Người Việt hải ngoại: Quán ăn ở Đài Loan; Chùa Việt ở nước ngoài; Giao lưu văn hóa ở Nhật; Sốc trước làn sóng sa thải

HAI QUÁN ĂN CỦA NGƯỜI VIỆT Ở ĐÀI LOAN

(Ảnh minh hoạ).

Độc Xú Chi Gia và Ngỗng Kim Sơn là hai quán ăn được du khách Việt ghé đến và đánh giá cao.

Trong chuyến du lịch khắp Đài Loan và thưởng thức nhiều "của ngon vật lạ", giữa tháng 11, anh Lương Thanh Chương, một travel blogger sống tại Vũng Tàu từng đi hàng chục quốc gia trên thế giới, đã có cơ duyên ghé hai cửa hàng mà chủ quán đều là người Việt và gợi ý cho du khách.

Quán đậu phụ thối Đài Bắc

Nơi đầu tiên anh ghé là thăm là Dai's House of Stinky Tofu, một nhà hàng bán đậu phụ thối - món ăn nổi tiếng xứ Đài, nằm ở quận Tín Nghĩa, Đài Bắc. Menu của quán không có tiếng Anh, nhưng vợ chủ quán quê Vĩnh Phúc, nên anh Chương không gặp khó khăn trong giao tiếp khi muốn chọn món.

Quán còn có tên gọi khác, theo tiếng Trung là Độc Xú Chi Gia - ngôi nhà của mùi hôi thối độc đáo nhất. Bức hoành phi treo trên tường có chữ ký của đạo diễn Ngọa Hổ Tàng Long - Lý An. Quán cũng nhận là "thiên hạ đệ nhất thối".

Theo đánh giá của nam du khách Việt, quán nhỏ, được trang trí đơn giản, ít chi tiết rườm rà và có sức chứa khoảng 20 người. Quán sạch sẽ, đồ ăn hợp khẩu vị. "Đây là nơi thối nhất tôi từng đến. Nhưng khi ăn, đậu phụ không có mùi khó chịu như cảm giác ban đầu. Món ăn thực sự gây nghiện".

Các món tại quán được nam du khách đánh giá cao là đậu phụ sống, được làm lạnh. Tiếp đến là đậu phụ rán và mì xào đậu phụ. Các món chính của quán có giá từ 180.000 đồng.

Trên TripAdvisor, website tư vấn du lịch uy tín nhất thế giới, du khách đã chấm 4/5 sao cho nhà hàng. Quán cũng từng nhiều lần được nhắc đến và khen ngợi trên báo địa phương như Teipeitimes hay quốc tế như BBC.

Quán thịt ngỗng Kim Sơn

Vào bữa trưa ngày cuối cùng trước khi trở về Việt Nam sau hai tuần lang thang, anh Chương ghé một quán thịt ngỗng nằm quận Trung Chính, thành phố Đài Bắc. Ngoài đậu phụ thối, thịt ngỗng cũng là một đặc sản được bày bán nhiều nơi tại Đài Loan.

Quán có chủ là một cặp vợ chồng Trung - Việt. Ông chủ sinh ra tại Đài Loan, còn bà chủ quê ở Kiến Thụy, Hải Phòng. "Đồ ăn của quán ngon, thịt ngỗng mềm, nước sốt vừa miệng và chủ quán niềm nở. Biết tôi ở Việt Nam qua chơi nên bà chủ rất ưu ái. Đĩa thịt ngỗng được khuyến mãi thêm 20% thịt", anh Chương nói.

Nam du khách cũng cho biết thêm, hai món ăn nên thử khi đến đây là ngỗng hấp ăn kèm gừng thái sợi và ngỗng xông khói. Giá mỗi món từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Thịt ngỗng Kim Sơn cũng nhận được 4/5 sao đánh giá trên TripAdvisor từ thực khách khắp nơi trên thế giới. Quán nhiều lần được khen ngợi và được các blogger du lịch gọi với cái tên "quán thịt ngỗng ngon nhất phố cổ" cũng như đưa vào toplist gợi ý các món nên thưởng thức khi đến đây.

Theo những thông tin từng đọc, anh Thanh Chương cho biết cả hai quán ăn nói trên trước dịch đều là những điểm đến đông khách. Tuy nhiên, Đài Loan mới mở cửa du lịch trở lại từ 13/10 nên lượng khách đến hòn đảo này chưa nhiều, các hàng quán chưa để đông đúc như trước dịch. Người dân hiện vẫn có ý thức phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, thường xuyên đặt món về nhà, thay vì đến quán.

(Nguồn: Vnexpress)

CHÙA VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI: CHỖ DỰA TINH THẦN CỦA NHỮNG NGƯỜI CON XA XỨ

Trong đại dịch COVID-19 hay khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, những ngôi chùa Việt Nam ở nước ngoài trở thành mái nhà ấm áp, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của những người con xa xứ.

Tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, ni sư Thích Nữ Tâm Trí - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ về công tác đối ngoại Phật giáo, chăm lo đời sống tinh thần của người Việt ở xa Tổ quốc.

“Trong 2 năm dịch COVID-19 vừa qua, nhiều thực tập sinh, du học sinh người Việt Nam tại Nhật Bản thất nghiệp, không nơi tá túc, không có chuyến bay về nước, không người thân bên cạnh… Nhiều người trẻ trong số đó sinh ra trầm cảm, hoang mang. Lúc bấy giờ, họ chỉ biết tìm đến chùa để được giúp đỡ.
Năm 2018, để mở rộng thêm nơi sinh hoạt tinh thần cho cộng đồng, bằng sự giúp đỡ của Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi và sự đóng góp tích cực của Ni sư Thích Nữ Tâm Trí, ngôi chùa mang tên Đại Ân Honjo đã hình thành tại tỉnh Saitama, thêm một nơi sinh hoạt tâm linh, một chỗ đi về cho những người con Việt đủ mọi tầng lớp, hoàn cảnh, không phân biệt địa vị quây quần bên nhau.
Nhà chùa đã chăm sóc từ chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi, trị liệu bằng Phật pháp cho hơn 2.068 bạn trẻ. Khi đến chùa các bạn được chăm sóc tinh thần rất tốt, cụ thể như tụng kinh, niệm Phật, dạy thiền, nghe giảng, chấp tác, phân chia lương thực đóng gói gửi đi cho các hoàn cảnh khó khăn, cùng chư ni trong chùa hướng dẫn tu tập, rèn luyện thân tâm, dần dần các bạn khỏe mạnh, không còn lo âu, sợ hãi mà thay vào đó là nở nụ cười tươi, sức khỏe kiện tráng”, ni sư Thích Nữ Tâm Trí cho biết.
Tại châu Âu, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chùa Nhân Hòa của cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã đón hàng nghìn người Việt từ Ukraine sang lánh nạn, mở rộng cánh cửa ấm áp, cưu mang đồng bào sau những ngày ở nơi biên giới lạnh lẽo.

Thầy Thích Trung Đạt, trị sự chùa Nhân Hoà chia sẻ: “Bà con khi bước chân vào chùa, câu đầu tiên mọi người thốt lên là 'Sống rồi!'. Bà con đến được chùa sau chặng đường dài vất vả và giá lạnh, cần một nơi nghỉ ngơi ấm áp. Khi xuống bếp, câu đầu tiên bà con hỏi là 'Thầy ơi có cơm trắng không?'; nhiều người chỉ muốn được ăn bát cơm trắng, sau nhiều ngày phải ăn mỳ tôm và bánh mỳ. Các Phật tử tại Ba Lan cũng tâm lý, chuẩn bị sẵn cơm chay nóng hổi để bà con ăn ấm lòng”.
Đó là một số hoạt động của hai ngôi chùa Việt ở nước ngoài. Dù ở nơi nào thì ngôi chùa Việt cũng là nơi chăm lo đời sống tinh thần, là chốn đi về gần gũi, thân thương của đồng bào xa xứ.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện có hơn 5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập, làm việc trên toàn cầu. Dù ở nơi đâu thì bà con rất cần tới Phật pháp, rất mong muốn được tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng như sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, ni sư Thích Nữ Tâm Trí cũng đề xuất một số giải pháp trong hoạt động đối ngoại của GHPGVN như: Giáo hội nên có hướng dẫn cụ thể để các ngôi chùa được hợp pháp hoá dựa trên sự phối kết hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước, Ban Tôn giáo Chính phủ để quy hoạch chương trình tu học, hành đạo mang tính thực tiễn và sâu rộng hơn; Tạo hành lang pháp lý tốt nhất để mỗi ngôi chùa tại hải ngoại là một điểm đến bình an, nơi đó hội tụ hình ảnh quê hương và là mái nhà chung chan chứa yêu thương xoa dịu nỗi khổ niềm đau của những người con xa quê hương.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch và có tầm nhìn lâu dài hơn trong công tác đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, phổ biến pháp luật, văn hoá Việt Nam và văn hoá các nước trước khi công cử quý tăng ni trẻ dấn thân hành đạo tại nước ngoài.

(Nguồn: VOV)

ẤN TƯỢNG LỄ HỘI GIAO LƯU VĂN HÓA KOCHI-VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN

(Ảnh minh hoạ).

Hội giao lưu Kochi-Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Kochi sẽ là cầu nối thúc đẩy giao lưu tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần thúc đẩy hợp quan hệ tác giữa tỉnh Kochi và Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 27/11, Hội giao lưu Kochi-Việt Nam được sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka và chính quyền tỉnh Kochi đã tổ chức Lễ hội giao lưu Kochi-Việt Nam mùa Thu 2022.

Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội giao lưu văn hóa này được tổ chức tại tỉnh Kochi.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Tsuji Akinori, Chủ tịch Hội giao lưu Kochi-Việt Nam đã cảm ơn Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, chính quyền tỉnh Kochi và các nhà tài trợ đã ủng hộ, hỗ trợ tổ chức Lễ hội giao lưu Kochi-Việt Nam mùa Thu 2022.

Ông hy vọng thông qua lễ hội này sẽ giới thiệu được những nét đẹp văn hóa, truyền thống của hai nước, giúp tăng cường giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, cũng như giữa Kochi và Việt Nam nói riêng.

Thay mặt chính quyền tỉnh, ông Okamura Shouichi, Trưởng ban Văn hóa, Cộng đồng và Thể thao tỉnh Kochi cho biết chính quyền địa phương rất coi trọng đóng góp của các cộng đồng người nước ngoài tại Kochi, trong đó có cộng đồng người Việt Nam với hơn 1.200 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất ở tỉnh này.

Ông bày tỏ tin tưởng các lễ hội giao lưu văn hóa giữa Kochi và các quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.

Phụ trách Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka Lê Huy Hoàng đã phát biểu bày tỏ vui mừng được tới dự lễ hội, đánh giá cao việc Hội giao lưu Kochi-Việt Nam, chính quyền tỉnh Kochi đã tổ chức một lễ hội giao lưu quy mô lớn đầu tiên giữa tỉnh Kochi và Việt Nam.

Ông hy vọng rằng Hội giao lưu Kochi-Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Kochi sẽ là cầu nối thúc đẩy giao lưu tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần thúc đẩy hợp quan hệ tác giữa tỉnh Kochi và Việt Nam.

Ông cũng chúc mừng thành công của chuyến thăm tỉnh Lâm Đồng của đoàn đại biểu chính quyền và doanh nghiệp tỉnh Kochi mới đây, chúc cho quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kochi và tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Ông bày tỏ hy vọng rằng Hội giao lưu Kochi-Việt Nam và chính quyền tỉnh Kochi sẽ tiếp tục tổ chức Lễ hội giao lưu Kochi-Việt Nam hằng năm, đặc biệt là trong năm 2023 khi hai nước kỷ kiệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thống đốc tỉnh Kochi và đại diện tỉnh Lâm Đồng cũng đã gửi lời chúc mừng tới ban tổ chức lễ hội.

Tại lễ hội, đông đảo người dân Kochi, cộng đồng người Việt và người nước ngoài tại Kochi đã được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc cũng như văn hóa ẩm thực của cả hai nước.

(Nguồn: Báo Thái Bình)

DU HỌC SINH VIỆT SỐC TRƯỚC LÀN SÓNG SA THẢI Ở THUNG LŨNG SILICON

Một tuần sau khi bất ngờ nhận email bị sa thải từ Meta hồi đầu tháng 11, Minh Phạm vẫn cảm thấy như trải qua "cơn ác mộng" mỗi sáng thức giấc.

Còn vài tuần nữa, Minh sẽ nộp đơn xin thẻ xanh, thẻ thường trú cấp cho người nước ngoài. Anh đang mong chờ chuyến trở về nhà sau 3 năm xa cách để ăn mừng cùng gia đình vì đã nhận bằng tiến sĩ và có việc làm. Nhưng mọi thứ giờ đảo lộn.

Minh tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính ở Bắc Carolina, đảm nhiệm vị trí kỹ sư nghiên cứu học máy tại Instagram. Là thành viên trong một đội có ảnh hưởng tại công ty, anh không chuẩn bị tinh thần cho việc bị sa thải, cũng không có cơ hội nói lời tạm biệt chính thức với đồng nghiệp.

Minh là một trong hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải nhân sự công nghệ "Tech layoffs" tại Mỹ. Những người nước ngoài như Minh có 90 ngày nếu trong diện OPT (giấy phép cho du học sinh ở lại làm việc) và 60 ngày nếu trong diện visa H-1B (thị thực tạm trú ở Mỹ theo diện lao động) để tìm một công việc mới.

Theo một thống kê của Crunchbase News, tính đến giữa tháng 11/2022, hơn 73.000 nhân sự trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ đã mất việc. Ngày 21/11, trang cung cấp dữ liệu về tuyển dụng tại Mỹ - Intellizence cho hay, từ đầu năm đến nay, Meta sa thải 11.000 nhân viên; Amazon sa thải 10.000; Twitter sa thải 4.400. Google cũng thông báo sẽ sa thải 10.000 người do áp lực cắt giảm quy mô ngày càng tăng.

Hoàng Nam, có bằng cử nhân chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Washington, ứng tuyển vị trí Kỹ sư phần mềm dành cho sinh viên vừa tốt nghiệp (Software engineer - new grad) tại Google vào tháng 4/2022. Tháng 6/2022, Nam trải qua các vòng phỏng vấn qua điện thoại và nhận được thư phỏng vấn vòng cuối đầu tháng 8/2022. Nam sinh không quản ngày đêm luyện thuật toán và thành công trong vòng phỏng vấn này. Tuy nhiên, trước khi chọn nhóm làm việc, Nam bất ngờ nhận được cuộc gọi từ nhân viên bộ phận tuyển dụng, khuyên Nam nên rút hồ sơ để nộp cho đợt 2023, kèm hướng dẫn "điểm phỏng vấn vẫn được lưu một năm".

"Em thực sự buồn, rất buồn", Nam nói. Dù sống cùng bố mẹ ở Mỹ, không phải đi thuê nhà, song vì không đi làm, Nam không có tiền để chi tiêu, trong khi "cái gì cũng lên giá".

Chân Lê, kỹ sư trưởng tại Truera, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo tại Mỹ, người sáng lập cộng đồng Viet Tech, đánh giá những người chịu ảnh hưởng lớn nhất của làn sóng "Tech layoffs" là các du học sinh mới tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phần mềm.

"Mảng việc làm công nghệ cho người mới ra trường gần như đóng băng không tuyển nữa, hoặc hủy, hoãn đề nghị", anh cho hay.

Ngoài ra, các vị trí cấp cao hoặc cấp nhân viên cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là với những người đang có visa H-1B hoặc là trụ cột gia đình. "Một người bạn của mình bị sa thải vào ngày đầu tiên sau khi nghỉ vì vợ sinh con. Điều này thật khủng khiếp", Chân Lê dẫn chứng.

Còn Lê Thế Hiển, người sáng lập cộng đồng Vietnam Tech Society, từng làm việc ở Amazon và Googe, ước tính khoảng 1.000 người Việt bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải tại Mỹ đợt này.

"Những du học sinh tốt nghiệp cuối năm nay, cũng như năm 2023 - 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng nghìn ứng viên có năng lực và kinh nghiệm để có cơ hội việc làm hạn chế", anh Hiển nói, dự báo có thể đến năm 2025, thị trường lao động ngành công nghệ mới tươi sáng trở lại.

Trong bối cảnh này, Chân Lê khuyên các du học sinh ngành công nghệ mới ra trường hoặc sắp ra trường tham gia phỏng vấn ở nhiều công ty, nhận nhiều đề nghị để dự phòng trường hợp một công ty hủy đề nghị. Ứng viên nên nhắm đến những công ty có nguồn lực tốt (nếu là startup phải có gây quỹ gần đây, có đủ tiền để sống vài năm). "Bạn phải nổi bật giữa đám đông, với một hồ sơ mạnh, nhiều kinh nghiệm thực tập, làm dự án, được đào tạo bài bản cho các cuộc phỏng vấn kỹ thuật chuyên nghiệp", Chân nói.

Minh Phạm đang gấp rút tìm kiếm lời mời phỏng vấn cho hiện tại. Anh hy vọng phỏng vấn vòng đầu trước kỳ nghỉ đông và những vòng cuối vào tháng 1/2023. Một công việc tạm thời (có bảo lãnh visa) lúc này sẽ giúp Minh tạm ổn để chờ đợi cơ hội khi tình hình kinh tế tươi sáng hơn.

Còn Nam vẫn tiếp tục cố gắng giải những bài code để đón các đợt tuyển dụng mới của Google và các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, Hiếu Lê, một kỹ sư phần mềm có hai năm kinh nghiệm ở Twitter, nói đã chuẩn bị tinh thần khi ông chủ Elon Musk tuyên bố cắt giảm lượng lớn nhân sự. Dù "hơi tiếc thẻ xanh" bị huỷ và có khả năng tìm được công việc mới nhưng anh quyết định thu xếp hành lý về Việt Nam để startup công nghệ.

"Tôi đã có kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, có lẽ sau này muốn quay lại tìm việc vẫn được", Hiếu nói.

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Tân DHS sang Nga; Quảng bá văn hóa ở Anh; 'Nữ hoàng rác' ở Úc; Đối mặt lừa đảo ở Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang