Người Việt hải ngoại: Giữ tiếng Việt cho con; Giao lưu bóng đá ở HQ; Góp ý Luật đất đai ở Séc; Hái rau, bắt cá ở Nhật

Giữ tiếng Việt cho con

(Ảnh minh họa).

Hai con tôi đều sinh ra tại Thụy Sĩ, một đất nước công nhận bốn thứ tiếng là ngôn ngữ quốc gia: Tiếng Đức, Pháp, Italy và Roman.

Việc học ngôn ngữ ở trường cháu khá vất vả: Ngoài tiếng Đức là ngôn ngữ học chính khoá, lớp 3 bắt đầu học tiếng Anh, lớp 5 học tiếng Pháp, lớp 7 học tiếng Latin. Hai năm liên tục cháu phải duy trì bốn ngôn ngữ cùng lúc ở trường nhưng không lúc nào vợ chồng tôi ngừng trau dồi và sửa tiếng Việt cho cháu. Việc này không dễ nhưng cũng không quá khó.

Trước tiên, chúng tôi được sự khuyến khích của các thầy cô giáo. Họ luôn nhắc nhở: Anh chị hãy dùng và dạy cháu thứ tiếng anh chị nói tốt nhất ở nhà. Nếu phần ngôn ngữ tiếng Đức của cháu kém, nhà trường sẽ lo.

Nguyên tắc chúng tôi quy định là các con ở nhà chỉ được nói tiếng Việt với nhau và với bố mẹ, nhưng khi có thêm bạn bè, các cháu có thể nói thứ tiếng mình thấy thoải mái nhất. Khi bọn trẻ còn nhỏ, chúng thôi thường đọc truyện tiếng Việt cho các cháu trước giờ ngủ. Với những truyện cháu thích nghe, tôi đọc một câu, lại khuyến khích cháu đọc tiếp một câu. Chỉ vài chục phút mỗi ngày, cộng thêm một vài ngày trong đợt nghỉ, dần dà các cháu hoàn thành sách tiếng Việt lớp 1-2 và biết đọc.

Còn viết, may mắn là tiếng Việt dùng hệ chữ cái Latin. Ban đầu, chúng tôi để cháu phiên âm như thế nào thì viết như thế. Một đoạn chính tả các cháu có thể sai đến 90%. Chúng tôi tiếp tục quan sát và thống kê các loại lỗi chủ yếu để sửa dần. Giờ đây, bố con có thể trao đổi thoải mái bằng tiếng Việt trên điện thoại dù cháu vẫn còn nhầm lẫn s/x, tr/ch và mắc lỗi bỏ dấu...

Các nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng ngoại ngữ làm giảm những sai lệch trong quá trình ra quyết định. Lý luận của con người được hình thành bởi hai phương thức tư duy riêng biệt: một là có hệ thống, phân tích và chuyên sâu về nhận thức; và một là nhanh, vô thức và mang tính cảm xúc. Người ta tin rằng ngôn ngữ thứ hai cung cấp một khoảng cách nhận thức hữu ích từ các quy trình tự động, thúc đẩy suy nghĩ phân tích và giảm phản ứng không suy nghĩ, cảm xúc. Do đó, những người nói được nhiều ngôn ngữ có tư duy phản biện và kỹ năng ra quyết định tốt hơn.

Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của việc nói đa ngôn ngữ đến một nền kinh tế. Một nghiên cứu của giáo sư François Grin tại Đại học Geneve Thụy Sĩ phát hiện ra rằng khả năng đa ngôn ngữ có mối tương quan tích cực với tiền lương của một cá nhân, năng suất của các công ty và đóng góp vào tổng sản lượng quốc nội Thụy Sĩ lên đến gần 10% năm 2008 (khoảng 40 tỷ USD). Một nghiên cứu khác tại Mỹ cho thấy người đa ngữ có mức lương trung bình cao hơn khoảng 3.000 USD mỗi năm so với những người chỉ nói một thứ tiếng. Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 tại Davos chỉ rõ đa ngôn ngữ là một kỹ năng thiết yếu để chuẩn bị tốt hơn cho quá trình toàn cầu hoá 4.0.

Sẽ rất sai lầm khi cho là các công cụ trí tuệ nhân tạo, dịch máy sẽ khiến con người không cần học quá nhiều ngôn ngữ. Công nghệ dịch máy đã tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa và văn phong. Hơn nữa máy móc phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu đào tạo nó, lại là những gì con người tạo ra. Việc học nhiều ngôn ngữ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa, tự tin khi giao tiếp và tạo ra nhiều cơ hội để kết nối và tương tác xã hội. Học nhiều ngôn ngữ giúp con người nâng cao khả năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề khi tập trung vào các kỹ năng như phát âm, luyện nghe, nói và viết.

Quan sát các cộng đồng di cư tại Thụy Sĩ, bên cạnh Việt Nam, tôi thấy rất nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... cũng chú trọng việc truyền bá ngôn ngữ bản địa tới các nước sở tại có người dân nước mình sinh sống. Các ngày hội văn hoá, lớp học tiếng miễn phí, tổ chức trại hè ngôn ngữ hướng về cội nguồn, tìm cách đưa các sách song ngữ vào thư viện các trường và địa phương... đều vì mục tiêu đó.

Dù rất trân trọng sự nhiệt tình và các sáng kiến này trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chúng tôi vẫn cho rằng: dạy và giữ tiếng Việt cho thế hệ tiếp theo là lựa chọn của mỗi gia đình và là nhiệm vụ chính của các bậc phụ huynh. Đó là nhu cầu được gắn kết với các con mình, được giao tiếp với các con bằng thứ ngôn ngữ mình hiểu rõ và thoải mái nhất. Nên dù có sinh ra hay sống tại nơi đâu trên thế giới, giúp các cháu hiểu được ngôn ngữ và nền văn hoá của một đất nước ngày càng phát triển với 100 triệu dân chắc chắn là một lợi thế tương lai mà chúng tôi không muốn các con bị mất.

Nhìn hai anh em chơi với nhau, rủ rỉ nói bằng tiếng Việt hay có thể trò chuyện được với ông bà qua điện thoại, tôi chưa vội nghĩ đến những vấn đề xa xôi mà chỉ tận hưởng sự an tâm và những khoảnh khắc thú vị về sự gắn kết.

Những cành nhỏ gắn kết với cành to thì mọi cành cây sẽ gắn kết với nguồn cội. Giữ tiếng Việt cho các cháu không phải là hướng con về quá khứ của tôi mà là hướng về tương lai của các cháu.

(Nguồn: Vnexpress)

RỘNG MỞ CƠ HỘI GIAO LƯU BÓNG ĐÁ TRẺ GIỮA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC

K.League 2 năm nay thu hút sự quan tâm của báo giới bởi có các cầu thủ trẻ Việt Nam là Văn Toàn thi đấu trong màu áo Seoul E-Land, Vũ Minh Hiếu và Nguyễn Cảnh Anh thi đấu trong màu áo Cheonan City.

Trái bòng tròn mùa giải K-League 2 năm 2023 đã chính thức khởi tranh trên các sân cỏ Hàn Quốc từ ngày 1/3.

K-League 2 năm nay thu hút sự quan tâm của báo giới bởi có các cầu thủ trẻ Việt Nam sang thi đấu.

Đó là Văn Toàn thi đấu trong màu áo câu lạc bộ Seoul E-Land, Vũ Minh Hiếu và Nguyễn Cảnh Anh thi đấu trong màu áo câu lạc bộ Cheonan City.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Chủ tịch câu lạc bộ Cheonan City Ahn Byung-mo cho biết nhờ sự kết nối của huấn luyện viên Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã trở nên rất gần gũi vớibóng đá Hàn Quốc.

Đặc biệt đây là lần đầu tiên câu lạc bộ Cheonan City tuyển chọn 2 cầu thủ trẻ chỉ mới 20 tuổi của Việt Nam là Vũ Minh Hiếu và Nguyễn Cảnh Anh.

Theo ông Ahn Byung-mo, việc tạo điều kiện để hai cầu thủ trẻ này và các cầu thủ trẻ của câu lạc bộ Cheonan City cùng trưởng thành có thể sẽ tạo ra hiệu quả khác biệt.

Ông cũng hy vọng rằng cầu thủ Vũ Minh Hiếu và Nguyễn Cảnh Anh sẽ hòa hợp, cùng trưởng thành với lứa các cầu thủ trẻ của câu lạc bộ này.

Theo Chủ tịch Ahn, việc các cầu thủ trẻ Việt Nam sang thi đấu tại câu lạc bộ Cheonan City có tác động tích cực không chỉ đối với các cầu thủViệt Nam mà cả với các cầu thủ Hàn Quốc, thích nghi, hòa nhập bổ sung học hỏi lẫn nhau chính là cách để các cầu thủ trẻ cùng hoàn thiện bản thân.

Đánh giá về khả năng của các cầu thủ trẻ Việt Nam, ông Ahn Byung-mo cho biết do mới sang Hàn Quốc, giai đoạn này, Vũ Minh Hiếu và Nguyễn Cảnh Anh sẽ phải trải qua quá trình huấn luyện.

Các cầu thủ Việt Nam có tố chất tốt, chăm chỉ, kỷ luật nên việc có môi trường thi đấu mới sẽ giúp các cầu thủ hoàn thiện kỹ năng. Nếu hòa nhập và thích nghi nhanh chóng Minh Hiếu và Cảnh Anh có thể ra sân trong mùa Hè tới.

Huấn luyện viên Park Hang-seo đã tới cả hai sân vận động ở Hàn Quốc ngày 1/3 vừa qua.

Ông Park Hang-seo xuất hiện tại sân vận động tổng hợp tại thành phố Cheonan tỉnh Chungcheong Nam để động viên 2 cầu thủ Vũ Minh Hiếu và Nguyễn Cảnh Anh, hai cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai vừa sang Hàn Quốc thi đấu theo hợp đồng 1 năm.

Tiếp đó, ông có mặt ở sân vận động Mokdong ở Seoul để tham dự trận đấu mà Văn Toàn ra sân trong màu áo câu lạc bộ Seoul E-Land.

Có thể nói đây là sự động viên rất lớn cho các cầu thủ trẻ Việt Nam trong giai đoạn đầu sang thi đấu tại Hàn Quốc.

Có mặt trên sân vận động Cheonan ngày 1/3, Giám đốc điều hành của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai - ông Nguyễn Tấn Anh cho biết Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và học viện bóng đá đã thành lập được hơn 13 năm.

Trong suốt thời gian vừa qua, câu lạc bộ đã đào tạo được nhiều lứa cầu thủ bóng đá giỏi.

Các lớp cầu thủ được đào tạo bài bản: vừa giỏi kỹ năng bóng đá, vừa được đào tạo văn hóa, ngoại ngữ tiếng Anh trôi chảy. câu lạc bộ luôn tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ được thi đấu ở nước ngoài.

Trong suốt hành trình vừa qua, câu lạc bộ đã xuất khẩu rất nhiều cầu thủ ra nước ngoài, điển hình như là Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn và mới đây nhất là Nguyễn Cảnh Anh và Vũ Minh Hiếu.

Câu lạc bộ rất mong muốn các cầu thủ trẻ thi đấu thành công ở nước ngoài, học hỏi được nhiều kỹ năng, bứt tốc để có thể mang trình độ bóng đá đẳng cấp cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác về cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

Đánh giá về trình độ và kỳ vọng khi cử các cầu thủ trẻ sang thi đấu tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Tấn Anh cho biết có thể nói bóng đá Hàn Quốc là 1 trong 2 nền bóng đá xuất sắc nhất của châu Á.

Nhật Bản và Hàn Quốc luôn dẫn đầu bóng đá châu Á nhiều năm qua. Việt Nam còn chưa nằm trong tốp 10 nên khoảng cách giữa cầu thủ Việt Nam và Hàn Quốc còn khá xa.

Do đó, Việt Nam cần học hỏi nhiều mặt từ bóng đá Hàn Quốc, đặc biệt là về huấn luyện thể lực, kỹ thuật, kỷ luật, chiến thuật. Theo ông, càng có nhiều cơ hội giao lưu thì khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Hàn Quốc mới có thể thu hẹp lại.

Đánh giá về khả năng giao lưu, hợp tác bóng đá giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông Nguyễn Tấn Anh cho biết thông qua vai trò cầu nối của huấn luyện viên Park Hang-seo, các huấn luyện viên trong nước có điều kiện giao lưu, làm việc với các huấn luyện viên giỏi của Hàn Quốc.

Nhiều cầu thủ Việt Nam được sang thi đấu, giao lưu, chữa trị và hồi phục chấn thương tại Hàn Quốc.

Tiềm năng giao lưu giữa hai quốc gia là rất lớn, đặc biệt là giải bóng đá vô địch quốc gia Hàn Quốc là K1 và K2 cho phép các cầu thủ châu Á thi đấu với tư cách là cầu thủ trong nước.

Đó là một cơ hội rất lớn dành cho các cầu thủ Việt Nam có thể học hỏi, nâng cao trình độ trong môi trường đẳng cấp cao.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Người Việt tại Séc dự Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

(Ảnh minh họa).

Đại sứ Việt Nam tại Séc tin rằng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có người Việt tại Séc, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Ngày 2/3, dưới sự chủ trì của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đại diện liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu và lãnh đạo các hội đoàn cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã tham dự Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hội nghị được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (các điểm cầu tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương).

Trao đổi với đại diện, lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam tại Séc tham dự hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng cho biết dự thảo Luật Đất đai cho thấy sự thay đổi tư duy rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc biến đất đai thành nguồn lực để xây dựng phát triển đất nước. Để phát huy hiệu quả thì Luật Đất đai (sửa đổi) phải sát với thực tế đời sống của người dân, do đó, việc lấy ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài rất cần thiết.

Đại sứ tin rằng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Séc, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã được Chính phủ Séc công nhận là một dân tộc thiểu số, cộng đồng ngày càng hội nhập vào xã hội Séc nhưng luôn hướng về cội nguồn, mong muốn được đóng góp trí tuệ và nguồn lực kinh tế để xây dựng quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng được đánh giá rất tích cực trong việc góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là các vấn đề có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Prague, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc, cho biết ông mong muốn qua đợt góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính sẽ được tháo gỡ để người Việt Nam định cư ở nước ngoài dễ dàng được thừa kế phần đất đai do ông bà, cha mẹ để lại. Ông Nhiên cũng tin tưởng rằng với sự đóng góp rộng rãi của kiều bào ở nước ngoài, Luật Đất đai sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư về quê hương.

So với Luật đất đai hiện hành, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới trong việc quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách pháp luật đất đai hiện hành, như việc từ chỗ kiều bào chỉ được mua một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư, thì nay không còn bị hạn chế số lượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Trong lần sửa đổi này, trên cơ sở nguyện vọng của bà con kiều bào và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất đã được nêu tại Nghị quyết 18 của Trung ương, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Ban soạn thảo tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại.

(Nguồn: VietnamPlus)

Cô gái Việt sống ở Nhật khoe cảnh hái rau, bắt cá miễn phí ăn nhưng lại khiến dân mạng tranh cãi về vấn đề an toàn sức khoẻ

Không chỉ hái được rau quả miễn phí, cô gái này còn bắt được rất nhiều cá.

Đã không ít lần, các bạn trẻ Việt sống tại Nhật chia sẻ những điều thú vị quanh cuộc sống của mình nơi xứ người. Trong đó, câu chuyện đi hái rau dại, tự bắt tôm bắt cá hay xin được các loại hoa quả về ăn thu hút không ít sự quan tâm. Nói gì thì nói, cuộc sống xa nhà khó khăn mà lại tiết kiệm được chi phí thì rất tốt. Nhưng đôi khi, những chia sẻ này lại vấp phải làn sóng tranh cãi từ các cư dân mạng.

Điển hình như mới đây, một cô gái chia sẻ việc mình hái rau, bắt cá miễn phí về ăn đã khiến dân mạng tranh cãi về vấn đề an toàn.

Các clip chia sẻ của cô bạn trên mạng xã hội TikTok khiến các cư dân mạng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người trầm trồ bởi cô có thể tiết kiệm được một phần chi phí lớn trong việc ăn uống thì cũng có những ý kiến cho rằng việc bắt cá, hái quả ngoài thiên nhiên như vậy là không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, bởi các sản phẩm này chưa được kiểm định, cũng không rõ nguồn gốc, rất có thể bị nhiễm các chất độc hại ngoài môi trường.

Đáp lại những ý kiến trái chiều, chủ nhân các clip cũng giải thích rất rõ: Các loại rau, củ, quả là cô hái ở khu vực cánh đồng, nơi người dân trồng trọt, và bản thân cô cũng đã xin phép, được sự đồng ý thì mới hái. Còn đàn cá cực nhiều mà cô chia sẻ là do chúng đang trên đường ra biển (theo mùa), qua khu vực cô nàng đang sinh sống nên mới có cơ hội bắt như vậy. Vì cô đã sống ở đây một thời gian dài, và năm trước cũng chứng kiến cảnh tượng này nên thấy hoàn toàn bình thường.

Hiện tại, các clip của cô bạn này vẫn nhận về những ý kiến trái chiều. Đây cũng không phải lần đầu tiên các chia sẻ hái rau quả dại hay bắt cua, cá ngoài đồng về ăn của những bạn trẻ sống tại Nhật gây tranh cãi như vậy.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang