Thuê nhà ở Bắc Kinh; Chủ tịch hội SV ở Hà Lan; Mua nhà ở Đức; Thanh Thảo đón Noel ở Mỹ

Dân văn phòng Việt ở Bắc Kinh tiết lộ trải nghiệm thuê nhà ở ghép với người lạ khác giới

Cô gái người Việt chia sẻ những điểm khác biệt thú vị khi làm việc tại một công ty Bắc Kinh (Trung Quốc).

Câu chuyện thuê nhà ở ghép với người lạ vốn chẳng có gì mới. Hiện tại nhiều dân văn phòng đến làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn ở ghép để “cưa đôi tiền nhà", vừa dư thêm một khoản tiết kiệm vừa có bạn cùng phòng trò chuyện cho vui. Tuy nhiên, nếu không phải người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… hiếm ai dạn dĩ ở cùng người lạ khác giới.

Thế nhưng Diệu Linh - nữ văn phòng người Việt làm tại một công ty Công nghệ Thông tin ở Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ: “Ở Bắc Kinh, hầu hết các Bắc Phiêu (những người vùng khác đến Bắc Kinh làm việc) để tiết kiệm chi phí thì hầu hết sẽ thuê nhà xa khu trung tâm, tìm người ở ghép - chấp nhận cả người lạ khác giới.”

Thuê phòng ngủ 10 mét vuông giá 10 triệu đồng

Khi nghe Diệu Linh chia sẻ, khoan bàn về các tình huống nguy hiểm với góc nhìn của một người phụ nữ, chỉ cần liệt kê đến những hoạt động sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, vệ sinh, giao tiếp… cũng khá bất tiện.

Tuy nhiên, đây là bài toán tài chính cần chấp nhận.

“Giá thuê nhà ở Bắc Kinh khá đắt đỏ, ở nội thành giá thuê 1 phòng ngủ sẽ dao động tầm 5000 - 6000 tệ (khoảng 17 - 20 triệu đồng). Vì vậy để tiết kiệm chi phí thì những người đi làm như mình sẽ chọn thuê phòng ở ghép tại các ứng dụng cho thuê nhà - nơi kết nối giữa chủ nhà với khách hàng có nhu cầu đi thuê.

Hiện mình đang thuê 1 phòng ngủ có diện tích 10 mét vuông giá 3000 tệ (khoảng 10 triệu đồng) tại một căn có 3 phòng ngủ trong chung cư. Những người khác sẽ ở 2 phòng còn lại, 3 phòng dùng chung khu bếp và nhà vệ sinh. Hầu hết các căn chung cư ở đây đều là nam nữ người lạ ở ghép chung với nhau.”

Trường hợp này rất ít khi gặp tại Việt Nam, vậy nên Diệu Linh chia sẻ đây cũng là một chuyện lớn mà cô nàng cần thích nghi. “Sang nước ngoài làm việc, mình mới biết hoá ra nam nữ người lạ lại có thể ở ghép chung một căn hộ. Ban đầu mình khá ‘sốc' và rất ngại. Tuy nhiên ở lâu dần thành quen, mọi người đều đi làm nên cũng không gặp mặt nhau nhiều.”

Để giảm độ "chát" ví tiền, không chỉ miễn cưỡng ở cùng người lạ khác giới mà cô nàng còn phải ở xa trung tâm. “Mỗi ngày mình mất khoảng 3 tiếng đồng hồ chen chúc trên tàu điện ngầm chật kín người để di chuyển đến công ty. Tính ra thời gian đi làm ngốn 12 - 15 tiếng một ngày, gần như không đủ thời gian nghỉ ngơi và dành cho bản thân.”

Văn hoá chốn công sở ra sao?

Hơn 2 năm làm việc ở Bắc Kinh, Diệu Linh nhận ra điểm khác biệt so với văn hoá công sở của Việt Nam là mọi người phân biệt khá rạch ròi về mối quan hệ đồng nghiệp và bạn bè. “Khi ở Việt Nam, mình và đồng nghiệp như bạn bè, thường hẹn nhau đi ăn uống, vui chơi sau giờ làm hay cuối tuần. Còn ở đây tan làm hầu hết ai về nhà nấy, cuối tuần ngày nghỉ cũng hiếm nhắn tin cho nhau.

Giờ nghỉ trưa, mọi người cũng sẽ giống mình, tranh thủ đi tập gym. Tuy nhiên khá ít bạn mang cơm theo đi làm, đa số sẽ gọi đồ ăn ngoài hoặc ăn nhanh tại căng tin.”

Về khung giờ làm, cô nàng cho biết thời gian đi làm quy định từ 9h sáng kéo dài đến tận 7h tối. “Hơn nữa, ở đây ít khi mọi người ra về đúng giờ tan làm, thông thường sẽ ở lại tăng ca. Có những hôm mình phải tăng ca đến 11h tối, và tăng ca thì không có lương ngoài giờ. Buổi tối ai tan làm về muộn sẽ được miễn phí taxi.

Đặc biệt, mình nhận thấy công ty bên này họp khá nhiều, trung bình mỗi ngày đều họp. Có những cuộc họp bắt đầu từ 10h sáng và kết thúc lúc 7 - 8h tối, họp không nghỉ trưa mà chỉ được ăn trong khoảng 30 phút ngay trên bàn họp.”

Bù lại, Diệu Linh tiết lộ những lúc xế chiều buồn miệng, ở các công ty được phát miễn phí đồ ăn vặt như trà sữa, trái cây tươi... và mỗi khẩu phần ăn đều rất chất lượng.

Làm dân văn phòng Bắc Kinh vì… mùa đông có tuyết

Dù mức sống đắt đỏ, thời gian đi làm chiếm hết ⅔ một ngày, phải phân chia tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ… trong vòng 8 tiếng còn lại nhưng Diệu Linh cho hay bạn vẫn rất muốn ở lại Bắc Kinh làm việc.

“Trước nhất mình muốn thử thách bản thân, mỗi một trải nghiệm khiến mình càng trưởng thành, dũng cảm, tự lập để dám theo đuổi tự do hơn.

Ngoài ra, lý do khiến mình lưu luyến nơi đây là mùa đông có thể trượt tuyết. Bản thân mình vốn là một người thích thể dục thể thao, từ khi sang đây được tiếp xúc với bộ môn trượt tuyết, mỗi mùa tuyết đến, sân trượt chưa từng thiếu hình bóng của mình.”

Linh cho biết thêm, để tăng thêm thu nhập khi ở đây, bạn thi thoảng sẽ nhận làm mẫu ảnh, dịch thuật và buổi tối sẽ dạy kèm tiếng Trung.

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan: Kết nối, tăng cơ hội giao lưu sinh viên trong nước và quốc tế

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, bạn Phạm Thị Vân Anh - Chủ tịch Hội SVVN tại Hà Lan kỳ vọng, T.Ư Hội sẽ tiếp tục mở rộng cơ hội giao lưu sinh viên, giúp đỡ, tạo cơ hội kết nối giữa các Hội SVVN nước ngoài với tổ chức Hội trong nước để tăng tính gắn bó, chung sức thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến giúp sinh viên hội nhập quốc tế.

Trao đổi với PV, Vân Anh cho rằng, việc mở rộng cơ hội, tăng sự giao lưu, chia sẻ sâu rộng giữa các Hội giúp gia tăng kiến thức, bổ sung và cập nhật kỹ năng, thông tin cho cộng đồng sinh viên trong và ngoài nước. Qua đó, giúp quá trình hội nhập và tăng tính đoàn kết, gắn bó trong mạng lưới sinh viên. Sinh viên trong và ngoài nước là hai nguồn lực của Hội SVVN, hoàn toàn có thể bổ trợ lẫn nhau, giúp cho sự phát triển toàn diện của mạng lưới sinh viên.

Vân Anh cho biết thêm, Hội SVVN tại Hà Lan là Hội kết nghĩa với Hội SVVN TP Cần Thơ. "Hai hội đã hợp tác, giao lưu rất có hiệu quả, do đó chúng em muốn đẩy mạnh nhiều hơn tính kết nối, hợp tác với các Hội trong nước", nữ cán bộ Hội trẻ tuổi nói.

Trong quá trình hoạt động, Hội SVVN tại Hà Lan đã tổ chức hoạt động quảng bá về ẩm thực, đồ handmade (do chính tay sinh viên làm) và văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trong các sự kiện của các trường đại học, lễ hội tại các Đại Sứ quán trên toàn thế giới tại nước bản địa.

"Ngoài ra, chúng em có kế hoạch hợp tác tổ chức một số chương trình có nội dung quảng bá về văn hóa, nghệ thuật và con người Việt Nam với một số Hội Sinh viên quốc tế tại Hà Lan như Hội Sinh viên Trung Quốc, Indonesia", Vân Anh cho biết.

Với cương Chủ tịch Hội SVVN tại Hà Lan, tuy nhiệm kỳ mới bắt đầu, nhưng Vân Anh xác định rõ vai trò của mình là đại diện, là tiếng nói và là cầu nối của toàn thể các bạn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hà Lan. Nữ sinh cũng sẽ tiếp nhận và triển khai tốt các chủ trương, phong trào của T.Ư Hội SVVN để làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho cộng đồng sinh viên.

Thành tích nổi bật của Vân Anh:

- Học sinh chuyên Anh, THPT Chuyên Ngoại ngữ, GPA lớp 12: 9.7/10. - IELTS 8.5

- Đạt học bổng các trường đại học danh tiếng, như University of Sydney, Monash University.

- Theo học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế tại trường Rotterdam School of Management, Erasmus University. Chương trình giới hạn số lượng sinh viên tuyển vào (numerus fixus), với tỉ lệ cạnh tranh cao.

Theo Vân Anh, khó khăn lớn nhất đối với công tác Hội ở nước ngoài là phải tăng tính gắn bó trong cộng đồng sinh viên qua các hoạt động giao lưu, tương tác trực tiếp, do khoảng cách địa lý tương đối lớn giữa các thành phố.

Dẫu vậy, Vân Anh cho rằng: "Tuổi trẻ giúp em có được lợi thế tiếp cận, may mắn nắm bắt được nguyện vọng, tâm lý của các bạn sinh viên đồng trang lứa. Từ đó, em đã sát sao cùng cộng đồng sinh viên để kịp thời nắm bắt tình hình, tăng tính trọng tâm, có hiệu quả công tác sinh viên".

Để thể hiện bản sắc sinh viên Việt Nam tại Hà Lan, Vân Anh cho rằng, sinh viên Việt Nam đã và đang thể hiện thông qua sự uyển chuyển, khéo léo trong hòa nhập, chia sẻ những giá trị dân tộc với bạn bè quốc tế.

Sinh viên Việt tại nước ngoài có tinh thần học tập, tiếp thu rất tốt, đã khẳng định được vị thế của mình với bạn bè quốc tế qua nhiều mặt, đồng thời thúc đẩy giao lưu, tình bạn và đoàn kết và hữu nghị giữa sinh các nước, đặc biệt là đối với nước bản địa.

Riêng Vân Anh, em có tình yêu rất lớn với văn hóa, ẩm thực và trang phục dân tộc. Vì vậy, khi học tập ở một đất nước xa lạ, Vân Anh nhận thấy được những giá trị độc đáo của dân tộc Việt Nam góp phần tạo nên bản sắc cá nhân. "Em rất thích mặc áo dài, thích giới thiệu về áo dài và văn hóa, ẩm thực Việt với bạn bè quốc tế. Khi có thời gian, em hay nấu món ăn Việt mang lên trường cho bạn người Hà Lan và quốc tế ăn thử", Vân Anh kể.

Các hoạt động xã hội nổi bật của Vân Anh:

Năm 2018 - 2021: Sáng lập và điều hành dự án Ấm, gây quỹ từ thiện thông qua tổ chức các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật, bán đồ hand-made, ủng hộ lợi nhuận thường niên cho các bệnh nhân chạy thận và ung thư trẻ.

Năm 2020 - 2021: Sáng lập và điều hành dự án Tôi Tập Đọc, tổ chức các lớp học tăng cường kỹ năng, tăng cường đam mê đọc sách cho các em nhỏ tự kỷ tại trung tâm Sao Mai. Quyên góp hơn 200 đầu sách mới để thành lập thư viện di động cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2021 - 2022: Làm Tổng Thư ký Hội SVVN tại Hà Lan

Năm 2022 - 2023: Phó Chủ tịch HSVVN tại Hà Lan; Nhận giấy khen sinh viên có đóng góp đặc biệt cho công tác xây dựng và phát triển cộng đồng từ Đại sứ Ngô Hướng Nam.

Năm 2023 - nay: Chủ tịch Hội SVVN tại Hà Lan nhiệm kì 2023 - 2025; Ủy viên BCH Liên hiệp hội Thanh niên Sinh viên châu Âu (trẻ nhất).

Mua nhà ở Đức: Sổ đỏ cả tập dày

Tại Đức, hồ sơ sở hữu nhà là cả một tập giấy, hồ sơ này có thể được lưu giữ tại tòa án. Sau dịch, giá nhà đất tăng cao và nhà đất, bất động sản luôn là chủ đề nóng ở Đức.

Cộng đồng người Việt tại Đức là cộng đồng người gốc Á lớn nhất tại quốc gia này. Khá nhiều người gốc Việt đã có quốc tịch Đức hoặc có thường trú lâu dài đã mua nhà tại Đức.

"Bên này, giấy tờ nhà không phải một tờ như sổ đỏ hay sổ hồng như bên nhà mình đâu, mà là cả một tập hồ sơ sở hữu nhà. Khi nhận về, thấy tập hồ sơ khá dày, tờ nào cũng đóng dấu đỏ mình còn chẳng đọc hết mà đem cất", chị Vân Anh – một người đã định cư lâu dài tại nước Đức, hiện đang sống tại khu vực Nurnberg, bang Bayern - cho biết.

Chị Vân Anh mua nhà năm 2011, căn nhà có diện tích 90 mét vuông, xây 2 tầng, có sân đỗ được 2 xe ô tô. Tại bang Bayern nơi chị sống, nếu mua nhà và sở hữu, ở ổn định trên 10 năm sẽ không phải đóng thuế đất hàng năm nữa (tiền thuế đất là 300 EURO/1 năm). Chị Vân Anh cho biết may mà mình mua nhà từ hơn chục năm trước, bởi nếu mua ở thời điểm hiện tại, gia đình chị có thể không đủ tài chính để mua nhà. Giá căn nhà của chị so với thời điểm mua là năm 2011 đã tăng lên gấp khoảng 5-6 lần. Nhà đất, bất động sản tại Đức sốt nóng sau dịch, giá bán, giá thuê đều tăng chóng mặt. Chủ đề nhà đất, bất động sản luôn là chủ đề được quan tâm bậc nhất của người Đức.

Tại Đức, nhà nhiều tầng, cao ốc chỉ có ở khu vực trung tâm, còn vùng ven, ngoại ô các thành phố là nhà riêng hoặc dạng nhà chung cư có 4-5 tầng với nhiều căn hộ. Chị Vân Anh cho biết gần nhà có một khu chung cư đang xây dựng và rao bán, giá mỗi căn hộ 2 phòng ngủ là khoảng 600.000 đến 800.000 EURO, đắt gấp đôi so với trước dịch. Khu căn hộ được khởi công từ năm 2020 cho đến giờ vẫn chưa xong. Đức là đất nước nổi tiếng về công nghiệp và có tính kỉ luật cao, nhưng việc chậm tiến độ trong xây dựng vẫn là điều hay xảy ra. Chi phí xây dựng, chi phí nhân công ở Đức rất tốn kém.

Người sở hữu nhà trên 10 năm, không vay nợ ngân hàng sẽ được tòa án trả sổ đỏ, như trường hợp của chị Vân Anh. Nếu người mua nhà vay ngân hàng, hoặc ngôi nhà là đồng sở hữu của nhiều chủ, sổ đỏ sẽ được tòa án cấp cao ở địa phương giữ hộ.

Vợ chồng chị Quỳnh – anh Hà đã có có thẻ xanh thường trú lâu dài tại Đức, đã mua nhà và có vay ngân hàng. Vợ chồng anh chị cũng cảm thấy may mắn vì mua được đất vào năm 2019, trước khi giá đất tăng nóng tại Đức. Mảnh đất ở ngoại ô Berlin có mức giá là 325 EURO/1 m2 vào thời điểm đó theo anh chị là "tính ra chỉ chục triệu đồng cho 1 m2, rẻ hơn giá đất bên nhà mình rất nhiều". Tuy nhiên, giá xây dựng ở Đức khá cao, mảnh đất 400 m2 có giá mua tổng khoảng 120.000 EURO nhưng giá xây dựng căn nhà hết 200.000 EURO, cộng thêm chi phí hoàn thiện toàn bộ hết khoảng 100.000 EURO nữa. Tổng chi phí cho căn nhà là 450.000 EURO (tương đương khoảng 13 tỉ tiền Việt). Theo anh chị thì thủ tục xin cấp phép xây dựng tại Đức là khá phức tạp với nhiều loại giấy tờ, các đơn vị xây dựng thường nhận trọn gói từ khâu xin cấp phép đến hoàn thiện xây dựng căn nhà. So với thời điểm trước dịch, giá nhà đất tại Berlin hiện đã tăng lên gấp đôi.

Vợ chồng anh chị đã bỏ ra 30% và vay 70% chi phí tổng giá trị căn nhà, thời hạn vay trong 40 năm. Tại Đức và nhiều nước châu Âu, việc một người vay ngân hàng để mua nhà trong thời hạn khoảng 30-40 năm là điều bình thường. Với mua nhà đất, các ngân hàng thường có ưu đãi với việc sẽ không có khoản phí phạt khi trả nợ trước hạn. Giá nhà đất tăng và lãi vay ngân hàng cho mua bất động sản đã tăng nhiều trong thời gian qua. Do có vay ngân hàng, hồ sơ sở hữu của ngôi nhà của gia đình chị Quỳnh hiện đang được lưu giữ tại tòa án. Ngồi nhà vẫn có thể mua bán khi hồ sơ sở hữu được lưu giữ tại tòa án, 2 bên bán mua sẽ làm thủ tục và khi hoàn thành, tòa án sẽ tiến hành sang tên đổi chủ trong hồ sơ sở hữu nhà.

Chị Vân Anh cho biết những người có công việc ổn định, lâu dài tại Đức, các gia đình mà 2 vợ chồng đều thu nhập ổn định thì việc mua nhà là khá dễ dàng. Người mua luôn phải chứng minh được nguồn thu nhập, chứng minh "nguồn tiền sạch" mới có thể mua bán nhà. Sau khi chứng minh được thu nhập thì rất dễ để ngân hàng có thể cho vay. Với việc vay trong thời gian dài, khoảng 1/3 thu nhập sẽ được dành để trả nợ ngân hàng.

Tại Đức, khi mua bất động sản đầu tiên thì người mua sẽ phải đóng thuế chuyển nhượng là khoảng 3 đến 4,5% nhưng nếu mua từ bất động sản thứ 2 trở lên thì mức thuế chuyển nhượng là từ 8 đến 12%. Với bất động sản thứ 2, khi bán sẽ có qui định về thuế lợi nhuận, lợi nhuận được giám sát chặt chẽ. Nếu sở hữu bất động sản thứ 2 từ 10 năm trở lên rồi mới bán thì không phải đóng thuế lợi nhuận, nhưng nếu dưới 10 năm thì sẽ phải đóng thuế tới 43% số lợi nhuận thu được. Những qui định này nhằm hạn chế đầu cơ hay "lướt sóng" bất động sản tại Đức.

Tại Đức, khi sở hữu một ngôi nhà, chủ nhà ngoài đóng thuế đất còn tốn thêm khá nhiều loại chi phí, bao gồm điện, nước, phí gaz sưởi vào mùa đông, phí vệ sinh môi trường, rác thải, phí bảo trì nếu là căn hộ chung cư.

Theo những người Việt đang sinh sống ở đây, Đức là nước có chính sách cởi mở với việc đón người nhập cư, người lao động nước ngoài nên sức ép dân số lên quỹ nhà đất ngày càng tăng cao, giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng.

Biệt thự 2.000 m2 tại Mỹ đón Noel ấn tượng của ca sĩ Thanh Thảo

Doanh nhân Tom Han - chồng ca sĩ Thanh Thảo - tự trang hoàng biệt thự triệu đô của gia đình ở Mỹ, chuẩn bị đón Giáng sinh.

Thông tin trên Ngôi sao cho biết: Vợ chồng Thanh Thảo cùng con gái Talia hiện sống trong căn nhà trị giá gần ba triệu USD nằm trên núi ở bang California. Biệt thự cao hai tầng, có hai garage để xe hơi, 4 phòng ngủ và khuôn viên sân vườn rộng rãi. 'Búp bê' tiết lộ cơ ngơi này do chồng cô mua. Sau khi kết hôn, ca sĩ theo ông xã chuyển về đây ở. Góc sân nhà Thanh Thảo được chồng cô là anh Tom Han đặt hình nộm ông già Noel tay cầm túi quà, bên cạnh là đàn hươu gắn đèn nhấp nháy. Ca sĩ giải thích ông xã không thích chụp ảnh nên cô chỉ lén chụp được đôi tay anh Tom Han đang lắp cây thông Giáng sinh ở phòng khách, trong khi con gái Talia mải xem các tiết mục dành cho thiếu nhi. Nữ ca sĩ cảm thấy Giáng sinh năm nay với gia đình cô rất đặc biệt vì ngôi nhà của họ như được khoác áo mới sau khi trang trí.

"Giờ tôi mới nhận ra ông xã không phải khó tính, khó chịu mà do mình chưa biết dung hòa với anh mà thôi. Phải chi những năm trước tôi cũng chủ động mua sắm đồ về trang trí Noel, không im im đợi chồng tự làm mọi thứ thì đã có không gian sống đúng sở thích rồi", Thanh Thảo nói.

Vợ chồng Thanh Thảo bên nhau gần 8 năm. Họ sống chủ yếu ở Mỹ, thỉnh thoảng về Việt Nam thăm bạn bè, người thân, đi diễn hoặc du lịch. Về căn nhà của mình, trước đó, trên Phụ nữ Số, Thanh Thảo từng khoe đúng dịp Valentine vừa rồi.

Qua hình ảnh có thể thấy một cuộc sống sung túc, đầy đủ và hạnh phúc của cô trên đất Mỹ. Theo đó, dịp Valentine nữ ca sĩ bày tỏ sự bất ngờ khi được con gái vừa hát vừa đàn tặng nhân ngày lễ, dù còn nhỏ nhưng ái nữ nhà Thanh Thảo rất có năng khiếu nghệ thuật. Cô chia sẻ, ngoài việc đi hát, bản thân nữ ca sĩ khá rảnh rỗi và yêu thích công việc chăm sóc nhà cửa, cây cối. Thanh Thảo hiện là một trong những nữ ca sĩ có cuộc sống hạnh phúc trong showbiz Việt.

Nguồn: CafeF; Đoàn Thanh Niên; Phụ Nữ Việt Nam; 2Sao

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang