Người Việt hải ngoại: Nhận xe VinFast ở Mỹ; Thắng cuộc thi công nghệ; Diễn viên Hong Indira Rieck; Dạy con Tây tiếng Việt

Những khách hàng đầu tiên nhận xe VinFast tại Mỹ: Có nhiều người gốc Việt

(Ảnh minh họa).

VinFast đã tiến hành bàn giao 45 chiếc xe VF 8 City Edition đầu tiên cho khách hàng tại 9 cửa hàng VinFast Store, chính thức khởi động thị trường Bắc Mỹ.

Ngày 1/3 giờ Mỹ, VinFast đã tiến hành bàn giao 45 chiếc xe VF 8 City Edition đầu tiên cho khách hàng tại 9 cửa hàng VinFast Store, chính thức khởi động thị trường Bắc Mỹ. Những chiếc xe tiếp theo trong lô xe City Edition sẽ được giao tại chuỗi cửa hàng VinFast hoặc chuyển đến nhà khách hàng trong các ngày tới.

Lô xe VF 8 City Edition gồm 999 chiếc đã nhập cảng Mỹ tháng 12/2022. Là phiên bản giới hạn ra mắt thị trường đầu tiên. Quãng đường di chuyển được chứng nhận bởi EPA của VF 8 City Edition bản Eco là 207 dặm và bản Plus là 191 dặm.

Xe tích hợp nhiều tính năng công nghệ như hệ thống trợ lái nâng cao (ADAS), bộ ứng dụng tiện ích và giải trí thông minh (Smart Services)… Hãng xe Việt cho biết sau khi đi vào vận hành, VF 8 City Edition sẽ vẫn tiếp tục được hãng cập nhật phần mềm miễn phí (FOTA) nhằm nâng cấp các tính năng xe và mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng.

VinFast cũng áp dụng các chính sách hậu mãi như bảo hành 10 năm cho xe và pin, dịch vụ sửa chữa di động, cứu hộ 24/7 cho xe…

Sự kiện bàn giao xe đã diễn ra đồng thời tại 9 VinFast Store tại bang California.

Ông Gareth Dunsmore, Phó Tổng Giám đốc Khối Kinh doanh & Marketing VinFast Toàn cầu cho biết: “Mặc dù lễ bàn giao diễn ra vào ngày giữa tuần nhưng sự kiện vẫn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Mỹ.

Chúng tôi rất vui mừng khi các khách hàng nhận xe đều hài lòng với sự lựa chọn của mình, đặc biệt trong số các khách hàng đầu tiên có nhiều người gốc Việt. Đó chính là động lực to lớn để VinFast tiếp tục nỗ lực hoàn thiện".

Cùng với việc bàn giao xe, VinFast vẫn liên tục tổ chức các chương trình lái thử quy mô lớn trên khắp California để đem đến trải nghiệm thực tế cho người dùng.

(Nguồn: VietnamBiz)

Du học sinh Việt chiến thắng cuộc thi công nghệ của Đại học Stanford

Hai du học sinh Việt cùng đồng đội đã giành chiến thắng trong cuộc thi TreeHacks (một cuộc thi về công nghệ dành cho sinh viên) của Đại học Stanford, Mỹ.

Hai du học sinh Việt là Cam Nguyen đến từ Đại học Stanford (bang California, Mỹ) và Ryan Trần của Đại học Northeastern (bang Massachusetts, Mỹ) cùng hai đồng đội đã chế tạo một thiết bị mang tên ArticuLab.

Đây là chiếc kính thực tế ảo (virtual reality) giúp người dùng tạo ra một không gian tranh luận ảo giống trong môi trường thật. Thiết bị này được đánh giá là công cụ đắc lực giúp người dùng cải thiện kỹ năng diễn thuyết một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bằng cách ứng dụng AI trong ChatGPT (một chatbot được phát triển bởi OpenAI, có khả năng đưa ra các câu trả lời chuyên sâu và giống con người nhất), người dùng có thể tranh luận trực tiếp với AI, qua đó rèn luyện duy phản biện cũng như xây dựng lập luận một cách logic.

ArticuLab còn có khả năng đưa ra các nhận xét về tốc độ nói, cấu trúc bài nói, sự minh bạch và ngôn ngữ cơ thể của người dùng.

Những người mắc chứng lo âu xã hội có thể sử dụng ArticuLab để cải thiện sự tự tin khi nói trước đám đông và phản hồi những ý kiến trái chiều. Với khả năng sửa cách phát âm và chọn từ, nó có thể giúp ích cho những người đang cố gắng trở nên thông thạo hơn một ngôn ngữ nào đó.

Nói về quá trình phát triển sản phẩm, Cam Nguyen cho biết, cuộc thi diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và số lượng đội thi đông nên tính cạnh tranh là rất khốc liệt.

"Đội em cho rằng, mình phải có ý tưởng độc đáo, bứt phá và đóng góp cho xã hội thì mới có khả năng để lại dấu ấn đối với ban tổ chức.

Vì vậy, trong suốt 36 giờ, chúng em đã nỗ lực tập trung không ngừng để lập trình một sản phẩm có ứng dụng mang tính toàn cầu, với hy vọng nó sẽ có mặt ở khắp mọi nơi trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.

Trước tiên, ArticuLab giúp các bạn học sinh, sinh viên rèn luyện sự tự tin, cải thiện khả năng thuyết trình. Xa hơn nữa, người dùng có thể sử dụng trong môi trường công việc, các buổi trình bày dự án, các cuộc họp,...", Cam Nguyen chia sẻ.

Cam Nguyen thông tin thêm, sau cuộc thi này, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển thêm các tính năng mới, giúp trải nghiệm của người dùng được tối ưu hơn. Bạn trẻ cũng tự tin về khả năng sản xuất và thương mại của sản phẩm trong tương lai.

Trong bối cảnh các công ty lớn trên thế giới cũng đang tích hợp ChatGPT vào sản phẩm của mình để nâng cao tính cạnh tranh, ý tưởng của các bạn trẻ người Việt được đánh giá là sáng tạo và bắt kịp với xu thế công nghệ toàn cầu.

Ngoài ArticuLab, có khá nhiều sản phẩm ấn tượng được phát minh trong cuộc thi như ChartGPT (một công cụ có thể nhanh chóng tạo ra các bảng biểu đẹp phục vụ công việc), Priva (tiện ích mở rộng bảo vệ người dùng khỏi việc bị lộ thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi sử dụng Internet).

Lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch Covid-19, cuộc thi đã thu hút 1.700 sinh viên từ khắp thế giới hội tụ ở Stanford, Mỹ.

Hàng trăm đội thi sở hữu kinh nghiệm ở các lĩnh vực khác nhau đã cùng làm việc liên tục trong 36 tiếng để phát minh ra gần 300 sản phẩm. Trong đó, có hơn nửa số sản phẩm áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Đây là một xu hướng công nghệ đang được dự đoán sẽ tạo nên nhiều bứt phá trong năm 2023.

Ông Andrej Karpathy - thành viên sáng lập của OpenAI, từng là giám đốc trí tuệ nhân tạo của Tesla chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với cuộc thi này, nó rất đặc biệt. Các bạn thí sinh như những nhà thám hiểm thực thụ. Tôi yêu sự sáng tạo của các bạn và cảm thấy mình được truyền cảm hứng".

TreeHacks là một cuộc thi được tổ chức bởi sinh viên nhưng được bảo trợ bởi các "ông lớn" từ thung lũng Silicon và các công ty đầu tư mạo hiểm như Meta, OpenAI, Palantir và Y Combinator.

Không những tài trợ tổng giải thưởng lên đến hơn 100.000 USDS (hơn 3 tỷ đồng tiền Việt Nam), nhân dịp này, các công ty lớn cũng tiếp xúc và trò chuyện cùng các ứng viên về cơ hội hợp tác làm việc trong tương lai.

(Nguồn: Dân Trí)

Hong Indira Rieck - Nữ diễn viên gốc Việt đóng thế những cảnh hành động và mạo hiểm

(Ảnh minh họa).

Hong Indira Rieck (tên tiếng Việt là Hồng Giang), thừa hưởng một nửa dòng máu Việt từ cha mình, là diễn viên đóng thế các cảnh võ thuật, mạo hiểm trong nhiều bộ phim nổi tiếng

Hong Indira Rieck tập võ từ năm 12 tuổi. Sau khi lớn lên, học cao đẳng điện ảnh tại Đức, cô bắt đầu tham gia làm người mẫu ảnh từ năm 2006 và tham gia đóng phim từ năm 2008. Cô đã tham gia rất nhiều bộ phim và đóng thế cho nhiều diễn viên nổi tiếng của Mỹ và châu Âu trong các cảnh hành động và võ thuật, trong đó có thể kể tới các bộ phim nổi tiếng: Cloud Atlas (2012), Charlie's Angels (2019) và Uncharted (2022). Trong phim Cloud Atlas cô đóng thế cho 1 diễn viên người gốc Trung Quốc. Trong Chalie’s Angels, cô đóng thế cho 1 “Angel”. Trong Uncharted, cô đóng vai 1 nữ quân nhân. Đặc biệt trong phim Gundpower Milkscake (2021), cô đóng thế cho diễn viên nổi tiếng Michaelle Yeoh.

Cô cũng từng đóng một số vai chính như vai chính trong phim Sunday Menü (đã được chiếu tại liên hoan phim Berlinale ở Đức), và tham gia trong một số MV của Đức.

Cô tâm sự: Một diễn viên lai Đức và Việt Nam như tôi, rất khó để được nhận một vai chính trong phim bởi vì cũng không nhiều các nhân vật như vậy trong phim nước ngoài. Chính vì thế tôi tập trung cho việc làm diễn viên đóng thế, vì lợi thế của tôi là được ba tôi cho học võ thuật từ nhỏ.

Là một nữ diễn viên nữ có 2 dòng máu Việt và Đức, tôi thấy tự hào được làm nghề điện ảnh theo truyền thống gia đình, theo ông nội và ba tôi. Tôi thực sự muốn hòa nhập vào xã hội với con người của mình mang 2 nền văn hóa Việt và Đức, tạo ra một tính cách riêng khi diễn trong phim.

Cô đam mê làm huấn luyện viên võ thuật, thể hình. Cô cho biết: Khi còn trẻ, cô không quan tâm mấy đến thể thao, mà thường ngồi ở nhà, vẽ. Rồi cô tham gia nhảy hip-hop, chuyển sang võ thuật và phát hiện mình có đam mê với kungfu. Từ đó cô dành hầu hết thời gian có thể để tập luyện. Cô đã giành được nhiều huy chương tại các cuộc thi đấu thể thao ở Đức. Cô cho rằng: Thể thao giúp bạn vượt qua chính mình và bắt đầu một cuộc sống mới với cảm giác hạnh phúc, cân bằng, tự tin, cảm giác cơ thể được cải thiện và dẻo dai hơn.

Hồng Giang đã từng cùng gia đình về Việt Nam du lịch. Cô rất thích những chuyến đi đó. “Tôi thích và rất yêu món ăn Việt Nam, cũng như văn hóa Việt. Tôi thực sự ngưỡng mộ về sự chăm chỉ của người Việt. Nếu như tôi có dịp may mắn được tham gia và cộng tác với các nhà sản xuất phim Việt Nam thì còn gì tốt hơn thế? Đó là ước muốn của tôi. Ba tôi nhất định sẽ rất tự hào, bởi ông luôn hướng các con về văn hóa nguồn cội Việt Nam”./

(Nguồn: VOV)

Dạy con 'Tây' tiếng Việt không khó

Tôi thấy nhiều người nghĩ rằng chuyện cha mẹ muốn con 'Tây' phải học tiếng Việt là quá sức với con.

Nói về chuyện dạy con 'Tây' nói tiếng Việt, tôi thấy nhiều người có quan niệm cha mẹ quyết dạy con tiếng Việt và tiếp thu cả hai nền văn hóa trong mình là người ta không thương con. Tôi cho rằng đó là đánh giá chủ quan. Trong khi bao nhiêu người bỏ tiền đi khắp thế giới để mong được trải nghiệm nhiều hơn, việc cha mẹ ở nước ngoài cho con hiểu thêm về văn hóa dân tộc rõ ràng là một điều tuyệt vời, là một thế mạnh mà không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có được.

Và theo tôi, điều đó hoàn toàn có thể làm được, trong tầm tay của mỗi người làm cha, làm mẹ, chứ chẳng phải thứ gì đó quá sức. Tôi cũng hiểu rằng nhiều người ra nước ngoài, thời gian đầu làm quen với môi trường mới, họ quá mông lung nên đã lỡ mất việc quan tâm dạy con tiếng Việt và văn hóa quê hương. Tôi cũng không có gì chê trách họ cả vì mỗi người một cuộc sống.

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta quên dần những giá trị truyền thống của dân tộc. Chúng ta nên cố gắng tìm cách giải quyết, vì đây là thứ rất đúng đắn.

Tôi sẽ đưa ra hai ví dụ để các bạn thấy việc dạy trẻ Việt ở nước ngoài nói tiếng mẹ đẻ là hoàn toàn khả thi:
Đầu tiên là khi tôi ở Sài Gòn, đi du lịch Campuchia. Đoàn của tôi tôi chơi thân với hai gia đình: một chị bên Mỹ về đi cùng con gái đang học lớp 6, cháu nói tiếng Việt rất sõi như người Việt; một chị lấy chồng người Canada, con gái mới học lớp 4, cũng nói được tương đối nhiều tiếng Việt. Có thể thấy, họ đều sống ở nước ngoài nhiều năm và đều dạy con nói được tiếng Việt một cách trôi chảy.
Ví dụ thứ hai là hàng năm, chúng ta có vài chục ngàn du học sinh Việt đi Mỹ, tôi cũng từng là một trong số đó. Vậy nên, nói cho đúng, chúng tôi chính là những người ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn so với sinh viên ở Mỹ (vì gia đình phải vất vả hơn mới chu cấp được cho con học ở Mỹ, học phí cho sinh viên nước ngoài cũng đắt hơn học phí nội bang). Có thể thấy, người ta ở Việt Nam còn nuôi được con học hai ngôn ngữ, trải nghiệm hai nền văn hóa khác nhau. Vậy cớ gì bố mẹ người Việt nuôi con ăn học ở nước ngoài từ bé mà lại lo con học tiếng Việt là quá sức?

Biết hai luôn tốt hơn là chỉ một, đó là quan điểm của tôi.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang