Người Việt hải ngoại: 'Săn' tuyết ở Tử Cấm Thành; 3 người bị Microsoft kiện tội lừa đảo; Mua nhà tại Canada

Du khách Việt may mắn được 'săn' tuyết rơi đầu mùa đẹp như phim ở Tử Cấm Thành (Trung Quốc)

(Ảnh minh họa).

Ngắm Tử Cấm Thành chìm trong lớp tuyết trắng xóa là mơ ước của không ít người.

Bắc Kinh luôn là điểm đến được nhiều người lựa chọn trong các chuyến du lịch Trung Quốc. Đặc biệt, vào mùa đông, một trong những trải nghiệm mà hầu hết du khách đều mong mong muốn chính là được ngắm tuyết rơi ở Tử Cấm Thành.

Theo thông tin từ các trang mạng xã hội Trung Quốc, ngày 10/12 vừa qua, Bắc Kinh đã đón trận tuyết lớn đầu mùa. Tuyết rơi khá dày, bao phủ nên mọi con đường và các di tích cổ. Khung cảnh Tử Cấm Thành chìm trong tuyết trắng đầy lãng mạn, thu hút cả người dân bản địa lẫn khách du lịch. Dự báo nói tuyết sẽ tiếp tục rơi trong những ngày kế tiếp, do đó, vé vào thăm Cố Cung đã nhanh chóng được mua hết. Một số du khách người Việt may mắn mua được vé vào và có trải nghiệm không thể nào quên.

Tuyết rơi lãng mạn ở Cố Cung Bắc Kinh qua ống kính du khách Việt

Một số du học sinh Việt Nam đang theo học tại Bắc Kinh đã kịp tới Tử Cấm Thành và ghi lại những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng giữa trời tuyết trắng.

Theo Nguyễn Thị Vân Anh (NCS thạc sĩ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc), năm nay mùa đông ở Bắc Kinh đến sớm hơn. Vì vậy, trước đó cả tuần, cô và nhóm bạn đã đặt vé tham quan Tử Cấm Thành. "Lúc mình đặt vé thì rất dễ, vé vào tham quan ngày 13/12 vẫn còn khá nhiều. Tuy nhiên, sau khi tuyết chính thức rơi vào ngày 10/12 dày hơn dự báo, cho nên mọi người mới hy vọng vào những ngày sau. Ngày 11/12 vào thứ 2 thì Tử Cấm Thành đóng cửa, nên khách đổ dồn vào ngày 13 - 14/12. Chỉ trong một buổi sáng có trận tuyết đầu tiên, vé 2 ngày sau đều hết sạch".

Trên thực tế, tuy Bắc Kinh thuộc khu vực khí hậu lãnh nhưng vì ở đây hanh khô, độ ẩm thấp nên tuyết rơi không thường xuyên và khá thưa thớt so với những nơi ở cùng vĩ độ. Bởi thế nên, muốn gặp được tuyết, một phần còn phụ thuộc vào may mắn. Do đó, không khó hiểu khi người dân và du khách phấn khích tột độ khi được chứng kiến những bông tuyết trắng xóa rơi xuống.

Tuyết rơi xuống phủ trắng các tòa cung điện, không khỏi khiến chúng ta liên tưởng tới những bộ phim truyền hình kinh điển của Hoa ngữ như Chân Hoàn Truyện, Như Ý Truyện, Bộ Bộ Kinh Tâm... Trong nền tuyết dày lộ ra những mái ngói lưu ly, bức tường, khung cửa màu đỏ sẫm. Hay những cành cây khẳng khiu trĩu xuống bởi những bông tuyết trĩu nặng đọng lại.

Du học sinh Trần Hồng Híng cùng người bạn Dương Hồng Nhung đã "cosplay" như trong phim cổ trang và có được một bộ ảnh ấn tượng. "Hôm đó em đi cũng đông lắm nên để có được những bức hình vắng người như vậy, chúng em chỉ căn được một số góc nhất định. Ngoài ra, cứ người trước đứng lên là mình phải đứng vào luôn rồi bấm máy chụp liên tục, về nhà sẽ lọc ảnh sau", Trần Hồng Híng nói.

Những lưu ý khi "săn" tuyết ở Tử Cấm Thành

Nói kỹ hơn về kinh nghiệm ngắm tuyết ở Tử Cấm Thành, Vân Anh cho rằng Bắc Kinh không nhiều tuyết, hoặc có thì cũng rất bé và nhanh tan. Song, một khi đã có những trận tuyết rất lớn thì để săn vé tham quan cực kỳ khó, kể cả đặt vé qua email cho người nước ngoài. Do đó, nếu muốn chiêm ngưỡng cảnh đẹp ngày đông thì phải dựa vào cả sự sát sao cập nhật tình hình thời tiết đến độ may mắn. "Khi dự báo tuyết sẽ rơi khoảng 40% - 50% là có thể đặt trước được rồi, hoặc có thể dựa vào tình hình của các đợt tuyết trước đó", Vân Anh nói.

Còn về trang phục, Vân Anh cho biết ở gần Cố Cung có rất nhiều tiệm cho thuê với giá cả dao động từ 398 tệ đến 700 - 800 tệ (tương đương 1,3 triệu đến 2,3 - 2,8 triệu đồng), bao gồm cả trang phục, makeup và làm tóc.

Tử Cấm Thành rất rộng và các khung cảnh đều rất đẹp, mọi người có thể đi dạo một vòng rồi ngắm dần, tranh thủ góc nào vãn người là đứng vào chụp ngay. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng ở đây không có dịch vụ chụp ảnh thương mại, do đó, những thợ chụp ảnh riêng thường đi theo diện bạn bè - mua vé vào cùng hoặc liên hệ với những người đã mua sẵn vé để hẹn lịch. Giá chụp trong vòng 1 tiếng khoảng 150 tệ đến 300 tệ (tương đương 490.000 đồng - 980.000 đồng).

"Ngoài ra, đến đây cũng không được mang theo đạo cụ kể cả các loại đạo cụ bé như ô cổ trang (ô bình thường thì được), nên nếu vào mọi người hãy lưu ý, nếu không sẽ phải mang đi gửi, khi nào ra mới được lấy lại, sẽ tốn công di chuyển", Vân Anh chia sẻ.

Thường những ngày có tuyết, lượng người đổ về Tử Cấm Thành lớn gấp nhiều lần, trong khi bình thường đã đông. Do đó, nếu không mua được vé vào thì Vân Anh gợi ý mọi người vẫn có thể thuê đồ và tới các địa điểm khác ở Bắc Kinh như Cố Lâu, Thiên Đàn, Di Hòa Viên...

3 người Việt bị Microsoft tố cáo tạo và bán hàng trăm triệu tài khoản để lừa đảo

Một nhóm 3 người Việt Nam vừa bị Microsoft tố cáo về việc tạo và bán hàng trăm triệu tài khoản nhằm mục đích lừa đảo.

Ngày 13.12, Microsoft đã tố cáo một nhóm gồm 3 người Việt Nam là Duong Dinh Tu, Linh Van Nguyen và Tai Van Nguyen về việc tạo và bán hơn 750 triệu tài khoản Microsoft nhằm phục vụ hoạt động lừa đảo, với số thu nhập bất hợp pháp lên đến hàng triệu USD.

Nhóm này được xác định đang hoạt động dưới tên tổ chức Storm-1152 và có địa chỉ ở Việt Nam.

Storm-1152 chủ yếu cung cấp tài khoản lừa đảo từ các dịch vụ của Microsoft như Hotmail và Outlook thông qua trang web bán tài khoản, các công cụ vượt mã Captcha, và quảng cáo trên các kênh truyền thông xã hội.

Công ty công nghệ hàng đầu thế giới cho biết, họ đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ về hành vi của nhóm.

Những tài khoản trực tuyến là những tài nguyên quan trọng trong các cuộc tấn công mạng, giúp tội phạm tự động hóa các chiến dịch tấn công và gây khó khăn trong việc phát hiện và ngăn chặn tài khoản độc hại.

Trong thông cáo, Microsoft tiết lộ rằng Storm-1152 đã tạo và bán khoảng 750 triệu tài khoản Microsoft, đồng thời gây khó khăn và tăng chi phí cho các tổ chức trong việc chống lại tội phạm mạng.

Nhóm này được cho là liên quan đến các chiến dịch đánh cắp dữ liệu và ransomware từ các nhóm tội phạm khác.

Sau khi phát hiện, các chuyên gia an ninh mạng cùng một bên thứ ba là Arkose Labs đã thực hiện phân tích, mua thử dịch vụ cũng như một số kỹ thuật đặc biệt để phát hiện nhóm đứng sau và cơ sở hạ tầng của nhóm.

Ngoài các cá nhân bị nêu tên, hiện tên miền website của nhóm này đã bị thu giữ bởi Microsoft, theo lệnh từ tòa án Mỹ. Một kênh YouTube chuyên hướng dẫn sử dụng dịch vụ trên YouTube cũng đã bị đổi tên.

Ngoài ra, Storm-1152 còn vi phạm điều khoản dịch vụ của Microsoft bằng cách bán tài khoản lừa đảo và giả mạo người dùng thông thường để vượt qua biện pháp bảo mật.

Các chuyên gia nhận định rằng, nhóm này có nguy cơ làm gia tăng sự hiệu quả và năng suất của tội phạm mạng thông qua dịch vụ của họ.

Những điều thú vị khi mua nhà tại Canada

(Ảnh minh họa).

Nhà đất là vấn đề rất được cộng đồng người Việt tại Canada quan tâm. Các hội nhóm về mua bán, thuê nhà của người Việt Nam tại Canada có rất đông thành viên, độ tương tác cao và mỗi khi có ai đó có câu hỏi, cần đến sự giúp đỡ luôn nhận lại được những hồi đáp nhiệt tình.

Tâm lý an cư, lạc nghiệp

Canada là đất nước rộng lớn, đa dạng về văn hóa, giáo dục cơ bản được miễn phí, y tế tốt và có chính sách nhập cư khá cởi mở. Chính bởi vậy, cộng đồng người gốc Việt định cư tại Canada khá lớn. Theo tham khảo từ một số nguồn thì ước tính hiện có khoảng hơn 250 nghìn người Việt, gốc Việt sinh sống tại Canada.

Cộng đồng người Việt tại Canada liên tục tăng với việc người Việt Nam sang định cư hoặc đi du học, làm việc tại nước này. Người Việt tại Canada gắn bó, với nhiều các hoạt động cộng đồng.

Chị Huyền Trang – một người đã sang định cư tại Canada - cho biết: "Người Việt Nam sống tại nhiều thành phố tại Canada như Montreal, Toronto, Ottawa, Oakville, Vancouver. Tâm lý an cư lạc nghiệp, có nhà riêng để ổn định cuộc sống lâu dài là tâm lý chung của người châu Á. Người Việt Nam và Trung Quốc là chăm mua nhà ở Canada nhất.

Với cộng đồng người Việt thì như tôi thấy, phụ nữ - người vợ trong nhà - thường là người quan tâm sâu sát nhất đến những biến chuyển của thị trường nhà đất, của lãi suất ngân hàng, và cũng thường là người quyết định việc mua nhà. Sinh viên du học, định cư ngắn thì thuê nhà, còn với 1 gia đình, mua được nhà vẫn là ổn nhất. Nhiều người mẹ Việt phải nói là "siêu nhân" trong việc mua nhà, quyết tâm rất cao và quyết đoán trong việc này".

Theo một số người Việt sống tại Canada, mức giá trung bình nhà đất tại Toronto và Vancouver là 1 triệu CAD, tương đương khoảng gần 18 tỉ đồng (CAD là đơn vị tiền tệ của Canada, thường được gọi là đô la Canada; tỉ giá hiện tại, 1 CAD tương đương 17.800 VND).

Gia đình chị Nguyễn Thái Thanh gồm 5 người, vợ chồng và 3 con nhỏ. Sang định cư tại Canada mới khoảng hơn 5 năm nhưng bà mẹ 3 con này đã có tới 3 lần mua nhà. Hành trình mua nhà được chị gọi là "hành trình từ nợ 170 nghìn CAD lên khoản nợ hơn 1tr CAD".

Đặt câu hỏi với chị rằng "ôm khoản nợ 1 triệu CAD này có mệt không?", chị Thanh trả lời rất dứt khoát: "Sợ gì, với lại mình có thu nhập từ nhà cho thuê để trả nợ ngân hàng".

Với chị Thanh, quyết định mua nhà từ trước dịch Covid-19 (năm 2019) là quyết định đúng đắn, bởi khi đó lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà thấp và nhà đất chưa "sốt" tại Canada. Từ sau dịch đến hiện tại, nhà đất ở Canada sốt nóng, giá tăng lên và lãi suất ngân hàng đã tăng nhiều. Hành trình mua nhà mà chị Thái Thanh chia sẻ dưới đây cho thấy nhiều điểm thú vị, qua đó cho thấy sự khác biệt trong giao dịch bất động sản tại Canada.

Chị Thanh kể: "Căn nhà đầu tiên tôi mua là căn hộ gồm 2 phòng ngủ nằm ở Vancouver. Nhà sát công viên, cách trường học của các con và chỗ làm của tôi 10 phút đi bộ. Căn này tôi mua giá 810 nghìn CAD. Thời điểm đó, chúng tôi có 20% còn lại 80% ngân hàng cho vay. Thuế sang tên là 15 nghìn CAD. Gia đình tôi ở đó từ tháng 7/2019 đến tháng tháng 11/2020, bán giá 890 nghìn CAD, tiền phí cho người môi giới là 28 nghìn CAD.

Căn nhà thứ 2 tôi mua vào tháng 2/2021, có 3 phòng ngủ. Nhà nằm ở Burnaby (ngay sát Vancouver), gần trung tâm mua sắm lớn, giá 930 nghìn CAD, thuế sang tên là 20 nghìn CAD nữa. Nhà mới cách nhà cũ 20 phút lái xe nên con tôi vẫn học ở trường học cũ được, tôi làm ở chỗ làm cũ. Chúng tôi ở từ 2/2021 đến 7/2022 và bán với giá 1 triệu 123 nghìn CAD.

Căn nhà thứ 3 chúng tôi mua vào tháng 9/2022, với giá 1 triệu 600 nghìn CAD, tương đương khoảng 28 tỉ đồng tiền Việt. Nhà đất, có 4 phòng ngủ, 2 phòng tắm và 1 nhà phụ phía sau với 1 phòng ngủ để cho thuê. Để mua căn nhà này, tôi đã vay 1 triệu CAD, thời hạn vay là 25 năm. Mức giá 1,6 triệu CAD cho căn nhà như thế này theo tôi là gần như rẻ nhất Vancouver, bởi giờ những căn nhà như thế này giá rất cao.

Căn nhà này thì nhà chính được xây dựng từ năm 1962, đã cách đây 60 năm rồi nên về ở thì chúng tôi có sửa lại. Người thân, bạn bè ở Việt Nam nghe thấy nói nhà xây 60 năm thì luôn ngạc nhiên. Tại Canada, nhà xây chủ yếu bằng gỗ, nhưng hàng trăm năm vẫn cứ tốt, không cần sửa chữa lớn. Căn nhà phụ được xây năm 2019, hiện cho thuê và mang lại nguồn thu ổn định.

Người bán nhà phải trả phí môi giới cho cả bên mua lẫn bên bán

Sau 3 lần mua nhà thì, chị Thanh đã rất rõ quy trình mua nhà ở Canada, với khá nhiều điểm thú vị, trong đó có cả việc được "mặc cả thoải mái".

Với người mua, việc đầu tiên là tìm môi giới (realtor). Đây là người đại diện cho mình. Người môi giới này sẽ liên hệ với môi giới của bên bán và giúp soạn hợp đồng trả giá. Bên này mua bán nhà đều qua môi giới chứ không mua bán trực tiếp. Người bán và người mua không biết nhau, mọi thứ thông qua người môi giới. Khi bán được nhà, người bán phải trả phí cho cả môi giới của mình và của người mua. Luật sư chỉ tham gia vào trong khâu cuối cùng để làm các thủ tục pháp lý liên quan đến thanh toán tiền và làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Để mua bán nhà, người mua sẽ trải qua quy trình trả giá và chốt mua bán. Người mua thích cái nhà nào thì sẽ soạn hợp đồng mua bán, ký tên và gửi sang cho môi giới của người bán. Người bán đồng ý thì ký tên vào đó, coi như hợp đồng có giá trị pháp lý luôn. Nếu không đồng ý thì trả giá lại bằng cách chỉnh sửa những gì không đồng ý rồi ký nháy vào đó và gửi trả lại cho người mua. Cứ thế trả giá qua lại, ký nháy vô cùng nhiều lần trên cái hợp đồng đó. Mỗi lần gửi hợp đồng đi thì thường có thời gian là 12 tiếng để suy nghĩ và phản hồi, hết thời gian đó mà không thấy trả lời gì tức là giao dịch không thành công.

Ở bên nhà mình trước đây, khi đi chợ, đi mua sắm, các bà các mẹ vẫn hay trả giá, mặc cả, giờ đây việc mặc cả như xưa ít đi nhiều rồi vì có giá chung. Qua bên này, mua bán nhà cửa vẫn cứ được trả giá qua lại, nói vui như ở nhà là "cứ mặc cả thoải mái".

Trong hợp đồng mà người mua gửi sang cho người bán có thể kèm các điều kiện, chẳng hạn như "tôi sẽ mua cái nhà này với giá này, với điều kiện là ngân hàng cho tôi vay tiền", "với điều kiện là tôi được kiểm tra nhà xem có ổn không", "tôi sẽ mua với điều kiện là tôi bán được cái nhà đang ở"… và phải đưa ra các mốc thời gian cụ thể của các điều kiện này để cho người bán biết. Trong lúc thị trường nóng sốt thì người mua đôi khi bỏ hết các điều kiện, chỉ đưa ra giá thôi, người bán đồng ý là hợp đồng có hiệu lực, giao dịch thành công luôn, không phải chờ đợi.

24h sau khi hợp đồng có hiệu lực là người mua phải đặt cọc, thường là 5% giá trị căn nhà. Nếu không đặt cọc và không xin gia hạn thì hợp đồng bị "bể" và có nguy cơ bị kiện. Nếu người mua đã đặt cọc rồi mà vì lý do nào đó không mua được nhà nữa thì mất luôn tiền cọc và có nguy cơ bị kiện. Việc kiện tụng tại Canada là rất rắc rối, tốn tiền và tốn rất nhiều thời gian nên chẳng ai muốn điều này xảy ra.

Trên hợp đồng mua bán nhà sẽ nói rõ ngày nào là ngày thanh toán hết tiền nhà và ngày nào nhận nhà. Tất cả đều được thỏa thuận trong hợp đồng, muốn thay đổi gì thì phải có sự đồng ý của đôi bên bán mua, làm phụ lục rất rõ và 2 bên cùng ký vào.

Chuyển sang Canada định cư là đến một đất nước xa xôi và rộng lớn, nhưng thân thiện và rộng mở cơ hội. Có lẽ chính bởi vậy, những người phụ nữ Việt đã luôn có sự quyết đoán hơn, táo bạo hơn trong việc mua một căn nhà, để từ đó ổn định cuộc sống, xây dựng tổ ấm bên những người thân yêu.

Nguồn: CafeF; Lao Động; Phụ Nữ Việt Nam

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang