Người Việt hải ngoại: Tình đồng hương ở Đài Loan; Sống chật vật ở Nhật; Biệt thự Phương Hồng Quế tại Mỹ; Cô gái Bỉ tìm mẹ

TÌNH ĐỒNG HƯƠNG GIỮA TÂM CHẤN ĐỘNG ĐẤT Ở ĐÀI LOAN

Trận động đất mạnh nhất trong 25 năm qua tại Đài Loan (Trung Quốc) đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương.

Ngày 5/4, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết chưa ghi nhận người Việt thương vong trong trận động đất lịch sử này và vẫn tiếp tục trao đổi với các hội đoàn người Việt tại Đài Loan để nắm bắt thông tin.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, chị Triệu Thị Ánh, đang sinh sống tại huyện Hoa Liên cho biết sau trận động đất, các chị em người Việt lấy chồng người Đài Loan trong khu vực Hoa Liên đã ngay lập tức điện thoại hỏi thăm nhau để xem có gia đình nào thiệt hại gì không. May mắn là các gia đình đều ổn nhưng ai cũng sợ hãi. Chị Ánh cho biết cách chỗ chị sống khoảng 40-50 phút đi xe thì nhà đổ, sụt lở núi, có người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Theo chị được biết, trong trận động đất vừa qua, người lao động Việt Nam đã để lại rất nhiều hình ảnh đẹp trong lòng người dân Hoa Liên khi cùng chung tay với người dân địa phương để cứu những người bị mắc kẹt trong các ngôi nhà bị sụp đổ.

Trận động đất tại Hoa Liên cũng thử thách khả năng thích ứng của các hộ lý nước ngoài. Ngày 3/4, kênh ftvnews.com.tw có bài đăng nhắc đến một y tá người Việt ở huyện Miêu Lật đã bình tĩnh trước nguy hiểm, lập tức tắt hệ thống điện và cẩn thận giúp chủ nhà sơ tán ra ngoài. Chị được khen rất chuyên nghiệp. Rung chấn tại huyện Miêu Lật được ghi nhận độ lớn 5.

Chị Đinh Thị Nhường, nhân viên Văn phòng lao động huyện Nam Đầu chia sẻ khi gặp phải trận động đất mạnh vừa qua, những bà con người Việt mới qua Đài Loan đã rất hoang mang, sợ hãi. Tuy nhiên, chị đã động viên mọi người cùng cố gắng để tiếp tục công việc vì Đài Loan thường xuyên xảy ra động đất và mỗi khu có cường độ khác nhau, chính quyền Đài Loan làm công tác tập huấn diễn tập và cứu hộ động đất rất tốt. Chị Nhường cho biết các văn phòng lao động ở các huyện của Đài Loan đều thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin về lao động nước ngoài nên các chị có thể nắm được rất nhanh thông tin trong trường hợp người lao động nước ngoài gặp vấn đề. Hiện tại thì chưa ghi nhận trường hợp thương vong liên quan đến người Việt Nam.

Ông Trần Đức Cường, tổng quản lý lao động nước ngoài của Công ty môi giới nhân lực Ho-master Đài Loan ở Đài Bắc cho biết sau 2 ngày qua, ông đã tổng kết lại tình hình của người lao động Việt Nam tại Đài Loan và may mắn không ghi nhận ai thương vong. Ông chia sẻ các cơ quan, nhà máy ở Đài Loan cũng thường xuyên tổ chức diễn tập phòng chống động đất cho các lao động nước ngoài. Hiện tâm lý bà con đã dần trở lại ổn định.

Trận động đất vừa qua đã gây thiệt hại nhiều cơ sở vật chất của huyện Hoa Liên, trong đó có Đại học Đông Hoa. Sau trận động đất, một tòa thuộc Viện Khoa học và Công nghệ của trường đã bị cháy. Nguyên nhân ban đầu được cho là do lỗi hệ thống mạch điện. Theo thông báo của trường, thiệt hại ước tính khoảng 400 triệu Đài tệ, ảnh hưởng đến khoa Hóa học, Vật lý và Công nghệ vật liệu; rất nhiều mẫu và kết quả nghiên cứu cũng bị tổn thất nặng nề. Sau vụ cháy, Đại học Đông Hoa cũng đã liên hệ với một số trường đại học như Đại học Tzu Chi, Đại học Nghi Lan, Đại học Đài Đông... nhằm đảm bảo tính liên tục trong nghiên cứu và giảng dạy.

Bạn Lê Quốc Đại, học viên cao học năm thứ hai tại Đại học Đông Hoa chia sẻ rằng theo thông tin bạn được biết thì nhà trường đang cố gắng hết sức để sắp xếp việc nghiên cứu, học tập của các bạn sinh viên và học viên cao học, trong đó có nghiên cứu sinh của Việt Nam để có thể tốt nghiệp theo đúng lịch trình.

Bạn Vũ Mai Anh, học viên cao học năm thứ hai tại Đại học Đông Hoa thì cho biết các bạn Việt Nam đang học tập tại trường vẫn có cảm giác khá căng thẳng, đôi lúc thót tim sau mỗi lần nhận được cảnh báo động đất từ chính quyền Đài Loan. Các bạn cũng chưa thể tập trung học tập vì trưa và đêm mỗi ngày vẫn có dư chấn với độ lớn khoảng 4-5. Đúng vào dịp nghỉ lễ của Đài Loan nên các bạn thường tập trung nấu ăn với nhau để động viên nhau vượt qua những ngày khó khăn này. Mai Anh cho biết xung quanh trường hiện vẫn còn siêu thị và cửa hàng chưa mở cửa do bị thiệt hại sau trận động đất. Trong ngày động đất, các bạn đếm được dư chấn lên đến khoảng 300 lần/ngày.

Có thể thấy chính trong hoàn cảnh này, chỉ là một lời thăm hỏi động viên thôi cũng giúp cho những Việt tại Đài Loan có thể vượt qua khó khăn và tiếp tục học tập, làm việc nơi đất khách.

LAO ĐỘNG VIỆT Ở NHẬT CHẬT VẬT MƯU SINH KHI ĐỒNG YEN MẤT GIÁ

Nhiều lao động Việt Nam sang Nhật Bản chia sẻ đời sống khó khăn hơn khi sinh hoạt phí, tiền thuê ký túc xá, nhà trọ, thực phẩm tăng giá.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 3-2024, gần 6.300 người Việt sang Nhật làm việc. Dự kiến cả năm, con số này sẽ khoảng 23.300.

Đồng yen trượt dốc, cuộc sống chật vật

Anh Nguyễn Thế Tài, 24 tuổi, làm việc trong một công xưởng tại tỉnh Ibaraki, chia sẻ: "Khay trứng trước chỉ 200 yen giờ lên gấp đôi, 400 yen. Tôi phải tăng ca khá nhiều để có thêm thu nhập và xin chủ nhà giảm bớt tiền thuê. Từ khi đồng yen mất giá, tôi phải chắt bóp từng đồng, muốn mua cái áo mới hay đổi điện thoại thì xác định tháng đó không có tiền gửi về nhà".

Đồng yen rớt giá còn ảnh hưởng đến tâm lý của người Việt tại Nhật Bản, nhất là những người có gia đình.

Anh Nguyễn Gia Chiến, 29 tuổi, kỹ sư ngành sản xuất linh kiện ô tô tại tỉnh Osaka, cho biết thu nhập giảm gần một nửa do đồng yen rớt giá. Đặc biệt, nhiều loại thuế như tiêu dùng, thu nhập cá nhân tăng lên khiến cuộc sống chật vật hơn trước.

Chi phí quá cao buộc anh phải đưa vợ về Việt Nam sinh con. Hằng tháng, người chồng này vẫn trích một khoản tiền nhất định để phụ vợ nuôi con nhỏ. "Hai vợ chồng bàn bạc cố gắng vượt qua giai đoạn này, con lớn chút thì vợ đi làm trở lại. Cháu đi nhà trẻ thì chi tiêu đỡ khó khăn hơn", anh Chiến cho hay.

Trong khi đó, anh C.T.H., 46 tuổi, quản lý một nhà hàng sushi tại Tokyo, bày tỏ đồng yen giảm ảnh hưởng tới nhiều người song đây là cơ hội để cộng đồng người Việt san sẻ, hỗ trợ nhau.

"Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp hoặc hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu đóng bảo hiểm xã hội, còn lại đều là tự thân", anh H. bày tỏ.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhiều người Việt vẫn cố gắng bám trụ tại Nhật để kiếm thêm vốn hoặc đoàn tụ gia đình. Mọi người đều hy vọng thời gian tới đồng yen có thể lấy lại vị thế của mình để cuộc sống khấm khá hơn.

Vẫn muốn sang Nhật vì nhiều lý do

Trái ngược với lo ngại về đồng yen rớt giá, nhiều bạn trẻ vẫn nuôi quyết tâm xuất khẩu lao động sang Nhật Bản bởi cơ hội học hỏi, nâng cao ngoại ngữ, kỹ năng nghề và mức lương lao động hấp dẫn, nhiều chính sách đãi ngộ và hỗ trợ cho lao động Việt Nam như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Bạn Cao Xuân Quyết, 19 tuổi, quê Bắc Giang, chia sẻ dù lo lắng về đồng yen mất giá nhưng gia đình không có điều kiện, bản thân đã đóng tiền để đi Nhật nên vẫn chăm chỉ học ngoại ngữ để sang đó làm việc.

"Công ty đưa tôi sang Nhật có nói kiểu gì đồng yen cũng tăng trở lại nên không cần lo lắng nhưng tôi vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực", Quyết bày tỏ.

Có người nhà sinh sống và làm việc lâu năm bên Nhật, bạn Nguyễn Hồng Hạnh, 20 tuổi, quê Hà Nội, cho biết dù đồng yen rớt giá song thu nhập vẫn tốt hơn khi làm việc ở trong nước. "Chị gái cũng khuyên không cần lo lắng. Sang nước bạn tôi có cơ hội trải nghiệm văn hóa, tiếp xúc với nhiều người mới và tích lũy kinh nghiệm, vốn sống nhất định", Hạnh bộc bạch.

HÉ LỘ TỔ ẤM CỦA DANH CA PHƯƠNG HỒNG QUẾ TẠI MỸ

Phương Hồng Quế hiện đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn trẻ đẹp, đang sống cùng con trai tại một căn biệt thự rộng lớn ở California.

Mới đây, chương trình Người Việt hải ngoại đã lên sóng, với phần thăm nhà ca sĩ Phương Hồng Quế, từng được mệnh danh là "tivi chi bảo".

Phương Hồng Quế hiện đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn trẻ đẹp, đang sống cùng con trai tại một căn biệt thự rộng lớn ở California. Căn biệt thự có sân ngoài khá rộng và thoáng mát, sạch sẽ, bài trí ngăn nắp.

Căn biệt thự được thiết kế khá thông minh với giếng trời đặt ngay ở phòng khách để tận dụng ánh sáng tự nhiên.

Bà nói: "Tôi thích những gì sáng sủa. Ngày xưa tôi vừa bước vô căn nhà này đã thích cái giếng trời nên mới quyết định mua nó. Tôi mua cũng lâu lắm rồi. Năm 1991, tôi sang Mỹ định cư thì tới năm 1993 đã mua căn nhà này, đến giờ là hơn 30 năm rồi".

Trong phòng khách, Phương Hồng Quế đặt nhiều tượng Phật để tụng kinh mỗi tối. Ngoài ra, bà để rất nhiều đĩa CD, huy chương và đồ kỷ niệm của mình trong các tủ kính để lưu giữ lại quá khứ.

Trên trần phòng khách, Phương Hồng Quế trao một chiếc đèn chùm nhỏ. Bà nói: "Chiếc đèn này có nhiều kỷ niệm gắn bó với tôi lắm. Năm 1995 tôi đi hát bên Tiệp Khắc, thấy chiếc đèn này đẹp quá nên mua về, để trong vali kéo từ bên đó về tận đây. Chiếc đèn này kiểu cổ xưa, hơi cũ nhưng tôi lại thích. Tôi đi lưu diễn ở đâu cũng mua đồ mang về để lưu giữ kỷ niệm trong sự nghiệp đi hát".

Trong nhà, Phương Hồng Quế trồng khá nhiều cây và hoa, nhìn rất thoáng mát. Căn biệt thự có cửa sổ nhìn thẳng ra đường phố.

Tiếp đó, Phương Hồng Quế chia sẻ thêm về sự nghiệp: "Các ca sĩ ngày xưa như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Lệ Thu, Khánh Ly… đều là giọng hát thiên phú.

Hồi đó không có trường thanh nhạc để vào học, mỗi người chỉ có một người thầy là nhạc sĩ dạy hát, dạy nhạc cho. Các thầy chỉ dạy cho biết nhạc, đủ để cầm tờ nhạc nên đọc xướng âm rồi hát theo thôi chứ không có kỹ thuật hát hò gì nhiều, nên mọi cái đều tự nhiên.

Nhờ mỗi người đều có giọng ca thiên phú, lại hát tự nhiên nên cứ cất giọng lên là người ta biết ngay. Sau này, các em cũng hát hay nhưng được học hành bài bản, chuyên nghiệp hơn. Nhưng vì học hành trường lớp quá nên nhiều khi người nghe không thể nhận diện ra giọng của các em nữa vì bị ép vào trong một khuôn khổ quá.

CÔ GÁI BỈ RONG RUỔI KHẮP VIỆT NAM TÌM MẸ RUỘT

Clara Meyers (26 tuổi) vẫn đang trong những ngày rong ruổi ở Việt Nam tìm kiếm một phép màu - gặp lại gia đình ruột thịt. Không ít lần hy vọng rồi thất vọng nhưng cô gái Bỉ quyết không bỏ cuộc.

Hy vọng sau bài báo

Câu chuyện của Clara được đăng tải trên Báo Thanh Niên mới đây, qua bài viết Nàng Clara từ Bỉ đến TP.HCM tìm mẹ ruột sau 26 năm: 'Con về nhưng không thấy… mẹ', đã nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc.

Ngay sau đó, anh Timothée Rousselin (còn gọi là Tim) và vợ, chị Eley Nhung Rousselin, những ân nhân đã giúp đỡ cô gái người Bỉ gốc Việt tìm mẹ từ những ngày đầu tiên, đã nhận được nhiều thông tin mà độc giả cung cấp.

"Một người đàn ông ở Đồng Nai đã chủ động liên hệ với Clara, nói rằng ông ấy rất có thể là cha của cô ấy. Ông ấy cho biết câu chuyện của Clara cũng có nhiều chi tiết tương tự như câu chuyện của ông năm xưa. Lúc nhìn hình ông, vợ chồng mình và Clara thấy có nhiều điểm giống, nhất là phần môi, mũi", chị Eley Nhung kể lại.

Sau đó, người đàn ông đi từ Đồng Nai lên TP.HCM, cùng cô gái Bỉ xét nghiệm ADN tại một trung tâm tại Q.3. Mọi người ai cũng hồi hộp mong chờ kết quả, hy vọng đó sẽ là một tin mừng.

Tâm sự với phóng viên, Clara nói rằng cô về Việt Nam tìm gia đình ruột với những thông tin ít ỏi, bằng tên và tuổi của mẹ để lại mà cô không biết nó có chính xác hay không. Do đó, bất kỳ manh mối nào, dù là nhỏ nhất, cô cũng trân trọng và quyết làm sáng rõ để không đánh mất bất cứ cơ hội nào được đoàn tụ cùng tình thân máu mủ của mình.

Kết quả ADN thế nào?

Chiều ngày 3.4, chúng tôi cùng nhau theo dõi khoảnh khắc Clara mở kết quả xét nghiệm ADN với người đàn ông ở Đồng Nai. Cô gái Bỉ gốc Việt nói rằng thời điểm này, cô hồi hộp, không biết phải diễn tả nó như thế nào, chỉ mong hành trình tìm lại nguồn cội của mình sẽ kết thúc ở đây, khi cô thực sự đã tìm lại gia đình ruột.

Tuy nhiên, không như mong đợi, kết quả xét nghiệm cho thấy Clara và người đàn ông không có quan hệ huyết thống cha - con. Thoáng buồn, Clara đọc thật kỹ kết quả, hy vọng rằng mình đã nhìn nhầm.

Sau đó, cô gái gọi điện thông báo cho người đàn ông. Dù mọi chuyện diễn ra không như mong đợi, nhưng Clara vẫn gửi đến ông những lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe, hy vọng ông một ngày sẽ đoàn tụ cùng con gái ruột của mình.

Trong sự an ủi của anh Tim, chị Nhung và mọi người có mặt tại quán cà phê lúc đó, Clara đã không giấu được xúc động mà bật khóc nức nở. Chị Eley Nhung cũng không kiềm được nước mắt.

Trước đó, với thật nhiều hy vọng, Clara từng nghĩ tới những viễn cảnh tươi đẹp nhất, khi được cùng người thân, ruột thịt đoàn tụ cùng nhau, cùng đi du lịch, khám phá Việt Nam, nguồn cội của mình.

"Phép màu phía trước"

"Không sao! Tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình của mình, dù nó có gian nan và hy vọng mong manh như thế nào đi nữa. Tôi sẽ không bỏ cuộc, tôi tin phép màu đang đợi tôi ở phía trước", cô gái Bỉ xúc động chia sẻ.

Có lẽ, Clara khóc, không hẳn chỉ vì kết quả không như mong đợi, mà còn là vì xúc động trước tình cảm, những lời an ủi, động viên mà mọi người dành cho mình. Chính những sự giúp đỡ chân tình, nồng hậu của những người bạn cô quen biết tại Việt Nam, chính là điều để lại cho cô gái những ấn tượng sâu sắc nhất trong suốt khoảng thời gian tìm mẹ ở TP.HCM.

Bên cạnh hành trình tìm mẹ, những ngày qua, Clara cũng có khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình anh Tim và chị Eley Nhung. Các con nhỏ của anh chị cũng yêu mến và gắn bó với cô Clara.

Cô gái Bỉ về Việt Nam tìm mẹ, nhưng hành trình của Clara không đơn độc. Dẫu chưa tìm thấy được gia đình, nhưng Clara đã tìm thấy được những tình bạn đặc biệt ở đất nước quê hương mình. Điều đó đã tiếp tục tiếp thêm cho chị sức mạnh, niềm tin bước tiếp trên hành trình phía trước.

Liệu, phép màu có đang đợi Clara trên con đường sắp tới?

Nguồn: Báo Tin Tức; Tuổi Trẻ; Soha; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang