EU: Lựa chọn trong khủng hoảng; Đình công ở Pháp; Hiệp ước Pháp-TBN; Đức: Tăng nhập khí đốt, quyết đạt trung hòa khí thải

CHÂU ÂU CẦN LỰA CHỌN KHI Ở TRONG KHỦNG HOẢNG 'CHƯA TỪNG CÓ'

(Ảnh minh hoạ).

Hôm 19/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu đang ở trong một ‘cuộc khủng hoảng chưa từng có’ do cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông nói thêm rằng lục địa này phải lựa chọn muốn được tự do hay trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ hoặc Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn tờ El Pais của Tây Ban Nha, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh rằng mô hình kinh tế của châu Âu đang "bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những hậu quả trực tiếp và gián tiếp của cuộc chiến này."

Về kinh tế, thế giới được định hình bởi "sự phân cực" giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó châu Âu vẫn chưa quyết định muốn "trở thành chư hầu của một trong hai bên" hay theo đuổi con đường tự do và đoàn kết, Macron nói.

Trong khi châu Âu chưa thể trả lời đầy đủ câu hỏi này, Tổng thống Pháp nhấn mạnh câu trả lời là "một châu Âu có chủ quyền về kinh tế, công nghệ và quân sự. Nói cách khác, một châu Âu hùng mạnh thực sự".

Ông Macron cho rằng cuộc khủng hoảng mà châu Âu đang trải qua hiện nay cũng xoay quanh việc châu lục này chưa "tiêu hóa" hết giai đoạn sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tổng thống Pháp cho biết EU đã gấp rút mở rộng nhanh chóng về phía đông với niềm tin rằng "các vấn đề đã được giải quyết" khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Giờ đây, theo ông Macron, EU có hai nhóm quốc gia có quan điểm khác nhau về tương lai của khối, Đông Âu tìm kiếm quyền tự trị quốc gia nhiều hơn trong EU và "chúng ta phải biết cách lắng nghe họ”.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này không chỉ gây khó khăn cho châu Âu mà tất cả các nền dân chủ phương Tây, vốn đang "trải qua một kiểu mệt mỏi, mất đi sự tham khảo chung" – ông Macron khẳng định.

Theo Tổng thống Pháp, bản thân hệ thống tư bản toàn cầu đang gặp khủng hoảng vì nó không còn giúp người dân thoát nghèo mà chỉ khiến "sự bất bình đẳng tăng vọt", gây ra khủng hoảng niềm tin đối với các nền dân chủ.

Tổng thống Pháp từ lâu đã ủng hộ việc thành lập một cộng đồng chính trị châu Âu chặt chẽ hơn, chia sẻ các giá trị dân chủ và hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và an ninh.

Ông Macron cũng nhấn mạnh rằng châu Âu nên bớt phụ thuộc vào NATO và theo đuổi "quyền tự chủ chiến lược" đối với khối quân sự do Mỹ đứng đầu này.

(Nguồn: Soha)

ĐÌNH CÔNG PHÁP LÀM GIÁN ĐOẠN TUYẾN THƯƠNG MẠI ANH - CHÂU ÂU

Công nhân Pháp xuống đường biểu tình nhằm phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu khiến đã việc giao thương giữa Anh và châu Âu bị ngắt quãng.

Nhiều xe tải đã phải đỗ dọc theo một tuyến cao tốc tại phía bắc nước Pháp vào ngày 19/1 do ảnh hưởng từ cuộc đình công của công nhân Pháp chống lại kế hoạch cải cách hưu trí, theo Reuters.

Chuyến phà di chuyển từ Dover (Anh) tới Calais (Pháp) và ngược lại đã phải tạm dừng. Đây là tuyến đường thương mại chính giữa Anh và lục địa châu Âu.

Cảng Dover cho biết đã đình chỉ các dịch vụ tới Calais từ 7h (giờ địa phương) và dự kiến việc bốc dỡ hàng hóa sẽ tiếp tục vào buổi chiều. Ngoài ra, giao thông vận tải hàng hóa ở phía Anh cũng bị hạn chế.

“Thật không may tại thời điểm này, chúng tôi không thể đảm bảo lịch trình ra khơi do những hoạt động ở Pháp”, P&O Ferries, công ty vận tải biển của Anh điều hành chuyến phà, cho biết trên Twitter.

Calais-Dover là tuyến đường biển ngắn nhất giữa Anh và châu Âu với quãng đường chỉ 37 km. Calais là cảng vận tải hàng hóa đường bộ bận rộn nhất của Pháp, xử lý khoảng 2 triệu xe tải mỗi năm.

Ngày 19/1, công nhân Pháp đã đình công và tham gia tuần hành trên khắp đất nước, nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ về việc nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi, theo Reuters.

Điều này khiến nhiều chuyến tàu ngừng hoạt động, các lớp học phải tạm dừng và hoạt động doanh nghiệp bị gián đoạn. Giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với rất ít chuyến tàu còn hoạt động.

(Nguồn: Zing News)

PHÁP-TÂY BAN NHA KÝ HIỆP ƯỚC BẢO VỆ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHÂU ÂU

(Ảnh minh hoạ).

Các nhà lãnh đạo của Pháp và Tây Ban Nha ngày 19/1 đã ký một hiệp ước song phương mới nhằm bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu. Hiệp ước được ký kết trong khuôn khổ cuộc tham vấn về chính sách công nghiệp giữa Tây Ban Nha và Pháp diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Hiệp ước kêu gọi cả Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ việc áp dụng các biện pháp bảo vệ các công ty châu Âu chống lại sức ép kinh tế và các hành vi không công bằng, cũng như chính sách công nghiệp đầy tham vọng của châu Âu nhằm tăng cường khả năng tự chủ và phục hồi chiến lược của khối này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ ký, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh: “Châu Âu phải đưa ra phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt để đảm bảo khả năng tồn tại của các ngành công nghiệp của chúng ta và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của châu lục. Thứ hai, chúng ta cũng chia sẻ nhu cầu đạt được tiến bộ nhanh chóng trong cải cách thị trường điện châu Âu. Cả hai chính phủ đã trình bày đề xuất với các nhà lãnh đạo trong khối về cách cải cách thị trường điện này”.

Hiệp ước được ký kết trong khuôn khổ cuộc tham vấn về chính sách công nghiệp giữa Tây Ban Nha và Pháp diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha. Lễ ký kết hiệp ước diễn ra trong bối cảnh EU đang tranh luận về cách phản ứng với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Các nước EU lo ngại đạo luật này sẽ gây bất lợi cho các công ty của họ vì nhiều khoản trợ cấp chỉ dành cho những sản phẩm được chế tạo ở Bắc Mỹ, ví dụ như ô tô điện. Theo Tổng thống Pháp Macron, những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy công nghệ xanh không có nghĩa là gây tổn hại ngành công nghiệp của châu Âu.

Nếu châu Âu không hành động quá trình chuyển đổi xanh đang tăng tốc của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc phi công nghiệp hóa lục địa của chúng ta. Vì vậy, tôi và Thủ tướng Tây Ban Nha chia sẻ mong muốn xây dựng một tham vọng lớn hơn của châu Âu để đáp ứng mục tiêu ba mặt này: khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng, công nghiệp hóa lục địa của chúng ta và quyền tự chủ chiến lược.

Ngoài bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu, hiệp ước cũng góp phần nâng quan hệ song phương Pháp – Tây Ban Nha lên mức mà vương quốc tại bán đảo Iberia này chỉ có với Bồ Đào Nha và cũng tương đương với một hiệp ước tương tự giữa Pháp và Đức.

(Nguồn: VOV)

CHI PHÍ NHẬP KHẨU KHÍ ĐỐT CỦA ĐỨC TĂNG VỌT

Mặc dù lượng nhập khẩu giảm 29%, chi phí nhập khẩu khí đốt của Đức trong 11 tháng đầu năm 2022 đã tăng 131%, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu thống kê của Văn phòng Ngoại thương (BAFA) Đức công bố ngày 19/1 cho biết đây là tháng thứ 9 giá năng lượng của Đức chịu tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trước đó, Đức từng phụ thuộc phần lớn vào khí đốt của Nga, chủ yếu cung cấp qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1). Tuy nhiên, Moskva đã cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng cho châu Âu kể từ tháng 9/2022, liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Đức đã nhanh chóng mua thêm khí đốt từ các nước láng giềng châu Âu cũng như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và Na Uy nhằm tránh tình trạng thiếu hụt trong mùa Đông. Tuy nhiên, tác động của nguồn cung hạn chế đã góp phần gây ra tình trạng khó khăn trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các ngành phụ thuộc vào khí đốt.

Đức là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 7 trên thế giới, chiếm 2% mức tiêu thụ năng lượng của thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và Canada. Mặc dù nước này đã đáp ứng được 19% nhu cầu năng lượng tái tạo, nhưng nhiên liệu hóa thạch - than đá, dầu mỏ và khí đốt - vẫn chiếm ưu thế, cung cấp hơn 3/4 nhu cầu năng lượng của Đức. Khí đốt tự nhiên (26%) là nguồn đóng góp lớn thứ hai sau dầu mỏ (33%).

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phần lớn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sản xuất, Đức có tác động dây chuyền lớn đến hoạt động kinh tế của toàn khối. Thiếu hụt năng lượng là một trong những nguyên nhân chính và ngay lập tức gây ra lạm phát và suy thoái kinh tế của Đức

(Nguồn: CafeF)

WEF: ĐỨC TÁI KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM ĐẠT MỤC TIÊU VỀ TRUNG HÒA KHÍ THẢI

(Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng Đức cho biết quá trình chuyển sang nền kinh tế trung hòa khí thải của Đức đang có động lực hoàn toàn mới và Đức kiên quyết thúc đẩy quá trình khử carbon trong ngành công nghiệp nước này.

Ngày 18/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này đang trên đà hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2045 và một nền kinh tế trung hòa khí thải là “nhiệm vụ cơ bản của nước Đức trong thế kỷ này."

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2023, ông Scholz cho biết quá trình chuyển sang nền kinh tế trung hòa khí thải của Đức đang có động lực hoàn toàn mới và chính phủ nước này kiên quyết thúc đẩy quá trình khử carbon trong ngành công nghiệp nước này.

Theo nhà lãnh đạo Đức, lĩnh vực sản xuất của nước này sẽ vẫn vững mạnh sau khi đạt được các mục tiêu về trung hòa khí thải.

Đánh giá cao tiến độ mới trong xây dựng các cảng mới nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này, ông Scholz cho biết tiến độ này sẽ được lấy làm tiêu chuẩn khi nước Đức theo đuổi quá trình chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế.

Theo ông Scholz, đến năm 2030, 80% sản lượng điện của Đức là từ các nguồn tái tạo, tăng gấp đôi so với mức hiện nay.

Đức sẽ đầu tư khoảng 400 tỷ euro (432 tỷ USD) để mở rộng năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030. Ông nhấn mạnh: “Bước ngoặt hướng tới ngành công nghiệp thân thiện với môi trường không phải là sự kết thúc của cường quốc công nghiệp mà là sự khởi đầu mới”.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

(Xem thêm:

=> EU: Hóa đơn năng lượng cao; Kêu gọi 'động' vào IRGC; Đình công ở Pháp; Tác động từ chiến sự Nga-Ukraine; Đức 'làm khó' Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang