Covid-19 thế giới: Cập nhật; Sai sót từ đánh giá vaccine của CDC Mỹ; Du lịch Nhật Bản vẫn điêu đứng

Tin Covid-19: Trung Quốc chi 24,6 tỉ USD cho công tác phòng dịch

(Ảnh minh họa).

Dù đã nới lỏng gần như toàn bộ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, Trung Quốc dự kiến phân bổ 170 tỉ nhân dân tệ (24,6 tỉ USD) cho công tác phòng dịch trong năm nay.

Dự thảo ngân sách được trình tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) khóa 14 cho thấy khoản chi 170 tỉ nhân dân tệ, chủ yếu trợ cấp cho các địa phương tiếp tục thực thi các biện pháp phòng chống dịch.

Trung Quốc tiếp tục cảnh giác trước dịch bệnh

Tại phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc hôm 5.3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đọc báo cáo công tác với nội dung dịch Covid-19 nằm trong số những yếu tố nội bộ và quốc tế “vượt quá dự kiến”, gây nên ảnh hưởng cho nền kinh tế nước này vào năm ngoái.

Vì vậy, Thủ tướng Lý cho rằng cần tiếp tục thực thi các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch một cách khôn ngoan hơn. Ưu tiên sẽ là phát hiện sớm và ngăn ngừa những ca nặng, đặc biệt trong số những người lớn tuổi, trẻ em và người có bệnh nền.

“Cần nâng cấp vắc xin Covid-19 và điều chế thêm các dòng thuốc điều trị mới”, ông Lý kêu gọi.

Dự kiến Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo ngân sách vào ngày cuối cùng của phiên toàn thể hôm 13.3.

Theo tờ South China Morning Post hôm nay 6.3, các khoản chi dự kiến cho công tác phòng dịch năm nay bao gồm trợ cấp cho nhân viên y tế, chi phí tiêm phòng, điều trị Covid-19.

“[Khoản quỹ] sẽ hỗ trợ việc thi hành nghiêm túc và ổn định chính sách xử lý Covid-19 với các biện pháp ứng phó bệnh truyền nhiễm nhóm B”, theo báo cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc.

Ngày 8.1, Trung Quốc hạ cấp ứng phó Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, theo đó chỉ thực hiện công tác điều trị và những biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.

Báo cáo gây sốc về tình trạng Covid-19 kéo dài

Trong một diễn biến liên quan, báo cáo tổng quát đăng trên Journal of the Royal Society of Medicine đưa ra kết luận gây sốc: nguy cơ hư hại nội tạng tiếp tục ám ảnh các bệnh nhân mắc triệu chứng Covid-19 kéo dài.

Cuộc nghiên cứu phát hiện có đến 59% số bệnh nhân thuộc diện này bị tổn hại cơ quan nội tạng sau 1 năm kể từ thời điểm mắc bệnh. Nguy cơ vẫn xảy ra đối với những người không bị những triệu chứng nặng.

Báo cáo ghi nhận tổng cộng 536 bệnh nhân mắc chứng Covid-19 kéo dài tham gia, tập trung vào những bệnh nhân bị khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, tình trạng sức khỏe kém.

Trong số này, 331 người (62%) bị nội tạng hư hại sau 6 tháng kể từ khi mắc bệnh. Sau 12 tháng, nguy cơ tổn hại một cơ quan nội tạng vẫn xảy đến cho 59% số bệnh nhân, theo tác giả báo cáo, giáo sư Amitava Banerjee của Đại học London (Anh).

(Nguồn: Thanh Niên)

Các chuyên gia: Đánh giá rủi ro-lợi ích của CDC cho các vaccine COVID-19 mới có sai sót

Các chuyên gia cho biết một bản so sánh mới của chính phủ Hoa Kỳ về rủi ro và lợi ích của vaccine COVID-19 đã phóng đại các lợi ích và hạ thấp các rủi ro.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) mới đây đã đưa ra một bản đánh giá rủi ro-lợi ích đối với các loại vaccine lưỡng trị mới nhất. Một đánh giá dành cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi.

CDC đã ước tính một triệu liều vaccine trong nhóm tuổi này, trong khoảng thời gian sáu tháng, sẽ ngăn ngừa tới 136 ca nhập viện và từ 0 đến 1 ca tử vong. Nhưng họ dựa trên các ước tính hiệu quả của vaccine từ một nghiên cứu đã lỗi thời và không được bình duyệt của CDC, vốn chỉ phân tích dữ liệu cho người trưởng thành. Tỷ lệ nhập viện bao gồm các trường hợp nhập viện mà COVID-19 là lý do xảy ra trong lúc nằm viện, chứ không phải là lý do chính khi nhập viện.

Khi trình bày bản đánh giá này, bà Megan Wallace, một quan chức CDC, cho biết, “Khi chúng tôi xem xét cả lợi ích và tác hại tiềm ẩn đối với thanh thiếu niên, sử dụng phạm vi nhập viện từ các phân tích độ nhạy, chúng tôi thấy rằng cứ mỗi một triệu liều vaccine, chúng tôi dự kiến sẽ ngăn ngừa được từ 31 đến 136 ca nhập viện, 9 đến 40 ca phải chuyển vào Khoa Hồi sức Tích cực (ICU), và một trường hợp tử vong.”

Phiên bản thứ hai của bản đánh giá, có tính đến các trường hợp nhập viện ngẫu nhiên, đã hạ thấp ước tính số trường hợp nhập viện ngăn ngừa được là từ 17 đến 75.

Cả hai phiên bản đều lưu ý rằng, trong một hệ thống giám sát duy nhất do CDC điều hành, không có trường hợp viêm cơ tim nào trong số những người trẻ tuổi đã chích một mũi bổ sung vaccine lưỡng trị. Nhưng một chú thích cho biết, có chưa tới 100,000 liều vaccine đã được chích cho thanh thiếu niên trong hệ thống này và có tới 62 trường hợp viêm cơ tim trên một triệu liều có thể xảy ra ở nam thanh niên.

Viêm cơ tim là một trong những tác dụng phụ do vaccine COVID-19 gây ra, và tác dụng phụ này phổ biến nhất ở nam thanh niên.

Các nhà phê bình đã không đồng tình với bản thuyết trình trên.

“Chắc chắn là có sai sót,” bà Allison Krug, một nhà dịch tễ học, nói với The Epoch Times.

Trong số các vấn đề là việc: khi tìm kiếm các trường hợp viêm cơ tim thì sử dụng tỷ lệ nhập viện từ COVID-NET, vốn không tính đến tỷ lệ nhập viện đối với trẻ em và không tính đến các trường hợp khám bệnh ngoại trú, như một số nhà nghiên cứu đã làm.

“Phân tích rủi ro-lợi ích là một chiến lược tiếp thị để tối đa hóa việc chấp nhận sử dụng vaccine,” bà Krug cho biết. “Đó không phải là một nỗ lực trung thực để ước tính rủi ro và lợi ích vì nó bỏ qua biện pháp bảo vệ lâu bền nhất trên ‘thị trường’ này — miễn dịch nhờ nhiễm bệnh trước đó — vốn là điều hầu như phổ biến hiện nay.”

Bà Krug đã thực hiện các phân tích rủi ro-lợi ích của vaccine Pfizer và Moderna dành cho nam thanh thiếu niên và dành cho các lệnh bắt buộc chích mũi bổ sung tại các trường đại học.

Tiến sĩ Tracy Hoeg, một nhà dịch tễ học khác, đã mô tả bản đánh giá nói trên là “sự thiếu năng lực ở cấp cao nhất” vì theo lời bà, CDC đã cố gắng “biện minh cho việc chích liều bổ sung lưỡng trị cho trẻ em.” Bà chỉ ra rằng nghiên cứu mà CDC sử dụng để ước tính số trường hợp nhập viện được ngăn ngừa đã không tính đến các điều chỉnh đối với các yếu tố như khả năng được xét nghiệm.

CDC và bà Wallace đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.

Không có dữ liệu lâm sàng

Các nhà chức trách Hoa Kỳ đã phải dựa vào dữ liệu quan sát đối với các liều chích bổ sung lưỡng trị của Pfizer và Moderna, vốn được cấp phép và khuyến nghị sử dụng hồi mùa thu năm 2022, vì sáu tháng sau vẫn chưa có dữ liệu về hiệu quả lâm sàng. Dữ liệu thí nghiệm trên chuột đã được sử dụng để biện minh cho việc cấp phép cho các loại vaccine này.

Pfizer và Moderna chưa phản hồi yêu cầu bình luận về thời điểm khi nào họ sẽ có dữ liệu từ các thử nghiệm của mình.

Hôm 01/03, Pfizer và đối tác của mình, BioNTech, đã thông báo rằng họ đã yêu cầu các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ cấp phép cho trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng một liều bổ sung lưỡng trị dựa trên dữ liệu từ các thử nghiệm của họ, và tuyên bố rằng dữ liệu cho thấy liều bổ sung này tạo ra mức kháng thể trung hòa cao hơn và hồ sơ an toàn “vẫn tương tự như hồ sơ của vaccine ban đầu.”

Nhiều thành viên của Ủy ban Cố vấn về Thực hành Chích ngừa (ACIP), những người lắng nghe CDC trình bày bản đánh giá rủi ro-lợi ích nói trên, đã đề cập đến việc thiếu dữ liệu thử nghiệm sau khi họ được hỏi liệu các cơ quan chính phủ từ nay trở đi có nên chuyển sang áp dụng chích một liều bổ sung hàng năm hay không.

“Tôi muốn thấy một nghiên cứu nói rằng, ‘được rồi, quý vị vừa chích một liều vaccine lưỡng trị. Vậy việc này có lợi ích gì? Và lợi ích đó kéo dài bao lâu?’ Tôi nghĩ điều đó sẽ nâng cao độ tin tưởng trong việc áp dụng một thay đổi thay vì suy luận từ dữ liệu,” Tiến sĩ Camille Kotton, một trong những cố vấn, cho biết.

Cả hai Tiến sĩ Matthew Daley và Kotton đều cho biết họ muốn có các thử nghiệm kiểm tra vaccine, mặc dù ông Daley đã đề nghị một thử nghiệm so sánh việc sử dụng đồng thời vaccine cúm và vaccine COVID-19 với việc sử dụng riêng từng loại vaccine này.

“Chúng ta sẽ khám phá ra được rất nhiều điều về khả năng sản sinh miễn dịch và tính an toàn,” ông Daley nói, đồng thời cho biết thêm rằng “điều đó có thể có giá trị cho cuộc trò chuyện này.”

Số người tử vong bị thổi phồng

Các quan chức đã nhiều lần chỉ ra rằng một số trẻ em đã tử vong vì COVID-19 ra sao để biện minh cho việc khuyến nghị trẻ em chích vaccine, mặc dù thiếu dữ liệu về hiệu quả của những mũi chích ban đầu trong cộng đồng.

CDC đã sử dụng dữ liệu tử vong của trẻ em bị thổi phồng trước đây và đã từ chối yêu cầu chỉnh sửa lại.

Tiến sĩ Sara Oliver, một quan chức CDC, đã trình bày dữ liệu tử vong trên một trang trình chiếu trong cuộc họp gần đây. Trang trình chiếu cho biết có 1,489 trường hợp tử vong do COVID-19 đã xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 17 tuổi, nhưng con số tổng này bao gồm cả trẻ em từ 0 đến 5 tháng tuổi.

Tiến sĩ Oliver đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.

Cô Kelley Krohnert, một bà mẹ ở Georgia, người đã nhiều lần xác minh tính xác thực của các tuyên bố sai của CDC, lưu ý rằng trang trình chiếu đó cũng bao gồm các trường hợp tử vong trong đó COVID-19 không phải là nguyên nhân căn bản gây ra tử vong, mà là một nguyên nhân bổ sung.

“Thêm một ví dụ khác về lý do tại sao tôi cho rằng CDC hoạt động như một cơ quan bán hàng/tiếp thị hơn là một cơ quan y tế,” cô nói trên Twitter.

Nghiên cứu viêm cơ tim mới

Những bài thuyết trình trên diễn ra sau khi các nhà nghiên cứu ở Canada báo cáo tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim (một tình trạng bệnh lý có liên quan) cao hơn, sau khi chích vaccine của Pfizer hoặc Moderna, đặc biệt là sau liều thứ 2 của một đợt chích cơ bản.

Phân tích các hồ sơ sức khỏe từ Quebec, các nhà nghiên cứu này phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 15 lần so với dự kiến ​​trong vòng 7 ngày sau khi chích liều thứ hai ở nam giới từ 16 đến 17 tuổi, và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 7.6 lần ở nam giới từ 12 đến 15 tuổi.

Trong số 77 trường hợp, thì có 63 trường hợp xảy ra ở nam giới và 51 trường hợp mắc bệnh sau liều thứ hai. Ngoại trừ ba trường hợp, tất cả những thanh thiếu niên này được đưa vào khoa cấp cứu và 34 người đã phải nhập viện.

Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng viêm cơ tim có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài, bao gồm suy tim và tử vong.

(Nguồn: Epoch Times)

Du lịch Nhật Bản vẫn điêu đứng vì hậu Covid-19

(Ảnh minh họa).

Các biện pháp kiểm soát biên giới của Nhật Bản đối với khách du lịch Trung Quốc đã được nới lỏng kể từ hôm 1/3, chấm dứt yêu cầu tất cả du khách phải được kiểm tra Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định có thể sẽ mất một thời gian du khách mới quay trở lại như trước.

Công ty nghiên cứu STR của Mỹ cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn trung bình của Nhật Bản đã giảm xuống còn 64,2% trong tháng 1, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức dưới 70% kể từ tháng 9 năm ngoái.

Trước đó, tỷ lệ lấp đầy trước đại dịch đạt khoảng 80% do nhu cầu cao từ khách du lịch nước ngoài. Tỷ lệ lấp đầy giảm xuống mức thấp nhất là 10% khi Nhật Bản đặt các hạn chế nhập cảnh vì Covid-19.

Ngành du lịch Nhật bản bắt đầu khởi sắc từ tháng 10/2022 sau khi chính phủ nước này cung cấp các khoản trợ cấp liên quan tới việc lưu trú tại khách sạn cũng như hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp du lịch địa phương.

Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến Covid-19 cũng đã tạo ra một cú hích khác, với tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn đạt 76,4% trong tháng 11/2022 - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát.

Giám đốc phát triển kinh doanh STR, bà Shiori Sakurai, cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn tại Nhật Bản có xu hướng xuống thấp vào tháng 1. Sự phục hồi dường như đang mất đà. Một nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do sự quay trở lại chậm của du khách Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 30% lượng khách tới Nhật Bản trước Covid-19.

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, kể từ khi chính phủ nới lỏng các biện pháp biên giới, lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã phục hồi, đạt hơn 50% so với năm 2019. Tuy nhiên lượng khách đến từ Trung Quốc thấp hơn 96% so với trước dịch.

Giá phòng tháng 1 của chuỗi khách sạn Prince Hotel thuộc Seibu Prince Hotels Worldwide đã vượt 12,5% so với tháng 1/2019. Lượng khách nước ngoài qua đêm tại đây chiếm khoảng 70% so với mức tháng 1/2019.

Lượng đặt phòng trong tháng 3 cho Prince Hotel đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2019. Tại các khu nghỉ dưỡng gần khu vực Tokyo lớn hơn, chẳng hạn như Karuizawa, lượng đặt phòng được cho là vượt quá mức trước khi có Covid-19. Tuy vậy, đa số các khách du lịch đặt phòng đến từ châu Âu và Mỹ.

(Nguồn: Công Lý)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang