EU: Nhập vũ khí tăng; Đối phó thảm họa hạt nhân; BBC khủng hoảng; Anh giúp công ty công nghệ, tăng đối phó TQ

Nhập khẩu vũ khí vào châu Âu tăng gần gấp đôi trong năm 2022

(Ảnh minh họa).

Các nhà nghiên cứu cho biết lượng vũ khí nhập khẩu vào châu Âu tăng gần gấp đôi trong năm 2022, phần lớn do nhu cầu hỗ trợ hỏa lực cho Ukraine.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết với mức tăng 93% so với năm 2021, nhập khẩu vũ khí vào châu Âu cũng được đẩy mạnh do các quốc gia trong khu vực như Ba Lan hay Na Uy quyết định tăng chi tiêu quốc phòng. Mức độ nhập khẩu dự kiến tiếp tục tăng trong tương lai.

"Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thực sự làm tăng đáng kể nhu cầu vũ khí ở châu Âu, điều này sẽ có tác động lớn hơn nữa và rất có thể sẽ dẫn đến việc các quốc gia châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu vũ khí", Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, nói.

Cho đến đầu năm ngoái, Ukraine là một nhà nhập khẩu vũ khí nhó bẻ. Nhưng vào năm 2022, họ đã trở thành điểm đến của các lô hàng vũ khí lớn thứ ba thế giới, sau Qatar và Ấn Độ, nhờ hỗ trợ từ phương Tây.

Theo dữ liệu của SIPRI, chỉ riêng Ukraine đã chiếm 31% lượng vũ khí chuyển giao cho châu Âu và 8% tổng lượng vũ khí chuyển giao trên toàn thế giới. Nhập khẩu vũ khí của Ukraine, tính cả những lô hàng hỗ trợ, đã tăng hơn 60 lần vào năm ngoái.

Các lô hàng chuyển giao cho Ukraine chủ yếu là vũ khí lấy từ kho dự trữ. Trong số này có khoảng 230 pháo của Mỹ, 280 xe bọc thép của Ba Lan và hơn 7.000 tên lửa chống tăng của Anh, cùng một số thiết bị mới được sản xuất như hệ thống phòng không, SIPRI cho biết.

Thực tế, việc đẩy mạnh nhập khẩu vũ khí đã là một xu thế ở châu Âu từ trước, khi các quốc gia bắt đầu tái vũ trang, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga sau vụ Moskva sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Wezeman cho hay các nước châu Âu "đã đặt hàng hoặc đang lên kế hoạch" trang bị vũ khí, từ "tàu ngầm đến máy bay chiến đấu, từ máy bay không người lái đến tên lửa chống tăng, từ súng trường đến radar".

"Mọi thứ đều đang được xem xét, bởi ý tưởng họ hướng đến là tăng cường năng lực quân sự với toàn bộ công nghệ quân sự hiện có", ông nhấn mạnh.

(Nguồn: Vnexpress)

Bài học từ Chernobyl và Fukushima: Châu Âu đã sẵn sàng đối phó thảm họa hạt nhân?

Xung đột ở Ukraine, thời tiết khắc nghiệt hơn và các vết nứt được tìm thấy trong các lò phản ứng của Pháp khiến một số chuyên gia lo lắng đặt câu hỏi: Châu Âu liệu ó sẵn sàng cho một sự cố hạt nhân?

Theo mạng tin Euronews ngày 11/3, cách đây đúng 12 năm, một trận động đất và sóng thần lớn đã gây ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ thứ hai trong lịch sử tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.

Lễ kỷ niệm thảm họa khiến 160.000 người phải sơ tán và gây thiệt hại hơn 176 tỷ euro cho Chính phủ Nhật Bản đã đủ để nhắc nhở về mối đe dọa tiềm tàng của sự cố hạt nhân, nhưng một số sự kiện gần đây cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở châu Âu.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã nhiều lần đánh sập lưới điện của nước này, gây mất điện tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu, nơi cần nguồn điện để ngăn các lò phản ứng quá nóng như trong thảm họa phóng xạ Chernobyl năm 1986.

Trong khi đó, ngày càng nhiều lò phản ứng hạt nhân khác của châu Âu sắp hết hạn sử dụng - trung bình chúng được xây dựng cách đây hơn 36 năm - và các cuộc kiểm tra gần đây ở Pháp đã phát hiện ra các vết nứt ở một số lò phản ứng này.

Một số chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với 103 lò phản ứng hạt nhân của EU, chiếm khoảng 1/4 sản lượng điện được tạo ra trong khối.

Jan Haverkamp, một chuyên gia cấp cao về chính sách năng lượng và năng lượng hạt nhân của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), cho biết khả năng châu Âu chứng kiến một vụ tai nạn lớn như Fukushima hiện đang trở nên "thực tế" và "chúng ta nên xem xét về điều này", thừa nhận là "châu Âu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng".

Về phần mình, Ủy viên EU về năng lượng Kadri Simson cho biết xương sống của hệ thống năng lượng không carbon trong tương lai của EU sẽ là năng lượng tái tạo được hỗ trợ bởi hạt nhân. Nhưng thách thức với chiến lược cung cấp năng lượng tái tạo bằng năng lượng hạt nhân là nó phụ thuộc vào hoạt động liên tục của các nhà máy hạt nhân già cỗi.

Việc bảo trì một nhà máy hạt nhân phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như thiết kế và quá trình giám sát. Nhưng cũng có những yếu tố khác gây ảnh hưởng, chẳng hạn như sai sót của con người, động đất, sóng thần, hỏa hoạn, lũ lụt, lốc xoáy hoặc thậm chí là các cuộc tấn công khủng bố.

Thảm họa Fukushima năm 2011 liên quan đến một nhà máy hạt nhân đã hơn 40 năm tuổi và vụ tai nạn được cho là một phần do lỗi thiết kế cũng như không đảm bảo các biện pháp an toàn. Theo chuyên gia Haverkamp, việc nâng cấp các nhà máy già cỗi có thể làm giảm rủi ro ở một số khía cạnh nhất định, "nhưng vẫn có nguy cơ: nó có thể gặp trục trặc, đơn giản chỉ vì chúng vẫn tiếp tục phải hoạt động".

Pháp là một trong những nước có sự đảm bảo an toàn hạt nhân tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Bernard Doroszczuk, người đứng đầu cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của nước này, cho biết vào đầu năm nay rằng một cuộc "đánh giá hệ thống" là cần thiết "để kiểm tra về khả năng tiếp tục hoạt động của các lò phản ứng cũ hơn 50, hoặc thậm chí 60 năm" trong khi cũng cho phép lường trước những thách thức mới do biến đổi khí hậu đặt ra.

Chỉ trong tuần này, nhà cung cấp điện EDF của Pháp đã báo cáo những khiếm khuyết "không đáng kể" trên đường ống làm mát của hai lò phản ứng ở miền Bắc và miền Đông nước Pháp.

Các vết nứt, nằm trong thiết bị bơm nước để làm mát hệ thống trong trường hợp khẩn cấp, không được coi là nguy hiểm vì các lò phản ứng đang được bảo trì, nhưng phát hiện của họ đã làm sống lại các cuộc tranh luận về chiến lược của Pháp trong việc giám sát hạt nhân của nước này.

Có một yếu tố khác trong an toàn hạt nhân đặc biệt quan trọng: mật độ dân số xung quanh các cơ sở hạt nhân. Các khu vực có hàng triệu người sinh sống khó sơ tán hơn nhiều so với những khu vực vắng vẻ. Sau sự cố Fukushima vào tháng 3/2011, Declan Butler, một nhà báo của tạp chí khoa học Nature, đã hợp tác với NASA và Đại học Columbia để nghiên cứu và so sánh mật độ dân số xung quanh các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.

Vào thời điểm nhà báo Butler công bố nghiên cứu của mình, hai phần ba số nhà máy hạt nhân của thế giới có mật độ dân số lớn hơn trong bán kính 30 km so với Fukushima, nơi có 172.000 người sinh sống vào thời điểm xảy ra sự cố. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy mật độ dân số xung quanh các lò phản ứng hạt nhân ở châu Âu cao hơn nhiều so với xung quanh Fukushima.

Ví dụ, ở Pháp, ông Butler ước tính có khoảng 930.000 người sống trong bán kính 30 km xung quanh Fessenheim, chỉ là một trong số nhiều nhà máy hạt nhân nằm ở phía Đông Bắc của nước này và 700.000 người sống xung quanh nhà máy Bugey, cách Lyon 35 km về phía Đông, nhà máy lớn thứ ba của Pháp.

Khi tìm hiểu một số điểm không phù hợp về an toàn, ông Butler rút ra rằng một số kịch bản thảm khốc không được xem xét đầy đủ trong quá trình thiết kế vì chúng được cho là quá khó xảy ra. Ví dụ, nhà máy Fukushima nằm trong khu vực được xác định là có khả năng xảy ra động đất và sóng thần tương đối thấp trên bản đồ rủi ro địa chấn của Nhật Bản.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Haverkamp cho rằng đã những nỗ lực chủ yếu tập trung vào sự chuẩn bị kỹ thuật để ngăn ngừa tai nạn hạt nhân, nhưng không tập trung vào sự chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp hoặc sự chuẩn bị của người dân.

Ông Haverkamp nói: "Tôi e rằng mọi quốc gia hạt nhân ở EU tại thời điểm này đều không có đủ sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xảy ra sự cố. Nếu chúng ta gặp sự cố ở châu Âu, nó sẽ lại rơi vào cảnh hỗn loạn, giống như đã xảy ra ở Fukushima".

(Nguồn: Soha)

Chuyện gì đang xảy ra tại BBC

(Ảnh minh họa).

Quyết định cắt sóng huyền thoại bóng đá Gary Lineker khiến đài truyền hình quốc gia Anh rơi vào một cuộc tranh luận gay gắt về tính trung lập và độc lập khỏi chính trị.

Là người dẫn chương trình được trả lương cao nhất tại BBC, Gary Lineker chiếm được cảm tình của người hâm mộ với phong cách dẫn dắt cá tính. Ông và hai đồng sự nổi tiếng Ian Wright và Alan Shearer trong nhiều năm đã khẳng định tên tuổi chương trình “Match of the Day” thảo luận về các trận đấu Ngoại hạng Anh.

Nhưng sau khi bị nhà đài sa thải, ông Lineker đã tuyên bố “không trở lại BBC” và nhiều khả năng sẽ không rút lại lời nói.

Ngay sau đó, cựu danh thủ Ian Wright và Alan Shearer tuyên bố rút khỏi chương trình. Hai chương trình có tiếng khác là Football Focus và Total Score cũng phải hủy sóng vì tất cả người dẫn chương trình đều rút lui để ủng hộ ông Lineker, theo CNN.

Cơn ác mộng của BBC chưa chấm dứt. Các đội bóng tại Ngoại hạng Anh đều từ chối phỏng vấn, nói chuyện với đài BBC trước và sau trận đấu. Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Anh ngày 11/3 thông báo “các cầu thủ thi đấu vào các trận đấu ngày hôm nay sẽ không được tham gia các cuộc phỏng vấn với Match of the Day”.

Tranh cãi về trung lập

Khi tiếp quản BBC vào năm 2020, Tổng giám đốc Tim Davie tuyên bố nguyên tắc của mình là “trung lập”.

Là đài truyền hình công cộng của Anh, BBC bị ràng buộc bởi “sự trung lập”. Thuật ngữ này được BBC định nghĩa là nắm giữ “quyền lực để giải trình một cách nhất quán”, trong khi “không cho phép bản thân được sử dụng để vận động thay đổi chính sách công”.

Nhưng cơ quan truyền thông này thường vấp phải sự chỉ trích từ cả đảng Bảo thủ và Công đảng về mức độ trung lập thực sự.

“Trời ơi, điều này thật khủng khiếp”, ông Lineker viết trên Twitter phản ứng với một video được Bộ Nội vụ Anh đăng tải để công bố chính sách mới.

“Chúng ta tiếp nhận ít người tị nạn hơn nhiều so với các nước châu Âu lớn khác. Đây chỉ là một chính sách rất tàn nhẫn nhắm vào những người dễ tổn thương nhất bằng ngôn ngữ không khác gì Đức sử dụng trong những năm 1930”, ông viết ngày 7/3.

Chính sách mới của chính phủ Anh sẽ ngăn chặn thuyền di cư băng qua eo biển Manche, kéo theo sự chỉ trích từ Liên Hợp Quốc và các cơ quan toàn cầu.

Phát ngôn viên của ông Sunak gọi những bình luận của ông Lineker là “không thể chấp nhận được”. Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman nói rằng nó có ý nghĩa “xúc phạm”.

Ông Lineker bị miễn lên sóng trong tuần này sau khi BBC ngày 10/3 cho biết các bài viết của ông vi phạm các nguyên tắc của nhà đài, đặc biệt là cam kết đối với nguyên tắc “trung lập”.

“Các hoạt động bên ngoài và bình luận công khai, ví dụ như trên mạng xã hội, của nhân viên, người dẫn chương trình và những người đóng góp vào nội dung của BBC cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức về tính trung lập của BBC”, cơ quan này viết trong bộ quy tắc. Rất có thể BBC dựa trên nguyên tắc này để đình chỉ ông Lineker.

Công đảng đối lập và các nhà bình luận truyền thông cáo buộc BBC đã cố gắng bịt miệng ông Lineker.

Đáng chú ý, đâu không phải lần đầu tiên các tweet mang tính chính trị của ông Lineker vấp phải tranh cãi. Nhưng ông chưa bao giờ bị đài truyền hình cấm sóng.

Năm 2016 và 2018, BBC đã bảo vệ người dẫn chương trình Match of the Day khi ông nói về trẻ em di cư và Brexit. Cơ quan truyền thông này cho rằng ông Lineker là một người dẫn chương trình tự do, sử dụng một tài khoản Twitter cá nhân. Các quy tắc nghiêm ngặt đối với các nhà báo không áp dụng hoàn toàn cho những người dẫn chương trình thể thao.

BBC khi đó nhận định rằng nguy cơ ảnh hưởng đến tính trung lập “thấp hơn khi một cá nhân bày tỏ quan điểm công khai về một lĩnh vực không liên quan, ví dụ một người dẫn chương trình thể thao hoặc khoa học bày tỏ quan điểm chính trị hoặc nghệ thuật”.

Nhưng kể từ đó, các quy tắc về hành vi ứng xử đã được thắt chặt. Bộ hướng dẫn về mạng xã hội đòi hỏi những người dẫn chương trình uy tín có “trách nhiệm bổ sung”.

Câu hỏi đặt ra là liệu các quy tắc đang được áp dụng một cách công bằng. Nhiều người dùng Twitter tranh cãi về việc những người dẫn chương trình đã đi quá xa hay không.

“Tôi không có vấn đề gì với Gary Lineker. Ông ấy là một người dẫn chương trình thể thao, chứ không phải một nhà báo của BBC. Những người theo dõi Lineker muốn biết ông ấy nghĩ gì”, nhà báo Piers Morgan nói trên truyền hình.

Những người ủng hộ ông Lineker lập luận rằng ông phàn nàn cách sử dụng ngôn ngữ của chính phủ Anh, chứ không chỉ trích chính sách.

“Thực tế là phát ngôn của Lineker đã vi phạm nguyên tắc của BBC, dù chúng ta có đồng ý với quyết định họ hay không. Ông ấy cũng được trả lương bởi BBC”, một người dùng phản đối trên Twitter.

Bài toán khó với BBC

Đối với BBC, câu chuyện Gary Lineker là về tính trung lập, nhưng tự do phát ngôn đối với nhiều người khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC News, ông Tim Davie đáp lại rằng ông đang “lắng nghe” và gợi ý có thể giải quyết vấn đề bằng cách xem lại các hướng dẫn ứng xử.

Ông Tim Davie cũng được hỏi liệu ông nên từ chức vì cuộc khủng hoảng lần này hay không.

“Không”, ông trả lời.

“Thành thật mà nói, tôi không tin rằng đây không phải là về quan điểm chính trị cánh hữu hay tả. BBC luôn dẫn đầu về tranh luận dân chủ, tự do ngôn luận, nhưng cùng với đó là nhu cầu tạo ra một tổ chức trung lập”.

Ông Davie khẳng định không hối hận về cách xử lý tình huống. Ông hy vọng tìm được sự cân bằng cho phép một số người dẫn chương trình bày tỏ ý kiến, đồng thời duy trì tính trung lập của BBC.

Nhưng các chương trình quen thuộc, cố định hàng tuần trong lịch truyền hình bất ngờ bị thay đổi là bằng chứng về một cuộc khủng hoảng quy mô lớn BBC đang vướng phải, vượt qua cuộc tranh cãi chính trị trên Twitter.

Ông Greg Dyke, cựu tổng giám đốc BBC từ chức năm 2004 vì tranh cãi với chính phủ Công đảng, cho rằng quyết định đình chỉ Gary Lineker khiến tập đoàn truyền thông giống như đang cúi đầu trước áp lực từ chính phủ đảng Bảo thủ.

BBC muốn giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt, tránh cuộc tranh cãi biến thành khủng hoảng.

Nhưng việc ông Lineker có 8,7 triệu người theo dõi trên Twitter và không có dấu hiệu đồng ý im lặng cho thấy vấn đề khó giải quyết như thế nào. Tin tức về Gary Lineker thậm chí chiếm sóng hoàn toàn trên truyền thông xã hội, lấn át chính sách gây tranh cãi.

Thủ tướng Rishi Sunak đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 11/3 để bảo vệ chính sách di cư. Ông hy vọng BBC và ông Lineker có thể giải quyết những bất đồng một cách kịp thời.

“Đó là vấn đề của họ, không phải của chính phủ”, ông Sunak nói.

Vụ Lineker khiến BBC phải đưa ra lời xin lỗi khi các chương trình bị hủy hoặc cắt giảm.

Match of the Day hầu như không còn ai để lên sóng. Chương trình hôm 11/3 trên kênh BBC One bị cắt dung lượng xuống chỉ còn 20 phút, được phát sóng mà không có người dẫn và sự tham gia của các bình luận viên.

Các chương trình bóng đá hôm 12/3 của BBC cũng phải giảm dung lượng phát sóng, bao gồm Match of the Day 2 và Super League nữ.

(Nguồn: Zing News)

Anh giúp các công ty công nghệ sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ

Chính phủ Anh đang thực hiện một kế hoạch để các công ty công nghệ của Vương quốc Anh bị kẹt sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank sẽ không cạn kiệt tiền mặt.

Bộ Tài chính cho biết họ muốn "giảm thiểu thiệt hại cho một số công ty triển vọng nhất của chúng tôi ở Anh" sau thất bại của ngân hàng Mỹ vào thứ Sáu tuần trước.

Các nhà quản lý Hoa Kỳ đã đóng cửa ngân hàng vào thứ Sáu trong sự kiện được xem là sự đổ bể lớn nhất của một ngân hàng Hoa Kỳ kể từ năm 2008.

Công ty con của ngân hàng này tại Vương quốc Anh sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán từ tối Chủ nhật.

Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết Thủ tướng Rishi Sunak, Thống đốc Ngân hàng Andrew Bailey và ông đã “thức khuya" và “làm việc suốt cuối tuần" để có được một giải pháp" cho sự sụp đổ của Ngân hàng SVB Anh quốc, ông Jeremy Hunt nói hôm Chủ nhật 12/3.

Ông Hunt nói với BBC rằng mặc dù không có rủi ro đối với toàn bộ hệ thống tài chính của Vương quốc Anh, nhưng "có một rủi ro nghiêm trọng đối với một số công ty hứa hẹn nhất của chúng tôi về công nghệ và khoa học đời sống".

"Đây là những công ty rất quan trọng đối với Vương quốc Anh, một phần rất quan trọng trong tương lai của chúng ta."

“Chúng tôi muốn tìm cách giảm thiểu hoặc tránh mọi thiệt hại cho [các công ty]

rất hứa hẹn đó,” ông Hunt nói, mặc dù ông nói rằng ông không thể cam kết rằng các công ty sẽ thu hồi được toàn bộ số tiền của họ.

Ông cho biết chính phủ đang "làm việc khẩn trương" để đưa ra một kế hoạch nhằm đảm bảo các công ty có thể đáp ứng được nhu cầu về dòng tiền của họ "trong vài ngày tới".

Kế hoạch này có nghĩa là các công ty có thể trả lương cho nhân viên của họ, ông nói. "Đó là câu hỏi lớn mà chúng tôi đã có trong 24 giờ qua."

Hơn 250 ông chủ của các công ty công nghệ ở Anh đã ký một lá thư gửi cho ông Hunt vào hôm thứ Bảy kêu gọi sự can thiệp của chính phủ.

Một nguồn tin trong một công ty công nghệ nói với BBC: "Các công ty đều cảm nhận về hệ quả hết sức nghiêm trọng cho khu vực công nghệ Vương quốc Anh."

“Thứ Hai tuần , ít nhất 200 công ty sử dụng hàng chục ngàn người sẽ thấy rằng họ không thể trả lương cho nhân viên hoặc nhà cung cấp của mình vì ngân hàng mà họ mở tài khoản đã bị phá sản,” nguồn tin cho biết.

Nguồn tin cho biết thêm, từ 30% đến 40% hoặc các công ty mới thành lập ở Anh sử dụng tới 50.000 người có thể bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của SVB.

SVB sụp đổ ở Hoa Kỳ sau khi không huy động được 2,25 tỷ đô la để khắc phục khoản lỗ từ việc bán tài sản, chủ yếu là trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn.

Sự trục trặc này đã châm ngòi cho việc rút tiền đồng loạt ở ngân hàng này ở Mỹ và làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng chung của ngành ngân hàng.

Silicon Valley Bank chuyên cho các doanh nghiệp giai đoạn mới thành lập vay vốn và họ đã cấp vốn cho gần một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư của Mỹ, và các công ty đó đã niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm ngoái.

SBV khởi đầu là một ngân hàng ở California vào năm 1983, đã mở rộng nhanh chóng trong thập niên qua. Ngân hàng này có hơn 8.500 nhân viên trên toàn cầu, với hầu hết các hoạt động của họ ở Hoa Kỳ.

Nhưng SBV đã phải chịu áp lực khi lãi suất cao hơn khiến các công ty khởi nghiệp khó huy động vốn hơn thông qua gây quỹ tư nhân hoặc bán cổ phần. Nhiều khách hàng đã rút tiền gửi theo hiệu ứng domino vào tuần trước.

SBV chi nhánh ở Anh đã ngừng thanh toán hoặc nhận tiền gửi trước khi mất khả năng thanh toán từ ngày Chủ nhật.

Động thái này sẽ cho phép những người gửi tiền cá nhân được trả tới 85.000 bảng từ chương trình bảo hiểm tiền gửi của Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, việc chính phủ cam kết bảo đảm nhiều hơn mức này sẽ là một "rủi ro đạo đức nghiêm trọng" - nghĩa là, người gửi tiền sẽ không có động cơ đề phòng rủi ro nếu họ mong đợi chính phủ chi trả đầy đủ trong bất kỳ trường hợp sụp đổ nào của ngân hàng Anh, Tổng trưởng Bộ tài chính Anh Nick Machpherson viết trên Twitter.

(Nguồn: BBC)

Anh tính nâng ngân sách quốc phòng, gia tăng đối phó Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Anh có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và đưa ra các biện pháp mới để đối phó với mối lo ngại ngày càng gia tăng từ hoạt động quân sự, tài chính, ngoại giao của Trung Quốc.

"Khi thế giới trở nên bất ổn hơn và sự cạnh tranh giữa các quốc gia trở nên gay gắt hơn, Vương quốc Anh phải sẵn sàng giữ vững lập trường của mình. Bằng cách đầu tư dài hạn vào các lực lượng vũ trang, chúng ta sẽ sẵn sàng đối mặt với những thách thức của ngày hôm nay và của tương lai", Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu ngày 12/3 khi công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 6 tỷ USD trong 2 năm tới.

Ngoài ra, Anh cũng dự kiến công bố các biện pháp mới đối phó với Trung Quốc, vốn nằm trong bản đánh giá cập nhật về các chiến lược ngoại giao và quốc phòng của chính phủ dự kiến được tung ra vào ngày 13/3. Động thái này diễn ra sau khi nhiều thành viên của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh kêu gọi chính phủ của ông Sunak coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược với London.

Mặt khác, ông Sunak cũng chuẩn bị gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese ở Mỹ vào hôm nay (giờ địa phương). Đây là 3 nước thành viên của hiệp ước an ninh AUKUS. Các nhà lãnh đạo dự kiến công bố kế hoạch cung cấp tàu ngầm do Mỹ và Anh thiết kế cho Australia để đối phó với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Ông Sunak cho biết: "Năm ngoái, chúng ta đã thấy quá rõ rằng các cuộc khủng hoảng toàn cầu tác động đến tình hình trong nước chúng ta như thế nào, với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lương thực lên cao. Chúng ta sẽ củng cố hệ thống phòng thủ quốc gia, từ an ninh kinh tế đến chuỗi cung ứng công nghệ và chuyên môn tình báo, để đảm bảo chúng ta không bao giờ dễ bị tổn thương trước hành động của đối thủ".

Các khoản tăng chi tiêu quân sự dự kiến sẽ được đầu tư và các doanh nghiệp hạt nhân quốc phòng của Anh, bổ sung và củng cố kho dự trữ đạn dược, bao gồm cả đạn dược viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Chính phủ Anh cũng dự kiến sẽ công bố một loạt các biện pháp mới được thiết kế để tăng cường an ninh kinh tế, năng lực công nghệ và phát triển quốc tế của Anh.

Trong số các sáng kiến, Anh sẽ thành lập Cơ quan An ninh Bảo vệ Quốc gia mới trong cơ quan an ninh và phản gián nội địa MI5, để cung cấp tham vấn an ninh cho các doanh nghiệp và tổ chức khác của Anh.

Từ năm 2021, dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss, Anh đã mô tả Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh có hệ thống" và là "mối đe dọa cấp nhà nước lớn nhất với an ninh kinh tế của Vương quốc Anh".

Tháng 11 năm ngoái, ông Sunak nhận định, kỷ nguyên hợp tác vàng giữa Anh và Trung Quốc đã kết thúc và London cần tập trung vào an ninh kinh tế trong mối quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một nhóm các nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái đã kêu gọi chính phủ Anh có cách tiếp cận cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh, đặc biệt khi liên quan tới các vấn đề mà 2 bên bất đồng ở Tân Cương, Hong Kong.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang