Người Việt hải ngoại: Trở lại cuộc sống ở Đài; Khám bệnh ở Campuchia; Góp quỹ xây chùa ở Tokyo; Đâm chết đồng nghiệp ở Nhật

NGƯỜI VIỆT Ở ĐÀI LOAN TÌM CÁCH TRỞ LẠI CUỘC SỐNG SAU ĐỘNG ĐẤT

Sau trận động đất tại Đài Loan (Trung Quốc), Hội sinh viên Việt Nam và các nhóm cộng đồng người Việt tại Đài Loan liên tục cập nhật thông tin trên các hội nhóm để hỗ trợ tâm lý, giúp đỡ các sinh viên, người lao động và kiều bào.

Sau trận động đất ngày 3/4, bà con người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) nói chung và huyện Hoa Liên nói riêng vẫn cảm thấy lo lắng khi mà mỗi ngày một số khu vực ở hòn đảo này, đặc biệt là Hoa Liên vẫn ghi nhận các cơn dư chấn.

Anh Chạc Cửu Tày, Chủ tịch Hội sinh viên tại đây cho biết, hội vẫn liên tục cập nhật thông tin trên các nhóm của các bạn sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại Đài Loan, đặc biệt là ở huyện Hoa Liên. Hội sẽ luôn là điểm tựa tinh thần giúp các bạn vượt qua tâm lý lo lắng, quay trở lại cuộc sống bình thường để yên tâm học tập.

Trần Hải Ngọc, sinh viên năm thứ nhất tại Đại học Đông Hoa, ngôi trường nằm ngay tâm chấn động đất ở huyện Hoa Liên cho biết hiện tại cuộc sống của các sinh viên vẫn chịu ảnh hưởng nhất định. Các sinh viên gặp các vấn đề như tường ký túc xá bị nứt và đường nước nóng bị hỏng nên nhà trường đã tạo thuận tiện bằng cách sắp xếp cho các bạn tắm giặt và sinh hoạt ở tòa ký túc xá bên cạnh.

Hải Ngọc chia sẻ trước đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn chuẩn bị tinh thần cho các trận động đất có thể xảy ra nên các sinh viên đều có kinh nghiệm và sự chuẩn bị cho bản thân mình. Do đó, khi động đất xảy ra, các bạn đã xử lý bình tĩnh và không quá hoảng loạn. Tuy nhiên, đây là trận động đất lớn và có nhiều dư chấn nên dù không còn quá sợ hãi nhưng lúc nào các bạn cũng trong tinh thần chuẩn bị, nếu có vấn đề gì thì sẽ sơ tán và tự bảo vệ bản thân.

Chia sẻ về tình hình sau động động, sinh viên năm nhất Đại học Đông Hoa, Nguyễn Thanh Hoàng Như cho biết, một số cơ sở vật chất bị hư hại trong trường vẫn đang trong quá trình sửa chữa nên trường đã lùi thời gian sinh viên quay trở lại học tập vào ngày 10/4. Trường cũng luôn hỏi thăm tình hình sinh viên, đưa ra cách hướng dẫn bài vở cho các bạn. Các anh chị người Việt tại trường luôn chủ động hỗ trợ các bạn sinh viên mới.

Nhiều hàng quán khu vực gần trường vẫn đóng cửa do Đài Loan đang trong ngày nghỉ lễ và cần sửa chữa sau động đất. Ngoài ra, các phương tiện công cộng vẫn hạn chế hoạt động và lo ngại động đất nên các sinh viên cũng chưa dám đi lên thành phố để mua thực phẩm.

Tâm lý của các sinh viên đã dần ổn định, dần thích nghi với cuộc sống sau trận động đất này. Theo anh Triệu Văn Tuân, người lao động Việt Nam tại huyện Hoa Liên, sau hôm xảy ra động đất, các nhà máy ở Hoa Liên vẫn hoạt động bình thường, cuộc sống không có nhiều xáo trộn, vì Đài Loan cũng thường xuyên xảy ra động đất nên công ty đã trang bị cho người lao động các kiến thức nhất định để ứng phó với thiên tai.

Anh Phan Tấn Phát, người sáng lập Công ty du lịch, đặt xe tại Đài Loan, hiện đang sinh sống tại thành phố Tân Trúc, cho biết, thông qua các nhóm cộng đồng người Việt tại Đài Loan, anh liên tục nắm được tình hình bà con và viết bài trên các nhóm để động viên tinh thần mọi người.

Sau trận động đất, nhìn chung bà con kiều bào dần ổn định tâm lý, nhưng một số thì vẫn có tâm lý hoang mang vì dư chấn vẫn còn.

Một số du khách Việt lần đầu đến Đài Loan rất sợ và lo lắng vì chưa từng chứng kiến trận động đất kéo dài cả phút và sau đó là các cơn dư chấn mạnh như vậy.

Giao thông đến huyện Hoa Liên vẫn khó khăn vì trận động đất đã gây hư hại nhiều tuyến đường và sụt lở núi. Một tuyến tàu điện vẫn đang dừng hoạt động, một số đoạn tạm thời được thông xe để tạo thuận tiện cho vận chuyển vào khu vực này.

Tuyến đường từ huyện Nghi Lan đến huyện Hoa Liên vẫn gặp khó khăn, chính quyền địa phương đã mở tuyến phà biển để người dân đi lại. Những ngày qua, một số thành phố ở Đài Loan vẫn ghi nhận các cơn dư chấn mạnh từ 4-5 độ.

Theo anh Phát chia sẻ, du khách đến Đài Loan đều rất thích đến chiêm ngưỡng vách đá Thanh Thủy, một điểm du lịch nổi tiếng ở Hoa Liên. Tuy nhiên, sau trận động đất, e rằng lượng du khách đến đây tạm thời sẽ giảm mạnh, gây thiệt hại không nhỏ cho du lịch của huyện Hoa Liên.

Tính đến ngày 6/4, số người thiệt mạng trong trận động đất đã tăng lên 13 người, trong khi các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn vẫn tiếp tục kể cả khi mốc 72 giờ quan trọng sau thảm họa đã trôi qua.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm 6 người bị mất tích ở huyện Hoa Liên, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất.

KHÁM CHỮA BỆNH, HỖ TRỢ DỊCH VỤ Y TẾ CHO BÀ CON KHÓ KHĂN TẠI TỈNH KAMPONG CHHNANG

Từ sáng 7/4, tại tỉnh Kampong Chhnang, 15 bác sỹ tình nguyện đến từ nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam và Campuchia bắt đầu chương trình khám, hỗ trợ cho bà con cao tuổi có hoàn cảnh khăn tại địa bàn.

Với mục đích thể hiện sự quan tâm và sẻ chia từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Campuchia dành cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết cổ truyền của Campuchia năm 2024, ngày 7/4, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia (VCBA) cùng Công ty Viettel Cambodia (Metfone) và các đơn vị đồng hành đã phối hợp tổ chức chương trình thăm khám, tầm soát bệnh, tư vấn điều trị và cấp phát thuốc, tặng quà từ thiện cho 600 người dân Campuchia và người gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Kampong Chhnang.

Chương trình có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng, lãnh đạo tỉnh Kampong Chhnang, đại diện VCBA, Metfone, các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh tại Campuchia cùng các đơn vị đồng hành.

Từ sáng 7/4, tại trường Tiểu học Khsam Meas Chan Leap thuộc phường Khsam (thành phố Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang), 15 bác sỹ tình nguyện đến từ nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam và Campuchia đã bắt đầu chương trình khám, hỗ trợ cho bà con cao tuổi có hoàn cảnh khăn tại địa bàn được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao.

Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng đánh gia cao hoạt động thiện nguyện lần này của VCBA, công ty Metfone và các đơn vị đồng hành, diễn ra trước thềm Tết cổ truyền của người dân Campuchia.

Hoạt động này là minh chứng, thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Canpuchia.

Đánh giá cao hoạt động thiện nguyện đầu tiên này của VCBA, Đại sứ Việt Nam bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, VCBA sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ y tế cho người dân Campuchia và bà con kiều bào Việt Nam không chỉ ở tỉnh Kampong Chhnang, mà mở rộng ở khắp các địa phương trên "đất nước Chùa Tháp."

Trước thềm Tết cổ truyền năm 2024 của Campuchia, Đại sứ Việt Nam cũng gửi đến người dân sở tại và bà con kiều bào Việt Nam có mặt tại chương trình cùng gia đình lời chúc mừng năm mới an lành, thọ hưởng “sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh” như 4 Pháp chúc mừng của nhà Phật.

Theo ông Cao Mạnh Đức, Phó Chủ tịch VCBA, Tổng Giám đốc công ty Metfone, thông qua chương trình tại Kampong Chhnang, VCBA, Metfone và các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia mong muốn được chia sẻ, đồng hành cùng chính quyền và người dân Campuchia trong việc nâng cao, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam (KVA) khẳng định bà con người Việt đã sinh sống, làm việc lâu đời ở Campuchia là một cộng đồng có đóng góp quan trọng trong mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước Campuchia-Việt Nam, cũng như đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia

Chia sẻ tại chương trình, bà Born Sophy, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang bày tỏ phấn khởi tham gia chương trình với những nụ cười của người dân dưới bóng mát hòa bình của đất nước trước thềm năm mới 2024, trong đó có vai trò của nước láng giềng Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng trước đây.

Thay mặt lãnh đạo địa phương, bà Born Sophy bày tỏ cảm ơn Đại sứ Việt Nam và Ban tổ chức đã đến tỉnh Kampong Chhnang tổ chức chương trình khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, kể cả người dân Campuchia; đồng thời kêu gọi người dân cùng gìn giữ hòa bình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, chung sống đoàn kết, không phân biệt đối xử, trong đó có ngoại kiều Việt Nam sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Campuchia, chung tay gìn giữ mối quan hệ hợp tác và tình đoàn kết lâu đời giữa hai dân tộc Campuchia và Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Tiến sỹ-Bác sỹ Heng Lihong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VCBA, Tổng Giám đốc Bệnh viện MED115 (Phnom Penh, Campuchia) cho biết với mục đích kiểm tra, tầm soát sức khỏe cho bà con ở mức độ hiệu quả hơn, điểm đặc biệt của chương trình lần này là dành cho bà con 40 tuổi trở lên, do người ở lứa tuổi này thường bắt đầu có những bệnh mãn tính, bệnh về tuổi tác, bệnh do chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt, tập trung vào 4 nhóm: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, cơ xương khớp.

Tiến sĩ-Bác sỹ Heng Lihong khẳng định để nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh hiệu quả cho người dân, ban tổ chức sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, cải thiện công tác tổ chức, chuẩn bị nguồn nhân lực, máy móc, thuốc men để đáp ứng kỳ vọng của bà con, đặc biệt là người dân gốc Việt.

Chương trình thăm khám, tầm soát bệnh, tư vấn điều trị và cấp phát thuốc được đội ngũ y, bác sỹ từ các bệnh viện MED115, Mekong Clinic cũng như Câu lạc bộ Chia sẻ Yêu thương, Câu lạc bộ Chung sức Đồng lòng triển khai khá chuyên nghiệp.

Hoạt động thăm khám được bố trí thành nhiều khu vực, đảm bảo hoạt động khám và tư vấn được diễn ra thông suốt, nhanh chóng và hiệu quả.

Sau khi được đăng ký và tiếp nhận hồ sơ, người dân lần lượt được khám lâm sàng, khám chuyên sâu bằng các trang thiết bị hiện đại với độ chính xác cao.

Sau khi có kết quả và được tư vấn điều trị, bà con sẽ được cấp phát thuốc và tặng quà là các nhu yếu phẩm thiết thực, góp phần hỗ trợ và phục vụ đời sống cho bà con.

TỔ CHỨC GIẢI BÓNG ĐÁ NGƯỜI VIỆT ĐỂ GÂY QUỸ XÂY CHÙA TẠI TOKYO

Ngày 7/4, Tổ chức Giao lưu quốc tế Việt Nam-Nhật Bản (FAVIJA) tổ chức vòng chung kết giải thi đấu bóng đá người Việt 'FAVIJA KANTO CUP 2024', dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Với 76 đội bóng là các cầu thủ không chuyên của người Việt và người Nhật đang học tập, làm việc và sinh sống tại khu vực Kanto Nhật Bản tham gia vòng loại diễn ra từ ngày 17/3.

Qua đó, 40 đội bóng lọt vào vòng chung kết được chia thành 10 bảng đấu, thi đấu cùng lúc trên 8 mặt sân trong khuôn viên sân vận động Redsland thành phố Saitama đã diễn ra hết sức sôi nổi và kịch tính.

Giải đấu thu hút hàng nghìn cổ động viên là kiều bào Việt Nam và người dân bản địa tới sân cổ vũ.

Đây là sân chơi thể thao mang lại rất nhiều mục đích thiết thực và ý nghĩa. Không chỉ là nơi để các bạn trẻ người Việt rèn luyện sức khỏe, gặp gỡ, giao lưu kết nối cộng đồng, thỏa sức đam mê với trái bóng, giải đấu còn là cơ hội để thắt chặt hơn nữa tình cảm, mối quan hệ thân thiết hữu hảo giữa kiều bào ta với người dân bản địa.

Kết thúc giải đấu, chức Vô địch đã thuộc về FC Hoàng Hải, Á quân là FC T-Connect, 2 đội đồng giải Ba là FC Nam Đàn và FC ISC Nghệ An.

Ban tổ chức cũng trao các giải cá nhân "Vua phá lưới" cho các cầu thủ Vũ Quang Việt FC Hoàng Hoàng Hải, "Thủ môn xuất sắc" cho cầu thủ Lê Quốc Hiếu FC T-Connect, "Cầu thủ xuất sắc" cho cầu thủ Kaichi Ota FC Hoàng Hải.

Ông Đỗ Quang Ba - Chủ tịch FAVIJA, cho biết: "Thông qua việc tổ chức giải bóng đá, Ban tổ chức đã tuyên truyền tới các bạn trẻ những kiến thức về pháp luật nước sở tại, kêu gọi quyên góp quỹ từ thiện giúp đỡ người Việt gặp khó khăn".

Đội bóng vô địch đã dành lại toàn bộ số tiền thưởng 30 vạn yen đóng góp vào quỹ xây chùa Việt Nam tại Tokyo.

Các đội bóng đạt giải đồng thời cũng giành quyền tham dự giải bóng đá toàn quốc người Việt tại Nhật dự kiến sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm nay tại thủ đô Tokyo.

MỘT ÔNG VIỆT NAM ĐÁNH CHẾT ĐỒNG NGHIỆP BỊ BẮT GIỮ TẠI HYOGO

Ngày 8/4, Công an tỉnh Hyogo Đồn cảnh sát Itami đã bắt giữ Nguyễn Văn Công (?, 33 tuổi), nhân viên công ty, quốc tịch Việt Nam ở thành phố Itami, tỉnh Hyogo, vì tình nghi giết người. Cụ thể nghi phạm được cho là đã dùng dao đâm vào ngực và bụng một nam đồng nghiệp.

Nghi phạm đã thừa nhận hành vi của mình. Cảnh sát tin rằng đã có rắc rối, xích mích nào đó giữa 2 bên và đang tiến hành điều tra động cơ cũng như danh tính của nghi phạm.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 3 giờ 10 phút chiều ngày 7 tháng 4 (Chủ nhật), tại ký túc xá của công ty, hung thủ đã đâm nhiều nhát vào một đồng nghiệp (khoảng 30 tuổi, cùng quốc tịch Việt Nam). Nạn nhân được đưa đến bệnh viện nhưng được xác nhận đã tử vong.

Khi một cảnh sát chạy đến hiện trường sau khi nhận được tin báo, thủ phạm đã thú nhận “Tôi đã đâm anh ta” và tự nguyện đi cùng cảnh sát. Lúc này nạn nhân đang ở trạng thái nằm ngửa ở tầng 1 của kí túc xá.

Nguồn: Báo Quốc Tế; Dân Việt; Báo Mới; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang