Dòng tiền đổ vào Á; Đòi ly hôn ở Philippines; TQ sẽ thay Nga ở Trung Á; Macau bị siết chặt; Zelensky ra 'tối hậu thư' với NATO

Dòng tiền đổ vào châu Á

(Ảnh minh họa).

Sự thất vọng đối với chứng khoán của Trung Quốc tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư toàn cầu chuyển hướng sang những thị trường lớn khác của châu Á.

Một chỉ số chứng khoán quan trọng của Trung Quốc đã chứng kiến mức sụt giảm tới 20% trong tuần này. Tuy nhiên, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lại tăng mạnh và chỉ số tại Ấn Độ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đầu tháng 5, chứng khoán Nhật Bản cũng đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ, trong khi Đài Loan tiếp tục vượt trội so với hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới, theo Bloomberg.

Sự chuyển dịch đang diễn ra, các doanh nghiệp châu Á đang đạt được sức hút, trái ngược với xu hướng suy giảm của Trung Quốc đại lục. Sự gia tăng ở các thị trường này diễn ra trong bối cảnh lo ngại sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ kéo chứng khoán toàn khu vực đi xuống.

Triển vọng rực rỡ của những nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới ở Hàn Quốc và Đài Loan, lạm phát ở Nhật Bản ổn định và tiêu dùng bùng nổ của Ấn Độ là những cơn gió thúc đẩy cổ phiếu tăng cao, ngay cả khi các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đại lục đi xuống.

Bức tranh bi quan cho chứng khoán Trung Quốc

“Hàn Quốc cho phép nhà đầu tư tiếp cận với những công ty trong chuỗi cung ứng pin và công nghệ, Đài Loan là quê hương của TSMC, trong khi Nhật Bản sở hữu những công ty dẫn đầu toàn cầu trong nhiều lĩnh vực”, Christina Woon, giám đốc đầu tư chứng khoán châu Á tại Abrdn, cho biết.

Tính đến giữa tháng 5, dòng vốn nước ngoài đã chảy vào Nhật Bản trong bảy tuần liên tiếp. Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã nhận được ít nhất 9,1 tỷ USD vào năm nay.

Ngược lại, HSBC Holdings ước tính phân bổ quỹ đầu tư toàn cầu vào Trung Quốc đã giảm trở lại mức tháng 10/2022. Tổng đầu tư nội địa Trung Quốc vào tháng 5 cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 5, làm triển vọng thêm ảm đạm.

Sự vượt trội của các thị trường khác có thể bắt nguồn từ việc dân số Trung Quốc thu hẹp và các ngành công nghiệp đạt giới hạn. Chứng khoán Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc thường xuyên lấn lướt Trung Quốc kể từ năm 2020.

“Việc tái phân bổ ra khỏi Trung Quốc trên thực tế có thể đã xúc tác cho sự phục hồi của những khu vực khác tại châu Á. Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế vĩ mô ở châu Á đang giúp ích với lãi suất đạt đỉnh, áp lực lên đồng USD và nhu cầu phương Tây phục hồi”, Aninda Mitra, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và vĩ mô châu Á tại BNY Mellon Investment Management, cho biết.

Lựa chọn thay thế phù hợp

Cải cách doanh nghiệp và nhận định của Warren Buffett đã khuấy động các cổ phiếu bị định giá thấp tại Nhật Bản. Các chỉ số Topix và Nikkei có mức tăng hai con số trong năm nay.

Các thị trường thiên về công nghệ như Hàn Quốc và Đài Loan đang phất lên khi nhu cầu toàn cầu về AI và chip tăng vọt. Mức tăng ở hai thị trường này đạt ít nhất 15% trong năm nay.

Tại Ấn Độ, cơ sở nhà đầu tư bán lẻ đang phát triển và thu nhập ổn định đã thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài, đẩy chỉ số Nifty 50 gần chạm mốc cao nhất mọi thời đại.

Chủ đề châu Á hậu Trung Quốc được thể hiện rõ trong các hành động chiến lược gần đây. BNY Mellon Investment Management đã chuyển Trung Quốc sang mức "bình thường" vào tuần trước, ưu tiên các thị trường được hưởng lợi từ tiêu dùng của Trung Quốc như Hàn Quốc, Thái Lan hoặc Singapore. Nhóm phân bổ toàn cầu của Citigroup đã chuyển Trung Quốc từ ưu tiên sang bình thường với lý do thiếu các biện pháp kích thích thị trường.

Thị trường Trung Quốc đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau khi mở cửa từ tháng 11/2022 với các doanh nghiệp nhà nước cũng như các tên tuổi ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sự suy giảm thị trường có thể ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế đất nước.

“Bạn cần làm rõ và tìm đúng mục tiêu khi đầu tư vào Trung Quốc. Có rất nhiều hoài nghi về triển vọng dài hạn của Trung Quốc, kéo theo sự suy giảm trong đầu tư ngắn hạn”, Timothy Moe, chuyên gia trưởng về cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Goldman Sachs, cho biết

(Nguồn: Zing News)

Đấu tranh đòi quyền ly hôn ở Philippines

Bà mẹ ba con Stella Sibonga muốn kết thúc cuộc hôn nhân mà mình chưa từng muốn, nhưng ly hôn ở Philippines bị coi là phạm pháp.

Philippines là nơi duy nhất ngoài Vatican cấm ly hôn. Tại quốc gia đa số người dân theo Công giáo, Giáo hội Công giáo, bên có ảnh hưởng lớn tới xã hội, phản đối ly hôn bởi vi phạm giáo lý.

Những người ủng hộ ly hôn cho rằng việc cấm đoán khiến họ không thể thoát khỏi người bạn đời bạo hành, ngăn cản vợ chồng cắt đứt quan hệ và tái hôn.

Thủ tục pháp lý chậm chạp và tốn kém, có vụ mất tới 10.000 USD và không có gì đảm bảo sẽ thành công. "Tôi không hiểu tại sao lại khó khăn thế", Sibonga, 45 tuổi, người đã dành 11 năm cố gắng thoát khỏi cuộc hôn nhân do bố mẹ ép buộc, nói.

Hiện tại, người muốn ly hôn có thể yêu cầu tòa án hủy hôn ước, tức là tuyên bố đám cưới không hợp lệ ngay từ đầu, nhưng chính quyền có thể kháng cáo phán quyết.

Cuộc chiến pháp lý của Sibonga bắt đầu năm 2012, khi cô đệ đơn lên tòa án yêu cầu hủy bỏ hôn nhân với lý do chồng "mất năng lực tâm lý". Sau 5 năm và tốn 3.500 USD, một phẩm phán cuối cùng đồng ý. Tuy nhiên, Sibonga chỉ nhẹ nhõm trong thời gian ngắn.

Cơ quan Tổng luật sư, đại diện pháp lý của chính phủ được giao nhiệm vụ bảo vệ thể chế hôn nhân, đã kháng cáo thành công phán quyết hủy hôn năm 2019. Sibonga yêu cầu tòa phúc thẩm đảo ngược quyết định ấy và tới nay vẫn chờ câu trả lời.

"Tại sao chúng tôi, những người đau khổ, bị ruồng rẫy và bạo hành, lại bị luật pháp trừng phạt?" Sibonga, 45 tuổi, nói. "Tất cả những gì chúng tôi muốn là tự do".

Giáo hội Công giáo, nơi phản đối phá thai và sử dụng biện pháp tránh thai, là tổ chức quyền lực nhất phản đối ly hôn ở Philippines. Theo dữ liệu điều tra dân số, khoảng 78% trong số 110 triệu dân của đất nước theo Công giáo. Nhiều chính trị gia muốn tránh mâu thuẫn với giáo hội về các vấn đề xã hội nhạy cảm.

Nhưng quốc hội đã đạt được một số thay đổi quan trọng trong những năm gần đây. Luật kiểm soát sinh đẻ được thông qua năm 2012 bất chấp giáo hội phản đối. Năm 2018, các đảng lớn và đảng đối lập trong Hạ viện đã thông qua dự luật cho phép ly hôn dù sau đó nó bị đình trệ tại Thượng viện. Đây là lần đầu một dự thảo ly hôn đi xa đến thế.

Khảo sát do công ty thăm dò ý kiến Social Weather Stations thực hiện cho thấy thái độ của người Philippines đối với ly hôn đã thay đổi. Năm 2005, 43% người Philippines ủng hộ hợp pháp hóa ly hôn với "những đôi vợ chồng ly thân không thể hòa giải", trong khi 45% không đồng ý. Khảo sát năm 2017 cho thấy 53% ủng hộ, 32% phản đối.

Một nhóm các nhà lập pháp đang tiến hành các nỗ lực mới để hợp pháp hóa ly hôn, họ đã trình một số dự luật lên Hạ viện và Thượng viện. Nghị sĩ Edecl Lagman, người soạn một dự luật, nhấn mạnh "chúng tôi không phá hoại bất kỳ cuộc hôn nhân nào".

"Ly hôn dành cho những cuộc hôn nhân đã rối loạn đến mức không thể sửa chữa" và hợp pháp hóa ly hôn sẽ giúp phụ nữ và con cái thoát khỏi "người chồng bạo hành", Lagman nói.

Trước khi đắc cử, Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr tuyên bố Philippines nên cân nhắc cho phép ly hôn, nhưng khẳng định điều này không dễ dàng. Thủ tục pháp lý phức tạp, thời gian chờ đợi lâu, làm nảy sinh những vụ lừa đảo trên mạng với quảng cáo giúp hủy hôn nhanh chóng mà không cần ra tòa.

Một nạn nhân cho biết bị lừa 2.400 USD. Cô đang cân nhắc chuyển sang đạo Hồi để được ly hôn theo luật Hồi giáo.

"Tôi thực sự đang thử mọi cách để được một lần nữa làm người độc thân", cô nói. "Việc ly hôn quá mất thời gian, tốn kém và không có gì chắc chắn, nên tôi đang tìm cách khác dễ dàng hơn".

Katrina Legarda, chuyên gia luật gia đình, cho hay số lượng người bị lừa cho thấy "nhu cầu cấp thiết" cần ra luật mới. Nhưng Cha Jerome Secillano từ Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines cho rằng đất nước nên tự hào là quốc gia duy nhất ngoài Vatican "giữ quan điểm hôn nhân truyền thống".

"Không có mối quan hệ nào là hoàn hảo", ông nói. Secillano cho hay ly hôn người bạn đời bạo hành sẽ "nuôi dưỡng bạo lực" bởi thủ phạm sẽ tiếp tục bạo hành người phối ngẫu tiếp theo. "Đó không phải là cách trị tận gốc", ông nói.

Sibonga theo Công giáo nhưng đã dừng đi lễ. Cô có bạn trai đã lâu nhưng không thể kết hôn với anh tới khi cuộc hôn nhân đầu kết thúc hợp pháp.

"Người ta cho rằng về mặt pháp luật, tôi vẫn là người đã có chồng, nên tôi phạm tội ngoại tình", cô nói. "Họ tin rằng những gì Chúa đã thắt dây liên kết không được phép tách rời. Có thật không? Ngay cả khi chồng cố giết bạn, ngay cả sau tất cả những gì anh ta đã làm, vẫn không được phép ly hôn?".

Sibonga cho hay mối quan hệ với chồng từng khiến cô trầm cảm và hai lần định tự tử. Cô không muốn con mình kết hôn tới khi ly hôn được hợp pháp hóa.

"Tôi nói với các con rằng có thể sống chung, sinh con tùy thích, nhưng tôi sẽ không bao giờ đồng ý cho các cháu kết hôn", cô nói. "Tôi chỉ không muốn các cháu có kết cục như tôi".

(Nguồn: Vnexpress)

Trung Quốc sẽ thay thế vai trò của Nga ở Trung Á?

(Ảnh minh họa).

Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hợp tác, gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực Trung Á trong bối cảnh Nga đang dồn sức cho xung đột ở Ukraine.

Tuần trước, trong khi lãnh đạo các nước G7 tập trung tại Hiroshima (Nhật Bản) để tìm cách gây sức ép, đối chọi lại với Trung Quốc, tại thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình "trải thảm đỏ" chào đón lãnh đạo 5 quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần đầu tiên.

Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Nga đang phải dồn sức cho chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Do đó, vai trò "anh cả" của Moskva đối với các quốc gia Trung Á có phần suy giảm khi Nga đang phải tập trung nguồn lực cho nhiều mặt trận khác nhau.

Trung Quốc 'chớp thời cơ'

Hội nghị Trung Quốc - Trung Á ở Tây An là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ với các quốc gia Trung Á cách đây 31 năm. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rót 26 tỷ nhân dân tệ (3,7 tỷ USD) hỗ trợ tài chính và trợ cấp cho các nước Trung Á.

Theo giới quan sát, cam kết hỗ trợ được đưa ra tại hội nghị này là một phần trong nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm thể hiện với lãnh đạo các nước đến từ Trung Á rằng Trung Quốc là đối tác hào phóng và đáng tin cậy.

Meaghan Tobin - nhà phân tích về quan hệ quốc tế của Washington Post, nhận định điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Trung Á, nhằm thúc đẩy một thế giới đa cực, nơi Mỹ không còn là siêu cường toàn cầu duy nhất.

Theo học giả người Thụy Điển và chuyên gia về Nga Stefan Hedlund, trong bối cảnh ảnh hưởng của Nga đang suy giảm trong khu vực, Trung Quốc sẵn sàng "lấp chỗ trống" , thay thế vị trí của Moskva. " Đây là lần đầu tiên vai trò của Nga - từng là bá chủ ở Trung Á trong nhiều thập kỷ, bị giảm sút. Và điều này xảy ra sau khi Nga đánh mất tình bạn trong khu vực và Trung Quốc chộp lấy cơ hội trở thành bá chủ mới", Stefan Hedlund cho hay.

Trung Á từng là nơi "Con đường Tơ lụa" lịch sử nối liền Trung Quốc với châu Âu đi qua. Khu vực này những năm qua trở thành chìa khóa cho sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Bên cạnh tham vọng gây ảnh hưởng kinh tế ở khu vực thông qua các khoản viện trợ mạnh tay, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra những lời hứa hẹn về thúc đẩy thương mại, tăng cường thực thi pháp luật, xây dựng năng lực an ninh và quốc phòng ở khu vực.

"Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á cho thấy sự thống nhất và sự đồng thuận khu vực với Bắc Kinh. Các nước Trung Á hiểu rằng trong thế giới đa cực này, họ được kỳ vọng sẽ đứng về phía Nga và Trung Quốc", Niva Yau, thành viên của Trung tâm Trung Quốc toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Bishkek, Kyrgyzstan, nhận định.

Theo Yang Jiang - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, trong bối cảnh chính phủ các nước Trung Á muốn tạo dựng các liên kết kinh tế quốc tế, cả Trung Quốc và Nga cũng muốn củng cố mối quan hệ chặt chẽ và ổn định trong khu vực, nhất là khi cả Moskva và Bắc Kinh đang tìm cách duy trì các tuyến đường bộ vững chắc để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Chuyên gia Yang Jiang không cho rằng "Trung Quốc cố gắng thay thế Nga, đặc biệt là về ảnh hưởng chiến lược và ảnh hưởng văn hóa", ngay cả khi "về mặt kinh tế, Trung Quốc chắc chắn là cường quốc mạnh hơn Nga".

Tại hội nghị, lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, tăng cường quan hệ với khu vực này là "lựa chọn chiến lược" của Bắc Kinh, kêu gọi mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ của Trung Quốc với Trung Á.

Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần đầu là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này. Trung Quốc hy vọng tăng cường quan hệ với các nước Trung Á do tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với sáng kiến ​​BRI. Việc Nga đang đồn sức cho xung đột với Ukraine được cho sẽ tạo ra khoảng trống để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.

Tháng 9 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã chọn Trung Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau hơn 2 năm nước này đóng biên, thực thi chính sách "Zero COVID" để phòng chống dịch COVID-19. Ông Tập Cận Bình dành 3 ngày ở Kazakhstan và Uzbekistan và tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - tổ chức kinh tế và an ninh do Trung Quốc dẫn dắt.

Trung Quốc đã dành nhiều ưu tiên cho Trung Á. Kazakhstan là nơi ông Tập Cận Bình khởi động sáng kiến BRI năm 2013, trong đó Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Á. Thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á đạt mức kỷ lục 70 tỷ USD trong năm 2022, tăng 22% trong quý đầu tiên năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc mở rộng đường ống với Trung Á. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Công ty Quốc gia KazMunayGas của Kazakhstan đồng ý khai thác đường ống này.

Mới đây, Kyrgyzstan cũng nhất trí giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Khi quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Nga ngày càng sâu sắc, đồng nhân dân tệ đã trở thành loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Moskva. Các nước từ Brazil tới Bangladesh cũng bày tỏ quan tâm tới giao dịch sử dụng nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh coi việc thúc đẩy thịnh vượng kinh tế ở Trung Á là chìa khóa để ngăn nguy cơ bạo lực và bất ổn ở khu vực Tân Cương. Trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Tây An, các lãnh đạo Trung Á đđảm bảo sẽ không can thiệp vào chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan hoặc Tân Cương.

Trung Quốc sẽ thay thế vai trò Nga?

Từ lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi Trung Á là “khu vực ổn định nhất ” của Nga. Quan điểm của ông Putin về Trung Á là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Nga không phải là không chính đáng. Trong hơn 20 năm cầm quyền của ông, quan hệ của Nga hầu như không thay đổi với cả 5 quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Giới phân tích cho rằng, dù các nước Trung Á đang tìm kiếm một đối tác an ninh đáng tin cậy khi không nhận được sự đảm bảo từ Nga như trước đây, nhưng họ không tìm kiếm một đối tác chống lại Moskva. Chính quyền các nước trong khu vực muốn đảm bảo an ninh đối phó lại những cuộc nổi loạn trong nước, không phải tập hợp lực lượng, đối đầu cường quốc khác.

Nga đã từng đóng vai "người đảm bảo" cho sự ổn định trong nước ở khu vực. Tháng 1 năm ngoái, Moskva gửi hàng nghìn quân đến Kazakhstan để giúp dập tắt cuộc nổi dậy chống chính phủ ở nước này. Mối quan hệ hậu Xô Viết được xem là lợi thế để Nga vượt Trung Quốc trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở Trung Á, song xung đột ở Ukraine đã thay đổi những tính toán đó.

Hội nghị thượng đỉnh cho thấy cách 5 quốc gia Trung Á - theo truyền thống chịu ảnh hưởng của Nga với tư cách là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đang xoay trục để liên kết nhiều hơn với Trung Quốc như một nguồn đầu tư và đảm bảo an ninh.

Năm nước Trung Á không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu lên án Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 2. Tuy nhiên, quyết định phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine của Moskva cũng khiến các nước Trung Á lo lắng.

Là một phần của hội nghị thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình đã tổ chức một loạt cuộc gặp trực tiếp với 5 lãnh đạo các nước Trung Á. Trong các cuộc họp tại hội nghị, lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh ủng hộ chủ quyền các quốc gia Trung Á.

Theo Shen Shiwei, nhà phân tích về quan hệ quốc tế cho rằng ở Trung Á, Trung Quốc và Nga không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.

"Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực và Nga vẫn không thể thay thế về mặt an ninh và ổn định chiến lược. Trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á đang hợp tác tích cực về vấn đề an ninh khu vực và chống khủng bố", Shen Shiwei nhấn mạnh.

Shen Shiwei cũng lưu ý rằng sự can dự của Bắc Kinh vào khu vực sẽ không tác động tiêu cực đến vị thế của Washington hay các nước châu Âu.

“Từ quan điểm của Trung Quốc, hợp tác Trung Quốc - Trung Á không ảnh hưởng đến sự hợp tác của các nước Trung Á với Nga, Mỹ và châu Âu. Tôi đã nghiên cứu các lý thuyết quan hệ quốc tế của phương Tây trong một thời gian khá dài và tôi thấy rằng lý thuyết trò chơi có tổng bằng không không phù hợp với tình hình thực tế ở Trung Á", Shen Shiwei cho hay.

“Nằm trên tuyến đường bộ quan trọng Á - Âu. Các nước Trung Á có sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Nga, Mỹ và châu Âu", chuyên gia Shen Shiwei cho biết thêm.

Theo vị chuyên gia này, các quốc gia Trung Á không chọn bên song họ cũng muốn tranh thủ cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế với các cường quốc, tham gia mạnh mẽ vào các liên kết kinh tế quốc tế.

"Các quốc gia Trung Á phản đối áp lực chọn bên. Trung Quốc và các nước Trung Á có sự đồng thuận mạnh mẽ trong việc lên án nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm kích động cách mạng màu ở Trung Á, kiên quyết phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác", chuyên gia Shen Shiwei cho hay.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Á nhằm cân bằng và duy trì các mối quan hệ riêng biệt với Trung Quốc, Nga và Mỹ có thể bị thử thách khi các bên tranh giành các nguồn tài nguyên quan trọng, trong đó cả nguồn khoáng sản đất hiếm ở khu vực.

"Trung Quốc cần nhiều tài nguyên khoáng sản hơn từ Trung Á và cần khu vực này để vận chuyển hàng hoá đến thị trường châu Âu", Artem Dankov, chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, Phó Giáo sư tại Đại học Tomsk, cho hay.

“Chúng ta cũng cần nhớ rằng Trung Á là một trong những thị trường quan trọng đối với các công ty Trung Quốc từ Tân Cương và các tỉnh miền Tây khác”, ông Artem Dankov nói thêm.

(Nguồn: Soha)

Macau bị siết chặt hơn theo luật an ninh quốc gia mới

Luật an ninh quốc gia mới bắt đầu có hiệu lực trên lãnh thổ Macau của Trung Quốc, theo đó mở rộng các hình phạt đối với bất kỳ ai chống đối Bắc Kinh.

Luật mới nhấn mạnh nhiều hơn vào việc ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào đặc khu hành chính này.

Luật mới có nội dung mở rộng các quy định vốn đã được đưa ra ở Macau lần đầu tiên là từ hồi năm 2009.

Chính quyền Macau cho biết những thay đổi này phù hợp với các quy định luật pháp ở Hong Kong, nơi Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát sau những bất ổn chính trị.

Luật an ninh quốc gia ban đầu quy định bảy tội danh chính, trong đó có tội phản quốc, lật đổ, đánh cắp bí mật quốc gia và thông đồng với nước ngoài - với hình phạt lên tới 25 năm tù.

Một tội khác trong số này, tội ly khai, hiện đã được mở rộng để bao gồm các hành vi phi bạo lực.

Việc phản đối bất kỳ cơ quan chính quyền trung ương nào và việc phản đối hệ tư tưởng của Bắc Kinh đều có thể bị trừng phạt, bởi việc đó được bao gồm trong khái niệm 'lật đổ' được cập nhật trong luật mới.

Cảnh sát Macau hiện cũng có quyền nhắm mục tiêu vào những đối tượng tình nghi ở bên ngoài thành phố.

Những người chỉ trích cho rằng luật mới hạn chế nghiêm trọng quyền tự do và quyền của người dân trong vùng lãnh thổ này.

Jason Chao, cựu chủ tịch của đảng chính trị ủng hộ dân chủ, Hiệp hội Macau Mới, nói luật mới gây "quan ngại sâu sắc".

"Các phóng viên địa phương mô tả tình hình hiện tại là kỷ băng hà và không may là kỷ băng hà này sẽ trở nên lạnh giá hơn," ông nói với chương trình Newshour của BBC World Service.

"Điều đáng lo ngại nhất là mọi người sẽ không biết liệu họ có phạm tội hay không nếu như họ định chỉ trích chính phủ. Chúng tôi đã quan sát thấy cách thức luật an ninh quốc gia ở Hong Kong được diễn giải một cách mơ hồ ra sao," ông nói.

Ông Chao nói thêm rằng hiện không rõ liệu chính quyền Macau hay chính quyền Trung Quốc đại lục có truy tìm những người bị coi là vi phạm pháp luật hay không.

Vùng cựu thuộc địa này của Bồ Đào Nha với 682.000 người nằm trên một bán đảo nhỏ và hai hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía nam Trung Quốc.

Nơi đây có một hệ thống pháp luật riêng rẽ với Trung Quốc đại lục, và thành phố đã tận dụng lịch sử lâu đời của mình là một trung tâm cờ bạc, thu hút nhiều du khách từ Trung Quốc và Hong Kong.

Kể từ khi được Bồ Đào Nha bàn giao vào năm 1999, cơ quan lập pháp của Macau hầu như chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh.

(Nguồn: BBC)

Tổng thống Zelensky ra "tối hậu thư" với NATO

(Ảnh minh họa).

Một số nguồn tin cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể sẽ không tham dự cuộc họp sắp tới của NATO tại Lithuania nếu liên minh này không đưa ra một lộ trình cụ thể nhằm kết nạp Kiev.

Trang Financial Times ngày 31/5 đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có động thái được xem là "tối hậu thư" đối với NATO trong việc kết nạp Kiev làm thành viên mới của liên minh quân sự này.

Theo đó, Tổng thống Zelensky sẽ không tham dự hội nghị NATO được tổ chức tại Lithuania vào tháng 7 tới nếu NATO không đưa ra lộ trình cụ thể để giúp Ukraine trở thành thành viên chính thức của khối.

"Tổng thống Zelensky đã đưa ra tối hậu thư với các nhà lãnh đạo NATO rằng ông ý sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh Vilnius nếu không có một đảm bảo an ninh và lộ trình kết nạp rõ ràng", Financial Times viết.

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9 năm ngoái sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo Reuters, việc Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những lý do dẫn đến cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, việc kết nạp Ukraine đã trở thành một mâu thuẫn trong nội bộ các thành viên NATO. Trong khi đó, nhà chức trách Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Kiev gia nhập NATO là lằn ranh đỏ buộc Moscow phải đáp trả.

Trong một phát biểu hồi đầu tháng 5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định tất cả các thành viên NATO về cơ bản đã đồng ý kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể của việc kết nạp này hiện vẫn là một dấu hỏi.

"Tất cả thành viên NATO nhất trí rằng Ukraine sẽ trở thành một thành viên của liên minh. Câu hỏi là khi nào, tôi chưa thể ấn định một thời điểm cụ thể", Tổng thư ký NATO Stoltenberg trả lời phỏng vấn báo Washington Post.

Trước đó, vào tháng 2/2023, ông Stoltenberg cũng để ngỏ khả năng kết nạp Ukraine vào liên minh quân sự này.

"Đối với Ukraine, quan điểm của NATO không thay đổi. Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh. Nhưng bây giờ, chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến. Cách duy nhất để Ukraine gia nhập NATO là đảm bảo chiến thắng của Ukraine như một quốc gia có chủ quyền", Tổng thư ký NATO nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp của các bộ trưởng NATO hôm 15/2.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh, các đồng minh NATO đang tập trung vào việc đảm bảo rằng Ukraine "có được vũ khí, vật tư và đạn dược cần thiết để đẩy lùi Nga".

"Chúng tôi cũng đang làm việc trên một quan hệ đối tác lâu dài để giúp Ukraine chuyển đổi từ các học thuyết và vũ khí của Liên Xô sang các tiêu chuẩn của NATO, cải thiện khả năng tương tác và tiến hành cải cách an ninh và quốc phòng. Điều này sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với liên minh", Tổng thư ký NATO nói thêm.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang