​​​​​​​Người Việt hải ngoại: Hợp tác hỗ trợ pháp lý; Mong muốn của nữ du học sinh; Cha đẻ của Little Saigon

HỢP TÁC TRONG CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

(Ảnh minh hoạ).

Chiều ngày 29/11, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) và Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác để cùng nhau thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được pháp luật và điều lệ mỗi tổ chức quy định.

Phát biểu tại buổi lễ, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, đây là sự kiện quan trọng của 2 hiệp hội, tạo cơ hội để thành viên của 2 hiệp hội phát triển, giúp đỡ nhau, giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau. Đồng thời, khi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình thì 2 hiệp hội sẽ đem lại những lợi ích chung của cộng đồng cho xã hội.

Thông qua những nội dung đã được thỏa thuận, ký kết, VBF sẽ tiếp nhận những thông tin, nhu cầu cần thiết của người Việt Nam ở nước ngoài từ ALOV, như nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của Luật sư, các lĩnh vực đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế, phối hợp với ALOV theo các đề xuất của hội...

“Chúng tôi tin tưởng, VBF và ALOV sẽ cùng nhau thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hai bên sẽ cũng nhau góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết của dân tộc”, Chủ tịch VBF nhấn mạnh.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch ALOV cho biết, hiện nay, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề như quốc tịch, khám chữa bệnh ở nước ngoài, đầu tư nước ngoài, kiều hối... Sự phối hợp giữa VBF và ALOV thì công tác trợ giúp pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được đảm bảo và đạt được những kết quả cao.

ALOV hi vọng sẽ nhận được sự tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ Luật sư để giúp kiều bào nước ngoài hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật, từ đó góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích của kiều bào.

Tại buổi Lễ ký kết, các đại diện các cơ quan, ban, ngành đã có những trao đổi, thảo luận nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp giữa VBF và ALOV trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên và huy động các nguồn lực để phát triển bền vững cho mỗi tổ chức.

Theo đó, hai bên thống nhất nguyên tắc hợp tác là phù hợp với các quy định của pháp luật, Luật Luật sư, Điều lệ VBF và Điều lệ ALOV, trên cơ sở tôn trọng, hỗ trợ, cùng phát triển.

Cụ thể, VBF phối hợp với ALOV thực hiện trách nhiệm và sự phối hợp đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. VBF hỗ trợ ALOV thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ của ALOV để ALOV có thể gắn kết các hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước. Thực hiện các vụ việc cụ thể theo đề xuất của ALOV đối với những người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu kinh doanh, đầu tư, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

ALOV phối hợp với VBF Thiết lập kênh thông tin để VBF tập hợp đội ngũ luật sư tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam đến người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài. Phối hợp với VBF gặp gỡ, trao đổi với người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài để tiếp nhận thông tin, nhu cầu hỗ trợ pháp lý. Giới thiệu các nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu được cung cấp dịch vụ đến các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.

(Nguồn: Thời Đại)

MONG MUỐN CỦA NỮ DU HỌC SINH TỪNG NHẬN HỌC BỔNG NÂNG BƯỚC THỦ KHOA

Những ngày qua, Trần Quỳnh Hương (hiện là du học sinh đang sinh sống và học tập tại Hungary) bày tỏ niềm vui khi Ban tổ chức chương trình Nâng bước thủ khoa 2022 mời tham gia giao lưu, kết nối trực tuyến tại buổi lễ vinh danh, trao học bổng cho các thủ khoa năm nay.

Quỳnh Hương là một trong những nữ sinh đầu tiên nhận học bổng Nâng bước thủ khoa lần thứ nhất vào năm 2016. Năm đó, Quỳnh Hương đỗ thủ khoa ngành Sư phạm tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Huế.

Trong bức tâm thư gửi về chương trình, Quỳnh Hương cho biết hoàn cảnh của cô cũng rất đặc biệt. Năm lên 1 tuổi, bố mẹ ly hôn, mẹ đi bước nữa nên đến năm 18 tuổi Quỳnh Hương về sống cùng bố - một nhân viên về hưu, kinh tế gặp nhiều khó khăn vì vừa trang trải cuộc sống, vừa lo cho con ăn học.

Thương bố và muốn thay đổi cuộc sống, Quỳnh Hương đã cố gắng học tốt. Em lần lượt trúng tuyển vào các trường lớn như cấp 3 đỗ vào THPT Chuyên Quốc học Huế, rồi ngành sư phạm tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Huế dù không có điều kiện học thêm như bạn bè.

Những cố gắng của cô gái có dáng người nhỏ nhắn đã được ghi nhận một cách xứng đáng khi Quỳnh Hương lọt vào 1 trong 50 thủ khoa khu vực phía Nam được vinh danh và nhận học bổng. Quỳnh Hương nhớ lại: “Học bổng lúc đó là 10 triệu đồng tiền mặt, 1 suất học bổng tiếng Anh cùng nhiều phần quà giá trị khác đã giúp em vượt qua khó khăn”.

Được tiếp thêm động lực, Quỳnh Hương tự tin tỏa sáng ở giảng đường đại học khi liên tiếp giành nhiều giải thưởng lớn, là thủ lĩnh của nhiều câu lạc bộ (CLB) như Chủ tịch CLB về giao tiếp và thuyết trình trước đám đông Huế Toastmasters; Giải nhất đồng đội Cuộc thi Tranh biện- English Debate Competition; Thực tập giảng dạy tại trường Buriram Rajabhat, Buriram, Thái Lan và đặc biệt là tấm bằng cử nhân xuất sắc chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, Quỳnh Hương được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Quốc tế Đại học Huế...

“Đúng như tên gọi Nâng bước thủ khoa, học bổng đã nâng bước em những ngày đầu khó khăn để em có được thành quả như ngày hôm nay. Em mong chương trình sẽ tiếp tục phát triển để giúp đỡ, nâng bước cho nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống” - Quỳnh Hương chia sẻ.

(Nguồn: Tiền Phong)

CHÂN DUNG DOANH NHÂN GỐC VIỆT TRIỆU NHƯ PHÁT - CHA ĐẺ CỦA LITTLE SAIGON: NGƯỜI BIẾN GIẤC MƠ MỸ THÀNH HIỆN THỰC

(Ảnh minh hoạ).

Doanh nhân Triệu Như Phát là người sáng lập ra Trung tâm thương mại Asian Garden Mall đồng thời là ông chủ của Tập đoàn bất động sản Bridgecreek với tổng tài sản lên tới 500 triệu USD.

Sở hữu khối tài sản hơn nửa tỷ USD nhưng ít ai biết rằng người đàn ông Việt này lại di dân đến Mỹ với hai bàn tay trắng.

Bắt gặp cơ hội sau những bế tắc

Triệu Như Phát xuất phát trong một gia đình nghèo ở Hải Phòng, vào năm 11 tuổi đã rời khỏi gia đình để đi bán báo lấy tiền nuôi sống bản thân. Đến Mỹ vào năm 1975, trong túi của Triệu Như Phát chỉ còn có vỏn vẹn đúng 50 xu.

Việc không có nhà, không tiền và ông đã phải bán luôn đi chiếc áo khoác mặc ở trên người để lấy tiền mua thức ăn. Công việc mưu sinh đầu tiên ở trên đất Mỹ của Triệu Như Phát là gõ cửa từng nhà để chào bán máy hút bụi.

Có không ít lần, câu trả lời của ông nhận được sau tiếng gõ cửa đó là cái lắc đầu lạnh lùng và tiếng sập cửa thô thiển. Sau đó nửa năm thì ông đã xin vào làm việc ở trong một dây chuyền lắp ráp ở một nhà máy. Cuộc sống có quá nhiều khó khăn và có lúc không biết phải xoay xở như thế nào và ông cũng cảm thấy bế tắc.

Nhưng rồi thì cơ hội cũng đã đến với ông, trong một lần trò chuyện với một chuyên viên tư vấn thì ông được nghe về bất động sản - đây là một lĩnh vực mà ông rất thích. Triệu Như Phát bèn nghe theo học những khóa đào tạo bất động sản.

Và trong thời gian 1 năm, ông đã lấy được giấy phép hành nghề và xin vào làm cho một công ty địa ốc của Mỹ. Ký ức của ông vẫn còn ghi khắc vào những ngày vất vả cũng như thiếu thốn trước kia. Chính vì thế mà ông sống cần kiệm, tích lũy từng khoản tiền hoa hồng và dần dà đã có được một số vốn tương đối.

Sau thời gian 3 năm đặt chân đến Mỹ tức năm 1978, ông đã tự mở cho mình một cơ sở kinh doanh - công ty Bridgecreek chuyên phục vụ về đầu tư và phát triển địa ốc với số vốn một nửa là của ông còn một nửa còn lại là một người Mỹ gốc châu Âu - đây là giám đốc một ngân hàng mà Mỹ đóng góp.

Trong lần đầu tiên đứng ra lập một công ty kinh doanh ở Mỹ lại có được một cổ đông là một người Mỹ từng có kinh nghiệm ở trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, ông Triệu Như Phát cũng đã học hỏi được rất nhiều từ người cộng sự của mình.

Sau 1 năm rưỡi hoạt động thì người hùn vốn với ông đã bán lại phần hùn và ông đã đứng ra mua lại toàn bộ đồng thời tự mình kinh doanh từ đó. Sau thời gian gần 30 năm thì công ty Bridgecreek đã phát triển vô cùng mạnh rồi trở thành Bridgecreek Group Inc. chuyên đầu tư bất động sản ở nhiều nơi sở hữu số vốn lên đến khoảng hơn 500 triệu USD và có văn phòng tọa lạc ở Little Saigon.

Triệu Như Phát - Cha đẻ của Little Saigon

Trong nhiều năm qua, khu thương mại Phước Lộc Thọ vẫn được biết đến như một thương xá sầm uất nhất ở khu Little Saigon, quận Cam, bang California (Mỹ). Được biết, khu thương mại này đã gắn liền với tổng công trình sư của nó đó là ông Frank Jao (tên Việt là Triệu Như Phát),- đây là một doanh nhân cực kỳ thành đạt tại California.

Và theo lịch sử ghi chép của các cơ quan địa phương, chính quyền tiểu bang và Chính phủ Hoa Kỳ, ông Triệu Như Phát chính là một người khởi xướng và là người tạo dựng nên khu Little Saigon.

Đối với những người châu Á, quận Cam lúc đó là một vùng đất mới chưa được hình thành một khu vực sinh hoạt cộng đồng cũng như mua sắm dành cho dân nhập cư. Mỗi ngày, những người nhập cư từ các nước châu Á đã phải đổ về Los Angeles mua sắm.

Cũng từ thực tế đó mà ông đã cất công bỏ thời gian để đi tìm địa điểm, vị trí để có thể xây dựng nên một khu thương mại phục vụ cho nhu cầu của người gốc A. Ông Triệu Như Phát đã nhận ra khu vực Little Saigon chính là một địa điểm khá là thuận lợi bởi vì nhiều lý do đó là: đây là vùng đất chưa được khai thác hết tiềm năng và nhiều nơi ở trong vùng còn đất trồng chỉ để trồng dâu, mặt khác thì người Mỹ bản xứ không chú trọng sinh hoạt ở đây, đa phần là họ sử dụng khu này để làm nơi đậu ô tô phế thải hay là để lốp xe cũ, lợi tức của người dân ở trong vùng tương đối thấp bởi giá đất rẻ hơn so với những nơi khác.

Ông Triệu Như Phát đã cùng với hai người bạn khác, sau đó thì đã mạnh dạn đầu tư những cơ sở kinh doanh ban đầu ở vùng này. Văn phòng công ty khai thác địa ốc do Triệu Như Phát làm chủ đã được mở ra và chính thức hoạt động với mục đích phục vụ lợi ích cũng như nhu cầu của người dân ở trong vùng.

Khi ông Phát tiến hành xây dựng khu trung tâm thương mại tổng hợp Phước Lộc Thọ thì có nhiều người bảo ông là người “cung cấp áo gấm, áo lụa cho nông dân mặc”. Họ cũng cho rằng ông có những ý tưởng điên rồ, viển vông và không hợp thời cũng như thiếu thực tế. Vậy nhưng ông ty Bridgecreek do ông Triệu Như Phát làm chủ cùng các nhà đầu tư tiên phong vẫn quyết định sẽ xây dựng nên khu trung tâm thương mại này. Vào năm 1987, công trình này đã được hoàn thành với diện tích của tòa nhà chính là khoảng hơn 30.000m2.

Cũng có thể khẳng định rằng, trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ chính là khu thương mại sầm uất, đẹp và có đẳng cấp cao ở Little Saigon. Nơi đây được mệnh danh là điểm đến của mọi người ở trong suốt thời gian qua.

Cho đến hiện tại, ngay cả những khu trung tâm thương mại khác ra đời sau này, chưa có nơi nào có thể qua mặt được Phước Lộc Thọ về tầm vóc cũng như thương hiệu.

Cũng theo đà phát triển, khu Little Saigon cũng đã dần trở nên lớn mạnh và ngày nay nơi đây tập trung hơn 6.000 thương nghiệp lớn nhỏ bởi người Việt đứng ra kinh doanh và hoạt động.

Little Saigon cũng được mệnh danh là khu trung tâm thương mại quả không sai chút nào bởi vì đây là khu giao dịch, mua bán sầm uất của cộng đồng người Việt ở Cali. Nó còn là khu văn hóa bởi vì mang đậm nét văn hóa, tính dân tộc cũng như bản sắc Việt chẳng thể lẫn vào đâu được.

Ông Triệu Như Phát tâm sự rằng, một người muốn thành công và lâu dài, ngoài khả năng tiên đoán được tương lai của thị trường thì còn cần phải biết thuyết phục và biết tiến lùi đúng lúc cũng có thể đàm phán được với những người quản lý địa phương với các cấp chính quyền sở tại, phải nhìn vào hoàn cảnh thực tế để có thể dung hòa và kinh động ở trong công việc của mình.

Có một kinh nghiệm mà ông Triệu Như Phát muốn chia sẻ sau nhiều năm kinh doanh trên đất Mỹ đó chính là cách thuyết phục chính quyền sở tại và làm sao để có thể học được ý nghĩ của người quản lý trong các cấp chính quyền để có thể tiến hành đàm phán theo đúng với ý định ban đầu của mình. Cũng phải dung hòa để có thể tìm ra một tiếng nói chung cho bản thân cũng như cộng đồng của mình.

Doanh nhân Triệu Như Phát - Người nặng lòng với giáo dục

Thành công ở trong lĩnh vực kinh doanh và tạo được uy tín cũng như tên tuổi ở trên thương trường và ông cũng là một người rất tích cực tham gia vào các hoạt động ở trong lĩnh vực giáo dục với mục đích sẽ đem đến những lợi ích vô cùng thiết thực cho Việt Nam.

Vào năm 2002, Tổng Thống Mỹ là ông George Bush đã chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban Giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Được biết, đây là một quỹ trực thuộc nhà trắng chuyên hỗ trợ cho việc trao đổi giáo dục Việt - Mỹ và từng cấp học bổng cho hàng trăm trí thức Việt sang Mỹ để tu nghiệp, học thạc sĩ cũng như nghiên cứu tiến sĩ. Sau đó thì ông đã trở thành Giám đốc của VEF.

Và trong quá trình tham gia hoạt động với tư cách là Hội đồng thành viên của VEF, nhận thấy ông là người có khả năng cũng như am hiểu Việt Nam, có tâm với Việt Nam nên Tổng thống Bush đã tiến hành tái bổ nhiệm ông thêm 2 nhiệm kỳ nữa trong Hội đồng Quản trị.

Đến năm 2005, ông Triệu Như Phát được những thành viên HĐ tín nhiệm và bầu ông giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEF. Cũng trong thời gian này, ông Triệu Như Phát đã đưa ra nhiều chính sách và chiến lược có lợi cho Việt Nam, xúc tiến cũng như tìm cách giảm thiểu đi sự dị biệt về ý kiến cũng như cố gắng tạo nên một mối giao hảo giữa chính phủ Mỹ và Việt Nam với mục đích thúc đẩy tốt hơn hoạt động giáo dục ở trong nước.

Ông Triệu Như Phát cũng đã cùng một số thương gia Mỹ lập ra một quỹ mang tên là V – Home Fund và do ông đứng đầu và quản trị. Nhằm mục đích đáp lời kêu gọi của thủ tướng Phan Văn Khải nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ trong năm 2005 thì nhóm thương gia này đã quyết định quay về đầu tư trên quê hương.

Cụ thể, một trong những kế hoạch mà quỹ V – Home Fund đang triển khai đó chính là đầu tư vào chợ đầu mối Bình Điền để có thể xây dựng một trung tâm phân phối thực phẩm và tìm cách xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ cùng một số quốc gia khác. Trung tâm này cũng có khả năng sẽ tạo ra 30.000 việc làm cho người lao động cũng như thiết lập nên nơi cư trú cho hàng trăm công nhân trong nước.

Tờ Orange County Register đã từng vinh danh ông Triệu Như Phát là “1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng và làm thay đổi bộ mặt của quận Cam” (100 people who shaped Orange County).

Không những thế, Website Goldsea.com còn đăng tên ông vào danh sách 70 người Mỹ gốc châu Á có tầm ảnh hưởng nhất trong mọi thời đại. Và trong nhiều năm liền, ông đã nằm trong danh sách “50 doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong năm” của tờ Orange County Business Journal.

(Nguồn: Meeyland)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Quán ăn ở Đài Loan; Chùa Việt ở nước ngoài; Giao lưu văn hóa ở Nhật; Sốc trước làn sóng sa thải ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang