EU: Hạn hán tồi tệ nhất; Cấm dầu Nga đến Đức; Giảm phụ thuộc kinh tế vào TQ; Rủi ro phải đối mặt; Anh thực dụng hơn TQ

Châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm

(Ảnh minh họa).

Nhiều nước châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm, với dự báo tình trạng này có thể kéo dài tại nhiều khu vực cho đến mùa đông,

Một mạng lưới mương được đào từ thời Trung cổ đã cho phép nông dân ở ngôi làng Letur trên sườn đồi ở miền Nam Tây Ban Nha có thể trồng ô liu, cà chua và hành tây ở một trong những vùng khô cằn nhất châu Âu trong nhiều thế kỷ. Thế nhưng, hạn hán khốc liệt giờ đây đang lan rộng khắp lục địa, đe dọa đến cả ốc đảo cổ xưa này. Đây là ví dụ cho thấy sự khó khăn mà châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thời tiết ngày một khó lường trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Hạn hán tấn công châu Âu

Theo Bloomberg, hệ thống mương phức tạp đã giữ cho đất đai của ngôi làng Letur ẩm ướt và mát mẻ qua nhiều biến cố lịch sử, từ các cuộc chiến tranh, xâm lược của nước ngoài đến thiên tai. Nhưng 200 nông dân sống dựa vào nó giờ đây lần đầu tiên bắt đầu lo lắng, khi mực nước tại nhiều con đập khổng lồ của Tây Ban Nha giảm xuống mức thấp chưa từng có, và các kênh đào được xây dựng vào những năm 1970, vốn biến khu vực xung quanh thành cường quốc nông nghiệp, bắt đầu cạn kiệt. Nếu hạn hán kéo dài lâu hơn nữa, ông Luis Lopez, một nông dân trồng ô liu 43 tuổi, lo ngại “tôi cảm thấy như chúng tôi là ngôi làng Gaul cuối cùng trong truyện tranh Asterix”.

Là nơi có sa mạc duy nhất của Liên minh châu Âu (EU), Tây Ban Nha trải qua hạn hán nghiêm trọng hơn và lâu hơn so với các nền kinh tế lớn khác của khối. Vị trí gần châu Phi khiến nước này vào thẳng đường đi của các luồng không khí nóng khi chúng di chuyển về phía Bắc từ sa mạc Sahara.

Nhưng sức nóng không dừng lại ở Tây Ban Nha, thời tiết nóng và khô hơn đang hoành hành khắp châu Âu. Dự đoán, những căng thẳng lên quan đến nguồn nước có thể sẽ diễn ra ở nhiều nơi tại lục địa già. Và bất cứ điều gì xảy ra với ngành nông nghiệp Tây Ban Nha, nguồn cung cấp thực phẩm chính cho các nước láng giềng, sẽ được cảm nhận khắp khu vực.

Bà Nathalie Hilmi, nhà kinh tế môi trường tại Trung tâm Khoa học Monaco cho biết: “Tây Ban Nha là vựa lúa mì của châu Âu, và việc thiếu nước ở đó, thiếu sản xuất nông nghiệp là vấn đề sống còn”. “Nó cũng trở thành vấn đề tài chính, bởi vì cần phải chi nhiều tiền hơn để tìm lương thực”.

Hạn hán kéo dài nhiều năm có thể tàn phá nặng nề vì các ngành như nông nghiệp không có thời gian để phục hồi, do đó tác động chồng chất hết mùa này qua mùa khác và tăng theo cấp số nhân. Theo ông Gabriel Trenzado, giám đốc của Cooperativas Agro-alimentarias de Espana, một nhóm ngành nông nghiệp, sản lượng dầu ô liu của Tây Ban Nha - chiếm 45% nguồn cung của thế giới - có thể sẽ giảm hơn một nửa trong mùa này, trong khi các loại ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch được dự đoán sẽ giảm tới 60%.

Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa nghiêm trọng ở các khu vực khác của EU, nơi dự báo chính thức là tổng thu hoạch ngũ cốc sẽ phục hồi khoảng 7% so với vụ trước. Lượng mưa ở Pháp, nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu của khối, đã được cải thiện kể từ đợt khô hạn mùa Đông và xếp hạng cây trồng cho vụ thu hoạch lúa mì năm 2023 đang ở mức cao nhất vào thời điểm này trong hơn một thập kỷ.

Ở một số khu vực thậm chí còn có quá nhiều mưa, khiến việc trồng lúa mạch và củ cải đường ở một số vùng của Đức bị trì hoãn do tháng 3 ẩm ướt nhất kể từ năm 2001.

Nỗi lo thời tiết bất thường

Nông dân trên toàn châu Âu không chỉ phải đối mặt với hạn hán mà còn phải đối mặt với thời tiết nói chung khó dự đoán hơn. Năm ngoái, Tây Ban Nha trải qua một đợt nắng nóng tương tự như đợt nắng nóng đã “thiêu rụi” đất nước vào tháng 4 này, cho đến khi bão Cyril khiến nhiệt độ giảm bất thường, dẫn đến thiệt hại hàng triệu euro cho các nhà sản xuất trái cây và ngũ cốc.

Sự chuẩn bị của châu Âu cho tương lai khô hạn hơn đang phải vật lộn để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của khí hậu. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, lục địa này đã nóng lên nhanh gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong ba thập kỷ qua và tác động kinh tế là rất lớn.

Mực nước sông thấp kỷ lục gây ra thiệt hại hàng tỷ USD do việc vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn. Nó cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện và hạt nhân, làm tăng thêm tình trạng thiếu năng lượng, đồng thời góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thế hệ. Mất mùa do hạn hán có thể khiến giá lương thực tăng cao hơn nữa.

Theo Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus, lượng nước chảy vào các hồ và biển ở châu Âu giảm dần cũng gây ra rủi ro môi trường do làm tăng nhiệt độ nước và gây hại cho các hệ sinh thái. Và sau đó là khả năng xảy ra cháy rừng cao hơn, thiêu rụi các cảnh quan châu Âu có diện tích lớn gấp ba lần diện tích của Luxembourg vào năm ngoái.

Đây là năm thứ hai liên tiếp thời tiết cực kỳ khô và nóng ở Tây Nam châu Âu, nguyên nhân bắt nguồn từ đợt nắng nóng trước mùa Hè bắt đầu sớm hơn ba tháng so với bình thường.

Tây Ban Nha vừa trải qua tháng 4 nóng nhất và khô nhất được ghi nhận. Ở những nơi khác, tuyết tích tụ trên dãy Alps - nguồn cung cấp nước chính cho Pháp và Italia - đang ở mức thấp nhất trong hơn thập kỷ, làm trầm trọng thêm nhiều năm có lượng mưa và tuyết rơi dưới mức trung bình. Xa hơn về phía Bắc, Đức và Vương quốc Anh cũng phải trải qua những cơn mưa dị thường nghiêm trọng.

Ông Andrea Toreti, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, cơ quan khoa học độc lập tư vấn cho các quan chức của khối, cho biết những thay đổi về thời tiết phù hợp với các dự báo khoa học về lượng mưa ít hơn và nhiệt độ cao hơn ở châu Âu trong bối cảnh trái đất ấm lên.

Nhưng mức độ hạn hán này được cho là sẽ chỉ xảy ra thường xuyên vào năm 2043. “Nếu không có gì được thực hiện, chúng tôi cho rằng tình trạng này có thể xảy ra gần như hàng năm,” ông nói.

Ở Italia, nơi thiếu nước đang bóp nghẹt khu vực nông nghiệp năng suất cao nhất của đất nước, cuộc khủng hoảng đã trở thành mục tiêu ưu tiên quản lý của một cơ quan đặc biệt do Phó Thủ tướng Matteo Salvini đứng đầu. Pháp, quốc gia năm nay phải hứng chịu một mùa đông không mưa dài nhất được ghi nhận, đặt ra mục tiêu mới là cắt giảm 10% lượng nước tiêu thụ vào cuối thập kỷ này.

Chính phủ Tây Ban Nha thì nỗ lực tìm giải pháp. Mặc dù chi hàng tỷ euro trong vài thập kỷ qua để cải thiện hệ thống quản lý nước, nhưng lượng mưa thấp hơn 19% so với mức trung bình lịch sử kể từ tháng 10 năm ngoái đã khiến các hồ chứa của Tây Ban Nha chỉ còn khoảng một nửa công suất. Các biện pháp được lên kế hoạch để giải quyết tình trạng thiếu nước sẽ tiêu tốn hơn 22 tỷ euro.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Tin Thị trường: EU cấm dầu Nga đến Đức, Ba Lan

Liên minh châu Âu (EU) cấm dầu Nga được vận chuyển đến Đức, Ba Lan; Nigeria mất vị trí nhà khai thác dầu số 1 châu Phi vào tay Angola...

EU cấm dầu Nga đến Đức, Ba Lan

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét chính thức cấm dầu thô của Nga được vận chuyển thông qua đường ống Druzhba đến Đức và Ba Lan, những nước đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga, Bloomberg đưa tin hồi cuối tuần qua.

Đường ống Druzhba là tuyến đường chính cung cấp dầu từ Nga sang châu Âu, bao gồm hai nhánh, một nhánh phía bắc đi qua Belarus để vận chuyển dầu đến Belarus, Ba Lan, Đức, Latvia, Litva, và một nhánh phía nam đi qua Ukraine để đưa dầu đến Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Croatia.

Dầu chảy qua Druzhba hiện được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận của EU. Liên minh này ban hành miễn trừ đối với dầu đi qua đường ống dẫn tới các quốc gia thành viên EU không giáp biển.

Đức và Ba Lan đã tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba kể từ ngày 1/1/2023.

EU hiện đang cân nhắc chấm dứt miễn trừ đối với nhánh phía bắc của Druzhba tới Ba Lan và Đức, như một phần của đợt trừng phạt tiếp theo đối với Nga, theo các văn bản mà Bloomberg nắm được.

Mỹ lấp đầy kho SPR từ tháng 6

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết, nhà chức trách nước này có thể bắt đầu mua lại dầu thô để lấp đầy Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) ngay từ tháng 6, sau khi việc bán dầu từ SPR theo chỉ định của Quốc hội được hoàn thành vào tháng tới.

Trong một phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ, bà Granholm nói: "Việc bán 26 triệu thùng theo chỉ định của Quốc hội sẽ được hoàn thành vào tháng 6 và đó là thời điểm chúng tôi sẽ chuyển đổi để tìm cách mua dầu".

Hồi tháng 10 năm ngoái, chính quyền đã thông báo sẽ mua lại dầu thô khi giá ở chạm ngưỡng hoặc thấp hơn phạm vi 67 - 72 USD/thùng. Động thái này có mục đích kép khi nó không chỉ tái bổ sung nguồn dự trữ đã cạn kiệt của quốc gia mà còn thúc đẩy nhu cầu khi giá thấp thay vì đưa chúng vào quỹ đạo vào thời điểm giá bình thường.

Sau khi bán hơn 200 triệu thùng dầu thô từ SPR vào năm ngoái, Chính quyền Mỹ đã để kho dự trữ xăng dầu chiến lược ở mức thấp nhất kể từ năm 1983, với chỉ 372 triệu thùng dầu thô.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Granholm đã gợi ý rằng Chính quyền sẽ bắt đầu mua lại dầu thô để nạp vào SPR vào mùa thu năm nay.

Nigeria mất vị trí số 1 châu Phi vào tay Angola

Dữ liệu báo cáo thị trường dầu hằng tháng (MOMR) tháng 4/2023 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy, Angola đã nổi lên là nhà khai thác dầu thô hàng đầu châu Phi, vượt Nigeria.

Theo số liệu tháng 4/2023, sản lượng dầu thô mà Angola khai thác đạt 1,06 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, bất chấp sự lạc quan ban đầu, sản lượng dầu của Nigeria đã giảm 23% so với cùng kỳ tháng trước, xuống 999.999 thùng/ngày. Trước đó, vào tháng 3, Nigeria đạt sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng của Nigeria cũng giảm 16,7% xuống 999.999 thùng/ngày vào tháng 4/2023, từ mức 1,2 triệu thùng/ngày được ghi nhận trong giai đoạn tương ứng của năm 2022.

Sau khi giảm đều đặn xuống khoảng 1,1 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm 2022, chủ yếu là do trộm cắp dầu, sản lượng dầu của Nigeria đã bắt đầu phục hồi, dao động ở mức 1,3 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2023.

(Nguồn: Petro Times)

EU tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Các Bộ trưởng Ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thống nhất về sự cẩn thiết phải giảm sự phụ thuộc kinh tế của khối với Trung Quốc.

Theo Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, các ngoại trưởng đã ủng hộ đề xuất điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Trong đó, EU vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là đối tác trong các vấn đề toàn cầu, nhưng đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh về kinh tế.

Ông Josep Borrell - Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn có sự phối hợp với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, với nhiều vấn đề khác nhau. Nhưng đồng thời chúng ta cũng cần cạnh tranh với Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc kinh tế, đặc biệt là khi những sự phụ thuộc này trở nên quá lớn và quá rủi ro".

Tuy vậy, giới chức EU cũng nhấn mạnh, mục đích của sự điều chỉnh chính sách này không phải là "chia rẽ" nền kinh tế EU và Trung Quốc, mà là để cân bằng mối quan hệ và tránh sự phụ thuộc quá mức vào một số lĩnh vực quan trọng.

"Trung Quốc vẫn là một đối tác lớn, trao đổi thương mại giữa EU và Trung Quốc lên tới 2,7 tỷ Euro mỗi ngày, vì vậy sẽ không có chuyện tách rời. Nhưng họ chắc chắn cũng là một đối thủ cạnh tranh quan trọng, cả về tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng lực công nghệ", ông Josep Borrell - Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại đánh giá.

Theo các chuyên gia, EU hiện đang cố gắng tránh những sai lầm chiến lược như đã từng quá phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, việc giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc sẽ là một quá trình kéo dài và khó khăn hơn, bởi sự liên kết mật thiết và quy mô thương mại đầu tư rất lớn giữa hai bên.

Đặc biệt, EU giờ đây thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc trong các công nghệ tiên tiến như pin năng lượng mặt trời, hay nguồn cung các khoáng sản quan trọng.

Ông Carsten Brzeski - Chuyên gia kinh tế, ngân hàng ING cho biết: "Sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc của các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, ở mức rất cao. Nếu không có Trung Quốc, các ngành sản xuất xe điện sẽ gặp khó. Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng sẽ bị cản trở, vì không có đủ các tấm pin năng lượng Mặt trời".

Hiện giới chức EU đang lên kế hoạch đa dạng hóa các nguồn cung cấp trong các lĩnh vực chính, đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng đối với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi xanh như chất bán dẫn, mạng viễn thông 5G và 6G, pin, nguyên liệu thô và khoáng sản quan trọng. Một đề xuất cụ thể dự kiến sẽ được đệ trình lên hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 6 tới.

(Nguồn: VTV)

Rủi ro mà châu Âu đang phải đối mặt

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thống nhất sẽ điều chỉnh chính sách với Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc kinh tế, trong khi tiếp tục hợp tác về các vấn đề toàn cầu. Đáp lại, Bắc Kinh cảnh báo rằng, "rủi ro" mà châu Âu đối mặt không phải Trung Quốc, mà đến từ "một quốc gia nào đó" đang tiến hành một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới".

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, quan hệ EU - Trung Quốc đối mặt với những thách thức ngày càng lớn. Theo ông Joseph Borrell, đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, mối quan hệ thương mại giữa Brussels với Bắc Kinh đang ngày càng mất cân bằng và khối 27 nước thành viên cần tìm cách giảm thiểu rủi ro do mối quan hệ này gây ra.

Ông nói: "Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống và có một từ khóa nữa là can dự. Chúng ta phải can dự với Trung Quốc trên nhiều mặt cho nhiều vấn đề khác nhau, đồng thời phải cạnh tranh với Trung Quốc và giảm phụ thuộc khi những phụ thuộc này trở nên quá lớn và quá rủi ro. Rất nhiều công việc sẽ cần thời gian để xem xét lại tất cả các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, không phải để tách rời mà để cân bằng và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số lĩnh vực quan trọng".

Chiến lược giảm thiểu rủi ro được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố hồi tháng 3 tập trung vào chiến lược loại bỏ châu Âu khỏi nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng của Trung Quốc và hạn chế thương mại trong các công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo, vi mạch và điện toán lượng tử. Chiến lược đang trong quá trình hoàn thiện sẽ là cơ sở cho cuộc thảo luận vào cuối tháng 6 tới của lãnh đạo các nước EU.

Vào thời điểm hiện tại, trong nội bộ EU đã xuất hiện những ý kiến cho rằng, đã không còn phù hợp cách tiếp cận khi coi Trung Quốc đồng thời là "đối tác", "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và "đối thủ mang tính hệ thống". Từ cuối năm 2022, quan hệ giữa hai bên được cho là đã bước vào giai đoạn "khởi động lại toàn diện" với các cuộc đối thoại và trao đổi trên nhiều lĩnh vực. Bắc Kinh đã cố gắng cân bằng giữ việc duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Moscow và giảm thiểu áp lực đi xuống trong quan hệ với Brussels. Tuy nhiên, những quan điểm khác nhau về Trung Quốc trong nội bộ EU được dự báo sẽ tạo nên những yếu tố phức tạp.

Tổng thống Cộng hoà Czech Petr Pavel bày tỏ vui mừng vì cách Trung Quốc hành xử hiện nay liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhưng ông cho rằng, các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc thực sự không tương thích với các mục tiêu của EU. Theo ông, nếu muốn cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh, Brussels "cần phải hành động một cách thống nhất". Trong khi đó, Chủ tịch EC nhấn mạnh rằng việc tách rời Trung Quốc là "không khả thi" cũng như không đem lại lợi ích cho châu Âu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã nhiều lần bác bỏ ý định tách rời Bắc Kinh.

Về phía Trung Quốc, khi được hỏi về chiến lược "giảm thiểu rủi ro" của EU, Ngoại trưởng Tần Cương cho rằng, chính sách đó sẽ khiến lục địa này mất đi sự trung lập, đồng thời chỉ ra một mối nguy cơ thực sự đối với châu Âu. Theo ông, "một quốc gia nào đó" đã lạm dụng tình trạng độc quyền về tiền tệ của mình và gây ra lạm phát cũng như là khủng hoảng tài chính trong nước, với những tác động lan rộng nghiêm trọng.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh: "Đây là những rủi ro thực sự cần được xem xét nghiêm túc. Nếu xảy ra một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới", nó không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, mà lợi ích của châu Âu cũng sẽ bị hy sinh… Đó là rủi ro thực sự cần quan tâm".

Ông lấy dẫn chứng cho lập luận của mình qua một báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế Austria và Quỹ Doanh nghiệp Gia đình công bố hồi đầu tháng này, ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm 2% nếu nước này chia tách với Trung Quốc. Ngoại trưởng Tần Cương đánh giá cao lập trường của Berlin và Brussels, song nêu ra mối lo ngại rằng, chiến lược giảm thiểu rủi ro của EU có thể trở thành một quá trình "khử Trung Quốc" tại lục địa này, dẫn đến cắt đứt các cơ hội, hợp tác, ổn định và phát triển.

Ngoại trưởng Tần Cương đã phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt tiềm tàng, mà EC đề xuất, đối với các công ty Trung Quốc bị nghi ngờ nhập khẩu nguyên liệu chiến lược từ châu Âu để tái xuất sang Nga. Nhấn mạnh đây là "sự trao đổi và hợp tác bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga", ông cho biết Bắc Kinh sẽ có phản ứng thích đáng để bảo vệ vững chắc lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc, nếu EU áp đặt trừng phạt. Ngoài ra, ông cũng tái khẳng định rằng luật pháp Trung Quốc cấm vận chuyển vũ khí đến các khu vực có xung đột, cũng như có các quy định chặt chẽ quản lý việc xuất khẩu hàng hóa có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Với việc Trung Quốc chuẩn bị cử một phái đoàn đặc biệt đến hòa giải hòa bình ở Ukraine, Ngoại trưởng Tần Cương và người đồng cấp Đức Annale Baerbock thảo luận về cuộc chiến này tại cuộc hội đàm diễn ra tại Berlin hồi tuần trước. Bắc Kinh đã kêu gọi Berlin đi đầu trong việc xây dựng một khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững. Trong khi đó, Ngoại trưởng Annale Baerbock một lần nữa nhắc lại lập trường của EU, hối thúc Bắc Kinh gây sức ép nhằm buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

EU là một đồng minh trung thành của Mỹ nhưng cũng phụ thuộc mạnh mẽ vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Do vậy, các nước châu Âu đang buộc phải đấu tranh để cân bằng giữa mong muốn tham gia hợp tác về thương mại và đầu tư với Bắc Kinh, cùng lúc đó là đẩy lùi các tuyên bố về sự ràng buộc kinh tế theo lo ngại của Washington.

(Nguồn: CAND)

Anh thực dụng hơn với Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Gần nửa năm sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh - Trung Quốc đã hết, Ngoại trưởng Anh James Cleverly công bố cách tiếp cận thực tế và thực dụng hơn với Bắc Kinh.

Trong cách tiếp cận mới với Trung Quốc, nước Anh nhìn thấy những lợi ích quốc gia từ việc hợp tác với Bắc Kinh và cũng sẵn sàng thách thức những lĩnh vực đụng đến giá trị của họ.

3 trụ cột trong cách tiếp cận mới

"Sẽ dễ dàng hơn cho tôi và có thể khiến nhiều người hài lòng khi tuyên bố một cuộc chiến tranh lạnh mới nào đó và nói rằng mục tiêu của nước Anh là cô lập Trung Quốc.

Nhưng đó sẽ là một sai lầm, một sự phản bội lợi ích quốc gia và hiểu lầm có chủ ý về thế giới hiện nay nếu tôi nói như vậy", Ngoại trưởng Anh Cleverly khẳng định trong bài phát biểu chính sách quan trọng hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh London không thể gói gọn mối quan hệ với Bắc Kinh trong một từ "đối tác", "đối thủ" hay "mối đe dọa".

Theo ông, việc xác định cách tiếp cận bằng cách chọn một trong ba danh từ trên là "không thể" và "không khôn ngoan" với nước Anh hiện tại.

Giải thích thêm, ông Cleverly chỉ ra lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc với những thành tựu có tầm ảnh hưởng nhân loại.

Trung Hoa đã nhiều lần tan rồi lại hợp trong suốt chiều dài lịch sử, và mỗi lần như thế đất nước này lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ.

Phương Tây ngày nay không nhất thiết phải trở thành tù nhân của cái gọi là "Bẫy Thucydides" - một thuật ngữ của nhà khoa học chính trị người Mỹ Graham Allison, trong đó kết cục không thể tránh khỏi giữa một cường quốc mới trỗi dậy và cường quốc đã khẳng định được chỗ đứng của mình là chiến tranh.

"Từ bỏ đối thoại với Trung Quốc có nghĩa là từ bỏ việc giải quyết những vấn đề lớn nhất của nhân loại. Tệ hơn nữa, chúng ta sẽ bỏ qua những sự thật nổi bật, quan trọng đối với sự an toàn và thịnh vượng của nước Anh", ông Cleverly nêu vấn đề.

Đó là vấn đề biến đổi khí hậu, là nguồn nguyên liệu lớn nhất thế giới cho dược phẩm, là kho dữ liệu sức khỏe và nhiều vấn đề khác. Những điều này là cơ sở để Anh đề ra ba trụ cột trong cách tiếp cận mới với Trung Quốc dưới thời Thủ tướng Sunak.

Trụ cột thứ nhất: tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia của mình ở bất cứ nơi nào mà hành động của Bắc Kinh gây ra mối đe dọa cho người dân hoặc sự thịnh vượng của nước Anh.

Thứ hai, Anh sẽ tăng cường hợp tác và liên kết với bạn bè, đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Và trụ cột thứ ba: hợp tác với Trung Quốc, cả song phương lẫn đa phương, để duy trì và tạo ra các mối quan hệ cởi mở, mang tính xây dựng và ổn định, phản ánh tầm quan trọng toàn cầu của Trung Quốc.

Liên tục điều chỉnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ về bài phát biểu của Ngoại trưởng Cleverly, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết cách tiếp cận của London đối với Bắc Kinh đã liên tục được điều chỉnh dựa trên thực tế phát triển trong khoảng 10 năm qua.

Ông nhấn mạnh cách tiếp cận của Anh không phải là đặt ra yêu cầu chọn phe hay kiềm chế Trung Quốc mà để khiến Bắc Kinh hành xử một cách có trách nhiệm hơn, giữ đúng những cam kết quốc tế.

"Việt Nam có lịch sử và kinh nghiệm phát triển quan hệ cũng như xử lý quan hệ với nước láng giềng phương Bắc lâu đời, một lịch sử lâu đời hơn nhiều so với Anh.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam có lẽ biết rất rõ lợi ích của chính mình và cách tiếp cận của riêng mình. Và tôi tin Việt Nam có cách tiếp cận rất cân bằng để phát triển quan hệ cả với Trung Quốc, với các đối tác quốc tế khác và với Anh", đại sứ Anh nêu.

Theo ông Iain Frew, không ai dự đoán trước được thế giới vài chục năm tới sẽ ra sao, quốc gia nào sẽ vươn lên chỉ huy thế giới. Tuy nhiên, một điều khá rõ là Trung Quốc hiện nay đã có sự ảnh hưởng lớn, ví dụ như đầu tư hay sức mạnh quân sự ngày một tăng.

"Trung Quốc có thể sẽ trở thành một quốc gia rất hùng mạnh trong tương lai bằng cách này hay cách khác, chúng ta cần sẵn sàng cho điều đó. Và tôi nghĩ một cách tiếp cận khôn ngoan là cách tiếp cận có tính đến sức mạnh của trái tim, sức mạnh kinh tế, quyền lực mềm, sức mạnh của liên minh và hợp tác", đại sứ Anh nêu viễn cảnh.

Theo ông, không chỉ Anh, nhiều quốc gia khác cũng xem Trung Quốc là trung tâm trong chính sách đối ngoại. Nhưng điều đó sẽ không bất biến, bởi nó phụ thuộc vào các quyết định của Bắc Kinh.

"Giới lãnh đạo Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc có các lựa chọn cho tương lai về cách họ muốn phát triển mối quan hệ với bên ngoài. Họ cũng có các lựa chọn để xây dựng quan hệ đối tác tích cực. Và tôi thực sự hy vọng họ sẽ nắm lấy những cơ hội đó", Đại sứ Iain Frew chia sẻ.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang