EU: Dầu Nga biến mất; Thủ tướng Anh bị phạt; Cải cách hưu bổng ở Pháp; Tình báo Đức báo động; Cấp thêm vũ khí cho Ukraine

KHÍ ĐỐT CỦA NGA GẦN NHƯ BIẾN MẤT HOÀN TOÀN KHỎI THỊ TRƯỜNG EU

(Ảnh minh hoạ).

Trước đây, 25% lượng khí đốt của Nga được xuất khẩu sang phương Tây thì hiện nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 10% và thậm chí là 5% nếu không tính Thổ Nhĩ Kỳ.

Giá khí đốt dự trữ ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã giảm xuống dưới 600 USD/1.000 mét khối. Theo các chuyên gia, giá khí đốt giảm trên sàn giao dịch châu Âu do thời tiết đã ấm lên và sản lượng phong điện gia tăng hỗ trợ nguồn cung năng lượng. Nhiều khả năng mức giá trên sẽ bắt đầu tăng lại khi thời tiết trở lạnh, nhưng điều đó đối với Nga bây giờ không còn quan trọng như một năm trước.

Theo tờ Rossiyskaya Gazeta, Nga từng được hưởng lợi tối đa từ thị trường khí đốt châu Âu trong năm 2021 - 2022, song giờ đây nền kinh tế và ngành công nghiệp khí đốt của nước này không còn phụ thuộc vào giá dự trữ tại châu Âu.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động xuất khẩu khí đốt qua các đường ống của Nga sang châu Âu đã giảm 4,5 lần. Trước đây, 45% lượng khí đốt của đất nước này được xuất khẩu sang phương Tây thì hiện nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 10% và thậm chí là 5% nếu không tính Thổ Nhĩ Kỳ. Do gần như đã biến mất khỏi thị trường EU, chỉ có 5% khí đốt của Nga bị ràng buộc chặt chẽ với giá dự trữ của châu Âu.

Phó Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, ông Alexey Grivach lưu ý rằng giá dầu đã ổn định hơn nhiều trong những năm gần đây, so với tình hình căng thẳng tại các trung tâm khí đốt, nơi có mức độ biến động cực kỳ cao. Đây là lý do tại sao nhiều người mua một lần nữa tìm cách tiến hành các hợp đồng dựa trên giá dầu.

Tuy nhiên, chuyên gia Kirill Rodionov tại Viện Phát triển Công nghệ Nga tin rằng bất chấp việc giá dầu năm ngoái tăng, các khách hàng châu Âu sẽ khó quay lại với các hợp đồng dài hạn liên quan đến giá dầu.

Theo người đứng đầu Trung tâm Phát triển Năng lượng Kirill Melnikov, thị trường khí đốt đang trở nên toàn cầu hóa hơn do ngành thương mại khí đốt tự nhiên hóa lỏng ngày càng được định hướng dựa trên chỉ số trung tâm. Việc tăng giá khí đốt năm 2022 chắc chắn làm xấu đi triển vọng của khách hàng, nhưng khả năng họ quay trở lại mối liên kết hợp đồng dựa trên giá dầu có vẻ đáng nghi ngờ.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

CẢNH SÁT ANH KHÔNG NƯƠNG TAY, PHẠT THẲNG THỦ TƯỚNG RISHI SUNAK

hủ tướng Anh Rishi Sunak chấp nhận nộp phạt tiền và đưa ra lời xin lỗi vì không thắt dây an toàn khi ngồi hàng ghế sau trên xe hơi.

Theo Reuters, cảnh sát Anh hôm 20-1 đã ra quyết định xử phạt đương kim Thủ tướng Rishi Sunak vì ngồi ở hàng ghế sau trên xe hơi mà không thắt dây an toàn. Người đứng đầu chính phủ Anh "vi phạm luật giao thông đường bộ" khi đi du lịch ở Lancashire miền Bắc nước Anh.

Đáng chú ý, những hình ảnh vi phạm luật giao thông của vị thủ tướng 42 tuổi sau đó xuất hiện trên mạng xã hội và khiến ông nhận nhiều chỉ trích từ dư luận cũng như các chính trị gia đối lập.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố từ phía Thủ tướng Anh khẳng định chấp nhận khoản tiền nộp phạt mà cảnh sát đưa ra, đồng thời cũng xin lỗi về hành vi của mình.

"Thủ tướng hoàn toàn thừa nhận đây là một sai lầm và đã xin lỗi. Ông ấy tất nhiên sẽ tuân thủ hình phạt của cảnh sát Lancashire" – văn phòng của ông Sunak ở Phố Downing cho biết trong một tuyên bố.

Hành vi vi phạm luật giao thông ở Anh như trường hợp của Thủ tướng Rishi Sunak thường phải nộp phạt 500 bảng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp được miễn trừ, chẳng hạn như đối với các dịch vụ khẩn cấp, trên taxi hoặc khi tài xế lùi xe.

Đây là lần thứ hai ông Rishi Sunak phải nhận án phạt từ cảnh sát Anh sau lần đầu vào năm ngoái. Khi đó, ông Rishi Sunak cùng với cựu Thủ tướng Boris Johnson bị phạt vì vi phạm quy định về hạn chế COVID-19.

Vì thế, ông Rishi Sunak cũng trở thành vị thủ tướng Anh đương nhiệm thứ hai, sau ông Johnson, bị cảnh sát yêu cầu xử phạt.

Mặc dù đã đưa ra lời xin lỗi nhưng Thủ tướng Anh Rishi Sunak vẫn nhận nhiều chỉ trích từ dư luận cũng như các chính trị gia đối lập. "Cảm ơn cảnh sát Lancashire vì tất cả những gì các bạn đã làm trong chiến dịch vận động an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, điều này nhắc nhở chúng ta rằng không ai đứng trên luật pháp" - nhà lập pháp Cat Smith viết trên Twitter.

(Nguồn: CafeF)

CẢI CÁCH HƯU BỔNG TẠI PHÁP: GIỚI CÔNG ĐOÀN THẮNG TRẬN ĐẦU TIÊN TRONG CUỘC ĐỌ SỨC VỚI CHÍNH PHỦ

(Ảnh minh hoạ).

Phong trào biểu tình trên toàn nước Pháp huy động được hơn một triệu người xuống đường chống dự án cải tổ chế độ hưu bổng của chính quyền vào hôm qua dĩ nhiên là đề tài chiếm trọn trang nhất các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay 20/01/2023, với nhận định chung là các công đoàn đã thắng được keo đầu trong cuộc đọ sức với chính quyền Macron.

Điều đáng chú ý đầu tiên là các báo đều dùng đến từ ngữ “bras de fer” (nghĩa là “đọ sức”), để nói về các cuộc biểu tình, ngay trong tựa chính trang nhất trên các tờ Les Echos, La Croix, hay ở trang trong đối với tờ Le Figaro.

Không hẹn mà gặp, hai tờ La Croix và Les Echos gần như chạy cùng một tựa chính. Trong lúc tờ báo Công Giáo (La Croix) nhìn thấy là “Cuộc đọ sức đã bắt đầu”, thì tờ báo kinh tế (Les Echos) cũng ghi nhận “Cuộc đọ sức khai diễn”. Đối lập nhau là hai tờ Libération, thiên tả, và Le Figaro, thiên hữu đã nêu bật hai cách nhìn chủ quan hơn về sự việc.

Trong tựa lớn trang nhất của mình, Libération đã nêu bật tính chất rầm rộ của phong trào chống cải tổ trong tít lớn ngắn gọn “En force”, vừa có nghĩa là “đông đảo”, vừa có nghĩa là “mạnh mẽ”, một cái tựa được bổ sung ngay bằng bài xã luận mang tựa rất sắc: “Thành công”. Le Figaro thì chừng mực hơn, ghi nhận trong hàng tựa lớn trang nhất cả hai vế: “Công đoàn huy động lực lượng, Macron giữ vững hướng đi”.

Riêng tờ Le Monde thì nhấn mạnh: “Cải cách chế độ hưu bổng: Một cuộc huy động lực lượng hiếm thấy cho một ngày hành động mang tính trắc nghiệm”.

Libération: Cuộc biểu tình rầm rộ nhất dưới thời Macron

Đối với tất cả các tờ báo, nếu căn cứ vào số người tham gia các cuộc biểu tình khắp nơi trên khắp nước Pháp vào hôm qua, thì các công đoàn Pháp đã rất thành công trong việc huy động lực lượng chống kế hoạch cải tổ hưu bổng, lôi kéo được từ một đến hai triệu người xuống đường.

Libération có vẻ rất phấn khởi, nêu lên ngay trang nhất: “Hơn 1 triệu người đã biểu tình hôm thứ Năm trên khắp nước Pháp để phản đối kế hoạch cải cách hưu bổng. Các công đoàn đã hoàn thành tốt bài trắc nghiệm đầu tiên, qua đó làm suy yếu chính phủ”.

Trong bài viết bên trong mang tựa đề “Tới một lúc nào đó, đủ rồi” - tức là không chịu đựng thêm được nữa - tờ báo không ngần ngại nhấn mạnh rằng hôm qua đã diễn ra “cuộc biểu tình quan trọng nhất của thời kỳ Emmanuel Macron”. Thống nhất được với nhau lần đầu tiên kể từ năm 2010, các công đoàn đã thành công hơn trong việc huy động biểu tình, tập hợp được 2 triệu người trên khắp nước Pháp - theo số liệu của công đoàn CGT. Ngay cả chính quyền cũng phải công nhận là đã có đến 1,12 triệu người xuống đường, theo như thống kê của bộ Nội Vụ.

Trong bài xã luận mang tựa ngắn gọn: “Thành công”, nhật báo thiên tả Pháp đã nêu bật sự kiện là biểu tình không chỉ rầm rộ ở các thành phố lớn như Paris hay Marseille, mà tại rất nhiều thành phố, thị trấn nhỏ, các cuộc xuống đường cũng “đầy người”.

Theo Libération, các công đoàn rất muốn thành công như vào năm 1995, khi sau nhiều tuần tranh đấu họ đã đạt được con số 2 triệu người xuống đường, buộc được chính quyền Chirac-Juppé thời đó rút lại kế hoạch cải cách hưu bổng.

Chính vì vậy mà ngay từ hôm qua, các công đoàn đã kêu gọi một ngày hành động khác vào hôm 31/01 tới đây, vào lúc chính phủ chuyển dự luật cải tổ qua Quốc Hội.

Le Figaro: Không nên lùi bước trước đường phố

Nếu Libération có vẻ rất tâm đắc với thành công bước đầu của phong trào phản đối cải cách hưu bổng, thì Le Figaro lại thận trọng hơn, nêu bật quyết tâm của chính phủ muốn đưa kế hoạch cải cách đến nơi đến chốn vì đó là một công cuộc cải tổ “công bằng và có trách nhiêm”

Tờ báo thiên hữu thừa nhận rằng cuộc xuống đường hôm qua đã “đáp ứng được tham vọng của những người chủ trương”. Chính bộ trưởng bộ Lao Động Pháp Olivier Dussopt, đã phải công nhận rằng đó là một cuộc “huy động lực lượng đáng kể”, và cho rằng cần phải “lắng nghe các thông điệp của người biểu tình”.

Tờ báo đã ghi nhận tuyên bố đắc thắng của Jean-Luc Mélenchon, thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất đối lập, cho rằng “Chính phủ đã thua trận đầu tiên”.

Đối với Le Figaro, các công đoàn có vẻ như được củng cố thêm với thành công của cuộc biểu tình. Thế nhưng trước sự phô trương sức mạnh của các công đoàn, tổng thống Pháp đã nêu bật tính chính đáng mà cử tri đã dành cho ông để tiến hành cải cách, đồng thời tỏ rõ quyết tâm đi đến cùng trong kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng.

Trong bài xã luận ngay trang nhất mang tựa đề “Thế nhưng”, Le Figaro cho rằng “Một triệu người biểu tình có là bao so với 30 triệu người lao động? Đó chỉ là một giọt nước, luôn luôn bao gồm những gương mặt quen thuộc với những cuộc xuống đường, và nhất là ít bị ảnh hưởng nhất từ công cuộc cải tổ.

Đối với tờ báo, kế hoạch chắc chắn sẽ được Quốc Hội thông qua, nhất là khi Chính phủ được hậu thuẫn của các dân biểu thuộc đảng Những Người Cộng Hòa bên cánh hữu, cũng như ở Thượng Viện cũng với đa số trong tay cánh hữu.

Theo Le Figaro, về nội dung, cuộc cải cách này không mang thay đổi nào lớn, thậm chí còn tốt hơn chế độ hiện hành. Vì tất cả những lý do đó, Le Figaro cho rằng, đối mặt với sự đe dọa của đường phố, chính quyền không có lý do gì để lui bước.

Ukraina: Xe tăng phương Tây chắc chắn sẽ đến

Cuộc đọ sức trên vấn đề hưu bổng tại Pháp đã đẩy tất cả các vấn đề thời sự khác xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, hồ sơ chiến tranh Ukraina cũng vẫn thu hút sự chú ý của các báo, đặc biệt là khả năng Phương Tây sẽ chi viện xe tăng hạng nặng cho Ukraina.

Trong bài “Viện trợ cho Ukraina: Phương Tây không còn chặn xe tăng nữa”, Libération ghi nhận là một tuần sau thông báo của Vương quốc Anh, các đồng minh của Kiev đang đẩy mạnh các đề xuất gửi vũ khí hạng nặng qua Ukraina. Tuy rất miễn cưỡng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, vào hôm nay các nước chi viện cho Kiev sẽ gặp nhau tại Đức để phối hợp kế hoạch cung cấp xe tăng và vũ khí nặng cho Ukraina.

Theo Libération, trong gần mười một tháng kể từ khi Nga xâm lược đất nước của mình, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không ngừng lặp lại ước mong, muốn NATO thiết lập vùng cấm bay trên Ukraina, và cung cấp cho mình vũ khí hạng nặng, đạn dược và xe tăng hiện đại kiểu phương Tây. Lần đầu tiên, các đồng minh của Kiev dường như sẵn sàng thực hiện điều ước của ông.

Gặp nhau vào hôm nay tại căn cứ quân sự của NATO ở Ramstein, Đức, họ sẽ thảo luận về sự phối hợp và phương pháp gửi vũ khí hạng nặng. Và điều này bất chấp lời cảnh báo vào hôm qua từ Điện Kremlin về nguy cơ “leo thang” xung đột trong trường hợp “chuyển giao vũ khí tầm xa” cho Kiev.

Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu và NATO đã thận trọng không xem xét việc cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraina. Thế nhưng, việc Matxcơva gia tăng các cuộc tấn công vào dân thường – đặc biệt là cuộc tàn sát ở Dnipro vào ngày 14/01 – và viễn cảnh về một cuộc chiến tranh kéo dài, rốt cuộc đã thuyết phục phương Tây về việc phải giao vũ khí hạng nặng cho Ukraina.

Vì Ukraina, Nga trở thành chư hầu của Trung Quốc ?

Cũng liên quan đến vấn đề cuộc chiến tranh Ukraina, nhật báo Le Monde hôm nay đã nêu bật tình trạng lệ thuộc Trung Quốc của Nga một năm sau khi Matxcơva phát động cuộc xâm lược Ukraina.

Theo Le Monde, tình hữu nghị giữa hai nước Nga và Trung Quốc, được phô trương là “không giới hạn” kể từ thông cáo báo chí ngày 4 tháng 2 năm 2022, thực ra không mấy hoàn hảo, và từ vai trò anh cả trước đây, Matxcơva đang rơi vào hoàn cảnh bị lệ thuộc, thậm chí là chư hầu của Bắc Kinh.

Khi Chiến Tranh Lạnh bắt đầu, vào những năm 1950, nước Trung Quốc của Mao đã phải phục tùng người anh cả Liên Xô. Trong phe “Đỏ", Trung Quốc phải chịu sự giám hộ của Liên Xô, với Stalin chiếm thế thượng phong. Ngày nay, tình hình đã đảo ngược. Sau một năm của cuộc chiến mà họ phát động chống lại Ukraina, Nga ngày càng thấy mình phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong mối quan hệ “hữu nghị vô bờ bến” mà Matxcơva và Bắc Kinh tuyên bố đã thiết lập, Tập Cận Bình là nhân tố chiếm ưu thế – mỗi ngày một nhiều hơn.

Theo Le Monde, trong cặp đôi Trung-Nga, kinh tế và dân số tạo nên ưu thế của Trung Quốc. Hai nước có chung 4.200 km đường biên giới. Với khoảng 18.000 tỷ đô la, Trung Quốc (1,4 tỷ dân) có GDP lớn gấp mười lần Nga (144 triệu dân). Các lệnh trừng phạt sau ngày 24 tháng 2 năm 2022 và việc Liên Hiệp Châu Âu quyết định tẩy chay các dầu khí của Nga đã làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc – một tình huống mà nhà khoa học chính trị người Nga Alexander Gabuev, thuộc Quỹ Carnegie, đã trình bày chi tiết trong một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs (tháng 8 năm 2022) với tựa đề "Chư hầu mới của Trung Quốc".

Để bù đắp cho sự mất đi của các khách hàng châu Âu giàu có, Nga không có lựa chọn nào khác cho dầu khí của mình ngoài thị trường Trung Quốc (và Ấn Độ). Bắc Kinh là bạn bè của Matxcơva, nhưng lại là người bạn biết tính toán, mua dầu khí của nước bạn với giá bèo, thấp hơn mức trung bình của thế giới. Để thanh toán, Trung Quốc áp đặt việc dùng nhân dân tệ. Về phần mình, người Nga mua nhiều hàng sản xuất tại Trung Quốc hơn: vào năm 2021, từ 15% đến 18% hàng nhập khẩu của Nga đến từ Trung Quốc; 29% vào năm 2022, chủ yếu là do chiến tranh.

Theo nhà nghiên cứu Gabuev, Bắc Kinh đang nắm trong tay những quân bài tốt nhất. Cuộc chiến đang tiến hành buộc Nga phải khuất phục trước Trung Quốc. Với việc nền tài chính công của Nga phụ thuộc vào mức độ bán hydrocarbon cho nước láng giềng lớn, Bắc Kinh có đòn bẩy mạnh mẽ đối với “người bạn” Nga của mình.

Hệ quả rõ nét về mặt chính trị-ngoại giao, Trung Quốc thúc đẩy Nga hạn chế bán vũ khí cho Ấn Độ hoặc Việt Nam, hai quốc gia bị cho là đứng về phía Mỹ trong cuộc đối đầu Bắc Kinh-Washington.

Tóm lại, theo Le Monde, Nga đang mất quyền tự chủ chiến lược.

(Nguồn: RFI)

TÌNH BÁO ĐỨC "BÁO ĐỘNG" VỀ TỔN THẤT CỦA UKRAINE Ở BAKHMUT

Theo cơ quan tình báo Đức, Ukraine đang hứng tổn thất nặng nề ở mặt trận Bakhmut, miền Đông nước này khi Nga chuyển trọng tâm sang đây.

Báo Der Spiegel đưa tin ngày 20/1, Cơ quan Tình báo Liên bang Đức "báo động" về tổn thất nặng nề của Ukraine ở chiến trường Bakhmut, tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. "Mỗi ngày, số binh sĩ Ukraine thiệt mạng (ở Bakhmut) đang ở mức 3 con số", Der Spiegel dẫn số liệu của cơ quan tình báo Đức trong một cuộc họp kín hồi đầu tuần này.

Theo đánh giá của giới tình báo Đức, cả Nga và Ukraine tìm cách kiểm soát thành phố Bakhmut chiến lược suốt vài tháng qua, nhưng tình hình không khả quan cho Kiev. Họ cảnh báo, nếu Nga kiểm soát Bakhmut, Ukraine sẽ phải gánh "những hậu quả nghiêm trọng.

Quân đội Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin trên. Trước đó, giới chức nước này, trong đó có Tổng thống Volodymyr Zelensky, xác nhận tình hình ở mặt trận Bakhmut "vô cùng khó khăn", song lực lượng Ukraine đang nỗ lực giữ vững phòng tuyến.

Bakhmut có ý nghĩa chiến lược với cả Nga và Ukraine. Nếu Moscow giành được Bakhmut, họ có thể phá vỡ tuyến tiếp tế của Ukraine và mở ra hướng tiến công cho phía Nga nhằm gây áp lực lên Kramatorsk và Sloviansk - các thành trì chủ chốt của Ukraine ở Donetsk, từ đó kiểm soát hoàn toàn Donetsk.

Với Ukraine, Bakhmut không chỉ là một điểm phòng thủ mà còn là một trong những trung tâm giao thông lớn và cuối cùng ở Donbass còn nằm trong tay Kiev. Tất cả các tuyến tiếp vận của quân đội Ukraine tới Donbass đều phải qua đây.

Nhiều chuyên gia nhận định, trận chiến ở Bakhmut có thể tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nga đang có ưu thế về lực lượng và hỏa lực ở đây nhờ được bổ sung từ mặt trận Kherson.

(Nguồn: Dân Trí)

CÁC QUỐC GIA CHÂU ÂU CAM KẾT CUNG CẤP THÊM VŨ KHÍ GÌ CHO UKRAINE?

(Ảnh minh hoạ).

Một nhóm 11 quốc gia châu Âu ngày 19/1 đã cam kết cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời cho biết họ sẽ gửi xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo hạng nặng, phòng không, đạn dược và xe chiến đấu bộ binh.

Tuyên bố được các quốc gia đưa ra theo định dạng cam kết Tallinn được ký tại Estonia. Theo cam kết này, 11 quốc gia gồm Estonia, Anh, Ba Lan, Latvia, Litva, Đan Mạch, Séc, Đức, Hà Lan, Slovakia và Tây Ban Nha sẽ tiếp tục đưa ra gói viện trợ mới với nhiều vũ khí hạng nặng.

Đan Mạch sẽ tiếp tục huấn luyện các lực lượng Ukraine nhưng không giới hạn ở Chiến dịch INTERFLEX do Vương quốc Anh dẫn đầu. Bên cạnh đó, Đan Mạch sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh quyên góp vũ khí và hỗ trợ quân sự phù hợp với nhu cầu của Ukraine. Trước đó Đan Mạch đã tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp trị giá gần 600 triệu euro cho Ukraine.

Gói viện trợ của Estonia bao gồm hàng chục khẩu pháo 155 mm FH-70 và 122 mm D-30, hàng nghìn viên đạn pháo 155 mm, phương tiện hỗ trợ cho các đơn vị pháo binh, hàng trăm súng phóng lựu chống tăng Carl-Gustaf M2 cùng đạn dược. Estonia sẽ tiếp tục cung cấp đào tạo cơ bản và chuyên môn cho hàng trăm thành viên Lực lượng Vũ trang Ucraina vào năm 2023.

Latvia cũng đang chuẩn bị gói tài trợ mới với hàng chục hệ thống phòng không vác vai Stinger và các thiết bị phòng không bổ sung, hai máy bay trực thăng M-17, hàng chục súng máy với đạn dược, vài chục UAV và phụ tùng thay thế cho lựu pháo M109. Năm 2023, Latvia đang lên kế hoạch huấn luyện khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine từ huấn luyện bộ binh cơ bản đến các khóa chuyên ngành.

Gói viện trợ mới của Litva bao gồm hàng chục khẩu pháo phòng không L-70, hàng chục nghìn đạn pháo và 2 trực thăng Mi-8, với tổng giá trị thay thế là 85 triệu euro. Năm nay, Litva sẽ đầu tư 40 triệu euro để mua sắm hỗ trợ quân đội Ukraine. Điều này sẽ bao gồm thiết bị chống máy bay không người lái, thiết bị quang học, thiết bị quan sát nhiệt và máy bay không người lái. Ngoài ra, 2 triệu euro sẽ được chuyển đến Quỹ Quốc tế Vương quốc Anh để tài trợ cho các dự án mua sắm vũ khí hạng nặng như hệ thống pháo và đạn dược, bệ hỏa lực trực tiếp hoặc xe chiến đấu bọc thép. Tổng giá trị gói chuyển nhượng sắp tới của Litva là 125 triệu euro.

Gói mới của Ba Lan bao gồm súng phòng không S-60 với 70.000 viên đạn. Ba Lan đã tặng 42 xe chiến đấu bộ binh cùng với gói huấn luyện cho hai tiểu đoàn cơ giới. Ba Lan tiếp tục cung cấp lựu pháo 155 mm KRAB và đang cung cấp cho Ucraina nhiều loại đạn dược. Ngoài ra, Ba Lan sẵn sàng tặng đại đội xe tăng Leopard.

Đối với Slovakia, ngoài các thiết bị hạng nặng được tài trợ, nước này sẽ tiếp tục thảo luận chuyên sâu với các đồng minh để mở khóa các khoản tài trợ thiết bị khác, hiện tập trung vào xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và hệ thống phòng không. Nó cũng bao gồm việc tăng cường sản xuất lựu pháo, thiết bị rà phá bom mìn và đạn dược.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc cho biết họ đang làm việc với ngành công nghiệp quốc phòng của mình để tăng năng lực sản xuất nhằm cung cấp nhiều hỗ trợ hơn, đặc biệt là sản xuất đạn dược cỡ nòng lớn, lựu pháo và xe bọc thép chở quân (APC). Một nội dung hỗ trợ quan trọng khác sẽ là bảo trì các thiết bị đã được giao cho Ucraina.

Gói tăng cường của Anh bao gồm một phi đội xe tăng Challenger 2 với các phương tiện phục hồi và sửa chữa bọc thép, pháo 155mm tự hành AS90, hàng trăm phương tiện bọc thép và bảo vệ khác, gói hỗ trợ cơ động bao gồm khả năng vượt qua bãi mìn và bắc cầu, hàng chục hệ thống máy bay không người lái khác để hỗ trợ pháo binh Ukraine và 100.000 viên đạn pháo khác. Nó cũng bao gồm hàng trăm tên lửa tinh vi hơn bao gồm tên lửa GMLRS, tên lửa phòng không Starstreak và tên lửa phòng không tầm trung, 600 quả đạn chống tăng Brimstone và gói phụ tùng hỗ trợ thiết bị để tân trang lại hàng trăm xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của Ukraine. Gói này được tăng cường hơn nữa bằng cách tiếp tục đào tạo cơ bản và đào tạo lãnh đạo cấp cơ sở ở Anh với 9 đối tác quốc tế.

Mặc dù đã đạt được thống nhất về việc tiếp tục viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ucraina, tuy nhiên các đồng minh phương Tây vẫn đang gặp khó khăn trong việc cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine do chưa có sự đồng ý của Đức. Tuy nhiên, các bên hy vọng vấn đề này có thể sẽ được giải quyết sau cuộc họp giữa Đức và các đồng minh tại Ramstein, căn cứ không quân chính ở châu Âu của Mỹ vào ngày 20/1./.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> EU: Lựa chọn trong khủng hoảng; Đình công ở Pháp; Hiệp ước Pháp-TBN; Đức: Tăng nhập khí đốt, quyết đạt trung hòa khí thải ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang