EU: Lạm phát xuống thang; 'Dịch' sát hại phụ nữ; Chiến lược ADD-TBD; Dân Ba Lan chặn mọi cửa khẩu; Anh không giảm thuế

Lạm phát châu Âu xuống thang, ECB sắp giảm lãi suất?

Tuy nhiên, việc lạm phát giảm chậm hơn dự kiến có thể ủng hộ các quan chức có lập trường cứng rắn của ECB - những người cho rằng không nên vội hạ lãi suất...

Lạm phát tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tiếp tục giảm trong tháng 2, củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, việc lạm phát giảm chậm hơn dự kiến có thể ủng hộ các quan chức có lập trường cứng rắn của ECB - những người cho rằng không nên vội hạ lãi suất.

Số liệu do cơ quan thống kê Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của eurozone tăng 2,6% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn so với mức dự báo tăng 2,5% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg. CPI lõi - chỉ số không tính đến hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn về giá cả là thực phẩm và năng lượng - tăng 3,1%, cũng cao hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

LÃI SUẤT ECB SẼ GIẢM VÀO THÁNG 6?

Dù vậy, sự giảm tốc của lạm phát tiếp tục hiện hữu tại hầu khắp 20 quốc gia thành viên eurozone, trong bối cảnh “cơn sốt” giá năng lượng dịu đi và nền kinh tế khu vực có nhiều dấu hiệu đuối sức. Trong tuần vừa rồi, một loạt nền kinh tế lớn nhất khối gồm Đức, Pháp và Tây Ban Nha đều báo cáo lạm phát giảm. Riêng Italy cho biết tốc độ lạm phát đi ngang trong tháng 2.

Sau báo cáo lạm phát của eurozone, thị trường tài chính gần như vẫn giữ nguyên kỳ vọng về thời điểm và lượng cắt giảm lãi suất của ECB trong năm nay. Theo đó, ECB được cho là sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6. Dù vậy, khả năng này đã giảm còn khoảng 80% từ mức gần như chắc chắn vào đầu tuần trước.

Dữ liệu lạm phát mới nhất của eurozone được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ECB có cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo. Giới chuyên gia dự báo lãi suất cơ bản của ECB sẽ được giữ ở mức cao kỷ lục 4% lần thứ tư liên tiếp trong cuộc họp này. Các quan chức ECB đang chủ trương có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, mặc dù một số vị ủng hộ việc hành động sớm hơn.

Một số chính trị gia châu Âu cũng muốn việc cắt giảm lãi suất diễn ra sớm hơn do nền kinh tế của nước họ đang gặp khó khăn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Bồ Đào Nha Fernando Medina là người mới nhất lên tiếng về vấn đề này, nói với Bloomberg rằng có “rủi ro cao” trong việc ECB duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Phát biểu hôm thứ Năm tuần trước khi đang dự hội nghị quan chức tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới tại Sao Paulo, Btrazil, ông Medina nói: “Nhiều nước châu Âu đang trải qua thời kỳ suy giảm tăng trưởng kinh tế rất mạnh. Thậm chí, một số nước đã xảy ra tình trạng kinh tế trì trệ và suy thoái. Tại thời điểm này, rủi ro khi của việc giữ nguyên lãi suất còn lớn hơn rủi ro của việc bắt đầu quá trình giảm lãi suất. Nền kinh tế đã giảm tốc đủ để hạ lãi suất rồi”.

LUỒNG QUAN ĐIỂM THẬN TRỌNG VỀ GIẢM LÃI SUẤT

Nhưng dù lạc quan rằng lạm phát đang giảm về mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách ECB vẫn lo ngại rằng xu hướng tăng lương và chi phí nhân công có thể gây ra áp lực lạm phát trong thời gian lâu hơn. Dù tăng trưởng kinh tế suy yếu, thị trường việc làm ở eurozone vẫn trong tình trạng thắt chặt. Một báo cáo khác của Eurostat cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực vẫn ở mức thấp kỷ lục 6,4% trong tháng 1.

“Chúng tôi đã theo dõi dữ liệu lạm phát của châu Âu nói chung và các quốc gia nói riêng, và thấy các dữ liệu đó đã xác nhận quan điểm của tôi rằng cần phải chờ đợi, phải thận trọng và không thể vội vàng đưa ra quyết định” giảm lãi suất - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo Robert Holzmann phát biểu hôm thứ Sáu.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói “quá trình giảm phát hiện tại được dự báo ​​sẽ tiếp tục”, nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm về mục tiêu một cách bền vững.

Các nhà phân tích cũng lo ngại rằng dữ liệu lạm phát mới nhất đã che đậy sự gia tăng của chỉ số lạm phát tính theo cơ sở tháng - những con số không bị bóp méo bởi biến động của chi phí năng lượng, yếu tố dẫn tới sai lệch khi so sánh trên cơ sở năm.

Trong khi đó, một số quan chức ECB cho rằng lạm phát có thể giảm về hoặc thậm chí thấp hơn 2% trong năm nay - sớm hơn nhiều tháng so với kỳ vọng đưa ra ​​​​trong cập nhật dự báo mới nhất của ECB vào tháng 12 năm ngoái. ECB sẽ có đợt cập nhật dự báo kinh tế tiếp theo trong cuộc họp vào tuần tới, và giới phân tích kỳ vọng cơ quan sẽ điều chỉnh giảm nhẹ các dự báo về lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras nhận định “bộ dữ liệu gần đây cho thấy chúng ta sẽ đạt mục tiêu lạm phát 2% vào mùa thu năm nay”. Người đồng cấp Bồ Đào Nha của ông Stournaras là ông Mario Centeno cho rằng sau khi giảm về mục tiêu, lạm phát trong eurozone “sẽ dao động quanh mức 2%, và đó là điều chúng tôi mong muốn”.

Nhưng dù đưa ra nhận định tương đối mềm mỏng về lạm phát, ông Stournaras lại cùng quan điểm với các đồng nghiệp cứng rắn hơn của ông tại Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, rằng ECB sẽ không có đủ thông tin và dữ liệu để đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất trước tháng 6, nhất là dữ liệu về tiền lương.

Các chỉ số như tiền lương thoả thuận đã bắt đầu chỉ ra một hướng đi đúng cho lạm phát, nhưng một thước đo mới và có tầm nhìn dài hơn của ECB lại cho thấy chưa có bước ngoặt nào về tiền lương để có thể tin rằng lạm phát sớm đạt mục tiêu. Một số nhà phân tích thậm chí dự báo lạm phát ở eurozone có thể tăng lên trong trung hạn. Chẳng hạn, nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg dự báo áp lực tăng giá cả sẽ dần gia tăng trong năm 2025, đẩy lạm phát lên ngưỡng 2,5%.

Sát hại phụ nữ - “dịch bệnh thầm lặng” ở châu Âu

Chỉ trong vòng 24h ngày 23/2 vừa qua, có tới 5 phụ nữ bị sát hại tại một quốc gia tưởng như bình yên hàng đầu châu Âu với dân số chỉ hơn 8 triệu người. Số liệu cho thấy, thực chất Áo là quốc gia có tỷ lệ sát hại phụ nữ hàng đầu Liên minh châu Âu (EU).

Ngày thứ Sáu đen tối ở Áo

Chính quyền Áo đã mở cuộc điều tra vụ sát hại 5 phụ nữ ở thủ đô Vienna trong ngày thứ Sáu, 23/2, vừa qua. Trong đó, thi thể của 3 người phụ nữ, được cho là công dân Trung Quốc, được tìm thấy trong một tòa nhà ở quận trung tâm Brigittenau sau khi một nhân chứng gọi cho dịch vụ khẩn cấp. Nghi phạm 27 tuổi được phát hiện trốn gần nhà thổ với một con dao trên tay.

Hãng thông tấn APA của Áo đưa tin, hiện chưa rõ động cơ giết người và nghi phạm vẫn đang bị thẩm vấn.

Klaudia Frieben, lãnh đạo tổ chức "Vòng Phụ nữ Áo" (OFR), đã viết trên mạng xã hội X rằng "ngày này sẽ đi vào lịch sử với tên gọi "thứ Sáu đen tối" với 5 phụ nữ thiệt mạng".

Trong một vụ việc khác, một người mẹ và cô con gái 13 tuổi được phát hiện đã chết trong một căn hộ ở Vienna. APA cho biết, họ có thể bị bóp cổ đến chết và người cha hiện là nghi phạm chính. Cảnh sát vẫn đang truy tìm ông ta.

Bà Eva-Maria Holzleitner, lãnh đạo bộ phận chính sách phụ nữ của Đảng Dân chủ Xã hội (SPO), đã kêu gọi Chính phủ liên bang triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận về nạn giết hại phụ nữ ở Áo.

Bà Holzleitner nói: "Chúng tôi thương tiếc những phụ nữ bị sát hại, nghĩ đến những người sống sót và kêu gọi một kế hoạch hành động cấp quốc gia nhằm bảo vệ cuộc sống của phụ nữ ở Áo, chống lại bạo lực giới".

Chính phủ Áo tuyên bố sẽ xử lý mạnh tay các vụ việc này, đồng thời cam kết đưa ra một số biện pháp như tăng tài trợ cho các tổ chức giúp đỡ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ cho rằng, chính phủ Áo chưa hành động đủ hiệu quả để ngăn chặn các vụ sát hại phụ nữ.

Áo hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sát hại phụ nữ cao nhất Liên minh châu Âu (EU). Theo dữ liệu mới nhất về tỷ lệ giết hại phụ nữ ở Áo do Viện Nghiên cứu Xung đột công bố, khoảng 319 phụ nữ đã bị giết ở nước này từ năm 2010 đến năm 2020, chủ yếu là do bạn tình nam hoặc bạn tình cũ. Số vụ kỷ lục được ghi nhận vào năm 2019 với 43 nạn nhân. Có ít nhất 26 vụ sát hại phụ nữ được ghi nhận tại Áo năm 2023.

Thiếu dữ liệu về nạn sát hại phụ nữ ở châu Âu

Đối với bà Katerina Koti, mẹ của Dora Zacharia (31 tuổi), người bị bạn trai cũ sát hại ở Rhodes (Hy Lạp) vào tháng 9/2021 vài ngày sau khi họ chia tay, mỗi thông báo về vụ giết phụ nữ là một bi kịch. Dora là nạn nhân thứ 11 trong năm 2021, sau đó danh sách nạn nhân còn dài thêm.

Vào giữa mùa hè năm 2022, có 3 người phụ nữ đã mất mạng trong vòng chưa đầy 48 giờ ở các vùng khác nhau của Hy Lạp dưới bàn tay của bạn tình.

Không chỉ ở Hy Lạp, tại Tây Ban Nha đã xảy ra 4 vụ sát hại phụ nữ chỉ trong ngày đầu năm 2023. Những báo cáo tương tự cũng đang đến từ các nước châu Âu khác, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc hành vi sát hại phụ nữ có nên được coi là một tội ác hay không.

Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGE), cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành nghiên cứu và giám sát các chính sách chống bạo lực đối với phụ nữ, đã tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 2020 và kết quả khảo sát dự kiến sẽ được công bố trong năm nay.

Điều này có nghĩa là EU không có "bức tranh" đầy đủ về những gì đang xảy ra, ảnh hưởng đến "một nửa dân số" của khối này trong 4 năm qua. Theo EIGE, ít nhất 44% phụ nữ ở châu Âu đã từng bị bạn tình bạo hành.

Trong khi đó, dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, từ năm 2020 đến năm 2021, có 6.593 phụ nữ đã bị giết hại ở châu Âu, bao gồm 4.208 vụ do bạn tình và 2.385 vụ do người thân (những số liệu này liên quan đến 20 quốc gia ở châu Âu).

Cuộc điều tra được thực hiện với sự tham gia của 18 tòa soạn trong Mạng Báo chí Dữ liệu châu Âu, nhằm làm sáng tỏ các vụ sát hại phụ nữ và bạo lực gia tăng đối với phụ nữ vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, cũng như về sự thiếu hụt dữ liệu về vấn nạn này.

Theo số liệu điều tra, Hy Lạp có mức tăng số vụ sát hại phụ nữ cao nhất trong 20 nước được điều tra vào năm 2021 với mức tăng 187,5% (từ 8 vụ năm 2020 lên 23 vụ năm 2021). Thụy Điển cũng có "bước nhảy vọt" khi số vụ sát hại phụ nữ năm 2018 tăng 120% so với năm 2017, trong khi Estonia và Slovenia lần lượt tăng 100% vào năm 2015 và năm 2020.

Theo cập nhật từ Bộ Nội vụ Ý, có 125 phụ nữ bị giết hại năm 2022, trong đó 91% vụ giết người do các thành viên trong gia đình, bạn tình hoặc bạn tình cũ gây ra.

Trong số các quốc gia tham gia thu thập dữ liệu và có thể tìm thấy thông tin phù hợp, chỉ có đảo Síp xác định tội giết hại phụ nữ trong hệ thống pháp luật của mình. Năm 2022, Quốc hội Síp đã thông qua luật về tội giết hại phụ nữ.

Đây là đạo luật đầu tiên ở châu Âu, tích hợp tội giết hại phụ nữ vào Bộ luật Hình sự như một tội phạm riêng biệt, coi các vụ giết người liên quan đến giới là một yếu tố tăng nặng khi áp dụng xử lý các bản án.

Những nước khác như Hy Lạp, Serbia, Pháp, Áo và Đức không có sự công nhận về mặt pháp lý đối với hành vi giết hại phụ nữ. Tương tự, Ý có tình tiết tăng nặng đối với bạo lực gia đình và bạo lực tình dục nhưng đến nay không có tình tiết tăng nặng nào liên quan đến động cơ giới.

EU với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Từ năm 2021, EU đã thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được thiết kế để thúc đẩy cấu trúc an ninh khu vực cởi mở và dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong chiến lược, EU cũng vạch ra những nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện ở đó. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược phần lớn phụ thuộc vào các quốc gia thành viên.

Pháp, Đức, Hà Lan, Công hòa Czech và Litva từng công bố chiến lược hoặc hướng dẫn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mặc dù các quốc gia thành viên hiểu rằng an ninh của châu Âu bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra trong khu vực này, nhưng họ lại có những ý tưởng khác nhau về cách góp phần vào sự ổn định của khu vực và những việc cần làm nếu khủng hoảng nổ ra.

Lợi ích kinh tế

Mối quan tâm chính trước mắt của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là kinh tế. Trao đổi thương mại song phương giữa hai khu vực đạt mức cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Năm 2021, xuất khẩu từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sang EU là 844 tỷ euro và xuất khẩu từ EU sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là 583 tỷ euro. Gần 90% thương mại hàng hóa bên ngoài EU là qua đường biển. Phần lớn hoạt động thương mại này đi qua các điểm nghẽn hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Biển Đông hay eo biển Malacca. Riêng Biển Đông, ước tính có khoảng 40% thương mại nước ngoài của EU đi qua. Do đó, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với nền kinh tế của châu Âu.

Một mối quan tâm lớn khác của EU trong khu vực là việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ở trong nước, hoạt động hiệu quả của EU phụ thuộc vào việc các quốc gia thành viên của khối hành động theo quy tắc. Liên minh cần một hệ thống quốc tế hoạt động theo cách tương tự, vì không được xây dựng để cạnh tranh trong một thế giới mà “quyền lực tạo nên lẽ phải”. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên đất Ukraine đặt ra mối đe dọa cho EU vì việc này liên quan đến một quốc gia láng giềng, nhưng cũng thách thức các nguyên tắc cơ bản về toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế. Dù Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cách xa châu Âu hơn về mặt địa lý, những diễn biến trong khu vực thách thức luật pháp quốc tế hoặc hạn chế quyền tự do hàng hải cũng có tác động tiêu cực tương đối đối với lợi ích của EU.

Và, những diễn biến trong khu vực có thể ảnh hưởng đến an ninh châu Âu theo nhiều cách. La bàn chiến lược của EU, vốn cung cấp khuôn khổ hướng dẫn cho an ninh và quốc phòng của EU đến năm 2030, tuyên bố rằng EU “có lợi ích địa chính trị và kinh tế quan trọng đối với sự ổn định và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Rủi ro chính ở đây không phải là mối đe dọa trực tiếp từ sự xuất hiện của các tàu quân sự ở Địa Trung Hải hay Biển Baltic, hay thậm chí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc các cuộc tấn công mạng tiềm tàng, mà rủi ro an ninh lớn nhất đối với EU là gián tiếp. An ninh và quốc phòng của châu Âu phần lớn phụ thuộc vào Mỹ và vai trò của nước này trong NATO. Khả năng của Mỹ với vai trò nhà cung cấp an ninh cho châu Âu có thể bị suy yếu nếu Washington phải phản ứng trước một cuộc xung đột ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sự hiện diện và khả năng can dự

Có một số cách mà EU đã can dự theo tư cách là một chủ thể an ninh với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hợp tác an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác EU - ASEAN. Quan hệ đối tác chiến lược này cam kết cả hai khu vực sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường xuyên và hợp tác cùng nhau trong một số lĩnh vực. EU tham gia diễn đàn khu vực ASEAN thường niên và gần đây đã được tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á. Bộ trưởng Quốc phòng của một số nước EU và Đại diện cấp cao Josep Borell tham gia Đối thoại Shangri-La, hội nghị an ninh thường niên ở Singapore. An ninh cũng là khía cạnh quan trọng trong quan hệ giữa EU và các đối tác riêng lẻ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chẳng hạn như Nhật Bản. Trong những năm gần đây, một số nước EU đã cử tàu tới khu vực để tham gia các cuộc tập trận tự do hàng hải.

Có điều, các quốc gia thành viên EU lại có quan điểm khá khác nhau về nhiều vấn đề quan trọng trong cách tiếp cận chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự khác biệt chủ yếu xuất phát từ quan điểm khác nhau về Trung Quốc. Đối với một số quốc gia, bao gồm cả Đức, lợi ích thương mại và kinh tế theo truyền thống chiếm ưu thế. Đối với những nước khác, bao gồm nhiều nước Trung Âu, vấn đề nhân quyền và dân chủ đặc biệt quan trọng.

Đối với nhiều nước, bao gồm cả các quốc gia Trung Âu và vùng Baltic, việc hỗ trợ Mỹ trên toàn cầu nhằm đảm bảo cam kết liên tục của Mỹ đối với an ninh của châu Âu có tầm quan trọng hàng đầu. Theo nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), các quốc gia thành viên EU khác nhau có cách hiểu rất khác nhau về mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU. Một số coi đây là cách thể hiện quyền tự chủ chiến lược của châu Âu bằng cách theo đuổi cách tiếp cận riêng của châu Âu đối với khu vực, một số khác tiếp cận theo cách để chống lại Trung Quốc. Những cách tiếp cận khác như vậy là phương tiện để quản lý mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và ít nhiều liên kết rõ ràng với Mỹ.

Sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên có thể gây tổn hại đến khả năng của EU trong việc ứng phó thách thức phát sinh từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khả năng bảo vệ lợi ích của chính mình. Hiện tại, có thể quản lý được sự không mạch lạc này giữa các quốc gia thành viên EU, nhưng EU cần phải bắt đầu giải quyết vấn đề này từ bây giờ. Nếu một cuộc khủng hoảng an ninh xuất hiện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn và sẽ không còn khả năng vượt qua như trước đây nữa.

Nông dân Ba Lan chặn mọi cửa khẩu với Ukraine, ông Zelensky cảnh báo

Lực lượng lính biên phòng quốc gia Ukraine (SBGS) cho biết, các nông dân biểu tình ở Ba Lan đang phong tỏa cả 6 cửa khẩu ở biên giới với Ukraine, gây tắc nghẽn nghiêm trọng.

Báo Pravda của Ukraine dẫn lời Andrii Demchenko, phát ngôn viên của SBGS cho hay: “Các nông dân Ba Lan tiếp tục chặn xe tải lưu thông ở cả 6 cửa khẩu biên giới. Tính đến sáng 3/3, tổng cộng hơn 2.400 phương tiện chở hàng đang phải xếp hàng dài tại tất cả các trạm kiểm soát này ở phía biên giới Ba Lan để chờ đi vào Ukraine”.

Theo ông Demchenko, những hàng xe tải dài nhất được thấy tại các cửa khẩu Krakivets và Yahodyn. Trong đó, Yahodyn là trạm kiểm soát lớn nhất, nơi từng chứng kiến 1.200 – 1.400 phương tiện chở hàng hóa đi lại xuyên biên giới từ cả 2 phía. Hiện chỉ có xe tải từ Ba Lan được phép đi vào Ukraine, trong khi không có phương tiện nào được lưu thông theo hướng ngược lại qua các cửa khẩu.

Đại diện SBGS lưu ý thêm, ngoài xe tải chở hàng, những người biểu tình Ba Lan không ngăn chặn hoạt động của các phương tiện khác qua cửa khẩu, bao gồm cả xe buýt và xe hơi.

Động thái diễn ra trong bối cảnh các nông dân Ba Lan đang tiến hành biểu tình, phong tỏa các tuyến đường giao thông suốt nhiều ngày qua để phản đối dòng hàng hóa Ukraine giá rẻ tràn vào nước này cũng như các chính sách liên quan Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu (EU), một tập hợp các sáng kiến ​​nhằm làm cho EU trở nên trung lập về khí hậu vào năm 2050.

Trong thông điệp quốc gia tối 3/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo tình hình ở biên giới Ba Lan đã “vượt qua bất kỳ giới hạn nào về kinh tế và đạo đức”, đồng thời bày tỏ mong muốn các bên liên quan tìm ra giải pháp cho vấn đề càng sớm càng tốt. Người đứng đầu Kiev cũng lạc quan rằng Ukraine có thể chống chịu được sức ép để vượt qua thời điểm vô cùng khó khăn này, trong bối cảnh xung đột với Nga.

Các quan chức ở Ba Lan hiện vẫn chưa lên tiếng bình luận trước những diễn biến trên.

Anh sẽ không cắt giảm thuế?

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 3/3 đã làm giảm triển vọng cắt giảm thuế trong bản ngân sách dự kiến công bố trong tuần này.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 3/3 đã làm giảm triển vọng cắt giảm thuế trong bản ngân sách dự kiến công bố trong tuần này, đồng thời cam kết về các biện pháp thận trọng và có trách nhiệm để tăng trưởng lâu dài.

Trước đó, một số người đồn đoán ông Hunt sẽ đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế trong bản ngân sách công bố ngày 6/3 như một động thái để thu hẹp khoảng cách với Công đảng đối lập trước cuộc bầu cử.

Trong một loạt cuộc bầu cử phụ gần đây, đảng Bảo thủ đã nhận những kết quả tiêu cực khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ảnh hưởng đến cuộc sống của các cử tri.

Với lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh lên tới 5,25%, mức cao nhất trong 16 năm, hàng triệu cử tri đang phải gánh khoản trả nợ thế chấp tăng vọt.

Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News, ông Hunt khẳng định bản ngân sách sắp tới sẽ là một ngân sách thận trọng và có trách nhiệm nhằm đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

Dữ liệu chính thức vào tháng trước cho thấy nước Anh đã rơi vào suy thoái sau khi nền kinh tế suy giảm liên tiếp trong hai quý cuối năm 2023.

Trong khi các nhà kinh tế dự đoán tình trạng suy thoái có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, số liệu trên lại là một trở ngại lớn đối với Thủ tướng Anh Rishi Sunak người đặt tăng trưởng kinh tế làm ưu tiên hàng đầu.

Tuy vậy, ông Hunt khẳng định ông sẽ không cắt giảm thuế và tạo gánh nặng cho thế hệ tương lai. Theo ông, cắt giảm thuế bằng cách tăng cường vay mượn là điều thiếu thận trọng. Bên cạnh đó, cắt giảm thuế sẽ đồng nghĩa với việc các thế hệ tương lai phải chịu việc tăng thuế.

Mặc dù không đề cập đến các biện pháp thuế trong bản ngân sách sắp tới, ông Hunt đã công bố hai chương trình sẽ được đưa vào ngân sách. Chương trình đầu tiên, có trị giá 360 triệu bảng Anh (455 triệu USD), sẽ dành cho các dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất trong các lĩnh vực khoa học đời sống, ô tô và hàng không vũ trụ. Khoản đầu tư này sẽ giúp Anh dẫn đầu thế giới về sản xuất và đảm bảo việc làm có tay nghề cao trong tương lai.

Một chương trình khác có trị giá 800 triệu bảng Anh, bao gồm các cải cách công nghệ được thiết kế để nâng cao hiệu quả cho các dịch vụ công và giảm bớt thủ tục giấy tờ.

Nguồn: VnEconomy; Phụ Nữ Việt Nam; CAND; Vietnamnet; Bnews

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang