Người Việt hải ngoại: Nhận bằng khen ở Nhật; Thoát cảnh tắm nhờ ở Nhật; Giúp Philippines hốt trọn ổ lừa đảo; Dạy tiếng Việt tại Mỹ

MỘT NGƯỜI VIỆT NHẬN BẰNG KHEN TỪ CẢNH SÁT NHẬT BẢN

Cảnh sát tại đồn Matsudo Higashi tỉnh Chiba đã gửi thư cảm ơn tới học sinh trung học năm thứ hai Saito Rio (17 tuổi) và Nguyễn Thị Quỳnh (27 tuổi) quốc tịch Việt Nam đang làm việc bán thời gian tại cửa hàng 7-Eleven Matsudo-Kitakogane.

Vào ngày 17 tháng trước, khi thấy một người đàn ông khoảng 70 tuổi ghé thăm cửa hàng tiện lợi và nói rằng: “Tôi đến mua tiền điện tử trị giá 500.000 yên để cho con cháu tôi”, hai người đã nghi ngờ và báo cáo cho cảnh sát. Nhờ có việc báo cáo này mà cảnh sát đã ngăn chặn được một vụ lừa đảo tiền bạc được xếp vào dạng gian lận đặc biệt.

Được biết khi ông lão đang xem video trên máy tính thì hiện lên thông báo bị nhiễm virus yêu cầu ông gọi đến số hiển thị trên màn hình để sửa chữa. Khi ông gọi thì có người bảo ông đi mua tiền điện tử.

Saito chia sẻ rằng khi tôi hỏi ông lão muốn sử dụng như thế nào cô đã cảm thấy nghi ngờ. Mặc dù lo lắng nhưng cô rất vui vì đã ngăn chặn được sự việc đáng tiếc xảy ra.

LAO ĐỘNG VIỆT VỠ ÒA TÌM ĐƯỢC VIỆC, THOÁT CẢNH TẮM NHỜ SAU ĐỘNG ĐẤT Ở NHẬT

Sau hơn 2 tháng thất nghiệp do ảnh hưởng của trận động đất, Quỳnh (21 tuổi, quê Hải Dương) vỡ òa lúc nhận được thông báo đã đỗ đơn hàng ở công ty chế biến rong biển tại tỉnh Chiba (Nhật Bản).

2 tháng thất nghiệp dài như cả năm

Gần 10 ngày qua, Nguyễn Thị Quỳnh (21 tuổi, Yên Dũng, Bắc Giang) không lúc nào rời mắt khỏi chiếc điện thoại, cô đang chờ công ty thông báo lịch đi làm. 16 người cùng công ty lánh nạn tại thành phố Hakui, tỉnh Ishikawa, Quỳnh là người thứ 12 tìm được việc.

"Một công ty chế biến rong biển ở tỉnh Chiba đến tận nơi chúng tôi ở để phỏng vấn. Ngày 4/3 họ gọi báo tin tôi đã được nhận vào làm tại công ty, còn chị gái và 3 người khác vẫn chưa tìm được việc. Hai chị em tôi đi cùng đơn hàng, sang Nhật làm cùng công ty, nhưng sắp tới khả năng không ở gần nhau nữa", Quỳnh nói.

Tìm được công việc mới, Quỳnh gọi về Việt Nam báo tin vui với mẹ. Song ở Nhật, cô gái trẻ vẫn thấp thỏm, nửa mừng, nửa lo vì chưa biết khi nào công ty gọi đi làm.

Quỳnh chia sẻ, hơn 2 tháng thất nghiệp, cô và những người Việt khác may mắn được nghiệp đoàn hỗ trợ, miễn phí nơi ăn chốn ở trong lúc tìm việc.

"Xin được việc nhưng tôi nửa mừng, nửa lo vì không được làm ở công ty cũ nữa. Không biết ở công ty mới có đối xử tốt như công ty cũ", Quỳnh băn khoăn.

Cô gái quê Bắc Giang thở dài, mới thất nghiệp hơn 2 tháng mà "cảm tưởng dài như cả năm". Từ sau trận động đất, Quỳnh và đồng nghiệp sống nhờ khoản tiền trợ cấp từ công ty cũ, 2 tháng đó cô và chị gái không gửi được đồng nào về quê.

"Nếu không thất nghiệp vì động đất, giờ này 3 chị em tôi đã trả được hết nợ cho mẹ. Như dù sao tôi cũng cảm thấy mình may mắn vì tìm được việc sớm trong khi nhiều người vẫn đang thất nghiệp", Quỳnh nói.

Có chút lo lắng về công việc, chỗ làm mới, song cô gái trẻ tự trấn an bản thân cố gắng để thích nghi nhanh nhất có thể. Quỳnh hy vọng công việc mới sẽ thuận lợi để cuộc sống trở lại bình thường như trước.

Thoát cảnh xếp hàng đi tắm nhờ

Cách đây gần 1 tuần, chị Phan Thị Hiền (29 tuổi, quê Hải Dương) sống tại thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) nhảy cẫng lên khi chủ nhà báo tin xóm trọ đã được cấp nước trở lại.

"Gần tuần nay, tôi mới thoát khỏi cảnh xếp hàng đi tắm nhờ", chị Hiền vui mừng.

Nữ thực tập sinh cho biết, sau trận động đất, khu vực chị sinh sống phải chịu ảnh hưởng nặng nề, suốt hơn 2 tháng không có nước. Trong lúc khó khăn, may mắn được quân đội hỗ trợ cho nước sinh hoạt.

"Hằng ngày, mọi người đến xếp hàng, lấy số thứ tự rồi chờ tới lượt để tắm. Giặt quần áo cũng đến lấy số, tôi thường tích trữ quần áo một tuần mới đi giặt một lần.

Chỗ tắm gần nhà, còn chỗ lấy nước sinh hoạt phải đi bộ hơn 1km. Nước uống chúng tôi chung nhau tiền mua ngoài siêu thị về uống", chị Hiền nhớ lại.

16h chiều, sau khi tan làm, chị Hiền vội vàng về phòng lấy quần áo chạy tới chỗ tắm để xếp hàng. Có lần, người phụ nữ chờ gần 2 tiếng mới đến lượt do người đông còn diện tích phòng tắm lại bé.

"Đi làm về rất mệt, nhiều bữa chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi nhưng vẫn phải cố để được tắm", nữ thực tập sinh chia sẻ và hy vọng chuyện này không bao giờ gặp lại.

Từ ngày có nước, cuộc sống của chị Hiền cũng dần ổn định, người phụ nữ gọi về báo cho gia đình, người thân ở Việt Nam để họ bớt lo lắng.

Chị là một trong số 7 người Việt từng mắc kẹt sau trận động đất và được giải cứu. Người phụ nữ quê Hải Dương sang Nhật hồi tháng 10/2023, mất 1 tháng học ở nghiệp đoàn, chị chính thức đi làm được 1 tháng thì trận động đất xảy ra. Tuy nguy hiểm đã qua nhưng khi nghĩ lại khoảng thời gian đó, chị không khỏi rùng mình.

"Tôi nghỉ làm mất hơn 1 tháng và mới đi làm trở lại. Lúc bị mắc kẹt, tôi và những người khác nghĩ chắc không sống nổi, đến giờ vẫn còn sống là một niềm may mắn. Do đó, hơn 2 tháng qua dù khó khăn nhưng mọi người động viên nhau vượt qua", chị Hiền chia sẻ.

MỘT NGƯỜI VIỆT CHẠY TRỐN, BÁO CẢNH SÁT PHILIPPINES HỐT TRỌN Ổ LỪA ĐẢO TÌNH YÊU

Một người đàn ông Việt Nam đã leo tường, vượt sông để trốn khỏi một trung tâm lừa đảo ở Philippines, sau đó báo cảnh sát dẫn tới vụ đột kích giải cứu hơn 650 người.

Hàng trăm người vừa được giải thoát khỏi một trung tâm lừa đảo ở Philippines. Họ bị bắt đóng giả người tình trên mạng.

Cảnh sát cho biết họ đã đột kích trung tâm này vào hôm thứ Năm 14/3 và giải cứu 383 người Philippines, 202 người Trung Quốc và 73 người ngoại quốc khác.

Địa điểm này cách thủ đô Manila khoảng 100km về phía bắc và có vỏ bọc là một công ty cờ bạc trực tuyến.

Đông Nam Á đã trở thành một tụ điểm cho các trung tâm lừa đảo nơi mà ngay cả những kẻ gian manh cũng thường xuyên bị sập bẫy và buộc phải tham gia các hoạt động tội phạm.

Các nạn nhân trẻ và am hiểu công nghệ thường bị dụ dỗ thực hiện các hoạt động bất hợp pháp này, từ rửa tiền, lừa đảo tiền điện tử cho đến cái gọi là lừa đảo tình yêu, hay còn được biết đến với thuật ngữ “pig butchering” (mổ lợn). Thuật ngữ này được đặt theo phương pháp vỗ béo lợn trước khi lấy thịt.

Những hành vi phạm pháp này thường bắt đầu với việc kẻ lừa đảo sử dụng danh tính giả để chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của nạn nhân, sau đó đem đến cho họ ảo tưởng về mối quan hệ lãng mạn hoặc thân mật để thao túng và lấy tiền từ họ. Nạn nhân thường bị dụ dỗ đầu tư vào các hình thức kinh doanh giả mạo.

Cảnh sát cho hay cuộc tập kích hôm thứ Năm gần Manila bắt nguồn từ lời mật báo của một người đàn ông Việt Nam, người đã trốn thoát khỏi trung tâm lừa đảo vào tháng 2/2024.

Winston Casio, người phát ngôn của ủy ban tổng thống chống tội phạm có tổ chức, cho biết người đàn ông Việt Nam đang ở độ tuổi ngoài 30, vừa mới đến Philippines vào tháng 1 năm nay sau khi nhận được lời đề nghị làm đầu bếp.

Nhưng anh ta sớm nhận ra mình cũng như hàng trăm người khác đã sập bẫy của những kẻ buôn người chuyên lừa đảo tình yêu và tiền điện tử.

Theo lời ông Casio, những người bị cầm giữ tại trung tâm Bamban buộc phải gửi đi những lời đường mật cho các nạn nhân, mà nhiều người trong số đó đến từ Trung Quốc.

Ông cho biết thêm những kẻ điều hành các trung tâm như vậy sẽ bẫy những người ưa nhìn để dụ dỗ thêm các nạn nhân khác.

Vào ngày 28/2, người đàn ông Việt Nam đã trốn khỏi trung tâm bằng cách leo tường, vượt sông và ẩn náu tại một nông trại. Chủ nông trại sau đó báo với cảnh sát.

Nhóm của ông Casio đã đến gặp người đàn ông Việt Nam vào đầu tháng 3/2024 và nhận ra những dấu hiệu tra tấn, bao gồm các vết sẹo và các vết điện giật.

Casio bổ sung rằng một vài trường hợp khác đã cố gắng đào tẩu nhưng luôn bị bắt lại.

Cảnh sát thu giữ được 3 khẩu súng bắn đạn ghém, 1 khẩu súng lục đạn 9mm, 2 khẩu súng lục ổ quay nòng 0.38 và 42 viên đạn từ trung tâm.

Ông Casio cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra vì các nạn nhân được giải cứu hôm thứ Năm còn đang “run rẩy”.

Một báo cáo từ Liên Hợp Quốc vào tháng 8/2023 ước tính hàng trăm ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đã bị vận chuyển lậu sang Đông Nam Á để phục vụ các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

BBC trước đây đã nói chuyện với những nạn nhân của các mạng lưới tội phạm này.

Nhiều người cho biết họ đến các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia và Myanmar vì các quảng cáo việc làm cũng như các hứa hẹn về lương thưởng. Khi đến nơi thì họ sập bẫy và bị đe dọa buộc phải tham gia lừa đảo. Những người trốn thoát và những người sống sót kể rằng họ bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo.

Các chính phủ khắp châu Á, từ Indonesia cho đến Đài Loan, đã cảnh báo về sự gia tăng của những trung tâm lừa đảo kiểu này. Chẳng hạn, các đại sứ quán tại Campuchia và Thái Lan đã gửi lời cảnh báo đến công dân nước họ nhằm đề phòng việc bị dụ dỗ vào các trung tâm lừa đảo.

GIÁO SƯ ANDREA HOA PHAM: 'NGÔN NGỮ LUÔN BIẾN ĐỔI'

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Giáo sư ngôn ngữ học Andrea Hoa Pham, dạy tiếng Việt, Văn hóa Việt Nam và Ngôn ngữ học, Viện Đại học Florida, Hoa Kỳ.

Có lần tôi hỏi sinh viên vào buổi học đầu tiên "Tiếng Việt được nói ở đâu trên thế giới?". Một em người Mỹ gốc Việt giơ tay: "Dạ thưa cô, ở California."

Một phụ huynh vừa than phiền trên mạng xã hội về việc nhà trường dạy tiếng Việt cho con, cho đặt câu với chữ "khốn nạn" (với nghĩa là khổ sở, cùng cực) và "nhung nhúc" (Trên sân vận động nhung nhúc toàn người và người). Vị phụ huynh phản đối vì những từ này dùng với nghĩa như trên đã lạc hậu từ lâu rồi. Đúng vậy. Từ "khốn nạn" trong quá khứ đã từng không mang nghĩa xấu.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch cuốn tiểu thuyết lừng danh Les Misérables của Victor Hugo năm 1926 với nhan đề Những kẻ khốn nạn. Tuy nhiên, có thể hiện nay, ở một làng quê nào đó ở miền Bắc Việt Nam cũng còn những bà mẹ khi than vãn về chồng con, thốt lên trong cơn phiền muộn "Khốn khổ khốn nạn cho thân tôi chưa!". Khốn khổ, khốn cùng, khốn nạn từng cùng thuộc về một trường nghĩa.

Đây là một ví dụ sống động cho thấy ngôn ngữ/phương ngữ không ngừng biến đổi. Tiếng nào cũng biến đổi, thậm chí không cứ phải có tiếp xúc. Dù cộng đồng nói tiếng ấy, phương ngữ ấy có sống ở một nơi hoang vu, cô lập thì cũng biến đổi theo thời gian, tuy chậm chạp hơn nhiều. Khi đứa bé học theo cha mẹ, nói một từ nào đó, phát âm của em bé cũng đã không giống hệt cha mẹ rồi, chưa kể so với anh chị em trong nhà. Cái khác này người ta không để ý.

Từ vựng cho thấy rõ nhất sự biến đổi của một ngôn ngữ hay phương ngữ. Ngôn ngữ, phương ngữ là cái bám chặt vào đời sống, vào cộng đồng. Cộng đồng nhỏ nhất là gia đình, rồi ra tới hàng xóm láng giềng. Khi đời sống thay đổi, nhu cầu của con người thay đổi, thì ngôn ngữ cũng thay đổi theo. Có những từ sinh ra rồi mất đi. Ví dụ bây giờ chẳng người đàn ông nào còn nói chuyện mà gọi người đối diện là "nàng" và xưng "ta". Những kiểu tự xưng như "trẫm", "mỗ" hoặc âu yếm gọi người phụ nữ nào đó bằng "nàng" chỉ là dùng trong phạm vi cá nhân, không phải là norm, cái bình thường mà trong xã hội ai cũng nói như thế.

Lớp từ về kỹ thuật, sinh hoạt văn hoá hay âm nhạc thu nạp từ vựng mới nhanh nhất. Tiếng Việt hơn nửa thế kỷ trước làm sao biết được những i-meo (email) hay híp bi, híp pi (hippie). Hai mươi năm trước có lẽ cũng chưa có diva (Wikipedia cho rằng từ này phổ biến ở Việt Nam đầu những năm 2000). Vài năm trước đây, từ xíp bơ (shipper) dường như cũng chưa thông dụng. Cho đến đầu thế kỷ thứ 20, "đồng chí" không phải là từ xưng hô cửa miệng. Trước năm 1975 ở miền Nam, các từ như "khẩn trương", "quán triệt"... cũng không xuất hiện nhan nhản trên báo đài. Thậm chí một từ bình thường như "tốt" cũng không được dùng để thay một loạt các từ khác chỉ các phẩm chất hoặc cách làm tối ưu.

Việc một từ chuyển nghĩa thành yếu đi (semantic bleaching) so với cách dùng trước đó xảy ra với tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Ngày nay trong tiếng Anh, người ta có thể khen một món ăn sau khi nếm thử với các từ như unbelievable, awesome. Tuy nhiên nửa thế kỷ trước, các từ ấy chỉ dùng với nghĩa gốc, tức chỉ cái gì đó thật sự là không thể tin nổi, hoặc vượt quá sức chờ đợi, chứ không phải chỉ là để nói về một món mì Ý nào đó.

Ngày nay nếu khen một món ăn là "Ok" thì người nghe nghĩ rằng người nói hững hờ, không hài lòng lắm với món ấy. Hoặc khi Shakespeare viết vở hài kịch Much Ado About Nothing cuối thế kỷ thứ 16, dùng từ naughty để miêu tả Don John, một nhân vật xấu với nghĩa evil (quỷ sứ, ác độc) đã gây không ít bối rối cho những người biểu diễn ngày nay, vì naughty hiện tại chỉ còn mang nghĩa hơi xấu, pha chút nghịch ngợm. Việc biến nghĩa từ tuy của cùng một ngôn ngữ còn gắn với văn hoá địa phương. Khi người Anh và người Mỹ cùng nói rằng hôm nay họ thấy quite happy thì người Mỹ thật sự thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn người Anh kia, vì ở Anh, quite chỉ mang nghĩa "hơi" trong khi ở Mỹ nó vẫn còn nghĩa "rất" (Royal Oxford). Đến một lúc nào đó, một từ có vẻ không còn đủ thoả mãn với ước muốn diễn đạt nữa, người ta tìm các từ khác mạnh hơn. Ví dụ từ "người mẫu", đến từ "siêu mẫu", rồi diva, như cách dùng hiện nay trong tiếng Việt.

Ngôn ngữ không thay đổi tức thì, một nhát là cắt lìa cái cũ, cũng không xảy ra đồng thời khắp mọi nơi, mà nó diễn ra từ từ, có giai đoạn chuyển hóa, và không phải ở nơi nào cũng giống nhau (đó là lý do sinh ra thổ ngữ, phương ngữ, và thậm chí các ngôn ngữ cùng gia đình). "Khốn nạn" nói ở trên là một ví dụ. Với người này, nơi này, nó còn mang nghĩa khổ sở; với người khác, nơi khác, nó chỉ còn dùng để chỉ sự xấu xa, hoặc cả hai. Hoặc là đối với một số người Việt hiện nay, từ "hay ho" không còn mang nét nghĩa xấu nữa mà dường như đã chuyển sang nét nghĩa trung hòa, thậm chí tích cực.

Dạy đại học ở Mỹ, chọn sách giáo khoa nào là quyền của thầy cô, thậm chí giáo viên không buộc phải dạy theo sách giáo khoa, miễn là dạy có bài bản, có tài liệu, và nhất là hiệu quả(*). Tôi không biết dạy tiếng Việt ở bậc tiểu học hoặc ở những lớp học thêm ở chùa hay nhà thờ thì quy định như thế nào, nhưng chắc chắn những quy định này không mang tính pháp định của ngành giáo dục sở tại, buộc mọi người phải tuân theo. Có thể thầy cô phải dạy theo giáo trình mà bộ phận chịu trách nhiệm về việc dạy tiếng Việt quyết định, nhưng không ai ngăn giáo viên giải thích thêm cho học sinh rằng ở một số từ nào đó nét nghĩa nay đã thay đổi.

Ai cũng biết ngôn ngữ, phương ngữ dù hay dở thế nào vẫn là hồn cốt, căn cước của một người. Chẳng hạn, khi yêu cầu nói "đi từ A đến B như thế nào?", sinh viên trả lời "bắt xe bớt (bus) số 45" là biết ngay cha mẹ em ấy nói giọng nam rồi. Về phát âm thì "chửi cha không bằng pha tiếng". Nhạo báng phương ngữ hay ngôn ngữ của một người là xúc phạm nặng nề đến cái làm nên hồn cốt chẳng những của người ấy, mà còn của dòng họ, tổ tiên người ấy. Vì thế, bảo vệ giữ gìn cái hồn cốt ấy hệ trọng như thế nào là điều dễ hiểu. Cũng như vậy, khi nguyên nhân của việc bảo vệ "tiếng nói" bắt nguồn từ (hoặc liên quan đến) việc thay đổi thể chế, cái thể chế gắn liền với cuộc đời của một người hoặc nhóm người nào đó, thì người ta không dễ dàng chấp nhận cũng là điều dễ hiểu.

Có một câu chuyện, hoặc giai thoại cũng được, là lần một sinh viên lên gặp tôi ở văn phòng, nói chen lẫn tiếng nghẹn ngào "Em thích lớp tiếng Việt của cô, nhưng xin cô đừng dạy chúng em những từ Cộng sản, vì khi về nhà nói chuyện, ba mẹ em lại không cho học lớp cô nữa". Tôi đi từ ngạc nhiên sang tò mò: "Vậy ba mẹ nói từ nào là Cộng sản?". "Dạ, như từ hộ chiếu ạ". Tất nhiên với người nghiên cứu ngôn ngữ hoặc dạy tiếng, thì không có từ nào là "từ Cộng sản", cũng như không có từ nào là từ "không Cộng sản". Từ điển Anh - Việt 1985 của Viện Khoa học Xã hội, Từ điển Pháp - Việt 1986 của Viện Ngôn Ngữ, Tân đại từ điển Việt - Anh 1975 của Nguyễn Văn Tạo đều dịch passport là "hộ chiếu". Cho đến tận giờ này tôi vẫn không thể nhớ được trước đây miền Nam Việt Nam gọi passport là gì. Có lẽ vì lúc ấy chuyện xuất ngoại với những thủ tục giấy tờ liên quan không phổ biến ("phổ biến" cũng là một từ dùng nhiều sau năm 1975) như hiện nay, nên các từ ấy ít xuất hiện trên sách báo chăng? Ngày nay, "giấy thông hành" đã bị thay thế bằng một từ khác, cũng là từ vay mượn, visa. Hai từ này đều chỉ một thứ mà ngày nay hiện diện trong đời sống hàng ngày thường xuyên hơn gấp bội so với vài chục năm trước, song không thấy ai nói visa là "từ Cộng sản".

Vì từ ngữ không ngừng sinh ra và mất đi, nên những người sống ở nước ngoài thường gắng tiếp xúc với ngôn ngữ dùng ở Việt Nam nếu muốn cập nhật. Song lớp từ lóng thì không thể nào đuổi kịp, hoặc biết nhưng ngần ngại dùng nó. Từ lóng là một loại biệt ngữ, có "văn hoá, căn cước nội bộ", thường gắn với một thời kỳ, một giai đoạn nào đó trong cuộc sống của một người. Ví dụ một từ có vẻ rất thông dụng là "bà tám", hoặc vắn tắt là "tám". Trước đây tôi chỉ biết từ "tán gẫu". Hàng ngày nói chuyện với bạn bè hoặc chị em, ai nấy cũng dùng bà tám, nhưng tôi vẫn khăng khăng "tán gẫu", vì "bà tám" xa lạ với tôi. Việc không dùng "bà tám" hay "tám chuyện" có lẽ là cái ương ngạnh níu kéo hoài niệm về một phần đời đã qua, ở một nơi mà nay nhiều thứ cũng đã hoàn toàn thay đổi. Rồi tự an ủi "rốt cục, từ lóng sớm muộn cũng sẽ bị thay thế bằng từ khác mà."

Đối với tiếng Việt như một sinh ngữ, thì ngày nay với Tik Tok và Instagram, những nỗ lực duy trì một phiên bản tiếng Việt đã đóng băng nửa thế kỷ trước là chuyện hầu như không tưởng. Bất kể trẻ có học kiểu gì ở nhà trường, khi xem Tik Tok thì cũng như học một cái tiếng Việt khác song song. Nếu có dịp tiếp xúc với tiếng Việt do người ở Việt Nam nói, các em ấy sẽ nhanh chóng "hội nhập", hoặc học như học từ mới. Con trai tôi lớn lên ở Bắc Mỹ, vừa kể một cách hài hước "Con xem Tik Tok chương trình đố vui, nghĩ bụng mình có bằng Ph.D. làm gì không trả lời được. Câu hỏi đầu tiên là "Đại dương nào nhỏ nhất trên địa cầu?". "Ủa? Đại dương là cái gì?". Câu thứ hai cũng chịu thua vì không có vốn từ vựng đủ lớn để hiểu.

Một ngôn ngữ nếu không có văn bản miêu tả hay không được ghi âm lại, khi người cuối cùng nói tiếng ấy không còn nữa, thì ngôn ngữ ấy vĩnh viễn biến mất như chưa bao giờ tồn tại trên đời. Trường hợp tiếng Việt thì không phải thế.

Cấp bách hơn, có lẽ là nên lo lắng về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo chí hiện nay.

Nguồn: LocoBee; Dân Trí; BBC; Nông Nghiệp

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang