EU: Khó thoát phụ thuộc Mỹ; Trộm cắp ở Ba Lan; Thủ tướng Anh tới Mỹ; Pháp thiếu nhiên liệu; Làm mới quan hệ đồng minh

Châu Âu khó thoát phụ thuộc quốc phòng Mỹ

(Ảnh minh họa).

Khi xung đột Ukraine nổ ra, các nước châu Âu đã cố gắng tăng cường năng lực quốc phòng, nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.

Chiến dịch Nga phát động ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022 được coi là hồi chuông cảnh tỉnh để châu Âu thay đổi quan điểm về an ninh quốc phòng của mình, sau nhiều thập kỷ liên tục cắt giảm chi tiêu quân sự, với niềm tin một cuộc xung đột quy mô lớn sẽ không còn nổ ra trên châu lục.

Theo Max Bergmann, giám đốc Trung tâm Stuart về châu Âu, Nga và Âu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cuộc chiến kéo dài đã phơi bày những lỗ hổng đáng báo động về quốc phòng châu Âu. Lực lượng vũ trang các nước trong 20 qua không được đầu tư đầy đủ, chủ yếu các nhiệm vụ nhân đạo, chống nổi loạn và khủng bố ở các nơi xa xôi như Afghanistan. Điều này khiến quân đội châu Âu thiếu những điều kiện cần thiết cho một cuộc chiến quy mô lớn ở ngay trên châu lục.

Sau những nỗ lực viện trợ quân sự liên tục cho Ukraine, hầu hết các nước châu Âu nhận ra rằng họ đều không dự trữ đủ đạn. Với tần suất khai hỏa như ở Ukraine, quân đội Đức chỉ đủ đạn pháo cho vài ngày chiến đấu.

Khi Ukraine hối thúc phương Tây viện trợ xe tăng, châu Âu phát hiện lực lượng xe tăng của họ không đủ cả về số lượng và mức độ sẵn sàng chiến đấu. Đức đang biên chế 300 xe tăng Leopard 2, nhưng chỉ có 130 chiếc sẵn sàng hoạt động. Tây Ban Nha cũng có hơn 300 chiếc Leopard, nhưng 1/3 số đó đang đắp chiếu hoặc hư hỏng.

Lực lượng pháo binh khiêm tốn của châu Âu ngày càng cạn kiệt vì hỗ trợ Ukraine. Pháp đã gửi hơn 1/3 số pháo trong biên chế tới Ukraine, trong khi Đan Mạch dường như đã chuyển tất cả số khẩu pháo mình có đến chiến trường này.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào mùa hè năm ngoái, liên minh đã tập trung thảo luận về mối đe dọa từ Nga và các yêu cầu của chiến tranh thông thường. NATO nhất trí mục tiêu xây dựng lực lượng phản ứng nhanh khoảng 300.000 người, tăng từ mức 40.000 hiện tại. Song giới chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu quá tham vọng mà NATO khó có thể hoàn thành.

"Không ai nói rõ NATO làm cách nào để huy động được một lực lượng như vậy", Bergmann nói. "Ngay cả các lãnh đạo châu Âu quyết tâm hỗ trợ Ukraine và tăng cường năng lực quốc phòng của chính họ cũng không có đủ vũ khí, chuỗi cung ứng, năng lực sản xuất và mua sắm để đáp ứng nhu cầu của lực lượng phản ứng nhanh đó".

Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã suy giảm năng lực nghiêm trọng sau hàng chục năm các nước duy trì mức chi tiêu thấp cho quốc phòng. Vấn đề lớn hơn với châu Âu là họ không có thị trường quốc phòng chung để đáp ứng nhu cầu an ninh của lục địa.

Đó là lúc các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhảy vào và hưởng lợi từ các hợp đồng vũ khí khắp châu Âu, lấn át hoạt động của công ty ở châu lục. Giới quan sát cho rằng đây là lý do Mỹ thường phản đối những nỗ lực của châu Âu nhằm tự lực về quốc phòng.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis và các quan chức khác của chính quyền Donald Trump đã phản đối gay gắt kế hoạch thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu để phát triển các hệ thống vũ khí mới. Chính quyền Trump cũng tích cực vận động hành lang cho các công ty Mỹ có thể tiếp cận các quỹ của Liên minh châu Âu (EU).

Chính sách tiếp cận thị trường vũ khí châu Âu vẫn được duy trì Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trọng tâm chính của đối thoại an ninh Mỹ - EU gần đây đã hoàn tất thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận với ngân sách quốc phòng của EU nhiều hơn.

Theo Bergmann, sự phản đối quyết liệt của Mỹ đã khiến một số thành viên EU ngần ngại tham gia các sáng kiến chung của khối, khiến hợp tác quốc phòng ngày càng suy giảm.

Năm 2021, mức chi tập thể của EU cho mua sắm vũ khí chỉ chiếm 18% tổng ngân sách mua khí tài của các nước thành viên, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 35% của EU về lĩnh vực này, theo Cơ quan Quốc phòng châu Âu. Kết quả là các nước châu Âu "mạnh ai nấy mua" và sử dụng các loại khí tài khác nhau, gây khó khăn cho phối hợp tác chiến.

Điều này đã được thể hiện trong xung đột Ukraine. Các nước EU viện trợ cho Kiev nhiều loại pháo khác nhau, mỗi loại một ít và có tiêu chuẩn bảo trì, bảo dưỡng riêng biệt, gây ra "ác mộng hậu cần" đối với quân đội Ukraine.

Các nước châu Âu đang sử dụng 29 loại tàu khu trục khác nhau, 17 loại xe tăng hay thiết giáp chở quân và 20 loại tiêm kích. Trong khi đó, Mỹ đang biên chế 4 loại tàu khu trục, một loại xe tăng và 6 loại tiêm kích.

Thực tế này tạo ra nhiều lỗ hổng của châu Âu trong các hoạt động phối hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải, trinh sát, giám sát. Trong chiến dịch rút lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh ở Afghanistan năm 2021, các nước châu Âu đã phải dựa hoàn toàn vào Washington để sơ tán công dân về nước.

NATO đã tìm giải pháp lấp khoảng trống năng lực cho châu Âu bằng cách trao trách nhiệm đảm bảo quốc phòng cho lục địa này vào tay Mỹ, đồng thời yêu cầu các nước EU chi cho quốc phòng nhiều hơn.

Các nước châu Âu cũng không có xu hướng ưu tiên đầu tư vào các hệ thống giúp giảm phụ thuộc vào Mỹ. Thay vào đó, họ chú trọng mua hàng từ các công ty Mỹ để tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington.

"Kết quả quân đội châu Âu càng phải phụ thuộc hơn vào Mỹ, ngay cả trong các nhiệm vụ quân sự cơ bản nhất", Bergmann cho hay.

Xung đột Ukraine khiến vấn đề quốc phòng của châu Âu trở nên nan giải hơn. Sau khi gửi một lượng lớn thiết bị tới Ukraine, các thành viên EU cho rằng họ không đủ khả năng để chờ đợi các nhà sản xuất châu Âu bù đắp kho vũ khí. Do đó, họ tìm cách bổ sung nhanh chóng bằng cách tìm mua từ các nhà sản xuất bên ngoài, chủ yếu là từ Mỹ.

"Vấn đề là khi một quốc gia mua các hệ thống vũ khí lớn, họ sẽ phải gắn bó với dịch vụ bảo trì của nhà cung cấp đó trong nhiều thập kỷ", Bergmann nói.

Để giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ, Ủy ban châu Âu lên kế hoạch chi 530 triệu USD trong hai năm tới nhằm khuyến khích các nước thành viên theo đuổi kế hoạch phát triển nền tảng công nghiệp quốc phòng riêng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng với ngân sách hiện tại, chương trình này khó thay đổi nhanh chóng hành vi mua sắm vũ khí của các nước châu Âu.

Các nước thành viên EU có thể phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho quốc phòng trong thời gian tới, nhưng dường như không sẵn sàng chi quá nhiều tiền. EU đã dành 800 tỷ USD chống Covid-19, nhưng không sẵn sàng làm điều tương tự để đối phó với xung đột hiện tại.

Thay vì coi xung đột Ukraine là cơ hội để thay đổi, các nước châu Âu lại ngày càng thiếu phối hợp nội bộ và tăng phụ thuộc quốc phòng vào Mỹ, theo Bergmann.

"Chừng nào châu Âu vẫn tiếp tục suy nghĩ, hành động và phân bổ ngân sách quốc phòng theo kiểu mạnh ai nấy làm mà không có nỗ lực tập thể, họ sẽ khó có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Washington", chuyên gia này cảnh báo.

(Nguồn: Vnexpress)

Lạm phát tăng cao, Ba Lan báo động nạn trộm cắp thực phẩm

Số liệu cảnh sát Ba Lan cho thấy số lượng các vụ phạm tội trộm cắp ở Ba Lan đã tăng gần 1/3 vào năm 2022.

Theo báo địa phương Rzeczpospolita ngày 9/3, thống kê cho thấy số vụ trộm tăng 31,1% hàng năm, lên hơn 32.000 vụ. Trong số 16 khu vực của Ba Lan, chỉ có Lublin được báo cáo là không ghi nhận sự gia tăng các tội phạm như vậy.

Chủ tịch Tổ chức Thương mại và Phân phối Ba Lan Renata Juszkiewicz cho biết nạn trộm cắp gia tăng là một tín hiệu rõ ràng về sự bất ổn trên thị trường. Bà chỉ ra rằng giá cả tăng cao đã đẩy người ta vào con đường phạm tội, trở thành một thách thức lớn đối với các cửa hàng tiện lợi.

Thống kê cũng nêu rõ thực phẩm là hàng hóa bị ăn cắp nhiều nhất, tiếp theo là các mặt hàng xa xỉ như nước hoa và rượu đắt tiền, cũng như thiết bị điện tử nhỏ.

Nền kinh tế Ba Lan trên đà chậm lại vào năm 2022 trong bối cảnh lạm phát tăng cao và chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm do xung đột ở nước láng giềng Ukraine và tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Số liệu chính thức cho thấy lạm phát gia tăng vào đầu năm 2023, với giá tiêu dùng tăng 17,2% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước. Các nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng, trong đó Ba Lan được dự đoán là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay.

Thống đốc ngân hàng trung ương Ba Lan, Adam Glapinski cho biết ông hy vọng đất nước sẽ tránh được suy thoái, mặc dù có thể có những biến động tạm thời trong quý đầu tiên của năm.

(Nguồn: Soha)

Aukus: Thủ tướng Anh đến Mỹ để thông qua thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân cho Úc

(Ảnh minh họa).

Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ bay đến California hôm nay 12/03 nhằm thảo luận các nội dung chính trong một thỏa thuận quốc phòng mới cùng với hai nhà lãnh đạo Úc và Mỹ.

Hiệp ước quốc phòng Aukus 2021 mang mục tiêu đối phó với điều mà ba quốc gia Anh, Mỹ và Úc xem là mối đe dọa của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã lên án thỏa thuận, xem là điều "cực kỳ vô trách nhiệm".

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Úc Anthony Albanese được cho sẽ nhằm đạt sự đồng thuận về việc cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Úc.

Phát biểu trước các cuộc hội đàm tại San Diego, ông Sunak nói liên minh toàn cầu của Anh Quốc là "nguồn lực và và an ninh lớn nhất của chúng ta".

Trong chuyến công du - cũng là chuyến đi đầu tiên của ông Sunak đến Mỹ với vai trò thủ tướng - ông Sunak sẽ công bố bản đánh giá chính sách quốc phòng và ngoại giao tổng hợp mới của Anh, vốn đã được cập nhật sau cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine.

Ông Sunak nói bản đánh giá sẽ phản ánh "một tương lai mà chúng ta muốn mang đến" cho nước Anh - "an toàn, thịnh vượng về kề vai sát cánh với các đối tác của chúng ta".

Kế hoạch thống nhất những chi tiết trong hiệp ước Aukus (được ghép từ tên ba nước, Australia-UK-US) xuất hiện trong bối cảnh mối quan hệ ngoại giao giữa Phương Tây và Trung Quốc xấu đi.

Downing Street gần đây đã đề cập "thái độ ngày càng đáng quan ngại của Đảng Cộng sản Trung Quốc" và vào tháng Hai, cựu giám đốc cơ quan tình báo MI6 tuyên bố nước Anh phải "thức tỉnh" trước mối đe dọa từ những thách thức của Trung Quốc đối với nền an ninh toàn cầu.

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng liên quan đến các vấn đề gồm Đài Loan, Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa Biển Đông và nguồn gốc đại dịch Covid-19. Và gần đây nhất, vụ khinh khí cầu tình nghi là do thám đã làm căng thẳng giữa hai siêu cường dâng cao.

Bắc Kinh tuyên bố mối quan hệ Mỹ-Trung đã bị "chệch hướng nghiêm trọng". Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nói cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến vụ khinh khí cầu đã có thể tránh được nhưng vì Mỹ đã hành động với "một giả định tội lỗi".

Thỏa thuận này được cho sẽ giúp Úc trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới có thể vận hành tàu ngầm hạt nhân, sau Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Kế hoạch này cho phép các tàu ngầm hạt nhân sẽ được đóng tại thành phố Adelaide, bang South Australia, Anh và Mỹ sẽ cung cấp cố vấn công nghệ cho quá trình đóng tàu.

Anh hy vọng hiệp ước Aukus sẽ mang lại việc làm cho các hãng đóng tàu của quốc gia, với thông tin cho thấy Canberra có thể chọn phiên bản tàu ngầm lớp Astute được cải tiến của Anh, trong khi nhận đến năm chiếc tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.

Bên cạnh tàu ngầm, hiệp ước này cũng bao gồm cam kết trao đổi thông tin và công nghệ giữa ba quốc gia trong các lĩnh vực từ tình báo và công nghệ lượng tử cho đến việc cung cấp các tên lửa hành trình.

Việc ba nước ký hiệp ước này vào năm 2021 đã khiến Pháp giận dữ khi Paris bị mất thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm động cơ diesel cho Canberra.

(Nguồn: BBC)

Nguy cơ các trạm xăng tại Pháp lại phải đóng cửa do thiếu nhiên liệu vì biểu tình

Người dân Pháp một lần nữa lại đứng trước nỗi lo thiếu nhiên liệu khi nhiều cây xăng lại rơi vào tình trạng đói xăng hoặc dầu khi các cuộc đình công, tuần hành phản đối dự luật hưu trí do các nghiệp đoàn phát động bắt đầu lan rộng đến các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ.

Nhật báo Le Figaro trích dẫn số liệu từ cổng điện tử chính phủ Pháp cho biết, tính đến hết ngày 11/3, gần 5% các trạm xăng tại Pháp đã không còn dầu diesel hoặc các loại xăng như SP95, SP98 hay E5 để bán. Đặc biệt tại các tỉnh phía Tây như Calvados, Orne, Mayenne, Sartre, Vienne, Eure-et-Loir, Indre-et-Loire hay một phần vùng thủ đô Ile-de-France, tỷ lệ cây xăng hoàn toàn cạn kiệt xăng hoặc dầu đã vượt qua ngưỡng 10%.

Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ các phong trào đình công phản đối cải cách dự luật hưu trí của chính phủ lan rộng tại các nhà máy lọc hoá dầu tại Pháp. Kể từ ngày 7/3, theo lời kêu gọi của Tổng Công đoàn lao động Pháp (CGT), công nhân tại các nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn năng lượng TotalEnergies bắt đầu đình công và tiến hành phong toả khoảng 20% các cơ sở lọc dầu và lưu trữ tại các tỉnh thành kể trên.

Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn TotalEnergies cho biết hiện hơn một nửa nhà máy lọc dầu và cây xăng thuộc tập đoàn vẫn duy trì hoạt động sản xuất trong khi các kho lưu trữ vẫn ở mức cao, đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong vài tuần nếu không bị các nghiệp đoàn phong toả.

Để xoa dịu lo ngại của người dân Pháp về nguy cơ tái diễn tình trạng thiếu nhiên liệu từng kéo dài trong gần 1 tháng hồi cuối năm 2022, Bộ trưởng Giao thông Pháp ông Clément Beaune khẳng định đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho người dân và chính phủ sẽ hành động nếu các cơ sở lưu trữ bị người biểu tình phong toả.

“Đã có một số hành động vô trách nhiệm, giống như là sự đe doạ, nhuốm màu sắc chính trị. Đó không phải là hoạt động của công đoàn, không phải là quyền được biểu tình. Chính phủ sẽ không để các hoạt động phong toả quy mô tại các nhà máy lọc dầu xảy ra cũng như không để lĩnh vực kinh tế sống còn của đất nước bị dừng lại. Chính phủ có các công cụ pháp lý để can thiệp nếu cần thiết”, ông Beaune nói.

Trong giai đoạn từ cuối tháng 9/2022 cho đến cuối tháng 10/2022, người dân Pháp đã từng phải xếp hàng hàng cây số tại tại các trạm xăng để được tiếp nhiên liệu sau khi các nghiệp đoàn lớn tại Pháp tiến hành các cuộc tổng đình công kéo dài, phong toả các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ để đòi tăng lương bù cho mức lạm phát tăng cao. Tình trạng thiếu nhiên liệu đã có những thời điểm khiến khoảng 40% trạm xăng tại Pháp đã phải đóng cửa và làm cho mạng lưới giao thông rơi vào tình trạng tê liệt./

(Nguồn: VOV)

Làm mới mối quan hệ đồng minh

(Ảnh minh họa).

"Một khởi đầu mới" giúp làm mới hiệp ước đồng minh giữa Anh và Pháp là nhận định của Thủ tướng Anh Rishi Sunak sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa diễn ra ở Paris.

Trước đó một tuần, sau quá trình đàm phán rất phức tạp, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận lịch sử “Khuôn khổ Windsor” nhằm giải quyết những tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho khu vực Bắc Ireland giai đoạn hậu Brexit. Đây được coi là động lực không thể mạnh hơn giúp khôi phục lòng tin và thắt chặt lại quan hệ giữa Anh với EU nói chung cũng như với Pháp nói riêng.

Quả thực, có thể ví kết quả hội nghị thượng đỉnh này đã tạo luồng sinh khí mới cho quan hệ vốn nguội lạnh giữa hai nước. Hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, tập trung vào củng cố quan hệ đồng minh để giải quyết những thách thức chung như ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, tăng cường hợp tác quốc phòng và đảm bảo an ninh năng lượng.

Tại hội nghị, Thủ tướng Sunak cam kết Anh sẽ chi trả cho Pháp 480 triệu bảng (577 triệu USD) trong vòng 3 năm để ngăn chặn người di cư vượt Eo biển Manche, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tuần tra tăng cường, sử dụng máy bay không người lái và vận hành các trung tâm tạm giữ người di cư trái phép. Theo thỏa thuận, Anh sẽ hỗ trợ tài chính vận hành một trung tâm tạm giữ người di cư ở Pháp, trong khi đó Paris sẽ triển khai thêm nhân viên và nâng cấp công nghệ tuần tra các bờ biển.

Thủ tướng Sunak khẳng định thỏa thuận mới đã nâng hoạt động phối hợp song phương lên cấp độ cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, Tổng thống Macron nhấn mạnh đã đến lúc hai nước nên có khởi đầu mới trong hợp tác chống nhập cư bất hợp pháp và cần có một thỏa thuận giữa Anh với toàn EU về vấn đề này.

Hai nước cũng đạt được sự đồng thuận cao, thực chất và tích cực trong cả vấn đề hợp tác quốc phòng. Cụ thể, hai bên nhất trí tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng của Anh và Pháp trong và ngoài châu Âu, mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua duy trì thường xuyên nhóm tác chiến tàu sân bay châu Âu gồm tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp và các tàu sân bay Queen Elizabeth và Prince of Wales của Anh ở khu vực. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết của cả hai bên mở rộng hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng và phát triển vũ khí tấn công chính xác thế hệ tiếp theo, loại vũ khí tấn công tầm xa và hệ thống phòng không.

Thực tế, hợp tác quốc phòng vẫn là điểm sáng trong quan hệ Anh - Pháp. Hai nước đều là những quốc gia châu Âu có vai trò và đóng góp chủ chốt cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cường quốc hạt nhân trên thế giới. Do đó, hợp tác quốc phòng song phương có ảnh hưởng rất lớn tới nhiệm vụ đảm bảo an ninh của châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.

Về cuộc chiến tại Ukraine, Thủ tướng Sunak và Tổng thống Macron đã nhất trí phối hợp hơn nữa nhằm cung cấp vũ khí cho Ukraine và đào tạo Thủy quân lục chiến Ukraine (Anh đã huấn luyện 11.000 binh sĩ kể từ mùa hè năm ngoái và gần đây đã mở rộng việc đào tạo các phi công Ukraine).
Hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng rẻ hơn, sạch hơn, an toàn hơn cho mỗi nước. Hai bên cam kết về một “quan hệ đối tác năng lượng mới đầy tham vọng”, trong đó có thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự. Ông Sunak cũng kêu gọi đảm bảo nguồn cung cấp an toàn, bền vững và đáng tin cậy cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp cho mỗi nước.

Theo giới quan sát, sự đồng thuận trong các lĩnh vực hợp tác song phương chủ chốt này của hai nhà lãnh đạo Pháp và Anh có thể coi là thắng lợi mang tính biểu tượng cao của Thủ tướng Sunak trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng nhiều năm qua do hậu quả của Brexit, từ vấn đề tranh chấp quyền đánh cá, ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào Anh đến tranh cãi về quy định thương mại với Bắc Ireland hậu Brexit.

Tuy nhiên, những người có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư vẫn có lý do để chưa hài lòng với kết quả trên. Họ đã kỳ vọng, hay nói cách khác là đòi hỏi ông Sunak phải đạt được một thỏa thuận Pháp tiếp nhận lại người di cư để có thể đẩy nhanh kế hoạch chống nhập cư bất hợp pháp mới. Thực tế, thiếu một hiệp định tiếp nhận lại người di cư khiến cho việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp của Anh trở nên khó khăn hơn nhiều. EU có quy định yêu cầu những người nhập cư phải trở về quốc gia an toàn đầu tiên trong khối mà họ đặt chân đến để xin tị nạn tại đó. Brexit có nghĩa là Anh không còn nằm trong các quy định đó và khiến cho việc trục xuất người di cư trở về nơi xuất phát khó khăn hơn.

Dù vậy, chuyến thăm vẫn được coi là một thành tựu đối ngoại mới của Thủ tướng Sunak, không chỉ làm ấm lại quan hệ đồng minh truyền thống với Pháp mà còn thể hiện sự chủ động, quyết đoán của chính khách này trong việc thúc đẩy các mục tiêu chính sách của mình. Hội nghị thượng đỉnh với Pháp cũng như cuộc gặp thượng đỉnh của hiệp ước an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) đầu tuần tới tại San Diego, California (Mỹ), sẽ củng cố hình ảnh cường quốc có trách nhiệm của Anh trên trường quốc tế sau giai đoạn tương đối hỗn loạn trước đây.

Trong khi đó, Điện Élysée hiện cũng đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Vua Charles III tới Pháp, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 này. Đây sẽ là cơ hội và một xung lực nữa để hai nước tập trung vào việc khắc phục hậu quả của Brexit, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác song phương mới đạt được và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng giữa hai bên.

Mối quan hệ gần gũi giữa cá nhân Thủ tướng Sunak và Tổng thống Macron được cho sẽ là động lực cho quan hệ đồng minh xích lại hơn giữa London và Paris sau tất cả những sóng gió, căng thẳng thời gian qua. Đây sẽ là cơ sở cho một tương lai hợp tác thực chất và hiệu quả nhằm giải quyết những thách thức chung ở châu Âu sau bước khởi đầu mới trong giai đoạn hậu Brexit này giữa Anh và Pháp.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang