Người Việt hải ngoại: Tết xóm ở Nhật; Đón Tết an toàn ở Israel; Nhận giải thành tựu trọn đời ở Mỹ; Tỏa hương trên đất Pháp

Tết xóm người Việt ở Nhật: Nhảy sạp tưng bừng, ứa nước mắt nghe bài hát quê

Khu vực Kasai, quận Edogawa là nơi có đông người Việt nhất thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, vào ngày mùng 2, khoảng 30 gia đình đã tổ chức Tết cho “những cánh chim xa xứ”.

Tổ chức Tết cùng cộng đồng xa xứ

Chị Phương Nga (44 tuổi, Nhật Bản) trải qua 22 năm du học và làm việc tại Nhật Bản. Hiện chị công tác tại một công ty IT Việt Nam có văn phòng ở Tokyo.

Sống 22 năm ở Nhật, chị Nga chỉ có một lần duy nhất về Việt Nam ăn tết Nguyên đán. Những năm còn lại, chị không về được do dịp Tết trùng vào thời gian đi học, làm việc ở Nhật.

Chị Nga đang sinh sống ở khu vực Kasai, quận Edogawa. Đây là một trong những nơi có đông người Việt sinh sống nhất tại Tokyo.

Xóm Kasai là cách gọi thân quen mà người Việt Nam sống tại đây thường dùng mỗi khi nhắc đến cộng đồng. Đúng với cách sống ở thôn xóm, cư dân xóm Kasai sinh hoạt, giao lưu rất thân thiện, đoàn kết.

Ban đầu, các gia đình người Việt trong xóm Kasai giao lưu với nhau theo từng nhóm nhỏ. Về sau, thông qua các hoạt động như giải chạy marathon, vui tết Trung thu, mừng Giáng sinh… nhiều gia đình có cơ hội kết nối, hình thành nên cộng đồng lớn mạnh.

Trong cộng đồng này, các gia đình có trẻ em ở độ tuổi đi học chiếm phần lớn. Nhiều phụ huynh ý thức việc giữ gìn văn hóa Việt cho thế hệ kế cận. Trong xóm, không ít gia đình duy trì hoạt động đọc truyện tiếng Việt, thậm chí, có người còn đóng vai trò giáo viên, mở lớp dạy tiếng Việt cho các bé. Đây là cách mà bố mẹ nhắc nhở các con không quên tiếng nói dân tộc.

Nỗ lực truyền tải văn hóa Việt của phụ huynh xóm Kasai khiến chị Nga rất đỗi tự hào. Tiếp nối nỗ lực đó, ngay từ đầu tháng 1/2024, chị Nga và một số người bạn đã đề xuất tổ chức Tết cộng đồng cho người Việt ở Kasai. Ý kiến của chị được các gia đình hưởng ứng nhiệt tình trong đó có gia đình anh Tú và chị Thu Vân.

Chị Nga chia sẻ: “Gia đình tôi có một bé trong độ tuổi mẫu giáo. Bởi vậy, tôi luôn tâm niệm cần phải tạo cơ hội, không gian cho các cháu được trải nghiệm văn hóa Việt. Trong đó, việc giao lưu văn hóa, nói tiếng Việt trong các dịp đặc biệt như tết Nguyên đán là rất cần thiết.

Đồng thời, thông qua hoạt động vui Tết cổ truyền, chúng tôi muốn người Việt xa quê hiểu họ không hề đơn độc trên xứ người”.

Gia đình chị Nga sinh sống ở khu vực Kasai được hơn chục năm, nên khá thông thuộc địa bàn. Vì vậy, các chị em ở xóm thường tin cậy, giao phó nhiệm vụ “hô hào” cho chị Nga.

Sau khi thống nhất kế hoạch tổ chức và tổng hợp số lượng người tham gia, nhóm tổ chức chia thành nhiều ban nhỏ, nhận các nhiệm vụ khác nhau.

Bộ phận phụ trách trang trí sân khấu đã tự làm mô hình bánh chưng, tràng pháo, chuẩn bị mâm ngũ quả, quà tặng lì xì cho các bé… Nhóm nhận nhiệm vụ lo phần tiệc nhẹ cũng cố gắng chăm chút từng đĩa bánh kẹo, mứt Tết… Phần hình ảnh, âm nhạc vô cùng chỉn chu.

“Tuy là nghiệp dư nhưng các chị em đều thực hiện mọi việc rất trách nhiệm, phối hợp cực kỳ ăn ý”, chị Nga tự hào.

Do khó khăn trong việc thuê địa điểm nên chương trình vui Tết phải tổ chức vào chiều mùng 2 Tết, tức ngày 11/02/2024.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của gần 100 người, bao gồm người lớn và các bé nhỏ xúng xính trong bộ áo dài truyền thống khiến hội trường thật náo nhiệt, không khác gì ngày mùng 1.

“Tết này con sẽ về”

Chị Thu Vân cùng gia đình sống ở Nhật hơn 10 năm. Lần gần nhất cả nhà chị về Việt Nam ăn Tết là năm 2016. Với ngần ấy năm xa xứ, chị Vân thấm nỗi nhớ nhà, nhớ quê vào mỗi dịp Tết cổ truyền. Vì vậy, chị hưởng ứng ngay lập tức khi chị Nga đưa ý kiến tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt ở Kasai.

Kịch bản chương trình văn nghệ Tết đã được đưa ra nhanh chóng và phong phú với nhiều tiết mục đăng ký, từ đơn ca, song ca đến đồng ca…

Chị Thu Vân cho biết: “Ở Kasai, các bé có thể giao tiếp tiếng Việt từ cơ bản đến thành thạo. Vì vậy, ban tổ chức khuyến khích các bé lựa chọn những bài hát tiếng Việt để biểu diễn. Điều này một lần nữa nhắc nhở người Việt xa quê giữ gìn tiếng nói, cội nguồn dân tộc”.

Ngày Tết ở Kasai, không chỉ các bé hồn nhiên hát "Xúc xắc xúc xẻ", "Con cò bé bé" mà phụ huynh cũng gửi gắm tình cảm vào các ca khúc "Đoản xuân ca", "Tết bình an"…

Nhiều bài hát chạm đến trái tim của người nghe, trong đó cháu Gia Bách (16 tuổi, con trai chị Vân) thể hiện ca khúc "Tết này con sẽ về" khiến hội trường xúc động, có người rơi nước mắt.

Ngoài các tiết mục văn nghệ, chương trình còn có phần "Kể chuyện về ngày Tết". Chị Vân lựa chọn cuốn sách “Thế mới là Tết” do Nhã Nam và NXB Hà Nội phát hành, thể hiện dưới hình thức pop-up giúp trẻ háo hức khám phá Tết.

Các bé chăm chú lắng nghe, hình dung về Tết quê qua sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai, màu xanh của lá dong gói bánh chưng...

Đến tiết mục lì xì, các bé ngoan ngoãn xếp hàng, cảm ơn thật to khi được trao phong bao đỏ thắm.

Đặc biệt, để chương trình mang đậm chất Tết, nhóm các bố đã cất công đi tìm những cây tre dài, bọc màu cẩn thận để dựng trò nhảy sạp. Ở Nhật, loại tre cỡ dài khá hiếm, khó tìm. Thế nên, màn múa sạp vừa khiến mọi người hào hứng vừa khâm phục sự dày công của ban tổ chức.

Điều mà các gia đình chung sức tổ chức Tết ở Kasai tâm đắc nhất là tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm của các cháu nhỏ. Từ các hoạt động vui chơi, bố mẹ ở xóm Kasai khéo léo nhắc nhở các con, dù sống ở bất cứ nơi đâu, đã là người Việt thì phải nhớ về Tết sum vầy.

Người Việt ở Israel đón tết: Trầm lắng và đặt an toàn lên hàng đầu

Năm 2023, nhiều người Việt ở Israel trải qua khoảng thời gian ám ảnh, nghe tiếng roket liên tục do xung đột. Tết Nguyên đán đến, họ không ngừng hy vọng xung đột sớm chấm dứt để có cuộc sống yên bình.

Với nhiều người Việt ở Israel, một năm qua họ từng trải qua những khoảnh khắc không thể nào quên bởi xung đột Hamas – Israel. Cầm tay con chạy trốn ra khỏi nhà, rời dải Gaza đi đến chỗ ở mới, chuẩn bị tinh thần vào hầm trú ẩn bất cứ lúc nào… là những gì người Việt trải qua trong năm có sự xung đột về chính trị.

Tất bật với công việc nhưng nhiều người vẫn dành thời gian chia sẻ với Thanh Niên chia sẻ cảm xúc khi nhìn lại một năm qua và dự định năm mới ở nơi xa.

Hạn chế tụ tập

Chị Kim Golbari (quê Đồng Nai) sống và làm việc ở TP.Tel Aviv, Israel 14 năm nay. Chị cho biết, những năm trước, cộng đồng người Việt thường tập trung ở trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để đón tết. Tuy nhiên, năm nay các hoạt động đón tết vào tháng 3, khi giai đoạn bầu cử người đứng đầu các thành phố kết thúc. Thời điểm đó, tình hình an ninh sẽ an toàn hơn so với thời điểm đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

"Dịp Tết Giáp Thìn chắc chỉ có bạn bè gặp nhau rồi tranh thủ đi thăm người lớn tuổi và không tổ chức các hoạt động lớn. Tình hình xung đột vẫn diễn ra nên mọi người chủ trương không tổ chức đón tết, ăn uống linh đình", chị chia sẻ.

Cũng theo chị Kim, không khí đón tết năm nay trầm buồn hơn so với các năm trước. Khi xung đột chưa xảy ra căng thẳng, mọi người có cơ hội gặp gỡ, tổ chức văn nghệ chào mừng năm mới. Vì tổ chức thời gian trễ, chị băn khoăn không khí tết sẽ trầm buồn, không rộn ràng.

"Tôi cũng không đi chơi hay đến thăm những người ở xa vì tình hình an ninh chưa an toàn tuyệt đối. Ai cũng có chủ trương không tụ tập đông người. Khu vực tôi sống tương đối an toàn nhưng cũng không dám tổ chức đón tết cho cả cộng đồng vì nếu có chuyện gì xảy ra không thể chịu trách nhiệm được", người phụ nữ bày tỏ.

Chồng chị Kim là người Do Thái. 14 năm qua, chị thường xuyên giới thiệu những phong tục tốt đẹp của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán để anh biết rõ.

Nhớ lại khoảnh khắc bế con chạy đi lánh nạn, chị có chút đượm buồn. Chị không nghĩ sẽ có ngày xung đột diễn ra căng thẳng như vậy. Đã có lúc chị thấy lung lay về tình cảm giữa con người với con người nhưng bản thân cũng đã chiêm nghiệm ra gia đình được quây quần bên nhau là một niềm hạnh phúc to lớn. Tết Nguyên đán đến gần, chị ước mơ cho gia đình và người dân xung quanh được sống trong hòa bình.

"Tôi luôn vun vén hạnh phúc, cố gắng sống tốt từng ngày. Chứng kiến xung đột diễn ra căng thẳng, tôi nghĩ con người không cần sân si vì không biết cuộc sống sẽ diễn ra như thế nào. Mỗi lần nghĩ lại cảnh ôm con chạy xuống cầu thang, tôi không khỏi rùng mình vì không biết rocket có rơi trúng hai mẹ con hay không", chị xúc động.

Cố gắng nấu món ăn truyền thống

Anh Lê Văn Quốc (25 tuổi, quê Quảng Nam) sang Israel thực tập được gần 6 tháng, hiện đang ở vùng Arava. Những ngày cuối năm, chàng trai không khỏi chạnh lòng nghĩ đến cảnh sẽ đón tết xa nhà. Đến nay, tình hình xung đột đã không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của anh, khu vực gần Dải Gaza vẫn còn bắn tên lửa nhưng không nhiều.

Khu vực anh sống đã bình yên, mọi hoạt động chuẩn bị đón tết diễn ra bình thường. Đoàn sinh viên ở khu vực miền nam có khoảng 80 người sẽ tổ chức đón tết tại một địa điểm, có đại diện trường và Đại sứ quán tham gia.

"Đoàn sinh viên ở miền bắc Israel có gần 100 người mới qua được khoảng một tháng. Mọi người đã chuẩn bị tâm lý trước khi bay nên nghe tiếng tên lửa bắn vẫn bình thường, không có gì lo lắng. Ngay đêm giao thừa Tết dương lịch, họ đón năm mới bằng việc nghe 10 quả tên lửa bắn", anh chia sẻ.

Những thực tập sinh như anh Quốc dự định sẽ làm bánh chưng, bánh tét và các món ăn truyền thống để đón tết. Hiện, quân đội cũng không còn canh gác trước cửa nhà, không còn lo lắng như những ngày đầu xảy ra xung đột.

Trước ngày 12.10.2023, chị Thùy Dung cùng một số ít người Việt khác ở TP.Sderot. Đây là khu vực gần Dải Gaza, nơi có rủi ro cao trong xung đột giữa Hamas và Israel. Sau đó không lâu, chị phải di chuyển xuống TP.Kiryat Malakhi để đảm bảo an toàn.

"Chúng tôi được biết vì tình hình chính trị chưa ổn định nên Tết Nguyên đán của người Việt ở Israel sẽ tổ chức vào tháng 3. Tuy nhiên, mọi người sẽ xin nghỉ vào ngày 30, mùng 1 tết để cùng nhau đón giao thừa", chị nói.

Cũng theo chị Dung, nhiều lúc chị không khỏi rùng mình khi nghĩ lại khoảng thời gian phải đi lánh nạn nhưng điều đó cũng giúp bản thân mạnh mẽ hơn khi ở đất khách quê người.

"Chúng tôi có mua được ít thịt heo do người Thái bán nên sẽ nấu các món truyền thống của Việt Nam dịp tết cổ truyền. Hy vọng sang năm mới bản thân và gia đình luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc", cô gái bày tỏ.

Chuyên gia thần kinh học người Việt tại Mỹ nhận giải Thành tựu trọn đời IAPRD

Theo thông tin từ IAPRD (Hiệp hội Parkinson quốc tế và những bệnh liên quan), Giải thưởng Thành tựu trọn đời IAPRD 2024 sẽ được trao vào ngày 19/5 tới cho bác sĩ Daniel Trương - người Việt ở Mỹ - một chuyên gia thần kinh học nổi tiếng.

Bác sĩ Daniel Trương tốt nghiệp Đại học Ludwig Albert ở Freiburg, Đức. Ông đã được chứng nhận về cả thần kinh học và tâm thần học (Đức) trước khi chuyển đến Mỹ, nơi ông hoàn thành khóa đào tạo về thần kinh học tại Đại học Y khoa Nam Carolina. Sau đó bác sĩ Trương đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh 3 năm tại Đại học Columbia, New York và Bệnh viện Thần kinh Quốc gia tại Queen Square, London, Vương quốc Anh, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Stanley Fahn và David Marsden.

Bác sĩ Trương thành lập chương trình Bệnh Parkinson và Rối loạn Vận động tại Đại học California, Irvine và rời đi vào năm 1997 để thành lập Viện Parkinson và Rối loạn Vận động gần đó. Ông đã phát triển mô hình rung giật cơ trên động vật, được sử dụng để thử nghiệm các loại thuốc chống rung giật cơ. Bác sĩ Trương là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về độc tố botulinum trước khi được các công ty dược phẩm phát triển, tham gia vào việc sử dụng sớm chất này trong chứng khó phát âm co thắt và phát triển các chất mới khác. Cùng với các bệnh nhân loạn trương lực cơ, bác sĩ Trương đã thành lập Hội Chứng khó phát âm co thắt quốc gia.

Bác sĩ Trương đã xuất bản hơn 200 ấn phẩm khoa học và chương sách và 6 cuốn sách. Cuốn sách về độc tố botulinum của ông đã trở thành tựa sách y học bán chạy nhất của Nhà xuất bản Đại học Cambridge và hiện đã được tái bản lần thứ ba. Ông là Phó Tổng biên tập của Tạp chí Khoa học Thần kinh Thế giới và Chủ biên sáng lập của Tạp chí Bệnh Parkinson lâm sàng và các rối loạn liên quan, đồng thời phục vụ trong ban biên tập của nhiều tạp chí thần kinh.

Bác sĩ Daniel Trương là Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Bệnh Parkinson và các Rối loạn Liên quan (IAPRD) từ năm 2015 đến năm 2023, nơi ông lãnh đạo việc thành lập tổ chức này tại Mỹ và định hướng cơ cấu hiện tại. Trong thời gian làm việc tại IAPRD, Tiến sĩ Trương được biết đến với sự tiên phong tiếp cận các nước đang phát triển và cũng có nhiều hoạt động kết nối tại quê hương Việt Nam. Gây quỹ từ nhiều nguồn khác nhau với sự hỗ trợ của vợ ông, Daniel Trương, thông qua quỹ riêng của bà, IAPRD đã vươn tới những nơi xa trên thế giới gồm Kazakhstan, Uzbekistan và Mông Cổ. Bác sĩ Trương cũng thành lập Nhóm Nghiên cứu Tardive bao gồm các nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần quan tâm đến chứng rối loạn vận động muộn, đã được đưa vào IAPRD trong 3 năm qua. Bác sĩ Trương đã phục vụ trong nhiều ủy ban khác nhau của IAPRD, Học viện Thần kinh học Mỹ và Liên đoàn Thần kinh học Thế giới. Ông đã giảng dạy ở hơn 25 quốc gia, chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Hiệp hội Parkinson quốc tế và những bệnh liên quan IAPRD là một Hiệp hội thiện nguyện quốc tế dành cho những chuyên gia thần kinh về bệnh parkinson và rối loạn vận động. Hơn 50 năm trước, Hiệp hội được thành lập bởi Liên đoàn Thần kinh học thế giới, nhưng hiện nay đây là một hiệp hội hoạt động độc lập của các bác sĩ, các nhà khoa học và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác – liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, điều trị về rối loạn thoái hóa thần kinh (như bệnh Parkinson, rối loạn vận động và nói chung bất kỳ rối loạn thần kinh nào ảnh hưởng đến trương lực.

Toả hương trên đất Pháp

Người Việt có mặt ở Pháp từ đầu thế chiến thứ nhất. Đầu thế chiến thứ nhất, lần đầu tiên Pháp mộ hơn 100.000 lính thợ và thế chiến thứ 2, những năm 1939-1940, tuyển 20.000 người. Tất cả chủ yếu gốc nông dân nghèo. Nhiều người sau đó đã thành công trong nhiều lĩnh vực…

Nông nghiệp: Gần 500 nông dân Việt làm nên vựa lúa Pháp…

Nông nghiệp Pháp chủ yếu trồng nho, ngũ cốc, và rau củ. Ít ai ngờ Pháp cũng là nơi cung cấp gạo đi khắp châu Âu. Vựa lúa Camargue nổi tiếng. Khu này nay có bảo tàng lúa và tổ chức lễ hội lúa hàng năm thu hút khách du lịch. Đó chính nhờ vào kinh nghiệm trồng lúa nước và sự cần cù của những người nông dân Việt sang cứu đói cho Pháp năm 1939-1940. Trước kia nơi đây là một vùng đất nước lợ bỏ hoang không canh tác. Người Pháp đã thất bại khi thử trồng nho, lúa mạch. Pháp đã điều động đội quân gần 500 nông dân Việt đến đây.

Dù khổ cực, bất đồng ngôn ngữ, sống trong điều kiện thiếu thốn, xa quê hương, những anh "Hai lúa" ngày đêm chăm lo biến vùng nước lợ thành một vùng lúa xanh bát ngát. Hơn 30 năm sau, nhà báo Pierre Daum đã phanh phui sự thật về sự bóc lột và quên công lao của những người nông dân ấy. Sau vụ báo chí Pháp đưa tin, họa sĩ Lê Bá Đảng - cũng là một người lính thợ - đã được mời đến làm tượng đài kỷ niệm những người Việt lao động nơi đây.

Nghệ thuật

Người Việt ra nước ngoài sinh sống cũng phải bươn chải, và vấp phải rào cản ngôn ngữ. Hội họa và âm nhạc không bị vấn đề ngôn ngữ những để được đào tạo bài bản và thành tài không đơn giản. Ở đất Pháp, nơi bao nhiêu người tài giỏi tụ hội, nhất là Paris - thành phố ánh sáng, để tỏa sáng và được giới hội họa âm nhạc thừa nhận rất khó.

Họa sĩ Lê Bá Đảng từ một người đi lính thợ sang Pháp năm 1939-1940, vật lộn kế sinh nhai ban đầu, tự học, đã trở thành họa sĩ có tên tuổi.

Mai Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lưu nhưng họa sĩ học từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, qua Pháp vẫn tiếp tục hành nghề. Ngày nay tranh của Mai Thứ, Lê Phổ vẽ tại Pháp với những thiếu nữ Việt Nam, đồng quê… thu hút được giới chơi tranh, có bức bán đấu giá lên gần triệu euro.

Tranh Mai Thứ còn được phóng to in, đưa trưng bày ở trước ga Lyon ở thủ đô Paris - nơi tấp nập người qua lại và TP.Macron - nơi ông từng sống - đã vinh danh ông.

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920-2002), người gốc Huế thành danh trên đất Pháp, từng tốt nghiệp nha khoa ở Pháp, nhưng điêu khắc đã cuốn hút bà. Tên bà được ghi nhận trong từ điển Larousse. Trước khi mất bà đã tặng toàn bộ tác phẩm cho TP.Huế nơi bà sinh ra.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (1940-2015), người Pháp gốc Việt thuộc dòng Nhạc đương đại. 13 tuổi, ông qua Pháp học nhạc. Ông trở thành một nhạc sĩ và một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ông được ghi danh vào từ điển Le Petit Larousse (1982), Le Petit Robert (1995) là 2 cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp. Ông được vinh danh là "Nhạc sĩ tài năng, tác giả của dòng nhạc hợp lưu Đông - Tây vô cùng độc đáo". Năm 1983, ông đoạt Giải thưởng "André Caplet" của Hàn lâm viên Mỹ thuật Pháp cho toàn bộ tác phẩm của mình, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cống hiến năm 1984. Năm 1995, ông được trao giải thưởng Gian Carlo Menoti.

Trong giới nhạc, mọi người ở Pháp, Việt Nam và nhiều nước đều biết đến nhạc sĩ Trần Văn Khê (1921-2015), một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Việt Nam nổi tiếng. Ông từng tham gia giảng dạy tại Đại học Sorbonne, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc quốc tế, UNESCO. Ông có công trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đội ngũ khoa học

Người Pháp gốc Việt đã góp công góp sức rất nhiều trong lĩnh vực y tế Pháp, đội ngũ bác sĩ, dược sĩ gốc Việt rất đông đảo ở Pháp và được tín nhiệm.

Đinh Xuân Anh Tuấn (SN 1958) - bác sĩ đã đoạt nhiều giải về y học từng phụ trách khoa phục hồi chức năng ở bệnh viện Cochin Paris và tham gia giảng dạy ở một số trường đại học y. Ông đoạt nhiều giải thưởng: 1990 - Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ, Giải thưởng thường niên của Trường Cao đẳng Angiology Mỹ, Atlanta, Mỹ; 1997 - Giải thưởng Nghiên cứu lâm sàng, Quỹ Nghiên cứu y học, Paris, Pháp ; 2000 - Giải thưởng Khoa học y khoa xuất sắc, Quỹ Nghiên cứu y khoa người Mỹ gốc Việt, Los Angeles, Mỹ.

Cũng phải kể đội ngũ giáo sư gốc Việt tham gia trên các giảng đường đại học Pháp, hướng dẫn nhiều sinh viên Pháp như GS Nguyễn Quý Đạo; Trịnh Xuân Thuận - nhà vật lý thiên văn thành công và dạy đại học ở Mỹ, song ông là nhà văn hóa Pháp, học trường Pháp.

Ngô Bảo Châu sinh ra ở Việt Nam, sang Pháp du học, và trở thành giáo sư toán của Đại học Chicago, là một nhà toán học Pháp-Việt nổi tiếng với chứng minh bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu. Nhờ chứng minh này mà ông đạt Huy chương Fields năm 2010. Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đạt được thành tựu này. Ông cũng là một trong số ít người Việt Nam hai lần đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán học Quốc tế ở Australia năm 1988 và CHLB Đức năm 1989...

Lĩnh vực kinh doanh

Tỷ phú Hoàng Chúc - nhà kinh doanh nổi tiếng tại Pháp, từng gây ấn tượng mạnh tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ông từng nổi tiếng khắp nước Pháp về "dự định mua lại tháp Eiffel" được báo chí Pháp nhắc đến. Theo truyền thông Pháp, với tổng giá trị tài sản khoảng 290 triệu euro, ông Hoàng Chúc có tên trong danh sách 200 người giàu nhất nước Pháp, ông còn có trong tay khoảng 40 công ty.

Là người gốc Thái Bình, ông Chúc sang Pháp từ năm 1961. Ông tốt nghiệp trường Bách khoa của Pháp vào năm 1969. Khi Bảo tàng Cernusi (chuyên về Đông Nam Á) cần vốn để trùng tu cổ vật, nhiều hội đoàn người Pháp gốc Việt kêu gọi cộng đồng ủng hộ, ông Chúc đã tuyên bố: tất cả mọi người cứ quyên góp đi, được bao nhiêu tôi sẽ tặng phần bằng chừng ấy.

Nguồn: Vietnamnet; Thanh Niên; VTV4; Dân Việt

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang