Người Việt hải ngoại: Tìm sứ giả tiếng Việt; Cộng đồng ở Malaysia hướng về tổ tiên; Nam Mc tại Mỹ bị chơi xấu, ghen tị

PHÁT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH TÌM SỨ GIẢ TIẾNG VIỆT TẠI NHẬT

Sáng 13/4, Tổng lãnh sự quán (TLSQ) Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản tổ chức Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt và cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024 tại khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản.

Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của khoảng 120 đại biểu. Tham dự tại đầu cầu Việt Nam có ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).

Đầu cầu Nhật Bản có sự tham dự của bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản cùng đại diện lãnh đạo Hội người Việt Nam tại các tỉnh Fukuoka, Kitakyushu, Kumamoto, Nagasaki, Okinawa và Hội người Việt Nam tại khu vực Trung Nam Nhật Bản, phụ huynh và các cháu lớp tiếng Việt tại Fukuoka.

Với hơn 110.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại các tỉnh khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt cho thế hệ trẻ em thứ hai, thứ ba, là người Việt hoặc gốc Việt là một việc làm có ý nghĩa quan trọng, hết sức thiết thực và nhân văn.

Trên tinh thần đó, chương trình Lễ phát động và cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt là hai sự kiện khởi đầu trong chuỗi hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, gia đình và các cá nhân chung tay lan tỏa tiếng Việt và văn hoá dân tộc trong cộng đồng người Việt tại khu vực trong năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TLSQ, góp phần thực hiện thành công Kết luận 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới và Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022. Đây cũng là một hoạt động hết sức có ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt Nam trong khu vực Kyushu-Okinawa và Trung Nam Nhật Bản.

Năm 2023, TLSQ đã phối hợp với các hội đoàn tổ chức thành công nhiều hoạt động thiết thực góp phần phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.

Năm nay, TLSQ sẽ phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn tiếp tục mở các lớp học tiếng Việt, lớp đào tạo giảng viên dạy tiếng Việt; xây dựng Tủ sách tiếng Việt tại các địa phương khác trong khu vực Kyushu và Trung Nam Nhật Bản; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin với nhiều hình thức phong phú đến cộng đồng người Việt Nam ở khu vực về Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt cũng như các hoạt động dạy và học tiếng Việt; đặc biệt, triển khai có hiệu quả cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông đánh giá cao sự chủ động và tích cực của TLSQ và cộng đồng người Việt Nam khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản trong việc hưởng ứng Đề án Tôn vinh tiếng Việt; biểu dương TLSQ và cộng đồng người Việt trong khu vực đã có nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa, giúp bạn bè Nhật Bản nói riêng và cộng đồng quốc tế đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản nói chung hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Đông mong muốn sau Lễ phát động hôm nay, các hội đoàn tại Nhật Bản nói chung và các hội đoàn trong khu vực sẽ tích cực hưởng ứng và có nhiều hoạt động thiết thực lan tỏa trong cộng đồng.

Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng ghi nhận và giải đáp nhiều kiến nghị, đề xuất của đại diện các hội đoàn trong việc xây dựng và tổ chức lớp học tiếng Việt tại các địa phương ở Nhật Bản sao cho hiệu quả và chất lượng.

Tại Lễ phát động, TLSQ và các hội đoàn đã nhất trí thành lập Ban điều phối chương trình dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho trẻ em người Việt tại khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản.

Một hoạt động ngay trong tháng 5 này là tổ chức lớp bồi dưỡng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trong hai ngày dành cho giáo viên không chuyên và các phụ huynh về phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em.

Các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong cộng đồng đã hứa góp sức cùng các hội đoàn tổ chức và duy trì hoạt động của các lớp tiếng Việt thời gian tới.

Đây là hoạt động tiếp nối, hưởng ứng Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt mà Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức tại Tokyo ngày 6/4 vừa qua.

HỘI ĐỒNG HƯƠNG TẠI MALAYSIA HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tối 13/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam đã tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương theo nghi lễ truyền thống.

Trước bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương, ông Nguyễn Quốc Hoàng – Phó chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam đã chủ trì Lễ tế và dâng hương. Trong thời khắc thiêng liêng, ông Nguyễn Quốc Hoàng đọc bài tế tri ân công đức tổ tiên đã có công dựng nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc. Đại sứ Đinh Ngọc Linh cùng toàn thể cán bộ nhân viên sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam, đại diện kiều bào tại địa bàn và cộng đồng người Chăm đã cử hành các nghi lễ trọng thể, dâng hương, hoa, thành kính tri ân công đức các vị liệt tổ, liệt tông.

Trước đó, phát biểu với bà con cộng đồng, Đại sứ Đinh Ngọc Linh đã nêu bật ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Vua Hùng, đồng thời nhấn mạnh đây là hoạt động rất có ý nghĩa, quy tụ tinh thần và giá trị của 100 triệu người Việt ở trong nước và khoảng 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài, thể hiện tinh thần dựng nước và giữ nước. Trích dẫn câu thơ: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, Đại sứ nhấn mạnh việc tổ chức ngày Giỗ tổ trở thành dịp thể hiện tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, giúp bà con cộng đồng hiểu thêm về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tăng cường đoàn kết, truyền lửa cho thế hệ trẻ cùng hướng về quê hương, đất nước. Giỗ tổ cũng là dịp để người Việt hun đúc tinh thần dân tộc, vượt qua thử thách và vươn lên, khẳng định vị thế con người Việt Nam.

Dẫn lại lời căn dặn của Bác Hồ, các Vua Hùng đã có công dựng nước; Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước, Đại sứ Đinh Ngọc Linh cho rằng từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nên nhà nước đầu tiên trong lịch sử, là tổ tiên chung của toàn dân tộc.

Cũng tại buổi lễ, bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, bà con kiều bào Việt Nam tại Malaysia luôn hướng về quê hương nguồn cội. Việc tổ chức ngày Giỗ tổ trở thành dịp thể hiện tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, giúp bà con cộng đồng hiểu thêm về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tăng cường đoàn kết, truyền lửa cho thế hệ trẻ cùng hướng về quê hương, đất nước.

Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia trình chiếu bộ phim tư liệu về Trường Sa và phát động lễ quên góp vì Trường Sa Xanh. Thay mặt Đại sứ quán, Đại sứ Đinh Ngọc Linh đã trao số tiền quyên góp hơn 16.000 ringgit (hơn 80 triệu đồng) cho bà Trần Thị Chang, người sẽ thay mặt cộng đồng người Việt tại Malaysia, có chuyến thăm đảo trong thời gian tới với mong muốn tạo những “nang phổi” cung cấp oxy bảo vệ sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ trong quá trình phục vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển đảo của quê hương. Một số cháu nhỏ, học sinh, sinh viên Việt Nam cũng tham gia quyên góp như cháu Lưu An gửi tặng các chiến sỹ cây đàn Ukulele.

Không giấu nổi sự xúc động trong buổi lễ, cô giáo Nguyễn Thị Liên, chủ nhiệm lớp tiếng Việt tại Malaysia bày tỏ niềm vui và vinh dự khi được tham dự các nghi lễ thiêng liêng hướng về cội nguồn tổ tông ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương là nét sinh hoạt tín ngưỡng rất lâu đời của người dân Việt Nam, là sợi dây văn hóa vô hình kết nối mọi người dân Việt Nam trên toàn thế giới hướng về cội nguồn dân tộc.

Vượt hơn 400 km từ bang Johor đến Đại sứ quán tham dự lễ giỗ tổ, không giấu được vẻ xúc động, sau buổi lễ chị Nguyễn Thu Quỳnh đã chia sẻ, buổi lễ trang trọng và xúc động làm chị có cảm giác được trở về nhà và chị luôn khắc sâu trong tâm trí những bài học lịch sử có ý nghĩa về nguồn cội.

Trong không khí trang trọng và đầm ấm tình đồng bào, các đại biểu đã cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các thành viên của Hiệp hội hữu nghị biểu diễn, gợi lại không khí hào hùng với tiết mục múa Dòng máu Lạc hồng, Sen vọng ánh trăng và các bài hát ca ngợi quê hương đất nước, tiết mục biểu diễn đàn bầu và Saxophone của thế hệ thứ hai của kiều bào tại địa bàn... và chung vui bữa cơm thân mật với những món ăn đậm vị quê hương.

NAM MC SANG MỸ ĐỊNH CƯ: TỪ LÀM NAIL TỚI LÁI TAXI RỒI BỊ GHEN TỊ, CHƠI XẤU

Làm được một thời gian, Thiên Minh có được nhiều khách sộp nên bị đồng nghiệp ghen tị, kiếm chuyện và chơi xấu.

Đang làm MC ở Việt Nam, sang Mỹ phải lái taxi và bị lừa

MC Thiên Minh từng được biết đến là một trong những MC có tiếng tại miền Tây. Tuy nhiên, anh đã sang Mỹ định cư theo vợ. Những ngày đầu sang Mỹ với Thiên Minh vô cùng khó khăn vì anh vốn quen với nhịp sống nhộn nhịp, đông đúc và có nhiều bạn bè ở Việt Nam.

Nam MC chia sẻ, ở Việt Nam anh làm công việc MC kiếm rất khá vì có show nọ show kia, nhưng sang Mỹ, anh gần như không có show nào, không thể kiếm sống bằng nghề MC nên buộc phải làm những công việc khác.

Dù rất yêu thương vợ, nhưng trong thời gian đầu qua Mỹ, MC Thiên Minh cãi cọ với vợ khá nhiều vì va chạm vấn đề kinh tế, cơm áo gạo tiền. Lúc đó, Thiên Minh không có việc làm nên một mình vợ anh phải đi làm gánh hết kinh tế cho gia đình, sáng đi làm, tối về chăm con, tới tháng phải chịu tiền nhà. Thiên Minh thương vợ nhưng lại có cái tôi lớn của nghệ sĩ nên nảy sinh cãi vã.

Sau một hồi suy nghĩ, Thiên Minh quyết định đi học làm nail vì đó là cách nhanh nhất để sớm được đi làm có tiền. Anh còn học bằng lái xe để sớm đi lại làm việc được.

Chỉ mất hai tháng, Thiên Minh đã có bằng lái xe. Một số người quen thấy thế liền giới thiệu anh đi làm nghề lái taxi, chở người già, trẻ nhỏ đi học, đi khám bệnh. Ngày đầu tiên làm việc, anh nhận được cú gọi chở ra sân bay. Khi ấy, dù không biết sân bay ở đâu nhưng vì miếng cơm manh áo nên Thiên Minh vẫn liều mình nhận lời và được trả 60 đô.

Nam MC tâm sự, anh phải dậy từ 5 giờ sáng để đi đón khách. Tới sân bay, anh loạn hết đầu óc vì có quá nhiều đường, cổng nhưng rồi cũng xử lý được.

Trong quá trình làm nghề taxi, Thiên Minh nhiều lần bị lừa vì không nắm được giá cả cụ thể. Có lần, Thiên Minh nhận chở khách với quãng đường rất xa trong một tháng trời mà chỉ được trả có 30 đô. Anh cay đắng vì bị bóc lột sức lao động, còn bị khách nhờ xách đồ, khuân vác. Nhưng vì đồng tiền và muốn được ra ngoài đi làm, không muốn ở nhà nên Thiên Minh vẫn cắn răng chịu đựng.

Vì không có tiền nên Thiên Minh phải mua xe cũ của người bạn với giá 1500 đô. Anh phải đi xe đò lên Las Vegas lấy xe rồi tự lái về Cali. Đến giờ, dù không còn làm nghề lái taxi nữa nhưng Thiên Minh vẫn giữ chiếc xe đó để thi thoảng ai mượn thì cho mượn, ai nhờ thì chở đi.

Đi làm nail và bị đồng nghiệp kiếm chuyện

Sau đó, Thiên Minh thi đỗ bằng nail và bỏ nghề lái taxi để xin đi làm nail.

Nhưng vì tay nghề mới, còn yếu nên Thiên Minh phải mất một thời gian mới xin được việc và nhận việc rồi cũng không được giao khách cho làm. Anh ngồi từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối mới kiếm được 75 đô.

Làm được một thời gian, Thiên Minh có được nhiều khách sộp nên bị đồng nghiệp ghen tị, kiếm chuyện và chơi xấu. Thậm chí, có lần Thiên Minh còn bị chủ chửi mắng rồi bị đồn đại, chịu điều tiếng không hay. Không chịu nổi, Thiên Minh phải nghỉ việc.

Thiên Minh chia sẻ, vợ anh muốn anh đi làm thuê ở các công ty, nhưng anh không chịu vì có tính nghệ sĩ nên không thích làm công việc gò bó thời gian.

Nguồn: VTV4; Báo Tin Tức; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang