Người Việt hải ngoại: Thực tập sinh ở Nhật; Du lịch, cưới chủ trọ ở Hàn; Người đẹp thi hoa hậu ở Mỹ; Giải bóng đá ở Nhật

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản: Tình hình đã được cải thiện?

(Ảnh minh họa).

Lẩn trốn cảnh sát khi đi trên phố, không được phép ngã bệnh, làm những việc người Nhật "không thèm làm" là tình cảnh hiện nay của một số lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Nhật Bản.

Ông Lê Hùng, người có 17 năm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tại Nhật Bản nói với BBC News Tiếng Việt, "Đúng hơn nên gọi là chế độ thực tập sinh vì chỉ còn nước Nhật duy trì. Đưa người nước ngoài sang trên danh nghĩa là học nghề, học kỹ thuật nhưng trên thực tế là lao động".

Hiện người Việt Nam là cộng đồng người lao động đông nhất tại Nhật Bản, với gần 500 ngàn người.

Dù không thể đại diện cho hơn 200 ngàn thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản, ba câu chuyện sau đây tiếp tục cho thấy những góc tối của chương trình này.

Thế nhưng cũng có trường hợp thành công vươn lên nhờ nghị lực.

'Không được ngã bệnh'

Anh H, 38 tuổi quê ở Hà Tĩnh đến Nhật Bản dạng thực tập sinh vào cuối năm 2019. Anh gom góp vay tiền khoảng 120 triệu đồng để lo cho chuyến đi, thông qua sự giới thiệu từ trung tâm Nhật ngữ Tri Thức ở tỉnh Đồng Nai.

"Trong hợp đồng lao động ghi là tôi sẽ vận hành máy công trình nhưng sang Nhật thì tôi bị bắt đẩy xe rùa. Được ba tháng thì họ bắt tôi đi hàn xì. Đa phần theo tôi là lỗi môi giới hợp đồng, nói một đường làm một nẻo, họ lấy tiền rồi nên tôi có khiếu nại thì cũng vậy thôi."

"Vì tôi không biết tiếng Nhật nên gặp xích mích, gây chuyện, đánh nhau với người Nhật làm chung, rồi phải lên đồn cảnh sát. Người Nhật cũng có ác cảm khi tôi đòi tăng lương. Một tháng tôi nhận được hơn 107.000 yên. Tôi làm được ba tháng rồi trốn ra ngoài cho đến nay", anh H kể lại.

Quá hạn visa 2 năm, anh H đang sống cùng với các lao động Việt Nam bất hợp pháp khác tại thành phố Himeji, tỉnh Hyogo.

Cho tôi xem video ăn mì gói trong khi tuyết rơi tại một công trình xây dựng, anh H cho biết cuộc sống của người lao động bất hợp pháp rất vất vả và chỉ làm những việc người Nhật "không thèm làm".

Một ngày lao động của anh H bắt đầu từ 5:30 sáng đến gần 21:00.

"Rất nhiều người bị chèn ép, phải qua 'số cái' [người môi giới]. Môi giới là người Nhật và có cả người Việt. Ví dụ người môi giới nhận 13-14.000 Yên Nhật từ công ty, thì trả cho chúng tôi khoảng 10.000 thôi. Lao động bất hợp pháp thì chỉ đi làm nghề giàn giáo, dỡ phá nhà, công trình xây dựng, làm rác, những nghề vất vả nhất mà người Nhật không thèm làm..."

Cố gắng tìm cách ở lại Nhật từ khi visa hết hạn vào năm 2020 cho đến nay, anh H xoay sở làm đủ nghề từ bốc rác, dỡ phá công trình, nặng lượng mặt trời.

"Tôi làm nhiều việc lắm, thu nhập thì đỡ hơn công ty trước. Một tháng kiếm tầm khoảng hơn 170.000 yên, tôi gửi về nhà khoảng 100.000 yên để nuôi con. Cảnh sát Nhật bắt suốt nên đi ngoài đường phải để ý chứ, phải tránh vì họ bắt nhiều. Tôi lên đồn cảnh sát gần 10 lần, lúc còn dịch Covid thì không máy bay về nên được cấp tem ba tháng và cứ ở như vậy."

Các lao động bất hợp pháp do không thể mua bảo hiểm nên ngã bệnh đối với họ là điều không được phép xảy ra. Đã có trường hợp thực tập sinh Việt Nam tử vong vì không thể đến bệnh viện.

"Ở đây không được ngã bệnh. Thuốc men thì gửi từ Việt Nam sang hay tôi mua thuốc để đó chứ không thể nào có bảo hiểm. Tôi ở lại bất hợp pháp thì phải chịu thôi... Khi nào cảnh sát bắt thì thôi. Về Việt Nam, tôi sợ không có việc gì làm để nuôi con", anh H cho biết.

'Tôi đã bị nói dối'

Anh Nhật Nam, 27 tuổi đã về Nghệ An sau khi thực tập tại Nhật Bản ba năm, bị kẹt dịch Covid thêm 1,5 năm. Anh Nam cho rằng mình đã bị lừa bởi cả phía công ty tư vấn Việt Nam và công ty ở Nhật Bản.

"Khi từ Việt Nam đi thì hợp đồng họ ghi là mộc xây dựng, nhưng sang thực tế là ngành xây dựng: lái máy móc, sang lấp mặt bằng, khác hoàn toàn khi so với ở công ty Việt Nam nói. Phía Việt Nam đã không tư vấn đầy đủ, lừa tôi. Ngành xây dựng ở Nhật rất vất vả, thế mà công ty tư vấn không nói rõ mà chỉ nói tôi là lái máy thôi. Nhưng thực tế khi tôi sang Nhật thì phải lao động tay chân nữa."

Tôi hỏi anh Nhật Nam cụ thể phía công ty Việt Nam nói gì thì được anh giải thích như sau:

"Cụ thể, ở Việt Nam nói là qua Nhật dựng khung nhà gỗ. Nhưng khi sang Nhật, tôi học đúng một tháng thì nghiệp đoàn Nhật cũng nói là lắp nhà gỗ. Thế nhưng lúc tôi về công ty thì chỉ có máy móc xây dựng như xe chở đất bốn tấn, đồ cuốc xẻng... Công ty phía Việt Nam, nghiệp đoàn bên Nhật đã nói dối với tôi!"

Anh Nam cho biết công ty tư vấn là In Time ở quận Tân Bình, TP HCM, và chi phí tốn hết 4.900 USD vào năm 2018. Nhưng đó chỉ là chi phí đi, thêm tiền học 15 triệu, tiền ở là 6 triệu, do đó tổng số tiền anh bỏ ra là xấp xỉ 5.500 USD thông qua vay ngân hàng.

"Sang Nhật, tôi lại ký hợp đồng khác, không có overtime [làm thêm giờ] như phía công ty Việt Nam nói trước đó. Ban đầu tôi sang làm việc tám tiếng nhưng chỉ được tính tiền bảy tiếng. Sau đó khi tôi kiện lên nghiệp đoàn ở Nhật thì mới được tính tám tiếng."

"Môi trường làm việc thì do không biết tiếng Nhật nên tôi bị người Nhật bắt nạt. Tôi có đề nghị công ty hỗ trợ cho tôi học Tiếng Nhật nhưng giám đốc công ty không hỗ trợ nên tôi đã tự học. Khi tôi biết Tiếng Nhật thì họ giao gì tôi làm đó, không làm nhiều quá nữa."

Anh Nhật Nam cho biết trong suốt bốn năm ở Nhật, bản thân đã phải cố gắng làm sai công việc so với hợp đồng đã ký kết để trả tiền vay ngân hàng.

"Khi về Việt Nam thì tôi dư khoảng 400 triệu trong vòng 4,5 năm. Nếu vậy thì tôi ở Việt Nam vẫn hơn. Những ngày ốm đau bị trừ lương, tôi không được hưởng chế độ ngày nghỉ như hợp đồng."

Hiện anh Nhật Nam đang học thêm và sẽ quay lại Nhật khoảng tháng Tám tới đây với dạng kỹ sư và visa kinh doanh.

'Tư tưởng phải thay đổi'

Câu chuyện của chị Giáp Thị Bích Ngọc, đang việc cho Hiệp hội hỗ trợ Việt Nhật Osaka khác với anh H hay anh Nhật Nam.

"Tôi bắt đầu đi thực tập bên Nhật vào tháng 10/2016, 90 triệu tiền học Tiếng Nhật và cả tiền đi, được đào tạo tiếng Nhật trước khi đi qua công ty Esuhai. Cách đây 5 năm, tôi là thực tập sinh, tôi về Việt Nam rồi sang Nhật trở lại để đi học và giờ đi làm."

Chị Bích Ngọc kể lại câu chuyện bị một người Nhật tại công ty Joiasufuzu "chúi tay vào đầu" chỉ vì trượt làm đổ một bịch nước súp nặng 20 kg.

"Khi mới qua, do đời đầu của thực tập sinh Việt Nam có mối quan hệ không tốt với người Nhật nên họ có ấn tượng không tốt với chúng tôi. Thời điểm đó tôi nhỏ người khó làm việc nặng như khinh vác nước súp. Người Nhật khi đó ăn hiếp tôi, bắt tôi làm công việc nặng hơn, rồi hay dè bỉu, nói không làm được việc thì về nước đi, mắc gì qua đây, đánh đồng người Việt Nam thế này thế kia."

"Hợp đồng của tôi là làm trong băng chuyền sản xuất, thế nhưng sang thứ hai thì làm bếp, môi trường thì chỉ có đàn ông, vì nóng bức. Lúc đó tôi tự nguyện xung phong làm. Có một lần tôi bị kêu rinh một bịch nước sốt 20 kg, do nặng và trơn nên tôi bị trượt tay, và bị bể nước súp."

"Thế là cô người Nhật đó chúi tay vào đầu, nói không làm được thì về nước đi. Đây cũng là dạng bạo lực trong công việc. Tôi cũng có thời gian buồn và tủi thân lắm. Lúc đầu bị chúi tay vào đầu tôi giận lắm, mấy chị Việt Nam cũng bênh tôi, thế là cô người Nhật đó ngày càng ghét tôi hơn."

Chị Ngọc cho rằng khi "đã quyết định đi ra nước ngoài thì tư tưởng cũng phải thay đổi" nên đã quyết tâm học Tiếng Nhật.

"Năm thứ nhất làm ở dưới băng chuyền, tôi phụ trách để gia vị vào hộp mì như trứng và rau, năm thứ hai thì tôi làm ở phòng bếp ở phòng chiên rán, phụ công việc văn phòng, đi với giám đốc tuyển du học sinh...Thời gian đầu tôi chịu áp lực, sau đó tôi hiểu là do không có nhiều thực tập sinh Việt Nam chịu khó học tiếng Nhật. Sau đó thì tôi cố gắng học tiếng Nhật, sau sáu tháng thì thi đậu N3, mối quan hệ giữa tôi và người Nhật từ đó tốt hơn."

"Tôi học Phật pháp lâu, và tôi thấy thương cô người Nhật đó, người đã ăn hiếp mình. Đúng là cô đó sợ người Việt, sợ bị mất nước, mất việc, nên cảm thấy tức giận, nên đã không kiềm chế. Khi nói chuyện tôi mới biết là cô đó nói do người Việt Nam ghét cô ấy nên cô ấy ghét lại mà thôi."

Chị Ngọc nói một số thực tập sinh Việt Nam cũng có vấn đề của mình, "như không chịu khó học Tiếng Nhật, cứng đầu, khi giao công việc chỉ muốn làm suốt vậy, khi bị điều đi đâu thì tỏ vẻ khó chịu. Người Việt Nam có thói quen thích làm cùng nhau, nếu chuyển qua người khác thì lại có cảm giác khó chịu. Người Việt cũng nói chuyện nhiều trong giờ làm."

"Môi trường bây giờ cũng khác hơn, cũng có hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi cho thực tập sinh Việt Nam rồi. Hiện giờ công ty của tôi rất ổn, không có bạo lực gì hết", chị Ngọc cho biết.

(Nguồn: BBC)

Cô gái Việt du lịch một mình, cưới luôn chủ trọ ở Hàn Quốc

Trong lần du lịch đến Hàn Quốc, cô gái Việt xinh xắn làm xao xuyến trái tim của chủ trọ xứ sở kim chi. Cuộc gặp định mệnh kết nối hai người xa lạ trở thành vợ chồng.

Nguyễn Thị Mai Ly quê ở Quảng Nam, đang sống tại Ansan, Hàn Quốc cùng chồng và con trai nhỏ. Mai Ly chỉ mới sang xứ sở kim chi sống được 1 năm. Thế nên, cô nàng còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, tình yêu của người chồng Hàn chính là chỗ dựa vững chắc, giúp Mai Ly vượt qua thử thách. Đến hiện tại, Mai Ly vẫn chưa thể hiểu tại sao mình lại kết hôn với người đàn ông không đúng “gu”.

“Tôi thích mẫu đàn ông lạnh lùng, kiểu bad boy (trai hư, sống khác biệt), còn chồng tôi lại thật thà, chân thành. Lần đầu gặp gỡ, tôi không nghĩ mình sẽ yêu và kết hôn với người như anh”, Mai Ly chia sẻ.

Chàng trai Hàn phải lòng cô gái Việt

Mai Ly kể khoảng 4 năm trước, cô nàng lên lịch trình du lịch tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Ly vào một ứng dụng tìm nhà trọ miễn phí ở Hàn Quốc để giảm chi phí.

Chồng của Mai Ly chính là chủ nhà trọ mà cô nàng đăng ký ở miễn phí. Bởi vậy, khi Ly đến Hàn Quốc, cả hai có dịp gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Tính cách của chủ trọ không mấy thu hút cô gái Việt. Cô nàng nhanh chóng quên chủ trọ xứ Hàn khi sang đất nước khác du lịch.

Khi trở về Việt Nam, Mai Ly và anh chàng chủ trọ liên lạc lại, nhắn tin với nhau mỗi ngày. Sau đó, Jun, chủ trọ xứ Hàn quyết định sang Việt Nam gặp Ly.

Trong thời gian Jun đến Việt Nam, Mai Ly có thêm thời gian tìm hiểu và dần cảm mến chàng trai không đúng “gu”. Chỉ 1 tháng sau lần đầu gặp gỡ, Jun bày tỏ tình cảm. Bất ngờ, Mai Ly cũng gật đầu đồng ý, cho anh cơ hội bước vào cuộc sống vốn rất khép kín của mình.

Yêu được 8 tháng, Jun đưa Mai Ly về Hàn Quốc ra mắt bố mẹ của anh. Thế nhưng, bố mẹ của Jun lại không thích nàng dâu Việt. Họ nghĩ Mai Ly có mục đích khác, ngoài tình yêu khi đến với Jun.

Suy nghĩ của bố mẹ bạn trai khiến Mai Ly tổn thương và khóc rất nhiều. Jun xót người yêu nên xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ. Anh cố giải thích rằng Mai Ly sống rất đàng hoàng, không giống với suy nghĩ tiêu cực của bố mẹ. Thế nhưng, bố mẹ anh vẫn không tin tưởng quyết định chọn bạn đời của con trai.

Về sau, Jun bỏ công việc ở Hàn Quốc để sang Việt Nam sống cùng Mai Ly. Mẹ của Jun càng có lý do không thích con dâu.

Làm quen cuộc sống xa xứ

Mai Ly và Jun bên nhau được 1 năm thì Ly mang thai. Sự ra đời của bé trai không chỉ kết nối tình cảm vợ chồng Mai Ly mà còn xóa bỏ mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.

“Con trai giúp tôi xích lại gần bố mẹ chồng. Khi chúng tôi đưa con đến gặp ông bà, hai bên mới hóa giải được rào cản. Mọi người nói chuyện nhiều và hiểu nhau hơn. May mắn, bây giờ, chúng tôi xem nhau như người một nhà, không còn hiểu lầm nữa”, Mai Ly tâm sự.

Sau 3 năm sống ở Việt Nam, Mai Ly theo chồng về Hàn Quốc. Hiện tại, cô nàng vẫn thường đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ở quê, Mai Ly còn có mẹ già và gia đình nhỏ của em trai.

Những ngày đầu sống ở Hàn Quốc, cô dâu Việt gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, đi lại, văn hóa…

“Ở Hàn Quốc, mọi người đa số bận rộn công việc, ít dành thời gian cho nhau. Tết cũng chỉ gặp và ăn cùng nhau một bữa cơm thôi. Văn hóa của người Hàn rất khác người Việt. Cho nên, ban đầu, tôi khá buồn”, cô dâu Việt chia sẻ.

Dù có lúc tủi thân, khóc một mình nhưng Mai Ly chọn cách vượt qua mà không chia sẻ nỗi buồn với người thân. Để rồi, khi nỗi buồn đi qua, Mai Ly lại dùng sự chân thành để học hỏi, tiếp cận, làm quen với cuộc sống xa xứ.

Hiện tại, chỉ sau 1 năm, cuộc sống của vợ chồng Mai Ly dần ổn định hơn. Cô nàng đang tập trung phát triển công việc kinh doanh online. Công việc buôn bán của Mai Ly rất thuận lợi nhờ tư duy nhạy bén, nắm bắt tâm lý khách hàng.

“Lúc còn ở Việt Nam, có thời điểm, tôi bán hàng nửa năm thì đủ tiền mua được 1 căn nhà. Đến nay, việc kinh doanh phát triển và mang lại thu nhập ổn định cho tôi và người thân ở Việt Nam”, Mai Ly cho biết.

Ngoài ra, Mai Ly còn sở hữu kênh YouTube có hơn 200.000 lượt theo dõi. Cô thường đăng tải khoảnh khắc đáng yêu của gia đình nhỏ trên đất Hàn.

(Nguồn: Zing News)

Nhan sắc gây tranh cãi của người đẹp gốc Việt thi hoa hậu ở Mỹ

(Ảnh minh họa).

Người đẹp gốc Việt Darcy Nguyen tiếp tục đăng ký dự thi Hoa hậu Siêu quốc gia Mỹ 2023. Trước đó, cô tham dự nhiều cuộc thi khác nhưng không giành được giải thưởng nào.

Trong danh sách thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Mỹ 2023, người đẹp gốc Việt Darcy Nguyen được giới thiệu là đại diện bang Louisiana. Cô chia sẻ: "Tôi là Darcy Nguyen, Hoa hậu Siêu quốc gia Louisiana 2023. Tôi là một cô gái Việt - Mỹ, đang phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ". Darcy Nguyen thường xuyên chia sẻ hình ảnh làm việc trong quân đội Mỹ. Trước đó, nhiều người đẹp làm việc trong quân đội Mỹ cũng tham gia các cuộc thi sắc đẹp và giành giải thưởng quan trọng. Deshauna Barber - Hoa hậu Mỹ 2016 cũng giữ cương vị chỉ huy trong quân đội, cô là trung úy, chuyên gia phân tích công nghệ thông tin.
Đây không phải lần đầu tiên Darcy Nguyen tham gia cuộc thi sắc đẹp tại Mỹ. Trước đó, cô là thí sinh của cuộc thi Miss Louisiana USA và từng đại diện bang Louisiana thi Miss Grand United States.
Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ Darcy Nguyen, cũng có nhiều tranh cãi về nhan sắc của cô. Nhiều người cho rằng người đẹp gốc Việt có nhan sắc bình thường, chiều cao không nổi trội và cơ thể cũng chỉ ở mức săn chắc, khỏe khoắn.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ Darcy Nguyen thử sức ở các cuộc thi sắc đẹp để hoàn thiện bản thân.

Darcy Nguyen chia sẻ cô yêu thích trang điểm và chụp ảnh, ước mơ một ngày sẽ sở hữu salon của riêng mình. Trên trang cá nhân, Darcy Nguyen thường xuyên chia sẻ hình ảnh cô thử nghiệm với các phong cách trang điểm khác nhau.

Cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Mỹ 2023 nhằm lựa chọn đại diện Mỹ tại cuộc thi Miss Supranational 2023 diễn ra tại Ba Lan vào tháng 6. Hiện tại, Việt Nam chưa chọn được đại diện để tham gia cuộc thi này.

(Nguồn: 2Sao)

Giải bóng đá kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản

Vừa qua, vòng chung kết và lễ trao giải bóng đá FAVIJA KANTO CUP 2023 của cộng đồng người Việt đã diễn ra tại sân vận động REDSLAND thành phố Saitama, Nhật Bản.

Sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội Giao lưu văn hóa thể thao Việt Nam Nhật Bản (FAVIJA) dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023).

Theo đó, 64 đội được lựa chọn từ gần 100 đội bóng không chuyên của người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại xứ sở hoa anh đào đăng ký tham gia vòng loại đã được khởi tranh từ ngày 26/3. Kết quả, 32 đội bóng xuất sắc vượt qua vòng bảng để có mặt tại vòng chung kết.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh cho biết, các hoạt động thể thao nói chung và các giải bóng đá có ý nghĩa tích cực, thiết thực, bổ ích.

Ông Nguyễn Đức Minh khẳng định: "Các hoạt động của FAVIJA cũng như của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản góp phần giúp cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ, hướng đến những mục đích tốt đẹp như rèn luyện sức khỏe, tăng cường giao lưu trao đổi, đoàn kết.

Được tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, giải bóng đá FAVIJA càng làm cho cộng đồng tự hào hơn. Đây đồng thời là cơ hội giao lưu với các bạn trẻ Nhật Bản, để mọi người hiểu hơn về quyết tâm, tinh thần của thể thao, của tuổi trẻ Việt Nam, qua đó tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước".

Kết thúc giải thi đấu, chức vô địch thuộc về FC AE38, Á quân thuộc về FC Asahi và 2 đội đồng giải Ba là VNFFC Và FC Kizuna.

Ông Đỗ Quang Ba - Chủ tịch FAVIJA cho biết, 4 đội bóng đạt thành tích cao nhất ở đại hội bóng đá vùng Kanto lần này sẽ giành tấm vé tham dự đại hội bóng đá toàn quốc với các đội đoạt giải ở các vùng Kansai, Tokai, Kyushu, Tohoku... được tổ chức vào trung tuần tháng 12 năm nay.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang