Người Việt hải ngoại: Lan tỏa ẩm thực ở Bali; Tranh cử ở Ba Lan; 'Tương thân tương ái' ở Nhật

Tết xa xứ của vợ chồng Việt lan tỏa ẩm thực quê hương trên đảo Bali

Sau chuyến du lịch đến Bali năm 2018, vợ chồng anh Phương quyết định gắn bó với hòn đảo này và góp phần lan tỏa nét đẹp ẩm thực Việt trên hòn đảo này.

Đảo Bali của Indonesia là một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Nhiều du khách Việt khi đến đây ngỡ ngàng khi bắt gặp ở khắp Bali hình ảnh rất Việt Nam thông qua hệ thống nhà hàng Việt mang tên Mệ Vui.

Cái duyên tình cờ

Chủ nhân của Mệ Vui là anh Hà Phương và vợ là chị Hồ Huyền. Anh Hà Phương là người gốc Sài Gòn, chuyên kinh doanh ngành rượu và đạt được nhiều thành công. Chị Hồ Huyền là người gốc Huế và vẫn giữ nguyên giọng nói nơi chôn nhau cắt rốn. Cái tên Mệ Vui cũng đã nói lên gốc gác của nữ chủ nhân.

Anh Hồ Phương cho biết: "Chúng tôi đến đây du lịch vào năm 2018, và nhận ra rằng hòn đảo này vẫn còn nguyên sơ với rừng và biển, vẫn chưa bị con người can thiệp nhiều. Người dân hiền lành, thật thà, gần gũi, và chăm chỉ. Trong khoảnh khắc chớp nhoáng, chúng tôi quyết định ở lại nơi này. Du ngoạn và tận hưởng cảnh thiên nhiên đẹp một thời gian, Huyền nói với tôi hãy làm gì đó cho đỡ nhàm chán. Suy nghĩ tới lui, tôi quyết định mở nhà hàng Việt Nam. Thế là Mệ Vui ra đời".

Trong công việc chung của hai vợ chồng, anh Hà Phương đặt mình ở vị trí lùi phía sau, nhưng là người hoạch định chiến lược kinh doanh. Anh đã thiết kế nhà hàng Mệ Vui mang hình ảnh thuần Việt. Nhân viên đều là người Bali nhưng mặc bà ba nâu đất và quấn khăn rằn kiểu Việt Nam. Trên trang web của Mệ Vui có slogan "Everywhere you go, make Vietnam proud of you" tạm hiểu "bất kỳ nơi đâu bạn đặt chân đến, hãy làm cho Việt Nam tự hào về bạn". Chị Hồ Huyền được xem là "linh hồn" của Mệ Vui. Chị vốn là một người phụ nữ giỏi nữ công gia chánh, có thể nấu được rất nhiều món ăn Việt ba miền. Chị lên thực đơn khoảng hơn 30 món ăn Việt, trong đó, có một món mà rất nhiều người nước ngoài biết đến, đó là phở.

Do hương vị món ăn Việt ngon, cộng với phong cách phục vụ chu đáo và chuyên nghiệp, không mất nhiều thời gian, Mệ Vui thu hút đông đảo thực khách. Phần lớn khách hàng của Mệ Vui là người dân địa phương, du khách quốc tế và cả du khách Việt đến Bali. Lượng khách tăng nhanh đã thúc đẩy anh Hà Phương và chị Hồ Huyền mở thêm địa điểm mới. Bây giờ Mệ Vui trở thành một hệ thống 8 nhà hàng Việt ở khắp đảo Bali, mà địa điểm nào cũng đông khách.

Theo anh Hà Phương, ngoài thức ăn ngon, quán trang trí đẹp, nhân viên phục vụ chu đáo thì những yếu tố góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tốt còn là tuân thủ luật pháp, quan sát và học hỏi để hiểu lối sống và văn hóa bản địa để hòa nhập tốt vào cộng đồng.

Dạy du khách gói bánh tét

Để vận hành 8 nhà hàng hoạt động trơn tru vào nếp, đương nhiên anh Hà Phương và chị Hồ Huyền mất rất nhiều thời gian và sức lực. Vậy mà họ vẫn có một phương pháp rất cân bằng giữa làm việc, nghỉ ngơi và hoạt động thể chất. Sau khi hoạt động kinh doanh đã vào guồng, mỗi ngày anh chị dành 3 tiếng để chơi thể thao. Buổi sáng cả hai chạy bộ hoặc bơi ở hồ trong nhà. Từ nửa buổi sáng đến gần chiều là thời gian cho việc điều hành kinh doanh. Buổi chiều anh chị thường cùng nhau ra biển chơi lướt sóng, bơi, câu cá, lặn biển...

Hoạt động thể chất trong môi trường thiên nhiên đã giúp cho cả gia đình có sức khỏe tốt, tinh thần luôn thoải mái. Đây là bí quyết giúp cho cả hai làm việc không biết mệt mỏi và luôn trong trạng thái tư duy tích cực. Họ đang thực sự tận hưởng cuộc sống theo cách của mình.

Cuộc sống ở Bali rất an toàn dù đôi khi xảy ra động đất nhẹ hoặc vài sự cố ngoài ý muốn. Anh Phương và chị Huyền xử lý tình huống bằng cách để lòng an nhiên, chấp nhận tất cả những gì xảy ra. Điều này rất gần với triết lý nhà Phật giúp cho con người vượt qua nỗi sợ hãi và bình tĩnh sống.

Ban đầu Mệ Vui chỉ có 30 nhân viên, bây giờ đã có hơn 300 nhân viên người địa phương cùng làm việc chung với ông bà chủ người Việt. Nhưng điều ý nghĩa hơn cả trong 3 năm sinh sống tại xứ người, anh Phương và chị Huyền đã lan tỏa được nét văn hóa truyền thống Việt. Chị Huyền bộc bạch: "Suốt 3 năm qua, chúng tôi đón tết Việt tại Bali. Chúng tôi kể cho nhân viên biết và hiểu về phong tục tết Việt. Thực đơn có mâm cơm tết Việt dành cho khách đặt và dạy du khách gói bánh tét. Tất cả mọi người đều vui và thích thú".

Từng chút một, qua công việc kinh doanh của mình, anh Phương và chị Huyền đã góp phần lan tỏa giá trị Việt ở xứ người.

Người gốc Việt ra tranh cử ở Ba Lan

Bà Cao Hồng Vinh sống ở Ba Lan từ năm 1991 và đã trải qua nhiều năm hoạt động xã hội. Bà vừa có quyết định ra tranh cử vào Hội đồng quận Ochota, thành phố Warsaw trong cuộc bầu cử năm nay.

Giữa tháng 1/2024, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã công bố lịch bầu cử vào các hội đồng tự quản sẽ diễn ra vào tháng 4 và bầu các ứng viên Ba Lan vào Nghị viện châu Âu (EU) trong tháng 6.

Tại Ba Lan, trong những năm qua đã có một số nhà hoạt động gốc Việt tham gia chính trị ở cấp địa phương. Năm nay, bà Cao Hồng Vinh, người đã sống tại Warsaw (Warszawa) nhiều năm, đã quyết định tranh cử một vị trí ở Hội đồng quận Ochota, nơi có nhiều gia đình Việt Nam hoặc gốc Việt sinh sống.

Trả lời BBC News Tiếng Việt vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bà Cao Hồng Vinh cho biết:

“Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục tại các trường học ở thủ đô Ba Lan và đặc biệt là tại quận Ochota, nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất, tôi được các em học sinh, phụ huynh, thầy cô, các cấp chính quyền quận, cũng như lãnh đạo của phòng giáo dục quận biết đến với vai trò là người hỗ trợ, là cầu nối giữa nhà trường, gia đình và học sinh trong vấn đề giáo dục, chăm sóc tâm sinh lý, hội nhập văn hóa trong trường học.

Với cộng đồng lớn đang sinh sống, có những gia đình có cả thế hệ thứ hai, thứ ba và nhu cầu hội nhập sâu hơn vào cộng đồng người Ba Lan, việc có một đại diện người Việt trong cấp chính quyền địa phương là cần thiết. Đấy cũng là nhu cầu từ phía chính quyền cấp địa phương.”

BBC: Xin bà cho biết tổ chức nào hỗ trợ cho bà trong lần tranh cử này?

Bà Cao Hồng Vinh: Với kinh nghiệm hoạt động xã hội nhiều năm cùng với sự động viên của cấp chính quyền quận, của bạn bè người Ba Lan, của cộng đồng người Việt, người Ba Lan gốc Việt, tôi đã quyết định tham gia ứng cử vào Hội đồng quận Ochota vào ngày mùng 7/4 năm nay.

Tôi không thuộc thành viên của bất cứ đảng phái nào. Tôi tham gia và được sự hỗ trợ từ nhóm Zawsze z Ochotą, nhóm hoạt động độc lập vì người dân địa phương tại quận Ochota.

BBC: Xin cho biết bà tranh cử vào vị trí nào? Vị trí đó có vai trò gì?

Bà Cao Hồng Vinh: Tôi tranh cử vào vị trí ủy viên Hội đồng Dân cử (samorzad) quận Ochota, thành phố Warsaw.

Nếu trúng cử, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Việt Nam hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục, pháp luật Ba Lan, hòa nhập tốt hơn với xã hội, công việc, học tập và có cuộc sống tốt hơn tại Ba Lan.

Người Việt Nam đã học tập và làm việc tại Ba Lan nhiều năm và có những đóng góp đáng kể cho xã hội Ba Lan. Tôi mong muốn hoạt động vì sự hòa nhập của người nước ngoài với người Ba Lan. Ước mơ của tôi là sự hợp tác hiệu quả giữa người Ba Lan, người Việt Nam và những người nhập cư khác trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Sau nhiều năm làm việc ở các trường học, tôi nhận ra có những việc cần phải làm tốt hơn, như tăng số lượng trợ giảng, trợ lý liên văn hóa, tăng thêm giờ ngoại khóa theo nhu cầu của từng nhóm học sinh, hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường mẫu giáo công lập.

BBC: Xin bà cho biết đôi chút về bản thân?

Bà Cao Hồng Vinh: Tôi đã sống ở Ba Lan hơn 30 năm, là một người Ba Lan gốc Việt. Năm 1997, tôi tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp Warsaw. Với tình cảm đối với Ba Lan, tôi đã quyết định ở lại làm việc, lập gia đình và tiếp tục học tập.

Năm 2000, tôi tốt nghiệp cao học ngành quản trị kinh doanh. Năm 2023, tôi tốt nghiệp cao học khóa đào tạo cho những trợ lý đa văn hóa trong các trường học.

Từ năm 1997, tôi lập gia đình và chúng tôi đã sinh được bốn người con trai.

Một cách rất tình cờ, tôi và chồng đã chọn Ochota làm nơi ở của gia đình và chúng tôi rất hài lòng với quyết định này.

Chúng tôi đã sống hơn 20 năm tại quận Ochota, nơi tôi sẽ tham gia ứng cử. Hiện tại, tôi là giám đốc điều hành Trung tâm Y tế Lotus, trung tâm y tế đầu tiên tại Ba Lan do những người Việt đứng ra thành lập.

BBC: Các hoạt động của bà tới nay cho cộng đồng dân cư tại quận Ochota gồm những gì và có giúp gì cho người Việt Nam hoặc gốc Việt sống tại đó?

Bà Cao Hồng Vinh: Trong hơn 20 năm, tôi đã làm việc tại các trường phổ thông và mẫu giáo với vai trò là cầu nối giữa nhà trường và gia đình Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề phát sinh từ sự khác biệt về văn hóa và vấn đề ngôn ngữ.

Tôi là tác giả của dự án “Tuần văn hóa Việt Nam” được thực hiện trong trường học phổ thông tại quận Ochota.

Tôi làm việc trong lĩnh vực văn hóa với vai trò là người tham gia tổ chức các sự kiện giáo dục và giải trí, như các sự kiện liên quan đến ngày thiếu nhi 1/6, Tết Nguyên đán, trò chơi dân gian, ngày phụ nữ. Tôi cũng tham gia tích cực hầu hết các sự kiện văn hóa quảng bá về văn hóa, lịch sử của Việt Nam.

BBC: Qua quan sát của bà thì chính trị Ba Lan ở cấp địa phương có gì đáng chú ý?

Bà Cao Hồng Vinh: Tình hình chính trị của Ba Lan từ nhiều năm nay theo đường lối của hai đảng chính là Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) và Đảng Cương lĩnh Công dân (PO), một đảng cầm quyền và môt đảng đối lập. Sau 8 năm cầm quyền của PiS, sau cuộc bầu cử ngày 15/10/2023, PO cùng các đảng nhỏ khác đã liên kết để lên nắm quyền.

Tình hình chính trị của Ba Lan hiện tại vẫn còn khá sôi động, có lúc trở nên căng thẳng, nhưng tôi tin quốc hội và chính phủ mới sẽ đưa Ba Lan đi theo đúng hướng như nguyện vọng của đa số người dân Ba Lan đã bầu cho họ.

Chính trị cấp địa phương có nhiều chỗ khác với chính trị trung ương. Ngoài việc thực hiện những kế hoạch chung liên quan đến toàn quốc hay thành phố, mỗi địa phương đều có những kế hoạch, những vấn đề, công việc rất cụ thể phải thực hiện liên quan đến quyền lợi trực tiếp hàng ngày của người dân.

Quận trưởng, quận phó được bầu lên theo quy định của luật bầu cử và đảng cầm quyền ở cấp trung ương chưa chắc đã được bầu vào lãnh đạo ở cấp địa phương.

Dù có thể thuộc đảng phái hay tổ chức chính trị khác nhau nhưng các thành viên trong hội đồng địa phương cộng tác khá nhịp nhàng bởi mỗi người đảm trách một công việc cụ thể. Để hoàn thành nhiệm vụ, bắt buộc họ phải có sự hợp tác lành mạnh.

BBC: Nói rộng ra một chút thì ý thức hoạt động xã hội hay xu hướng ủng hộ các đảng phái trong cộng đồng Việt Nam, gốc Việt ra sao, theo đánh giá của bà?

Bà Cao Hồng Vinh: Chỉ có một số rất ít người Ba Lan gốc Việt có những ý thức, có sự ủng hộ rõ rệt của riêng mình. Nói chung mọi người thường theo số đông. Cũng có thể họ ủng hộ một ứng viên hay một đảng phái nào đó vì lợi ích mà họ nhận được.

Cũng khá nhiều người không quan tâm đến chính trị, một phần do hạn chế về ngôn ngữ.

BBC: Theo bà thì người Việt cần chú trọng hơn điều gì, lĩnh vực nào và vì sao?

Bà Cao Hồng Vinh: Tôi thấy rằng người Việt nên duy trì và phát triển tất cả các lĩnh vực và ngành nghề mà họ đã làm và đã có những thành công nhất định tại Ba Lan trong nhiều năm qua, như kinh doanh hàng may mặc, dịch vụ quán ăn...

Nhưng họ phải có sự thay đổi, cải cách và chuyên nghiệp hơn. Cách làm phải có sự hiểu biết, cần chuẩn bị kỹ càng và bài bản.

Tôi nghĩ, với khá nhiều người mới tới Ba Lan, còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thì không nên cố làm chủ mà nên đi làm công ăn lương trong vài năm rồi sau đó xây dựng cho mình hướng đi phù hợp.

Họ có thể tìm hướng đầu tư, phát triển sản xuất cả sản phẩm công nghiệp và nông sản. Họ cũng có thể nghiên cứu, phát triển một số ngành dịch vụ, đầu tư tài chính theo đúng nghĩa, phù hợp với sự chuyển biến, hiện đại hóa rất nhanh, có tiêu chuẩn pháp lý tốt của nước Ba Lan ngày hôm nay.

Người Việt tại Nhật Bản lan toả tinh thần “tương thân tương ái”

Hoạt động thiện nguyện là một trong những điểm sáng của cộng đồng người Việt Nam tại NhậtBản. Mới đây nhất là trường hợp của Ngọc Dũng, cựu cầu thủ Sông Lam Nghệ An ngất trên sân "phủi' Nhật Bản.

Được biết Ngọc Dũng, cựu cầu thủ Sông Lam Nghệ An sang Nhật Bản tham gia một giải bóng đá phong trào của người Việt vào tháng 12/2023. Khi mới chỉ vào sân đá được 5 phút, Ngọc Dũng đã bị ngất trên sân. Được các bác sĩ tại Nhật Bản khẩn trương cấp cứu, Ngọc Dũng đã qua tình trạng nguy kịch.

Anh được bác sĩ chẩn đoán bị rung thất (còn gọi là rung tâm thất). Đây là hiện tượng rối loạn nhịp tim khiến tim không thể bơm máu như bình thường và gây ngưng tim đột ngột. Ngọc Dũng đã điều trị tại Nhật Bản gần 2 tháng, sau đó được đưa về bệnh viện tại Hà Nội.

Sáng ngày Mùng 4 Tết (tức 13/2), Ngọc Dũng đã được Bệnh viên Tim Hà Nội cho xuất viện vì chỉ số về tim và não đã về lại ổn định. Hiện Ngọc Dũng đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An để tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng ở chân.

Được biết, để sức khoẻ có thể phục hồi như hiện tại là sự nỗ lực hỗ trợ hết mình của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và người hâm mộ trong nước. Trong gần 2 tháng điều trị tại Nhật Bản, Ngọc Dũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Vẫn còn đó hình ảnh thành viên FC Sun Shine thay phiên nhau vào thăm, động viên chăm sóc Ngọc Dũng mỗi ngày. Vẫn còn đó những lời kêu gọi cộng đồng người Việt ủng hộ cho quá trình điều trị của Ngọc Dũng sau này.

Ông Phạm Đình Thương, Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Saitama, Nhật Bản cho biết: "Tổng chi phí từ khi Ngọc Dũng tới Nhật Bản, đến khi Ngọc Dũng được đưa về Bệnh viện tim Hà Nội (bao gồm cả chi phí cho ê kíp bác sĩ Nhật đi theo trên chuyến bay, xe cứu thương đưa đón sân bay) là hơn 20 triệu yên, tương đương hơn 3,5 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí khoảng 3,5 tỉ đồng điều trị tại Nhật Bản do Công ty cổ phần Sun Shine (đơn vị mời Ngọc Dũng qua Nhật thi đấu cho FC Sun Shine) chi trả toàn bộ. Tất cả những nghĩa cử, tấm lòng cao đẹp của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản trước hoàn cảnh của Ngọc Dũng đều xuất phát từ trái tim, tinh thần tương thân tương ái của người Việt”.

Trong khi đó, ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam Nhật Bản (FAVIJA) chia sẻ: “Sống trong bể ngọc kim cương, không bằng sống giữa tình thương bạn bè. Thật là cảm kích khi thấy rất nhiều những ngôi sao bóng đá, các tổ chức xã hội, anh chị em đồng hương xứ Nghệ, bà con dòng máu Việt khắp nơi, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Nhật Bản giúp đỡ cựu cầu thủ Trần Ngọc Dũng”.

Chị Trần Thị Hoa, em gái của cầu thủ Ngọc Dũng chia sẻ: “Lúc anh Ngọc Dũng nguy kịch rất may vì đã có cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, đặc biệt là Công ty cổ phần Sun Shine đã hỗ trợ, giúp đỡ. Gia đình chúng tôi cảm động lắm, vì nơi đất khách quê người, không có bố mẹ, người thân ở cạnh nhưng anh Ngọc Dũng đã được giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi về tới Việt Nam, mọi người vẫn còn hỗ trợ tận tình, sát cánh bên cạnh. Tình yêu thương đồng bào thật to lớn và thiêng liêng”.

Nguồn: Vietnamnet; Thanh Niên; BBC; Thời Đại

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang