Người Việt hải ngoại: Lễ giỗ tổ tại Canada; Phổ biến luật tại Séc; Hoang mang trước bê bối tại Nhật; Bồi dưỡng pháp luật tại Úc

NGƯỜI VIỆT TẠI CANADA TỔ CHỨC LỄ GIỖ TỔ

Ngày 14/4, Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2024 trong không khí trang trọng và ấm cúng, góp phần duy trì bản sắc văn hóa, giáo dục truyền thống dân tộc và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết cho cộng đồng người Việt cùng hướng về Tổ quốc.

Buổi lễ diễn ra với các phần tế lễ thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương, tri ân báo công, ca nhạc hướng về cội nguồn và liên hoan ẩm thực thu hút hàng trăm bà con Việt kiều là đại diện cho các nhóm cộng đồng tại Ottawa cùng các thành phố lân cận như Toronto và Montreal.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver Phan Kiều Thu lần đầu tiên dự sự kiện, chia sẻ mong muốn góp phần gia tăng tình cảm và sự gắn bó của bà con người Việt ở bờ Tây Canada, tạo nên sức mạnh chung của cộng đồng người Việt trên toàn Canada hướng về đất nước.

Trong phát biểu tri ân báo công, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang gợi nhớ công lao trời biển của các Vua Hùng, khơi mạch nguồn dân tộc, lập nên Nhà nước Văn lang, đặt nền móng cho sự phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Đại sứ điểm lại những nỗ lực chung trong việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của tập thể cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán cùng sự góp sức của các kiều bào, thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước, góp phần giữ gìn cũng như phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, luôn hướng về quê hương, đất nước.

Đại sứ thay mặt tập thể cán bộ và cộng đồng người Việt tại Canada nguyện tiếp nối truyền thống "con rồng, cháu tiên", phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; ra sức rèn đức, luyện tài, cùng đoàn kết vượt qua mọi khó khăn; phát huy trí tuệ và sức mạnh tổng hợp, nỗ lực và quyết liệt, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa nước ta trở nên giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc để tri ân công đức tổ tiên.

Ông Trần Hòa Phương, Việt kiều tại Toronto chia sẻ: "Hôm nay, tôi đã được nghe về sự cống hiến của các cộng đồng người Việt ở các tỉnh bang của Canada và rất vui bởi vì đây là những cống hiến cần thiết cho đất nước. Theo Nghị quyết 36, bà con Việt kiều là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc và là nguồn lực của đất nước. Tất cả tinh thần này đều đã được thể hiện trong lễ Giỗ Tổ năm nay và trong bài phát biểu tri ân báo công mà Đại sứ vừa trình bày".

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ truyền thuyết, nhưng phản ánh hiện thực lịch sử về sự sớm hình thành cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hoạt động này là một nét độc đáo trong văn hoá tinh thần của người Việt, thể hiện lòng hiếu thuận với tổ tiên, tôn kính tiền nhân, hướng về cội nguồn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Chung Vinh, Việt kiều tại Ottawa, tâm sự "tôi hết sức xúc động khi mọi người đều chung lòng dâng nén hương tưởng nhớ Quốc Tổ và nhắc nhau duy trì bản sắc dân tộc, hướng về quê hương, đất nước".Ông Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hội Canada-Việt Nam, cho rằng "đây là dịp để mọi người ngồi lại với nhau trong Ngôi nhà Việt Nam và kể cho nhau nghe chuyện về công ơn của các Vua Hùng".

Tinh thần đoàn kết gắn bó trên thực tế đã tạo sự thành công cho cộng đồng người Việt sinh sống ở Canada, đặc biệt là cộng đồng người Việt trên đảo Hoàng tử Edward - nơi tập hợp đa số người Việt sang đầu tư trong những năm gần đây và họ luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền. Đây cũng là sự ghi nhận của phía Canada đối với cộng đồng người Việt nơi đây nói riêng và trên toàn Canada nói chung, giúp những người con đất Việt vững tâm hướng về quê hương đất nước.

Theo anh Lê Quang Minh, một sinh viên của Đại học Ottawa, đây là sự kiện rất có ý nghĩa, giúp những sinh viên như anh hướng về Việt Nam, có cảm giác vẫn được kết nối với quê cha, đất tổ của mình. Anh cho rằng, thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada luôn đóng vai trò là nhân tố gắn kết cộng đồng người Việt trên toàn Canada, giúp bà con hướng về quê hương đất nước. Nhân sự kiện này, anh càng thấm thía câu nói của Bác Hồ "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công".

BUỔI TỌA ĐÀM PHỔ BIẾN LUẬT VỀ THUẾ VÀ TÀI CHÍNH CHO CỘNG ĐỒNG TẠI SÉC

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của NVIEC phổ biến các quy định của Séc về thuế và tài chính tới đối tượng chính là những người Việt Nam đang kinh doanh, buôn bán tại Cộng hòa Séc.

Nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập cho cộng đồng người Việt Nam tại Séc, ngày 13/4, Mạng lưới Chuyên gia và Trí thức người Việt Nam tại Cộng hòa Séc (NVIEC) đã tổ chức tọa đàm về các quy định của Séc liên quan đến hoạt động tài chính và thuế.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của NVIEC đã dành phần lớn thời lượng để phổ biến các quy định của Séc về thuế và tài chính tới đối tượng chính là những người Việt Nam đang kinh doanh, buôn bán tại Cộng hòa Séc.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng trực tiếp giải đáp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về tài chính và thuế trong quá trình kinh doanh của người Việt, các thủ tục cần thiết khi chuyển tiền hai chiều giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, cũng như những điều cần lưu ý khi khai báo thuế, chứng minh tài chính...

Theo Tiến sỹ Lê Tiến, Chủ tịch NVIEC, mục đích chính của chương trình là giúp cộng đồng tháo gỡ vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trong hoạt động kinh doanh tại Séc liên quan đến các quy định về tài chính và thuế.

Các chuyên gia của NVIEC phổ cập và tư vấn cho người tham gia những kiến thức cơ bản nhất, đồng thời cập nhật những thay đổi của luật pháp sở tại để cộng đồng chấp hành đúng theo các quy định trong quá trình kinh doanh, buôn bán.

NVIEC là tổ chức tập hợp các trí thức, chuyên gia người Việt hoặc gốc Việt tại Séc với mục tiêu hướng tới các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa cho cộng đồng.

Kể từ khi được thành lập vào tháng 6/2023, NVIEC luôn đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cộng đồng hội nhập vào xã hội sở tại cũng như các hoạt động hội đoàn khác.

Cộng đồng người Việt Nam tại Séc ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp cho xã hội Séc, nhưng vẫn còn một bộ phận vi phạm các quy định, nhất là liên quan đến thuế và tài chính.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính những người vi phạm mà còn làm giảm uy tín và hình ảnh của cộng đồng người Việt Nam tại Séc nói chung.

Do đó, những hoạt động hỗ trợ, giải đáp pháp luật sở tại cho cộng đồng đang trở nên hết sức có ý nghĩa.

BÊ BỐI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG GÂY CHẤN ĐỘNG Ở NHẬT KHIẾN NGƯỜI VIỆT HOANG MANG

Nhiều nhà bán cho biết doanh số các thực phẩm chức năng nguồn gốc Nhật Bản đã giảm, một số khác ngừng nhập khẩu.

Nikkei đưa tin, Phạm Trần, 43 tuổi, điều hành một công ty thương mại tại Osaka, đang ngược xuôi trả lời các câu hỏi từ khách hàng ở Việt Nam sau khi vấn đề sức khỏe liên quan đến thực phẩm chức năng "men gạo đỏ" nổi lên ở Nhật Bản vào tháng trước.

5 người đã tử vong sau khi dùng thực phẩm chức năng này do công ty Dược phẩm Kobayashi có trụ sở tại Osaka sản xuất. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết tính đến 14/4, đã có tổng cộng 231 người phải nhập viện.

"Sản phẩm này có chứa thành phần của men gạo đỏ không?" một khách hàng hỏi Trần trước khi đặt các mặt hàng khác. Một người khác, có vẻ như đang cố gắng tránh các sản phẩm của Kobayashi, đã hỏi: "Đây là sản phẩm của công ty nào?”.

Trần cùng chị gái xuất khẩu nhiều mặt hàng Nhật Bản sang Việt Nam theo đơn đặt hàng của khách. Họ cũng bán buôn các sản phẩm Nhật Bản cho các nhà bán lẻ ở Việt Nam. Thực phẩm chức năng là một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất.

Nhìn chung, các sản phẩm Nhật Bản được ưa chuộng bởi người tiêu dùng trên khắp châu Á, và người Việt Nam đặc biệt tin tưởng vào chất lượng cao và sự tỉ mỉ của người Nhật, từ đồ gia dụng, quần áo đến thực phẩm và thuốc.

Theo văn hoá, người Việt Nam rất coi trọng sức khỏe, với nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe tự sản xuất trong nước. Theo Báo Chính phủ, cả nước có hơn 3.100 cơ sở sản xuất, cung cấp gần 12.000 sản phẩm chức năng. Các sản phẩm chức năng sản xuất trong nước chiếm khoảng 60% đến 80% doanh số bán hàng trên cả nước vào năm 2022.

Tuy nhiên, khi mức thu nhập tăng lên, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn, thúc đẩy gia tăng sự phổ biến của các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc Nhật Bản trong những năm gần đây.

Trong số các sản phẩm được ưa chuộng nhất - và nổi tiếng hơn ở Việt Nam so với Nhật Bản - là Fucoidan, một chất xơ hòa tan trong nước được chiết xuất từ ​​tảo biển; Spirulina, một loại tảo xanh lam; và Nattokinase, chiết xuất từ ​​nấm đậu tương lên men (natto).

Theo Chiaki.vn, một trang web chuyên giới thiệu và bán các sản phẩm thực phẩm chức năng Nhật Bản trực tuyến, những sản phẩm này nằm trong top 5 thực phẩm chức năng được ưa chuộng nhất của Nhật Bản.

Những sản phẩm bổ sung như vậy là một trong những món quà tặng phổ biến nhất đối với người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản mang về quê nhà. Người Việt Nam là nhóm người nước ngoài lớn thứ hai sinh sống tại Nhật Bản, có 520.000 người tính đến tháng 6/2023, chỉ đứng sau Trung Quốc (788.000 người), điều này cho thấy họ là một nhóm khách hàng đáng kể đối với các nhà sản xuất thực phẩm chức năng Nhật.

Tuy nhiên, vấn đề men gạo đỏ đã phủ bóng lên niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam, không chỉ đối với các sản phẩm của Kobayashi mà còn đối với toàn bộ các sản phẩm thực phẩm chức năng của Nhật Bản.

Chị Trần nói: ”Một trong những nhà bán lẻ khách hàng của chúng tôi ở Việt Nam cho biết họ sẽ tạm dừng bán thực phẩm chức năng Nhật Bản và thay thế bằng các sản phẩm của Mỹ”.

Đầu tháng này, Bộ Y tế thông báo các sản phẩm men gạo đỏ của Kobayashi chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Các quốc gia khác như Malaysia và Singapore cũng đã thông báo không lưu hành các sản phẩm này trên lãnh thổ của họ.

Cho đến nay, tác động ở Việt Nam dường như không lớn. "Doanh số bán hàng của chúng tôi gần đây có giảm nhưng không thể xác định chính xác là do cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ, do vụ bê bối hay do nghi ngờ về chất lượng sản phẩm Nhật Bản”, một cửa hàng trực tuyến ở TP HCM cho biết.

Một chuỗi hiệu thuốc lớn, không bán sản phẩm của Kobayashi, cho biết: “Cho đến nay, việc bán thực phẩm chức năng thương hiệu Nhật Bản vẫn diễn ra bình thường”.

Tuy nhiên, nếu số nạn nhân của vấn đề men gạo đỏ ở Nhật Bản gia tăng, lo ngại của người Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác cũng có thể tăng theo. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc du khách mua các sản phẩm thực phẩm chức năng và thuốc của Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 1, Nhật Bản đã đón 300.000 khách du lịch từ khu vực này, chiếm 11% tổng số du khách.

"Tôi vẫn tin tưởng vào thực phẩm chức năng và thuốc của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu công ty và chính quyền Nhật Bản không có động thái giải quyết vấn đề này, tôi sẽ dừng mua chúng”, Nguyễn Thu Hà, Giáo viên dạy tiếng Nhật 26 tuổi tại Hà Nội, chia sẻ với Nikkei Asia.

BỒI DƯỠNG PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI VIỆT TẠI AUSTRALIA

Cộng đồng người Việt Nam tại Australia hiện có hơn 350.000 người, phần lớn sinh sống tại các bang đông dân cư, kinh tế phát triển như New South Wales, Victoria, Nam Australia, Tây Australia, Tasmania. Việc hiểu và nắm rõ pháp luật của Australia là điều cần thiết đối với người nước ngoài nói chung và người Việt Nam nói riêng khi định cư, sinh sống, học tập hay du lịch tới quốc gia châu Đại Dương này.

Để hiểu rõ những vướng mắc, khó khăn của người Việt Nam tại Australia, phóng viên TTXVN tại Australia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Gia Thắng, thành viên sáng lập tổ hợp sư Luật đa quốc gia Viozi Legal - Nguyen Do Lawyers có trụ sở tại thành phố Melbourne, đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV); Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA). Luật sư Đỗ Gia Thắng khẳng định về cơ bản, đa phần người Việt Nam ở Australia đều có ý thức tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Theo ông, người Việt có khả năng thích nghi với môi trường xung quanh khá tốt, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi sinh sống, học tập và làm việc tại những quốc gia thượng tôn pháp luật như Australia, người Việt càng có ý thức tuân thủ luật pháp bởi đó là do yếu tố “ý thức đám đông”. Hầu hết người dân Australia đều rất tuân thủ pháp luật, từ những vấn đề nhỏ nhất như xếp hàng chờ đến lượt, không xả rác nơi công cộng, tuân thủ luật giao thông…, vì vậy, nếu vi phạm pháp luật, người Việt sẽ cảm thấy trở nên cô lập, không hội nhập với những người xung quanh.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là có phải nhận thức về pháp luật của người Việt lúc nào cũng đúng hay không? Câu trả lời là “không”. Có nhiều trường tuân thủ và mong muốn thực hiện theo quy định luật pháp ở Australia, nhưng cách thực hiện chưa đúng do những khác biệt, xung đột về tư duy, văn hóa, thói quen và suy nghĩ. Luật sư Đỗ Gia Thắng dẫn chứng ví dụ, ở Việt Nam cũng như các nước khác, việc cha mẹ dạy dỗ, rèn luyện con cái làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ từ nhỏ là hoàn toàn bình thường, theo nghĩa “dạy con từ thuở còn thơ”. Tuy nhiên, tại Australia, những thói quen dạy dỗ theo kiểu “yêu cho roi, cho vọt” như cách hiểu thường thấy ở Việt Nam có thể bị coi là hành vi bạo hành đối với trẻ vị thành niên (dưới 15 tuổi) một cách bất hợp pháp.

Luật sư Đỗ Gia Thắng nhấn mạnh rằng bạo hành trẻ em là một tội hình sự nghiêm trọng được quy định trong pháp luật Australia. Tại Australia, nếu cha mẹ đánh mắng con cái và hành động đó được đứa trẻ báo với trường học, nhà trường sẽ gọi các nhân viên hỗ trợ xã hội (social worker) và ngay lập tức họ sẽ đến đưa đứa con đi, đồng thời cấm bố mẹ không được gặp con trong 1-2 năm tùy mức độ vi phạm. Luật sư Đỗ Gia Thắng cho rằng trên thực tế, đây không hẳn là lỗi cố ý của người Việt mà là do sự khác biệt về văn hóa, tư duy của hai quốc gia khác nhau. Từ sự khác nhau đó, người Việt Nam sinh sống ở Australia vì vô tình hoặc do thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật tại Australia nên mới thực hiện những hành vi bị coi là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người Việt sinh sống ở Australia nhưng không biết luật để bảo vệ mình, dẫn đến việc phải chịu thiệt thòi. Luật sư Đỗ Gia Thắng dẫn chứng ví dụ về việc nhiều cô dâu Việt sang Australia bằng thị thực hôn nhân, do thiếu hiểu biết về luật pháp Australia mà thường “cắn răng chịu đựng” khi bị chồng bạo hành vì sợ nếu phản kháng, người chồng sẽ không bảo lãnh nữa và họ sẽ bị trục xuất về nước. Luật sư Đỗ Gia Thắng cho biết luật pháp Australia là “bảo vệ người yếu thế”, nên nếu xảy ra tình huống đó, cô dâu Việt vẫn có thể hủy hôn và có quyền yêu cầu Bộ Di trú Australia cấp thị thực thường trú.

Tương tự, nhiều người lao động Việt Nam đi sang Australia bằng thị thực lao động do chủ lao động bảo lãnh và nghĩ rằng trong thời gian chưa phải là thường trú nhân, họ sẽ phụ thuộc vào người chủ nên nếu người chủ bạo hành, bắt làm thêm giờ, trả lương thấp…, thông thường họ sẽ chấp nhận chịu thiệt thòi và im lặng vì sợ nếu phản kháng, người chủ sẽ không bảo lãnh và họ buộc phải về nước. Luật sư Đỗ Gia Thắng cho biết trong những tình huống đó, người lao động hoàn toàn có quyền đứng ra tố giác hành vi vi phạm pháp luật của người chủ, và Bộ Di trú Australia vẫn đảm bảo cho người lao động có một thời gian để đi tìm chủ lao động mới.

Để giúp người Việt Nam tại Australia hiểu rõ hơn về luật pháp nước sở tại để vừa thực thi đúng, vừa bảo vệ được quyền lợi của bản thân trong quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia này, Luật sư Đỗ Gia Thắng đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, ông cho rằng muốn hiểu rõ tư duy của người Australia cũng như nhận thức rõ ràng luật pháp của quốc gia này thì cần phải có thông tin. Trong thời đại 4.0 ngày nay, thông tin đến từ rất nhiều nguồn, không chỉ là báo giấy mà còn từ các nền tảng xã hội, các trang tin tức trực tuyến, các cổng thông tin của chính phủ… Chỉ cần chịu khó đọc và tìm hiểu, người Việt có thể dễ dàng cập nhật những quy định luật pháp mới nhất của nước sở tại.

Thứ hai, người Việt cần nâng cao vốn ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Ngôn ngữ là một trong những rào cản mà rất nhiều người Việt Nam tại Australia khó vượt qua. Luật sư Đỗ Gia Thắng cho rằng muốn tự bảo vệ mình, trước hết người Việt phải thành thạo tiếng Anh để có thể nghe, nói, đọc, viết thông thạo và giao tiếp với xã hội Australia một cách hiệu quả, hiểu một cách chuẩn xác những gì luật pháp quy định. Tuy nhiên, đối với những người chưa thông thạo Tiếng Anh tại Australia, họ vẫn nhận được sự giúp đỡ từ thông dịch viên miễn phí bởi Australia có dịch vụ thông dịch viên miễn phí cho các sắc dân không biết tiếng Anh.

Thứ ba là thay đổi thói quen sinh hoạt. Theo Luật sư Đỗ Gia Thắng, không chỉ người Việt mà ngay cả các cộng đồng khác tại Australia cũng vậy, ít khi họ mở rộng mối quan hệ với người bản xứ mà thường hay co cụm lại với nhau. Chính vì thế, tại Australia mới hình thành các khu như China Town (tập trung đông người Trung Quốc), khu Bankstown, Cabramatta, Marickville (tập trung đông người Việt Nam), Little India (tập trung đông người Ấn Độ)… Luật sư Đỗ Gia Thắng cho rằng đó là thói quen tốt, là ưu điểm vì chính nhờ sự đoàn kết gắn bó cộng đồng mà người Việt mới giữ được bản sắc văn hóa của mình sau hàng nghìn năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, thói quen này có nhược điểm là không cởi mở. Ông Đỗ Gia Thắng cho rằng muốn nâng cao nhận thức về pháp luật thì phải mở rộng mối quan hệ và phạm vi sinh sống, nói chuyện nhiều với người bản địa vì đây cũng là một kênh để người Việt biết được nhiều thông tin.

Thứ tư là tận dụng các kênh hỗ trợ và tư vấn miễn phí của Chính phủ Australia. Ví dụ như các bạn sinh viên hoặc nhiều người Việt mới sang học tập, sinh sống tại Australia thường không biết rằng luật thuê nhà ở Australia bảo vệ mạnh mẽ người thuê nhà, do đó khi bị chủ nhà chèn ép hoặc đuổi trái luật, họ chấp nhận ra đi. Vì thế, nếu đọc nhiều, nói chuyện nhiều với người bản xứ, họ sẽ nắm được luật và hiểu rằng chủ nhà không thể dễ dàng đuổi họ ra khỏi nhà thuê, từ đó tìm ra các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ở Australia có một tổ chức gọi là “Tenants’Union” (tạm dịch: Công đoàn của những người thuê nhà). Tổ chức này nhận được chính phủ cấp tiền, tài trợ và cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người thuê nhà (tenants) bị chủ nhà (Landlord) đối xử bất công để thụ lý những vụ việc mà người cho thuê nhà sai. “Tenants’Union” sẽ kiện những người cho thuê nhà này ra tòa, sau đó họ thu lại tiền từ những người này. Đây là cơ chế hỗ trợ miễn phí rất tốt để bảo vệ bên yếu thế (bên thuê nhà) mà người Việt thường không biết để đề nghị giúp đỡ.

Ngoài ra, người Việt có thể nhận được sự giúp đỡ của các nhân viên xã hội, tổ chức cộng đồng dịch vụ miễn phí cho những người mới đến hoặc không biết Tiếng Anh bởi họ có nền tảng kiến thức nhất định trong nhiều lĩnh vực khác nhau để đề nghị tư vấn và giúp đỡ.

Cuối cùng, người Việt có thể tìm đến các văn phòng luật sư của người Việt Nam ở các bang chuyên về những lĩnh vực cụ thể để được tư vấn, trợ giúp, nêu ý kiến và cố vấn luật pháp.

Nguồn: Báo Quốc Tế; VTV; VietnamBiz; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang