EU: Kinh tế phục hồi; Bùng nổ học tiếng Hàn; Ủng hộ kế hoạch hòa bình Kyiv; London đại chiến Paris; Liz Truss thăm Đài Loan

Kinh tế châu Âu phục hồi tích cực

(Ảnh minh họa).

Nhờ giá năng lượng thấp, tiêu thụ khí đốt giảm, nguồn cung được đa dạng hoá nhanh chóng, cùng sự cải thiện của thị trường lao động đã giúp nền kinh tế châu Âu phục hồi.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế của Uỷ ban châu Âu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên Liên minh châu Âu trong quý I năm nay đạt 1%, cao hơn mức 0,8% trong bản Dự báo kinh tế mùa Đông công bố trước đó.

Năm 2024 mức tăng trưởng có thể đạt 1,7%. Ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu mức tăng trưởng năm nay là 1,1% và sang năm là 1,6%. Giá năng lượng thấp giúp người dân và doanh nghiệp châu Âu giảm chi phí, song chi tiêu vẫn hạn chế bởi tăng trưởng tiền lương chậm hơn lạm phát.

Lạm phát cơ bản (không bao gồm năng lượng và thực phẩm chưa qua chế biến) vẫn chưa suy giảm, đạt mức cao lịch sử 7,6% trong tháng 3. Lạm phát cao hạn chế sức mua của các hộ gia đình và buộc chính sách tiền tệ của các nước châu Âu có phản ứng mạnh mẽ hơn, với sự phân nhánh tài chính vĩ mô rộng lớn.

Sự phục hồi của thị trường lao động đang củng cố khả năng khôi phục kinh tế của các nước châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Liên minh châu Âu đạt mức thấp kỷ lục mới là 6,0% vào tháng 3. Tăng trưởng việc làm được dự báo ở mức 0,5% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 0,4% vào năm tới do tốc độ mở rộng kinh tế suy giảm.

(Nguồn: VTV)

Nhu cầu học tiếng Hàn tăng đột biến ở châu Âu

Các trường đại học trên khắp châu Âu đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu về các khóa học tiếng Hàn khi sự thành công của BTS, "Squid Game" và các hiện tượng K-pop khác thu hút đông đảo sinh viên.

Tờ Nikkei dẫn lời Giáo sư Stephane Couralet - Trưởng khoa tiếng Hàn tại Đại học Bordeaux Montaigne, Pháp - cho biết: “Tiếng Hàn đã trở nên phổ biến đến mức chúng tôi không thể đáp ứng tất cả. Điều này đang tạo ra cảm giác vô cùng thất vọng cho những sinh viên không thể học”.

Khoảng 600 sinh viên đang học tiếng Hàn dưới một số hình thức như chương trình thạc sĩ, các khóa học được cấp bằng và các lớp học buổi tối.

Một trong những tấm bằng phổ biến nhất của Đại học Bordeaux Montaigne là bằng đại học ngoại ngữ ứng dụng tiếng Hàn và tiếng Anh. Năm 2022, trường đã nhận được 1.420 đơn đăng ký cho khóa học, nhưng với ba giảng viên toàn thời gian bằng tiếng Hàn, chỉ 40 sinh viên có thể được chấp nhận - tỉ lệ tiếp nhận dưới 3%.

Tại Vương quốc Anh, số lượng ứng viên đăng ký chương trình tiếng Hàn bậc đại học tại Đại học Sheffield đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2021, sụt giảm nhẹ vào năm 2022 do đại dịch COVID-19.

Owen Miller - giảng viên tiếng Hàn tại Đại học SOAS London - cho hay, nhu cầu học tiếng Hàn đã bùng nổ. "Tại SOAS trong 20 năm qua, môn tiếng Hàn từ lúc ít người quan tâm đã trở thành một trong ba ngôn ngữ lớn nhất mà chúng tôi giảng dạy" - giảng viên Miller nói.

Bị lôi cuốn bởi K-pop và K-drama, đã có hơn 13 triệu người châu Âu tham gia vào các cộng đồng liên quan đến làn sóng Hàn Quốc trực tuyến và trực tiếp trong năm 2022 - tốc độ tăng trưởng số lượng người hâm mộ lớn nhất so với bất kỳ khu vực nào, theo Quỹ Hàn Quốc.

Con số này đã tăng hơn gấp đôi từ 6,8 triệu vào năm 2018 lên 14,9 triệu vào năm 2019 - một kỳ tích chắc chắn được hỗ trợ bởi "Love Yourself World Tour" của BTS, chuyến lưu diễn quy mô lớn đầu tiên nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc ở châu Âu, cũng như bộ phim "Ký sinh trùng" từng đoạt giải Oscar của đạo diễn Bong Joon-ho. Con số vẫn ở mức khoảng 10 triệu hoặc hơn kể từ đó.

“Thật phấn khởi khi chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng đối với ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc ở Vương quốc Anh. Nhờ có Internet, thế giới đang xích lại gần nhau hơn và văn hóa Hàn Quốc đã trở nên phổ biến trên thế giới” - Đại sứ Hàn Quốc tại Vương quốc Anh Yoon Yeocheol nói.

Theo Mia Kim - giảng viên nghiên cứu tiếng Hàn và dịch thuật tại Đại học Central Lancashire (UCLan), K-pop và cơ hội học tập một năm tại Hàn Quốc mang đến cho các sinh viên trẻ động lực để đăng ký chương trình cử nhân của trường.

Nhiệm vụ của các trường đại học là đảm bảo chương trình giảng dạy không chỉ phù hợp với sở thích của sinh viên mà còn phù hợp với thị trường việc làm mà họ sẽ phải đối mặt. Năm 2020, UCLan đã mở chương trình thạc sĩ dịch thuật bao gồm các lớp học về xây dựng kỹ năng trong các phương tiện truyền thông mới, chẳng hạn như phụ đề YouTube và dịch phim hoạt hình, cũng như các lớp dịch thuật truyền thống.

Trong khi các giảng viên và giáo sư rất phấn khích trước sự chú ý ngày càng tăng đối với tiếng Hàn, thì việc theo kịp nhu cầu mới có thể là một cuộc đấu tranh.

"Từ góc độ của các trường đại học, cấp bằng là một rủi ro rất lớn. Họ không biết sự hứng thú này sẽ duy trì trong bao lâu" - Kim nói.

Các giảng viên trên khắp châu Âu cảnh báo về những trở ngại khác khi thiết lập các chương trình mới, bao gồm việc thiếu giảng viên và đối với một số trường đại học là sự tập trung cố hữu vào việc giảng dạy ngôn ngữ châu Âu.

Tuy nhiên, các khóa học mới đang xuất hiện trên khắp châu Âu. Mùa hè này, Đại học Vilnius của Lithuania sẽ mở đợt tuyển sinh chương trình cử nhân mới chuyên ngành ngôn ngữ Hàn. Trường hy vọng sẽ có đủ sinh viên theo học chuyên ngành này.

Đại học Montaigne ở Bordeaux, nơi có số lượng giảng viên hạn chế, cũng đang lên kế hoạch đưa ra chương trình cử nhân bổ sung về ngôn ngữ, văn học và văn hóa Hàn Quốc vào tháng 9.2024.

(Nguồn: Lao Động)

Lãnh đạo EU ủng hộ kế hoạch hòa bình của Kyiv; phái viên TQ công du để ‘dàn xếp’ về Ukraine

(Ảnh minh họa).

Hôm 15/5, Chủ tịch Liên minh châu Âu cho biết rằng kế hoạch hòa bình của chính Kyiv sẽ đóng vai trò là điểm khởi đầu cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Phát biểu kể trên được đưa ra trùng với thời điểm bắt đầu chuyến công du châu Âu tìm “giải pháp chính trị” của phái viên Trung Quốc, theo Reuters.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra ý kiến khi một đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc bắt đầu chuyến công du châu Âu mà Bắc Kinh nói là nhằm thảo luận về một “giải pháp chính trị” cho cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã kéo dài được 15 tháng.

“Không có chuyện bàn về Ukraine mà lại không có Ukraine”, bà von der Leyen, người vừa đến thăm Kyiv tuần trước, nói. “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Ukraine là quốc gia đã bị xâm lược tàn bạo. Do đó, chính quốc gia này mới là bên cần được đặt ra các nguyên tắc cốt lõi cho hòa bình”.

Trong khi bà nói rằng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine là điều “rất tốt”, bà cũng nhấn mạnh Bắc Kinh nên sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Moscow để chấm dứt chiến tranh.

Bà phát biểu như vậy ngay trước khi diễn ra một tuần lễ dồn dập có nhiều hoạt động ngoại giao quốc tế, trong đó cuộc chiến của Nga đánh vào Ukraine đứng đầu chương trình nghị sự.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà von der Leyen nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp lâu dài cho Ukraine”, bà cho biết tuyên bố này “phải chuyển thành hỗ trợ tài chính ổn định sau năm 2023 và tăng cường hỗ trợ quân sự tập trung vào thời gian và địa điểm hiện tại”.

Bà von der Leyen cũng ủng hộ việc thành lập một tòa án đặc biệt để buộc Nga phải chịu trách nhiệm và cho hay một “danh sách thiệt hại” mới sẽ được đưa ra ở Hague, là “một bước rất tốt đối với việc đòi Nga bồi thường”.

Những bình luận của bà được đưa ra một ngày trước hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu, cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu của lục địa, tại Reykjavik, sau đó sẽ là cuộc họp của các nhà lãnh đạo G-7 của các nước công nghiệp hóa hàng đầu thế giới tại Hiroshima.

Bà von der Leyen cho biết G-7 sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với cuộc chiến của Nga, bao gồm đề xuất mới nhất về các biện pháp mới của EU do Ủy ban của bà, cơ quan hành pháp của EU đưa ra.

Đề xuất này nhằm mục đích thắt chặt việc thực thi các biện pháp trừng phạt mà khối đã áp đặt đối với Nga kể từ khi nước này xâm chiếm Ukraine, bao gồm cả việc đe dọa hạn chế các loại hình thương mại cụ thể với các nước thứ ba được coi là có liên quan đến hành vi lách luật. Theo các nhà ngoại giao EU, kế hoạch đó đã gây ra một số lo ngại ở Đức.

Bà von der Leyen cho biết đề xuất này phần lớn nhằm mục đích ngăn chặn. Đề xuất này hiện đang được 27 quốc gia thành viên của khối thảo luận, dự kiến sẽ mất thời gian trước khi họ đạt được sự nhất trí cần thiết để ban hành bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào.

Bà mô tả đó là: “Một lời cảnh báo rằng chúng tôi nghiêm túc với các biện pháp trừng phạt của mình, rằng chúng tôi có thể cấm những hàng hóa đó đến nước thứ ba nếu có bằng chứng rõ ràng rằng có sự lách các biện pháp trừng phạt và ngăn chặn việc giao hàng cho Nga”.

(Nguồn: VOA)

London đại chiến Paris: Khi người Pháp cố gắng cướp ngôi vương ngành công nghệ tài chính từ Anh sau Brexit

Cuộc đua trở thành trung tâm tài chính mới tại Châu Âu đang gay cấn hơn bao giờ hết.

Theo hãng tin Bloomberg, ngày càng nhiều startup hiện nay mọc lên ở thủ đô Paris-Pháp với kỳ vọng thành phố này sẽ trở thành trung tâm tài chính của thế giới sau khi Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit.

Nghiên cứu của hãng tư vấn EY năm 2021 cho thấy ngành tài chính của Pháp được người Mỹ biết đến nhiều hơn một chút so với tại Anh nhờ Brexit. Mặc dù thủ đô London-Anh vẫn là trung tâm công nghệ tài chính ở Châu Âu nhưng “ngôi vương” này đang dần mất đi ánh hào quang trong những năm gần đây bất chấp chính phủ Anh đã nỗ lực bằng mọi cách.

Vào tuần trước, những nhà sáng lập của Revolut, một startup tại Anh đang cố gắng xin giấy phép hoạt động ngành ngân hàng trực tuyến, đã lên tiếng chỉ trích London trong mảng hành chính công, đồng thời than phiền các lao động tài năng đang rời bỏ quốc gia này sau Brexit.

Động thái của Revolut diễn ra trong bối cảnh startup này đã xây dựng thành công ở Paris vào năm 2017 và hiện có đến 2 triệu khách hàng nội địa, 200 nhân viên và sẽ mở rộng gấp đôi vào năm tới, trong khi chi nhánh ở London thì đến tận bây giờ vẫn chưa xin nổi giấy phép.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đồng tình khả năng Paris sẽ trở thành trung tâm tài chính mới ở Châu Âu thay thế cho London sau Brexit.

“Chẳng ai muốn nói về Brexit nhưng tầm ảnh hưởng của nó đến ngành công nghệ tài chính là không thể chối cãi. Việc xin giấy phép tại một thị trường đã là thách thức rất lớn với một startup rồi nên tại sao họ lại phải chọn thị trường 67 triệu dân thay cho nền kinh tế rộng lớn hơn với 450 triệu người?”, CEO Nicolas Benady của Swan nhận định.

Cuộc đua gay cấn

Station F là một khu trung tâm tàu điện ngầm cũ tại Paris, nhưng nay nó đã được ví như là “Thung lũng Silicon mới” với vô số startup mọc lên tại đây. Không những vậy, nhiều tên tuổi lớn như Apple, Google hay Meta cũng đầu tư cho các startup này trước làn sóng dịch chuyển từ Anh sang.

Hãng tin Bloomberg cho biết khoảng 1/3 số startup gia nhập Station F là từ nước ngoài. Trong đó lượng startup dịch chuyển từ Anh sang đang ngày một tăng.

Theo Bloomberg, với chính sách xin visa thoải mái để gia nhập thị trường EU, các khoản hỗ trợ công cũng như dễ tiếp cận được các nguồn vốn hơn, thủ đô Paris đang trở thành điểm đến lý tưởng mới của giới khởi nghiệp Châu Âu.

Số liệu của Pitchbook cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, số thương vụ startup công nghệ tài chính tại Paris đã tăng 22 triệu USD lên 96,4 triệu USD năm 2022.

Mặc dù London vẫn dẫn đầu nhưng rõ ràng Paris đang thu hẹp dần khoảng cách khi thị trường EU rõ ràng hấp dẫn hơn Anh rất nhiều.

Chính phủ Pháp nhận thức rất rõ được tình hình và đang liên tục cố gắng nâng tầm vị thế của Paris trong giới khởi nghiệp.

Tháng 2/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi lễ “French Tech Next40”, vốn là một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại Pháp, đã thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta cần phải tăng tốc hơn nữa, đây đang là một cuộc đua”.

“Hệ sinh thái công nghệ ở Paris đang ngày càng nóng bỏng hơn”, nhà khởi nghiệp Marc Menase tham gia buổi tiệc có cùng quan điểm.

Trước đó vào năm 2021, Pháp đã công bố chương trình “France 2030” với khoản tài trợ lên đến 34 tỷ Euro nhằm thúc đẩy ngành công nghệ và khởi nghiệp tại thị trường này.

Mới đây, Pháp đã tổ chức một hội nghị bao gồm 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp với những cái tên nổi tiếng như Elon Musk của Tesla, Albert Bourla của Pfizer hay Robert Iger của Walt Disney tại Versaille nhằm thúc đẩy việc lựa chọn Pháp làm điểm đến đầu tư.

Tại hội nghị này, Tổng thống Macron đã có cuộc trò chuyện với Elon Musk để quảng bá miền bắc nước Pháp, qua đó biến nơi đây thành trung tâm sản xuất ắc quy xe điện cùng những thiết bị liên quan. Vào cuối tuần trước trong cuộc gặp với L’Opinion, Tổng thống Macron đã tái khẳng định cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm thuế bất chấp động thái này sẽ gia tăng thâm hụt ngân sách.

Sự nỗ lực của chính phủ Pháp là có cơ sở khi trong năm vừa qua, số liệu của Pitchbook cho thấy tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup công nghệ tài chính ở quốc gia này đã tăng 30% lên 2,1 tỷ USD. Trái ngược lại, London chứng kiến sự sụt giảm 1/5 xuống còn 10 tỷ USD, trong khi thủ đô Berlin-Đức giảm 10% xuống còn 2,7 tỷ USD.

Trả lời hãng tin Bloomberg, nhà khởi nghiệp Menase cho biết thủ đô Paris đang trở thành ngôi sao sáng trong làng công nghệ tài chính. Hàng loạt các chương trình đào tạo gõ code miễn phí đang được mở ra nhằm thu hút và đào tạo nhân tài cho ngành.

Những ngân hàng quốc doanh như Bpifrance thì đang dẫn đầu cho xu thế đổ tiền vào mảng này, với ước tính khoảng 1-20 triệu USD cho các startup. Ngoài ra, Pháp cũng đã thỏa thuận được khoản ngân sách 276 triệu Euro, tương đương 302 triệu USD của EU cho chương trình khởi nghiệp tại quốc gia này.

Chính những yếu tố tích cực này đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư thiên thần đổ về Paris để tìm cơ hội thay vì London.

“Chúng tôi vẫn luôn nói rằng thị trường Anh có giới hạn sau Brexit, bởi vậy hãy quên thị trường đó đi”, ông Menase thừa nhận.

Tương lai rộng mở

Hãng tin Bloomberg cho hay Pháp hiện có 27 kỳ lân, vốn là những công ty khởi nghiệp ước tính có giá trị hơn 1 tỷ USD. Con số này đã vượt qua kỳ vọng của Tổng thống Macron vào năm 2018 khi mới chỉ có 5 kỳ lân. Khi đó, nhà lãnh đạo Pháp đã cam kết sẽ nâng con số này lên thành 25 vào năm 2025.

CEO Radolphe Ardant của Spendesk, một trong những kỳ lân trên cho biết văn hóa khởi nghiệp tại Pháp đang có sự dịch chuyển đáng kinh ngạc thời gian gần đây khi có tham vọng vươn tầm thế giới.

“Chúng tôi là một doanh nghiệp Châu Âu, rồi mới là một startup của Pháp”, CEO Benady của Swan đồng quan điểm.

Hiện Swan đang có văn phòng ở Paris và Berlin, đồng thời hướng tới mở rộng sang Barcelona và Amsterdam nhờ chính sách làm thị thực của Pháp liên thông với EU khiến việc phát triển của các startup trở nên dễ dàng hơn trong khu vực. Trái lại những startup có trụ sở ở Anh sẽ cần thêm giấy phép địa phương qua từng khu vực nếu muốn mở rộng.

Theo Bloomberg, thủ đô Paris chỉ cách St.Pancras-Anh, nơi có văn phòng của Alphabet (Google) và Meta, hơn 2 giờ đi bằng tàu điện ngầm cao tốc Eurostar. Bởi vậy dù London vẫn là trung tâm của ngành công nghệ tài chính Châu Âu hiện nay nhưng ngày càng nhiều người lại đang bắt tàu cao tốc sang Paris làm việc.

“Sự kiện Brexit đang khiến các startup ngành công nghệ tài chính phải dịch chuyển ra khỏi London. Đây là sự thật mà không một chính trị gia nào không thừa nhận”, chuyên gia Rana Yared của quỹ đầu tư Balderton Capital nhận định.

(Nguồn: CafeF)

Cựu thủ tướng Anh Liz Truss thăm Đài Loan, kêu gọi chống Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Dù bị phê phán ở Anh, cựu thủ tướng Anh Liz Truss sẽ vẫn thăm Đài Loan để kêu gọi có các biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc.

Trong khi một số nhân vật quan trọng trong đảng Bảo thủ chỉ trích chuyến thăm dự kiến vào tuần này của bà Liz Truss, các báo Đài Loan đã tiết lộ bà sẽ cổ vũ cho "giải pháp cứng" để bảo vệ Đài Bắc, chống lại Bắc Kinh.

Bà Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại trong Hạ viện Anh, nói với báo The Guardian rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Liz Truss "mang tính trình diễn" hơn là thực chất.

Chuyến thăm dự kiến từ 16 đến 20/05 sang Đài Loan của bà Truss còn bị chê là "ngoại giao trên Instagram" - hàm ý ghi điểm trên mạng xã hội.

Đáp trả, bà Truss nói "các đồng sự cùng đảng đã cố ý diễn tả sai về chuyến đi".

Cả hai bà Kearns và Truss đều thuộc đảng Bảo thủ Anh đang cầm quyền, và khác biệt quan điểm khá gay gắt của họ phản ánh một điều là chính giới Anh chưa thống nhất về chuyện làm gì với Đài Loan.

Hiện chỉ là nghị sĩ Quốc hội sau khi mất chức thủ tướng, bà Truss tuy thế vẫn có uy tín trong nhóm thiên hữu của đảng Bảo thủ vốn chú tâm đến vấn đề an ninh.

Các dân biểu này thường phát biểu chống Trung Quốc mạnh hơn đường lối chính thức của nội các Rishi Sunak.

Ngoại trưởng James Cleverly ba tuần trước nêu ra chính sách về Trung Quốc và Đài Loan của Anh, nhấn mạnh đến cách tiếp cận đa diện trong quan hệ Anh-Trung.

Về Đài Loan, ông cảnh báo "một cuộc xâm lăng quân sự của Trung Quốc sẽ là thảm họa cho kinh tế thế giới".

Tuy thế, ông Cleverly bác bỏ cách nhìn coi Trung Quốc là mối đe dọa mà chỉ coi TQ là "thách thức" nhưng hai bên cần tìm ra các điểm có thể hợp tác vì những vấn đề chung.

Trái lại, bà Truss sẽ phát biểu rằng Anh cần "dùng quyền lực cứng" (hard power) để răn đe, ngăn chặn Trung Quốc không xâm lăng Đài Loan, theo trang Taiwan News trích nội dung được tiết lộ từ chuyến thăm của bà Truss sắp tới.

Bài trên Taiwan News (15/05) cũng cho biết là Liz Truss sẽ thúc đẩy để Anh ủng hộ Đài Loan gia nhập CPTPP, liên minh thương mại có Hoa Kỳ, Anh và nhiều nước khác trong vùng châu Á-Thái Bình Dương (gồm Nhật Bản, Việt Nam...) tham gia, nhưng không có Trung Quốc.

Báo Anh, tờ The Express gần đây nói bà Truss muốn trình bày bức tranh về Đài Loan như tâm điểm của cuộc chiến thế kỷ, giữa chế độ độc tài và thế giới tự do.

Bà cáo buộc Đảng CS Trung Quốc tung ra chiến tranh ý thức hệ chống lại thế giới tự do.

Chính phủ TQ luôn nói các ngôn từ như vậy từ Phương Tây chỉ là "di sản của não trạng Chiến tranh Lạnh".

Tuy mạnh mẽ phê phán các chuyến thăm Đài Loan của chính trị gia Mỹ và châu Âu, từ cả CH Czech, Anh, Pháp..., Trung Quốc chỉ có thể trừng phạt họ" bằng cách cấm thăm Trung Quốc.

Còn bà Alicia Kearns thì cho rằng tình hình ở eo biển Đài Loan đã căng thẳng sau chuyến thăm của Nancy Pelosi, nên "một chuyến đi [của Liz Truss] chỉ làm nóng thêm tình hình", theo Becky Morton viết trên BBC News tuần qua.

Bà Truss bị phê phán là dùng chuyến đi để duy trì hình ảnh cá nhân trên chính trường vì "bản thân không còn ảnh hưởng gì".

Thời gian làm thủ tướng của bà thuộc hàng ngắn nhất trong lịch sử, chỉ có 45 ngày sau khi kế hoạch thuế và chính sách kinh tế bà đề xuất gây xáo trộn nghiêm trọng trên thị trường tài chính-tiền tệ Anh.

Sinh năm 1975, bà Truss từng theo đảng Xã hội Dân chủ Anh (LibDem) thời sinh viên nhưng cuối cùng đã gia nhập đảng Bảo thủ và trúng cử vào Hạ viện.

Từng làm Bộ trưởng Thương mại, bà đại diện cho Anh ký nhiều hiệp định tự do mậu dịch, như với Việt Nam, Úc... sau Brexit.

Bà làm thủ tướng Anh từ 6/09 đến 25/10 năm 2022.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang