Người Việt hải ngoại: Showcase gắn kết DHS; Trả lại ví cho người Nhật; Bát phở ở Bắc Kinh; Món Việt trên đất Mỹ

Showcase gắn kết du học sinh Việt

(Ảnh minh họa).

Những ngày cuối năm, nhận được tin Showcase 2023: Thương, chương trình nghệ thuật lớn của Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Queensland, Australia (AVSQ) tổ chức thành công tôi cũng vui lây.

Vậy là sau 6 tháng làm việc không ngừng nghỉ, nhờ sự đồng lòng, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của tập thể, thành công của đêm diễn vượt hơn cả mong đợi.

Được tổ chức với hy vọng giúp tìm lại đứa trẻ trong mỗi người và cảm nhận hơi ấm gia đình - nơi có những người quan trọng mà ta “thương”, Showcase 2023: Thương có sự góp mặt của gần 40 tài năng nghệ thuật người Việt sinh sống và học tập tại thành phố Brisbane. Đến với Showcase 2023: Thương, các bạn du học sinh có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu, cháy hết mình với đam mê và thể hiện câu chuyện của bản thân thông qua các hình thức nghệ thuật đa dạng như hát, rap, nhảy, múa, chơi nhạc cụ, phối nhạc. Tất cả đều hết lòng vì việc chung.

Bạn Hạnh Chi, tổng đạo diễn chương trình, cho biết, không chỉ là sân chơi cho các cá nhân nghệ sĩ trong cộng đồng du học sinh Việt tại Brisbane, Showcase 2023: Thương còn mong muốn trở thành cầu nối tinh thần giữa các thế hệ. Buổi biểu diễn là dịp để những người trẻ xa nhà gửi gắm tâm tư của mình với gia đình, qua đó góp phần thắt chặt tình thương giữa những người đồng hương ở chốn xa xôi. Thông qua Showcase 2023: Thương, AVSQ muốn truyền tải thông điệp đầy ý nghĩa: “Hữu hình những điều muốn nói” nhằm tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ Việt Nam ở Australia - những người đang từng bước tự lập nơi chân trời mới.

Lấy trọng tâm là tình cảm gia đình, showcase đã tái hiện những cảm xúc vô cùng thân thuộc, ấm cúng, giản dị nhưng lại khó nói thông qua sân khấu âm nhạc đầy màu sắc được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong 2 giờ đồng hồ, 150 khán giả tại Arcana Empress Theatre cùng chìm đắm trong câu chuyện của Showcase 2023: Thương, đồng cảm với những du học sinh Việt xa nhà, gặp lại những ký ức tuổi thơ mênh mang. Ai trong số các em cũng có những khát khao, hoài bão riêng khi bắt đầu hành trình du học. Showcase 2023: Thương không còn đơn thuần là một buổi biểu diễn, nó trở thành bến đỗ tinh thần, là nơi để mọi người tìm về, sát bên nhau cùng sẻ chia hơi ấm tình thương…

Showcase 2023: Thương gồm 3 phần: Thờ, Ương và Thương - tái hiện lại các cung bậc cảm xúc của người trưởng thành trên chuyến hành trình du học. Phần đầu tiên Thờ, đưa khán giả trở lại thời học sinh, độ tuổi mới lớn hồn nhiên và vô tư bên gia đình. Những thứ tưởng chừng rất đơn giản, là điều hiển nhiên, bỗng chốc lại trở nên xa xỉ khi trưởng thành. Phần Ương là tâm trạng tiếc nuối tình cảm gia đình lúc rời khỏi quê hương bắt đầu cuộc sống du học. Đến với phần cuối Thương, bức tranh hiện thực của cuộc sống nơi xứ lạ lần lượt được khắc họa xen lẫn với giá trị thiêng liêng của gia đình.

Sau buổi biểu diễn, bạn Hoàng Dương, một khán giả, xúc động cho biết: “Showcase 2023: Thương với mình là một đêm nhạc vô cùng cảm xúc, giúp vỗ về những trái tim lúc nào cũng mong ngóng giây phút được trở về nhà. Từng bản nhạc, từng thước phim đều gợi cho mình những cảnh tượng rất đỗi thân thuộc mà hầu như ai cũng đã trải qua khi đi du học. Mình đặc biệt ấn tượng bởi thông điệp sâu sắc về tình yêu thương, một yếu tố được khắc họa đậm nét xuyên suốt các tiết mục”.

Cùng với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, AVSQ đã xây dựng các chương trình phát triển kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên tại Queensland và Australia cũng như các sự kiện vui chơi giải trí giúp gắn kết cộng đồng. Từ khi thành lập, hội đã liên tục tổ chức những dự án về phát triển định hướng nghề nghiệp như MentorShip platform - nền tảng kết nối, hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp giữa sinh viên và cựu sinh viên, UniUp webinar - chuỗi tọa đàm tham vấn nghề nghiệp trực tuyến, các sự kiện “Job Hunting Camp”, “The Interview 2023” dành riêng cho học sinh ngành công nghệ thông tin. Gần đây nhất, “The Pioneer 2023” - cuộc thi case study về các Mục tiêu phát triển bền vững vào tháng 8 vừa qua đã thu hút số lượng đáng kể người quan tâm.

Tìm đến tận nhà người Nhật trả lại ví, kỹ sư Việt bất ngờ trước câu hỏi nhạy cảm của chủ nhân

Câu hỏi buột miệng của người đàn ông có tuổi khiến Nghĩa giật mình, nhưng anh chàng nhanh chóng đối đáp rất khéo léo.

Với chiếc xe máy phân khối lớn, ngoài những giờ đi làm, Mai Hữu Nghĩa (kỹ sư) sẽ đi chơi lòng vòng, vừa thăm thú cảnh sắc nước Nhật, vừa ghi lại những câu chuyện thường ngày làm kỷ niệm. Gần đây, khi đang đi bảo dưỡng xe máy ở thành phố Toyama, anh chàng tìm thấy một chiếc ví màu đen khá dày rơi dưới đất.

Nghĩa nhặt lên xem thử, thấy bên trong có một số tiền mặt cùng rất nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng, từ thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm cho đến bằng lái xe. Bằng lái xe ở Nhật luôn ghi thông tin nơi cư trú. Thấy địa chỉ cách chỗ mình đứng khoảng 5km, Nghĩa không nghĩ nhiều mà quyết định đi xe đến tận nhà trả cho người bị mất.

Anh chàng tìm địa chỉ nhà chủ nhân chiếc ví trên google map rồi đến tận nơi. Tuy nhiên, trong khu đó có vài nhà sát nhau, anh chàng hơi bối rối một chút trong việc xác định địa chỉ. Hỏi thăm một người lớn tuổi đang làm cỏ trước cửa nhà, Nghĩa mới biết mình đã tìm đúng chỗ.

Sau khi kiểm tra giấy tờ, người đàn ông xác nhận đó là ví của con trai mình đánh rơi. Ông xúc động, liên tục chắp tay, cúi người cảm ơn, rồi cất ví vào túi. Sau đó, ông chú người Nhật lấy tiền trong một chiếc ví khác ra tặng cho Nghĩa, coi như món quà cảm ơn. Sau một hồi từ chối nhưng ông chú vẫn năn nỉ dúi vào tay, Nghĩa đã nhận món tiền nhỏ này.

Trong cuộc trò chuyện, người đàn ông Nhật đoán Nghĩa là người nước ngoài, hỏi dò: "Cháu là người Hàn Quốc à?". Đương nhiên, anh chàng không bỏ lỡ cơ hội để khoe rằng mình là người Việt Nam.

Ông chú người Nhật tỏ ra rất xúc động, bịn rịn mãi, đứng nghiêm rồi lại cúi đầu 90 độ để tạm biệt Nghĩa. Khi anh chàng chuẩn bị phóng xe đi, ông lại chạy ra hỏi tên và địa chỉ. (Nhiều người Nhật sau khi được giúp đỡ, ngoài việc tặng quà, cho tiền ngay lúc đó còn gửi quà cảm ơn về sau - PV). Nghĩa nói tên nhưng không tiết lộ địa chỉ, vì không muốn nhận thêm quà.

Bất ngờ nhất, sau khi tạm biệt lần nữa để ra về, Nghĩa đã được hỏi một câu "nhạy cảm": "Cháu không gửi tiền về nhà à?". Câu này có ẩn ý là, sao khi trả lại ví, Nghĩa lại trả lại toàn bộ tiền bên trong mà không giữ lấy tiền cho bản thân hoặc gửi về quê cho gia đình. Đáp lại, anh chàng đã có câu trả lời thể hiện EQ cao ngút: "Có chứ ạ, nhưng phải là tiền tự mình làm ra mới gửi về được chú ơi!"

Chia sẻ thêm về câu chuyện này, Mai Hữu Nghĩa cho hay: "Chú ấy cho mình 2.000 yen, đổi ra tiền Việt là khoảng hơn 300.000 đồng. Trong ví của con chú ấy có khoảng 10 triệu đồng, quan trọng hơn là rất nhiều giấy tờ.

Ở Nhật, tiền có thể kiếm lại dễ nhưng giấy tờ làm lại rất vất vả, tốn thời gian. Mình nghĩ người bị mất ví có lẽ rất sốt ruột, lo lắng nên tìm cách trả nhanh nhất cho họ. Đó cũng là cách mình muốn lan tỏa thêm một hình ảnh tốt đẹp của người Việt ở nước ngoài.

Cũng có bạn nói rằng mình đang làm không đúng quy trình, phải giao nộp ví cho cảnh sát. Cảnh sát sẽ liên hệ người mất ví, gọi lên xác nhận, người ta có thể cho mình vài sen (khoảng 1 triệu đồng) nhưng điều đó có thể mất thời gian. Mình là người miền Tây, thú thực là không suy tính nhiều, thấy việc tốt thì làm, chỉ nghĩ việc mình làm có thể cho người khác niềm vui và mình cảm thấy vui là được".

Anh chàng chia sẻ, việc đăng tải clip quay cuộc gặp gỡ là để làm kỷ niệm, và cũng vì Nghĩa muốn lan tỏa việc tốt nho nhỏ vậy thôi. "Một người làm ít người biết, nhưng đăng lên mạng xã hội mà được nhiều người hoan nghênh, sau này gặp trường hợp tương tự có thể họ cũng sẽ làm vậy. Đó là cách chúng ta cùng nhau làm nên xã hội tốt đẹp chứ không phải cứ nghĩ cho bản thân mình là làm vậy có bị rắc rối gì không".

Chàng kỹ sư sinh năm 1991 tiết lộ, trước đây anh tốt nghiệp Đại học Cần Thơ ngành cơ khí. Anh sang Nhật Bản làm việc từ năm 2016 dưới diện kỹ sư và làm công việc vận hành cơ khí máy CNC tại một công ty ở địa phương. Dự định của Nghĩa là sẽ sống và làm việc ở Nhật khoảng 10 năm, dành thời gian khám phá Nhật Bản trước khi về Việt Nam lập nghiệp.

Bát phở Việt 300.000 đồng ở quán tại Trung Quốc ăn kèm loại quẩy "khác lạ"

(Ảnh minh họa).

Khi phóng viên của CGTN tới quán Susu vào tầm giờ trưa, bên trong đã chật kín khách. Với thực đơn phong phú chuyên phục vụ các món thuần Việt, cô quyết định thử món phở bò ăn kèm loại quẩy đặc biệt.

Trong những ngày qua, những thông tin về du lịch Việt Nam gồm điểm đến và nền ẩm thực phong phú liên tục được truyền thông Trung Quốc đưa tin để giới thiệu với du khách tại "quốc gia tỷ dân".

Một trong những kênh truyền thông tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam cùng những đặc sản nổi tiếng phải kể tới kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN.

Mới đây trong bài viết của mình, CGTN từng nhận định "phở là một trong những món đặc trưng nhất của Việt Nam mà du khách tới đây nhất định phải thử".

"Phở gồm cả phở bò và phở gà, là món ăn gắn liền với lịch sử và giàu giá trị văn hóa. Với người Việt, phở không chỉ là món ăn, còn là niềm hạnh phúc, là hình ảnh của quê hương", kênh CGTN chia sẻ.

Và theo dòng sự kiện, mới đây, phóng viên của CGTN có dịp trải nghiệm một quán phở Việt Nam nằm giữa lòng Bắc Kinh, để cảm nhận xem hương vị món ăn truyền thống của "đất nước hình chữ S" có gì đặc biệt.

"Không có gì ấm cúng hơn khi được thưởng thức một món ăn nóng hổi giữa lúc thời tiết Bắc Kinh đang lạnh cóng. Ẩm thực Trung Hoa luôn chiếm ưu thế ở thành phố này, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy những nhà hàng mang hương vị quốc tế, bao gồm cả đặc sản Việt Nam như phở", nữ phóng viên Jessica Zang mở đầu lời giới thiệu.

Jessica cho biết, thông thường 12h trưa hàng ngày, cô cùng đồng nghiệp tới quán cà phê gần chỗ làm hoặc thỉnh thoảng đi xa hơn. Nhưng hôm nay, mọi người muốn thay đổi khẩu vị nên quyết định đến dùng bữa tại một nhà hàng Việt Nam.

Nhà hàng nằm trên một tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố Bắc Kinh. Đúng như tên gọi Susu, ngay ở lối cửa ra vào, thực khách sẽ bắt gặp một rổ đựng những quả su su tươi non mơn mởn.

Lướt qua cuốn thực đơn, Jessica thấy "hoa mắt" vì quá nhiều món. Cô hơi bối rối chưa biết nên chọn loại nào nên gọi tạm gỏi cá hồi dưa leo trộn chua ngọt, một món rau salad và không thể thiếu bát phở bò nóng hổi.

Trong lúc chờ đợi, nữ phóng viên nhấm nháp miếng bánh phồng tôm. Lúc này, quán đã chật kín khách gần như không còn bàn trống.

Khi nhân viên phục vụ các món ăn, cô hào hứng thưởng thức bát phở trước tiên. Đó là một bát phở cỡ lớn với thịt bò chín, bắp bò thái mỏng, bò viên, bánh phở cùng nước dùng tỏa mùi thơm của quế hồi.

Thực khách còn được phục vụ kèm một đĩa rau thơm có rau mùi tàu (ngò gai), chút giá đỗ và quẩy. Nhưng khác với những chiếc quẩy dài ở Việt Nam, quẩy của quán được tạo theo hình oval nhìn khá lạ mắt.

Nhân lúc nước dùng còn nóng, Jessica cho hết rau thơm và giá đỗ vào bát để làm chín tái. Cô cũng vắt thêm chút nước cốt chanh rồi mới thưởng thức.

"Quẩy vốn là món ăn ưa thích của tôi. Người Trung Quốc có thói quen ăn quẩy rán vào bữa sáng, dùng kèm tào phớ hoặc chấm với sữa đậu nành. Trong khi đó, người Việt Nam lại ăn phở với quẩy. Đó là cách ăn khá khác lạ với tôi", cô nói.

Món phở bò tại quán Susu có giá 88 tệ (300.000 đồng), trong khi suất phở gà là 68 tệ (235.000 đồng). Tổng hóa đơn bữa trưa của cả nhóm 3 người hết 367 tệ (gần 1,3 triệu đồng) gồm 2 món khai vị và 3 món chính (phở bò, phở gà và mỳ xào bò).

Gặp món ăn Việt trên khắp nước Mỹ

Món ăn đa dạng, giá cả phải chăng nên ẩm thực Việt Nam có triển vọng phát triển rất tốt, có thể trở thành xu hướng ẩm thực hàng đầu ở Mỹ trong tương lai

Cách nay 6 năm, khi theo chồng sang Mỹ định cư Mỹ, Hàn Nguyễn được người nhà gửi đủ thứ đồ ăn mang đi. Bây giờ, muốn ăn "món nhà quê" của quê nhà, cô đều đi chợ ở Mỹ và mua được hết mọi thứ để chế biến.

Siêu thị đầy ắp hàng Việt

Quả thật, trong Asian Pacific Market ở TP Seattle, bang Washington có những mặt hàng khiến chúng tôi từ Việt Nam sang thấy thật thú vị khi chuẩn bị nguyên liệu các món định làm cho bữa ăn họp mặt tại gia đình.

Củ hủ dừa sấy khô từ Bến Tre xuất qua, chỉ cần ngâm luộc 10 phút là làm được món gỏi. Nấu bún mắm thì không thiếu mắm linh, mắm sặc xuất xứ Châu Đốc; rồi bông súng, bắp chuối làm rau ăn kèm. Hàn Nguyễn mua được cả trái tắc để pha mắm tôm đúng chuẩn của món bún đậu mắm tôm. Bánh hỏi khô chỉ hấp 5-10 phút là có ăn với thịt quay. Mắm ruốc Bảy Đông - Phú Quốc xào thịt với sả ớt kẹp dưa leo thật "bắt" cơm...

Quầy thực phẩm chế biến sẵn trong Asian Pacific Market có khá nhiều đồ đóng hộp cho những ai muốn ăn món Việt Nam mà không mất thời gian nấu, như: nấm rơm kho, miến xào ghẹ, cơm chiên cá mặn, bánh bột lọc, bánh nậm Huế…. Cả nồi cá kho Vũ Đại đúng chất Hà Nam xuất sang cũng có. Thích ăn vặt thì những món như đậu phộng da cá Tân Tân, bưởi sấy dẻo - đặc sản Tân Triều, cà na chua ngọt, xoài ngâm, cóc ngâm, bánh pía từ Bạc Liêu, Sóc Trăng…, Hàn Nguyễn cũng mua được ở Asian Pacific Market.

Trên các kệ hàng trong Asian Pacific Market đầy những nhãn hiệu sữa đặc Vinamilk, sữa đậu nành Vinasoy, tương ớt Cholimex, mì gói Hảo Hảo, yến sào Khánh Hòa…; rồi mì, bưởi da xanh, xoài cát, thanh long... ghi rõ xuất xứ Việt Nam.

City Farmers Market - còn gọi là chợ Hồng Kông - ở TP Atlanta, bang Georgia trưng bày cà phê G7, cà phê Trung Nguyên, bún tươi Tây Đô, bánh tráng Safoco, mì gói, các loại gia vị đủ nhãn hiệu Việt Nam ở những gian hàng khá rộng, chứng tỏ được tiêu thụ khá mạnh. Chôm chôm Việt Nam trong gian hàng trái cây, dù trái đã thâm vỏ nhưng vẫn được người mua vét hết.

Chị Le June - sống ở khu Sugarloaf, Atlanta - cho biết không chỉ người Việt Nam mà nhiều người bạn Mỹ của chị cũng rất thích uống cà phê G7, Trung Nguyên; ăn chôm chôm, sầu riêng Việt Nam. Thèm vài món Việt Nam, chị vào City Farmers Market mua nước cốt dừa nấu chè, nước dừa tươi kho thịt, bột Hương Xưa Mikko làm bánh xèo, bánh hỏi Ba Cây Tre ăn với thịt nướng. Thỉnh thoảng, nhớ xá xị Chương Dương, chị cũng đến mua ở đây.

Ẩm thực Việt lan nhanh

Chúng tôi thiệt bụng vui khi thấy nhiều món bánh dân gian Việt Nam: bánh tầm, bánh da lợn, bánh bò, bánh ít, bánh tét, bánh chưng... được bán hằng ngày trong chuỗi City Farmers Market (chợ HongKong) và Asian Pacific Market ở nhiều bang.

Bánh do các cơ sở sản xuất của người Việt tại Mỹ cung cấp mỗi ngày cho các siêu thị. Theo Hàn Nguyễn, có các loại này ngay ở Mỹ, cô thỏa được cái thèm bánh Việt Nam. Người nước ngoài sinh sống tại Mỹ đã chọn mua bánh Việt Nam nhiều, không thua gì các loại bánh tươi kiểu Âu.

Có một nhận định chung của nhiều người là "bếp ăn Việt Nam" (Vietnamese kitchen) đang lan rộng nhanh chóng ở Mỹ. Hầu như các khu thương mại, khu ẩm thực ở bang nào cũng có nhà hàng, quán ăn Việt Nam và đều đông khách. Thực khách không chỉ là người Việt mà rất đông người dân Mỹ và người Mỹ gốc Á, Âu, Phi tới các quán Việt Nam.

"Phở" có lẽ là từ thường thấy trong tên nhận diện nhà hàng Việt Nam dễ nhất, như: "What The Phở", "New Super Phở", "Phở Đại Nam", "Phở Filling", "I love Phở", "Wild Ginger Phở"… Song, có những nhà hàng dù bảng hiệu không ghi tiếng Việt nào mà bên trong thì thực đơn có đến 70%-80% là món Việt Nam, như Flying Monk Noodle Bar ở Savannah, Georgia; Bay Fusion ở Houston, Texas. Cứ thấy nhà hàng nào có hình ảnh tô phở, ổ bánh mì nhân thịt, gỏi cuốn, chả giò, ly cà phê sữa đá…, thực khách lập tức bảo nhau vào.

Chị Oanh Nguyễn cho hay trước đây, nơi đa dạng món ăn Việt Nam nhất là California. Giờ tại các bang khác ở Mỹ, ngoài những món phở, bún bò Huế, bánh mì, gỏi cuốn, chả giò, cà phê sữa đá được xem là nhận diện nhanh, các nhà hàng châu Á, nhà hàng Việt Nam đã đưa rất nhiều món ăn Việt khác vào thực đơn, như: bún riêu, bún mắm, bún thịt nướng, hủ tíu, cháo lòng, cháo vịt, cháo gà, cháo cá, cà ri gà Nam Bộ, cơm tấm, bánh bèo chén, cơm cá chiên (nguyên con), cơm chiên cá mặn… Món uống thì có nước đá chanh, nước mơ, nước tắc xí muội, nước mía, các loại chè…

Sự lan rộng nhanh chóng của ẩm thực Việt Nam đã khiến các nhà hàng Pad Thai, nhà hàng người Hoa cũng phải chọn vài món Việt đưa vào thực đơn để giữ khách. Ở chợ ẩm thực chuyên các món ăn Mễ cho cộng đồng người Mexico tại Georgia, chỉ có một gian ẩm thực Việt Nam lọt vào phục vụ chứ không có gian ẩm thực châu Á nào khác.

Bởi vậy, chị Oanh Nguyễn khẳng định người nhà, bạn bè sang Mỹ thăm hay du lịch giờ không lo khi đi chơi phải bấm bụng dùng các món bơ sữa, nhiều dầu mỡ hay thức ăn nhanh chẳng quen nữa.

Amber - 28 tuổi, sống ở quận Grinnett, bang Georgia - thích món ăn Việt Nam đến nỗi sau vài lần dùng món này món kia, cô đã dò hỏi cách nấu, rồi tự tay đi chợ mua nguyên liệu về làm thử từng món. Amber còn tự mày mò học đọc, viết tiếng Việt để có thể tra cứu cách chế biến các món ăn Việt Nam trên mạng.

"Đại sứ" cho du lịch?

Người nước ngoài nhận xét các món ăn Việt thường gói đủ chất đạm (thịt, cá), tinh bột (phở, bún, hủ tiếu, cơm…); rau củ, gia vị thì vừa đủ, không nhạt, không quá cay, không nhiều dầu mỡ, cân bằng, đủ chất, tốt cho sức khỏe. Món ăn đa dạng, giá cả phải chăng nên ẩm thực Việt Nam có triển vọng phát triển rất tốt, có thể trở thành xu hướng ẩm thực hàng đầu ở Mỹ trong tương lai.

Những hội chợ ẩm thực Việt được tổ chức ở nhiều bang vào dịp Trung thu, Tết Nguyên đán; những ngày chủ nhật hội ngộ sau thánh lễ ở nhà thờ để thưởng thức món Việt trong cộng đồng người Công giáo đã góp phần ghi dấu ấn, quảng bá ẩm thực Việt Nam.

Dấu ấn ngày càng sâu đậm từ ẩm thực Việt đã khiến giới trẻ trong các gia đình Việt Nam ngày càng mong muốn về quê hương du lịch, kéo theo bạn bè người nước ngoài của họ nữa.

Peter (sống ở Atlanta) từng đến Việt Nam năm 15 tuổi, nay vẫn nhớ cảm giác chiêm ngưỡng rất nhiều cảnh đẹp ở Đà Nẵng, Quảng Bình; thưởng thức nhiều món ngon ở TP HCM, miền Tây Nam Bộ. Mới đi làm được một năm, Peter nói đang dành tiền để quyết đi một chuyến đến Việt Nam trong năm tới. Kế hoạch của anh là đi Hạ Long, Hà Nội và phải ăn cho được món bún đậu mắm tôm, xem như thế nào. Chúng tôi đã nhận lời làm hướng dẫn viên cho Peter và các bạn của anh.

Chị Phương Thảo - sống ở TP Seattle, bang Washington - cho biết sẽ đưa gia đình chồng (người Mỹ) về Việt Nam vào đầu năm 2024. Nơi họ muốn đến là Mekong Delta (miền Tây Nam Bộ), muốn biết chợ nổi ở đây, muốn ăn hủ tiếu chính gốc...

Có thể thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của ẩm thực Việt tại Mỹ đang tạo đà để quảng bá về du lịch Việt Nam, gắn hình ảnh món ăn vào cảnh đẹp từng vùng miền một cách chân thật, gần gũi nhất. Lấy ẩm thực là "đại sứ" cho du lịch có thể thu hút du khách từ Mỹ vào Việt Nam, vừa có thể từ những món ăn Việt được yêu thích thúc đẩy hàng hóa Việt Nam vào Mỹ ngày càng nhiều hơn.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng; CafeF; Dân Trí; Người Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang