Mỹ: Hậu đại dịch; Vụ xả súng gây rung chuyển; Đồng USD 'bẫy' NĐT; Thêm tài liệu mật của Biden; 'Hết' dư địa cấm vận Nga

NƯỚC MỸ SAU ĐẠI DỊCH

(Ảnh minh hoạ).

Sau hơn 2 năm trải qua đại dịch với khoảng 100 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu người chết, nước Mỹ lại đối mặt với nhiều thách thức mới nhưng dường như cũng tìm thấy “trong nguy có cơ”.

Buổi trưa nắng ngày hè, quán cà phê Starbuck trong khuôn viên sân bay quốc tế Daniel K. Inouye (Honolulu, Mỹ) đông đúc như nhiều quán Starbuck khác trên khắp xứ sở cờ hoa. Lẩn khuất dưới chân những người đứng xếp hàng chờ đến lượt là các ký hiệu quy định giãn cách còn sót lại sau những ngày đại dịch. Thế nhưng, dường như chẳng còn ai quan tâm hay tuân thủ các chỉ dẫn ấy.

Từ hồi sinh

Trước đó, tôi trải qua 15 giờ vật vã quá cảnh giữa sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) vắng hoe và hầu hết dịch vụ ăn uống đều ngưng hoạt động - trái ngược với thời trước đại dịch Covid-19, rồi bay tiếp 7 tiếng để đáp xuống Honolulu (Hawaii, Mỹ) để lại đặt chân đến xứ cờ hoa sau hơn 2 năm rưỡi.

Đến sân bay quốc tế Daniel K. Inouye (Honolulu) cũng là lúc chiếc khẩu trang đeo suốt hơn 24 tiếng được tháo xuống. Khi đó, tại Mỹ, việc đeo khẩu trang không còn bị bắt buộc. Cùng trên một đường bay, trong khi các chuyến bay của hàng không nhiều nước vẫn áp đặt đeo khẩu trang, thì các hãng hàng không Mỹ lại không bắt buộc. Khi nhập cảnh Mỹ, thủ tục gần như không phát sinh gì thêm, việc kiểm tra tiêm chủng ngừa Covid-19 cũng được kiểm tra nhanh gọn từ sân bay khởi hành. Chẳng những vậy, đến cuối tháng 10 vừa qua, việc đóng dấu lên hộ chiếu người nước ngoài khi nhập cảnh Mỹ cũng không còn.

Khung cảnh nhộn nhịp của những ngày trước đại dịch bao trùm cả sân bay Daniel K. Inouye. Sự hồi sinh hiển hiện khắp các sân bay từ Hawaii đến bờ đông lẫn bờ tây nước Mỹ mà tôi có dịp đi qua gần đây. Không chỉ tại các sân bay, mà trên từng con đường, từng địa điểm du lịch thì không khí nhộn nhịp ngày nào của nước Mỹ đều đã quay trở lại. Những hình ảnh còn gợi nhớ “cơn bão” Covid-19 quét qua nước Mỹ là bình xịt rửa tay sát khuẩn đặt ở một số lối ra vào, hay một vài chỉ dẫn về giãn cách xã hội chưa được xóa đi.

Khung cảnh ấy đang dần xóa nhòa những con số thống kê hơn 100 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong, đã từng ập đến nước Mỹ trong khoảng 2 năm. Nước Mỹ đã hồi sinh!

Đến đối mặt thách thức

Nhưng khi bệnh dịch không còn là nỗi lo thì sự quan tâm của người dân Mỹ chính là tình hình kinh tế.

“Các loại hũ nhựa dùng để đóng gói thực phẩm chức năng của tôi trước kia chỉ mất 4 - 6 tuần để nhận hàng kể từ lúc đặt, nhưng nay thì có lúc sau 3 tháng vẫn chưa nhận được”. Đó là chia sẻ mà tôi nhận được từ một chủ doanh nghiệp sở hữu một số cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng tại TP.Dallas (bang Texas, Mỹ).

Trong đó, sự gián đoạn của nguồn cung ứng không chỉ trở thành nỗi lo của vị chủ doanh nghiệp trên, mà còn cản trở hoạt động của cả các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ. Một chuỗi các tác động đã gây ra thách thức này. Từ năm 2019, khi đại dịch chưa xảy ra, xung đột thương mại Mỹ - Trung đã phần nào hạn chế giao thương 2 nước.

Đến năm 2020, đại dịch bùng nổ, Trung Quốc vốn là “công xưởng” của kinh tế toàn cầu nhưng thường xuyên “phong tỏa” nhiều khu vực dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung cấp cho nhiều lĩnh vực. Chưa dừng lại ở đó, những lệnh trừng phạt mạnh tay của Mỹ nhằm vào ngành sản xuất linh kiện bán dẫn của Trung Quốc càng gây ra thiếu hụt linh kiện bán dẫn toàn cầu. Nhiều tập đoàn của Mỹ và nhiều nước đã phải cắt giảm sản lượng.

Ở mức tác động rộng hơn, không chỉ giới hạn trong ngành sản xuất, xung đột quân sự ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng cao và tác động cả chuỗi cung cấp lương thực, thực phẩm. Tất cả tạo nên một tác động tổng lực khiến cho lạm phát của xứ sở cờ hoa lên mức cao.

Và trong nguy có cơ

Nhưng “Cuộc chơi đang thay đổi!”. Dù thừa nhận những thách thức và khó khăn hiện tại của kinh tế Mỹ, nhiều người trong giới tinh hoa ở thủ đô Washington D.C đều có chung nhận định như vậy khi trò chuyện với tôi.

Niềm tin đó còn đến từ nhiều người kinh doanh tại đất nước này mà tôi tiếp xúc gần đây. Trên đường đi từ TP.Austin đến TP.Dallas (đều thuộc bang Texas, Mỹ), người bạn cũng là dân kinh doanh đã hào hứng cho biết giá nhà cửa ở Texas đang tăng cao. Anh hào hứng không phải vì đang đầu tư vào bất động sản mà vì giá nhà cửa ở đây tăng cao do làn sóng đầu tư, xây dựng nhà máy nên thu hút nhiều lao động về Texas. Apple đã đầu tư cơ sở trị giá hàng tỉ USD vào Austin, trở thành cơ sở quan trọng của tập đoàn này sau trụ sở ở bang California (Mỹ). Rồi hãng xe điện Tesla chuyển trụ sở về Austin và xây dựng nhà máy sản xuất tại đây. Cụm cơ sở của Tesla ở Austin trở thành nhà máy sản xuất có quy mô lớn thứ 2 thế giới và có tận mắt chứng kiến mới thấy cơ ngơi này lớn khủng khiếp thế nào.

Nhưng nếu sự xuất hiện của Apple hay Tesla chỉ là quá trình dịch chuyển trong nội bộ của Mỹ, thì việc Samsung cũng bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn trị giá 17 tỉ USD gần Austin chính là dẫn chứng cho “Cuộc chơi đang thay đổi”.

Sự thay đổi đó chính là chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc, nổi bật là chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn. Nhiều nhà máy sản xuất chip bán dẫn đang được xây dựng ở Mỹ và nhiều nước, chứ không còn khu biệt tại các nền kinh tế Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Riêng Samsung, theo một số thông tin, dự kiến xây dựng đến 11 nhà máy sản xuất chip với tổng trị giá đầu tư lên đến 200 tỉ USD tại Texas. Không chỉ Samsung, Tập đoàn TSMC của Đài Loan, vốn chiếm hơn 50% thị phần ngành sản xuất chip bán dẫn toàn cầu, trong những ngày cuối năm 2022 đã công bố đầu tư thêm nhà máy sản xuất chip thứ 2 tại Mỹ. Như thế, TSMC đã nâng tổng mức đầu tư sản xuất chip tại Mỹ từ mức 12 lên 40 tỉ USD.

Không chỉ tăng cường năng lực tự chủ sản xuất linh kiện bán dẫn, Mỹ sau hơn 2 năm đại dịch cũng đã phát triển nhanh, mạnh mẽ về công nghệ chip bán dẫn. Trong năm 2022, Tập đoàn AMD chuyên về chip bán dẫn của Mỹ đã tung ra thế hệ vi kiến trúc chip xử lý máy tính đầu tiên có tiến trình 5 nm. Rồi Tập đoàn Qualcomm cũng của Mỹ đạt nhiều bước tiến về trí tuệ nhân tạo (AI) cho các nền tảng di động, đặc biệt đáp ứng nhiều nhu cầu cho làm việc tại nhà vốn trở thành một xu thế kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Dường như, từ những khó khăn, thách thức do đại dịch và những tác động của thế giới, người Mỹ tận dụng cơ hội trong nguy biến và cũng không ngừng phát triển.

(Nguồn: Thanh Niên)

CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA TRONG THẢM KỊCH ĐÊM GIAO THỪA Ở CALIFORNIA

Tết Nguyên đán bắt đầu trong nỗi kinh hoàng đối với cư dân thành phố Monterey Park (bang California), nơi xảy ra vụ xả súng tại câu lạc bộ khiêu vũ khiến 10 nạn nhân thiệt mạng.

Lynette Ma thức giấc với hàng loạt tin nhắn trên điện thoại từ những người bạn lo lắng, hỏi han xem cô có ổn không.

Cô gái 28 tuổi đã lên kế hoạch đưa mẹ tới lễ hội đón Tết Nguyên đán hôm 22/1, nhưng vụ xả súng chết chóc trong đêm giao thừa tại câu lạc bộ khiêu vũ Star Ballroom Dance Studio ở Monterey Park đã khiến kế hoạch phải thay đổi.

Thay vào đó, Ma và mẹ ngồi trong công viên thành phố và đau xót với thảm kịch vừa xảy ra mà họ vẫn chưa thể tin được.

Thức giấc sau đêm giao thừa trong cơn ác mộng

Nhiều cư dân khác ở Monterey Park, vùng ngoại ô tập trung nhiều người Mỹ gốc Á ở Los Angeles, bang California hôm 22/1 cũng thức giấc với cơn ác mộng rùng rợn như vậy.

Tết Nguyên đán bắt đầu trong nỗi kinh hoàng đối với cư dân của thành phố, nơi xảy ra vụ xả súng hàng loạt khiến 10 nạn nhân thiệt mạng.

Chỉ cách trung tâm Los Angeles vài km về phía đông, Monterey Park được coi là "New Chinatown" của Los Angeles.

Cư dân ở đây đọc báo bằng tiếng Quan thoại, hầu hết biển hiệu kinh doanh đều bằng tiếng Trung Quốc. Và khi phóng viên tiếp cận sau khi thảm kịch xảy ra, phần lớn cư dân ở đây thậm chí không nói tiếng Anh.

Tại thành phố 60.000 dân này, đèn lồng đỏ, băng rôn mừng Tết Nguyên đán vẫn treo rợp cả một nẻo đường.

Tuy nhiên, ở khu vực xung quanh câu lạc bộ khiêu vũ nơi xảy ra vụ nổ súng, dải băng cảnh sát màu vàng và những sĩ quan vũ trang hạng nặng đang thay thế bất cứ màu sắc nào của lễ hội.

Lễ hội năm nay lẽ ra là sự khởi đầu vui vẻ cho lễ đón Tết Nguyên đán đầu tiên ở Monterey Park kể từ trước đại dịch, với những đám đông lớn tràn ngập ở thành phố có đa số người Mỹ gốc Hoa gần Los Angeles.

Tuy nhiên, tất cả bị hủy hoại trong cơn ác mộng vào tối thứ 7 sau khi một người đàn ông bước vào phòng khiêu vũ và nổ súng, khiến ít nhất 20 nạn nhân ngã xuống, trong đó 10 người đã thiệt mạng. Đám đông trong căn phòng hoảng loạn tìm cách tháo chạy ra ngoài.

“Sau một ngày đón mừng, chúng ta thức giấc với một cơn ác mộng. Không có lời nào diễn ra hết nỗi đau này. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi nỗi đau mà nhiều gia đình đang phải nếm trải hôm nay”, theo tuyên bố từ tổ chức Stop AAPI Hate.

Stop AAPI Hate được thành lập vào tháng 3/2020 nhằm phản đối các vụ kỳ thị nhắm vào người Mỹ gốc Á trong thời gian đại dịch.

Ám ảnh

Khi những ánh sáng đầu tiên của ngày mới xuất hiện sau thảm kịch ở Monterey Park, làm nổi rõ hình ảnh những cảnh sát với vũ khí hạng nặng đang bảo vệ an ninh quanh hiện trường, phía trên vẫn còn những dãy đèn lồng đỏ hay băng rôn chúc mừng năm mới.

Vụ xả súng đêm giao thừa biến đêm tiệc mừng Tết Nguyên đán trở thành nỗi ám ảnh đối với cư dân Monterey Park.

“Chuyện như thế này không xảy ra ở đây”, Wynn Liaw, một cư dân 57 tuổi chia sẻ sau khi nghe bản tin về vụ xả súng.

Bà Liaw là một bác sĩ thú y đã nghỉ hưu, sinh sống bốn thập kỷ qua ở Monterey Park.

Bà vẫn khó có thể tin nổi một vụ xả súng chết chóc đã diễn ra ở đây, đằng sau mái hiên trắng và xanh của tòa nhà mà bà vẫn bước qua hàng ngày khi đi mua sắm.

"Đây là một khu phố rất an toàn. Ở đây, tôi có thể đi dạo một mình vào ban đêm và không phải lo lắng về bạo lực súng đạn", bà Liaw nói với báo giới giữa lúc trực thăng cảnh sát bay trên đầu.

Người phụ nữ cũng bày tỏ lo ngại vụ nổ súng có thể do hành vi thù ghét nhằm vào người gốc Hoa.

Cảnh sát Los Angeles hôm 22/1 xác nhận vụ nổ súng khiến 5 phụ nữ và 5 đàn ông thiệt mạng.

Thảm kịch cắt ngang bữa tiệc dự kiến kéo dài hai ngày đã được lên kế hoạch để chào mừng năm mới ở bang đầu tiên của Mỹ chính thức công nhận Tết Nguyên đán là ngày lễ. Các vũ công múa lân đã dự định diễu hành qua các đường phố trung tâm được trang trí bằng đèn lồng đỏ.

“Chúng tôi đã không thể có một ngày lễ như thế này trong ba năm qua, vì vậy sự kiện này rất quan trọng. Mọi người đều mong mỏi được ra ngoài”, quyền Thị trưởng Monterey Park Jose Sanchez, cho biết.

Trước đó, ông Sanchez đã tới lễ hội cùng với cô con gái 6 tuổi của mình. Ông ước tính 100.000 người đã tham dự sự kiện ngày 21/1, và lễ hội thường là một trong những lễ đón Tết Nguyên đán lớn nhất trong tiểu bang.

Gây rúng động các cộng đồng người Mỹ gốc Á

Vụ xả súng đã gây rúng động các cộng đồng người Mỹ gốc Á trên khắp đất nước cờ hoa, khiến cảnh sát từ San Francisco tới New York tăng cường tuần tra tại các sự kiện chào đón Tết Nguyên đán ở nhiều thành phố.

Thảm kịch ở Monterey Park cũng là vụ xả súng chết chóc nhất ở Mỹ kể từ thảm kịch Uvalde - trong đó 19 học sinh và 2 giáo viên bị sát hại tại trường tiểu học tại Texas ngày 24/5/2022.

Cảnh sát trưởng hạt Los Angeles Robert Luna ngày 22/1 công bố nghi phạm trong vụ xả súng là Huu Can Tran, 72 tuổi, đã thiệt mạng do tự bắn.

Thi thể nghi phạm được tìm thấy bên trong chiếc xe tải chở hàng màu trắng ở Torrance. Trước đó, chiếc xe này bị cảnh sát cố gắng chặn lại và khi cảnh sát ra lệnh cho người ngồi bên trong ra khỏi xe, họ nghe thấy tiếng nổ và tin rằng người lái xe có thể đã tự bắn mình, theo CNN.

Không dám tin

Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu treo cờ rủ tại Nhà Trắng cũng như các tòa nhà công quyền liên bang đến ngày 26/1 để tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng Monterey Park.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã viết trên Twitter rằng ông và phu nhân Jill Biden đang "cầu nguyện cho những người thiệt mạng và bị thương trong vụ xả súng hàng loạt đêm qua ở Monterey Park", đồng thời nhấn mạnh “ông đang theo dõi sát sao sự việc”.

Cư dân địa phương cho biết vào thời điểm xảy ra vụ xả súng khiến 10 nạn nhân thiệt mạng ở Monterey Park, câu lạc bộ khiêu vũ tổ chức tiệc mừng năm mới theo Âm lịch.

Các nhân chứng mô tả nghi phạm là nam giới gốc Á, khoảng 30-50 tuổi, "mang vũ khí hạng nặng, không xác định mục tiêu cụ thể và nổ súng bừa bãi".

Anh Wong Wei, sống gần hiện trường, kể lại với Los Angeles Times rằng bạn của anh có mặt tại câu lạc bộ và đang ở trong nhà vệ sinh khi tiếng súng nổ lên.

Wei cho biết khi bạn của anh bước ra, cô thấy nghi phạm mang theo một khẩu súng dài và xả đạn bừa bãi, có 3 người nằm bất động trên sàn, trong đó có 2 phụ nữ và người còn lại được cho là chủ nhân của câu lạc bộ.

Cũng theo Los Angeles Times, một nhân chứng khác có tên Seung Won Choi - chủ nhà hàng đồ nướng hải sản gần hiện trường - kể rằng ít nhất ba người trốn vào nhà hàng của ông, khẩn cầu ông khóa chặt cửa.

Họ nói một người đàn ông mang súng trường bán tự động đang xả súng ở tòa nhà, mang theo nhiều hộp tiếp đạn và liên tục thay đạn sau các loạt bắn.

Trước khi vụ nổ súng diễn ra, hàng chục nghìn người đã tập trung trong ngày đầu tiên của lễ hội Tết Nguyên đán kéo dài hai ngày ở Monterey Park, được ghi nhận là một trong những lễ hội đón năm mới Âm lịch lớn nhất ở Nam California.

Ngày thứ hai của lễ hội (hôm 22/1) đã bị hủy bỏ sau vụ tấn công.

Tiffany Chiu, 30 tuổi, nói với Reuters rằng cô đang dự tiệc tất niên tại nhà bố mẹ gần câu lạc bộ khi vụ xả súng diễn ra. Chiu cho biết một số người trong khu vực nhầm tưởng tiếng súng là tiếng pháo hoa đón năm mới.

Vụ nổ súng khiến nhiều người trong vùng choáng váng.

“Vốn không có xả súng ở vùng này”, Ken Nim, một nhân viên IT 38 tuổi, nói với báo giới khi được phỏng vấn giữa lúc anh đang dắt chó đi dạo.

Nim cho biết trong 20 năm sống ở đây, vụ việc lớn nhất mà anh từng gặp phải là lần bị lấy trộm mất bộ lọc khí thải trên ôtô.

“Vụ xả súng đánh dấu một sự thay đổi đáng buồn, mọi thứ trở nên điên rồ”, Nim nói. "Chúng tôi đã chứng kiến các vụ xả súng hàng loạt ở nhiều thành phố khác và ở các bang khác, nhưng giờ đây nó đang đến với chúng tôi".

David Kwan, một nhân viên bảo vệ gốc Malaysia, bày tỏ sự bàng hoàng trước vụ nổ súng.

“Tôi thường xuyên phải đối mặt với bạo lực nhưng ở những khu vực khác của Los Angeles” Kwan nói. "Đây là lần đầu tiên tôi thấy điều đó xảy ra trong cộng đồng của mình".

Dọc theo những con đường bị phong tỏa, cư dân địa phương vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem tại sao bi kịch này lại ập tới. Trên điện thoại cá nhân, họ nhìn thấy những bức ảnh thi thể nằm trên mặt đất trong căn phòng được chiếu sáng bằng đèn nhiều màu.

Ban đầu, nhiều người lo sợ rằng vụ tấn công có thể liên quan tới tội ác thù ghét. Tuy nhiên, khi danh tính nghi phạm được công bố hôm 22/1, tất cả lại trở nên mông lung hơn.

“Tôi cảm thấy như đây là một câu chuyện cá nhân”, Jerry Liu, một tài xế xe tải 26 tuổi, nói khi đứng gần hàng trăm chiếc lều trắng thẳng hàng ở chợ Tết Nguyên đán.

Trước đó một ngày, hàng nghìn người đã tập trung đông đúc tại khu chợ chính, giữa các quầy thịt xiên và khu hội chợ.

"Hẳn là nghi phạm nhắm vào phòng khiêu vũ đó. Nếu hướng tới mục tiêu giết nhiều người, ông ta có thể đến hội chợ sớm hơn trong ngày", Liu phân tích.

Đứng trước vòng bảo vệ của cảnh sát, ông Chester Chong đưa ra một giả thuyết khác. Ông cho rằng động cơ có thể là sự ghen tuông trỗi dậy ở một người đàn ông không được mời đến bữa tiệc trong khi vợ cũ của ông ta đang ở đó.

“Vấn đề là chúng ta có quá nhiều súng ở đất nước này”, ông Chester Chong, chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc ở Los Angeles, nói.

"Thật quá dễ dàng để vớ lấy một khẩu súng và làm điều gì đó ngu ngốc", ông bức xúc.

Nghi phạm tìm tới một câu lạc bộ khiêu vũ khác

Theo CNN, một người bạn của nghi phạm tiết lộ rằng Huu Can Tran từng hay lui tới câu lạc bộ khiêu vũ Star Dance Studio và gặp người phụ nữ mà sau đó ông ta kết hôn tại đây. Tuy nhiên, cặp đôi đã ly hôn.

Nghi phạm Huu Can Tran được coi là một trong những người xả súng cao tuổi nhất ở Mỹ. Tội phạm nổ súng nơi công cộng lớn tuổi nhất ở nước này là James Wenneker von Brunn, người tấn công tại Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust ở Washington năm 2009 khi đã 88 tuổi.

Theo cảnh sát trưởng Luna, sau khi rời khỏi hiện trường ở Monterey Park, nghi phạm nhắm tới một câu lạc bộ khiêu vũ khác tại Alhambra gần đó. Tuy nhiên, hai người trong phòng tiệc đã giằng được khẩu súng Cobray M11 9 mm khỏi tay nghi phạm, buộc Huu Can Tran phải tháo chạy khỏi hiện trường.

"Họ đã cứu sống rất nhiều người, tình hình đáng lẽ còn nghiêm trọng hơn", cảnh sát trưởng Luna ca ngợi những người ngăn cản nghi phạm tại Alhambra và gọi họ là anh hùng.

Các lễ hội ngày 22/1 tại Monterey Park đã bị hủy bỏ sau vụ tấn công, mặc dù một số lễ đón Tết Nguyên đán vẫn diễn ra ở các thành phố lân cận, nơi có đông đảo người Mỹ gốc Á sinh sống.

Đối với Lynette Ma, những gì vừa xảy ra với cộng đồng của cô là điều “khủng khiếp chưa từng thấy” bởi bạo lực súng đạn chưa từng tới gần nơi cô sinh sống tới như vậy.

Chia sẻ với AP, Ma nói rằng cô và gia đình vẫn sẽ ra ngoài ăn để chào đón Tết Nguuyên đán, nhưng sau những gì đã xảy ra, mọi thứ không bao giờ còn có thể như trước nữa.

(Nguồn: Zing News)

ĐỒNG USD ĐANG “BẪY” CÁC NHÀ ĐẦU TƯ?

(Ảnh minh hoạ).

Đồng USD đang giảm nhanh chóng từ mức cao nhất chạm tới vào năm 2022 và vẫn chưa chắc chắn sẽ tiếp tục giảm hay tăng trở lại, nhưng tốc độ giảm như hiện tại cho thấy có nhiều khả năng sẽ nguội lạnh trong năm 2023.

Sự đảo ngược mức tăng gần 30% của chỉ số Dollar index (DXY – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt) từ mức thấp nhất sau đại dịch - vào đầu năm 2021, là dưới 90 điểm – để đạt mức cao nhất trong 20 năm vào tháng 9/2022 (trên 114 điểm), có vẻ như là một sự cá cược chắc chắn rằng mức đỉnh của DXY đã qua, khi thị trường dự đoán mức đỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sắp đến.

Hiện tại, chiến dịch thắt chặt tiền tệ một cách mạnh mẽ của Fed – đã khiến USD tăng giá mạnh trong thời gian qua – dường như sắp kết thúc giữa bối cảnh có nhiều bằng chứng cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn ổn định và lạm phát đang hạ nhiệt. Các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ thực hiện thêm một số đợt tăng lãi suất ‘khiêm tốn’ nữa cho đến khi lãi suất đạt đỉnh dưới mức 5% vào giữa năm 2024, sau đó sẽ đến lúc lãi suất giảm dần, giảm khoảng 0,5 điểm vào cuối năm tới.

Đồng USD đã giảm hơn 10% trong 3 tháng qua, chủ yếu do thị trường lạc quan rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đã có động thái thắt chặt tiền tệ, khiến cho Fed không còn là ngân hàng duy nhất chống lạm phát một cách quyết liệt.

Sự can thiệp mạnh mẽ vào tiền tệ của Nhật Bản hồi tháng 10 đã giúp đồng yen ổn định trở lại, sau giai đoạn lao dốc mạnh mẽ trước đó. Yen Nhật đã hồi phục lên mức cao vào tháng trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu từ bỏ dần chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng. Chuẩn bị cho việc BOJ sẽ thắt chặt chính sách hơn nữa, đồng yen đã phục hồi gần 20% trong vòng chưa đầy hai tháng, và sự thay đổi chính sách của BOJ vào tháng 12 có vẻ như sẽ không phải là một lần duy nhất.

Ở một nơi khác, khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trở nên tích cực hơn trong việc tham gia vào làn sóng thắt chặt tiền tệ vào cuối năm ngoái vì phải đối mặt với tình trạng lạm phát của khu vực đồng euro ở mức 2 con số, đồng euro cũng phục hồi mạnh mẽ. Sau khi tăng 14% trong vòng 3 tháng, EUR đã tăng tốc hơn nữa nhờ mùa đông năm nay đặc biệt ấm áp và lượng khí đốt tự nhiên dồi dào đã giúp giảm một nửa giá khí đốt trong khu vực - trước đó cao ngất ngưởng đến mức nhiều người đã đặt cược rằng chính khí đốt sẽ là thủ phạm gây ra suy thoái kinh tế. Việc giá khí đốt giảm khiến một số người suy nghĩ lại về khả năng suy thoái kinh tế ở châu Âu, khi mà tình trạng mất điện giá thực phẩm cao không trầm trọng như lo sợ.

Sau các đợt phong tỏa kéo dài trong chiến dịch chống COVID-19, Trung Quốc vào tháng cuối cùng của năm 2022 bất ngờ từ bỏ chính sách 'Zero COVID', đem lại triển vọng nhu cầu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, nâng giá trị đồng nhân dân tệ tăng khoảng 10% so với mức thấp nhất của năm ngoái.

Mặc dù các dự báo vào thời điểm đầu năm này nhìn chung đều có vẻ thận trọng về mức độ của các động thái tiếp theo (của các nền kinh tế lớn trên thế giới), nhưng các sự kiện gần đây đang buộc nhiều ngân hàng toàn cầu phải xem xét lại quan điểm của mình về đồng đô la trong năm 2023.

Trong tuần qua, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết họ sẽ "giảm gấp đôi" mức dự báo về mức giảm tỷ giá đồng USD xuống thấp hơn 6% so với dự báo trước đây, đồng thời nâng dự báo về tỷ giá USD/EUR lên 1,15 USD, so với 1,08 USD dự báo trước đây.

Họ nói: "Các vấn đề vĩ mô từng hạn chế sự suy yếu của đồng đô la giờ đang đổi chiều". "Tăng trưởng toàn cầu đang có dấu hiệu nổi lên, sự không chắc chắn về lạm phát và vĩ mô đang giảm dần, đồng đô la đang nhanh chóng mất đi lợi thế từ những tác động đó."

Ngân hàng HSBC cũng cho rằng đồng euro sẽ tăng thêm 6% trong năm nay và tuần trước đã cắt giảm dự báo tỷ giá đô la/yen cuối năm xuống 120 JPY, từ mức 130 JPY trước đó.

Mặc dù các yếu tố mới nổi lên còn chưa rõ ràng, song các nhà đầu tư đã bắt đầu hành động.

Dữ liệu hàng tuần của CFTC cho thấy các quỹ đầu cơ đã bán ròng đô la nói chung kể từ tháng 11 sau khi giữ vị thế mua ròng trong 10 tháng trước đó.

Nhưng hơi kỳ lạ, kết quả thăm dò của Bank of America (BOA) tuần qua cho thấy, với những động thái gần đây, các nhà quản lý quỹ toàn cầu vẫn xác định 'đồng đô la Mỹ dài hạn' vẫn là tiền tệ được 'giao dịch nhiều nhất' trên thị trường thế giới trong tháng thứ bảy liên tiếp - mặc dù ít hơn so với các tháng trước.

65% số người được hỏi trong cuộc khảo sát hàng tháng của BOA vẫn cho rằng đồng đô la được định giá quá cao.

Và nếu nhìn vào các biểu đồ và xu hướng kỹ thuật để tìm kiếm manh mối thì triển vọng cũng không tốt hơn. Cái gọi là 'điểm cắt tử thần' - nơi đường trung bình động ngắn hạn (50 ngày) giảm xuống dưới mức trung bình động 200 ngày - đã xảy ra trên biểu đồ DXY vào tuần thứ 2 của tháng 1/2023 – là điều thường báo hiệu những đợt giảm giá mạnh sắp tới.

Tuy nhiên, những đợt tỷ giá giảm mạnh thường chuẩn bị cho đợt phục hồi sau đó. Và tháng Một này đã có những đợt DXY hồi phục ngắn như vậy.

Lạm phát giá nhập khẩu hàng năm của Mỹ bất ngờ tăng tốc trở lại vào tháng 12/2022 sau 8 tháng giảm liên tiếp do đồng USD giảm giá vào cuối năm. Điều đó cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn lâu mới giành được thắng lợi nếu đồng bạc xanh bước vào xu hướng giảm giá từ lúc này.

Các động thái của Fed luôn có khả năng kiểm soát biến động của đồng đô la - nhưng mặt trái của sức mạnh đồng đô la ở nước ngoài có thể còn mạnh hơn khi các nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản phải đối phó với sự biến động giá năng lượng và hàng hóa - được định giá bằng đồng USD.

Đồng đô la tăng mạnh vào năm ngoái đã làm cộng hưởng cú sốc giá năng lượng nhập khẩu và lạm phát tăng vọt ở châu Âu và Nhật Bản, đồng thời đe dọa tạo ra một vòng tác động luẩn quẩn khi vòng xoáy chi phí năng lượng quá lớn làm tăng thâm hụt thương mại ở cả hai khu vực.

Sự đảo ngược mạnh mẽ của đồng đô la trong năm nay có lẽ sẽ có tác động ngược lại, và có khả năng làm giảm nhu cầu thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ đối với cả ECB và BOJ.

Những lập luận vòng vo như vậy hiếm khi diễn ra một cách gọn gàng trong thực tế - nhưng đó là một lời nhắc nhở rằng những động thái cực đoan của thị trường tiền tệ thường có thể tự điều chỉnh, nghĩa là đồng USD sau giai đoạn giảm có thể sẽ tăng trở lại.

(Nguồn: CafeF)

BỘ TƯ PHÁP TÌM THẤY THÊM TÀI LIỆU MẬT TẠI TƯ GIA CỦA TỔNG THỐNG BIDEN

Một cuộc tìm kiếm mới của Bộ Tư pháp (DOJ) tại nhà của Tổng thống Joe Biden ở Wilmington, Delaware, hôm 20 tháng 1 đã dẫn đến việc phát hiện thêm sáu tài liệu mật, một luật sư của tổng thống cho biết trong một tuyên bố vào tối 21 tháng 1.

Theo luật sư của Tổng thống Biden, ông Bob Bauer, một số tài liệu mật và "tài liệu kế cận" có từ khi ông Biden còn làm tại Thượng viện Hoa Kỳ, nơi ông đại diện cho Delaware từ năm 1973 đến năm 2009.

Ông Bauer cho biết rằng các tài liệu khác có từ nhiệm kỳ phó tổng thống của ông trong chính quyền Obama, từ năm 2009 đến năm 2017.

Theo luật sư này, Bộ Tư pháp cũng đã giữ một số đoạn viết tay của ông Biden với tư cách là phó tổng thống.

Ông Bauer cho biết rằng ông Biden đã đề nghị cho tiếp cận "nhà của ông để cho phép DOJ tiến hành tìm kiếm toàn bộ hồ sơ tiềm năng thời phó tổng thống và tài liệu mật tiềm năng”.

Vị luật sư cho biết rằng cả ông Biden và vợ ông đều không có mặt trong quá trình tìm kiếm. Ông Biden ở Rehoboth Beach, Delaware, vào ngày cuối tuần.

Các hồ sơ mật khác của chính phủ đã được phát hiện trong tháng này tại tư dinh ở Wilmington của ông Biden, và vào tháng 11 tại một văn phòng riêng mà ông duy trì ở một cơ quan nghiên cứu ở Washington, D.C., sau khi kết thúc nhiệm kỳ phó tổng thống trong chính quyền Obama vào năm 2017.

Cuộc tìm kiếm cho thấy các nhà điều tra liên bang đang nhanh chóng tiến hành cuộc điều tra các tài liệu mật mà ông Biden còn giữ.

(Nguồn: VOA)

MỸ, CHÂU ÂU CÒN “DƯ ĐỊA” NÀO CẤM VẬN NGA?

(Ảnh minh hoạ).

Suy đi xét lại, đồng minh Ukraine ở phương Tây đã sử dụng hầu hết quyền năng kinh tế, chính trị, ngoại giao để bao vây, cấm vận Nga.

Thời điểm này, một số quốc gia châu Á đang ngập tràn trong không khí Tết cổ truyền; còn ở phương Tây, cuộc xung đột vẫn rất căng thẳng xoay quanh khủng khoảng an ninh ở Đông Âu.

Châu Âu và Mỹ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong chiến sự Nga - Ukraine, danh mục khí tài cung cấp cho Ukraine ngày một “nặng” hơn. Nhưng chắc chắn phương pháp này đã bị giới hạn do quan điểm từ đầu của Washington là không đối đầu vũ trang trực diện với Moscow. Chính vì thế, trong năm 2023 đồng minh phương Tây được cho sẽ có nhiều “sáng kiến” phong tỏa Nga trên mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao. Vậy đâu là những “cái cớ”?

Lần đầu tiên trong lịch sử nền công nghiệp quốc phòng Nga, Tổng thống Putin cậy nhờ đến phương tiện quân sự từ bên ngoài. Trong đó, Triều Tiên và Iran được cho là đang bù đắp máy bay không người lái (UAV), đạn pháo và rocket cho quân đội Nga.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã công bố tài liệu khẳng định Mỹ sẵn sàng và có khả năng trừng phạt những cá nhân, công ty và quốc gia cung cấp đạn dược cho Nga hoặc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Nền công nghiệp quốc phòng Nga cũng bị nhắm đến và thực tế trên, các lệnh cấm vận thương mại thông thường phần nào ảnh hưởng đến khả năng sản xuất vũ khí của Điện Kremlin. Hệ thống nhà máy sản xuất vũ khí tại Nga nhập khẩu phần lớn chip bán dẫn, thiết bị tinh vi từ châu Âu và Mỹ trang bị cho xe tăng, máy bay, tàu ngầm và nhiều khí tài khác.

Các quốc gia được cho là “ủng hộ Nga” hoàn toàn có thể rơi vào tầm ngắm, đặc biệt là các thị trường liên thông, công ty bình phong đổi quốc tịch giúp nền kinh tế, quốc phòng Nga tiếp cận với nguồn từ bên ngoài.

Rõ ràng, nhìn lại toàn cục, đây là cuộc xung đột mà luật pháp quốc tế, tính công bằng, bình đẵng giữa các quốc gia hoàn toàn bị bỏ qua. Một sự so sánh rất đơn giản mà ai cũng hiểu, đó là Mỹ và đồng minh công khai cung cấp vũ khí cho Kiev - được cho là hợp lệ.

Dĩ nhiên, phương Tây quy kết Nga phá vỡ trật tự luật pháp quốc tế. Nhưng Moscow cũng có lý do của họ - ngăn ngừa NATO, bảo vệ từ xa an ninh quốc gia.

Sâu xa trong cuộc đụng độ không khoan nhượng này là bất đồng quan điểm sâu sắc về chiến lược an ninh, chủ quyền quốc gia trong tình hình mới. Đây mới là nguồn cơn nảy sinh mâu thuẫn dai dẳng dẫn đến cuộc chiến hao người tốn của. Bởi lẽ, suy đến cùng chẳng bao giờ có hòa bình nếu “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”. Chiến tranh không bao giờ dừng lại nếu vũ khí vẫn tuồn ra chiến trường một cách đều đặn.

Và, chắc chắn rằng vũ khí Mỹ, châu Âu dù mạnh mẽ đến đâu cũng không thể giúp người dân Ukraine trở lại với cuộc sống hòa bình dựa trên các giá trị cốt lõi của nó - tự do, an toàn và phát triển.

Cũng như thế, nước Nga của Tổng thống Putin dù tiềm lực đến đâu cũng không thể “đơn thương độc mã” chống lại số đông. Chẳng ai có thể hy vọng về tương lai nước Nga tươi sáng nếu quân đội Kremkin có thể “nuốt chửng” toàn bộ Ukraine.

Lịch sử chiến tranh dạy cho loài người nguyên tắc căn bản, tuyệt đối hóa vai trò của vũ lực chỉ đẻ ra thêm vũ lực; và tất thảy mọi cuộc chiến tranh lớn nhỏ chỉ có thể chấm dứt trên bàn đàm phán.

(Nguồn: Diễn Đàn doanh Nghiệp)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Nổ súng tại lễ hội; Dịch cúm đáng sợ bùng phát; Khám tư gia của Biden; Điều tra khủng hoảng biên giới ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang