào việc mở rộng và phát triển các dự án. Rosneft cho biết thêm, công ty có lịch sử tuân thủ cách tiếp cận bảo thủ đối với việc định giá tài sản, vì vậy phần lớn giá trị tài sản của Đức đã được bảo lưu trong các giai đoạn trước.

Đồng thời, lợi nhuận ròng của Rosneft theo tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) từ tháng 1 đến tháng 9/2022 đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 591 tỷ rúp. Tuy nhiên, Rosneft đã có các chỉ số hoạt động tích cực và giá thị trường tăng đã cho phép công ty tăng doanh thu thêm 15,7% lên 7.202 tỷ rúp.

Thị phần xuất khẩu của Rosneft sang các nước châu Á cũng tăng đáng kể. Từ tháng 1 đến tháng 9/2022, Rosneft đã tăng doanh số bán dầu để xuất khẩu sang các nước ngoài CIS thêm 4,8%, lên 77,3 triệu tấn, bao gồm cả châu Á, tăng gần 1/3, lên 52,4 triệu tấn. Nhờ tối ưu hóa các kênh bán hàng, Rosneft đã tăng thị phần xuất khẩu của các nước châu Á lên 77% và bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm doanh số bán hàng sang châu Âu bằng nguồn cung cấp cho châu Á. Nhìn chung, sản lượng bán dầu của công ty trong kỳ báo cáo tăng 3,3%, lên 86,9 triệu tấn.

Trước đó, người đứng đầu Công ty Igor Sechin cho biết Rosneft vẫn là nhà cung cấp dầu chính của Nga cho Trung Quốc, cung cấp 7% tổng nhu cầu nguyên liệu thô của thị trường này. Theo ông, Liên bang Nga đã tăng nguồn cung dầu cho Trung Quốc thêm 9,5% trong 10 tháng, lên 72 triệu tấn, chiếm vị trí thứ hai trong số các nhà cung cấp.

“Trong quý 3/2022, sản lượng hydrocarbon trung bình hàng ngày đã tăng lên 5,22 triệu thùng dầu quy đổi, đây là con số cao nhất trong 10 quý vừa qua”, Rosneft cho biết.

(Nguồn: Năng Lượng Quốc Tế)

THIẾU NGUYÊN LIỆU CHỦ CHỐT TỪ TRUNG QUỐC, ĐỨC CHẬT VẬT BÙ ĐẮP KHO ĐẠN DƯỢC

Đức gặp khó khăn trong việc sản xuất bù đắp kho đạn dược đang cạn kiệt vì thiếu xơ bông - nguyên liệu quan trọng từ Trung Quốc.

Nikkei đưa tin, hoạt động viện trợ quân sự dồn dập cho Ukraine trong thời gian qua đã khiến kho đạn dược của Đức kiệt quệ. Giờ đây, Đức tiếp tục đối mặt với thách thức khác trong nỗ lực bù đắp kho vũ khí khi việc nhập nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc đang chậm lại.

Các nhà sản xuất đạn dược của Đức tại một hội nghị quốc phòng gần đây cho biết, thời gian hoàn thành các đơn đặt hàng xơ bông từ Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần lên tới 9 tháng, theo nhật báo DW. Xơ bông là một thành phần chủ chốt để sản xuất đạn dược cho súng nhỏ và pháo.

Mặc dù xơ bông là nguyên liệu hàng hóa được sản xuất và giao dịch trên toàn cầu, nhưng DW dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng tất cả các nhà sản xuất đạn dược ở châu Âu đều phụ thuộc vào nguồn cung mặt hàng này từ Trung Quốc.

Wolfgang Hellmich, phát ngôn viên về vấn đề quốc phòng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cầm quyền trong quốc hội Đức nói rằng, tình hình tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất đạn dược và thép đặc biệt.

Vào ngày 28/11, chính phủ Đức đã tổ chức một hội nghị bàn tròn về đạn dược với các nhà sản xuất vũ khí, nhưng kết quả cụ thể không được công bố.

"Tại hội nghị, các bên đã thảo luận về cách giải quyết vấn đề trên và tất cả các bên đang nỗ lực hết mình để tìm giải pháp cho tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng", ông nói.

Ban lãnh đạo của nhà sản xuất đạn dược MEN Metallwerk Elisenhuette của Đức, cho rằng chính phủ Đức đã chậm chân hơn trong việc đặt hàng nguyên liệu cho ngành công nghiệp quốc phòng so với các nước châu Âu khác.

Tương tự các nước, Đức giữ bí mật kho dự trữ đạn dược của mình, nhưng nhiều nhà quan sát lo ngại Berlin có nguy cơ sẽ cạn kiệt sớm nếu kịch bản chiến sự nổ ra. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính phủ Đức đã lập ra một quỹ trị giá 106 tỷ USD để nâng cấp các lực lượng vũ trang đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trang bị.

Với việc Đức cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, việc chậm nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất khí tài từ Trung Quốc khiến Berlin rơi vào thế khó.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> EU: Trần giá dầu Nga; Chia rẽ vì Hungary; Luật nhập cư mới ở Pháp; Đức bắt nghi phạm cực hữu, cảnh báo chớ cô lập TQ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang