Người Việt hải ngoại: Gìn giữ tiếng Việt; Phố 'Little Vietnam' ở Úc; Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang; 100 người mất liên lạc ở HQ

GÌN GIỮ TIẾNG VIỆT TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

(Ảnh minh hoạ).

Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030”. Việc triển khai Đề án là cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài.

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong quá trình sinh sống và làm việc ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp kiều bào ta bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.

Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” được triển khai đồng thời với Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định tiếp tục tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Cụ thể hóa chủ trương đó, trong Kết luận 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, việc nghiên cứu lựa chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ, học tập và giữ gìn tiếng Việt được nêu thành nhiệm vụ cụ thể.

Ngày 3/8/2022, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg. Theo đó, từ năm 2022, ngày 8/9 hằng năm được lựa chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, việc ban hành Đề án thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào ta. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó nâng cao nhận thức của kiều bào đối với tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.

Về lý do chọn ngày 8/9 hằng nằm làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho hay, đây là ngày hội tụ nhiều ý nghĩa gắn liền với lịch sử dân tộc cũng như trên thế giới. Ngày 8/9/1945 là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào “Bình dân học vụ”, đồng thời là ngày thành lập Nha Bình dân học vụ thuộc Bộ Giáo dục Quốc gia. Năm 1965, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng đã chọn ngày 8/9 làm Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ và kỷ niệm hằng năm nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội.

Ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1135/TTg-HTQT về Kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2023. Thông tin được ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) đưa ra tại Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức hôm 8/9/2022 cho thấy, trong năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao dự kiến tổ chức rất nhiều hoạt động.

“Trong đó có các hoạt động cụ thể như: Hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023”; hoạt động “Tri ân” nhằm ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng với nhiều hình thức khen thưởng; chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tiếp kết hợp trực tuyến “Tiếng Việt thân thương” nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tinh thần của tiếng Việt thể hiện qua các tác phẩm đặc sắc của nền âm nhạc Việt Nam, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…”, ông Linh thông tin.

(Nguồn: Việt Báo)

KHU PHỐ 'LITTLE VIETNAM' CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI GỐC VIỆT TẠI AUSTRALIA

Ngày 8/12, Hội đồng Thành phố Inner West của bang New South Wales đã tổ chức lễ công bố đặt tên “Little Vietnam” (Việt Nam thu nhỏ) cho một khu vực tập trung đông người Australia gốc Việt sinh sống, ghi nhận sự đa dạng văn hóa và dấu ấn bản sắc dân tộc của cộng đồng người Việt Nam tại Australia.

Hội đồng Thành phố Inner West cho biết cộng đồng người Australia gốc Việt đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của thành phố trong nhiều năm qua.

Những đóng góp đó cần được ghi nhận và tôn vinh bằng cách đặt tên cho một khu vực tập trung đông người Việt nhất với một tên gọi mang đậm bản sắc dân tộc và niềm tự hào.

Đại diện Hội đồng thành phố chia sẻ Marrickville là một trong ba khu dân cư lớn của cộng đồng người Việt ở Sydney. Cộng đồng người Việt tại đây từ lâu đã là một phần đáng kể của bản sắc địa phương, chia sẻ ẩm thực và văn hóa của mình với cộng đồng rộng lớn hơn.

Ý tưởng đặt tên "Littel Vietnam" đã được Hội đồng Thành phố Inner West đưa ra thăm dò ý kiến công khai của cư dân gốc Việt tại khu vực Marrickville từ ngày 19/4 -17/5/2021. Kết quả cho thấy 65% người được hỏi ủng hộ tên gọi “Little Vietnam".

Đến tháng 7/2021, Hội đồng Thành phố đã thông qua tên gọi "Little Vietnam" và đệ trình lên Ủy ban Đặc trách Tên Địa lý của bang New South Wales.

Đến tháng Tư năm nay, tên gọi "Little Vietnam" đã được phê duyệt và trở thành tên gọi chính thức. Thông tin này được cộng đồng người Việt sinh sống tại khu vực Marickville nói riêng và người Việt sống tại Australia nói chung hết sức hoan nghênh.

Nhiều người đã trực tiếp bình luận trên trang mạng xã hội của Hội đồng Thành phố Inner West để thể hiện niềm tự hào và vui mừng vì điều đó.

Đây không phải là lần đầu tiên các chính quyền thành phố của bang New South Wales lựa chọn tên gọi mang dấu ấn quốc gia của các cộng đồng dân cư địa phương có nguồn gốc nước ngoài.

Trước đó, tại khu Strathfield đã có khu vực "Little Korean," hay khu “China Town” nằm ở phía Nam trung tâm Sydney, giữa Ga Trung tâm và Cảng Darling.

Mới đây nhất, cũng chính tại khu vực thuộc Hội đồng thành phố Inner West, một phần của con đường Marrickville đã được đặt tên là "Little Greece".

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

NGHỆ SĨ DƯƠNG CẦM LƯU HỒNG QUANG VÀ MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT DÀNH TẶNG HÀ NỘI

(Ảnh minh hoạ).

Trong cuộc trò chuyện với Lưu Hồng Quang cách đây hơn một năm khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, anh chia sẻ về một dự án âm nhạc mà anh ấp ủ được thực hiện tại quê hương nhưng “sợ nói trước bước không qua”.

Đúng một năm sau, chàng nghệ sĩ trẻ quê Hà Nội đã thực hiện được lời hứa của mình với quê nhà…

Ý tưởng từ trong mùa dịch
Dịch bệnh Covid-19 là “cú sốc” đối với giới nghệ sĩ. Lưu Hồng Quang cũng vậy. Đó là khoảng thời gian các công việc bị ngưng trệ, đôi khi anh cảm thấy bị cô lập, mất niềm tin, loay hoay tìm hướng đi ở xứ người, trong khi phải sống xa gia đình.

Thế nhưng, trong khoảng thời gian mất phương hướng đó, anh lại có thêm thời gian để tìm hiểu sâu hơn về các nghệ sĩ lớn trên thế giới như Bach, Beethoven, Schumann, Rachmaninoff... hay những bản thu âm của Richter, Gilels, Radu Lupu, Glenn Gould, Van Cliburn, Alfred Brende...

Bên cạnh các tên tuổi trong quá khứ, một lần tình cờ xem chương trình của nghệ sĩ người Nga Daniil Trifonov, Lưu Hồng Quang rất ngạc nhiên, thán phục và bị lay động trước màn biểu diễn 12 bản Transcendental Etudes (có nghĩa là siêu việt, vượt qua mọi giới hạn) của nhà soạn nhạc Franz Liszt. Theo anh, hiếm có một nghệ sĩ trẻ nào làm được điều này như Daniil Trifonov với tất cả tinh hoa trên từng ngón tay.

Cùng với niềm cảm kích vì biết đến những nghệ sĩ xuất chúng trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, anh đã chơi thử một vài bản để được “nếm mùi” cảm giác chinh phục chặng đường marathon đó. Tuy nhiên, khi trao đổi ý tưởng này với bà giáo người Anh-cũng là người bạn rất gần gũi của anh, bà nói: “Tại sao chỉ có nếm mùi, mà không chạy luôn cả chặng?”.

Trong suốt năm 2021, anh thực hiện vài buổi biểu diễn thử Transcendental Etudes nhưng các lệnh phong tỏa dịch bệnh khiến kế hoạch biểu diễn và thu âm tiếp tục chậm lại. Tuy nhiên, cũng từ đây, anh nảy sinh ý tưởng cuối năm 2022 sẽ về Việt Nam để thực hiện một chương trình hòa nhạc lớn đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không".

May mắn thay, bước sang năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, Lưu Hồng Quang càng có cơ hội rèn luyện và thực hiện các kế hoạch cho dự án tâm huyết của mình.

Là người con Hà Nội, anh luôn mong muốn được mang nguồn năng lượng và kiến thức tích lũy được từ những năm tháng học tập ở nước ngoài đóng góp cho nền âm nhạc cổ điển của nước nhà. Trở về quê hương biểu diễn cũng là cách để nghệ sĩ trẻ tìm về nguồn gốc của mình, tri ân nơi học tập và gia đình đã giúp anh trưởng thành như ngày nay.

Tri ân thủ đô thân yêu
Từ đầu năm nay, Lưu Hồng Quang đã trở về quê nhà biểu diễn trong chương trình “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” sau nhiều ngày tháng xa cách do dịch bệnh. Vào tháng Sáu, anh tham gia chương trình hòa nhạc trực tuyến “Luna Eterena/ Ánh trăng kỳ ảo”, trình diễn những tác phẩm kinh điển của Beethoven, Chopin, Sergei Prokofiev, tham gia những khóa đào tạo âm nhạc tìm kiếm tài năng trẻ, ươm mầm cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, vào đêm 9/12 tới tại phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia, đây sẽ là lần đầu tiên Quang trình diễn toàn bộ 12 tuyệt phẩm Transcendental Etudes-tiêu biểu cho phong cách bùng nổ của Franz Liszt.

Buổi hoà nhạc mang tên “Hanoi The Transcendence” sẽ là lời tri ân mà anh muốn gửi gắm đến thế hệ cha anh của đất nước, những người đã anh dũng chiến đấu vì độc lập dân tộc, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng hào hùng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022).

(Nguồn: Quê Hương Online)

100 DU KHÁCH MẤT LIÊN LẠC Ở HÀN QUỐC: ĐỀ NGHỊ PHẠT 4 CÔNG TY LỮ HÀNH

4 công ty có liên quan đến 100 khách du lịch mất liên lạc ở Hàn Quốc vừa bị Sở Du lịch TP.HCM đề nghị xử phạt tiền và áp dụng hình thức tước giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành có thời hạn.

Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc liên quan đến 100 du khách mất liên lạc khi đi du lịch Hàn Quốc.

Theo đó, ngày 25/10, Bộ Ngoại giao xác nhận khoảng 100 người Việt bị mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc và sẵn sàng triển khai biện pháp bảo hộ công dân. Những công dân này mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích du lịch qua sân bay quốc tế Yangyang, tỉnh Gangwon.

Trên cơ sở các thông tin thu thập được, Sở Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra Sở kiểm tra, xác minh vụ việc và được biết, 100 du khách này từ nhiều công ty du lịch khác nhau. Các công ty lữ hành này đều ký hợp đồng vận chuyển với 1 hãng hàng không là Công ty CP Kovic Việt Nam - GSA Fly Gangwon Airlines (trụ sở tại Hà Nội), là đơn vị duy nhất được tổ chức chuyến bay đưa khách đến đảo Yangyang, tỉnh Gangwon.

Sở Du lịch TP.HCM xác nhận, trong 100 du khách bị mất liên lạc có 32 khách của các công ty lữ hành trên địa bàn TP.HCM, bao gồm: 23 khách của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Top Ten; 3 khách của Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam; 3 khách của Công ty CP Du lịch Top Asian; 3 khách của Công ty CP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn.

Sở Du lịch cho biết, sau khi đã xác minh, Thanh tra Sở đã mời người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp lữ hành nói trên lên làm việc, thu giữ các hồ sơ liên quan. Sau quá trình kiểm tra, xác minh, Thanh tra sở đã xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với 4 doanh nghiệp nêu trên.

Cụ thể, Sở này đề nghị UBND TP xử phạt 4 công ty lữ hành nói trên về hành vi "Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật" theo Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Khung hình phạt cho hành vi này từ 80 triệu đồng đến 90 triệu đồng.

2 công ty là Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Top Ten; Công ty CP Du lịch Top Asian bị đề nghị xử phạt thêm hành vi "Không có hợp đồng lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định". Theo Nghị định 45, hành vi này bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Đồng thời, Sở Du lịch cũng đề nghị UBND TP áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, với hình thức bổ sung: “Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng đối với các công ty trên.

Theo Sở Du lịch, từ vụ việc nói trên, sở nhận thấy việc xử lý nghiêm vấn đề này cần khẩn trương để tránh những hậu quả phát sinh.

Đồng thời phối hợp với Công an thành phố, Bộ Công an để xử lý các DN lữ hành vi phạm, điều tra, triệt phá đường dây có dấu hiệu tổ chức khách đi du lịch nước ngoài rồi trốn lại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế và ảnh hưởng mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Tôn vinh áo dài ở Thái Lan; Nhà khoa học nhận giải Hoàng gia Anh; DHS 'săn' việc ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang