Covid-19 thế giới: Cập nhật; Hiệp ước Đại dịch; Nhà nghiên cứu bị siết cổ chết ở Nga; Thái Lan công bố chi phí

Tình hình Covid-19 ngày 5.3: Châu Âu ổn định, không còn biến thể đáng lo ngại

(Ảnh minh họa).

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu đã đưa các dòng phụ của biến thể Omicron ra khỏi danh sách biến thể đáng lo ngại do tình hình tại đây đã ổn định.

Theo Tân Hoa xã, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 4.3 đã đưa 3 biến thể SARS-CoV-2 ra khỏi danh sách các biến thể đáng lo ngại.

Các dòng phụ BA.2, BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đã được giảm cấp "do các dòng này không còn lây nhiễm nữa".

Tháng 11.2021, ECDC đã xem Omicron (B.1.1.529) là "biến thể SARS-CoV-2 có mức độ đột biến cao nhất cho đến nay". Omicron nhanh chóng chiếm ưu thế trên toàn cầu và dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19. Sau đó, một số dòng phụ của Omicron đã xuất hiện (BA.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5).

ECDC cho biết hiện tại, các biến thể hậu duệ của BA.2 và BA.5 đang lây lan. Những biến thể này có đặc tính khác với dòng bố mẹ của chúng và cần phải được đánh giá riêng lẻ. ECDC cũng xếp những biến thể nổi bật nhất trong số này vào danh mục "biến thể đáng quan tâm" (VOI) và "biến thể đang được giám sát". Danh sách biến thể trong nhóm VOI bao gồm BQ.1, BA.2.75, XBB và XBB.1.5.

ECDC cho biết việc đưa các biến thể SARS-CoV-2 ra khỏi nhóm "đáng lo ngại" phản ánh tình hình dịch tễ học ổn định ở châu Âu. Tuy vậy, ECDC cũng nhấn mạnh rằng "điều này không báo hiệu sự kết thúc của mối đe dọa do SARS-CoV-2 gây ra và các biến thể có thể xuất hiện trong tương lai".

ECDC cũng khuyến khích các quốc gia duy trì cảnh giác bằng cách củng cố hệ thống giám sát, năng lực giải trình tự và thực hành báo cáo.

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh cũng đang dần ổn định. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc ngày 4.3 đưa ra tuyên bố cho biết nước này không ghi nhận trường hợp tử vong nào liên quan đến Covid-19 tại các bệnh viện trong khoảng thời gian từ ngày 24.2-2.3.

Nhật Bản ngày 4.3 ghi nhận 10.431 ca nhiễm mới, tiếp tục đà giảm của những ngày trước đó. Tuy nhiên, nước này ngày 4.3 báo cáo 81 trường hợp tử vong do Covid-19, tăng nhẹ so với con số 67 nạn nhân của ngày 3.3.

(Nguồn: Thanh Niên)

Các chuyên gia y tế công cộng bình luận về Hiệp ước Đại dịch của WHO khi ngày càng có nhiều bằng chứng về thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm

Trong những ngày mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải chịu sự giám sát mới về việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và các kế hoạch của tổ chức này nhằm quản lý đại dịch trong tương lai.

Tuần này (27/02-05/03), Đại Hội đồng Y tế Thế giới — cơ quan ra quyết định của WHO — đã bắt đầu xem xét những cách thức mới để quản lý các phản ứng quốc tế đối với các đợt bùng phát dịch bệnh. Một dự thảo giai đoạn đầu trước Hội đồng bao gồm cả ngôn ngữ ràng buộc và không ràng buộc liên quan đến cách các quốc gia giải quyết các đợt bùng phát dịch bệnh trong nước, cũng như cách họ phối hợp với các đối tác quốc tế. Điều 15 của tài liệu dự thảo này (pdf) mô tả cụ thể WHO là “cơ quan chỉ thị và điều phối đối với công việc y tế quốc tế” và cho biết Tổng Giám đốc của WHO sẽ là người tuyên bố đại dịch. Tài liệu dự thảo này của WHO cũng kêu gọi các quốc gia phát triển giàu có hơn dành một tỷ lệ phần trăm các công cụ chẩn đoán và điều trị bệnh mà họ tạo ra để chia sẻ với các quốc gia đang phát triển.

Một số người chỉ trích mạng lưới ứng phó đại dịch quốc tế được đề nghị này của WHO đã bày tỏ lo ngại rằng hệ thống này sẽ yêu cầu các quốc gia tham gia nhường lại một mức độ chủ quyền, tài nguyên, và quyền độc lập ra quyết định của họ cho một cơ quan toàn cầu thay thế.

Ông David Bell, một bác sĩ y tế công cộng và cũng là cựu nhân viên của WHO chuyên về chính sách dịch bệnh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTD News, “Cơ quan này [WHO] tài trợ cho một bộ máy hành chính cồng kềnh: Một tổ chức mới, một hội đồng quản lý, có lẽ sẽ thuộc WHO, yêu cầu các quốc gia dành một tỷ lệ nhất định trong ngân sách y tế của họ cho các trường hợp khẩn cấp và thiết lập một mạng lưới cung cấp cho WHO.”

Tài liệu dự thảo của WHO cho biết cơ quan này “tái khẳng định” chủ quyền của các quốc gia tham gia, mặc dù công ước này sẽ yêu cầu các quốc gia tham gia đóng góp nguồn lực và tài trợ trong thời gian xảy ra đại dịch, đồng thời trao cho WHO quyền tuyên bố những đại dịch như vậy.

Tài liệu này định nghĩa một “đại dịch” là “sự lây lan toàn cầu của mầm bệnh hoặc biến thể lây nhiễm cho quần thể người với khả năng miễn dịch hạn chế hoặc không có khả năng miễn dịch thông qua khả năng lây truyền cao và bền vững từ người sang người, áp đảo các hệ thống y tế với tỷ lệ mắc bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao, đồng thời gây ra các vấn đề xã hội và sự gián đoạn kinh tế, tất cả đều đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp hiệu quả của quốc gia và toàn cầu để kiểm soát.”

Hiệp ước được đề nghị này quy định rằng các quốc gia tham gia sẽ cung cấp kinh phí cho khuôn khổ ứng phó với đại dịch quốc tế, đồng thời sẽ thiết lập các biện pháp quản lý tại quốc gia của họ nhằm “đẩy nhanh quá trình phê chuẩn và cấp phép cho các sản phẩm liên quan đến đại dịch để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp một cách kịp thời” — bao gồm cả việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm y tế vốn được phát triển để giải quyết đại dịch.

Ông Bell đã nêu ra những mối lo ngại của mình rằng khả năng của WHO trong việc tuyên bố đại dịch và do đó cho phép chia sẻ các nguồn lực và tài trợ sẽ gây ra một cuộc xung đột lợi ích nội bộ.

“[Các đề nghị ứng phó với đại dịch toàn cầu] đặt [các biện pháp ứng phó với đại dịch] vào tay một cá nhân và một bộ máy quan liêu có chức năng duy nhất là tìm ra các mối đe dọa và thực hiện điều này,” ông Bell nói. “Vì vậy, chúng ta đang thiết lập một cơ chế sẽ tự tồn tại, và có vai trò duy nhất là tìm kiếm và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp cũng như đưa ra các biện pháp gia tăng nghèo đói, các biện pháp tập trung của cải, v.v., mà chúng ta đã chứng kiến trong ba năm qua.”

Không tin tưởng vào WHO

Hiệp ước ứng phó với đại dịch này ra đời trong bối cảnh WHO đã bị chỉ trích nặng nề vì phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19.

Trong đợt bùng phát COVID ban đầu, Cố vấn An ninh Quốc gia đương thời Robert O’Brien cáo buộc rằng Trung Quốc đã chậm trễ trong việc cung cấp thông tin về những rủi ro do virus gây ra. Hơn nữa, phải mất đến vài tuần trước khi một nhóm của WHO được phép vào nước này. Tuy nhiên, báo cáo ban đầu của WHO về đợt bùng phát sau đó đã khen ngợi phản ứng của Trung Quốc — trong khi rất ít đề cập đến những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm đàn áp những người chỉ trích và những người tố giác đã khiến đợt bùng phát virus này được chú ý đến.

Đại hội đồng Y tế Thế giới đã bắt đầu tranh luận về hiệp ước ứng phó với đại dịch được đề nghị này trong cùng một tuần lúc các nhà điều tra của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ báo cáo rằng đợt bùng phát COVID-19 có thể bắt đầu do rò rỉ từ phòng thí nghiệm virus học Trung Quốc.

WHO đã bị cáo buộc là giúp ngăn chặn các dấu hiệu cho thấy COVID-19 đến từ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm. Trong một báo cáo hồi tháng 03/2021, WHO đã mô tả giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm là “vô cùng khó xảy ra.” Tuy nhiên, hồi tháng 07/2021, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã rút lại đánh giá đó, nói rằng việc loại trừ giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm là “vội vàng.” Sau đó, ông Peter Ben Embarak, nhà nghiên cứu của WHO đứng đầu nỗ lực nghiên cứu ở Trung Quốc, đã khẳng định chính quyền Trung Quốc đã gây áp lực buộc nhóm của ông bác bỏ giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm.

Theo Tiến sĩ Rik Mehta, giáo sư luật chăm sóc sức khỏe tại Đại học Georgetown và là cựu ứng cử viên Thượng viện Đảng Cộng Hòa ở New Jersey, WHO có lịch sử hạ thấp những thông tin có thể phản ánh tiêu cực về Trung Quốc.

“Khi COVID lần đầu tiên xuất hiện, đã có sự thúc đẩy như vậy để nói rằng, nếu quý vị nghĩ rằng loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc và do con người tạo ra, thì quý vị là một người theo thuyết âm mưu. Và nếu quý vị nói rằng đó là ‘virus Vũ Hán’ hoặc thứ gì liên quan đến Trung Quốc, thì quý vị là một kẻ phân biệt chủng tộc,” ông Mehta nói với NTD News. “Và vì vậy, giờ thì chúng tôi biết rằng điều đó hoàn toàn hợp lý và có khả năng virus này có thể do con người tạo ra, được tạo ra trong phòng thí nghiệm, rồi sau đó bị rò rỉ ra khỏi phòng thí nghiệm đó.”

Ông Mehta tin rằng thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm là tình huống có khả năng xảy ra nhất về nguồn gốc của COVID-19.

“[COVID-19] không giống bất kỳ loại virus nào khác mà chúng tôi từng thấy. Zika, bệnh thủy đậu, Ebola [là] những loại virus đã tồn tại hơn 50 năm. COVID là một cái gì đó hoàn toàn mới đối với cộng đồng khoa học, đối với công chúng nói chung. Và vì vậy, thật khó để tranh luận rằng loại virus này đã được tạo ra tại các khu chợ hải sản tươi sống hoặc lây truyền từ động vật sang người,” ông Mehta nói. “Và giả thuyết có khả năng xảy ra nhiều nhất là loại virus này đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Thực ra câu hỏi đúng đắn ở đây là: Có phải loại virus vô tình bị rò rỉ? Hay nó được rò rỉ một cách cố ý?”

Ông Mehta cũng kêu gọi hãy thận trọng đối với thỏa thuận ứng phó với đại dịch của WHO, do các vấn đề trong quá khứ về việc chia sẻ thông tin về sự lây lan của các loại virus.

“Tất nhiên, có một mức độ tác động lẫn nhau [nơi mà] các quốc gia cần hợp tác và tham gia khi quý vị thực sự gặp phải một đại dịch lớn như COVID,” ông Mehta nói. “Nói như vậy nghĩa là không thể xem nhẹ điều này. Mọi quốc gia cần bảo vệ chủ quyền của mình: Họ không thể chỉ trao cho một cơ quan không được bầu chọn, một tổ chức chính phủ quốc tế không có trách nhiệm giải trình trước người dân, và nhường lại loại thẩm quyền mà vì thế có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người Mỹ.”

Ông Mehta đã kêu gọi các thành viên Quốc hội xem xét kỹ lưỡng bất kỳ hiệp ước đại dịch nào của WHO trước khi đưa Hoa Kỳ vào một thỏa thuận như vậy.

Hồi tháng trước (02/2023), các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã đưa ra một dự luật cấm Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định ứng phó với đại dịch toàn cầu của WHO mà không có sự thông qua trước của Thượng viện Hoa Kỳ.

NTD News đã liên lạc với WHO để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phúc đáp trước khi bản tin này được phát hành.

(Nguồn: Epoch Times)

Ủy ban Điều tra Nga: Nhà nghiên cứu vắc-xin COVID-19 bị siết cổ chết

(Ảnh minh họa).

Nhà chức trách Nga đã mở cuộc điều tra về cái chết của nhà nghiên cứu giúp phát triển vắc-xin COVID-19 Sputnik V, ông Andrey Botikov.

Truyền thông Nga, bao gồm các hãng tin TASS và RIA Novosti, ngày 4-3 cho biết Ủy ban Điều tra Nga (RIC) đã bắt đầu xem xét cái chết của một người đàn ông ở phía Tây Bắc thủ đô Moscow.

Đại diện cơ quan thực thi pháp luật nói với TASS rằng nạn nhân là ông Andrey Botikov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Quốc gia Gamaleya. Ông Botikov là người tham gia tạo ra vắc-xin Sputnik V phòng COVID-19.

Theo các nhà điều tra, vào ngày 2-3, trong căn hộ của một tòa nhà trên phố Rogova - Moscow, một nam thanh niên 29 tuổi đã dùng dây thắt lưng siết cổ chủ căn hộ 47 tuổi trong lúc cãi vã rồi bỏ trốn.

Thủ phạm - từng có tiền án - đã bị bắt giữ ngay sau đó và thừa nhận hành vi giết người.

Ông Botikov là 1 trong 18 nhà khoa học phát triển vắc-xin Sputnik V vào năm 2020. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vinh danh nhà khoa học này vì công trình nghiên cứu vắc-xin COVID-19 vào năm 2021.

(Nguồn: Soha)

Thái Lan công bố chi phí 3 năm chống dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 5/3, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này đã chi tổng cộng 444 tỷ baht (12,8 tỷ USD) cho y tế công trong 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19, dành cho các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh và tiêm phòng cho người dân.

Trích dẫn một báo cáo nội bộ, Bộ Y tế Thái Lan cho biết chi phí xét nghiệm và điều trị cho những người mắc COVID-19 chiếm hơn một nửa tổng chi tiêu là 260 tỷ baht, trong khi chi phí mua sắm và phân phối vaccine ước tính khoảng 78 tỷ baht. Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết Chính phủ Thái Lan đã chi 57,5 tỷ baht để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng và động viên nhân viên y tế trong 3 năm đại dịch.

Chính phủ Thái Lan đã chi trả chi phí điều trị và tiêm phòng cho mọi công dân từ năm 2020-2022, với phần lớn kinh phí đến từ ngân sách hằng năm. Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á cũng vay 1.500 tỷ baht để kích thích kinh tế và trang trải một phần chi phí cho các dịch vụ y tế công cộng khẩn cấp.

Thái Lan là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc báo cáo có ca mắc COVID-19. Nước này đã thành công trong việc ngăn chặn virus lây lan trong giai đoạn đầu với việc phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới, trước khi làn sóng lây nhiễm càn quét cả nước trong đợt bùng phát của các biến thể Delta và Omicron. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Thái Lan có 4,7 triệu ca mắcCOVID-19 được xác nhận và 33.911 ca tử vong tính đến ngày 25/2.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang