Người Việt hải ngoại: Sân chơi thể thao tại Singapore; Cuộc thi dịch tiếng Việt ở Nga; Tôn vinh tiếng Việt ở HQ; Dựng doanh trại cho Ghana

SÂN CHƠI THỂ THAO CHO NGƯỜI VIỆT TẠI SINGAPORE

Đại hội thể thao “Văn Lang Sports Competition 2024” nhằm tạo ra một sân chơi cho cộng đồng người Việt tại Singapore, thu hút số vận động viên tham gia lớn nhất từ trước tới nay.

Ngày 31/3, tại trung tâm thể thao Penjuru, Singapore, đã diễn ra lễ khai mạc Đại hội thể thao của cộng đồng người Việt mang tên “Văn Lang Sports Competition 2024," do Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.

Đây là đại hội thể thao thường niên lớn nhất của cộng đồng người Việt Nam tại Đảo quốc Sư tử, thu hút sự tham dự của gần 350 vận động viên, tranh tài ở 4 nội dung thi đấu gồm bóng đá, tennis, cầu lông và cờ vua, diễn ra trong 3 cuối tuần liên tiếp tại 7 điểm thi đấu khác nhau, với 28 giải thưởng, tổng trị giá 6.000 đôla Singapore (gần 4.500 USD).

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Ngọc Thạch Anh, Trưởng ban Tổ chức, cho biết Đại hội thể thao “Văn Lang Sports Competition” được hình thành từ giải thi đấu bóng đá Hùng Vương lần đầu tiên được tổ chức năm 2014, với mục đích tạo ra một sân chơi cho cộng đồng người Việt tại Singapore, qua đó tăng cường sự giao lưu, gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần nâng cao phong trào rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại hội thể thao “Văn Lang Sports Competition” là một trong nhiều chương trình hoạt động thể thao, văn hóa do Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt phối hợp với Hội Thanh niên Sinh viên tổ chức cho học sinh, sinh viên nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung tại Singapore, nhằm tạo sân chơi giao lưu lành mạnh, bổ ích, gắn kết đam mê, lan tỏa tinh thần và hướng đến một mục tiêu “Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore rèn luyện, xây dựng toàn diện về cả đức, trí, thể, mỹ."

Bà Tạ Thùy Liên, Trưởng Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt tại Singapore, cho biết đại hội năm nay có quy mô lớn hơn, thu hút số vận động viên tham gia lớn nhất từ trước tới nay. Việc có thêm môn thi đấu cờ vua là nhằm mở rộng thành phần độ tuổi của vận động viên, hướng tới một ngày hội thể thao của các gia đình người Việt Nam tại Singapore. Đại hội thể thao năm nay đã thu hút được sự tham dự của các vận động viên nhí tham dự, trong đó vận động viên nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng đánh giá đây là giải thể thao thường niên của cộng đồng được tổ chức từ năm 2014, đến nay đã tròn 10 năm. Dịp này cũng là 10 năm kỷ niệm thành lập Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt. Đại hội thể thao này ngày càng thu hút bà con tham gia với con số đông nhất từ trước tới nay, thể hiện uy tín ngày càng tăng của đại hội thể thao thường niên này.

Đại sứ Mai Phước Dũng cũng đánh giá cao Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt cũng như Hội Thanh niên Sinh viên đã có sáng kiến tổ chức đại hội thể thao hết sức ý nghĩa, ngoài tăng cường thể lực còn tăng cường tính gắn kết lẫn nhau qua đó để hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau những niềm vui, khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Ông hy vọng đại hội thể thao “Văn Lang Sports Competition” sẽ tiếp tục phát triển, lan tỏa ra cộng đồng người Việt tại Singapore./.

PHÁT ĐỘNG CUỘC THI PHIÊN DỊCH TIẾNG VIỆT TOÀN NGA

Ngày 30/3 tại trường đại học Quan hệ quốc tế MGIMO, Bộ ngoại giao LB Nga, đã diễn ra cuộc thi phiên dịch của các sinh viên học tiếng Việt và Việt Nam học trên toàn nước Nga ở trình độ chuyên nghiệp. Hai kỳ trước là cuộc tranh tài của các sinh viên năm cuối và học viên cao học. Năm nay lần đầu tiên cuộc thi dành sân chơi cho sinh viên năm thứ hai.

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, cuộc thi được tổ chức theo hình thức hỗn hợp, với hình thức trực tiếp cho các sinh viên tại Moskva, và trực tuyến cho sinh viên các thành phố khác như Vladivostok - thành phố có múi giờ sớm hơn Moskva tới 5 giờ, và St. Petersburg, một trung tâm dạy tiếng Việt lớn khác của LB Nga.

Hình thức thi dành cho 21 sinh viên đại diện cho ba khối là năm cuối, năm hai và cao học, gần tương đồng, bao gồm dịch nói Nga-Việt, Việt-Nga những câu ngắn thuộc lĩnh vực chính trị-xã hội. Các em năm cuối thì so tài với học viên cao học trong dịch nói những đoạn văn khoảng 200 từ. Trong 40 giây chuẩn bị, các nhà Việt Nam học tương lai sẽ cần phải chuyển dịch từ tiếng Nga mẹ đẻ sang tiếng Việt và ngược lại thông tin về chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, về thực trạng nền kinh tế Nga hay vai trò của ASEAN.

Ban giám khảo gồm những phiên dịch chuyên nghiệp và có thâm niên của Nga và Việt Nam, cựu Đại sứ Nga tại Việt Nam Andrey Tatarinov, các nhà ngoại giao Nga hiện công tác tại Việt Nam, tham tán, người thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Đoàn Khắc Hoàng, Giám đốc Quỹ "Truyền thống và Hữu nghị" Nguyễn Quốc Hùng. Vì vậy ngoài những đánh giá chuyên môn cho các thí sinh thì chính các thành viên ban giám khảo còn là hình mẫu về nghề nghiệp tương lai cũng như tấm gương về con đường sự nghiệp trong chuyên ngành Việt Nam học.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, Phó Giáo sư ngôn ngữ học, trưởng Ban đào tạo ngôn ngữ MGIMO Marina Chigasheva nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của LB Nga. Bà đặc biệt lưu ý đến những sự kiện tích cực gần đây nhất trong quan hệ song phương như cuộc điện đàm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/3, trong đó có đề cập đến hợp tác kinh tế thương mại và nhiều định hướng hợp tác khác.

Bà Chigasheva cho rằng việc cuộc thi được tổ chức lần thứ ba và chắc chắn sẽ trở thành thường niên nói lên tính chất bền vững của quan hệ giữa hai nước và kèm theo đó thể hiện nhu cầu thực tế đối với nghề phiên dịch tiếng Việt, Việt Nam học tại LB Nga.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giám đốc Quỹ hỗ trợ hợp tác Nga-Việt "Truyền thống và Hữu nghị" Nguyễn Quốc Hùng, cũng là một dịch giả Nga-Việt có thâm niên, cho biết, đồng hành cùng cuộc thi sang mùa thứ ba, ông nhận thấy chất lượng cuộc thi ngày càng tăng. Lo ngại về một khoảng trống nối tiếp giữa các thế hệ Việt Nam học tại Nga cũng như Nga học tại Việt Nam, ông Hùng khẳng định Quỹ sẽ tập trung hoạt động tài trợ cho việc khích lệ, động viên các em sinh viên cũng như các thầy cô giáo trong dạy và học tiếng Việt và tiết lộ Quỹ đang mong muốn xúc tiến và sẵn sàng hỗ trợ đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường phổ thông Nga.

Tham tán Vụ châu Á 3 Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nesterov ghi nhận công tác tổ chức cuộc thi ngày càng chuyên nghiệp, thu hút được sự tham gia của sinh viên trên toàn nước Nga. Ông vui mừng xác nhận mối quan tâm đến tiếng Việt đang gia tăng trong những năm gần đây từ phía chính quyền cũng như doanh nghiệp Nga, và tin tưởng rằng với đường lối xoay trục sang hướng Đông của Nga đang ngày càng được củng cố thì số lượng các chuyên gia tiếng Việt được đào tạo sẽ càng tăng.

Qua ba kỳ tổ chức với con số sinh viên tham gia ngày càng tăng, cuộc thi dịch đã khẳng định sức hấp dẫn và chất lượng trong việc dạy và học tiếng Việt tại LB Nga. Với những sinh viên thi lần thứ hai, thứ ba, cuộc thi là dấu mốc về sự tiến bộ, còn với những sinh viên lần đầu tham dự, vai trò đại sứ ngôn ngữ dẫu nghe rất vinh dự, song không hề dễ dàng.

Mikhail - học viên cao học năm thứ nhất MGIMO, vẫn chưa hết run sau khi thi, chia sẻ rằng anh muốn kiểm chứng khả năng nói tiếng Việt, so sánh với các bạn cùng nghề từ tất cả các nơi trên nước Nga. Đã học bốn năm đại học và một năm cao học song dịch Nga-Việt vẫn là một thử thách "toát mồ hôi" với Mikhail.

Còn với Arina - sinh viên i học ngôn ngữ quốc gia Moskva (MGLU), cuộc thi là một thử thách rất khó, sự cạnh tranh cao. Trong lần đầu dự thi, kết quả chưa cao không làm Arina nản lòng mà càng khiến em quyết tâm hơn trong cuộc thi lần sau, cũng như không làm "lung lay" quyết tâm theo đuổi nghề tiếng Việt.

Với ba nhóm đối tượng thi, cơ cấu giải thưởng cũng chia thành ba nhóm giải. Ban tổ chức cũng dành những giải "đặc biệt" cho người phát âm hay nhất, giải cho ý chí giành chiến thắng cao nhất.

Phần thưởng từ cuộc thi, những lời động viên từ nhà ngoại giao kỳ cựu A. Tatarinov và tham tán, người thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Đoàn Khắc Hoàng, đại diện Trung tâm ASEAN tại MGIMO, đã khép lại cuộc thi, nhưng cũng mở ra một chặng đường phấn đấu và rèn luyện mới của các nhà Việt Nam học tương lai, một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ những người đang vun đắp và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga.

TÔN VINH TIẾNG VIỆT VÀ KHAI GIẢNG LỚP TIẾNG VIỆT TẠI HÀN QUỐC

Ngày 31/3, Lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt và Khai giảng lớp tiếng Việt cho trẻ em gia đình đa văn hóa năm 2024 tại Hàn Quốc đã được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.

Đây là hoạt động đầu tiên được tổ chức để hưởng ứng Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” nhằm tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Tham dự hoạt động có bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Đoàn công tác; ông Vũ Hồ, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc; cán bộ nhân viên Đại sứ quán cùng Ban chấp hành Hội, các chi hội người Việt Nam ở Hàn Quốc và nhiều gia đình, con em người Việt Nam đang sinh sống ở Hàn Quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết đây là lễ phát động đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và sẽ được nhân rộng trên toàn thế giới.

Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc trong việc truyền lửa giữ gìn văn hóa, tiếng Việt trong thời gian qua, trong đó có các hoạt động hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Nhấn mạnh tiếng Việt là hồn cốt của dân tộc, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng muốn giữ gìn văn hóa, truyền thống của ông cha, của dân tộc ta thì trước hết phải giữ gìn tiếng Việt.

“Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, việc dạy tiếng Việt là để các cháu gắn bó với cha mẹ, ông bà”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thông tin, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, qua đó thúc đẩy nhiều hoạt động như tổ chức các cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, xây dựng các tủ sách, cung cấp sách giáo khoa tiếng Việt, chương trình Gala Tiếng mẹ thân thương...

Phát biểu khai giảng lớp học, bà Lê Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc bày tỏ mong muốn qua việc học tiếng Việt, các con em sẽ không chỉ nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và truyền thống của đất nước Việt Nam.

Học tiếng Việt không chỉ giúp các em phát triển bản thân mà còn góp phần gắn kết tình thân hơn giữa các thành viên trong gia đình, giữa các gia đình Việt nơi xứ người và góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc ngày một đoàn kết, vững mạnh và luôn hướng về quê hương, đất nước.

Cô giáo Bùi Lan Anh cho biết, mục tiêu của lớp học năm nay là hướng các con tiếp cận với tiếng Việt thông qua các chủ đề gần gũi với đời sống hàng ngày như gia đình, nhà trường, đồ chơi, giao thông… và thông qua các hình thức phong phú đa dạng như câu đố, bài hát, trò chơi và các tình huống giao tiếp hàng ngày, giúp các con vừa học, vừa chơi, vừa phát triển năng lực ngôn ngữ, tạo cho các con hứng thú, say mê với việc khám phá tiếng Việt.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã tặng sách tiếng Việt cho thầy cô và các cháu với mong muốn các cháu sẽ có một năm học thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Theo thống kê, hiện có khoảng gần 300 ngàn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong đó số phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc chiếm tới hơn 70 ngàn người. Các con em được sinh ra trong một gia đình đa văn hóa Việt - Hàn với sự hòa trộn của 2 nền văn hóa, 2 ngôn ngữ, 2 chữ viết... không chỉ là sự khác biệt mà còn là một lợi thế lớn.

Giỏi tiếng Việt, thấm nhuần văn hóa Việt sẽ giúp các em có thêm nhiều cơ hội để phát huy giá trị bản thân. Nhiều bà mẹ mong muốn con mình nói được tiếng Việt để tình mẫu tử được bền chặt, cũng như giúp con hiểu được văn hóa cội nguồn Việt Nam.

Bên cạnh giữ gìn Tiếng Việt, lan tỏa Tiếng Việt cũng là việc làm rất cần thiết ở nước ngoài, bởi tiếng Việt còn là phương tiện góp phần truyền bá bản sắc văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế. Đặc biệt, không chỉ có người Việt mà ngày càng có nhiều người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt để đến Việt Nam sinh sống, làm việc.

Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Một số gia đình kiều bào chưa thật sự quan tâm tới việc dạy tiếng Việt cho con em; đội ngũ giáo viên còn thiếu, chủ yếu là do kiều bào, du học sinh tự nguyện đảm trách, nhưng kỹ năng sư phạm còn hạn chế; mặt khác, chưa có địa điểm dạy học cho cộng đồng, trang thiết bị, sách giáo khoa còn thiếu thốn.

Trong nhiều năm qua, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã liên tục tổ chức các lớp tiếng Việt thường niên cho con em gia đình đa văn hóa và con em người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc, triển khai các cuộc thi trong cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nhằm đa dạng hóa các hoạt động, cổ vũ, khuyến khích và lan tỏa tới cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, tình yêu và niềm đam mê học tập, gìn giữ tiếng Việt.

KHỞI CÔNG XÂY DỰNG DOANH TRẠI CHO QUÂN ĐỘI GHANA

Nhận nhiệm vụ từ Phái bộ UNISFA, Đội Công binh Việt Nam đã bắt tay vào khởi công xây dựng doanh trại cho Tiểu đoàn Bộ binh Ghana (đơn vị đảm nhiệm khu vực phân khu Nam của Phái bộ) tại Rumamier - nơi được đánh giá là điểm nóng về nguy cơ mất an ninh, an toàn tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei.

Nằm cách căn cứ Highway 35km về phía Nam khu vực Abyei, thời gian qua, địa bàn Rumamier là nơi diễn ra nhiều vấn đề mất an ninh tại khu vực.

Khảo sát cho thấy, đây là nơi có nhiều ao, hồ tự nhiên lớn, đặc biệt vào mùa khô, hệ thống này đảm bảo nguồn cung chính về nước sinh hoạt cho người dân cũng như chăn, nuôi gia súc.

Vậy nhưng không khó để đoàn khảo sát tìm thấy những ngôi làng bị bỏ hoang ngay tại nơi được coi là khởi nguồn sống.

Hàng trăm nóc nhà phủ bụi, vật dụng sinh hoạt như xô, chậu, gàu nước, bàn ghế, quần áo…ngổn ngang khắp nền đất. Nếu nói toàn bộ người dân nơi này đã biến mất trong một đêm có lẽ cũng không sai.

Đối mặt với nạn cướp bóc có vũ trang và gần đây là những vụ tấn công, giết người do xung đột sắc tộc vào cuối tháng 2 vừa qua, đã khiến người dân lo sợ, kéo theo toàn bộ gia đình cùng đàn gia súc di tản về phía Bắc.

Trước đó, đây là vị trí đóng quân tạm thời của một đơn vị Ghana. Tuy nhiên do địa hình đặc thù, vào mùa mưa gần như tất cả các tuyến đường cũng như doanh trại đều ngập trong biển nước, không thể di chuyển, nên chỉ sử dụng được vào mùa khô.

Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho khu vực Rumamier, Phái bộ UNISFA đã yêu cầu tăng cường sự hiện diện quân sự tại địa bàn; tổ chức lực lượng với quân số 55 người thường trực; đồng thời, triển khai cho Đội xây dựng căn cứ cố định cho đơn vị Ghana.

Đại tá Nguyễn Việt Hưng, Đội trưởng Đội Công binh, cho biết: “Ngay khi nhận nhiệm vụ chúng tôi đã xác định hai công việc chủ chốt.

Về chuyên môn công binh, trước mắt phải nâng cấp về hạ tầng nền đất. Đây là tiền đề để đảm bảo triển khai có hiệu quả các công tác tiếp theo như xây dựng bãi đỗ trực thăng, dựng doanh trại…

Song song với đó, phối hợp tích cực với đơn vị bạn, bảo đảm an ninh an toàn cho cán bộ, nhân viên của đội khi thực hiện nhiệm vụ xa căn cứ”.

Dưới thời tiết nắng gắt hơn 40 độ C, không một bóng mát nhưng với tinh thần quyết tâm, cán bộ, nhân viên Đội đã nhanh chóng lắp ghép, bố trí lều, bạt đảm bảo nơi ăn, chốn ở, chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn nằm xa căn cứ.

Thiếu tá Nguyễn Anh Vinh, Phân đội trưởng Công trình 2, Đội Công binh Việt Nam, chia sẻ: “Tranh thủ ngày nghỉ, các phân đội đã phối hợp, bố trí lực lượng gồm 35 người, cùng với hệ thống xe, máy công binh di chuyển sớm lên địa bàn để nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ đột xuất”.

Đây được coi là một trong những dự án trọng điểm của Phái bộ. Theo dự kiến, toàn bộ hệ thống doanh trại cố định được triển khai xây dựng trong vòng 45 ngày.

Đội Công binh đã đặt chỉ tiêu hoàn thiện dự án sớm vào đầu tháng 5, sẵn sàng đưa công trình vào sử dụng trước khi mùa mưa bắt đầu.

Nguồn: VTV4; Báo Tin Tức; Báo Pháp Luật; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang