TQ tiến thoái lưỡng nan; 'Bộ mặt' của Telegram; Sinh viên y HQ đòi nghỉ học; Ukraine bế tắc vì chiến phí; Bắc Phi xích gần Nga-TQ

TĂNG TRƯỞNG SUY YẾU, TRUNG QUỐC TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Lo sẽ lại thổi bùng một bong bóng bất động sản khác, Chính phủ Trung Quốc đang hành động thận trọng…

Tháng 3 hàng năm, Quốc hội Trung Quốc tiến hành họp thường niên để quyết sách các vấn đề kinh tế-xã hội và ít khi gây bất ngờ. Tuy nhiên, năm nay, một trong những bất ngờ lớn nhất là không có họp báo của Thủ tướng sau khi bế mạc kỳ họp như thường lệ 30 năm qua.

Giải thích cho điều này, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Lou Qinjian nói rằng mọi thông tin mà công chúng quan tâm đều có thể “dễ dàng tiếp cận” trong các báo cáo chính thức được công bố trong suốt 1 tuần diễn ra kỳ họp từ ngày 5-11/3 và thông qua các cuộc phỏng vấn của đại biểu Quốc hội.

LO THỔI BÙNG MỘT BONG BÓNG BẤT ĐỘNG SẢN KHÁC

Theo tờ báo Nikkei Asia, sự thận trọng của Bắc Kinh là dễ hiểu trong bối cảnh tin xấu bủa vây nền kinh tế, bao gồm thị trường bất động sản khủng hoảng, gánh nặng nợ của các chính quyền địa phương, tình trạng thất nghiệp gia tăng ở người trẻ, áp lực giảm phát…

Thông thường, chủ trương giải quyết các vấn đề này được đưa ra tại Hội nghị trung ương 3 của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản. Phiên họp này thường được thế giới bên ngoài quan tâm nhất bởi đây là nơi quyết định các trọng tâm của ban lãnh đạo khóa mới, bao gồm các định hướng chính sách kinh tế. Hội nghị Trung ương 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 lẽ ra được tổ chức vào khoảng tháng 10-11 năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa được công bố thời điểm tổ chức. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra điều này.

Những người kỳ vọng những phản ứng chính sách của Bắc Kinh tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã phải thất vọng bởi không có nhiều thông tin chi tiết về định hướng giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Bắc Kinh đặt mục tiêu tạo 12 triệu việc làm trong năm 2024 nhưng lại không đưa ra bất kỳ chính sách cụ thể nào nhằm kích thích mạnh mẽ nền kinh tế.

Các nhà kinh tế cho rằng nhà chức trách Trung Quốc đang lo rằng việc kích cầu mạnh tay sẽ thổi bùng một bong bóng bất động sản khác. Từ năm 2012 đến 2021, giá nhà tại Trung Quốc đã tăng 34%, nhưng từ năm 2021 đến nay đã giảm 10% khi Bắc Kinh chấp nhận để cho những công ty bất động sản lớn gặp khủng hoảng rơi vào cảnh vỡ nợ, thay vì giải cứu họ.

“Trọng tâm của Chính phủ vẫn là quản lý rủi ro. Họ muốn kiểm soát những rủi ro trên thị trường bất động sản bằng cách giảm nợ của các công ty bất động sản, và chính sách này không tạo ra thay đổi nào cả. Họ không đưa ra chính sách sách nào có thể thổi bùng trở lại bong bóng bất động sản”, ông Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhận xét.

Theo ông Wang, Bắc Kinh muốn vừa tạo ra đủ việc làm, vừa kiểm soát rủi ro tài chính.

Từ những năm 1990, nền kinh tế Trung Quốc hầu như tăng trưởng ở mức gần 10%/năm. Tuy nhiên, thời kỳ tăng trưởng bùng nổ này dường như đã chấm dứt. Các nhà kinh tế tỏ ra bi quan về mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” được Chính phủ đặt ra trong báo cáo trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 5/3. Năm ngoái, nhờ hạ lãi suất và tăng chi tiêu chính phủ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, đạt mục tiêu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, mục tiêu năm nay được nhận định khó đạt do cơ sở so sánh cao hơn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng năm 2024 của nền kinh tế thứ hai thế giới chỉ khoảng 4,5%.

Một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh có thể kích thích tăng trưởng bằng một gói chi tiêu lớn, tương tự như chương trình chi tiêu Chính phủ trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tuy nhiên, gánh nặng nợ của các chính quyền địa phương đang là rào cản.

“Các nhà hoạch định chính sách không muốn lặp lại những sai lầm cũ”, các nhà kinh tế Harry Murphy Cruise và Sarah Tan tại công ty dịch vụ tài chính Moody's Analytics, nhận định, đề cập tới cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.

Bất động sản và đầu tư hạ tầng từng là bộ đôi động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang hướng tới tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tập trung vào tiêu dùng, thay vì đầu tư bất động sản, hạ tầng. Năm 2021, tổng đầu tư trên GDP của Trung Quốc ở mức cao nhất thế giới 43,3%, trong khi tiêu dùng chỉ đóng góp 54%, mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn.

“Trung Quốc đã phân bổ đầu tư quá lớn vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng trong nhiều năm, và giờ đây họ muốn giảm xuống”, ông Michael Pettis, giáo su tài chính tại Trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận xét. “Nhưng khi tăng trưởng GDP chủ yếu đến từ đầu tư và tiêu dùng, mà bạn lại muốn giảm mạnh đầu tư, thì buộc phải tăng tiêu dùng lên đáng kể. Nếu không, tăng trưởng GDP sẽ sụt mạnh”.

ĐẶT CƯỢC VÀO CÔNG NGHỆ CAO

Theo nhận định của các nhà phân tích, từ kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay có thể thấy Bắc Kinh sẽ vẫn duy trì mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư.

“Tất nhiên, lý tưởng là phải thúc đẩy tiêu dùng. Nhưng cấu trúc hiện tại của nền kinh tế và dòng chảy vốn lại không hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng”, ông Wang của Ngân hàng Hang Seng nhận định.

Một điểm đáng chú ý của kỳ họp năm nay là trọng tâm đầu tư mới của Trung Quốc thời gian tới sẽ là công nghệ cao, thay vì bất động sản và hạ tầng. Đây là xu hướng đã bắt đầu từ đại dịch Covid-19. Dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc tăng 6,5% trong năm 2023, còn trong lĩnh vực bất động sản giảm 8,1%.

“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thảo luận về việc bình ổn thị trường bất động sản, đồng thời xác định hạ tầng không phải là một động lực lớn của nền kinh tế như trước đây”, ông Pettis nói về kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vừa qua. “Trong vài năm qua, Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư từ lĩnh vực bất động sản sang sản xuất với hy vọng sản xuất công nghệ cao sẽ giải quyết vấn đề năng suất của nền kinh tế”.

Một số sáng kiến lớn được lên kế hoạch cho năm 2024 bao gồm tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như xe điện, năng lượng hydrogen, sản xuất sinh học, máy bay thương mại, máy tính lượng tử… Ngân sách dự toán năm 2024 của Chính phủ dành cho khoa học và công nghệ cao tăng 10%, thậm chí con hơn mức tăng 7,2% cho quân sự.

Tuy nhiên, theo ông Pettis, định hướng mới này của Bắc Kinh đối mặt 2 vấn đề, một là lĩnh vực công nghệ cao có quy mô tương đối nhỏ, hai là nhiều quốc gia khác cũng từng đi theo hướng này nhưng không thành công.

Vị chuyên gia dẫn chứng Liên Xô vào những năm 1960 hay Nhật Bản những năm 1980 từng cố gắng phân bổ lại đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như một động lực tăng trưởng mới nhưng đều bất thành.

“Điều đó chưa bao giờ xảy ra bởi lĩnh vực công nghệ cao quá nhỏ, và phần lớn nền kinh tế không thực sự được hưởng lợi từ việc đầu tư vào công nghệ cao”, ông phân tích.

Do đó, các nhà kinh tế cho rằng một trọng tâm chính sách lớn của Bắc Kinh vẫn là giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản. Chính phủ muốn giải quyết vấn đề một cách từ từ mà không gây hoảng loạn trên thị trường. Bởi vậy, dù để cho một số công ty bất động sản lón vỡ nợ và phá sản, Bắc Kinh đồng thời cố gắng trợ giá nhà đất và thúc đẩy nhu cầu trên thị trường như giảm lãi suất thế chấp mua nhà, nới lỏng một số điều kiện mua nhà…

Trên thực tế, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn, trong bối dư cung bất động sản quá lớn đang đe dọa đánh sập thị trường và kéo theo nhiều ngân hàng xuống vực. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Phát triển E-House Trung Quốc, vào cuối tháng 2/2023, bình quân thị trường mất khoảng 22,3 tháng để bán tất cả tồn kho nhà ở - con số lớn nhất kể từ tháng 2/2012. Tại các thành phố nhỏ như Shaoguan, tỉnh Quảng Đông, thời gian này lên tới 131 tháng, cho thấy tình trạng dư cung nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ chính quyền địa phương phụ thuộc nguồn thu vào bất động sản.

TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có lợi thế trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như xe điện và pin lithium, nhưng việc dịch chuyển sang phụ thuộc vào những lĩnh vực này để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn không dễ.

“Kể cả việc đầu tư vào công nghệ cao mang lại hiệu quả, nhưng tôi cho rằng đa số việc này không đồng nghĩa với năng suất của nền kinh tế sẽ đi lên”, ông Arthur Kroeber, giám đốc tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận xét.

Trên thực tế, các công ty công nghệ cao chỉ tuyển dụng một phần nhỏ lực lượng lao động cả nước. Trong khi đó, hầu hết co hội việc làm trong thập kỷ qua tại Trung Quốc đến từ lĩnh vực dịch vụ - một xu hướng có thể sẽ không thay đổi trong tương lai.

Theo vị chuyên gia, dịch chuyển thành hay bại phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thể tăng cường xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ cao hay không, trong bối cảnh nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cũng có kế hoạch tương tự, và xu hướng bảo hộ tăng lên tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành điều tra việc trợ cấp xe điện của Trung Quốc có đang gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh hay không.

“Đó là công thức chung bảo hộ chung của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu và có thể cả một số nước châu Á nữa”, ông Kroeber chỉ ra.

Theo ông Ma Guonan, quản lý cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á (Mỹ), điều này khiến Trung Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới đa dạng hóa xuất khẩu hơn nữa sang các thị trường mới nổi.

"Chính phủ sẽ phải giải quyết vấn đề về vai trò của khu vực tư nhân trước khi quá muộn và trước khi cả khu vực này mất đi niềm tin”, ông Ma nhận định.

Còn theo ông Chi Lo, chiến lược gia đầu tư cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management, trong ngắn hạn, Trung Quốc cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ và tài khóa hơn nữa để vực dậy tâm lý nhà đầu cũng như niềm tin của công chúng.

"Nếu Bắc Kinh có thể duy trì chính sách nới lỏng quyết liệt trong vài tháng tới, nước này hoàn toàn có thể phục hồi tăng trưởng bền vững của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong năm nay. Còn nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, và điều này càng khiến giá bất động sản tại nước này giảm xuống”, ông Lo phân tích.

Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất cho vay thế chấp từ 5,2% xuống 4,95% hồi tháng 2, hiệu quả thúc đẩy nhu cầu nhà đất vẫn còn bất định bởi thị trường này về bản chất mang tính đầu cơ. Nhiều người mua nhà đang có tâm lý chờ đợi giá giảm sâu hơn nữa.

“Không việc gì phải vội”, Jiang Weirong, một kỹ sư sống ở Thượng Hải ban đầu có ý định mua nhà vào năm ngoái, nói. “Giá nhà vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy".

Theo ông Trivium, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện vẫn chưa có giải pháp tức thì để giải quyết khủng hoảng bất động sản. Do đó, ông dự báo giá nhà tại nước này sẽ còn giảm nữa.

“Rất khó để tiếp tục hạ lãi suất, bởi điều này sẽ khiến lợi nhuận của các ngân hàng vốn đã thấp kỷ lục giảm hơn nữa. Ngân hàng trung ương không có nhiều dư địa để hạ lãi suất thêm”, ông Joseph Peissel, nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu Trivium China, nhận định.

LẬT TẨY 'BỘ MẶT THẬT' CỦA TELEGRAM: NÚP BÓNG ỨNG DỤNG NHẮN TIN TỶ USD NHƯNG THỰC CHẤT LÀ WEB ĐEN, PHỤC VỤ TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC

Telegram hoạt động như một thỏi nam châm thu hút những kẻ phạm pháp, âm mưu tung tin sai lệch hay những nhân vật cực đoan muốn chạy trốn khỏi những nền tảng bị kiểm soát như Facebook, YouTube.

Hàng ngày, kênh Telegram Gun Shop America đều đăng tải đều đặn các bức ảnh hàng lậu bán cho gần 26.000 người đăng ký. Sản phẩm rất đa dạng, bao gồm cả khẩu Glock 9mm kèm đạn dược với giá 500 USD hay thẻ ngân hàng giả với giá 5.000 USD.

“Hãy tiếp tục nhận đơn đặt hàng của bạn”, chủ sở hữu kênh ẩn danh viết trên nguồn cấp dữ liệu công khai của mình, sau đó đon đả mời những người theo dõi nhắn tin trực tiếp cho y để mua hàng bằng bitcoin hoặc đô la Mỹ. “Đừng ngủ nhé các bạn, sắp đến Giáng sinh rồi, bắt tay vào thôi!!!”.

Telegram Gun Shop America chỉ là một trong số hàng chục nghìn nhóm kênh được các chuyên gia tội phạm học và an ninh mạng theo dõi. Họ lập luận rằng ứng dụng truyền thông xã hội Telegram đã trở thành “web đen” mới, nơi những kẻ vi phạm pháp luật và tin tặc trao đổi dịch vụ bất hợp pháp một cách trắng trợn.

Haywood Talcove, giám đốc điều hành LexisNexis Risk Solutions, người đã theo dõi Telegram từ lâu cho biết: “Telegram là phương tiện truyền thông xã hội dành cho tội phạm có tổ chức”.

Thế giới ngầm bùng nổ chỉ là một khía cạnh trong sự phát triển nhanh chóng của nền tảng Telegram. Ngay từ khi thành lập vào năm 2013, giám đốc điều hành Pavel Durov đã tìm cách biến đây trở thành giải pháp hướng đến quyền riêng tư và không bị chính phủ can thiệp.

“Ở một số thị trường, Telegram là một trong số ít nền tảng miễn phí. Châu Á là thị trường lớn nhất khi nền tảng có tới 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng từ mức 500 triệu vào đầu năm 2021”, CEO Telegram nói.

Durov, 39 tuổi, hiếm khi trả lời phỏng vấn truyền thông. Ông cũng thích chức danh “giám đốc sản phẩm” hơn là giám đốc điều hành. Hiện Telegram chỉ có khoảng 50 nhân viên toàn thời gian, trong đó có đội ngũ 30 kỹ sư ưu tú được lựa chọn cẩn thận. Nhờ các tính năng phát sóng mới giống như X, Telegram đã trở thành ‘loa phóng thanh’ cho các nhà lãnh đạo toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng hoạt động như một thỏi nam châm thu hút những kẻ phạm pháp, âm mưu tung tin sai lệch hay những nhân vật cực đoan muốn chạy trốn khỏi những nền tảng bị kiểm soát như Facebook, YouTube. Các chuyên gia cảnh báo Telegram đang ngày càng được ‘vũ khí hóa’ để giúp chính phủ tuyên truyền thông tin đến người dân.

Đặt trụ sở chính tại Dubai, Telegram có thể thoát khỏi phần lớn sự giám sát vốn đã gây khó khăn cho các nền tảng tương tự ở Thung lũng Silicon. “Ở Dubai, chính phủ không làm phiền chúng tôi”, Durov nói và gắn nhãn cho tiểu vương quốc này là “trung lập”. Hiện Telegram được định giá 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời điểm Telegram tiếp tục mở rộng quy mô, kiếm tiền thông qua quảng cáo và chuẩn bị ra mắt thị trường tiềm năng, nền tảng này có thể sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để chế ngự các mặt tối của mình.

“Các nhà đầu tư nên lo lắng về thế giới tội phạm ngầm cũng như các vấn đề minh bạch tại Telegram”, Jeff Allen, đồng sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu của Integrity Institute, một tổ chức tư vấn tại Mỹ, nói.

CEO Durov có nhiều điểm giống các tỷ phú sáng lập công nghệ ở Thung lũng Silicon, chẳng hạn như theo đuổi chủ nghĩa tối giản và tập thể dục mỗi sáng. Trong nhiều năm, ông cũng luôn khẳng định mình là người thích tự do ngôn luận cực đoan.

Theo lời kể, Durov và anh trai Nikolai lần đầu tiên phát triển Telegram như một “công cụ riêng tư” để cặp đôi liên lạc khi không có ứng dụng nhắn tin an toàn nào khác. Những tiết lộ của Edward Snowden về việc Mỹ giám sát hàng loạt người dân đã thúc đẩy họ quyết định chia sẻ ứng dụng này với công chúng vào năm 2013, nhấn mạnh đây như một nền tảng nhắn tin chống giám sát.

“Sự tin tưởng vào Telegram chính là sự tin tưởng vào cá nhân Durov - rằng ông ấy sẽ làm mọi thứ để duy trì quyền tự do ngôn luận”, Aleksandra Urman, một nhà nghiên cứu tại Đại học Zurich, nói.

Cách tiếp cận mới mẻ tự do giúp thúc đẩy tăng trưởng cho Telegram. Ứng dụng mở rộng từ việc tập trung vào những ‘cuộc trò chuyện bí mật’ sang tích hợp nhiều tính năng mới mỗi năm, bao gồm giao diện tùy chỉnh, công cụ chia sẻ tệp lớn, nhóm 200.000 thành viên và các kênh với số lượng thuê bao không giới hạn.

Trong nội bộ, ông Durov, người coi Meta là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình, theo đuổi tâm lý khởi nghiệp kiểu cũ là “tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Ông xây dựng nhóm kỹ sư nhỏ và bí mật ở Dubai bằng cách tổ chức các cuộc thi lập trình trực tuyến và tìm kiếm nhà vô địch, bất kể tuổi tác, địa điểm hay kinh nghiệm trước đó.

Một nhóm chỉ có 7 quản trị viên hệ thống quản lý hơn 80.000 máy chủ, thuộc sở hữu của công ty và được phân phối trên toàn cầu. “Nhóm không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự động hóa mọi thứ ở mức độ cao nhất. Kết quả là chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí”, CEO Telegram nói.

Sau khi huy động được khoảng 2 tỷ USD trong những năm gần đây, Telegram cố gắng kiếm tiền, chủ yếu thông qua việc giới thiệu nền tảng quảng cáo và doanh thu từ thuê bao. Durov tuyên bố họ sắp có lãi sau 2 năm tung ra dịch vụ quảng cáo ở một số thị trường nhất định.

Mục tiêu bán hàng dài hạn hơn của Telegram là trở thành một ‘cửa hàng tổng hợp’, cho phép các nhà phát triển xây dựng ứng dụng thương mại điện tử, trò chơi và tiền số. Đây sẽ trở thành một trong số ít các công ty chính thống nắm bắt công nghệ “web3” phi tập trung.

Hệ sinh thái này, củng cố bởi chuỗi khối TON, ban đầu được phát triển bởi nhóm Telegram và thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Durov kỳ vọng nền tảng sẽ tiếp cận được “1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trong khoảng từ 12 đến 14 tháng”.

HÀNG NGÀN SINH VIÊN Y HÀN QUỐC ĐÒI NGHỈ HỌC TẬP THỂ

Nhiều sinh viên y khắp Hàn Quốc đã yêu cầu trường học của họ chấp thuận đơn xin nghỉ học để phản đối kế hoạch của chính phủ về tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Hiệp hội các sinh viên y khoa Hàn Quốc ngày 13.3 cho biết quyết định của sinh viên được đưa ra trong phiên họp toàn thể cuối tuần qua. Theo đó, sinh viên từ tất cả 40 trường y trên cả nước sẽ yêu cầu trường của họ chấp nhận đơn nghỉ học, theo Yonhap.

Các yêu cầu sẽ được thực hiện chung vào ngày mà trường y bất kỳ chấp nhận đơn xin nghỉ phép của sinh viên lần đầu tiên, hiệp hội này cho hay.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa chính phủ Hàn Quốc và giới y tế về kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 suất từ năm 2025 mà theo chính phủ là để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ thường xuyên ở khu vực nông thôn và các lĩnh vực y tế thiết yếu.

Hàng ngàn sinh viên y khoa trên toàn quốc đã nộp đơn xin nghỉ học trong một hành động tập thể, làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể phải đối mặt với tình trạng bị lưu ban hàng loạt.

Đến nay, Bộ Giáo dục Hàn Quốc vẫn kiên quyết rằng hành động tập thể như vậy không phải là lý do chính đáng để nghỉ học và vì thế chưa có đơn nào được chấp thuận.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tính đến ngày 12.3, có 5.954 trong tổng số 18.793 sinh viên y khoa đã nộp đơn xin nghỉ học theo quy trình, chiếm 31,7%. Nếu tính cả những đơn không hợp lệ vì thiếu các yêu cầu quan trọng như chữ ký của cha mẹ, giáo sư thì con số có thể lên tới hơn 13.000 đơn. Các lớp học tại 6 trường y ở Hàn Quốc cũng bị sinh viên tẩy chay.

Ngày 11.3, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thông báo cho 40 trường đại học (bao gồm các trường y và các trường có khoa y) rằng một cuộc thanh tra của bộ có thể diễn ra đối với các trường cấp đơn xin nghỉ học hàng loạt. Đây được xem là một cảnh báo rõ ràng đối với các trường y trên toàn quốc.

Kể từ ngày 20.2, hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú Hàn Quốc đã đình công tại các bệnh viện đa khoa trên toàn quốc trong hơn ba tuần để phản đối kế hoạch mới của chính phủ. Các nhân viên y tế cho rằng, thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ Hàn Quốc nên cải thiện thu nhập và môi trường pháp lý đối với các sơ suất y tế.

Hậu quả của các cuộc đình công kéo dài là dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân nặng tại các trung tâm y tế lớn Hàn Quốc bị tê liệt và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính phủ đã liên tục ra tối hậu thư nhưng rất ít bác sĩ quay trở lại làm việc. Thậm chí, Yonhap ngày 12.3 đưa tin Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc dọa sẽ có hành động tập thể nếu chính phủ gây tổn hại đến các bác sĩ thực tập và sinh viên y khoa đình công nhằm phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y.

Có đến 33 trong số 40 trường y trên cả nước là thành viên hiệp hội. Hiệp hội cảnh báo rằng sẽ có thêm các giáo sư y khoa nộp đơn xin nghỉ việc để phản đối, dẫn đến nguy cơ làm sụp đổ dịch vụ y tế và giáo dục y khoa.

UKRAINE CHẠY ĐUA TRANG TRẢI CHIẾN PHÍ

Khi gói viện trợ 60 tỷ USD của Mỹ tiếp tục bế tắc, Ukraine phải nỗ lực tìm kiếm nguồn tài trợ thay thế để duy trì cuộc chiến với Nga.

Ukraine đã phân bổ gần một nửa trong số 87 tỷ USD ngân sách năm nay cho quốc phòng, song nguồn thu trong nước chỉ là 46 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa Kiev cần sự giúp đỡ từ các đồng minh và đối tác nước ngoài để bù đắp thâm hụt ngân sách khi chiến sự kéo dài.

Thâm hụt có thể lớn hơn nữa sau khi Ukraine dự kiến huy động 500.000 tân binh, với hàng tỷ USD để chi trả lương, chi phí đào tạo và trang bị cho họ.

"Chúng tôi đã gần như tận dụng hết khả năng của mình. Tất cả các nguồn lực nội tại đã được sử dụng để tài trợ cho quân đội", Roksolana Pidlasa, chủ tịch ủy ban ngân sách quốc hội Ukraine, cho biết.

Kế hoạch A của Ukraine là nguồn viện trợ tài chính, quân sự của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu tới trong tháng 1 năm nay. Gói viện trợ tài chính trong 4 năm cho Ukraine trị giá 54 tỷ USD của EU chỉ được thông qua vào tháng 2, sau khi vấp phải cản trở từ Hungary. Sự chậm trễ này đồng nghĩa Kiev phải bắt đầu xem xét kế hoạch B và thậm chí là kế hoạch C, theo Pidlasa.

"Chính phủ đang đàm phán để tìm kiếm nguồn viện trợ từ các nước G7 khác, đặc biệt là Nhật Bản và Canada. Chúng tôi cũng đang cân nhắc khả năng cắt giảm chi tiêu phi quân sự và tăng thuế", bà nói.

Tổng thống Volodymyr Zelensky tháng trước nói rằng nếu quốc hội Mỹ không phê duyệt gói viện trợ 60 tỷ USD trong những tuần tới, "vị thế của chúng tôi trên chiến trường sẽ suy yếu". Một nỗ lực lưỡng đảng nhằm phá vỡ thế bế tắc đang được tiến hành ở Washington, dù cơ hội khá mong manh khi ứng viên hàng đầu đảng Cộng hòa Donald Trump phản đối viện trợ thêm cho Ukraine.

Các quan chức tình báo cấp cao Mỹ cảnh báo nếu không có viện trợ bổ sung của Mỹ, Ukraine sẽ đối mặt viễn cảnh tiếp tục hứng chịu tổn thất trên chiến trường. Họ dự đoán bất kỳ trì hoãn nào trong viện trợ của Mỹ đều sẽ dẫn tới hậu quả Nga giành thêm lãnh thổ trong năm tới.

Trong hơn hai giờ điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, giám đốc CIA Mỹ William Burns và giám đốc tình báo quốc gia Avril Haines đã mô tả tình huống ngày càng nghiêm trọng đối với Ukraine. Nga sản xuất nhiều đạn pháo hơn và đã tìm ra nguồn cung ổn định máy bay không người lái, đạn pháo và trang bị quân sự khác.

"Thật khó tưởng tượng Ukraine làm thế nào có thể duy trì những bước tiến cực kỳ khó khăn mà họ đã đạt được trước người Nga", Haines nói.

Ông Burns, người vừa trở về sau chuyến thăm Ukraine lần thứ 10, cho biết cuộc chiến đang đứng trước bước ngoặt quyết định cả về an ninh cho châu Âu và lợi ích với Mỹ trên toàn thế giới. Theo ông, nếu Hạ viện thông qua gói hỗ trợ mới, Ukraine có thể giáng đòn chiến lược vào Nga.

"Chúng tôi đánh giá rằng với nguồn hỗ trợ bổ sung, Ukraine có thể giữ vững vị thế trên tiền tuyến đến hết năm 2024 và đầu năm 2025. Họ có thể tiếp tục khiến Nga trả giá không chỉ bằng các cuộc tấn công vào bán đảo Crimea mà còn nhắm vào Hạm đội Biển Đen của đối thủ", ông nói.

Pidlasa cho biết Ukraine đang tăng cường nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Mỹ thông qua gói viện trợ. Tuy nhiên, Ukraine cũng đang chuẩn bị cho kịch bản đối mặt với những khó khăn tương tự vào năm tới. Quá trình phê duyệt ngân sách năm mới của Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 10, một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống.

"Do đó, nó có thể là tình huống tương tự như chúng ta đã thấy trong năm nay", một quan chức cấp cao Ukraine cho biết.

Ngoài ngân sách quốc phòng năm nay, quan chức Ukraine cũng cảnh báo việc huy động khoảng 500.000 tân binh sẽ tiêu tốn khoảng 8,6 tỷ USD. Tháng trước, quân đội Ukraine đã yêu cầu 12,4 tỷ USD để trang bị thêm khí tài, nhằm bù đắp khoảng trống từ Mỹ và đảm bảo ngân sách cho huy động quân.

Kể từ khi xung đột bắt đầu cuối tháng 2/2022, Kiev đã chi gần toàn bộ nguồn thu trong nước cho việc đào tạo, trang bị và trả lương cho các binh sĩ. Các khoản chi tiêu còn lại, Ukraine phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ phương Tây.

Hỗ trợ ngân sách từ Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), EU và Ngân hàng Thế giới chỉ có thể được sử dụng cho chi tiêu phi quân sự như chi trả tiền lương cho công chức và lương hưu.

Ukraine hiện mới có được một nửa trong số 37 tỷ USD hỗ trợ cần thiết cho năm nay, do EU và IMF cam kết, theo Bộ Tài chính Ukraine. Tháng này, Kiev hy vọng nhận được khoản hỗ trợ khoảng 4,9 tỷ USD từ EU và hơn 2,5 tỷ USD từ IMF, Nhật Bản, Anh và Canada. Trong hai tháng đầu năm nay, Ukraine đã nhận 1,2 tỷ USD viện trợ không hoàn lại và khoản vay ưu đãi từ Nhật Bản, Na Uy và Tây Ban Nha.

Để giảm thâm hụt ngân sách, chính phủ Ukraine đã đánh thuế lợi nhuận ngân hàng, giúp thu về 3,7 tỷ USD trong năm nay, theo Bộ Tài chính.

Cắt giảm chi tiêu, tư nhân hóa, tăng thuế và thậm chí in thêm tiền là những lựa chọn đang được chính phủ Ukraine cân nhắc, theo Pidlasa. Song bà thêm rằng "hầu hết các phương án này đều sẽ khó được ủng hộ".

Các chính trị gia Ukraine cũng đang xem xét giới thiệu "hệ thống dự bị", nơi nam giới Ukraine có thể nộp một khoản tiền để không phải nhập ngũ. Tuy nhiên, bà Pidlasa cho rằng đây là một quyết định mang tính chính trị và không phải một phần tính toán về ngân sách.

Trong khi Ukraine có thể huy động các nguồn thu để trang trải cho hoạt động của quân đội, kho dự trữ đạn dược và vũ khí của Mỹ rất quan trọng đối với họ, như hệ thống phòng không Patriot. Một phần lớn gói viện trợ 60 tỷ USD của Mỹ sẽ tài trợ vũ khí cho Ukraine.

Khi viện trợ quân sự của Mỹ đang dần hết, hệ quả có thể được cảm nhận trên chiến trường.

Quân đội Ukraine đã bắt đầu phàn nàn về tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng vào tháng 12 năm ngoái, buộc pháo binh của họ phải hạn chế khai hỏa. Lực lượng Nga không gặp những khó khăn như vậy nên ngày càng đạt được nhiều lợi ích ở chiến tuyến miền đông, như kiểm soát thành phố Avdeevka cùng nhiều ngôi làng khác ở Donetsk.

Nỗ lực của châu Âu do Cộng hòa Czech dẫn đầu nhằm khẩn trương mua sắm đạn được cho Ukraine đã thu hút chú ý trong những tuần gần đây. Pháp và Đức cam kết đóng góp, song kế hoạch vẫn chưa hoàn thành.

Ngoài ra, liên minh ủng hộ Ukraine ở châu Âu cũng xuất hiện những rạn nứt về việc cung cấp vũ khí. Đức đã vấp chỉ trích khi từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.

"Có rất nhiều mâu thuẫn. Đức nói họ không thể cung cấp tên lửa Taurus, song Anh và Pháp có thể cung cấp tên lửa tầm xa Storm Shadow và Scalp", Glib Buriak, giáo sư tại Đại học Concordia Ukraine - Mỹ ở Kiev, nói.

Các lãnh đạo Ukraine đã từ chối đề xuất áp dụng theo mô hình kinh tế thời chiến của Nga. Họ cho rằng hơn một nửa sản lượng kinh tế nước này thuộc về lĩnh vực dịch vụ và phần lớn khu công nghiệp đã bị tháo dỡ sau khi Liên Xô tan rã hoặc bị phá hủy trong chiến tranh.

"Nếu chúng tôi huy động tất cả mọi người làm việc cho ngành sản xuất quân sự, ai sẽ là người trả tiền cho những lô hàng đạn pháo và thiết bị quân sự khác. Cần có người đóng thuế", Pidlasa nói.

Bộ Kinh tế Ukraine đang tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước và tháng trước công bố các khoản viện trợ, khoản vay trị giá 1,1 tỷ USD để kích thích sản xuất và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh hỗ trợ này chỉ dành cho các doanh nghiệp đã nộp thuế.

"Thuế là vũ khí. Trước xung đột, một nửa nền kinh tế đã trốn thuế", Danylo Hetmanstev, người đứng đầu ủy ban thuế quốc hội Ukraine, nói và thêm rằng doanh thu từ thuế tính tới tháng 2 đã tăng 12,4% so với 12 tháng trước đó.

LÝ DO BẮC PHI XÍCH LẠI GẦN NGA VÀ TRUNG QUỐC

Bắc Phi đang rời xa phương Tây để hướng tới Nga và Trung Quốc, được coi là những lựa chọn thay thế có lợi. Lý do dẫn đến những thay đổi địa chính trị này là gì và nó có ý nghĩa như thế nào?

Theo đánh giá của chuyên gia Sara Coppolecchia thuộc Viện Phân tích Quan hệ Quốc tế (IARI) có trụ sở tại Italy mới đây, trong thời gian qua, các quốc gia Bắc Phi đã thể hiện xu hướng tương tự như một số nước láng giềng Trung Đông, rời xa phương Tây và hướng tới những đối tác quốc tế mới.

Trên hết, sự thay đổi đó là vì với các quốc gia như Pháp, được nhiều nước Bắc Phi coi là cường quốc thực dân trước đây và do đó gây tranh cãi, và với các quốc gia châu Âu khác, thường tập trung vào việc quản lý dòng người di cư hơn là đưa ra các thỏa thuận hợp tác kinh tế và chính trị nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Những yếu tố này đã khiến các quốc gia Bắc Phi xích lại gần hơn bao giờ hết với Nga và Trung Quốc, theo xu hướng cùng với một số nước ở Trung Đông.

Nga và Trung Quốc được cho là mang lại nhiều lợi ích khác nhau, từ hợp tác kinh tế đến chính trị và quân sự, mang lại sự đảm bảo lớn hơn cho tăng trưởng và phát triển, đồng thời mang lại cho các nước quyền tự chủ lớn hơn trong việc ra quyết định so với trước đây.

Mặt khác, đối với Nga và Trung Quốc, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên (như khí đốt và dầu mỏ, đặc biệt là ở Libya và Algeria) khiến khu vực này trở nên hấp dẫn với khả năng đạt được các thỏa thuận năng lượng lớn. Hơn nữa, vị trí chiến lược của khu vực rất quan trọng: Bắc Phi đóng vai trò là cầu nối giữa Trung Đông và Địa Trung Hải, cho phép Nga và Trung Quốc củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng của họ trong một khu vực quan trọng về mặt địa chính trị.

Xét về từng quốc gia riêng lẻ ở Bắc Phi, họ cũng có những lợi ích riêng khi hợp tác với Nga và Trung Quốc:

Với Maroc, nước này gần đây đã bắt tay vào quá trình tách mình khỏi Pháp, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trước hết là vấn đề về hai nghị quyết của EU với những người ủng hộ chính như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Stéphane Séjourné. Nghị quyết đầu tiên là cáo buộc Maroc vi phạm quyền tự do ngôn luận liên quan đến vụ bắt giữ nhà báo Omar Radi.

Nghị quyết thứ hai đề xuất “đối xử với Maroc trên cơ sở giống như Qatar”, đề cập đến cáo buộc rằng Doha đã hối lộ nghị sĩ Nghị viện châu Âu (MEP) và gây ảnh hưởng đến Nghị viện châu Âu thông qua mạng lưới vận động hành lang. Chính phủ Maroc cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho MEP của Italy Pier Antonio Panzeri trước đây để đổi lấy sự ủng hộ của ông.

Liên quan đến vấn đề về Tây Sahara, Maroc tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với khu vực này, nhưng bị các nhà hoạt động độc lập của Mặt trận Polisario do Algeria ủng hộ phản đối. Lập trường trung lập của Pháp liên quan đến Tây Sahara không được Maroc đánh giá cao, nước muốn có cách tiếp cận quyết đoán hơn như Tây Ban Nha.

Những vấn đề này đã khiến mối quan hệ song phương giữa Maroc và Pháp trở nên xấu đi và buộc Rabat phải tìm kiếm đối tác mới. Ở cấp độ châu Âu, Maroc đã xích lại gần hơn đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trên bình diện quốc tế, nước này coi Nga và Trung Quốc như những đồng minh mới, ký một bản ghi nhớ với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga và tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Với Algeria, mối quan hệ giữa nước này và Pháp có lịch sử phức tạp và có nhiều thăng trầm. Mặc dù Algeria vẫn duy trì mối quan hệ văn hóa và một số lĩnh vực song phương quan trọng với Pháp, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra xích mích giữa hai quốc gia, đặc biệt là về điều kiện của người nhập cư Algeria ở Pháp.

Trong những năm gần đây, Algeria ngày càng thể hiện sự quan tâm đến việc tách mình ra khỏi cường quốc thuộc địa cũ và giảm bớt ảnh hưởng của Pháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như trong hệ thống giáo dục.

Đồng thời, nước này đã tăng cường quan hệ với Nga, quốc gia cũng có mối quan hệ lịch sử từ việc hỗ trợ từ Liên Xô trong chiến tranh giành độc lập của Algeria. Những mối quan hệ này đã được củng cố hơn nữa trong những năm gần đây, đỉnh điểm là việc ký kết hiệp ước đối tác chiến lược giữa Algeria và Nga vào tháng 6 năm ngoái và tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Tây Địa Trung Hải vào tháng 12 cùng năm.

Đồng thời, Algeria cũng chuyển sang Trung Quốc, quốc gia đầu tư vào cảng El Hamdania và lĩnh vực năng lượng của nước này.

Với Tunisia, nước này có mối quan hệ chặt chẽ với EU, mối quan hệ này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay thông qua việc ký Bản ghi nhớ giữa EU và Tunisia (MoU) vào tháng 7 năm ngoái với 5 lĩnh vực hợp tác: ổn định kinh tế vĩ mô, hợp tác thương mại, chuyển đổi năng lượng, giao lưu nhân dân và quản lý di cư.

Bản ghi nhớ sẽ nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược và xuyên suốt giữa hai bên. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các khoản đầu tư trong thỏa thuận sẽ được phân bổ chủ yếu cho vấn đề quản lý di cư, vì đây là vấn đề then chốt của EU.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga mang đến những cơ hội khác, cụ thể hơn: Ví dụ, Bắc Kinh đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến BRI, trong khi Moskva đang tăng cường hỗ trợ ngũ cốc để giảm bớt khủng hoảng lương thực của Tunisia.

Với Lybia, nước này đang có tình hình chính trị cực kỳ phức tạp, đã rơi vào cuộc nội chiến hơn mười năm và bị chia rẽ với hai chính phủ đối địch tồn tại song song: Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU) được quốc tế công nhận ở thủ đô Tripoli và Chính phủ ổn định quốc gia (GNS) ở miền đông nước này.

Nga quyết định can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya năm 2019, theo đuổi hàng loạt mục tiêu cả chính trị và kinh tế. Lợi ích kinh tế chủ yếu liên quan đến việc bán vũ khí và các thỏa thuận khai thác dầu khí; những vấn đề địa chính trị gắn liền với vị trí chiến lược của Libya ở khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông - Bắc Phi (MENA) cũng như trên lục địa châu Phi nói chung.

Mặt khác, Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với GNU khi đã ký một biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác để đưa BRI đến Libya.

Tóm lại, sự thay đổi trong định hướng của các quốc gia này với trục Nga - Trung chủ yếu được thúc đẩy bởi mong muốn giải phóng mình khỏi các cường quốc thuộc địa cũ hoặc các nước châu Âu khác, những quốc gia vẫn bị coi là can thiệp quá sâu vào lĩnh vực chính trị hoặc chỉ quan tâm đến quản lý các dòng di cư.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc mang đến cho các nước Bắc Phi một giải pháp thay thế thuận lợi hơn, mang lại cơ hội hợp tác và phát triển trong nhiều lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng đến năng lượng, từ kinh tế đến chính trị và thậm chí cả lĩnh vực quân sự.

Đồng thời, đối với hai cường quốc thế giới, Bắc Phi quan trọng cả về nguồn lực lẫn vị trí chiến lược. Với sự hiện diện ngày càng tăng của Moskva và Bắc Kinh ở Trung Đông, các quốc gia Bắc Phi đóng vai trò là cầu nối tự nhiên đến Địa Trung Hải, từ đó mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị và kinh tế của họ.

Nguồn: VnEconomy; Soha; Thanh Niên; Vnexpress; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang