Người Việt hải ngoại: 'Ngày VN' ở nước ngoài; Đi 55 nước mua thìa bạc; Nỗi niềm lao động xa xứ; Nữ thần tượng bị chê

SỨC HÚT CỦA "NGÀY VIỆT NAM" Ở NƯỚC NGOÀI

(Ảnh minh hoạ).

Những "Ngày Việt Nam" ở nước ngoài hơn 10 năm qua đã trở thành điểm hẹn văn hóa, với các "đặc sản" văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực Việt Nam

Chương trình "Ngày Việt Nam" tại Hàn Quốc vừa diễn ra từ ngày 2 đến 6-12 tại 2 TP Seoul và Gwangju.

Kết nối sống động

Với các hoạt động như Giao lưu điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc tại CGV Myeongdong Station Cinelibrary; Không gian Văn hóa Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Gwangju, chương trình biểu diễn nghệ thuật…, chương trình đã giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người, sức sống và những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam, góp phần làm sâu sắc quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc.

Đặc biệt, ngày 6-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và nhiều đại diện cấp cao của chính phủ Hàn Quốc, chính quyền tỉnh và TP Gwangju đã tới thăm Không gian Văn hóa Việt Nam và tham dự chương trình Biểu diễn nghệ thuật Việt - Hàn chào mừng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Gwangju.

Không gian Văn hóa Việt Nam thu hút đông đảo người tham dự với triển lãm ảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và Sức sống Việt Nam. Tại đây, công chúng còn được trải nghiệm các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam như nghệ thuật trà Việt, nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, nghệ thuật tranh sơn mài, trưng bày trang phục truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc…

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Bộ Ngoại giao phối hợp với các đối tác chính thức ra mắt không gian tương tác 3D thực tế ảo "Việt Nam tươi đẹp", triển lãm trực tuyến "Tranh sơn mài Việt Nam" và trò chơi điện tử về văn hóa Việt Nam "Lạc Việt phiêu lưu ký" (Lac Viet Adventures).

Trong khi đó, hoạt động giao lưu điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc mang tới cho công chúng Hàn Quốc và cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc cơ hội thưởng thức những bộ phim nổi tiếng của hai quốc gia, trong đó nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế như "Giấc mơ gỏi cuốn", "Cô gái đến từ hôm qua", "Em chưa 18", "Hãy tỉnh giấc và sẵn sàng", "Một khu đất tốt", "Bình", "Mây nhưng không mưa", "Đen tối", "Diễu binh danh dự"…

Trước đó, "Ngày Việt Nam" tại Áo diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9 tại Quảng trường Ottakringer Platz của thủ đô Vienna. Chương trình đã thực sự cuốn hút kiều bào, công chúng Áo ngay từ đêm đầu tiên.

Trong thư chúc mừng sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz viết: "Tôi không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng việc giao tiếp giữa con người với con người. Chính điều đó đã tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau và tình bạn. Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự đóng góp rất tích cực của cộng đồng Việt Nam tại Áo và các thế hệ người Áo gốc Việt. Họ không chỉ hội nhập tốt vào xã hội Áo mà còn tạo ra các giá trị đóng góp vào nền kinh tế và làm giàu thêm cuộc sống văn hóa".

Cơ hội đáng quý

Áo, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 quốc gia diễn ra sự kiện "Ngày Việt Nam" ở nước ngoài năm 2022 nhân kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước này. Sắp tới đây, từ ngày 12 đến 15-12, "Ngày Việt Nam" tại Ấn Độ dự kiến được tổ chức tại thủ đô New Delhi.

Trong thời gian này, các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Ấn Độ sẽ được tổ chức, giúp công chúng có cơ hội khám phá ẩm thực chay của Việt Nam, tìm hiểu về nghệ thuật trà Việt và nhiều hoạt động quảng bá văn hóa khác.

Không chỉ ở 3 nước trên, "Ngày Việt Nam" cũng được Đại sứ quán Việt Nam ở nhiều nước tích cực tổ chức. Trong các ngày 3 và 4-12 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã phối hợp với chính quyền TP Mexico tổ chức "Những ngày Văn hóa Việt Nam" tại Công viên Lincoln, trung tâm thủ đô Mexico.

Tại lễ khai mạc sự kiện, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm giới thiệu về đất nước, con người, sự phát triển và nền văn hóa Việt Nam; nêu bật sự gắn kết giữa Việt Nam và Mexico trên các lĩnh vực, từ quan hệ chính trị, kinh tế đến văn hóa, hoạt động ngoại giao nhân dân, sự tương đồng về lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước, sự năng động và khát vọng phát triển vì lợi ích của người dân.

Đại sứ bày tỏ mong muốn thông qua lễ hội và các hoạt động giao lưu văn hóa, người dân Mexico sẽ hiểu rõ hơn về một đất nước Việt Nam hòa bình, tươi đẹp, năng động, mến khách, qua đó góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Thay mặt chính quyền thủ đô, bà Lourdes Pozo Pietra Santa, Giám đốc phụ trách đối ngoại quận Miguel Hidalgo, đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức sự kiện ngay khu vực trung tâm của thủ đô, khẳng định chính quyền và người dân sở tại rất vui mừng khi có cơ hội được thưởng thức không gian văn hóa mang nhiều màu sắc như lễ hội lần này.

Tại lễ hội, bên cạnh các tiết mục văn nghệ dân gian do các cán bộ và con em cán bộ đại sứ quán biểu diễn, Đại sứ quán Việt Nam còn trưng bày tranh ảnh giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam cùng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, tại không gian ẩm thực, khách mời và người dân địa phương được thưởng thức đồ ăn, thức uống Việt Nam như nem cuốn, nem rán, nộm, cà phê… Trong 2 ngày lễ hội, đã có hàng ngàn lượt khách tham quan không gian văn hóa do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.

(Nguồn: Người Lao Động)

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT ĐI QUA 55 QUỐC GIA, SƯU TẬP HÀNG NGHÌN THÌA BẠC ĐỘC LẠ

Chị Vũ Anh Đào dành nhiều năm sưu tầm hơn 1.000 thìa bạc xuất xứ từ các quốc gia khác nhau, đa dạng kiểu dáng, màu sắc. Mỗi khi ngắm nhìn chúng, chị lại hồi tưởng rất nhiều kỷ niệm.

Chị Vũ Anh Đào (tên thường gọi là Cherry Vũ), hiện sinh sống tại Wellington, New Zealand sở hữu bộ sưu tập độc đáo khoảng 1.000 chiếc thìa bạc, đa số được làm bằng bạc nguyên chất, mức giá dao động từ vài USD đến vài trăm USD.

"Mỗi chiếc thìa một vẻ đẹp riêng, xuất xứ khác nhau, không chiếc nào giống chiếc nào", chị hứng khởi kể.

Người phụ nữ đam mê sưu tầm thìa bạc từ năm 2006 để lưu lại kỷ niệm những nơi chị đặt chân tới trên thế giới. Trước đây, mỗi khi đến các thành phố mới, chị đều dừng chân tại các tiệm đồ cổ để ngắm nghía và tìm mua vật dụng, trang sức. Một số chủ cửa hàng đồ cổ tại Wellington đã quá "quen mặt" chị, nên mỗi lần có đồ mới, độc, lạ, đều sẽ để dành phần.

Sau này, để tiết kiệm thời gian, chị tìm mua thìa bạc trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hoặc các phiên đấu giá.

"Những chiếc thìa bạc rất đẹp, tinh xảo, cuốn hút tôi ngay từ lần đầu tiên", chị nói không thuộc túyp người "nghiện" sưu tầm hay phải sở hữu "bằng mọi giá", chỉ xem đây như một thú chơi mang lại niềm vui và sự hào hứng.

Bộ sưu tập đa dạng xuất xứ từ cả 5 châu lục, tuổi đời trẻ nhất khoảng 40 - 50 năm. Đặc biệt có những chiếc được sản xuất đầu thế kỷ XVIII, XIX, hay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, mới nhất là rải rác trong các thập niên 60 - 70 - 80.

Những chiếc thìa được đặt trên từng khay gỗ, trở thành một vật trang trí giữa phòng khách, để bất cứ ai mỗi khi đến chơi nhà đều có thể ngắm nhìn. Bộ sưu tập được đánh bóng trung bình 2 lần/ năm.

Trước đây, Cherry Vũ mất nhiều thời gian dùng nước tẩy rửa đồ trang sức vàng, bạc để lau chùi từng chiếc thìa. Về sau tích lũy kinh nghiệm, chị dùng baking soda pha với nước ấm, chanh, dấm, nước rửa bát, rồi thả thìa vào hỗn hợp này ngâm từ 2- 3 tiếng sẽ giúp thìa sáng bóng.

Những chiếc bị oxy hóa mạnh, chị mới dùng nước tẩy để vệ sinh riêng. Tổng quá trình này mất hơn 3 tiếng, nhưng chị cảm thấy vui và xứng đáng.

Trong số 1.000 chiếc, Cherry Vũ tâm đắc nhất với thìa được đính 2 viên ruby bao quanh bởi loài hoa xuất xứ từ Scotland, quê hương gia đình chồng chị - anh Rob England.

Chiếc thứ hai là thìa hoa hồng được làm thủ công vô cùng tinh xảo - món quà anh Rob dành tặng vợ.

"Hoa hồng cũng là loài hoa mà tôi đam mê nhất. Vườn nhà tôi trồng gần 100 loài hoa hồng khác nhau", chị kể.

Theo chị, những chiếc thìa xuất xứ khác nhau có vẻ đẹp khác nhau, đặc trưng của từng quốc gia. Ở những nước châu Âu, đuôi thìa thường được khắc hình vương miện, quyền trượng… là những biểu tượng của hoàng gia các nước.

Hay những chiếc thìa đặc trưng của New Zealand thường xuất hiện vị thần của người Maori.

Người phụ nữ cho biết những chiếc thìa bạc không chỉ để ngắm, mà còn được dùng để uống cà phê với những chiếc cốc nạm vàng. Ngoài ra, chị cũng thường dùng chúng làm quà tặng cho bạn bè, người thân, học viên, khách hàng và các quỹ từ thiện. Đôi khi, chị tham gia các buổi bán đấu giá thìa rồi dành tiền để gửi tặng các quỹ.

"Khi mới bắt đầu sưu tầm, tôi mua càng nhiều càng tốt, nhưng trên thực tế đây không phải cách chơi hay. Càng sưu tầm nhiều, tôi càng biết các thương hiệu tốt, các hãng sản xuất, bản giới hạn, tích lũy thêm kiến thức.

Dần dần, tôi không tìm kiếm nữa, mà thay vào đó là lựa chọn những chiếc thìa thực sự có giá trị về thời gian, kiểu dáng, chất liệu. Cho đi những chiếc thìa cũ, cũng là cách tôi thanh lọc làm cho bộ sưu tập của mình thêm đặc sắc", chị nói.

Đi qua 55 quốc gia, không thể nhớ hết từng nơi mình từng đặt chân đến, nhưng mỗi khi ngắm nhìn bộ sưu tập, từng chiếc thìa bạc gợi lại trong chị rất nhiều kỷ niệm, đặc biệt quãng thời gian học tập và sinh sống ở châu Âu.

Niềm vui của chị là được ngắm nhìn kỹ từng chiếc thìa, rồi tự trầm trồ: "Sao đẹp thế nhỉ!". Ngắm nhìn chúng, chị cảm nhận sự đa dạng, học thêm nhiều kiến thức về văn hóa, nguồn gốc và xuất xứ, giúp tâm hồn thêm phong phú.

Cherry Vũ cảm thấy may mắn khi có chồng đồng hành, cổ vũ bất kỳ điều gì chị thích. Bản thân anh Rob England cũng đam mê sưu tầm tàu hỏa từ năm 12, 13 tuổi, bằng cách thiết kế và làm một hệ thống tàu mini trong nhà, sau đó là xung quanh vườn. Hiện tại, anh đã làm 6 hệ thống đường tàu, mỗi lần chuyển nhà anh sẽ thiết kế một hệ thống mới.

Sau khi chia sẻ bộ sưu tập thìa bạc lên các hội nhóm, bên cạnh những lời tán thưởng, Cherry Vũ cũng nhận về một số ý kiến trái chiều, cho rằng "chỉ những người giàu mới có thể thoải mái sưu tầm bất cứ thứ gì".

"Tôi không nghĩ thế. Thông thường chúng ta có nhiều cách để chi tiêu tiền bạc, như mua quần áo, thức ăn, trang sức, còn với tôi là những chiếc thìa. Chúng ta không cần quá nhiều tiền để bắt đầu một sở thích hay đam mê", chị nói.

Vốn là tác giả của những cuốn sách làm cha mẹ nổi tiếng, chị khuyên các bậc phụ huynh khuyến khích con cái tò mò về thế giới xung quanh và tạo điều kiện để con tìm hiểu sâu về những gì con hứng thú. Sưu tầm các món đồ cũng là cách để rèn luyện phẩm chất kiên nhẫn và học hỏi kiến thức.

"Nếu không có bất kỳ một sở thích nào, cuộc sống của chúng ta sẽ rất nhàm chán", chị cho hay.

Bên cạnh bộ sưu tập thìa bạc, đĩa than, Cherry Vũ còn khiến nhiều người choáng ngợp về khu vườn gần 100 cây hoa hồng. Các cổng ra vào, lối đi, trong vườn nhà chị - chỗ nào cũng ngập tràn hoa hồng.

Đối với chị, hoa hồng là niềm đam mê từ thuở bé. Chị vẫn nhớ lần đầu nhìn thấy hoa hồng là trên một tấm postcard mà một người bạn của bố mang về từ châu Âu. Giấc mơ vườn hồng ngày một lớn, để rồi khi sinh sống tại Wellington, chị quyết tâm biến không gian mình đang sống thành cổ tích.

Dù bận rộn với công việc, nhưng mỗi ngày, chị đều dành thời gian chăm sóc khu vườn.

"Ngày nào tôi cũng dành thời gian quanh quẩn ngoài vườn. Nhìn những cái cây từ lúc mới trồng đến khi ra nụ, rồi nở thành một bông hoa đẹp, đối với người làm vườn, đó là một thành quả", chị nói.

Người phụ nữ tâm sự rằng luôn cố gắng làm giàu đời sống tinh thần của mình, bằng cách quan tâm đến một cái gì đó hay phát triển một sở thích riêng.

"Đừng để cuộc sống của bạn trôi đi một cách đáng chán. Hãy sống ngày hôm nay với sự thích thú", chị trải lòng.

(Nguồn: Dân Trí)

NỖI NIỀM LAO ĐỘNG XA XỨ

(Ảnh minh hoạ).

Lao động xa xứ háo hức chuẩn bị về nước đón Tết cùng gia đình nhưng nhiều áp lực đã khiến niềm vui chưa trọn vẹn

Đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng là cách nhằm thay đổi cuộc sống của người lao động (NLĐ) và gia đình. Bao nhiêu năm làm việc ở xứ người là bấy nhiêu vất vả của NLĐ để dành dụm tiền gửi về nhà với mong muốn gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. Mỗi khi Tết đến xuân về, NLĐ xa xứ luôn hướng về quê hương, mong đến ngày sum vầy. Nhưng cũng có nhiều hoàn cảnh với những cảm xúc trong dịp đoàn viên.

Chịu nhiều áp lực

Sau gần 5 năm học tập và làm việc tại Đức, Hà Thị Mai H. (28 tuổi, quê Nghệ An) không giấu được sự háo hức, chờ đến ngày về nước đón Tết cùng gia đình. Tuy vậy, đằng sau sự háo hức ấy là nỗi niềm khó tả của người con đi lao động tha hương.

Gia cảnh nghèo khó nên chị em H. gác lại giấc mơ giảng đường đại học để ra nước ngoài làm việc, kiếm tiền về lo cho 3 em nhỏ tiếp tục ăn học. H. sang Đức du học nghề điều dưỡng từ cuối năm 2017. Em trai H. sang Angola làm xây dựng được 4 năm nhưng thu nhập bấp bênh nên cũng chưa một lần về quê. Áp lực lớn nhất đè nặng đôi vai cô gái trẻ là khoản nợ mà gia đình vay mượn để hai chị em H. đi ra nước ngoài làm việc đã được H. dành dụm gửi về nhà thanh toán.

Nhưng áp lực vẫn không dứt khi bố mẹ H. mới vay tiền xây căn nhà cho "bằng anh bằng em" ở quê. Với công việc điều dưỡng tại một viện dưỡng lão ở Đức, thu nhập của H. khoảng 2.700 euro/tháng (gần 70 triệu đồng). Nhưng mức sống và phí sinh hoạt tại Đức khá đắt đỏ nên tằn tiện lắm H. cũng chỉ dư được khoảng 35 triệu đồng/tháng. Số tiền dư này H. gửi về nhà hằng tháng để cha mẹ trả nợ và chi tiêu cho gia đình.

Để có thêm thu nhập, những ngày nghỉ, H. đi khắp các siêu thị ở Đức để mua hàng gửi về nước bán kiếm lời. H. cho biết rất thèm không khí ở quê nên sẽ cố gắng vui cùng gia đình những ngày Tết. Sau đó quay lại Đức để tiếp tục "cày" trả nợ.

Cũng đầy tâm trạng khi chuẩn bị về nước sum họp cùng gia đình dịp Tết là chị Đoàn Thị Th. (33 tuổi, quê Quảng Bình) - hiện làm việc tại Hàn Quốc. Chị Th. cho biết dịp Tết năm nay là ngày cưới của em trai, nên gia đình đang mong chờ rất nhiều từ chị. "Tôi sang Hàn Quốc làm được 3 năm theo chương trình EPS. Công việc và thu nhập cũng ổn định nhưng làm được bao nhiêu đều gửi về cho gia đình xây nhà, mua xe, làm tiệm sửa xe cho em trai. Giờ cũng không còn tiền nữa mà cha mẹ cứ đòi làm đám cưới cho em trai phải thật lớn, sửa lại nhà để đón dâu, quà cưới cho em phải nhất làng... làm tôi rất áp lực đến mất ngủ cả tháng nay" - chị Th. tâm sự.

Hãy hiểu cho người đi làm

Sang Nhật Bản làm thực tập sinh vào giữa năm 2019, Vũ Ngọc Khoa (26 tuổi, quê Đồng Tháp) chưa một lần về nước. Dịp Tết năm nay cũng là lúc Khoa hết hạn hợp đồng 3 năm làm công việc dập kim loại tại tỉnh Aichi.

Khoa cho biết nhà máy nơi làm việc đã mua được vé máy bay cho anh về quê nhà trước Tết Nguyên đán hơn 1 tuần. Sang Nhật, năm nào Khoa cũng gửi tiền về quê cho cha mẹ theo quý. Năm nay đồng yen rớt giá mạnh, anh quyết định giữ lại tiền yen với kỳ vọng nó sẽ tăng trở lại. "Dự định năm nay tôi có thể mang về được khoảng 220 triệu đồng nhưng nếu quy đổi trong thời điểm này thì chỉ còn 180 triệu đồng. Như vậy số tiền sẽ không đủ trả nợ mà gia đình đã vay trước đó để chăn nuôi nhưng thất bại" - Khoa nói. Áp lực với khoản vay này khiến Khoa tiết kiệm tối đa, tranh thủ làm thêm khi có thời gian và không mua sắm gì cho bản thân. Khoa cho biết sẽ quay lại Nhật Bản tiếp tục làm việc để trả dứt nợ cho gia đình rồi mới có kế hoạch cho bản thân.

Một cán bộ chính sách ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - địa phương có nhiều người ra nước ngoài làm việc, khẳng định nhờ có XKLĐ mà vùng quê nghèo này đã thay da đổi thịt, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ở xã Nhân Trạch có gần ngàn người đi XKLĐ, chủ yếu là Hàn Quốc. Những người đi XKLĐ đã gửi tiền về cho gia đình để xây dựng nhà kiên cố, đầu tư cho con học hành, có người mở cơ sở sản xuất - kinh doanh, làm dịch vụ du lịch... "Trong các buổi họp dân, chúng tôi thường nói làm sao sử dụng đồng tiền con em mang từ nước ngoài về một cách hiệu quả nhất, để tiền đẻ ra tiền, lo cho tương lai NLĐ khi về nước" - cán bộ xã này nói.

Là chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ, ông Lê Long Sơn - Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM) - mong muốn gia đình có con em đi XKLĐ hãy hiểu cho người đi làm. Để giúp người thân hiểu về công việc mà NLĐ sẽ học, làm và tích lũy được gì trong 3 năm, 5 năm ở nước ngoài, Esuhai sẵn sàng san sẻ mọi góc cạnh với phụ huynh những điều mà các em nhận được. "Đó là kiến thức và tài chính. Kiến thức sẽ theo suốt sự nghiệp của NLĐ, còn tài chính thì phụ giúp gia đình, gia đình có trách nhiệm sử dụng số tiền đó sao cho hiệu quả. Ra nước ngoài làm việc xa nhà đã là thiếu thốn rồi, vì vậy gia đình hạn chế tạo nên những áp lực vô hình để NLĐ toàn tâm, toàn trí với công việc" - ông Sơn nhắn nhủ.

(Nguồn: Người Lao Động)

NỮ THẦN TƯỢNG GỐC VIỆT BỊ CHÊ KHI LÀM ĐẠI SỨ GUCCI

Hanni - thành viên nhóm nhạc nữ tân binh Kpop NewJeans gặp phản ứng trái chiều khi xuất hiện trong sự kiện của Gucci.

Sáng 9.12, thần tượng gốc Việt Hanni xuất hiện tại sự kiện khai trương cửa hàng của thương hiệu thời trang Gucci tại Seoul (Hàn Quốc). Được biết, đây là lần đầu tiên thành viên nhóm NewJeans tham gia các hoạt động của nhà mốt này sau khi trở thành đại sứ vào tháng 10.2022.

Giọng ca Attenttion diện trang phục màu đen kín đáo, mái tóc xõa tự nhiên và gương mặt trang điểm nhẹ nhàng. Kẹp tóc gắn đá lấp lánh và tất hồng có logo của Gucci là các phụ kiện được Hanni khéo léo phối hợp, tạo điểm nhấn cho vẻ ngoài của mình. Tuy nhiên, bên cạnh sự ngợi khen của người hâm mộ như: "Dễ thương quá", "Xinh xắn lắm"..., phần lớn người xem có phản hồi không mấy tích cực cho diện mạo lần này của Hanni.

Mọi người cho rằng kiểu ăn mặc này khiến thần tượng 18 tuổi bị già đi cũng như cô còn quá trẻ để phù hợp với phong cách trang phục Gucci. Dân mạng Việt Nam bàn tán: "Kiểu như mượn đồ mẹ để mặc", "Gương mặt với trang phục như thuộc 2 thế hệ khác nhau ấy. Em này chụp báo mặc mấy thương hiệu khác nhìn ổn hơn Gucci", "Vẫn không hiểu sao em này là thành viên nước ngoài, ở Hàn cũng không nổi nhất nhóm nhưng công ty lại lăng xê mảng thời trang đầu tiên. Khuôn mặt với thân hình vẫn trẻ con mà phối cho bộ đồ như đi mượn", "Cần đổi stylist gấp"...

Hanni tên thật là Phạm Ngọc Hân sinh năm 2004, từng sống tại Úc trước khi sang Hàn Quốc. Cô có thể nói được tiếng Hàn, tiếng Việt và tiếng Anh. Đầu tháng 8.2022, Hanni chính thức ra mắt làng giải trí với tư cách là 1 trong 5 thành viên của nhóm nhạc nữ NewJeans. Được biết đến như “đàn em BTS”, nhóm nhanh chóng bán được 311.271 bản cho EP mang tên mình chỉ trong 7 ngày sau khi phát hành. Đây là album đầu tay có doanh số tuần đầu tiên cao nhất trong lịch sử các nhóm nhạc nữ Kpop. Trong vòng chưa đầy một tháng, NewJeans cũng đã nắm giữ vị trí số 1 trên Melon - một trong những nền tảng phát trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc. Đĩa đơn chủ đạo của họ - Attention cũng đứng đầu bảng xếp hạng trong hơn hai tuần. Với loạt thành tích đáng nể, NewJeans trở thành cái tên đáng gờm trong làng nhạc Hàn.

Sau khi ra mắt khoảng 3 tháng, Hanni chính thức trở thành đại sứ của hãng thời trang cao cấp Gucci. Thời điểm đó, bên cạnh những lời chúc mừng, thành viên NewJeans cũng gặp không ít tranh cãi vì đây là trường hợp hiếm hoi trong làng giải trí Hàn Quốc. Thông thường, các ngôi sao xứ củ sâm phải mất rất nhiều thời gian để tiếp xúc với các thương hiệu từ việc chụp ảnh tạp chí cho đến tham gia quảng bá chiến dịch mới, dự show diễn… thì mới có thể được nhãn hàng chọn làm đại sứ. Nhiều khán giả cho rằng còn quá sớm để một tân binh như Hanni có thể đảm nhận vai trò đại sứ cho một nhà mốt lớn. Thậm chí, có người còn đặt nghi vấn rằng có phải phía công ty chủ quản đã dùng tiền để “mua” vị trí này cho gà cưng.

Mặt khác, Hanni sắp có màn tái xuất làng nhạc Hàn thông qua sản phẩm âm nhạc mới cùng NewJeans. Nhóm sẽ phát hành trước một bài hát vào ngày 19.12 và ra mắt single đầu tay OMG vào 2.1.2023.

(Nguồn: Thanh Niên)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Gìn giữ tiếng Việt; Phố 'Little Vietnam' ở Úc; Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang; 100 người mất liên lạc ở HQ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang