Người Việt hải ngoại: Tử vong vì bị nợ lương ở HQ; 40 năm tìm mẹ; Cộng đồng tri thức ở Singapore; Cứu 27 người ở Philippines

Xót xa công dân Việt Nam lao động tại Hàn tử vong vì bị nợ lương trong 1 tháng, không thể chi trả tiền sưởi trong mùa đông

Mới đây, SBS News đã đưa tin, một lao động người Việt mới đây đã tử vong tại phòng trọ của mình tại thành phố Ulsan (Hàn Quốc).

Theo thông tin từ SBS News, người tử vong là anh A. (quốc tịch Việt Nam, khoảng 30 tuổi) từng làm việc trên thuyền tại cảng Jeongja ở thành phố Ulsan (Hàn Quốc) và sống trong ký túc xá dành cho lao động người nước ngoài tại đây.

Vào sáng ngày 19/12 trong thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, anh A. bỗng xuất hiện triệu chứng khó thở, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngừng tim và tử vong sau đó. Một hàng xóm người Việt của anh cho biết: "Khi tôi đến, cậu ấy đã không thể cử động, chỉ có thể ho và thở thều thào vài hơi".

Cảnh sát cho biết, nguyên nhân cái chết của nam thanh niên là do sự cố ngoài ý muốn. Theo kết quả giám nghiệm pháp y, anh A. tử vong vì bệnh tim mạch. Như lời các đồng nghiệp kể lại, anh cũng thường phàn nàn về tình trạng căng thẳng, mệt mỏi do môi trường làm việc thiếu thốn.

Trong căn phòng trọ diện tích hẹp, có thể thấy một chiếc bàn nhỏ được kê trong góc phòng với một vài loại hoa quả, lon bia và di ảnh chàng trai trẻ được đặt bên trên.

Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài Ulsan đã phát hiện, do những lao động này chưa được trả lương trong một tháng nay nên họ chỉ có thể tiết kiệm bằng cách cắt giảm chi phí cho nguyên liệu sưởi ấm cũng như không thể đăng ký bảo hiểm y tế. Nhân viên của Trung tâm hỗ trợ thường trú người nước ngoài thành phố Ulsan cho biết: "Các lao động cho biết vì không được trả lương nên họ phải chắt bóp sống qua ngày, thậm chí phải vay tiền người quen để mua đồ ăn".

Cũng theo thông tin từ SBS News, tính đến năm ngoái (năm 2022), số lượng người người nước ngoài sống ở Ulsan vượt quá 26.000 và 6.000 trong số đó đăng ký làm công nhân. Park Yoo Ri - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thường trú người nước ngoài tại Ulsan cho biết:

"Hầu hết họ là thủy thủ trên tàu và đến từ Indonesia hoặc Việt Nam. Vì những công việc này rất khó khăn, vất vả nên có rất nhiều người đã bỏ đi khi chưa được phép".

Với số lượng lao động tăng nhanh, rất nhiều người nước ngoài rơi vào "điểm mù" của các chương trình phúc lợi và không thể nhận được sự hỗ trợ, điều trị y tế kịp thời.

Họa sĩ Pháp gốc Việt 40 năm đi tìm mẹ

Hành trình 40 năm đi tìm nguồn cội của Rémy được đánh dấu bằng 7 lần sang Việt Nam, hàng chục lần xét nghiệm ADN nhưng anh mới tìm thấy bố, còn mẹ vẫn biệt tăm.

Đêm muộn trước ngày Giáng sinh, Rémy Gastambide, 54 tuổi, xem những tài liệu liên quan tới quá trình tìm mẹ mà anh giữ gìn như sinh mạng. Đó là tờ giấy chứng nhận cho con của cô nhi viện, là ảnh mình ngày thơ bé, ảnh cha trong chiến tranh Việt Nam.

Cuối cùng, anh dừng lại ngắm ảnh mẹ. Trong hình là cô gái trẻ chụp trong công viên dịp Giáng sinh cuối thập niên 1970 với mái tóc, trang phục thời thượng của phụ nữ Sài Gòn thời đó. Tấm ảnh này vốn nằm trong cuốn album thời chiến của cha anh, ông Stewart Foster Jr, suốt 50 năm. Gần đây, ông đưa cho Rémy với hy vọng giúp ích cho con.

"Mấy chục năm tìm mẹ không manh mối, giờ đây tôi hy vọng bức ảnh này và câu chuyện của mình sẽ có phép màu xảy ra", Rémy Gastambide, một họa sĩ sống ở thành phố Nice, miền đông nam nước Pháp, chia sẻ.

Trong hồ sơ, Rémy được khai sinh tên Nguyễn Bác Ái (không rõ mẹ hay cô nhi viện đặt), sinh ngày 1/1/1969 được gửi vào cô nhi viện Thông Thiên Học số 468, Võ Di Nguy, quận Phú Nhuận từ 20 ngày tuổi. Khi 8 tháng, cậu bé được cặp vợ chồng Gastambide, người Pháp nhận nuôi.

Cậu bé gốc Việt lớn lên hạnh phúc bên cha mẹ nuôi là những nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và một người anh trai cũng được nhận nuôi cùng thời điểm, cùng một cô nhi viện.

Trước 14 tuổi, Rémy không biết gì về Việt Nam ngoại trừ việc được cho biết mình sinh ra ở đây. Trong một lần xem một tạp chí ảnh có chuyên đề về chiến tranh Việt Nam, ngay lập tức Rémy bị cuốn hút như thể chúng mang trong đó những bí mật về nguồn gốc của mình. Cậu thiếu niên bắt đầu sưu tập hàng nghìn bức ảnh, cuối cùng phát hiện bố mẹ nuôi hoàn toàn không biết gì về cha mẹ ruột của mình.

"Tin tức này làm tôi choáng váng. Tôi nghĩ rằng vấn đề nhận con nuôi của mình không phải như những gì được nghe hay giấy tờ viết", Rémy chia sẻ.

Từ lúc này, cuộc đời của Rémy chỉ có một mục tiêu: Tìm hiểu mình là ai, đến từ đâu và nơi đó như thế nào. "Tôi cũng chỉ có một mong muốn: Trở lại Việt Nam để tìm cha mẹ đẻ", ông kể.

Phát hiện này đã thay đổi quá trình trưởng thành của Rémy. Giữa một bên không muốn cha mẹ nuôi buồn, với một bên là khát khao tìm nguồn cội, khiến cậu thiếu niên trở nên khó bảo, chống đối mỗi khi cha mẹ ngăn cản mình.

Đầu những năm 1990, quan hệ Việt Nam và Mỹ bước vào tiến trình bình thường hóa. Nhiều Việt kiều trở về tìm kiếm người thân bị ly tán bởi chiến tranh. Giống như họ, chàng trai 22 tuổi đặt chân đến Việt Nam tháng 7/1991, bằng số tiền tiết kiệm suốt hai năm. Bất chấp việc cha mẹ nuôi phản đối, anh nhấn mạnh chuyến đi này là một "vital need" (nhu cầu sống còn).

Nhưng cô nhi viện đã giải thể từ năm 1975, Rémy không thể tìm thấy bất kỳ hồ sơ nào về mình. Bằng nhiều cách khác nhau, chàng trai đã gặp được viện trưởng và người vú nuôi song họ cũng không thể cho thêm chút manh mối nào. Suốt 6 tuần xới tung tất cả, anh buộc phải trở về nước.

Từ đó đến năm 2006, Rémy đến Việt Nam 7 lần chỉ với một mục đích tìm kiếm dấu vết của mẹ. Song song, anh nhờ người quen và chia sẻ thông tin lên một số tờ báo Pháp và Việt Nam để tăng cơ hội tìm mẹ.

"Mỗi khi đi trên đường, tôi đều cố gắng nhìn thật kỹ những người mẹ Việt Nam, so sánh với nước da của mình và tưởng tượng trong số ấy có mẹ", Rémy kể.

Cuộc tìm kiếm mẹ ruột tưởng chừng đã bỏ cuộc.

Năm 2019, tin một người bạn Mỹ tìm thấy gia đình nhờ ADN làm Rémy dấy lên hy vọng. Rất nhanh, ông thực hiện hàng loạt thử nghiệm với các phòng xét nghiệm 23&Me, Ancestry, Myfamilytree, MyHeritage. Đây là những kho dữ liệu ADN lớn trên thế giới, một mặt có thể giải mã nguồn gốc của một người, mặt khác kết nối họ với người có liên quan máu mủ trong cùng hệ thống.

Kết quả cho thấy ADN của Rémy khớp với một người da đen nào đó. Cánh cửa nhà nội dần hé mở khi mỗi ngày ông lại nhìn thấy những cái tên, những gương mặt xác nhận có quan hệ họ hàng. "Mỗi người trong số họ giống như một mảnh ghép. Đến một ngày tôi phát hiện mình có một gia đình ở Mỹ, nguồn gốc của họ ở bang Mississsippi", ông nói.

Trong một cuộc kiểm tra ADN với một người (hiện là chú ruột), Rémy đã xác định được cha mình là Stewart Foster Jr, 78 tuổi. Khi được kết nối, ông Stewart vô cùng sốc. Ký ức chiến tranh vẫn hành hạ ông từng đêm.

Người con đã trấn an: "Con không phải là chiến tranh mà là hậu quả của nó. Con không có gì muốn chất vấn cha. Con chỉ muốn gặp cha".

Tháng 7/2021, họa sĩ người Pháp nhận lời đến dự cuộc họp mặt hàng năm của gia đình nội tại thành phố Natchez, bang Mississippi. Chào đón anh là người cha và bốn người em, ba gái - một trai cùng rất nhiều các cháu và họ hàng. Trong bữa cơm đoàn tụ, người đàn ông trung niên không kìm được nước mắt khi chia sẻ về hành trình đi giải câu đố cha mẹ ruột là ai.

"Con đã đi tìm cha mẹ từ năm 14 tuổi. Lúc tưởng như sắp bỏ cuộc thì con biết tới ADN. Con tự nhủ đây là cơ hội cuối cùng để giải câu đố. Thật tuyệt vời sau 35 năm, con đã tìm thấy cha", Rémy nói.

Hơn 60 người thân cảm động trước hành trình tìm nguồn cội đằng đẵng. Bất chấp khoảng cách, ngày nay họ giữ liên lạc thường xuyên.

Từ đây, Rémy biết được cha mẹ gặp nhau trong một khu quân sự gần sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968. Ngày ấy, Stewart đóng quân ở Pleiku, mỗi tháng một lần đưa lính Mỹ tử trận về Tân Sơn Nhất để hồi hương. Họ chỉ gặp nhau hai lần, khi quay lại, người lính trẻ không thể tìm thấy cô gái nữa. Đến nay người cựu binh không còn nhớ tên nhưng vẫn giữ một bức ảnh của bà.

"Cha không nhớ được tặng bức ảnh khi nào nhưng đó chính là cô ấy, mẹ của con", ông nắm tay con trai, trao lại bức ảnh.

Từ bước ngoặt này, Rémy quyết tâm tái khởi động hành trình tìm mẹ. Anh không biết bà còn sống hay đã chết, sống ở Việt Nam hay nước ngoài, quê ở đâu, có bao nhiêu con. Nếu còn sống bà sẽ như thế nào khi biết anh đang tìm kiếm. Liệu bà có gặp anh hay từ chối lần nữa.

Rémy đã sẵn sàng cho mọi thứ. Anh sẽ nói với mẹ rằng chỉ muốn gặp người sinh ra mình. Anh càng không đánh giá hành động trong quá khứ của mẹ.

"Mẹ cũng giống như tôi và bố, đều là nạn nhân của chiến tranh", người con lai bộc bạch.

Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore

Từng khởi xướng và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore, anh Mai Tuấn Minh - sinh viên Đại học Công nghệ Nanyang, tiếp tục là người đồng sáng lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore.

Anh có thể chia sẻ về lý do lựa chọn đất nước Singapore và môi trường giáo dục ở đây cho các bạn trẻ có ý định sang du học?

Hiện tại, tôi đang là sinh viên năm thứ tư ngành Điện Điện Tử tại Đại học Công nghệ Nanyang. Lý do tôi chọn du học vì thấy Singapapore là đất nước an toàn, giáo dục tốt với các trường đại học đứng thứ hạng cao trên thế giới, có động đồng du học sinh Việt Nam lành mạnh và phát triển.... Sau quá trình học tập thì tiếng Anh của tốt cũng tốt hơn và vì thế có thể đọc được nhiều tai liệu tốt hơn.

Tuy nhiên, ở Singapore có một vấn đề là áp lực. Do đất nước Singapore không có tài nguyên nên nguồn lực chủ yếu là từ “chất xám” của con người. Vì thế, với các bạn mới sang thì phải luôn trong tư thế chuẩn bị chịu được áp lực và thích nghi được môi trường mới.

Được biết anh là người đồng sáng lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore?

Tôi đã công tác Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore được 6 năm và giờ mong muốn tập trung vào việc phát triển cộng đồng trí thức Việt Nam tại đây.

Chúng tôi quyết định thành lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore (VINS) vì thấy đây là việc làm cần thiết, bởi ở đây cộng đồng sinh viên rất mạnh, luôn hướng về quê hương, đất nước.

Mạng lưới sẽ giúp cho những người tham gia hiểu hơn về tình hình Việt Nam hiện nay, từ đó có thể về nước làm việc, cống hiến mà không còn tư tưởng e ngại với những cú sốc văn hóa "ngược". Điều này sẽ giúp cho họ đóng góp nhiều hơn về cho kinh tế nước nhà và giúp cho việc ổn định nơi làm việc nhanh hơn.

Mục tiếp sắp tới của VINS là kết nối và thu hút được sự tham gia của đông đảo trí thức – một mạng lưới, mà cá nhân tôi thấy cộng đồng người Việt tại Singapore còn thiếu. Năm nay, chúng tôi cố gắng tham gia các sự kiện và gặp gỡ nhiều doanh nghiệp để bắt đầu triển khai các hoạt động vào năm sau.

Chính phủ và Nhà nước đang đặc biệt quan tâm đến việc thu hút nguồn lực trí thức kiều bào vào phát triển đất nước. Cá nhân anh có suy nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ rằng bất kỳ du học sinh nào đều có đắn đo về việc "ở lại" và bản thân tôi cũng vậy. Tuy nhiên, cũng có quan điểm là mình có thể cống hiến cho đất nước ở mọi nơi - đây cũng là một cách nghĩ tích cực khác.

Tôi học chuyên ngành Điện Điện tử nên cũng khá liên quan tới những công nghệ mới như bán dẫn và trí tuệ thông minh nhân tạo.

Ở Việt Nam, các đại học trường công dạy rất tốt về kỹ thuật và công nghệ, nhưng vẫn còn thiếu việc thực hành tại công ty. Các cơ hội trao đổi thực tập tại các nước như Singapore ở các trường đại học có thể giúp khắc phục điều này.

Ngoài ra, các trường có thể liên kết để tạo ra chương trình song bằng hoặc đào tạo một số môn nhất định, dựa vào lợi thế cơ sở vật chất có sẵn tại Singapore để giúp cho đào tạo nhân lực một cách hiệu quả hơn.

Chúng ta có thể tổ chức các diễn đàn liên quan tới chuyên môn từ các nước khác nhau để kinh nghiệm chuyên môn trong nước trở nên phong phú hơn.

Theo anh, có những khó khăn gì đối với tri thức kiều bảo trẻ trong việc phát huy trí tuệ cho đất nước?

Một trong những vấn đề là "sốc" ngược văn hóa khi các trí thức trẻ về Việt Nam sau khi đã ở nước ngoài một thời gian dài.

Các hệ thống pháp luật và quản lý ở Việt Nam có thể rất khác so với nước ngoài, làm cho việc thích ứng và hiểu biết về cách thức hoạt động trong môi trường này trở nên khó khăn.

Theo tôi, bên cạnh mong muốn về một môi trường học thuật tốt để phát triển, thì một trong những "nỗi niềm" khác của trí thức là thiếu đi kênh để có thể truyền tải thông điệp và kiến nghị của mình một cách trực tiếp.

Các trí thức khi gửi những kiến nghị đôi khi thiếu đi cảm giác “được thưởng”. Bởi vậy, nếu có cách biết được độ ảnh hưởng tích cực từ sáng kiến ấy, thì có thể họ sẽ đóng góp tích cực hơn.

27 người Việt sắp bị bán ở Philippines được hồi hương

Philippine trong tuần này đã giải cứu và hồi hương 27 công nhân Việt Nam, những người được cho biết sắp bị những kẻ buôn người “bán” cho một công ty có trụ sở tại Cebu, Cục Di trú Philippines cho biết.

ABS-CBN News dẫn lời Ủy viên về Di trú Norman Tansingco cho biết trong một thông cáo rằng các nạn nhân buôn người đi cùng với người quản lý người Trung Quốc, hai tài xế người Philippines và một phiên dịch viên người Philippines.

Nhóm người này đã bị chặn tại Nhà ga số 2 của Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino vào ngày 31/10, và Cục Di trú Philippines đã hủy thị thực lao động của 27 nạn nhân này và đưa hầu hết họ về nước.

Cục này không cung cấp thêm thông tin chi tiết về công ty hoặc loại công việc mà những người Việt Nam bị buôn sang Philippines tham gia.

Ông Tansingco nói ông sẽ không dung thứ cho người nước ngoài sử dụng Philippines làm trung tâm cho các hoạt động bất hợp pháp của họ, vẫn theo ABS-CBN News.

Theo Cục Di trú Philippines, hiện có 7 người Việt Nam nữa đang chờ hồi hương.

Philippines là một trong những điểm đến của những đường dây buôn người từ Việt Nam và một số nước láng giềng sang để bán cho các sòng bài chuyên tổ chức cá cược trực tuyến.

Hồi tháng 5 vừa qua, cảnh sát Philippines đã giải cứu hơn 1.000 người nghi là nạn nhân buôn người, trong đó có 437 người Việt Nam.

Những người này bị lừa bán sang Philippines, bị giam giữ và ép phải tham gia vào các vụ lừa đảo trực tuyến.

Theo các giới chức Philippines, những nạn nhân trên đã bị tịch thu hộ chiếu và bị ép làm việc 18 tiếng một ngày. Nếu bị phát hiện trò chuyện với những người xung quanh hoặc nghỉ lâu hơn thời gian cho phép, họ sẽ bị trừ lương.

Nguồn: Kenh14; Vnexpress; Báo Quốc Tế; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang