Người Việt hải ngoại: Giải bóng đá ở Nhật; Quảng bá sách thiếu nhi; Học 'nghề livestream' ở TQ; Xôi khúc sang Hàn

GIẢI BÓNG ĐÁ KỶ NIỆM 50 NĂM THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM-NHẬT BẢN

(Ảnh minh họa).

Vừa qua, vòng chung kết và lễ trao giải bóng đá FAVIJA KANTO CUP 2023 của cộng đồng người Việt đã diễn ra tại sân vận động REDSLAND thành phố Saitama, Nhật Bản.

Sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội Giao lưu văn hóa thể thao Việt Nam Nhật Bản (FAVIJA) dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023).

Theo đó, 64 đội được lựa chọn từ gần 100 đội bóng không chuyên của người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại xứ sở hoa anh đào đăng ký tham gia vòng loại đã được khởi tranh từ ngày 26/3. Kết quả, 32 đội bóng xuất sắc vượt qua vòng bảng để có mặt tại vòng chung kết.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh cho biết, các hoạt động thể thao nói chung và các giải bóng đá có ý nghĩa tích cực, thiết thực, bổ ích.

Ông Nguyễn Đức Minh khẳng định: "Các hoạt động của FAVIJA cũng như của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản góp phần giúp cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ, hướng đến những mục đích tốt đẹp như rèn luyện sức khỏe, tăng cường giao lưu trao đổi, đoàn kết.

Được tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, giải bóng đá FAVIJA càng làm cho cộng đồng tự hào hơn. Đây đồng thời là cơ hội giao lưu với các bạn trẻ Nhật Bản, để mọi người hiểu hơn về quyết tâm, tinh thần của thể thao, của tuổi trẻ Việt Nam, qua đó tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước".

Kết thúc giải thi đấu, chức vô địch thuộc về FC AE38, Á quân thuộc về FC Asahi và 2 đội đồng giải Ba là VNFFC Và FC Kizuna.

Ông Đỗ Quang Ba - Chủ tịch FAVIJA cho biết, 4 đội bóng đạt thành tích cao nhất ở đại hội bóng đá vùng Kanto lần này sẽ giành tấm vé tham dự đại hội bóng đá toàn quốc với các đội đoạt giải ở các vùng Kansai, Tokai, Kyushu, Tohoku... được tổ chức vào trung tuần tháng 12 năm nay.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Quảng bá sách thiếu nhi Việt Nam tại Liên hoan văn học thiếu nhi châu Á (AFCC) 2023

Ban liên lạc và cộng đồng người Việt Nam tại Singapore sẽ hợp tác với Hội đồng sách Singapore để tổ chức chương trình “Đêm Việt Nam – Quốc gia tâm điểm” tại Liên hoan văn học thiếu nhi châu Á (AFCC) 2023 vào tối 28/5.

Chương trình Việt Nam - Quốc gia tâm điểm Việt Nam tại AFCC là dịp để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore, nêu bật mối quan hệ văn học và văn hóa của hai nước.

Chương trình sẽ giới thiệu những cuốn sách hay nhất về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên từ Việt Nam; Cung cấp thông tin chuyên sâu về ngành xuất bản sách thiếu nhi tại Việt Nam; Khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà văn, họa sĩ minh họa, dịch giả và nhà xuất bản ở Việt Nam và Singapore

Chương trình bao gồm lễ kỷ niệm, trao thưởng và các phần biểu diễn văn hoá văn nghệ, đọc, kể chuyện do chính các thành viên trong Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore, đặc biệt là các cháu thiếu nhi biểu diễn.

Tại Đêm Việt Nam, quan khách cũng sẽ được thưởng thức ẩm thực Việt Nam đặc trưng do chính các nhà hàng và quán ăn Việt Nam tại Singapore cung cấp.

Được thành lập vào năm 2010, AFCC là Liên hoan hàng đầu ở châu Á về hỗ trợ và vận động cho việc sáng tạo và đánh giá cao sách dành cho trẻ em và tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của Singapore, Đông Nam Á và châu Á. Ấn bản thứ 14 sẽ được giới thiệu đến công chúng vào tháng 5 năm 2023 với chủ đề “Chơi!”. Các chương trình tập trung vào viết sáng tạo, dịch thuật, sách ảnh, truyện tranh & tiểu thuyết đồ họa, truyền thông số, sáng tạo nội dung.

(Nguồn: Thời Đại)

CÔ GÁI VIỆT BỎ TIỀN TRIỆU ĐỂ HỌC "NGHỀ LIVESTREAM" Ở TRUNG QUỐC

(Ảnh minh họa).

Nghề livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang rất phát triển và cô gái người Việt này đã không ngần ngại chi số tiền gần 10 triệu đồng để tham gia khóa học livestream chuyên nghiệp.

Việc livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được ví như những cơn sốt, là cơ hội kinh doanh vô cùng màu mỡ dành cho những ai có năng khiếu nói chuyện trước ống kính. Dù dễ tiếp cận nhưng thật sự, để có một buổi livestream chỉn chu và thu hút được đông đảo lượt xem thì quả thực đó không phải một điều quá dễ dàng. Bên cạnh năng khiếu nói chuyện, giao lưu và khả năng "chốt đơn" cực nhanh thì người livestream chuyên nghiệp cũng cần tham gia những khóa học đề trau dồi kỹ năng.

Mới đây, một cô gái có nickname Đậu China (người Việt đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc) đã đăng tải video chia sẻ về hành trình đi học livestream chuyên nghiệp của mình. Theo đó, cô nàng cho biết bản thân đã chi khoảng 10 triệu đồng để tham gia lớp học.

Cô cho biết: "Người bình thường nói 2-3 tiếng liên tục đã khàn giọng và chịu không nổi nhưng người livestream cần nói 8-10 tiếng, đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng".

Võ Hà Linh livestream lần đầu đến 80 nghìn người xem: Phạm Thoại bị soán ngôi "kỷ lục".

Đậu China cho biết những người livestream chuyên nghiệp sẽ có bí quyết để nói lâu mà không bị khàn giọng, vẫn giữ được lửa như lúc mới bắt đầu phát trực tiếp. Vì thế cô không tiếc tiền để được đào tạo thêm những kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm từ tiền bối lão thành trong nghề livestream. Ngày đầu đi học đối với Đậu thật sự rất khó khăn, cô nàng đã gần như "cạn kiệt năng lượng" sau khi về đến nhà.

Mỗi buổi học gồm 3 tiếng lý thuyết và 3 tiếng thực hành, điều đó giúp học viên có thể nắm được kiến thức cơ bản và vận dụng vào thực tiễn ngay lập tức. Vì nếu chỉ học lý thuyết suông mà thiếu đi thực hành thì học viên không thể biết cách ứng dụng. Đậu chia sẻ thêm, vì là người Việt duy nhất trong lớp học và toàn bộ giáo trình chỉ bằng tiếng Trung nên cô có đôi chút khó khăn trong các buổi đầu tiên.

Câu chuyện Đậu China chia sẻ khiến nhiều người cảm thấy thú vị và phải cảm thán rằng, quả thực nghề livestream không hề dễ dàng. Đúng vậy, để có buổi phát trực tiếp bán hàng thu hút được đông đảo khách mua, người livestream phải nói liên tục nhưng không được lan man, phải có cái duyên để giữ chân người xem. Vì nghề này đang rất sốt nên đồng nghĩa việc cạnh tranh gắt gao là không thể tránh khỏi.

(Nguồn: Bestie)

Xôi khúc Việt sang Hàn Quốc, người phụ nữ bán mỏi tay, thu tiền triệu/ngày

Ban đầu chỉ bán tại nhà và đạp xe đi rao dọc đường, dần dần gia đình chị Phương tự mở quán, phục vụ món xôi khúc được nhiều thực khách Hàn Quốc yêu thích.

Chị Vũ Thị Phương (quê ở Hải Phòng) hiện sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc gần 10 năm. Chị cũng chính là chủ quán ăn bán món xôi khúc trên một con phố ở Hàn Quốc được cộng đồng mạng chia sẻ khắp các diễn đàn trong thời gian gần đây.

Chị Phương nói từng được chứng kiến người cô nấu món xôi khúc từ các nguyên liệu tự nhiên khi còn ở Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm. Đây cũng là món ăn chị yêu thích nên nảy ra ý tưởng nấu và bán xôi khúc ở Hàn Quốc từ năm 2020.

"Ban đầu tôi bán để phụ giúp gia đình và chỉ bán tại nhà, còn cuối tuần thì bán dạo ngoài đường, gần khu chợ nơi mình ở. Lâu dần, món xôi này được nhiều người Hàn và cư dân địa phương yêu thích, ủng hộ thường xuyên. Đến nay, tôi và mẹ đã có thể tự mở một quán nhỏ phục vụ thực khách tới ăn tại chỗ hoặc mua mang về", chị Phương nói.

Người phụ nữ quê Hải Phòng cho hay, để làm món xôi khúc chất lượng, ngoài gạo nếp được tuyển chọn từ loại nếp ngon của Hàn Quốc, các nguyên liệu còn lại như đỗ xanh, lá khúc được vận chuyển từ Việt Nam sang.

Đặc biệt, chị còn sử dụng lá nếp để món xôi thơm hơn và điều chỉnh tỷ lệ, gia vị cho phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc cũng như đảm bảo mức giá bình dân, ai cũng có thể thưởng thức.

Chị Phương tiết lộ, trước đây gia đình chỉ phục vụ món xôi khúc nên trung bình mỗi ngày sử dụng hết khoảng 40kg gạo nếp. Ngày cao điểm, chị bán được số lượng gấp đôi, tương đương gần 200 suất xôi, mỗi suất giá 3.000 won (hơn 53.000 đồng).

Hiện chị cùng bố mẹ tiếp tục mở quán, tự tay chế biến đồ ăn và phục vụ thực khách. Quán được in biển hiệu cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn Quốc, nằm trên đường Jeongwang-dong, thành phố Siheung, tỉnh Gyeonggi-do. Quán mở cửa cả ngày, đón nhận lượng khách đông đúc.

Ngoài xôi khúc, quán chị còn phục vụ nhiều món ăn Việt như phở, bánh cuốn, bánh giò, bánh chưng, chè, cháo sườn, nước mía,… và cả những món đặc sản nổi tiếng Hải Phòng như bánh đa cua, nộm sứa, gỏi cuốn, nem thính,…

Vì bán nhiều món, thực khách tới quán có nhiều lựa chọn về món ăn nên lượng xôi khúc mà gia đình chị Phương tiêu thụ có giảm hơn, song vẫn được nhiều thực khách ưa chuộng, tìm mua thưởng thức.

Người phụ nữ này cũng chia sẻ, trong số các món Việt được bán tại đây thì phở, các loại bún và đặc biệt bánh đa cua Hải Phòng được nhiều người yêu thích nhất.

Không chỉ người Việt xa quê, người Hàn bản địa mà người Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia đang sinh sống quanh khu vực cũng mê mẩn các món ăn truyền thống của Việt Nam.

"Tôi mong muốn lan tỏa được ẩm thực Việt Nam trên đất nước Hàn Quốc, vừa phục vụ người Việt xa quê, giúp họ xua tan nỗi nhớ quê nhà, vừa giới thiệu tới bạn bè quốc tế những món ăn Việt đặc sắc", chị Phương tâm sự.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang