Người Việt hải ngoại: Gói bánh chưng bằng giấy bạc; Họa sĩ Pháp tìm mẹ; Bán phở kiếm triệu USD; 3 người nhập cư chui vào Israel

'Trend' gói bánh chưng bằng giấy bạc của người Việt xa xứ gây sốt mạng

(Ảnh minh họa).

Tìm cách để có cái Tết đậm vị quê hương ở nước ngoài, do không có lá dong, nhiều người Việt xa xứ gói bánh chưng bằng giấy bạc, không ngờ lại tạo thành "hot trend".

Còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, mạng xã hội lại tràn ngập những bài viết của Việt kiều, du học sinh, người xuất khẩu lao động về việc chuẩn bị đón Tết ở đất khách. Không phải ở đâu người Việt cũng có thể xoay xở kiếm được lá dong để gói bánh chưng, trong khi đối với họ, đây là món ăn nhất thiết phải có để mang lại những cảm xúc thiêng liêng về Tết truyền thống, để cảm nhận được sự ấm áp của quê nhà.

Cách biến báo của nhiều người lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chính là sử dụng giấy bạc, giấy nến mua ở siêu thị. Những đoạn clip quay cảnh gói bánh chưng bằng giấy bạc của họ đang gây sốt trên mạng xã hội, thu hút lượng tương tác lớn.

Là thưc tập sinh đang làm việc tại tỉnh Nigata, Nhật Bản, cô gái Tống Trang (quê Nghệ An) khiến dân mạng trầm trồ khi khoe tài gói bánh chưng, bánh tét bằng giấy bạc cùng các chị em đồng hương. Các nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt... đều có thể dễ dàng mua tại Nhật Bản, nhưng lá dong, lá chuối thì không kiếm được.

Bánh gói bằng giấy bạc không có lớp vỏ bọc màu xanh nhưng bù lại, các cô gái vẫn nhuộm xanh được phần nếp bằng nước lá dứa. Tuy màu xanh của những hạt nếp không được đậm như cách xay lá giềng lấy nước để ngâm như cách làm ở Việt Nam nhưng tại xứ người, biến báo được như vậy cũng đủ để Tống Trang và các bạn hài lòng. Các cô rất vui vì dù không có đủ nguyên liệu truyền thống, những chiếc bánh chưng, bánh tét thành phẩm sau khi luộc vẫn rất dẻo và ngon.

Cũng không thể về Việt Nam ăn Tết cổ truyền, Thùy Linh (hiện sống ở thành phố Kobayashi, tỉnh Miyazaki, Nhật Bản) tự mày mò học gói bánh chưng dù không tìm mua được lá dong, lá chuối. Thay vì gói bánh chưng với kích thước "cơ bản" như nhóm Tống Trang, cô chỉ làm những chiếc "bánh chưng rùa" nhỏ xinh bọc giấy nến.

Linh dùng những miếng bìa carton dựng thành hình vuông nhỏ để làm khuôn, bên ngoài là 2 lớp giấy nến, cho các nguyên liệu vào theo quy trình thông thường. Sau đó, cô gấp các lớp giấy lại và buộc dây hình chữ thập là thành hình bánh chưng.

Những clip tương tự như của Trang và Linh thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Mọi người xúc động và đồng cảm với nỗi nhớ Tết, nhớ nhà và nhu cầu được cảm nhận không khí Tết cổ truyền của những người sống xa đất mẹ khi năm mới đến; đồng thời thích thú với tinh thần "cái khó ló cái khôn" và sự giỏi xoay xở của các bạn trẻ.

"Những ngày cuối năm, xem được clip này thấy xúc động và nhớ nhà thật. Mình cũng 2 năm không được đón Tết ở nhà rồi"; "Xa nhà mới thấy thèm cảm giác được gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến nhường nào, chỉ biết đếm ngày được trở về" - một số người bày tỏ nỗi nhớ khi xem clip gói bánh chưng theo cách đặc biệt kể trên.

Cư dân mạng cũng khen ngợi sự biến tấu, sáng tạo của chủ nhân các clip: "Người Việt mình giỏi thật, dù ở đâu vẫn nghĩ về quê hương và luôn tìm cách chế biến những món ăn đậm hương vị Việt", "Nhìn thì dễ, không biết mình làm có thành công không nữa vì không biết cách gói đẹp như các bạn"; "Cuối tuần này được nghỉ làm mình sẽ thử gói, nhìn clip cũng thấy thèm bánh chưng ghê...

Nhiều người xin bí quyết gói bánh ngon mà không có lá dong, sau đó thực hiện rồi quay clip "khoe" lên mạng. Từ đó, việc gói bánh chưng bằng giấy bạc, giấy nến trở thành "hot trend" trong những người Việt xa xứ.

Cách làm bánh chưng gói giấy bạc

Nếu bạn cũng đang ở xa quê và không có lá dong để gói bánh, có thể tham khảo cách gói bánh chưng này

Bạn cần chuẩn bị: 1,5kg gạo nếp, 500gr đậu xanh đã tách vỏ, 600gr thịt lợn, một ít rượu trắng, gừng, muối, bột nêm gà, hạt tiêu, lá dứa (có thể thay thế bằng màu thực phẩm xanh lá), giấy nến, màng bọc thực phẩm, giấy bạc.

Gạo nếp rửa sạch, ngâm cùng nước lá dứa (hoặc cho vài giọt màu thực phẩm). Đậu xanh cũng rửa sạch và ngâm qua đêm. Thịt lợn xát muối, rửa sạch. Nếu sử dụng thịt đông lạnh, bạn nên ngâm với rượu trắng pha vài lát gừng trong khoảng 3 phút rồi rửa sạch lại với nước, sau đó thái lát khoảng 1cm.

Ướp thịt với 1/2 thìa muối (khoảng 3gr), 2gr bột nêm và 1/2 thìa hạt tiêu trong khoảng 1 tiếng.

Đậu xanh đem hấp hoặc nấu chín, đổ ra rổ cho ráo nước rồi giã nhuyễn cùng 1/2 thìa muối. Để tiết kiệm sức và thời gian, bạn có thể dùng máy xay sinh tố để xay đậu cho nhuyễn. Có một cách khác là khi đậu xanh đã ngâm qua đêm, bạn cho đậu xanh nguyên hạt trực tiếp vào bánh.

Cắt giấy nến theo kích thước 30x30cm và gấp lại theo hướng dẫn trong hình dưới.

Tiếp theo, bạn cho một lớp gạo nếp xuống trước và dàn ra để cho đậu xanh và thịt vào giữa, rồi lại cho tiếp một lớp gạo nếp lên trên. Gói chặt tay và bọc chặt với giấy nến, bọc tiếp một lớp giấy bạc bên ngoài và dùng dây cột chặt lại.

Bánh chưng sau khi gói xong, cho vào nồi đổ xâm xấp nước và luộc trong khoảng 3 tiếng là xong. Sau đó, vớt bánh ra, bóc lớp giấy bạc bên ngoài và nén bánh thật chặt. Vậy là bạn đã hoàn thành xong món bánh chưng mà không cần đến lá dong, lá chuối rồi.

Họa sĩ người Pháp gốc Việt tìm mẹ, ước gặp lại dù chỉ là bia mộ

Cầm chặt tấm ảnh cũ, họa sĩ Rémy Gastambide tin đó sẽ là phép màu giúp anh tìm mẹ. Anh chưa bao giờ ngừng hy vọng, mong có một ngày gặp lại mẹ dù chỉ là bia mộ.

Lần đầu về Việt Nam tìm mẹ

Anh Rémy Gastambide (55 tuổi, quốc tịch Pháp và Thụy Sĩ) là một họa sĩ gốc Việt, sống tại Nice, Pháp. Dù lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ nuôi nhưng anh vẫn tha thiết, nguyện dành cả đời tìm tung tích của cha mẹ đẻ.

Tạm gác bận rộn đầu năm mới, anh Rémy cung cấp thông tin, hình ảnh, tư liệu về cha mẹ mà anh thu thập được gần 35 năm qua.

Ảnh anh Rémy lúc nhỏ và giấy chứng nhận cho con nuôi

Theo hồ sơ nhận con nuôi, anh Rémy có tên thật là Nguyễn Bác Ái, sinh ngày 1/1/1969 tại cô nhi viện Thông Thiên Học (số 468 đại lộ Võ Di Nguy, nay là đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Cha mẹ nuôi của Rémy là người Pháp gốc Thụy Sĩ. Vì vậy, anh được nuôi dạy và lớn lên ở Reims (Pháp) và Geneva (Thụy Sĩ).

Khi biết mình còn cha mẹ ruột, anh Rémy thiết tha tìm kiếm và hy vọng được gặp lại họ. Tuy nhiên, điều này khiến cha mẹ nuôi của anh lo lắng. Họ sợ con trai rời bỏ mình về với người thân ruột thịt.

Trước khi về Việt Nam tìm mẹ, anh Rémy giải thích với cha mẹ nuôi: “Con hiểu tình cảm cha mẹ dành cho con. Con hết lòng tôn kính cha mẹ, nhưng vẫn muốn tìm lại cội nguồn của mình”.

Tháng 7/1991, chàng trai Rémy 22 tuổi, lần đầu đến TP.HCM tìm mẹ. Anh bồi hồi xen lẫn lo lắng, cầm chặt hồ sơ nhận con nuôi. Đó là manh mối duy nhất ở thời điểm đó để anh bắt đầu hành trình tìm mẹ.

Lần theo địa chỉ cũ của cô nhi viện Thông Thiên Học, ông tìm đến thì thấy nơi đây đã thành nhà dân. Người dân địa phương cho biết, trại trẻ mồ côi Thông Thiên Học đã đóng cửa sau năm 1975.

Không bỏ cuộc, anh tìm đến nhà của cựu giám đốc và nhân viên chăm sóc trẻ từng làm việc ở cô nhi viện. Tuy nhiên, hai người đã lớn tuổi, không còn nhớ đến đứa trẻ Nguyễn Bác Ái bị bỏ rơi.

“Cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc. Tôi đăng thông tin tìm kiếm cha mẹ trên báo năm 1991, nhưng không có kết quả khả quan. Người dân và chính quyền địa phương không có thêm thông tin nào khác để cung cấp cho tôi”, anh Rémy chia sẻ.

Từ năm 1991 – 2006, anh Rémy có 7 lần về Việt Nam tìm mẹ nhưng không có tiến triển mới.

Vỡ òa khi tìm thấy cha

Song song việc về Việt Nam tìm mẹ, anh Rémy còn nhiều lần sang Mỹ để tìm cha. Vì anh không có bất kỳ thông tin nào về cha nên các hội cựu chiến binh ở Mỹ không thể giúp đỡ.

Anh Rémy kể, năm 2016, anh biết đến phương pháp xét nghiệm ADN tìm người thân. Ở Mỹ, cách làm này rất phổ biến và không tốn kém.

Vì vậy, anh quyết định xét nghiệm ADN ở 4 trung tâm khác nhau. Đây là những kho dữ liệu ADN lớn trên thế giới, giúp giải mã nguồn gốc của một người và tìm thấy người chung huyết thống.

Kết quả ADN của anh Rémy khớp với một số công dân Mỹ về mặt di truyền. Từ đây, anh phát hiện mình có nhiều chú bác và anh chị em.

Họa sĩ Rémy tâm sự: “Tôi từng nghĩ mình là đứa trẻ mồ côi, không còn người thân trên cõi đời. Hiện tại, tôi có một đại gia đình đang sống ở Mỹ. Tôi là một mảnh ghép thất lạc, vừa được tìm thấy của bức tranh tình thân ấm áp”.

Từ những mối quan hệ họ hàng, anh Rémy thu hẹp khoảng cách, đến gần hơn với cha mình. Để rồi, anh vỡ òa hạnh phúc khi biết cha anh đang sống ở Natchez, Mississippi, Mỹ.

Đó là ông Stewart Foster Jr. (80 tuổi), từng ở Việt Nam giai đoạn 1967 - 1968. Năm 1968, ông ở Pleiku, Gia Lai. Mỗi tháng, ông đều bay từ Pleiku về Tân Sơn Nhất.

Tháng 4/1968, ông Stewart được nghỉ phép vài ngày và hẹn hò với một cô gái Việt Nam sống gần sân bay Tân Sơn Nhất. Một tháng sau, ông quay lại tìm bạn gái nhưng không gặp. Cuối cùng, ông trở về Mỹ và không còn cơ hội gặp lại cô gái nữa.

Cô gái Việt tặng ông một tấm ảnh làm kỷ niệm. Đó là kỷ vật duy nhất mà ông Stewart còn cất giữ.

“Cha đẻ của tôi không biết ông đã có con với một phụ nữ Việt Nam. Thế nên, về Mỹ, ông kết hôn và có 4 người con.

Lúc đầu, cha rất dè chừng trước sự tiếp cận của tôi. Tôi hiểu sự hoài nghi đó của cha. Bởi, việc tôi tìm được ông giống như phép lạ, chẳng khác gì mò kim đáy biển.

Cuộc hội ngộ này là sự quyết tâm, kiên trì cao độ của tôi”, anh Rémy hạnh phúc kể.

Tấm ảnh thắp lên hy vọng

Ở tuổi 80, ông Stewart không nhớ chính xác tên, tuổi hoặc quê quán của mẹ ruột anh Rémy. Dù con trai cố hỏi thật nhiều nhưng ông thực sự không còn nhớ ký ức ngày đó nữa.

Niềm hy vọng mới của anh Rémy chỉ có tấm ảnh của mẹ. Manh mối này thực sự đắt giá đối với một người con đang tìm kiếm mẹ.

Gần 35 năm qua, anh Rémy chưa bao giờ ngừng tìm kiếm dấu vết của mẹ. Anh muốn tìm được bà, dù bà còn sống hay đã chết, chấp nhận hoặc không thừa nhận anh.

“Tôi đã tìm được cha, biết được phả hệ, nguồn gốc, tổ tiên của mình. Tôi muốn làm điều tương tự với mẹ. Tôi mong phép màu sẽ đến lần thứ hai, giúp tôi tìm thấy mẹ. Tôi không hề oán giận về hành động bỏ rơi con của bà.

Tôi không có quyền phán xét hành động đó của mẹ. Tôi hiểu mẹ đã gặp khó khăn như thế nào khi có con với một quân nhân Mỹ.

Trước đó, tôi từng nói với cha: 'Tôi không phải là chiến tranh. Tôi là hậu quả của nó'.

Tôi sẽ không trách cứ quá khứ, không vặn hỏi nguyên nhân. Tôi tự hào về bản thân của hiện tại”, anh Rémy chia sẻ.

Câu hỏi quan trọng nhất mà anh Rémy muốn biết là cuộc sống của mẹ hiện nay ra sao, bà còn sống hay đã chết…

Anh Rémy xúc động: “Tôi biết trong văn hóa người Việt, chữ “Hiếu” có giá trị cao nhất trong cách ứng xử của mỗi người. Tôi không biết những việc mình đang làm có phải là “Hiếu” không. Nhưng, với tôi, đó là mục tiêu của cuộc đời.

Liệu tôi có làm được hay không? Câu hỏi ấy cứ đeo đẳng tôi suốt gần 35 năm qua.

Nếu tôi tìm thấy mẹ hoặc dù chỉ là danh tính hay bia mộ của bà, thậm chí bà không nhìn nhận tôi thì tôi vẫn cảm thấy mãn nguyện”.

Trên hành trình tìm mẹ, anh Rémy không ngừng nghĩ đến cha mẹ nuôi. Dù có tìm được cội nguồn thì họ luôn trong tim anh.

Anh cũng gửi lời cảm ơn đến những người bạn Việt Nam. Mọi người đã động viên, giúp đỡ anh rất nhiều.

“Tôi cảm thấy gần gũi và thoải mái trong những ngày ở Việt Nam. Lâu lắm rồi tôi chưa về lại quê mẹ, nhớ quá!

Nếu có thêm manh mối thì tôi không ngần ngại quay trở lại Việt Nam lần nữa.

Tôi tha thiết mong ai đó đọc được những thông tin này và biết về mẹ thì liên lạc ngay cho tôi.

Tôi sẽ không do dự, ngay lập tức về Việt Nam”, anh Rémy - một người Pháp mang một nửa dòng máu Việt thiết tha tìm lại cội nguồn.

Bán phở tại Mỹ kiếm triệu USD: Chuyện cặp vợ chồng gốc Việt đóng thuế 1 triệu USD

(Ảnh minh họa).

Thương hiệu Phở Hà Nội của họ Nguyễn có doanh thu khoảng 14 triệu USD/năm, đóng thuế hơn 1 triệu USD năm 2023, với 3 tiệm phở nằm vị trí đắc địa tại thung lũng Silicon, bang California, Mỹ.

Tính đến tháng 9.2023, nước Mỹ có khoảng 6.340 tiệm phở. Phở đã đem lại dấu ấn sâu đậm cho cộng đồng người Việt tại Mỹ. Theo trang The Food Institute, nếu như bánh mì Việt được coi là món ăn tinh túy của nước Mỹ thì phở đang trở nên ngày càng phổ biến.

Bí quyết kinh doanh phở doanh thu hàng triệu đô la

Chị Huyền Nguyễn (Helen Nguyễn) và anh Harry Nguyễn là chủ của thương hiệu Phở Hà Nội đang được nhiều tờ báo Mỹ nhắc đến nhiều như là một tấm gương thành công về kinh doanh phở và giúp đỡ cộng đồng.

Khi nước Mỹ còn trong dịch Covid-19 vào năm 2020, chị Huyền Nguyễn và các nhân viên tiệm Phở Hà Nội đã gửi hàng ngàn phần ăn miễn phí tới những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch ở khu vực Bay Area (California, Mỹ). Đây là "những bữa ăn của lòng biết ơn" (meals of gratitude) được chế biến từ nguyên liệu organic, đem tặng các y bác sĩ để động viên tinh thần của họ.

Sau dịch, tiếng tăm của Phở Hà Nội bắt đầu lan xa hơn do có nhiều báo nhắc đến, đồng thời, chị Huyền Nguyễn cũng có cơ hội lấy thêm được mặt bằng mới cho tiệm phở, do nhiều nhà hàng phải trả mặt bằng vì khó khăn hậu dịch Covid-19.

Chị Huyền Nguyễn chia sẻ bí quyết nhà hàng phở vẫn đứng vững và thành công sau dịch: "Rất nhiều nhà hàng đã không trụ được vì kinh tế đi xuống, phải đóng cửa, trả mặt bằng, thậm chí khách vắng hoe, nhưng ba nhà hàng Phở Hà Nội tại địa khu Vietnam Town, Cupertino và Palo Alto vẫn đông khách nườm nượp, khách hàng vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ ăn phở. Để có được điều này, chúng tôi đã cố gắng bằng chất lượng trong nhiều năm, lấy nguồn thịt tươi ngon từ trang trại địa phương".

Cụ thể, nhà hàng Phở Hà Nội của chị Huyền Nguyễn là nhà hàng phở duy nhất có thể mua thịt bò trực tiếp từ trang trại bò Harris Ranch tươi mỗi tuần, có giá tốt nhập vào để rồi có giá tốt cho tô phở bán ra, không những thế, thịt bò của trang trại này là giống bò đen Angus cho loại thịt rất ngon, vì vậy, tô phở tái tại Phở Hà Nội trở nên vô cùng xuất sắc nhờ sử dụng loại thịt chất lượng cao, đồng thời cũng vang danh với tô phở sườn bò "short-rib" (sườn non) hiếm nhà hàng phở nào có được.

Trang trại bò Harris Ranch chỉ bán cho các nhà hàng, siêu thị… có sức mua lớn, vì vậy chỉ có Phở Hà Nội và chuỗi In-N-Out Burger mới có thể mua trực tiếp. Hàng ngày, có khoảng 1.200 tô phở được bán ra tại mỗi nhà hàng, riêng cuối tuần là hơn 2.500 tô phở mỗi ngày, doanh thu mỗi ngày cuối tuần có thể lên đến 1 tỉ đồng.

Shark Louis Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thế Lữ), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon (Saigon Assets Management SAM) cho biết, ông không ngạc nhiên về sự thành công của Phở Hà Nội trên đất Mỹ, vì “họ đã làm được quy trình để có được trong 15 giây đã hoàn thành xong tô phở để mang ra cho khách hàng”.

Shark Louis Nguyễn đã từng sống 30 năm tại Mỹ, hiện đang sống tại TP.HCM, cho biết, người Mỹ ngày càng yêu thích phở Việt vì thơm ngon bổ dưỡng, mà giá cả lại không bị cao như mì udon của Nhật. Tại thung lũng Silicon, Phở Hà Nội có giá bán từ 15 đến 20 đô la một tô rất lớn, đầy ắp thịt và bánh, nước súp. Ông nhấn mạnh: Việc Phở Hà Nội lấy được vị trí bán phở đắc địa ở khu Palo Alto trên trục đường “hái ra tiền”, gần đại học Standford là một dấu hiệu cho thấy sự thành công rất lớn của họ.

Theo chị Huyền Nguyễn, để có được tô phở “15 đến 20 giây”, chồng chị là anh Harry Nguyễn đã nghiên cứu được quy trình “ra phở” sử dụng nhiều máy móc để giảm thiểu sức người, sử dụng nồi hầm xương 500 lít, đến máy cắt hành, máy cắt thịt… Để hoàn thành một tô phở thì cần có 3 người (đứng bếp, bốc bánh, cho thịt và chan nước dùng), vận hành thoăn thoắt, nhịp nhàng thì mới đủ công suất đáp ứng lượng khách hàng đông.

Tại Mỹ, giờ nghỉ trưa chỉ có khoảng 1 giờ đồng hồ, vì vậy, nếu không phục vụ nhanh người làm việc sẽ không đủ thời gian ăn trưa tại nhà hàng. Nhìn dòng người xếp hàng mỗi ngày, chị Huyền và anh Harry càng quyết tâm nghiên cứu dịch vụ tốt nhất có thể để thực khách đỡ phải chờ lâu.

Thành công hơn nhờ thúc đẩy nhập khẩu từ Việt Nam qua Mỹ

Cũng vì khó khăn hậu Covid-19, chị Huyền Nguyễn đã tìm mọi cách giảm chi phí và tăng chất lượng. Sau sự thành công của ba nhà hàng chị tiếp tục dành tiền để lấy mặt bằng mới bị người ta trả lại vì vắng khách. Chi phí mở một nhà hàng mới bên Mỹ rất đắt đỏ, vì vậy chị đã tìm ra được cách thức là thiết kế toàn bộ nhà hàng tại một công ty chuyên thiết kế nhà hàng cao cấp tại TP.HCM, sau đó vận chuyển toàn bộ thiết kế và nội thất của nhà hàng sang Mỹ bằng đường biển.

Nhờ quay về lựa chọn những ưu thế từ quê hương, Phở Hà Nội ở địa điểm mới là Milpitas sẽ khai trương trong tháng 1.2024, cái thứ năm tại Fremont sẽ khai trương tháng 4.2024, nâng lên số nhà hàng phở là 5 cái.

Để có mùi thơm tốt nhất cho phở, chị đã dừng mua gia vị quế, hồi, thảo quả nấu phở ở Mỹ mà nhập từ Việt Nam qua, vì vậy nồi phở vốn đã thơm nay càng thơm hơn nữa.

Nhiều nguyên liệu khác của nhà hàng chị cũng tìm cách để mua càng nhiều ở Việt Nam càng tốt. Với cách thức này, chất lượng món ăn càng cao và giữ hương vị Việt nhiều hơn mà chi phí tiết kiệm hơn mua tại Mỹ.

Với tốc độ mở nhà hàng và tối ưu chi phí, mục tiêu bán 1 triệu tô phở vào năm 2025 của anh chị Huyền Nguyễn và Harry Nguyễn hy vọng sẽ sớm thành sự thực. Thị trưởng và cảnh sát trưởng thành phố San Jose, cũng như thị trưởng thành phố Fremont luôn tạo điều kiện và giúp đỡ cho Phở Hà Nội bởi những đóng góp giá trị cho thành phố.

Ba người Việt Nam được tìm thấy trong container đông lạnh tại Ireland

Hai trẻ em và 12 người lớn, trong đó có ba người Việt Nam, đã phải ‘đục một lỗ trong container vì họ không thở được’, theo báo The Irish Times.

Cảnh sát Ireland đã bắt đầu mở một cuộc điều tra về buôn người sau khi phát hiện 14 người nhập cư không giấy tờ trong một container đông lạnh cập cảng Rosslare Europort sáng thứ Hai.

Những người nhập cư này đã phải đục một lỗ từ bên trong thùng xe khi họ cảm thấy khó thở.

Những người này gồm 10 người Kurd từ Iran và Iraq, trong đó có hai bé gái sáu và bốn tuổi; một người từ Thổ Nhĩ Kỹ và ba người từ Việt Nam, được phát hiện trên một con tàu chở hàng đi từ Zeebrugge (Bỉ) lúc ba giờ sáng. Cánh sát Ireland đang điều tra vụ việc.

Chín đàn ông, ba phụ nữ và hai bé gái đã được khám sức khỏe và có vẻ đều trong tình trạng tốt.

Cảnh sát Wexford và Cục Nhập cư Quốc gia Ireland đang liên lạc với các đối tác nước ngoài thông qua Cảnh sát châu Âu (Europol) để điều tra vụ việc. Họ thẩm vấn 14 người thông qua phiên dịch. Thủy thủ đoàn đang hỗ trợ cảnh sát trong cuộc điều tra. Những người nhập cư này hiện đang được Cơ quan Bảo vệ Chỗ ở (IPAS) và Tusla, cơ quan về trẻ em và gia đình, giúp đỡ.

Giới chức Ireland đang cố gắng tìm hiểu những người này được đưa vào container như thế nào. Chiếc container vốn được bốc gần Paris trước khi được vận chuyển tới Zeebrugge.

Phát biểu tại một sự kiện về khoa học, Tổng thống Michael D. Higgins của Ireland đã kêu gọi tìm hiểu hoàn cảnh của những người tuyệt vọng, như những người được chuyển đi trong container kia.

Ông nói: “Chúng ta thực sự chưa bỏ đủ công sức để lắng nghe câu chuyện của những người… đang tuyệt vọng đến thế.”

“Nếu chúng ta hiểu vấn đề di cư, chúng ta cần nhìn vào tình cảnh ‘bước đường cùng’ vốn đẩy nhiều người vào cảnh vay mượn và phải cậy đến những kẻ buôn người.”

Cuộc gọi vào đường dây nóng 999 hôm thứ Hai được cho là của một phụ nữ người Kurd trong container. Người phụ trách đường dây nóng đã yêu cầu kiểm tra một tàu hàng khi nó cập cảng Rosslare Europort. Cảnh sát biển của Anh Quốc nhận các cuộc gọi nói trên và đã liên lạc với cảnh sát Ireland.

Cảnh sát Ireland đã sử dụng một phần tòa nhà ở cảng Rosslare để tiếp nhận 14 người này khi họ cập cảng, trong khi một số đơn vị từ Dịch vụ Cấp cứu Quốc gia đã có mặt để cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.

Hành trình từ Zeebrugge tới cảng Rosslare thông thường mất 24 giờ tới hai ngày.

Thành viên Đảng Lao động của Hạ viện Ireland tại Wexford, ông Brendan Howlin, cho biết 14 người này bị nhốt trong thùng xe đóng kín trong một ‘hành động nhẫn tâm vì lợi nhuận’.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Eamon Ryan cho biết đã ‘thở phào’ vì không có thương vong nào.

Đây không phải là lần đầu tiên người nhập cư được cảnh sát tại Wexford phát hiện, sau khi họ trải qua một hành trình dài trong các xe chở hàng.

Năm 2001, 13 người được phát hiện trong một thùng xe lẽ ra chở đồ nội thất từ Milan cập cảng Rosslare. Tám người, trong đó có bốn trẻ em, đã chết ngạt sau năm ngày ở trong thùng xe.

Năm 2019, 16 người đàn ông được tìm thấy sau xe tải trên một chuyến phà từ Pháp tới Wexford.

Các vụ việc người Việt Nam bị phát hiện đi lậu sang các nước châu Âu vốn không phải là chuyện hiếm.

Vụ 39 người Việt thiệt mạng năm 2019 trong một thùng xe đông lạnh khi đang tìm đường vào Anh đã gây chấn động thế giới.

Tuy nhiên, thảm kịch này không khiến những người khác từ các làng quê Việt Nam dừng việc bất chấp tính mạng để ra đi theo cách tương tự.

Mới đây nhất, ngày 27/9/2023, phóng viên BBC News Tiếng Việt sau khi nhận được cuộc gọi cầu cứu đã báo với cảnh sát Pháp để giải cứu thành công sáu người, gồm bốn phụ nữ Việt Nam và hai phụ nữ Iraq trốn trong thùng xe tải trên một đường cao tốc ở Pháp.

Nguồn: VTC; Vietnamnet; Thanh Niên; BBC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang