Người Việt hải ngoại: Kết nối chiến sỹ áo trắng; Mặc áo bà ba bán hàng; Chuyện tỷ phú tương ớt; Mưu sinh ở Pháp hậu Covid-19

NƠI KẾT NỐI NHỮNG 'CHIẾN SỸ ÁO TRẮNG' CỦA PHÁP VÀ VIỆT NAM

(Ảnh minh họa).

Liên đoàn Y tế Pháp-Việt, nơi quy tụ 25 hiệp hội và nhiều cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế giữa hai nước, là một điểm sáng trong phong trào hội đoàn đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.

Nói đến quan hệ Pháp-Việt Nam trong lĩnh vực y tế, ai cũng biết đến Liên đoàn Y tế Pháp-Việt (FSFV), nơi quy tụ 25 hiệp hội và nhiều cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế giữa hai nước.

Có thể nói đây là một điểm sáng trong phong trào hội đoàn đoàn kết hữu nghị, cầu nối những "chiến sỹ áo trắng" người Pháp, người Việt và người Pháp gốc Việt.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Đào Thu Hà, bác sỹ trưởng khoa X quang, Bệnh viện đại học Henri-Mondor ở Créteil, Chủ tịch Hiệp hội Y học hình ảnh không biên giới (IMSF), cho biết ý tưởng thành lập Liên đoàn Y tế Pháp-Việt được hình thành trong năm giao thoa Pháp-Việt 2014, nhằm tập hợp các hiệp hội và cá nhân trong ngành y, có tình cảm và mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Với mục tiêu tối ưu hóa các hoạt động của các hội đoàn này tại Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong các hành động, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin chuyên ngành, cũng như triển khai các dự án hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, hội nghị chuyên đề đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015, đánh dấu sự ra đời của Liên đoàn Y tế Pháp-Việt, nơi quy tụ gần 150 người đến từ các hiệp hội y tế Pháp-Việt Nam.

Kể từ đó đến nay, Liên đoàn Y tế Pháp-Việt không ngừng phát triển và tập hợp khoảng 25 hội, nhóm, các quỹ đầu tư và các công ty dược, thiết bị y tế và cá nhân là bác sỹ Pháp, Việt, hoặc người Pháp gốc Việt đang hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Pháp và có hợp tác với các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam.

Tiếp nối bề dày truyền thống hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng, Liên đoàn Y tế Pháp-Việt với Chủ tịch là bác sỹ Đào Thu Hà, và Tổng thư ký là bác sỹ nhi khoa Gildas Treguier, đã luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các bệnh viện Việt Nam và Pháp, tổ chức các hoạt động trao đổi, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong ngành y cho Việt Nam, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các bác sỹ, trợ giúp kỹ thuật và thiết bị y tế, góp phần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế của Việt Nam.

Liên đoàn Y tế Pháp-Việt cũng duy trì việc tổ chức các cuộc họp và các kỳ đại hội, gặp gỡ nhân dịp Tết cổ truyền, đón tiếp sinh viên, thực tập sinh, bác sỹ ngành y từ Việt Nam sang Pháp, tổ chức các hội nghị đánh giá về sự hợp tác y tế giữa hai nước trong thời gian đã qua và hoạch định các chương trình hành động trong tương lai.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua, Liên đoàn Y tế Pháp-Việt đã theo sát diễn biến dịch tại Việt Nam và nỗ lực tìm kiếm các nguồn viện trợ về vaccine, thiết bị y tế như máy thở và các vật tư tiêu hao nhằm chung sức với Việt Nam trong công cuộc chống dịch.

"Các mối liên kết đã cho phép chúng tôi tiếp tục hành động không chỉ trong từng chuyên ngành của mình, mà còn có những hành động tập thể có ý nghĩa, đặc biệt là trong đại dịch COVID. Ngay khi đối mặt với làn sóng COVID-19 đầu tiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Paris đã đề nghị chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với tư cách là một bên đối thoại về y tế đa ngành. Tại thời điểm đỉnh dịch ở Việt Nam, hồi mùa Thu năm 2021, 12 hội thảo trực tuyến đã được thực hiện, với sự cộng tác của các chuyên gia trong các lĩnh vực y tế khác nhau, từ chăm sóc đặc biệt, đến hô hấp, lão khoa...", bà Đào Thu Hà nhớ lại và cho biết thêm rằng các hội thảo này cũng được đưa lên trang web, phát trên kênh YouTube của Liên đoàn Y tế Pháp-Việt, với số lượng truy cập thậm chí lên đến 3.000 kết nối trong lần phát sóng đầu tiên của hội thảo trực tuyến về COVID-19.

Bà Đào Thu Hà cũng đánh giá cao sự phối hợp nhiệt tình của các đồng nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là Hội Hô hấp học Việt Nam do Giáo sư Ngô Quý Châu làm đại diện, góp phần vào thành công của các hội thảo trực tuyến này.

Bà cũng không quên nhắc lại sự giúp đỡ tượng trưng nhưng đầy ý nghĩa của các đồng nghiệp Việt Nam, những người đã cùng nhau gửi cho các đồng nghiệp tại Pháp những thùng khẩu trang và áo bảo hộ khi nước này phải đối mặt với bùng phát dịch bệnh COVID-19 vào mùa Hè năm 2020.

Nói về những kế hoạch trong thời gian tới, bà Đào Thu Hà cho biết Liên đoàn Y tế Pháp-Việt đã lên chương trình tổ chức các hội nghị chuyên đề vào tháng 11 tới tại Hà Nội, để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược giữa hai nước Pháp-Việt Nam, 30 năm thành lập chuyên ngành đào tạo bác sỹ nội trú Việt Nam tại Pháp (FFI), và 100 năm thành lập Bệnh viện Ung bướu (Bệnh viện K).

Nhận xét về hoạt động của Liên đoàn Y tế Pháp-Việt, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao đóng góp của các bác sỹ Pháp và người Pháp gốc Việt trong hợp tác y tế giữa hai nước, góp phần tích cực thúc đẩy đào tạo nhân lực, hỗ trợ hiện đại hóa ngành y thông qua việc trợ giúp kỹ thuật và trao tặng máy móc, thiết bị khám chữa bệnh cho các bệnh viện và cơ sở y tế ở Việt Nam.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Việt Nam, Liên đoàn Y tế Pháp-Việt đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn viện trợ về vaccine, thiết bị y tế nhằm chung sức với Việt Nam trong công cuộc chống dịch.

Đại sứ mong rằng với tinh thần chia sẻ tình cảm và trách nhiệm, với ước vọng về một nền y tế phát triển, mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam và y tế nước nhà, Liên đoàn Y tế Pháp-Việt sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình đặc biệt trong việc đào tạo các thế hệ trẻ có thể tiếp nối và kế tục sự nghiệp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, trong lĩnh vực y tế.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Cô gái gốc Việt mặc áo bà ba bán hàng ở Mỹ bằng một phương tiện độc đáo tôn vinh ẩm thực đồng bằng sông Cửu Long

Chiếc xe bán đồ ăn South Austin Food Truck của Hanh Duong ở Texas, Mỹ đang tôn vinh ẩm thực ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, và cũng là cách cô tưởng nhớ đến người mẹ quá cố của mình.

Bên chiếc xe bán thực phẩm màu xanh lá cây tươi sáng ở Thicket Food Truck Park, Hanh Duong đang nấu các món ăn, hay như cô mô tả là "nấu ăn từ trái tim".

Hanh Duong, chủ nhân của chiếc xe đồ ăn Hanh's Homemade, bày tỏ lòng kính trọng đối với người mẹ quá cố của mình bằng cách nấu và chia sẻ những món ăn từ quê hương đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Từ những năm 1980 đến năm 2010, mẹ của Hanh, bà Năm, mở và điều hành nhà hàng Tự Đức của riêng mình ở tỉnh Cần Thơ, Việt Nam. Khu vực sông Mekong trải dài trên một vùng rộng lớn của khu vực Đông Nam Á từ phía nam Campuchia qua phía tây nam Việt Nam.

Đây là khu vực có biệt danh là vựa lúa vì đất đai màu mỡ của vùng đất này rất lý tưởng cho các cánh đồng lúa cũng như trồng các loại rau và cây ăn quả. Ngoài ra vùng đất này còn nổi tiếng với rất nhiều loại hải sản, đặc biệt là tôm và cá sông, từ các nhánh sông Hậu và sông Tiền thuộc hệ thống sông Cửu Long.

Hanh lớn lên và phụ mẹ nấu nướng cho nhà hàng. Nhà hàng của mẹ cô phục vụ 70 món, từ phở và bánh mì đến thịt bò bảy món, món làm nên tên tuổi của bà Năm.

Chưa ai nấu cháo bò ngon như bà, Hanh nói. Sau khi các con cháu học xong, bà Năm đóng cửa quán nhưng vẫn bán dưa chua cùng các món ăn chế biến sẵn cho bà con trong xóm. Bà nấu ăn hàng ngày cho đến khi qua đời vì cơn đột quỵ ở tuổi 81 vào năm 2018.

Hanh chuyển đến Austin vào năm 2019 cùng gia đình và đó là khoảng thời gian khó khăn đối với cô: Hanh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và phải trải qua thời gian điều trị.

Sau khi hồi phục, Hanh học tiếng Anh và lấy chứng chỉ Xử lý Thực phẩm ở Cao đẳng Cộng đồng Austin.

Hanh biết rằng cô ấy muốn mở nhà hàng của riêng mình, giống như mẹ cô.

Hanh từng bán những loại trái cây mà cô tự trồng trong vườn của mình như rau và ớt hữu cơ. Nhưng sau đó, một cơn bão đã phá gần hết khu vườn của cô vào năm 2021.

Thời điểm cô quyết định dừng lại, ánh mắt cô hướng về phía chiếc xe tải ở góc vườn. Một ý tưởng nảy ra và vợ chồng cô đã cải biến chiếc xe thành nơi bán đồ ăn. Đến tháng 11/2021, cô khai trương nhà hàng của mình.

Hanh quan tâm đến việc sử dụng các nguyên liệu truyền thống và cam kết sử dụng càng nhiều nguyên liệu hữu cơ càng tốt.

Thực đơn của "chiếc xe" bao gồm các món ăn như bánh mì, cơm chiên và phở, bánh xèo Việt Nam với lớp vỏ bên ngoài vàng ruộm cùng nhân gồm cà rốt thái sợi và củ đậu, đậu xanh nguyên hạt, hành lá xắt nhỏ và thịt lợn, tôm...

Ngoài ra, Hanh chế biến những xiên chả chay được làm bằng đậu phộng hấp, hạt vừng, lúa mì, đậu nành, mù tạt, cần tây, trứng và sữa. Cô nặn các nguyên liệu thành những miếng vừa ăn, xiên que rồi hấp chín.

Một nguyên liệu quen thuộc của cô là đậu xanh. Hanh sử dụng các loại đậu trong các món mặn (bánh xèo, chả giò) và đồ ngọt. Bánh đậu xanh của cô ấy, sử dụng đường phèn, và được làm mới mỗi ngày. Và tất nhiên là cả cà phê truyền thống Việt Nam.

Hanh thường xuyên chia sẻ video, công thức nấu ăn và nguồn cảm hứng cho các món ăn của mình trên trang Facebook cá nhân. Các video của Hanh rất thân thiện vì cô ấy thường kể về thời thơ ấu của mình ở Việt Nam hoặc kể về cách mẹ cô truyền cảm hứng cho một món ăn. Đôi khi Hanh mặc áo bà ba của mẹ, một bộ trang phục bằng lụa truyền thống của Việt Nam, tại xe tải trong những sự kiện đặc biệt hoặc khi cô nhớ nhà.

Hanh vẫn tươi cười chào đón từng khách hàng và luôn vui vẻ trò chuyện, đặc biệt là về ẩm thực, người mẹ đã truyền cảm hứng cho tất cả và quê hương đồng bằng sông Cửu Long của cô.

(Nguồn: Soha)

Tỷ phú tương ớt gốc Việt duy nhất ở Mỹ và triết lý không quảng cáo, tiếp thị, chưa một lần tăng giá bán buôn

(Ảnh minh họa).

Ông David Tran, "cha đẻ" của sản phẩm tương ớt Sriracha quen thuộc ở thị trường Mỹ quyết định không quảng cáo, tiếp thị và cũng hiếm hoi xuất hiện trên báo chí.

David Tran thành lập Huy Fong Foods ở California từ số vàng dành dụm trị giá 20.000 USD vào thời điểm đó, được giấu bên trong những lon sữa đặc.

Hơn 40 năm sau, thương hiệu Sriracha đã có mặt trên bàn ăn của người tiêu dùng trên toàn thế giới, từ chương trình truyền hình thực tế cho đến trạm Không gian Quốc tế (ISS).

Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, những chai tương ớt Sriracha với logo con gà trống và nắp màu xanh lá cây hiện có mặt trong căn bếp của gần 1/10 gia đình Mỹ.

Huy Fong Foods, được định giá 1 tỷ USD bởi IBISWorld, đứng thứ ba trên thị trường tương ớt Mỹ với doanh thu 1,5 tỉ USD, xếp sau Tabasco của gia đình McIlhenny thành lập từ năm 1868 và Frank's RedHot từ tập đoàn gia vị McCormick & Co.

Con đường tạo ra thương hiệu tương ớt "quốc dân"

David Tran sinh năm 1945 tại thành phố Sóc Trăng của Việt Nam và chuyển đến Sài Gòn năm 16 tuổi, nơi ông làm việc trong cửa hàng bán các sản phẩm hóa chất của anh trai.

Tháng 1/1980, ông cùng vợ và con trai đến Los Angeles. Cơ duyên đến với nghề sản xuất tương ớt trên đất Mỹ của Tran cũng rất tình cờ. Một lần, ông mua một chai tương ớt nhập khẩu ở cửa hàng tạp hóa trong khu Chinatown tại Los Angeles. Cảm thấy tương ớt đó chất lượng không tốt lắm, người đàn ông gốc Việt cho rằng mình có thể làm ra loại ngon hơn.

Ông thuê một cửa hàng ở khu Chinatown với giá 700 USD/tháng. Ban đầu, ông lái xe tải chở những chai tương ớt thành phẩm và chở đến từng khu chợ, đến tận các nhà hàng địa phương để chào bán.

Lúc đó, ông Tran cũng chỉ mong sản phẩm của mình sẽ được các tiệm phở Việt ưa chuộng và xa hơn có thể là các nhà hàng châu Á ở quanh vùng Nam California.

Nhưng ngay sau đó, sản phẩm tương ớt của ông đã vượt sự kỳ vọng của ông khi được người tiêu dùng đánh giá cao, với tháng đầu "ra quân" giúp ông thu về 2.300 USD, theo tờ The Straits Times.

Sau đó, doanh thu tháng nào cũng lớn với lãi suất rất đáng kể, kéo theo nhu cầu tăng vọt. Ông đã phải chuyển đến một nhà máy ở Rosemead, ngoại ô phía đông Los Angeles, và sau đó mở rộng quy mô sang cả khu nhà máy sản xuất vòng lắc Wham-O bị bỏ hoang bên cạnh.

Năm 1983, tương ớt nhãn hiệu Sriracha ra đời. Sản phẩm này đã giúp Tập đoàn Huy Fong Foods trở thành cái tên quen thuộc của người tiêu dùng tại Mỹ cho đến nay. Từ năm 2010, Nhà máy Huy Fong Foods tọa lạc trên một khu đất rộng 60.000 m2 tại thành phố Irwindale, bang California, sản xuất hàng trăm nghìn chai tương ớt Sriracha mỗi ngày.

Không quảng cáo, không tiếp thị, không tăng giá bán buôn

"Tôi chưa từng nghĩ sản phẩm của mình sẽ phổ biến đến như vậy. Giấc mơ của tôi chưa bao giờ là trở thành triệu phú. Tôi bắt đầu vì tôi thích tương ớt tươi, cay", David Tran nói với tờ LA Times.

Bất chấp sự giàu có của mình, Tran vẫn tập trung vào chất lượng của Sriracha, sản phẩm được yêu thích rộng rãi với biểu tượng con gà trống, tượng trưng cho năm sinh của ông trong 12 con giáp.

"Tôi muốn tiếp tục tạo ra một sản phẩm chất lượng tốt, như làm thế nào để tương ớt nóng cay hơn... và không nghĩ đến việc kiếm thêm lợi nhuận", ông nói.

"Tôi có thể sử dụng các thành phần ít tốn kém hơn hoặc quảng bá sản phẩm của mình để kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng không, mục tiêu của tôi luôn là cố gắng tạo ra loại tương ớt cay nóng cho người giàu với mức giá phù hợp với người nghèo", ông nói thêm.

Tuy nhiên, vào năm 2013, công ty của ông vướng vào một rắc rối khi những người hàng xóm phàn nàn về khói cay từ nhà máy mới của ông.

Nhà máy của Huy Fong Foods đã đóng cửa trong một thời gian ngắn, làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt tương ớt Sriracha của người tiêu dùng ưa thích sản phẩm này. Vụ việc cuối cùng đã được giải quyết sau khi ông Tran cài đặt các bộ lọc mạnh hơn trên các lỗ thông hơi của nhà máy.

Công ty không quảng cáo hay tiếp thị, và Tran hiếm khi trả lời phỏng vấn báo chí. Giá bán buôn của Sriracha cũng không thay đổi kể từ đầu những năm 1980. Ông Tran không có kế hoạch bán công việc kinh doanh mà dự định sẽ truyền lại cho các con của mình, William 47 tuổi và Yassie 41 tuổi, đều làm việc ở công ty.

(Nguồn: Kenh14)

Chuyện mưu sinh của người Việt ở Pháp sau đại dịch COVID-19

Pháp là một trong những quốc gia châu Âu chịu thiệt hại nặng vì đại dịch COVID-19. Vì thế dù sinh hoạt thường ngày đã có vẻ như trở lại bình thường nhưng nhiều người đều thừa nhận rằng trong suy nghĩ của họ, ngoài việc gặp phải những khó khăn liên quan đến tài chính thì hình bóng COVID-19 vẫn lẩn quất đâu đó chứ chưa thực sự biến mất.

Đời sống khó khăn hơn

Chị Trần Thị Phương Thảo là chủ một cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu từ châu Phi và châu Á ở thành phố Laval, miền Tây Bắc nước Pháp. Trong khi những khó khăn vì dịch COVID-19 còn chưa qua thì giờ đây lại thêm hệ luỵ từ cuộc chiến ở Ukraine khiến nguồn cung cấp hàng hóa càng thêm khó. Vì vậy, chị Thảo đã thay đổi nguồn cung cấp hàng hóa, hủy hẳn những mặt hàng quá khó kiếm và phát triển những mặt hàng mới.

Trong câu chuyện với tôi, chị cho biết từ sau dịch COVID-19, tình hình kinh doanh thực sự khó khăn, giá cả mọi mặt hàng đều tăng nhanh. "Nhiều thứ khi nhìn báo giá tôi đã quyết định không lấy hàng nữa, còn có những mặt hàng do khách vẫn có nhu cầu thì tôi chỉ lấy ít và đành phải tăng giá bán. Ví dụ như mắm cá sặc Châu Đốc đã khan hàng từ rất lâu. Thế nên khi báo có hàng, tôi đặt luôn mà không để ý giá. Trước mùa dịch tôi bán 6 Euro/ chai, nhưng bây giờ tôi buộc phải bán giá 12 Euro/ chai vì không thể bán rẻ hơn…".

Hàng hóa tăng giá khiến người tiêu dùng cũng phải thắt chặt chi tiêu. "Người Pháp hiện giờ đã chuyển sang mua thực phẩm châu Á về để tự nấu. Nhiều người mới đến mua đồ rồi hỏi thêm cách làm các món như sushi, cơm rang, mì xào, nem... Tôi đều nhiệt tình hướng dẫn. Nhưng tôi cũng phát triển thêm các mặt hàng hướng đến người Pháp và khách tuổi teen", chị Thảo cho biết.

Việc kinh doanh khó khăn khiến anh Phan Thanh Liêm, chồng chị Thảo, vốn là kỹ sư tin học, trước đây làm cùng vợ, nhưng hiện giờ đã đi làm cho một công ty khác để có thêm thu nhập. "Chúng tôi cố gắng sau khi trả hết nợ ngân hàng thì anh ấy lại về đây làm việc", chị Thảo chia sẻ.

Chồng đi làm công ty khác, chị Thảo phải huy động cả hai con, một 15, một 11 tuổi ra cửa hàng phụ giúp mẹ những lúc rảnh rỗi. Chị Thảo nói: "Các cháu học được rất nhiều từ cửa hàng, hiểu hơn giá trị của đồng tiền và sức lao động. Thương bố mẹ hơn vì chúng làm việc cũng mệt mà chứng kiến thấy mẹ còn làm nhiều hơn chúng… Khi về nhà thì các cháu tự động dọn dẹp, không để mẹ phải nhắc".

Với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như của chị Thảo, để tồn tại và vượt qua khó khăn, bắt buộc phải tìm cách thích ứng hoàn cảnh. Vì thế, "cái khó, ló cái khôn", nếu trước dịch, để chở hàng hóa, chị Thảo đầu tư một chiếc xe tải loại 7,5 tấn để hàng tuần đi Paris chở hàng thì từ khi có dịch, do việc hạn chế di lại, chị đã quyết định bán xe và chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ vận chuyển của công ty chuyển phát. Nhờ thế, giờ đây hàng tháng cũng tiết kiệm được một khoản chi phí nuôi xe trong khi tiền cước vận chuyển tính ra còn rẻ hơn tự mua xe. Để tiết giảm tối đa chi phí, các nhà cung cấp cũng đã cùng hợp tác với nhau, ví như như trước đây mỗi nhà cung cấp buộc khách hàng phải lấy một kiện rau tươi thì cửa hàng nhỏ như của chị Thảo sẽ không tiêu thụ hết nhưng bây giờ chị đặt hàng từ một nhà, sau đó nhờ các nhà khác mang hàng đến góp lại thành một kiện lớn và gửi đến địa chỉ của chị. Nhờ thay đổi phương thức kinh doanh mà chị Thảo đã dần qua khó khăn.

Với chị Phạm Thị Huyền Trâm, khó khăn tài chính có thể thấy ngay trong mỗi lần đi chợ. Chị có chồng là người Pháp và ba con. Là nội trợ nên nên chị là người cảm nhận rõ hơn ai hết về việc giá cả leo thang: "Sau dịch COVID-19, mỗi lần đi chợ tôi phải tính toán rất cụ thể, nếu không cuối tháng sẽ cảm thấy khó khăn vì với cùng số tiền đi chợ thì mua được ít hơn, và còn nhiều thứ mình không thấy trên kệ như trước nữa, không thể mua được. Cuộc sống trở nên hơi khó khăn hơn, mình phải tiết kiệm". Dù có đôi chút khó khăn nhưng chị bảo rằng may mắn là cuộc sống giờ đã trở lại bình thường, do công ty của chồng chị hỗ trợ 50% cho các kỳ nghỉ của các con nếu chúng đi nghỉ theo lớp hoặc nhóm cùng trang lứa do nhà trường tổ chức. "Về cơ bản thì gia đình tôi không bị ảnh hưởng nhiều như những nhà khác, nhưng ngân sách để đi chơi sẽ là một vấn đề nên chắc chắn sẽ phải siết chặt hơn. Riêng khoản chi phí để về Việt Nam thì nhất định phải dành ra".

Tuy nhiên, tại Pháp ở thời điểm này, không phải gia đình nào cũng được như gia đình của chị Huyền Trâm. Trong câu chuyện với tôi, chị Nguyễn Mai Trinh, cựu vô địch môn Võ cổ truyền Việt Nam, kể rằng vợ chồng chị đều là dân thể thao. Vì thế, khi sang Pháp họ đã có rất nhiều dự kiến cho công việc phát triển Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp. Nhưng mọi kế hoạch đã đổ bể khi dịch COVID-19 bùng phát. "3 năm qua chúng tôi điêu đứng vì mọi nơi đều bị đóng cửa, người dân không được tham gia hoạt động thể thao, không được tụ tập", chị Trinh cho biết.

Theo chị Mai Trinh, giá cả tăng và sự khan hiếm các mặt hàng sản phẩm là điều cực kỳ trở ngại và khó khăn, vì các chị cần mua trang phục thể thao cho học sinh nhưng giá cước phí vận chuyển rất cao so với trước đây. Để mua được thực phẩm cũng gặp nhiều trở ngại vì người dân lo sợ không có hàng cung cấp nên dẫu giá cả tăng cao vẫn cứ chen lấn nhau xếp hàng tại các siêu thị để mua sắm. "Cũng may là Chính phủ Pháp hỗ trợ giảm bớt tiền nhà cho gia đình chỉ có một người đi làm và mức lương thấp. Nếu được làm trong các công ty thì sẽ được chủ doanh nghiệp thực hiện chỉ tiêu của nhà nước là hàng tháng hỗ trợ cho công dân một khoản tiền nhất định", chị nói.

Tôi cũng gặp chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, bác sĩ tỉnh Douais, ở miền Bắc nước Pháp. "Tôi sống dưới tỉnh nhỏ, hiện giờ đi ra đường không buộc phải đeo khẩu trang, nhưng nơi tôi làm việc thì vẫn bắt buộc, giống như hồi dịch. Cuộc sống thoải mái hơn, không bị kìm chế như trước những vẫn cần phải đề phòng. Riêng về mặt y tế thì vẫn thế. Khi ra ngoài, một số người sức khỏe yếu và có bệnh nền, họ vẫn thường xuyên đeo khẩu trang".

Theo chị dịch COVID-19 không những có ảnh hưởng về mặt y tế sức khỏe mà nó có ảnh hưởng đến tất cả tâm lý, kinh tế. Ảnh hưởng ấy vẫn còn kéo dài đến bây giờ. Bác sỹ Tâm cũng cho biết, cho dù vật giá leo thang nhưng trong lĩnh vực y tế vẫn bình thường, sự chăm sóc bệnh người dân vẫn được bảo hiểm xã hội chi trả. "Chỉ có điều do lượng bác sỹ ngày càng ít, lượng người khám bệnh càng nhiều cộng thêm dịch COVID-19, công việc càng ngày càng quá tải đối với một số bác sỹ".

"Hết mưa trời lại sáng"

Trong hoàn cảnh cảnh nào thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Vì thế thích nghi với hoàn cảnh là điều cần thiết với mỗi người. Chị Hoàng Phương Lam là một nghệ sỹ, theo chị về mặt sinh hoạt thì mọi thứ đã gần như trở lại bình thường nhưng hầu như tất cả mọi người đều bị khó khăn hơn chút. Theo chị dẫu những khó khăn như vậy nhưng mọi người đều muốn giữ được mức sinh hoạt như trước nên đều tìm cơ hội đi làm thêm để có thu nhập.

"Lúc nào cũng phải cố gắng. Những người thân của tôi cũng vậy, dẫu có đình công nhưng cũng ráng đi làm, không dám đến trễ. Hiện nay, chắc không ai dám bỏ làm hay đổi chỗ làm, tức là phải cố gắng tập trung, quay về với sự bình thường của mình ngày xưa …", chị Phương Lam chia sẻ.

COVID-19 đã tạo điều kiện phát triển nhanh hệ thống làm việc việc trực tuyến và hiện giờ có nhiều công ty tại Pháp đã áp dụng cho các nhân viên của mình làm việc tại nhà. Có nhiều người đã chuyển sang làm trực tuyến, một tuần họ chỉ đến cơ quan hai hoặc ba ngày thay vì cả tuần như trước kia. Về vĩ mô đây là điểm tốt cho môi trường và giao thông xã hội còn các nhân viên sẽ có thêm thời gian dành cho mình và gia đình.

Làm việc trực tuyến khiến họ thoải mái hơn về thời gian. Khỏi phải hấp tấp mỗi sáng đi làm, chen lấn hàng giờ trong những phương tiện giao thông công cộng. Làm việc trực tuyến cũng thoải mái hơn về mặt tinh thần, thay bằng vào văn phòng hoặc ở nhà, ta có thể tới một quán cà phê tìm góc phù hợp để làm việc. Ở Pháp, nhất là Paris luôn có những quán cà phê yên tĩnh dành cho khách đến dùng cà phê và làm việc luôn.

Dịch COVID-19, đó là nó đã đem lại cho mỗi người cái nhìn cuộc sống khác hẳn trước đây. Sau đại dịch COVID-19, phần đông dân chúng đều cố gắng rất nhiều. Có những công việc mà ngày xưa họ sẽ không làm, nhưng hiện nay, dẫu điều kiện đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là hiện tại đang có tổng đình công liên tiếp nhiều tuần trên toàn nước Pháp, dân chúng đòi hỏi nhiều thứ sau dịch, đi làm cũng khó khăn hơn nhưng họ cũng vẫn phải làm.

(Nguồn: CAND)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang