Lao động TQ bị robot chiếm lĩnh; Bác sĩ Kenya đình công; Bầu cử Nga; Trái ngọt quan hệ Iran – Saudi Arabia; Biển Đỏ cảnh báo đỏ

LAO ĐỘNG TRUNG QUỐC ĐANG BỊ ROBOT 'CHIẾM LĨNH' VỚI TỐC ĐỘ NHANH NHẤT THẾ GIỚI

Trung Quốc có lực lượng robot lao động nhiều hơn 12,5 lần so với dự kiến, cho thấy công nhân nước này đang bị thay thế bởi robot với tốc độ nhanh nhất thế giới.

"Trung Quốc hiện chưa dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực robot, nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi các công ty robot Trung Quốc dần bắt kịp các nước đi đầu", theo Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) có trụ sở ở Washington (Mỹ).

Việc thay thế con người bằng robot thường là để tiết kiệm chi phí nhân công. Theo đó, các nước phát triển có mức lương cao sẽ có tỷ lệ thâm nhập robot cao hơn các nước có mức lương thấp hơn.

Tuy nhiên, ITIF phát hiện ra rằng Trung Quốc đang sử dụng tự động hóa nhiều hơn dự kiến dựa trên mức lương công nhân được trả trong sản xuất, với việc sử dụng robot nhiều hơn 12,5 lần so với dự đoán. Ngược lại, Mỹ chỉ sử dụng 70% lượng robot mà họ nên sử dụng.

Phân tích ngành robot của Trung Quốc của ITIF dựa trên nghiên cứu về các công ty lớn và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia toàn cầu.

Nghiên cứu cho thấy tốc độ sản xuất và triển khai robot ở Trung Quốc đang tăng nhanh chóng so với nước khác. Chính phủ Trung Quốc đặt ưu tiên phát triển ngành công nghiệp robot, điều này cho thấy các công ty chế tạo robot của nước này có khả năng sớm trở thành những nhà đổi mới hàng đầu.

"Trung Quốc hiện là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới. Năm 2022, 52% tổng số robot công nghiệp trên thế giới được lắp đặt tại Trung Quốc, tăng từ 14% so với một thập kỷ trước đó", Chủ tịch ITIF Robert D. Atkinson, tác giả của báo cáo cho biết.

Thị trường robot đang bùng nổ của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ. Nền kinh tế thứ hai thế giới có nền tảng sản xuất tốt và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh. Nước này có khả năng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển robot và phạm vi ứng dụng rộng lớn.

Robot hiện được sử dụng trong nhiều lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sản xuất, hậu cần, khách sạn, y tế và xây dựng. Ông Atkinson cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc hiện lớn nhất thế giới, đây cũng là một lợi ích thúc đẩy việc áp dụng robot của Trung Quốc, vì ngành công nghiệp ô tô là khách hàng chính của lĩnh vực robot công nghiệp”.

Mặc dù là nước đi tiên phong trong lĩnh vực robot, nhưng Mỹ lại tụt hậu so với thế giới về xuất khẩu robot do thiếu đầu tư dài hạn. Các công ty hàng đầu hiện nay đến từ Đức, Nhật Bản và Thụy Sĩ. Trung Quốc thống trị về sản xuất và sử dụng robot.

"Trung Quốc đã là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong tám năm liên tiếp", ông Atkinson nói.

Theo ITIF, thị trường robot đang phát triển mạnh của Trung Quốc đã được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp lớn từ nhiều cấp chính quyền khác nhau, điều này đã khuyến khích việc áp dụng robot và công nghệ tự động hóa khác.

Nhu cầu to lớn và ngày càng tăng nhanh về tự động hóa công nghiệp đã tạo ra vô số công ty khởi nghiệp về robot, nhiều trong số đó có trụ sở tại thành phố Đông Quản (tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc), một khu vực nổi tiếng với ngành công nghiệp robot quy mô lớn.

Sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp này báo hiệu những lợi thế và hiệu quả đáng kể về chi phí.

Giáo sư Li Zexiang tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết: "Các công ty ở Đông Quản có thể phát triển một sản phẩm công nghệ mới nhanh hơn 5 đến 10 lần so với Thung lũng Silicon hoặc châu Âu, với chi phí chỉ bằng 1/5 hoặc 1/4".

Báo cáo của ITIF cũng chỉ ra rằng ngành công nghiệp robot của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài, nhiều linh kiện được nhập khẩu chủ yếu từ các công ty ở Nhật Bản, Đức và Thụy Sĩ.

Bên cạnh sự tăng trưởng tích cực, báo cáo lưu ý đến hai lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn còn tụt hậu. Đầu tiên là phần mềm, chiếm khoảng 80% giá trị của robot và là yếu tố then chốt tạo nên chất lượng cũng như tính linh hoạt của robot, vẫn là một điểm yếu của các công ty Trung Quốc.

Bên cạnh những hạn chế về phần mềm là thiếu sự sáng tạo. Nhiều sản phẩm tự động hóa của Trung Quốc trông tương tự như các sản phẩm của Fanuc ở Nhật Bản hay Boston Robotics ở Mỹ, cho thấy xu hướng sao chép nhiều hơn là phát minh độc đáo.

4.000 BÁC SĨ KENYA ĐÌNH CÔNG TRÊN TOÀN QUỐC, NHIỀU BỆNH NHÂN BỊ BỎ MẶC

Hôm 14/3, các bác sĩ tại các bệnh viện công ở Kenya đã bắt đầu cuộc đình công trên toàn quốc, cáo buộc chính phủ không thực hiện một loạt lời hứa trong một thỏa thuận được ký kết vào năm 2017 sau cuộc đình công kéo dài 100 ngày khiến nhiều người thiệt mạng vì thiếu sự chăm sóc y tế.

Hiệp hội Dược sĩ và Nha sĩ Kenya (KMPDU) cho biết họ đã đình công để yêu cầu bảo hiểm y tế toàn diện cho các bác sĩ và gây sức ép để Chính phủ bổ sung 1.200 thực tập sinh y khoa trong hoàn cảnh ngành y tế đang thiếu nhân lực trầm trọng.

Theo Tiến sĩ Davji Bhimji, Tổng thư ký KMPDU, tính tới thời điểm hiện nay, có 4.000 bác sĩ đã tham gia cuộc đình công. Tiến sĩ Dennis Miskellah, Phó tổng thư ký công đoàn cũng cho biết, họ sẽ bỏ qua lệnh của tòa án giống như cách chính phủ đã bỏ qua 3 lệnh của tòa án yêu cầu tăng lương cơ bản cho các bác sĩ.

Ông Miskellah cho biết thực tập sinh y khoa chiếm 27% lực lượng lao động tại các bệnh viện công ở Kenya và sự vắng mặt của họ đồng nghĩa với việc bệnh nhân bị từ chối chữa trị. Tuy nhiên, một số bác sĩ vẫn tiếp tục làm việc và chăm sóc các bệnh nhân đang điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình trong nước, ông Miskellah cho biết một số bác sĩ đã tự tử vì áp lực công việc, trong khi những người khác đã phải gây quỹ để điều trị bệnh do thiếu bảo hiểm y tế toàn diện.

Cuộc đình công đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên khắp cả nước khi nhiều bệnh nhân bị bỏ mặc trong bệnh viện hoặc bị các bệnh viện công trên toàn Kenya từ chối điều trị

Pauline Wanjiru, một người dân Kenya, cho biết cô đưa cậu con trai 12 tuổi đi điều trị vết thương ở chân nhưng hai mẹ con họ đã bị bệnh viện ở quận Kakamega ở Tây Kenya từ chối. Vết thương sau đó trở nên nghiêm trọng và cô không thể tự điều rị cho con tại nhà.

Được biết, vào năm 2017, các bác sĩ tại các bệnh viện công ở Kenya đã tổ chức cuộc đình công 100 ngày - cuộc đình công kéo dài nhất từ trước đến nay ở nước này - để yêu cầu Chính phủ nâng lương và nâng cấp các cơ sở y tế công đã xuống cấp tại Kenya. Họ cũng yêu cầu Chính phủ phải đào tạo và thuê thêm bác sĩ để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành y tế tại nước này.

Vào thời điểm đó, các bác sĩ công được đào tạo 6 năm ở trường đại học và có mức lương cơ bản từ 400 đến 850 USD một tháng, tương đương lương của sĩ quan cảnh sát chỉ được đào tạo trong 6 tháng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên không lựa chọn ngành y, dẫn đến việc thiếu nhân sự y tế nghiêm trọng ở Kenya.

BẦU CỬ NGA: 'MÀN KỊCH' DỌN ĐƯỜNG CHO NHIỆM KỲ THỨ 5 CỦA PUTIN

Khi đi dạo quanh Borovsk, thị trấn cách Moscow 100km, có hai điều khiến tôi ấn tượng.

Đầu tiên là gần như không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào cuối tuần này.

Tôi chỉ đếm được lác đác vài biểu ngữ hoặc bảng hiệu về bầu cử, còn lại hoàn toàn không thấy phát tờ rơi chính trị.

Thật ra cũng không ngạc nhiên. Không khí chuẩn bị bầu cử ảm đạm là hình ảnh phản chiếu sự tẻ nhạt trong cuộc đua vào Điện Kremlin vốn đã được an bài, một sự "làm màu" chỉ để hợp thức hóa cho nhiệm kỳ thứ năm của Vladimir Putin.

Điều thứ hai khiến tôi không khỏi ấn tượng với Borovsk là nghệ thuật đường phố xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Phần lớn trong số đó do nghệ sĩ đường phố Vladimir Ovchinnikov tạo nên. Trên khắp thị trấn, các bức bích họa của ông thu hút ánh nhìn người đi đường từ mọi phía.

Hầu hết các bức tranh ông vẽ đều vô hại. Chẳng hạn như hình quả địa cầu khổng lồ tái hiện lịch sử của thị trấn, hay tranh vẽ một cầu thủ bóng đá nổi tiếng.

Nhưng khi ông Vladimir vẽ về nước Nga của hiện tại, những bức tranh đang ngày một trở nên u ám.

“Tôi gọi bức này là Trên đỉnh tham vọng,” người nghệ sĩ 86 tuổi nói trong khi chỉ tôi xem một bức tranh vẽ cảnh người đàn ông mặc võ phục đang đi thăng bằng trên dây, bên dưới là ngọn núi sọ người.

"Đây là thứ mà tham vọng của một người đang ở tột đỉnh quyền lực có thể gây ra."

Một bức khác còn giật gân hơn là hình vẽ hai cỗ máy xay thịt đang nghiền thịt người. Trong đó một cỗ được dán nhãn 1937 (năm diễn ra cuộc Đại Thanh trừng của Stalin), chiếc còn lại mang nhãn Chiến dịch quân sự đặc biệt (tức cuộc chiến của Nga ở Ukraine).

“[Nước Nga] vẫn chưa rút ra được bài học,” ông đúc kết.

Vladimir đã bị phạt về tội “bôi bác” quân đội Nga sau khi ông vẽ bức tranh trên lên một bức tường công cộng. Kết cục tương tự cũng xảy ra với một bức khác của ông, minh họa cảnh tên lửa rơi xuống đầu một bé gái đang bận trang phục màu xanh-vàng đặc trưng của Ukraine.

Vladimir không chỉ muốn dùng nghệ thuật để khắc họa hiện tại, mà còn để rọi về quá khứ tăm tối của nước Nga - trong đó có sự áp bức dưới thời Stalin.

Bức graffiti chỉ trích cuộc chiến Ukraine của ông không được lòng chính quyền. Nó đã nhanh chóng bị sơn đè.

"Tranh của tôi khiến người xem phải suy nghĩ: Chúng tôi đúng hay sai trong cuộc chiến này?" ông Vladimir nói. "Với tôi đây là tội ác đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia láng giềng. Tôi sẽ thành đồng lõa nếu không lên tiếng."

“Nhiều người giữ im lặng vì họ sợ bị trừng phạt, bị mất việc và bị người xung quanh lên án.”

Sau khi thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny chết trong tù, ông Vladimir đã vẽ chân dung Navalny lên một tảng đá tưởng niệm trong thị trấn để tôn vinh các nạn nhân bị đàn áp chính trị.

“Ngay ngày hôm đó có người đã cạo sạch nó,” ông Vladimir kể. "Nhưng ở nhà, tôi đã phác lại một bản khác lên tấm bìa, sau đó mang nó ra đặt cạnh tảng đá tưởng niệm."

Vậy ông Vladimir thấy gì ở tương lai nước Nga?

“Có người cho rằng đàn áp sẽ nặng nề hơn,” ông nói, “chúng tôi đang hướng tới một đất nước theo chủ nghĩa toàn trị cùng chế độ độc tài toàn diện.”

Bức tranh ngài tổng thống

Vladimir Ovchinnikov nói với tôi rằng ông không bao giờ xem ti vi.

Nếu xem thì ông hẳn đã thấy một bức tranh rất khác về nước Nga được vẽ ra trên sóng truyền hình nhà nước.

Bức tranh nước Nga phiên bản Vladimir Putin.

Trong đó, không có núi sọ người, không có máy xay thịt và không có bóng dáng Alexei Navalny.

Đó không phải một nước Nga hung hăng với bên ngoài và hà khắc với bên trong. Mà là một nước Nga có quá khứ huy hoàng và tương lai cũng huy hoàng không kém. Một nước Nga của những anh hùng và những người ái quốc, cùng tập hợp dưới ngọn cờ để bảo vệ đất mẹ khỏi ngoại bang xâm lăng.

Và đó là một nước Nga rất mực yêu mến nhà lãnh đạo hiện tại của mình.

Cách đây vài hôm, bản tin tối trên Kênh 1 của Nga chiếu cảnh những người hâm mộ Putin đón chào ông như một ngôi sao ca nhạc.

“Giữ gìn sức khỏe nhé,” một người phụ nữ khóc trước khi ôm hôn vị tổng thống.

"Muôn năm!" một giọng đàn ông hét lên.

Nếu chỉ xem Kênh 1 để cập nhật tin tức, hẳn người ta có thể đi đến kết luận rằng Vladimir Putin sẽ giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tới.

Thế nhưng, cũng giống như tranh vẽ, bối cảnh là rất quan trọng.

Và trong trường hợp này, bối cảnh quyết định tất cả.

Điện Kremlin không chỉ kiểm soát truyền hình ở Nga mà còn nắm toàn bộ hệ thống chính trị, bao gồm cả bầu cử.

Tổng thống Putin không vấp phải trở ngại nào đáng kể trên hành trình tới nhiệm kỳ thứ năm của mình. Những người chỉ trích ông mạnh miệng nhất đều hoặc đã bị bỏ tù, hoặc đã trốn ra nước ngoài lưu vong. Còn nhân vật chống đối dữ dội nhất là Alexei Navalny thì đã chết.

Nhưng Điện Kremlin thích rêu rao rằng Nga có “nền dân chủ tuyệt nhất” trên thế giới. Vậy nên tranh cử với Putin lần này còn có ba đối thủ được chính thức tiến cử từ quốc hội thân Kremlin.

Gần đây tôi có nói chuyện với một trong số họ. Đó là một trải nghiệm hết sức kỳ khôi.

"Tại sao ông nghĩ mình sẽ làm tổng thống tốt hơn Putin?" tôi hỏi Nikolai Kharitonov, ứng viên Đảng Cộng sản.

“Đó không phải chuyện tôi nên nói,” ông Kharitonov đáp. “Làm vậy không phải phép.”

"Nhưng ông có cho rằng cương lĩnh tranh cử của mình hay hơn của Putin không?" tôi cố nài nỉ.

“Việc đó phải để cử tri quyết định.”

"Nhưng tôi hỏi suy nghĩ của ông cơ mà?"

"Tôi nghĩ gì không quan trọng. Quyền định đoạt thuộc về cử tri."

Thay vì nói về mình, ông Kharitonov lại ca ngợi tổng thống đương nhiệm.

“Ngày nay, Vladimir Putin đang gắng sức giải quyết nhiều vấn đề từ những năm 90, khi Yeltsin lôi Nga xuống vũng lầy tư bản hoang dã,” ông Kharitonov nói. "Ông ấy đang cố xốc lại đất nước để giành thắng lợi trên mọi lĩnh vực. Ngày ấy rồi sẽ đến!"

Có gì đó mách bảo tôi rằng tâm trí của Nikolai Kharitonov không dành cho cuộc đua này.

Một nhân vật khác đã tìm cách tham gia tranh cử nhưng bị từ chối là chính trị gia có lập trường phản chiến Boris Nadezhdin.

“Hoàn toàn không thể nói cuộc bầu cử tổng thống của chúng tôi là công bằng và tự do,” ông Nadezhdin nói với tôi. Ông cho rằng mình bị cấm tranh cử vì những thông điệp phản chiến của ông đã trở nên phổ biến quá mức.

"Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 30-35% người dân Nga muốn bầu cho ứng viên chủ trương hòa bình giống tôi. Đó là điều không thể chấp nhận được với chính phủ hiện tại."

Bức tranh từ đường phố

Trở lại Borovsk, tôi đang mải mê ngắm khung cảnh từ cây cầu bắc qua sông Protva.

Nhìn từ đây, thị trấn trông giống như một bức tranh: một bức tranh nước Nga mà người ta có thể hình dung được trưng bày trong bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg. Xa xa trên đồi, một thánh đường xinh đẹp vươn mình giữa những mái nhà lô xô cổ kính phủ tuyết trắng xóa. Trên những con đường đã đóng băng, người dân quấn mình dưới lớp áo đại hàn, mải miết bấm chân bước chậm rãi.

Cũng cẩn thận bước từng bước, tôi lên đường vào thị trấn để thăm dò dân tình. Những người trên đường phố Borovsk, họ nghĩ gì về cuộc chiến, về bầu cử và vị tổng thống của họ?

“Cho dù có bầu bán thế nào thì mọi thứ cũng đã được sắp đặt sẵn,” một phụ nữ trẻ tuổi tên Svetlana nói với tôi. "Tôi thấy có tham gia cũng vô ích."

Nhưng nhiều người ở đây, đặc biệt là những người lớn tuổi, nói với tôi rằng họ sẽ đi bỏ phiếu. Khi hỏi chuyện mọi người, tôi mới vỡ ra rằng có rất nhiều người tin vào phiên bản nước Nga mà họ thấy trên ti vi.

“Tôi mong Vladimir Putin thắng cử và nhờ đó chiến tranh sẽ kết thúc,” Lyudmila bảo tôi. "Có biết bao thanh niên đã ngã xuống. Khi hòa bình lập lại, các nước cuối cùng sẽ hiểu nước Nga không thể bị đánh bại."

"Tại sao cô muốn ông Putin thắng?" tôi hỏi. “Chính ông ấy là người khơi mào Chiến dịch quân sự đặc biệt.”

“Có rất nhiều luồng ý kiến,” Lyudmila thừa nhận. "Một số người nói rằng cuộc chiến này đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra. Số khác thì nói ông ấy đã làm đúng. Tôi sẽ không phán xét chuyện ấy lúc này. Có quá nhiều tình tiết chính trị mà chúng tôi không biết."

“Ông Putin đã nắm quyền gần một phần tư thế kỷ rồi,” tôi chỉ ra. “Ở một đất nước có đến 145 triệu dân, chẳng nhẽ không có ai khác thay được ông ấy sao?”

“Ồ không, chúng tôi có rất nhiều nhà lãnh đạo giỏi có thể điều hành đất nước, trong trường hợp khẩn cấp,” Lyudmila đáp.

Ứng viên Đảng Cộng sản Nikolai Kharitonov cũng sẽ bỏ phiếu cho đương kim tổng thống. Ông có vẻ như không mảy may bận tâm đến việc Putin đã nắm quyền trong hai thập kỷ rưỡi.

“Có sao chứ? Chúng tôi từng có những sa hoàng trị vì rất lâu dài,” Nikolai nói. "Có những sa hoàng hay và cũng có những sa hoàng dở. Rồi chúng tôi có Stalin và Brezhnev. Người ta có thể thay đổi lãnh đạo, nhưng việc đó không khiến cuộc sống của chúng tôi khác đi là mấy."

'TRÁI NGỌT' TRONG QUAN HỆ IRAN - SAUDI ARABIA: ĐỐM LỬA NHỎ CÓ THỂ THẮP SÁNG CẢ TRUNG ĐÔNG?

"Trái ngọt" của quan hệ Iran với Saudi Arabia sau một năm nối lại quan hệ ngoại giao đang khơi dậy niềm lạc quan giữa một Trung Đông đầy bất ổn.

Khơi dậy niềm lạc quan về các lệnh ngừng bắn

Tờ The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết dẫn đánh giá của giới phân tích cho rằng Iran và Saudi Arabia đã được hưởng "trái ngọt" sau một năm nối lại quan hệ ngoại giao, cho phép hai nước hạn chế những rủi ro an ninh bất chấp những hậu quả nguy hiểm trong khu vực Trung Đông do cuộc xung đột của Israel-Hamas gây ra.

Vào ngày 10/3/2023, sau các cuộc đàm phán do Trung Quốc làm trung gian, Iran và Saudi Arabia - vốn là hai kẻ thù ở khu vực Trung Đông - đã nhất trí tái lập đại sứ quán và trao đổi đại sứ, chấm dứt tình trạng bế tắc ngoại giao kéo dài 7 năm do các cuộc tấn công vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran.

Thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao mang tính bước ngoặt giữa hai nước đã làm gia tăng kỳ vọng về sự ổn định ngày càng được cải thiện ở Trung Đông.

Đại sứ Saudi Arabia tại Iran Abdullah bin Saud Al Anzi đã đến Tehran vào tháng 9/2023 để bắt đầu sứ mệnh mới của mình, trước khi Đại sứ Iran tại Saudi Arabia Alireza Enayati đến trình thư ủy nhiệm tại Riyadh ngay sau đó.

Nhà phân tích Bader Alsaif, Phó Giáo sư lịch sử tại Đại học Kuwait đánh giá, sự hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia đã tỏ ra hữu ích cho cả hai bên. Chuyên gia này nói thêm, thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao cho phép Saudi Arabia tập trung vào các chương trình nghị sự trong nước cấp bách hơn, chẳng hạn như các nhu cầu phát triển của Tầm nhìn Kinh tế 2030, trong khi Iran đã dập tắt được tình trạng bất ổn và xung đột nội bộ ở trong nước.

Hai đối thủ nặng ký trong khu vực Trung Đông này thường ủng hộ hai phía đối lập nhau trong các cuộc xung đột khu vực, đặc biệt là ở Yemen. Sự xích lại gần nhau giữa Iran và Saudi Arabia đã khơi dậy niềm lạc quan về một lệnh ngừng bắn có thể chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ vốn đã tàn phá đất nước Yemen, nơi Saudi Arabia hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận chống lại Phong trào Houthi - lực lượng dân quân được Tehran hậu thuẫn.

Kể từ khi Saudi Arabia và Iran hòa giải và tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 3/2023, các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và lực lượng Houthi đã đạt được tiến triển tích cực, với lực lượng dân quân này cử một phái đoàn tới Riyadh để thảo luận về khả năng ngừng bắn lâu dài. Đây là phái đoàn đầu tiên của Houthi được cử tới Riyadh kể từ khi cuộc xung đột Yemen bắt đầu nổ ra.

Tiến sĩ Alsaif nhận xét, dù Yemen chưa ghi nhận bước đột phá nào liên quan đến một thỏa thuận chính thức với lực lượng Houthi, nhưng quốc gia Trung Đông này cũng không còn chứng kiến tình trạng leo thang quân sự như trước đây.

Trong khi các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột ở Yemen đã đạt được hiệu quả, thì kể từ tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ.

Họ tuyên bố chiến dịch này là nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza. Để trả đũa các cuôc tấn công nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua khu vực Biển Đỏ, Mỹ và Anh đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu của Houthi ở Yemen.

Các nhà phân tích cho rằng sự hòa giải kéo dài một năm giữa Saudi Arabia và Iran đã bảo vệ Riyadh khỏi tình trạng bất ổn đang tiếp diễn trong khu vực.

Chuyên gia Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông-Bắc Phi tại Chatham House (Anh), nhận xét: "Các cuộc tấn công trực tiếp vào Saudi Arabia từ Yemen hoặc từ các nơi khác trong khu vực đã không còn. Điều này cho thấy sự hòa hoãn giữa Tehran và Riyadh đã giúp cải thiện các động lực an ninh nội địa ở Saudi Arabia vào thời điểm hiện tại".

Tuy nhiên, bà Vakil cho rằng vấn đề là sự gây hấn như vậy vẫn có thể tái diễn, do vậy rủi ro lớn hơn chưa được loại bỏ mà chỉ được ngăn chặn.

Tháng 12/2023, có thông tin rằng các bên tham chiến ở Yemen đang xem xét một lệnh ngừng bắn sơ bộ để tạo điều kiện cho tiến trình đàm phán hòa bình và các bên đã đồng ý với lộ trình được đề xuất. Các nguồn tin nhấn mạnh các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ sẽ không cản trở triển vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen.

Căng thẳng có nổi lên lần nữa?

Trong khi thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao giúp hạn chế những rủi ro an ninh cho Saudi Arabia, việc xích lại gần với Saudi Arabia cũng cho phép Iran đảm bảo các mục tiêu ngoại giao khi thỏa thuận này tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Syria Bashar Al Assad, một đồng minh thân cận của Iran, trở lại thế giới Arab vào tháng 5 năm ngoái.

Nhà phân tích Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics có trụ sở tại Washington (Mỹ) nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, việc các nước GCC khôi phục quan hệ ngoại giao với Damascus đã tạo ra lợi ích địa chính trị cho Cộng hòa Hồi giáo Iran". Ông Cafiero nói thêm, việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Riyadh là một động lực lớn cho chiến lược chính sách đối ngoại của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Ngoài các lợi ích chính trị, sự hòa giải giữa hai nền kinh tế lớn trong khu vực Trung Đông cũng dẫn đến các cuộc thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

Chuyên gia Farzad Piltan, Giám đốc khu vực Tây Á của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Iran cho biết Tehran đang hướng tới mục tiêu đạt giá trị thương mại 1 tỷ USD hàng năm với Saudi Arabia, đồng thời nhận định con số này có thể tăng lên 2 tỷ USD với trọng tâm là các lĩnh vực thép, nghệ tây, thảm, xi măng và hoa quả sấy khô.

Câu hỏi quan trọng đặt ra hiện nay là liệu sự hòa giải này sẽ dẫn đến sự hiểu biết và thích ứng với nhau tốt hơn trong tương lai hay đó chỉ là khoảng dừng tạm thời để hai bên tập trung vào các vấn đề nội bộ trước khi căng thẳng lại nổi lên một lần nữa?

HSBC: BIỂN ĐỎ CẢNH BÁO ĐỎ, ASEAN CẦN THẬN TRỌNG

Dù tác động từ cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ lên thương mại của ASEAN vẫn ở mức hạn chế ở thời điểm hiện tại nhưng báo cáo mới nhất của HSBC cho rằng vẫn phải thận trọng trong bối cảnh giá dầu thế giới có khả năng tăng - điều tác động tới lạm phát khu vực ASEAN.

Chuẩn bị sẵn sàng cho gián đoạn thương mại?

Nếu nhìn sơ bộ, những gián đoạn ở Biển Đỏ có vẻ giống như một rủi ro đối với các nền kinh tế ASEAN vốn đang trông đợi thương mại toàn cầu tăng trở lại. Chẳng hạn, một tàu chở hàng từ Singapore đến Rotterdam thường mất 26 ngày nhưng giờ bị chậm 10 ngày. Mặc dù vậy, đây chưa hẳn là trường hợp cảnh báo đỏ ngay lập tức đối với thương mại của ASEAN bởi xuất nhập khẩu của khu vực này sang châu Âu và Trung Đông cũng tương đối hạn chế. Các điểm đến chính cho xuất khẩu của khu vực là nội khối ASEAN, Trung Quốc đại lục và Mỹ. Tuy nhiên, một số sản phẩm nhất định có thể dễ bị ảnh hưởng hơn các sản phẩm khác, chẳng hạn như dệt may và da giày từ Việt Nam và xuất khẩu ô-tô của Thái Lan. Mặc dù vậy, nhìn chung, sự giới hạn của thương mại giữa ASEAN và các khu vực bị ảnh hưởng cũng giúp bảo vệ trước những gián đoạn bắt nguồn từ địa chính trị.

Vẫn là dầu

Mặc dù hoạt động thương mại với Trung Đông có hạn, một mặt hàng quan trọng không thể xem nhẹ chính là dầu. Ngoại trừ Indonesia, các nước còn lại trong ASEAN nhập khẩu ít nhất 50% dầu thô từ Trung Đông. Tuy nhiên, chúng ta có thể yên tâm khi xem xét kỹ hơn thông tin về các nước xuất khẩu: khoảng 70% dầu ASEAN nhập từ Trung Đông có nguồn gốc từ eo biển Hormuz nơi các dòng chảy thương mại không bị gián đoạn. Ngay cả với 30% còn lại nhập từ Saudi Arabia, nhiều đơn vị vận chuyển dầu đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa thấy tác động hữu hình nào lên giá dầu thế giới.

Để mắt tới lạm phát

Tuy nhiên, tình hình này đòi phải cần theo dõi sát sao nếu tình trạng hiện tại còn kéo dài. Xét cho cùng, ASEAN đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới. Còn nhớ hầu hết khu vực này đã chứng kiến lạm phát năng lượng tăng mạnh hồi năm 2022, khiến các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức độ khá gắt. Mặc dù chưa đủ cơ sở để lo lắng về khả năng lặp lại cú sốc năng lượng, cần thận trọng theo dõi tình hình có thể diễn biến tới đâu, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương chuẩn bị bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ nhờ lạm phát dịu xuống.

Lèo lái qua những gián đoạn

Rủi ro hạn chế đối với xuất khẩu

Sau đợt suy thoái trầm trọng của thương mại toàn cầu năm ngoái, những gián đoạn còn tiếp diễn ở Biển Đỏ nhắc chúng ta không quên về tác động sâu sắc của gián đoạn trong vận tải đối với các chuỗi cung ứng. Ba tháng sau khi những căng thẳng nổ ra, số lượng tàu quá cảnh qua Kênh đào Suez đã giảm hơn 50% kể từ đầu tháng 12 và giá cước vận tải container giao ngay đã tăng gấp ba lần trong hoạt động thương mại từ châu Á sang châu Âu. Quả thật, không nói ra cũng thấy tầm quan trọng của Kênh đào Suez trong vai trò một vị trí chiến lược của hành lang thương mại Á-Âu.

Nhìn vào Biểu đồ 1 chúng ta sẽ thấy bức tranh rõ ràng hơn. Một tàu chở hàng từ Singapore đến Rotterdam thường mất 26 ngày nhưng giờ bị chậm 10 ngày do phải đổi lộ trình vòng qua Mũi Hảo Vọng. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu từ ASEAN sang các khu vực bị ảnh hưởng, chẳng hạn như Trung Đông và châu Âu, lại không lớn như người ta nghĩ.

Trung Đông chỉ chiếm một phần nhỏ trong xuất khẩu của ASEAN còn châu Âu thì chứng kiến thị phần qua các năm giảm dần xuống dưới 9%. Ngay cả ở Việt Nam và Philippines, hai nền kinh tế có lượng xuất khẩu lớn nhất sang hai khu vực này, thị phần cũng không quá lớn, chỉ ở mức 12% mỗi nước. Quả thật, xu hướng rất rõ ràng: Mỹ, Trung Quốc đại lục và bản thân ASEAN đều chiếm thị phần lớn hơn châu Âu (Biểu đồ 2). Mặc dù vậy, vẫn có khả năng bị ảnh hưởng do sự tập trung của hàng hóa. Điều quan trọng là phải đánh giá được tác động đối với các nền kinh tế khác nhau trong ASEAN bởi những gián đoạn ở Biển Đỏ càng kéo dài, một số chuỗi cung ứng nhất định càng bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Dệt may và da giày. Hàng dệt may và da giày của Việt Nam xuất sang châu Âu là lĩnh vực cần lưu tâm. Mặc dù rõ ràng Mỹ là nước nhập mặt hàng này nhiều nhất, thị phần 20% của châu Âu cũng có ý nghĩa nhất định (Biểu đồ 3). Những lô hàng xuất sang châu Âu này chưa bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ, minh chứng là tháng 1 ghi nhận mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các hiệp hội thương mại cũng cảnh báo tình hình khó khăn gia tăng trong việc nhận đơn hàng từ Quý 2/2024 nếu căng thẳng còn kéo dài. Trên thực tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã tìm kiếm giải pháp vận tải thay thế trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty vận tải tìm tới giữ chỗ bằng vận chuyển đường hàng không. Điều đó khiến lượng hàng vận chuyển qua đường hàng không trên tuyến Việt Nam-châu Âu trong tháng 1 tăng lên, thậm chí vượt mức 6% là ngưỡng đỉnh của năm 2023.

Xuất khẩu liên quan đến ô-tô. Không phải mặt hàng nào cũng may mắn được như dệt may vốn kích thước hàng hóa nhỏ nên phù hợp với vận chuyển đường hàng không. Mặt khác, xuất khẩu xe hơi là một ví dụ tiêu biểu cho thấy một số sản phẩm chỉ có thể đi đường biển. Thái Lan, một nước đi đầu về xuất khẩu xe hơi và phụ tùng xe hơi, có thể sẽ chứng kiến những gián đoạn. Trong khi một phần tư ô-tô của Thái Lan là xuất khẩu nội khối, thị phần kết hợp của Trung Đông và châu Âu lên tới 20%, đủ lớn để có thể cảm nhận được sự khó khăn do gián đoạn kéo dài (Biểu đồ 4). Mặt khác, tác động lên phụ tùng ô-tô có thể tương đối hạn chế khi thị phần kết hợp của hai khu vực này chỉ chiếm khoảng 10%.

Dầu cọ. Lĩnh vực hàng hóa, nguyên liệu thô sẽ ra sao? Nếu được hỏi đâu là thị trường hàng hóa, nguyên liệu thô mà ASEAN thống lĩnh tuyệt đối, câu trả lời chính là dầu cọ. Năm 2022, chỉ riêng Indonesia và Malaysia đã chiếm tới 80% xuất khẩu dầu cọ của toàn thế giới, phần lớn trong số này được xuất sang châu Âu. Quả thật, châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào dầu cọ của ASEAN. Mặc dù sự phụ thuộc này đã giảm bớt trong một thập kỷ qua, gần nửa lượng dầu cọ nhập khẩu của châu Âu vẫn đến từ Indonesia và Malaysia (Biểu đồ 5). Do đó, những gián đoạn vận tải thương mại sẽ có khả năng tác động nhiều hơn lên châu Âu khi mà ASEAN có thị trường xuất khẩu khá đa dạng. Đặc biệt trong trường hợp của Indonesia, ba nước nhập khẩu lớn nhất (Ấn Độ, Trung Quốc đại lục và ASEAN) chiếm gần 50% tổng lượng hàng xuất đi. Tuy nhiên, Malaysia lại xuất sang Trung Đông nhiều hơn, nhưng không bao gồm châu Âu (Biểu đồ 6)

Điện tử. Khi nói đến xuất khẩu điện tử của ASEAN, tác động cũng có giới hạn. Điều may mắn là thương mại nội khối vẫn chiếm chủ yếu với thị phần lên đến 70% (Biểu đồ 7). Đây là lời nhắc nhở sâu sắc rằng chuỗi cung ứng công nghệ đang sắp xếp lại trong lòng châu Á, từ những nước thuộc Đông Bắc Á sang Đông Nam Á. Lượng xuất khẩu điện tử của ASEAN sang châu Âu và Trung Đông chỉ ở mức 10% mặc dù ở một số mặt hàng thì tỷ lệ này có thể cao hơn, bao gồm xuất khẩu điện thoại thông minh từ Việt Nam (15% thị phần) và điều hòa không khí từ Thái Lan (21% thị phần).

Nông nghiệp. Chúng tôi quan sát thấy tác động lên xuất khẩu nông sản của ASEAN cũng hạn chế. Nhìn vào hai nước xuất khẩu nông nghiệp lớn, cả Việt Nam (17% thị phần) và Thái Lan (13% thị phần) đều không xuất nhiều sang EU và Trung Đông. Xét cho cùng, khoảng 60-70% xuất khẩu nông sản của hai nước này là để phục vụ khách hàng châu Á (Biểu đồ 8). Đặc biệt là trường hợp của hàng hóa thiết yếu như gạo, trong đó 50%-80% nhập khẩu gạo của các quốc gia trong khu vực đếu đến từ Việt Nam và Thái Lan (Biểu đồ 9). Tuy nhiên, những sản phẩm khác có thể dễ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, gần 50% xuất khẩu cà phê của Việt Nam có điểm đến là châu Âu. Nhưng may mắn là nhu cầu của Trung Quốc gần đây gia tăng đối với nhiều loại nông sản của Việt Nam có thể dư sức bù đắp cho bất kỳ gián đoạn thương mại tiềm ẩn nào.

Cẩn trọng với những rủi ro tăng lạm phát

Tương tự, thị phần nhập khẩu của ASEAN từ EU và Trung Đông cũng không qua lớn, cao nhất cũng chỉ ở mức 20%. Trên thực tế, Trung Quốc đại lục là điểm đến đơn lẻ lớn nhất về nhập khẩu đối với mỗi nền kinh tế trong khu vực và thị phần có thể lên cao đến 35% (Biểu đồ 10). Mặc dù vậy, một mặt hàng cần theo dõi sát sao là dầu thô ASEAN nhập khẩu từ Trung Đông vì khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu.

Mặc dù tổng thị phần thương mại của ASEAN với Trung Đông thì thấp nhưng khu vực này lại nhập một lượng lớn dầu thô từ Trung Đông. Ngoại trừ Indonesia, thị phần của các nước còn lại ít nhất lên đến trên 50% (Biểu đồ 11). Tuy nhiên, chúng ta có thể yên tâm khi xem xét kỹ hơn thông tin về các nước xuất khẩu. UAE và Saudi Arabia là hai quốc gia xuất khẩu dầu nhiều nhất sang ASEAN với thị phần khổng lồ hơn 70% (Biểu đồ 12). Tuy nhiên, dòng chảy thương mại dầu ở eo biển Hormuz không bị gián đoạn.

Do vậy, sau khi bổ sung các nhà xuất khẩu dầu nhỏ hơn, gần 70% dầu nhập khẩu của ASEAN từ Trung Đông không bị tác động bởi những gián đoạn ở Biển Đỏ. Ngay cả đối với những đơn vị vận chuyển tại khu vực Biển Đỏ, không phải tất cả đều bị ảnh hưởng như nhau. Thực tế, nhiều bên vận chuyển dầu thô đã chuyển hướng và quá cảnh tới cuối tháng 2 mới chỉ giảm 6% so với nửa đầu tháng 12.

Tin tốt là giá dầu thế giới không thay đổ nhiều, vì vậy, còn quá sớm để lo ngại về khả năng lặp lại cú sốc năng lượng năm 2022 sau những căng thẳng Nga-Ukraine. Tuy nhiên, những gián đoạn này càng kéo dài, hoặc nếu những căng thẳng địa chính trị mới xuất hiện, chi phí vận tải nhập khẩu sẽ tăng. Đặc biệt, Singapore là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chi phí vận tải chiếm 14% nhập khẩu hàng hóa (Biểu đồ 13). Thái Lan là nước bị ảnh hưởng nhiều thứ hai với chi phí chiếm tới 10% mặc dù các nước còn lại trong khu vực có chi phí khiêm tốn trong khoảng hơn 4% một chút.

Mặc dù tới thời điểm hiện tại thì tác động còn hạn chế, điều quan trọng là chúng ta cần nhớ ASEAN dễ bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô như thế nào. Ngoại trừ Malaysia, các nền kinh tế ASEAN đều là các nước nhập khẩu ròng về năng lượng (Biểu đồ 14). Đặc biệt, Philippines và Thái Lan dễ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng vọt, đẩy lạm phát toàn phần vượt qua mức mục tiêu của ngân hàng trung ương một khoảng khá lớn hồi năm 2022 (Biểu đồ 15). Còn nhớ khi đó, Thái Lan phải đối mặt với mức tăng giá năng lượng cao nhất, tăng tương đương 40% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Malaysia và Indonesia cũng có tỷ trọng cao các thành phần liên quan năng lượng trong rổ hàng hóa tính CPI (Biểu đồ 16). Mặc dù vậy, mức độ tác động dẫn truyền của năng lượng ở mỗi nước một khác, phụ thuộc vào điều chỉnh giá trong nước và/hoặc mức độ đánh thuế đối với nhiên liệu. Chẳng hạn, chính sách trợ giá hào phóng của Malaysia trong ba năm qua đã kìm chân lạm phát mặc dù chính phủ nước này đã cam kết sẽ triển khai trợ giá có chọn lọc hơn khả năng bắt đầu từ Quý 2/2024.

Nhìn chung, giảm phát năng lượng vẫn là xu hướng chính ở ASEAN, giúp các nhà làm chính sách có chút yên tâm. Với mức tăng giá của năm 2022, Thái Lan là nước đầu tiên trong khu vực chứng kiến CPI năng lượng ghi nhận mức âm từ 2023 (Biểu đồ 17). Không chỉ vậy, chính phủ mới của Thái Lan đang trợ giá dầu diesel, xăng và điện. Ở các nước còn lại trong ASEAN, lạm phát năng lượng đã dịu đi nhiều, đưa giá cả xuống dưới mức mục tiêu của ngân hàng trung ương. Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu đã duy trì tương đối ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi thấy vẫn cần thận trọng bởi những gián đoạn ở Biển Đỏ kéo dài có thể gia tăng rủi ro đối với tình hình lạm phát của khu vực và rủi ro trì hoãn chu kỳ xoa dịu lạm phát mặc dù đây không phải vấn đề cốt lõi của chúng ta.

Tựu trung lại, chúng tôi chưa thấy rủi ro trước mắt đối với thương mại và lạm phạt nhưng vẫn cần thận trọng.

Nguồn: Soha; VOV; BBC; Báo Quốc Tế; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang