Người Việt hải ngoại: Gặp mặt tất niên ở Den Haag; Xuân quê hương ở Hàn; Đọc thơ chúc tết ở Nhật; Vui khi TQ mở cửa

HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI DEN HAAG VÀ VÙNG PHỤ CẬN GẶP MẶT TẤT NIÊN VÀ CHÀO ĐÓN NĂM MỚI 2023

(Ảnh minh hoạ).

Trong không khí vui tươi, phấn khởi chào đón Năm mới, Đại sứ Phạm Việt Anh đã lắng nghe tâm sự của nhiều bà con và chia sẻ cảm súc, động viên Hội ngày càng đoàn kết rộng rãi hơn nữa.

Ngày 31/12/2022, Đại sứ Phạm Việt Anh, Phu nhân cùng một số cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã tham dự buổi gặp mặt tất niên và chào đón Năm mới 2023 với "Hội người Việt tại Den Haag và vùng phụ cận".

Với khoảng 30 gia đình, Hội người Việt tại Den Haag và vùng phụ cận được thành lập hơn 25 năm qua đã tạo lập được một cộng đồng đoàn kết, gắn bó và cùng nhau gìn giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam.

Đây cũng là điểm rất độc đáo của một Hội Việt kiều. Hội viên là các gia đình, nên có cả các chàng rể Hà Lan và các cháu tham gia. Mỗi người một tay, người góp món ăn, người góp ý tưởng và công sức, tất cả tạo nên bầu không khí đượm tình làng nghĩa xóm, ấm áp như một đại gia đình trước thềm năm mới.

Ông Nguyễn Công Chung năm nay đã sang tuổi 91 tuổi, người đã có thời gian dài dẫn dắt Hội cũng có mặt và tham gia trang trí sân khấu. Bác vẫn rất minh mẫn, hào hứng chia sẻ lại những kỷ niệm cùng Hội vượt khó, đoàn kết, giữ vững niềm tin và định hướng cho các gia đình.

Ông Chung kể lại những ngày cùng vận động bà con ủng hộ đồng bào trong nước trong lúc khó khăn, rồi động viên bà con cho các cháu theo lớp tiếng Việt do Đại sứ quán mở. Ông đã động viên cả hai cháu ngoại tham gia lớp này và các cháu đã được về tham dự trại hè dành cho con em kiều bào do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức năm 2022.

Nhiều thành viên đã đồng hành cùng Đại sứ quán trong những dịp chung vui đón Tết hoặc tổ chức những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, chị Lan Hương, hội viên lâu năm của Hội vẫn đang tích cực tham gia dạy tiếng Việt trong lớp do Đại sứ quán tổ chức. Đây là những tấm lòng vàng đáng trân trọng trong Cộng đồng người Việt tại Hà Lan.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi chào đón Năm mới, dạt dào tình nghĩa đồng bào, Đại sứ Phạm Việt Anh đã lắng nghe tâm sự của nhiều bà con và chia sẻ cảm súc, động viên Hội ngày càng đoàn kết rộng rãi hơn nữa, giúp cho các gia đình và thế hệ tương lai cùng nhau gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Hà Lan, cùng hướng về cội nguồn, quê hương.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

“XUÂN QUÊ HƯƠNG” ẤM LÒNG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở XỨ SỞ KIM CHI

Dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng chương trình “Xuân Quê hương” đón Tết sum vầy rất có ý nghĩa với cộng đồng Việt bởi họ có thể cảm nhận được không khí ngày Tết quê hương ngay giữa thủ Seoul.

Chương trình “Xuân Quê hương” đón mừng năm mới Quý Mão đã được tổ chức trang trọng tại khách sạn Seoul Garden (Hàn Quốc) ngày 8/1.

Sau gần 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19, sự kiện năm nay do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hội Người Việt, Hội Sinh viên, Hội phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp tổ chức đã thu hút đông đảo các thành phần trong cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc tham gia.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng nêu rõ năm nay sau khi dịch COVID-19 tại Hàn Quốc được kiểm soát, chương trình “Xuân Quê hương” được tổ chức nhằm đáp ứng mong mỏi của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Do đại dịch COVID-19 kéo dài cùng những biến động của tình hình trong và ngoài Hàn Quốc, cộng đồng người Việt Nam ở Xứ sở Kim chi thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt và công việc. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc đã đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn và giành được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống tại Hàn Quốc cũng như cùng hành động hướng về đất nước và giữ gìn bản sắc dân tộc. Đây chính là sự thể hiện sinh động của tinh thần người Việt Nam, truyền thống dân tộc Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh năm 2023 là năm đầu tiên Việt Nam và Hàn Quốc triển khai việc nâng cấp quan hệ theo khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện với mục tiêu nâng tầm quan hệ song phương trên tất cả các mặt, nhất là kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Theo đó, Đại sứ kêu gọi cộng đồng cùng nỗ lực, đóng góp tích cực, hiệu quả vào mục tiêu chung của hai nước qua đó thúc đẩy xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng vững mạnh và phát triển, có nhiều đóng góp tích cực vào mọi mặt đời sống ở sở tại.

Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Đức Lượng cho biết chương trình “Xuân Quê hương” đón Tết sum vầy rất có ý nghĩa với bà con cộng đồng Việt Nam ở sở tại, đặc biệt với những bà con không có điều kiện về quê ăn Tết. Dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng bà con có thể cảm nhận được không khí ngày Tết quê hương ngay giữa thủ đô Seoul. Ban tổ chức đã rất chú trọng chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, ẩm thực truyền thống Việt Nam để tạo cơ hội cho cộng đồng tụ hội, cùng nhau chia sẻ tâm tư và cùng hướng tới năm mới nhiều bình an và may mắn.

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Thiện Quang trong phát biểu tại cuộc gặp mặt nêu rõ Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng phát triển và lớn mạnh. Sau 15 năm, cộng đồng lưu học sinh Việt Nam được đánh giá là một trong những cộng đồng sinh viên tại nước ngoài năng động nhất tại Hàn Quốc.

Theo anh Trần Thiện Quang, năm 2022 đã khép lại với nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là năm đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Việc hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện là tin vui lớn, mở ra cơ hội phát triển cho chính những kiều bào, du học sinh viên Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc.

Chị Mai Thị Hồng Ngọc đại diện cho Hội phụ nữ Việt tại Hàn Quốc xúc động chia sẻ sau thời gian dài khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, cuộc gặp mặt “Xuân Quê hương” thực sự có ý nghĩa với những người Việt Nam đang sống xa quê và không có điều kiện về quê đón Tết. Được quây quần đón Xuân cùng bà con cộng đồng khiến những người xa xứ như chị cảm thấy ấm cúng, vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Chương trình “Xuân Quê hương” được tổ chức với nhiều tiết mục văn nghệ do chính các thành viên trong cộng đồng chuẩn bị. Những lời ca, điệu nhạc đều thể hiện tình yêu và nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Phong tục mừng tuổi đầu năm đã được Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng trao cho đại diện các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn.

Cho dù thời gian gặp gỡ không dài nhưng những tâm sự, chia sẻ, những món ăn quê hương và đặc biệt là tình cảm ấm áp từ những thành viên trong cộng đồng đã khiến cho cuộc gặp gỡ “Xuân Quê hương” thêm ý nghĩa. Vượt lên những khó khăn hiện tại, những người Việt đang sinh sống, công tác, học tập và lao động ở Hàn Quốc vẫn thể hiện sự lạc quan, vững tin và cùng động viên nhau phấn đấu vươn lên, hướng về quê hương, đất nước.

(Nguồn: Quê Hương Online)

CLIP HỌC SINH NGƯỜI VIỆT Ở NHẬT ĐỌC THƠ, CHÚC TẾT VÔ CÙNG ĐÁNG YÊU

(Ảnh minh hoạ).

Những bài hát về Tết, bài thơ về mẹ, lời chúc ý nghĩa... được thể hiện bằng tiếng Việt dù không được sõi nhưng rất dễ thương và đáng yêu.

Mới đây, Hội người Việt tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản phối hợp cùng Trường Viling tổ chức một chương trình gala Tết quê hương trong tiết học tiếng Việt đặc biệt. Buổi học tiếng Việt vẫn diễn ra thường xuyên vào chiều thứ 7 hàng tuần, nhưng giờ học đặc biệt hơn bởi các em được mặc áo dài và háo hức đón chờ chủ đề Tết Nguyên đán của đất nước.

Buổi gala có sự tham gia của các bạn nhỏ người Việt và các bạn sinh viên Việt Nam. Thông qua chương trình, những phóng sự về Tết cổ truyền ở Việt Nam và ở Nhật Bản giúp học sinh ở 2 nước thêm hiểu cuộc sống của nhau hơn. Những bài hát về Tết, bài thơ về mẹ, lời chúc ý nghĩa... được thể hiện bằng tiếng Việt dù không được sõi nhưng vô cùng đáng yêu.

Dịp Tết Nguyên đán, các cộng đồng người Việt đang sống ở nước ngoài đều có những hoạt động nhằm lưu giữ nét văn hoá truyền thống. Đây cũng là dịp giúp các bạn nhỏ đang sống ở nước ngoài hiểu hơn về đất nước, quê hương. Những cành mai, cành đào được làm bằng giấy màu, những chiếc bánh chưng xanh… không khí Tết xa xứ dẫu có không đủ đầy vẫn mang đậm hương vị Việt.

Năm 2022 đánh dấu một mốc quan trọng đối với việc gìn giữ tiếng Việt cho cộng đồng người Việt đang sống ở nước ngoài. Đặc biệt, ngày 3/8/2022, Chính phủ đã phê duyệt đề án lấy ngày 8/9 hàng năm là "Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gian đoạn 2023 – 2030".

Hiện nay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất chú trọng dạy tiếng mẹ đẻ cho con cái. Giữ gìn tiếng Việt có thể thông qua nhiều hình thức như bố mẹ nói chuyện nhiều hơn với con bằng tiếng Việt, học qua các lớp, các tổ chức.

(Nguồn: Dân Việt)

NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG QUỐC KỂ NIỀM VUI NGÀY TÁI MỞ CỬA

Nhiều người Việt ở Trung Quốc bày tỏ niềm háo hức được đi lại, mua sắm bình thường khi nước này tái mở cửa từ 8/1, song vẫn thận trọng với du lịch nước ngoài.

"Tôi vỡ òa vì vui sướng", Nguyễn Thị Thu Hà, 37 tuổi, người Việt đang công tác tại Viện nghiên cứu học thuật và thực hành kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói với VnExpress về cảm xúc khi Trung Quốc tái mở cửa sau ba năm đại dịch.

Sinh sống tại Bắc Kinh hơn 10 năm, trước khi đại dịch bùng phát, chị Hà vẫn thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc để thực hiện các dự án kinh doanh, trao đổi học thuật. Nhưng hoạt động này ngừng lại kể từ khi Trung Quốc đóng cửa biên giới trong chính sách "Không Covid" nghiêm ngặt gần ba năm qua.

Bởi vậy, chị đã rất vui mừng khi Trung Quốc từ ngày 7/12/2022 thông báo nới lỏng các quy định hạn chế ngăn Covid-19, cho phép các hoạt động đời sống xã hội dần quay trở lại bình thường. Từ ngày 8/1, toàn bộ người nhập cảnh Trung Quốc chỉ cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mà không cần cách ly. Đây là lần đầu tiên từ tháng 3/2020, người đến Trung Quốc sẽ được phép về thẳng nơi cư trú mà không phải tới khu cách ly.

Trung Quốc cũng sẽ nối lại cấp hộ chiếu cho người dân, cũng như thị thực thông thường và giấy phép cư trú cho người nước ngoài từ thời điểm này.

"Dù đã được thông báo từ một tháng trước, tôi vẫn không thể giấu nổi niềm vui vào ngày mở cửa", chị Hà nói.

Đoàn Thị Quỳnh, 37 tuổi, đang sinh sống tại Bắc Kinh cùng chồng người Trung Quốc và con trai 5 tuổi, cũng có chung tâm trạng với Thu Hà.

"Ai cũng vui vì Trung Quốc mở cửa. Đi lại thuận tiện hơn vì không còn các biện pháp hạn chế. Đường phố, trung tâm thương mại giờ đây đã tấp nập người đi chơi, đi mua sắm như trước dịch", chị Quỳnh nói.

Nguyễn Phương Giang, 36 tuổi, sinh sống cùng chồng người Trung Quốc và con trai 4 tuổi ở Nam Ninh, cho hay hồi đầu tháng 12, khi Trung Quốc bắt đầu nới hạn chế và làn sóng dịch bùng phát, người dân đa phần "hoang mang và e ngại" vì sợ lây nhiễm nCoV.

"Bây giờ, hầu như ai cũng nhiễm rồi nên cuộc sống dần trở về bình thường. Mọi người đã quen với dịch", Giang nói. "Ai cũng mong dịch qua nhanh, kinh tế hồi phục, bởi nhiều người đã kiệt quệ sau ba năm phong tỏa".

Giới chức tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, hôm 9/1 cho biết 89% dân số trên toàn tỉnh đã nhiễm nCoV, tương đương khoảng 88,5 triệu người. Dựa trên các nghiên cứu, Hà Nam đánh giá tỉnh này đã vượt qua đỉnh dịch thành công và số ca nhiễm mới hàng ngày được dự báo duy trì ở mức thấp cho đến cuối tháng.

Trung Quốc nới hạn chế đúng thời điểm bắt đầu "Xuân vận", sự kiện di chuyển mùa xuân lớn nhất thế giới. Xuân vận năm nay bắt đầu đợt cao điểm vào 7/1 và kéo dài 40 ngày, tới 15/2.

Chính quyền Trung Quốc ước tính ngành giao thông sẽ phục vụ gần 2,1 tỷ chuyến đi trong dịp Tết năm nay, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 70,3% so với năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát.

Chị Hà cho hay sau gần một tháng nới hạn chế, một số tỉnh thành Trung Quốc gần như đã chạm ngưỡng miễn dịch cộng đồng, khi 90% dân số nhiễm virus, nên người dân đã bớt tâm lý ngần ngại và bắt đầu "ùa khỏi nhà đi chơi".

Theo News.hsw, trong thời gian Tết, các khách sạn hạng sang trên đảo Hải Nam đều kín phòng. Một ông chủ sở hữu 15 biệt thự cho thuê dài hạn ở Vịnh Tam Á cho hay doanh thu trong một tháng đã đủ bù đắp khoản lỗ trong ba năm đại dịch.

"Du lịch nội địa Trung Quốc đang khôi phục. Người dân Bắc Kinh đang đổ xô tới đảo Hải Nam tránh rét", chị nói.

Tuy nhiên, chị Hà cho rằng hoạt động du lịch nước ngoài của người Trung Quốc chưa thể sớm cải thiện, vì nhiều quốc gia hiện yêu cầu người đến từ Trung Quốc trình xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 48 giờ. Theo chị, yêu cầu này "khá bất tiện", vì người dân sẽ phải tới xếp hàng chờ xét nghiệm tại các bệnh viện vốn đã quá tải.

Chị Quỳnh ở Bắc Kinh thì cho biết đang "đếm từng ngày" để có thể tới thăm bạn bè ở thành phố Nam Ninh rồi về Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị. Tuy nhiên, do đang tất bật với công việc chuẩn bị nối lại các hoạt động du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, chị chưa thể về nước trước Tết. Chị làm việc trong ngành du lịch, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề suốt ba năm đại dịch.

Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, cách Lạng Sơn hơn 400 km. Chính quyền Quảng Tây ngày 9/1 cho hay sẽ dần nối lại các tuyến vận tải đường bộ quốc tế trực tiếp giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo Xinhua.

Trip.com, nhà cung cấp dịch vụ du lịch quốc tế lớn, cho hay lượt tìm kiếm đơn xin thị thực trên mạng đã tăng 300%. Trong khi đó, lượng đặt chuyến bay nội địa tăng hơn 250% trong vòng một ngày, sau khi chính phủ tuyên bố dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài hồi tháng 12.

"Bạn bè người Trung Quốc của tôi rất vui vì bây giờ được đi lại bình thường và có thể sang Việt Nam du lịch", Quỳnh nói. "Tôi đang lên kế hoạch đưa khách Trung Quốc sang Việt Nam sau Tết. Bước sang năm mới, hy vọng mọi thứ đều tốt đẹp, công việc thuận lợi".

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Lễ hội xuân ở Malaysia; Đón Tết tại Canada; Gắn kết cộng đồng ở Anh; Đầu bếp mở đường cho LGBT ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang