EU: Hóa đơn năng lượng cao; Kêu gọi 'động' vào IRGC; Đình công ở Pháp; Tác động từ chiến sự Nga-Ukraine; Đức 'làm khó' Mỹ

HÓA ĐƠN NĂNG LƯỢNG CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG TẠI CHÂU ÂU VẪN CAO

(Ảnh minh hoạ).

Giá khí đốt tại sàn TTF của Hà Lan tiêu chuẩn tại châu Âu giảm 18% kể từ đầu năm, khi mùa Đông ấm bất thường đã làm giảm nhu cầu và thúc đẩy dự trữ.

Giá bán buôn giá khí đốt giảm đưa đến dự đoán về sự kết thúc của cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, nhưng hóa đơn năng lượng và khí đốt của người tiêu dùng vẫn rất cao, khiến lạm phát phi mã.

Giá khí đốt tại sàn TTF của Hà Lan tiêu chuẩn tại châu Âu giảm 18% kể từ đầu năm, khi mùa Đông ấm bất thường đã làm giảm nhu cầu và thúc đẩy dự trữ.

Giá giảm hơn 82% kể từ tháng 8/2022, sau khi tăng mạnh do lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung từ nước cung cấp chính là Nga.

Xung đột tại Ukraine đã cho thấy sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga, khiến các nước phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế và cải thiện hiệu quả sử dụng khi các nhà lãnh đạo nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nguồn cung.

Cách tiếp cận trên cùng với mùa Đông ấm cho phép các nước châu Âu làm đầy kho dự trữ.

Nhà phân tích John Plassard tại Mirabaud cho rằng mùa Đông ấm bất thường đã góp phần làm giảm nhu cầu sưởi, trong khi lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đạt kỷ lục và công suất năng lượng tái tạo tăng đã thúc đẩy nguồn cung.

Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt khoảng 82% công suất, tăng so với mức 50% của một năm trước và cao hơn nhiều mức trung bình theo mùa là 70%.

Giá khí đốt tại TTF giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng trong tuần này và ở mức 60 euro (64,9 USD)/mWh trong phiên 18/1, dù vẫn cao hơn gấp đôi so với trước đại dịch.

Trong khi đó, giá tăng lên mức kỷ lục 345 euro/mWh hồi cuối tháng 3/2022, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra.

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, cuối tuần trước tuyên bố giá khí đốt tại châu Âu đang giảm.

Tuy nhiên, điều đó chưa đưa đến việc hóa đơn của các doanh nghiệp và các gia đình giảm.

Khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu sau khi xảy ra xung đột với Ukraine, Na Uy trở thành nước cung cấp chính cho khu vực này.

Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy, Anders Opedal, nói rằng hóa đơn điện và khí đốt vẫn cao, do chi phí đầu tư lớn cho việc chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Nhà phân tích Edward Moya tại Oanda cũng cho rằng hóa đơn năng lượng sẽ không quay về mức trước đại dịch do các công ty năng lượng đang đối mặt với chi phí tăng mạnh cho việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng thay thế.

Các nhà cung cấp năng lượng trong nước cũng đối mặt với chi phí vận tải tăng, thuế tăng và tình trạng thiếu lao động.

(Nguồn: VietnamPlus)

CÁC NHÀ LẬP PHÁP CHÂU ÂU KÊU GỌI EU 'ĐỘNG' VÀO IRGC, IRAN PHẢN PHÁO ĐỪNG 'TỰ BẮN CHÂN MÌNH'

Ngày 18/1, kênh truyền hình KAN cho hay, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết mới đối phó Iran.

Theo đó, EP đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết với 598 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 31 phiếu trắng, trong đó có lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên đưa IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trước động thái này của các nhà lập pháp EU, Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi đã phản ứng mạnh mẽ.

Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Vahidi cho hay: "Không cần phải lo ngại về kế hoạch của EP. IRGC vẫn sẽ đẩy mạnh hoạt động".

Ngày 19/1, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã nói với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU rằng, Tehran đã cảnh báo EU sẽ "tự bắn vào chân mình" khi liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Mặc dù vậy, EP không có thảm quyền chỉ định IRGC là vào danh sách khủng bố, bởi danh sách này phải do Hội đồng châu Âu, bao gồm các bộ trưởng của mỗi quốc gia thành viên phê duyệt.

Nếu nghị quyết thu hút đủ sự ủng hộ, thì chính phủ quốc gia của các quốc gia thành viên EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và việc niêm đưa IRGC vào danh sách khủng bố phải được tất cả 27 thành viên trong Hội đồng châu Âu nhất trí bỏ phiếu.

IRGC là một nhánh của Quân đội Iran, được thành lập sau Cách mạng Hồi giáo ngày 22/4/1979. Trong khi quân đội bảo vệ biên giới và duy trì trật tự nội bộ đất nước thì theo hiến pháp Iran, IRGC có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống Hồi giáo của đất nước.

IRGC tuyên bố rằng, vai trò của họ trong việc bảo vệ hệ thống Hồi giáo là ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài cũng như các cuộc đảo chính của quân đội hoặc "các phong trào lệch lạc".

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

ĐÌNH CÔNG QUY MÔ LỚN TẠI PHÁP

(Ảnh minh hoạ).

Nhiều chuyến tàu sẽ ngừng hoạt động, các lớp học sẽ phải tạm dừng và hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ bị gián đoạn do nhiều người lao động tham gia cuộc đình công trên toàn nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, được cho là không đảm bảo quyền lợi của họ.

Nhà điều hành đường sắt SNCF cảnh báo giao thông công cộng sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng vào ngày 19/1, khi chỉ khoảng 20-33% các chuyến tàu cao tốc TGV sẽ hoạt động, trong khi hầu hết các chuyến tàu ở địa phương sẽ dừng hoàn toàn. Nhiều giáo viên và công nhân cho biết sẽ tham gia đình công, khiến trường học cũng như quá trình vận chuyển dầu từ nhà máy lọc dầu của TotalEnergies vào Dunkirk đối mặt nguy cơ gián đoạn. Công đoàn CGT cảnh báo có thể cắt điện đối với các gia đình của các nghị sĩ và tỷ phú, trong khi chính phủ cho biết sẽ huy động 10.000 cảnh sát để đảm bảo biểu tình không dẫn đến bạo lực.

Các cuộc thăm dò cho thấy đa số cử tri Pháp phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, hiện vẫn đang được Quốc hội Pháp thảo luận. Kế hoạch này đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, cũng như tăng các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ.

Theo ước tính của Bộ Lao động Pháp, việc tăng giới hạn độ tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm và kéo dài thời gian trả lương sẽ giúp tiết kiệm thêm 17,7 tỷ euro. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn lập luận rằng chính phủ có thể lựa chọn những cách thức khác để tránh ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống hưu trí. Họ cho biết 19/1 sẽ là ngày khởi đầu của nhiều cuộc đình công và biểu tình nối tiếp.

Người phát ngôn chính phủ Oliver Veran cho biết nội các sẽ giữ quan điểm "bình tĩnh và cương quyết" trước các cuộc đình công, đồng thời vẫn kêu gọi người lao động nên tránh để hoạt động chung bị gián đoạn trên diện rộng.

Nỗ lực gần nhất của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm cải cách lương hưu trong năm 2019 đã bị hủy bỏ một năm sau đó khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại châu Âu. Điều này dẫn tới hoạt động đình công kéo dài chưa từng có trong 3 thập niên, gây gián đoạn mạng lưới giao thông ở thủ đô Paris.

Giới quan sát nhận định đối với Tổng thống Macron, cuộc đình công lần này như một phép thử đối với khả năng tiến hành cải cách và giữ chi tiêu công trong tầm kiểm soát. Trong khi đối với các tổ chức công đoàn, cuộc đình công cũng mang ý nghĩa quan trọng khi được kỳ vọng sẽ giúp gây ảnh hưởng và dẫn đến những điều chỉnh, trong bối cảnh điều kiện công việc và lương hưu không theo kịp tác động lạm phát. Đây cũng là cuộc đình công quy mô lớn lần đầu tiên trong 12 năm qua - kể từ khi tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh từ 60 lên 62 tuổi - có sự tham gia của tất cả các công đoàn tại Pháp.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

CHÂU ÂU BIẾN ĐỔI RA SAO SAU CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE?

Một năm đầy sóng gió với châu Âu đã trôi qua và những thách thức vĩ mô dài hạn vẫn còn đó, không chỉ là năng lượng, chuỗi cung ứng hay lạm phát.

Bất ổn ở Châu Âu bắt đầu từ khủng hoảng nợ công năm 2010 cho đến khi phong trào từ bỏ mô hình Liên minh rầm rộ ở Anh, Áo, Italy. Đã xuất hiện luồng quan điểm cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đỉnh cao và đến hồi phân rã.

Điều đó tác động không nhỏ đến các ý tưởng xây dựng liên minh khu vực và châu lục như Đông Nam Á, Liên minh châu Á, Liên minh châu Phi. Dịch bệnh COVID-19 , chiến sự Nga- Ukraine càng phơi bày thêm điểm yếu của “lục địa già” về năng lượng, an ninh và hệ thống kinh tế, xã hội.

Với những gì châu Âu đang nỗ lực, lại đặt ra hai luồng quan điểm: Thứ nhất, châu lục này đang hồi sinh mạnh mẽ; thứ hai, đó chỉ là hành động mạnh mẽ cuối cùng. Nhưng hãy xem: Vài ngày sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố một “bước ngoặt” trong chính sách đối ngoại của Berlin, quay trục 180 độ với Nga, chủ động cắt đứt hợp tác năng lượng và an ninh.

Cựu Thủ tướng Đức, Angela Merkel và Tổng thống Putin hơn 10 năm bất chấp phản đối từ Mỹ, nỗ lực xây dựng đường ống North Stream 2 với hy vọng giải quyết triệt để bài toán năng lượng; đặt nền móng vững chắc cho kinh tế Nga.

Sau ngày 24/2/2022, người kế nhiệm bà Merkel là ông Scholz không chỉ từ bỏ dự án gây tranh cãi mà còn cắt giảm sự phụ thuộc vào Nord Stream 1, một đường ống dẫn dầu rất quan trọng đã hoạt động từ năm 2011.

Ngoài ra, Berlin lên kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng bằng cách tạo ra một khoản 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội. Nước này đã vượt những điều “nhạy cảm” trước đây bằng cách gửi vũ khí sát thương trực tiếp đến Kiev và trở thành một trong những nhà tài trợ hào phóng nhất của EU cho các nỗ lực nhân đạo ở Ukraine.

Giáo sư Matthijs, Đại học Johns Hopkins nhận xét: “Phản ứng của Đức đối với chiến sự Nga- Ukraine vào năm 2022 là điều không ai dám nghĩ đến trong năm 2021”. Hành động của quốc gia lớn nhất EU phản ánh chính xác cách tiếp cận không khoan nhượng của châu Âu với Nga.

Tuy vậy, khi đại dịch COVID-19 "bóp chẹt" chuỗi cung ứng và giá cả năng lượng tăng đột biến đã buộc châu Âu "tuân lệnh" Mỹ. Họ ồ ạt thắt chặt tiền tệ, đưa lãi suất đến mức gây suy thoái kinh tế miễn sao đẩy lùi lạm phát.

Có thể nói, phương pháp điều hành kinh tế vĩ mô ở châu Âu không khác Mỹ là bao, cho dù khu vực này sở hữu đồng tiền chung euro và Ngân hàng Trung ương khổng lồ không kém uy lực. Điều đó đã tạo ra xích mích giữa các thành viên phía Bắc và phía Nam của khu vực đồng euro do các quốc gia như Hy Lạp và Italy nắm giữ nhiều khoản nợ quốc gia tính theo tỷ lệ phần trăm thu nhập quốc gia của họ hơn so với Đức và Hà Lan.

Chiến sự Nga - Ukraine tự nhiên đẩy châu Âu đến gần Mỹ hơn bao giờ hết, mang đến cho Washington một khách hàng năng lượng vô cùng tiềm năng mà trước đây Mỹ và Nga cạnh tranh kịch liệt để giành giật. Nói cách khác, ít nhất Mỹ đang nắm lợi thế hơn Nga trong cuộc chơi tăng tầm ảnh hưởng châu Âu.

(Nguồn: Soha)

ĐỨC ‘LÀM KHÓ’ MỸ KHI NÊU ĐIỀU KIỆN BÀN GIAO XE TĂNG CHO UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Nguồn tin chính phủ ở Berlin cho hay, Đức sẽ chuyển giao các xe tăng do nước này sản xuất cho Ukraine, chừng nào Mỹ làm điều này trước.

Trong thời gian qua, Ukraine đã nhiều lần lên tiếng xin hỗ trợ thêm các loại vũ khí hiện đại của phương Tây mà đặc biệt là xe tăng chiến đấu hạng nặng. Song, Berlin có quyền từ chối chấp thuận để các đồng minh trong khối NATO xuất khẩu xe tăng Leopard do Đức sản xuất, dù giới chuyên gia quân sự nhận định đây là loại xe tăng phù hợp nhất chiến đấu ở Ukraine.

Reuters đưa tin, theo nguồn tin giấu tên từ chính phủ Đức, trong các cuộc họp kín gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhiều lần đã nhấn mạnh rằng, điều kiện để nước này đưa xe tăng Leopard tới Ukraine là Mỹ cũng làm tương tự.

Khi được hỏi về quan điểm của Đức, bà Karine Jean-Pierre, phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho hay, “Tổng thống tin rằng mỗi quốc gia nên đưa ra quyết định của riêng mình về các bước hỗ trợ an ninh, và loại thiết bị có thể cung cấp cho Ukraine”.

Các nước thành viên NATO lâu nay vẫn luôn tìm cách né tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga, và từ chối gửi những loại vũ khí hiện đại nhất cho Ukraine.

Theo một quan chức Mỹ, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ phê chuẩn gói hỗ trợ mới cho Ukraine trị giá hơn 2 tỷ USD bao gồm xe bọc thép Stryker, nhưng không có xe tăng M1 Abrams.

Khả năng gói hỗ trợ này sẽ được công bố vào ngày 20/1, thời điểm diễn ra cuộc họp của giới chức quốc phòng cấp cao từ hàng chục quốc gia tại Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ tại Đức.

Ông Colin Kahl, cố vấn chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc, vừa trở về sau chuyến đi tới Ukraine cũng cho biết Lầu Năm Góc hiện chưa chuẩn bị đáp ứng yêu cầu nhận các xe tăng M1 Abrams mà Kiev đề cập tới.

“Xe tăng Abrams là thiết bị vô cùng phức tạp. Nó đắt đỏ. Đào tạo sử dụng cũng khó”, ông Kahl nói.

Còn vào ngày 19/1, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius sẽ có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Giới chức Mỹ cho hay, ông Austin sẽ gia tăng sức ép với ông Pistorius về việc cho phép chuyển giao các xe tăng Leopard do Đức sản xuất cho Ukraine, trong bối cảnh một số quốc gia thuộc khối NATO sở hữu loại xe này, và mong muốn nhanh chóng chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine.

Xe tăng Leopard 2 của Đức được mệnh danh là một trong những xe tăng tốt nhất của phương Tây. Với trọng lượng hơn 60 tấn, Leopard 2 có thể tấn công mục tiêu nằm cách xa 5km.

Trong khi đó, Ukraine hiện vẫn chủ yếu sử dụng các biến thể tăng T-72 từ thời Liên Xô cũ. Ukraine nhấn mạnh rằng, việc sở hữu các loại xe tăng mới sẽ giúp quân đội nước này chống lại binh sĩ Nga một cách hiệu quả trong những cuộc giao tranh mang tính quyết định.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> EU: Vụ cưỡng hiếp ở Anh; Quy định về bao bì; Thêm nguồn cung dầu mới; Đức bắt Greta Thunberg, chuyển xe tăng cho Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang