Người Việt hải ngoại: Ngày đầu xuân ở Nga; Đưa tiếng Việt vào ĐH Harvard; Nữ ca sĩ gìn giữ văn hóa; Giấu xác trẻ sơ sinh ở Hàn

"Ngày Việt Nam"- ngày đầu xuân lan tỏa văn hóa Việt

“Ngày Việt Nam” do Đoàn thanh niên các Du học sinh Việt Nam tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Liên bang Nga mang tên Bauman lần đầu tiên tổ chức đã thu hút sự tham gia của 500 đại biểu. Đây thực sự là một ngày hội mang đậm nét văn hóa Việt.

Chung vui cùng các em có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, thầy Dmitrievic Saphonov - phó Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Quốc gia Liên bang Nga mang tên Bauman, các thầy giáo, cô giáo của Nhà trường, cùng hơn 500 sinh viên Việt Nam và quốc tế của nhiều trường Đại học tại Moscow.

Được tổ chức vào những ngày đầu xuân, khi Tết nguyên đán vừa đi qua, sự kiện “Ngày Việt Nam” thực sự là một Ngày hội góp phần lan tỏa văn hóa Việt, giúp các sinh viên quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam.

Phát biểu tại chương trình, ông Vương Đắc Thắng - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nêu rõ: Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Liên bang Nga mang tên Bauman, ngôi trường nổi tiếng trên toàn thế giới, đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư trên nhiều lĩnh vực cho Việt Nam. Trong số đó, nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp trong cơ quan nghiên cứu, các bộ, ngành của Việt Nam.

Với các sinh viên Việt Nam đang theo học tại nhà trường, ông Thắng khẳng định: “Quãng đời sinh viên là khoảng thời gian đẹp nhất của các bạn trên đất nước Nga tươi đẹp, chúng tôi luôn đánh giá cao nỗ lực của các bạn, không chỉ đạt thành tích cao trong học tập mà còn tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thể hiện nhiệt huyết và quyết tâm của tuổi trẻ”.

Chương trình Văn nghệ được mở đầu bằng màn trống hội đã gây những ấn tượng sâu sắc với tất cả khách mời Việt Nam và quốc tế…

Tiếp đó, các sinh viên Việt Nam trình diễn những tiết mục võ thuật đẹp mắt của Việt Nam cùng những bài hát, điệu múa mang đậm sắc màu văn hóa, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, ca ngợi mùa xuân. Đặc biệt, các bạn sinh viên Nga cũng tham gia trình diễn những điệu nhảy dân gian Nga, làm cho chương trình văn nghệ càng thêm hấp dẫn.

Phát biểu với các đại biểu tham dự chương trình, thầy giáo Alexander Sergeievic - Trưởng khoa Chương trình Giáo dục Quốc tế, Đại học Kỹ thuật Quốc gia LB Nga mang tên Bauman, khẳng định: “Sinh viên Việt Nam rất thông minh và thành công. Sinh viên Việt Nam được chúng tôi đào tạo chuyên ngành, tiếp thu kiến ​​thức chuyên môn nhưng không chỉ vậy, trong quá trình học tập, các em còn được làm quen với nền văn hóa Nga phong phú. Ngược lại, chúng tôi cũng được làm quen với văn hóa Việt Nam”.

Cùng với chương trình văn nghệ, khu vực triển lãm giới thiệu những nét đẹp văn hóa của Việt Nam, có một sức hút đặc biệt với các bạn sinh viên Việt Nam và quốc tế.

Bạn Anhia, sinh viên Đại học Kỹ thuật Quốc gia Liên bang Nga mang tên Bauman hào hứng chia sẻ: “Tôi rất thích sự kiện này. Nhóm chúng tôi có ba người Việt Nam. Họ thường kể cho chúng tôi nghe về văn hóa Việt Nam. Hôm nay tôi đã có cơ hội trực tiếp trải nghiệm những nét văn hóa này, được trải nghiệm văn hóa ẩm thực, các trò chơi dân gian và ngắm các trang phục truyền thống rất đặc sắc của Việt Nam. Thật sự là tôi rất thích”.

Chương trình “Ngày Việt Nam” đã để lại những dấu ấn văn hóa đẹp đẽ trong lòng bạn bè quốc tế, tạo những cảm hứng mới mẻ cho các sinh viên Việt Nam trong hành trình học tập, tiếp tục lĩnh hội những tri thức mới tại xứ sở Bạch Dương trong năm Giáp Thìn 2024.

Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard

12 năm giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Lomonosov (Liên Xô), 30 năm giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Harvard (Mỹ) và ngay cả khi nghỉ hưu, GS Ngô Như Bình, kiều bào tại Mỹ, vẫn đau đáu một suy nghĩ là làm thế nào để nhiều người nước ngoài nói được tiếng Việt và hiểu hơn về đất nước Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ trên phố Hàm Long (Hà Nội), cậu bé Ngô Như Bình từng có một tuổi thơ êm đềm bên bố mẹ và người thân. Trong ký ức của kiều bào Ngô Như Bình, Tết xưa vô cùng ấm áp và thiêng liêng. “Vào những ngày trước Tết, tôi thường được bố giao nhiệm vụ đi mua lá dong, chuẩn bị củi và mượn nồi nấu bánh chưng... Ngày nay, cuộc sống đã được cải thiện, thu nhập của người dân khá hơn trước. Tết Nguyên đán cũng theo hướng hiện đại nhưng không khí Tết vẫn rất thiêng liêng”, GS Ngô Như Bình bồi hồi nhớ lại không khí Tết quê mà hơn 40 năm sống xa quê hương nhưng lúc nào ông cũng nghĩ về nó.

Ngược dòng thời gian hơn nửa thế kỷ trước, từ sinh viên xuất sắc của Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1968-1973), Ngô Như Bình trở thành giảng viên Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1973-1978) trước khi đi học nghiên cứu sinh chuyên ngành lý thuyết ngôn ngữ tiếng Nga tại Viện Tiếng Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tại Moscow (Liên Xô).

Cơ duyên trở thành giảng viên dạy ngôn ngữ Việt tại Đại học Harvard đến với ông rất tình cờ. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xã hội Liên Xô bắt đầu cởi mở. Đại học Lomonosov mời một số giáo sư đại học của Mỹ sang giảng dạy. Trong những cuộc nói chuyện, các giáo sư Mỹ cho biết nhiều trường đại học ở Mỹ cần giảng viên dạy tiếng Việt. Qua sự giới thiệu của các giáo sư Mỹ, năm 1992, Ngô Như Bình nộp đơn ứng cử vị trí người dạy tiếng Việt cho Học viện Đông Nam Á học mùa hè (SEASSI) tổ chức tại Đại học Washington ở Seattle và ông may mắn được tuyển.

Trong khi đang dạy tại SEASSI, ông được tin Đại học Harvard tuyển người dạy tiếng Việt. Thế là ông nộp đơn “chơi” nhưng không ngờ lại đỗ thật. Cho đến nay, GS Ngô Như Bình đã có 30 năm giảng dạy tiếng Việt tại Bộ môn Ngôn ngữ và văn minh Đông Á tại Đại học Harvard. GS Ngô Như Bình cũng có nhiều buổi thuyết trình về tiếng Việt cho sinh viên tại Việt Nam. Trong các buổi thuyết trình, GS Ngô Như Bình luôn nhấn mạnh, tiếng Việt là trí tuệ, là linh hồn và là tâm hồn của người Việt Nam. Tuy vậy, tiếng Việt cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức như mất bản sắc dân tộc, viết-nói sai chính tả, lỗi ngữ pháp...

Ngoài giảng dạy, GS Ngô Như Bình còn xuất bản hơn chục đầu sách và giáo trình dạy tiếng Việt cho người bản ngữ tiếng Anh ở cấp đại học và giáo trình dạy tiếng Anh-Mỹ cho người bản ngữ tiếng Việt. “Tôi có rất nhiều dự định, trong khi việc giảng dạy đòi hỏi cần dành thời gian để nghiên cứu và phải có trách nhiệm lớn về mặt nghiệp vụ”, GS Ngô Như Bình giải thích cho quyết định nghỉ hưu của mình để tập trung vào viết sách.

GS Ngô Như Bình bật mí rằng, ông đang viết một cuốn sách dạy tập đọc dành cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai học tiếng Việt ở các trường đại học tại các nước nói tiếng Anh. “Cuốn sách của tôi có 15 chủ đề và tất cả tư liệu đều được tôi lấy từ báo chí trong nước. Tôi đã viết xong 4 chương và đang viết chương 5. Tôi hy vọng sẽ hoàn thiện bản thảo vào tháng 9 tới. Trong chuyến về Việt Nam tham dự Chương trình Xuân quê hương 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức đầu tháng 2 này, tôi đã chụp rất nhiều ảnh để đưa vào sách. Một điều rất thú vị là qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, tôi dự định bổ sung cơm Tấm Sài Gòn vào chương ba-văn hóa ẩm thực Việt Nam”.

Một trong những điều mà GS Ngô Như Bình rất vui mừng đó là quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển mạnh mẽ. “Năm 2023 là tròn 50 năm Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 / 27-1-2023). Năm 1973, tuy chiến tranh chưa kết thúc nhưng người Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam (tháng 9-2023), hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Đây là điều đáng mừng bởi nó phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước”, GS Ngô Như Bình khẳng định.

Nữ ca sĩ 26 tuổi nỗ lực gìn giữ văn hóa Việt ở xứ người

Tina Châu Lê – nữ ca sĩ gốc Việt ở California, Mỹ luôn đau đáu học hỏi, gìn giữ văn hóa dân tộc qua các tác phẩm âm nhạc do mình sáng tác và biểu diễn.

Tina Châu Lê sinh năm 1998 tại Kiev và trải qua tuổi thơ ở Ukraine. Cô học nhạc từ năm 2 tuổi, sau đó theo học ballet. Năm 12 tuổi Châu Lê theo cha mẹ sang sinh sống ở Los Angeles, California.

Năm 2013, khi 15 tuổi, Tina tham gia cuộc thi do một trung tâm ca nhạc của người Việt tại hải ngoại tổ chức và đoạt hai giải: Ca sĩ trẻ triển vọng và Ca sĩ thân thiện được yêu thích nhất.

Dù chưa giỏi nói tiếng Việt, ca sĩ đã cố gắng học và biểu diễn một số ca khúc âm hưởng dân gian Bắc bộ khó như: Trên đỉnh Phù Vân, Em đi chùa Hương… được khán giả và ban giám khảo yêu thích.

Vào đại học, Tina được tuyển chọn vào khoa Sáng tác nhạc phim của trường Đại học Berkeley và tốt nghiệp vào năm 2020. Sau khi ra trường, Tina tham gia làm trợ lý cho nhạc sĩ Zoë Keating làm bộ phim Oslo của HBO, ra mắt vào tháng 6/2021. Nhạc phim đã được đề cử giải Emmy cùng năm. Đây cũng là một sự khích lệ lớn, giúp Tina có thêm động lực và quyết tâm theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc.

Năm 2022, Tina dành 6 tháng để tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ và môi trường âm nhạc ở Việt Nam nhằm bổ sung vào kiến thức cũng như trải nghiệm sáng tác của bản thân. Cũng từ đây, cô vừa làm nhạc vừa biểu diễn và sản xuất các sản phẩm âm nhạc.

Sau khoảng 2 năm chuyên tâm cho hoạt động sáng tác, Tina đã trình làng album The year of... cùng các MV Tender, Egg... nói về tình yêu nam nữ, khác biệt của văn hóa, những vấn đề nóng bỏng của xã hội Mỹ hiện đại mà lớp trẻ trăn trở giải quyết để được sống và làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Chia sẻ với VietNamNet, Tina Châu Lê cho biết dẫu sinh ra và lớn lên ở xứ người song cô luôn ý thức mình là người Việt. Qua sự giáo dục, dạy dỗ từ cha mẹ, cô luôn cố gắng học tiếng mẹ đẻ, tìm hiểu nguồn cội từ các băng đĩa, chương trình nghệ thuật quê hương.

“Với tôi, việc gìn giữ tiếng Việt là điều cần thiết. Nó còn là sợi dây kết nối người trẻ với quê hương, ngấm được nhiều hơn văn hóa Việt”, ca sĩ chia sẻ.

Dịp Tết Nguyên đán 2024, ca sĩ trình làng ca khúc Tết xa quê do chính mình sáng tác, hoà âm và trình bày. Cô đã biểu diễn tại chương trình chào năm mới vào đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 trên một kênh truyền hình dành cho người Việt tại Mỹ.

Ca khúc được viết dựa trên cảm xúc của Tina Châu Lê về những ngày Tết xa nhà. Đón xuân xa xứ, cô vẫn mong gìn giữ phong tục tập quán như thế hệ ông bà, cha mẹ đã làm trong suốt nhiều năm.

“Dù sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và lần đầu viết một ca khúc tiếng Việt song tôi không gặp quá nhiều khó khăn bởi tình cảm dành cho quê hương trong tôi luôn được gia đình nuôi dưỡng tròn đầy”, cô nói.

Tinh thần hoài niệm, nhớ về cố hương trong đầu năm nơi xứ người khiến nhiều người, đặc biệt là kiều bào hải ngoại xúc động vì sự đồng cảm, chung một nỗi niềm.

Tina cũng sinh ra và có hơn 10 năm sống ở Ukraine. Do đó, cô cũng mang nhiều nỗi niềm về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Trong một vài sáng tác đầu tay, Tina bày tỏ về nỗi buồn và mất mát do chiến tranh gây ra.

Dẫu mang vài nốt trầm trong một ca khúc nhạc Tết nhưng Tết xa quê của Tina Châu Lê cũng có phần mở đầu đầy niềm tin yêu của tuổi trẻ. Trong đoạn kết, ca sĩ lồng vào lời chúc đầy yêu thương cùng thông điệp cho mùa đoàn viên, khởi đầu một năm mới an lành, nhiều may mắn.

Cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ một phụ nữ người Việt, tình nghi giấu xác trẻ sơ sinh trong tủ đông

Vụ việc gây chấn động này được Yonhap đăng tải và đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Yonhap News cho biết, sáng ngày 16/02, Sở cảnh sát Goesan tỉnh Bắc Chungcheong đã bắt giữ và điều tra A (31 tuổi), một phụ nữ Việt Nam với tội danh giấu xác trẻ sơ sinh.

Theo cảnh sát, vào khoảng 10 giờ sáng hôm 15/02, chồng bà A là ông B (khoảng 50 tuổi) đã đến một đồn cảnh sát tại thành phố Jeungpyeong-eup và khai nhận đã chôn cất thi thể một trẻ sơ sinh tại khu vực này

Ông B khai, vào khoảng 15 giờ ngày 14/02, khi mẹ của ông đang dọn dẹp nhà cửa một mình thì thông báo rằng bà phát hiện xác một đứa trẻ sơ sinh được đặt trong ngăn đá tủ lạnh. Sau đó, ông B đã đem xác đi chôn ở bãi đất trống gần đó và quyết định đến đồn cảnh sát thông báo về vụ việc.

Sau đó, cảnh sát đã ngay lập tức khám xét khu đất trống và xác nhận có thi thể của một em bé sơ sinh được chôn cất tại đây. Đồng thời, cảnh sát cũng bắt đầu truy tìm A, người được cho là đã lên một chiếc ô tô và biến mất. Vào khoảng giữa trưa ngày 15, người phụ nữ này đã bị bắt giữ trên đường cao tốc ở Naju, Jeollanam-do và được đưa về đồn cảnh sát Goesan. Tuy nhiên, quy trình điều tra vẫn chưa thể nhanh chóng tiến hành do A không thể nói lưu loát tiếng Hàn.

Đáng chú ý, cảnh sát cho biết họ nghi ngờ đứa bé mà A sinh ra không phải là của cô và chồng khi B từng khai nhận rằng ông và vợ đã không phát sinh quan hệ trong vài năm. Vì đứa trẻ có thể là con của A và người đàn ông khác nên không loại trừ khả năng A đã sát hại đứa trẻ và giấu xác trong tủ lạnh.

Quá trình điều tra sơ bộ cho thấy không có vết thương đặc biệt nào được tìm thấy trên cơ thể của đứa trẻ. Sắp tới cảnh sát dự định sẽ yêu cầu Viện Khoa học Pháp y Quốc gia khám nghiệm tử thi để xác nhận nguyên nhân cái chết của đứa trẻ.

Một quan chức cảnh sát cho biết: "Chúng tôi dự định sẽ nộp đơn xin lệnh bắt giữ bà A ngay sau khi xác định chính xác động cơ và tình tiết phạm tội. Chúng tôi cũng dự định khởi tố người chồng B về tội giấu xác và điều tra liệu anh ta có tham gia vào vụ án này hay không."

Nguồn: VTV4; Quân Đội Nhân Dân; Vietnamnet; Afamily

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang