EU: Elon Musk gặp họa; 'Lá chắn mạng'; Ba Lan cấm biểu tình, nông dân đụng độ cảnh sát; Sự kiên nhẫn của Anh tới hạn

ELON MUSK GẶP HOẠ Ở CHÂU ÂU: NHÀ MÁY TESLA BỊ PHÁ HOẠI, THIỆT HẠI 1 TỶ USD, PHẢI NGỪNG SẢN XUẤT 1.000 XE MỖI NGÀY

Theo Fortune, dù Elon Musk muốn kiếm tiền trên đất Châu Âu nhưng điều này không dễ vì gặp sự phản đối từ nhiều nhóm lợi ích.

Tờ Fortune cho hay ngày 5/3/2024 vừa qua được coi là ngày thảm họa với Elon Musk khi những kẻ tự gọi mình là nhà vận động môi trường đã phá hoại hoạt động nhà máy Tesla ở Đức, gây nên tổng thiệt hại 1 tỷ USD.

Một nhóm những kẻ tự xưng là "Hội núi lửa" đã phá hoại cột điện cao thế duy nhất gần nhà máy Tesla ở Grunheide-Đức, khiến cả khu vực hơn 60.000 cư dân ở Brandenburg và thậm chí một số nơi quanh thủ đô Berlin cũng chịu ảnh hưởng mất điện.

Vụ việc trên đã làm dấy lên những câu hỏi của giới truyền thông về khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng tại Đức khỏi những kẻ phá hoạt, các nhà hoạt động môi trường và thậm chí là tội phạm.

"Việc phá hủy nhà máy Gigafactory của ông trùm công nghệ Elon Musk ‘khốn khổ’ là một bước trên con đường giải phóng", tuyên bố của nhóm này gửi tới truyền thông nêu rõ khi chơi chữ "Elon" thành "Elend", nghĩa là "khốn khổ" trong tiếng Đức.

Giám đốc cấp cao Andre Thierig của nhà máy Tesla tại Đức ước tính thiệt hại có thể lên đến gần 1 tỷ USD do việc phải ngừng sản xuất 1.000 chiếc xe mỗi ngày.

Hiện nhà máy này của Tesla là Gigafactory đầu tiên tại Châu Âu, chuyên phụ trách sản xuất các mẫu Model Y cho hầu hết thị trường có tay lái bên trái, bao gồm cả Đức.

"Những kẻ ngu ngốc"

"Đây là những kẻ khủng bố-bảo vệ môi trường ngu ngốc nhất hành tinh", Elon Musk đã phải thốt lên sau thông tin nhà máy Tesla bị phá hoại.

Về lý thuyết, nhà máy Tesla tại Đức vẫn có nguồn điện khẩn cấp nhưng chúng cần trạm biến áp cục bộ để kết nối với mạng lưới điện cao thế.

Tuy nhiên cuộc tấn công của nhóm bảo vệ môi trường trên đã cắt đứt đường dây giữa trạm biến áp và mạng lưới cao thế, khiến nguồn điện khẩn cấp của nhà máy cũng bị hỏng.

Do không có điện nên hệ thống thông gió mà thiết bị của nhà máy không thể hoạt động, khiến 12.500 nhân viên phải ra về và chờ vài ngày mới có thể sửa chữa xong mạng lưới điện.

"Chúng tôi không nghĩ rằng hoạt động sản xuất có thể khôi phục trong tuần này", giám đốc Thierig nói.

Hiện những kẻ phá rối vẫn chưa được bắt giữ dù hoạt động phá hoại thường xảy ra trước đây ở Đức khi những người tự nhận là nhà bảo vệ môi trường đốt phá các dây cáp điện, cáp viễn thông hay thậm chí đường ray xe lửa ở một số địa điểm xa xôi nhưng nằm trên tuyến đường vận chuyển sản xuất.

Mỗi 1-2 năm/lần, nhiều nhóm nhỏ này lại có hoạt động phá hoại cơ sở hạ tầng mà không được phía chính phủ coi trọng.

Thậm chí Hiệp hội bảo vệ cơ sở hạ tầng liên bang Đức (BSKI) đã phải lên tiếng cho rằng các mục tiêu này chẳng khác gì miếng mồi ngon cho những kẻ phá hoại khi không được bảo vệ đúng mức.

"Chúng ta cần bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho hoạt động kinh doanh giống như cách chúng ta làm với một cơ sở quân sự vậy", Phó chủ tịch Hans Walter Borries của BSKI cho hay.

Kiếm tiền không dễ

Tờ Fortune cho hay nhóm phá hoại trên đã lên kế hoạch nhắm vào các nguồn cung ứng năng lượng cho nhà máy Tesla từ tháng 5/2021, khi dự án này vẫn còn đang trong quá trình xây dựng.

Nguyên nhân chính là việc xây dựng nhà máy Gigafactory của Tesla không nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân địa phương. Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra khi người dân cắm trại quanh các cánh rừng nhằm ngăn việc chặt bỏ cây cối xây nhà máy.

Sau đó, một báo cáo trích dẫn số liệu của công ty cấp nước địa phương WSE cho thấy bằng chứng nhà máy của Tesla đã gây ô nhiễm nguồn nước trong 2 năm qua. Nồng độ các hợp chất có hại như phốt pho và nitơ cao gấp 6 lần giới hạn cho phép.

Chính điều này đã khiến hoạt động của nhà máy Tesla tại Đức gặp rất nhiều thách thức. Thậm chí các vụ phá hoại như trên có khả năng sẽ còn tiếp diễn.

"Chúng tôi kiên quyết ủng hộ Tesla và sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào tiếp theo", Bộ trưởng công nghiệp Jörg Steinbach của vùng Brandenberg đã phải trấn an Tesla.

Trong khi đó, Bộ nội vụ liên bang Đức đã lên án hành vi phá hoại khi cho rằng chúng có những đặc điểm tương đồng với chủ nghĩa khủng bố.

"Liệu những vấn đề này có ảnh hưởng đến việc mở rộng nhà máy hay không thì tôi không thể nói trước", giám đốc Thierig của Tesla lo lắng nói.

Thông tin trên được cho là khá tệ hại với Elon Musk khi sản lượng nhà máy Tesla ở Châu Âu bị đình trệ do các tàu chở ắc quy từ Châu Á không thể qua kênh đào Suez vì phiến quân Houthi tấn công trên Biển Đỏ.

EU ÁP DỤNG 'LÁ CHẮN MẠNG' ĐỂ PHÒNG VỆ TRƯỚC CÁC CUỘC TẤN CÔNG MÁY TÍNH

Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng một “lá chắn mạng” để tự bảo vệ mình tốt hơn khỏi các cuộc tấn công máy tính.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 6/3, 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí trang bị cho mình một hệ thống cảnh báo mở rộng ra toàn bộ lãnh thổ, nhằm phát hiện tốt hơn các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra.

Theo đó, việc phát hiện sẽ được giao cho một mạng lưới gồm 6 hoặc 7 “trung tâm mạng” ở châu Âu. Được trang bị siêu máy tính và hệ thống trí tuệ nhân tạo, các trung tâm sẽ hoạt động theo mô hình của hệ thống vệ tinh Galileo, như dự án “lá chắn mạng” mà Ủy ban châu Âu (EC) cho biết khi trình bày dự án này vào năm ngoái.

Ý tưởng là giảm càng nhiều càng tốt thời gian phát hiện một cuộc tấn công máy tính vào cơ sở hạ tầng châu Âu như bệnh viện, mạng năng lượng…, để đối phó tốt hơn. Trong thời điểm hiện tại, trung bình phải mất 190 ngày kể từ khi phần mềm độc hại bắt đầu lan truyền cho đến khi chúng được phát hiện.

Ngoài ra, EU cũng sẽ thiết lập một lực lượng "dự bị mạng", gồm hàng nghìn người tham gia, các nhà cung cấp dịch vụ công và tư, trên cơ sở tự nguyện, để hỗ trợ nỗ lực phòng thủ trong trường hợp bị tấn công. Một quốc gia thành viên, một cơ quan hay một số quốc gia không phải là thành viên, như Thụy Sĩ hoặc Na Uy, có thể yêu cầu lực lượng "dự bị" này hỗ trợ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nghiêm trọng hoặc lớn.

Chi phí của “lá chắn mạng” này ước tính lên tới hơn 1 tỷ euro, trong đó 2/3 do EU tài trợ. Những biện pháp mới này vẫn phải được Hội đồng EU, nơi tập hợp các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu, chính thức thông qua.

BA LAN CẤM NÔNG DÂN BIỂU TÌNH ĐƯA MÁY KÉO VÀO THỦ ĐÔ

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, ngày 6/3, truyền thông Ba Lan dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ và Hành chính nước này, ông Marcin Kierwinski tuyên bố cảnh sát sẽ không cho phép nông dân biểu tình trên máy kéo đi vào thủ đô Vácsava.

Bộ trưởng Kerwinski nhấn mạnh: "Máy kéo sẽ không được chạy qua trung tâm thành phố vì đã có lệnh cấm. Cảnh sát sẽ thực thi lệnh cấm này".

Tuyên bố của quan chức Chính phủ Ba Lan được đưa ra trong bối cảnh nông dân nước này lên kế hoạch tiến hành cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Vácsava trong ngày 6/3, trong đó có sử dụng máy kéo nông nghiệp để tuần hành.

Ngày 9/2, nông dân Ba Lan bắt đầu các cuộc biểu tình quy mô lớn trên cả nước, chặn đường và lối vào các trạm kiểm soát ở biên giới với Ukraine. Những người biểu tình cũng đã nhiều lần đổ ngũ cốc từ các toa tàu Ukraine xuống đường. Yêu cầu chính của những người biểu tình là ngừng nhập khẩu nông sản từ Ukraine sang Ba Lan và từ bỏ các kế hoạch môi trường của Liên minh châu Âu (được gọi là Thỏa thuận Xanh) với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nông dân Ba Lan cho rằng việc mở cửa thị trường EU cho nông sản của Ukraine đã khiến giá hàng hóa trong nước giảm và gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

NÔNG DÂN BA LAN ĐỤNG ĐỘ CẢNH SÁT

Nông dân Ba Lan đụng độ với cảnh sát trên đường phố Warsaw, khi các cuộc biểu tình phản đối chính sách môi trường của EU và ngũ cốc Ukraine tăng nhiệt.

Nông dân Ba Lan hôm 6/3 tập trung bên ngoài văn phòng Thủ tướng và tuần hành về phía tòa nhà quốc hội ở thủ đô Warsaw để phản đối Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU) cũng như nguồn nông sản giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine.

Những người biểu tình cho rằng nông dân Ba Lan đang bị các quy định môi trường nghiêm ngặt của Thỏa thuận Xanh "giết chết". Thỏa thuận Xanh được EU đề ra, áp đặt nhiều hạn chế trong các lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp, nhằm hướng tới chuyển đổi xanh, với mục tiêu cuối cùng là đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Họ cũng phản đối việc nông sản Ukraine được EU miễn các loại thuế nhập khẩu, khiến sản phẩm của họ không thể cạnh tranh trên thị trường.

Đám đông biểu tình bị lực lượng cảnh sát chống bạo động chặn lại. Một số người biểu tình quá khích đá ném đá, pháo về phía cảnh sát và bị lực lượng này sử dụng bình xịt hơi cay, lựu đạn choáng đáp trả.

Một số cuộc xung đột lẻ tẻ nổ ra khi cảnh sát dùng dùi cui vụt người biểu tình quá khích và bị những người này chống trả.

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Marcin Kierwinski cho biết 23 người biểu tình quá khích đã bị bắt. Cảnh sát thủ đô Warsaw thông báo 13 sĩ quan bị thương, trong đó một người bị thương nặng ở vùng đầu.

Monika Beuth, phát ngôn viên chính quyền thủ đô Warsaw, cho biết khoảng 30.000 người đã xuống đường biểu tình. Quan chức cảnh sát Robert Szumiata nói ban đầu các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, nhưng sau đó có những nhóm người "chỉ tìm cách đối đầu với cảnh sát".

Ngoài biểu tình ở thủ đô, nông dân Ba Lan còn chặn toàn bộ cửa khẩu hàng hóa với Ukraine, ngăn xe tải chở nông sản vào nước này. Họ cho rằng ngành nông nghiệp Ukraine được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của EU và lấn át sản phẩm của họ trên thị trường nội địa.

Ukraine phủ nhận thông tin ngũ cốc nước này được bán ở Ba Lan và cáo buộc người biểu tình Ba Lan gây tổn hại nền kinh tế Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước nói việc nông dân Ba Lan chặn toàn bộ cửa khẩu biên giới hai nước "đã đi quá giới hạn cả về mặt kinh tế lẫn đạo đức".

Giới chức Ukraine còn cáo buộc Nga đứng sau các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan. Moskva bác bỏ điều này.

SỰ KIÊN NHẪN CỦA ANH TRƯỚC TÌNH TRẠNG KHỦNG KHIẾP Ở GAZA ĐÃ TỚI GIỚI HẠN

Trong cuộc gặp với Israel tới đây, Ngoại trưởng Anh David Cameron sẽ cảnh báo Israel rằng sự kiên nhẫn của nước này đã đi đến giới hạn và sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” khi tình trạng thiếu hụt viện trợ đang khiến người dân Gaza chết đói.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh vào hôm 5/3, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã chỉ trích Israel về vấn đề viện trợ cho Gaza và đặt ra câu hỏi rằng với tư cách là quốc gia chiếm đóng, nước này có đang thực sự tuân thủ luật pháp quốc tế hay không. Được biết, ông Cameron sẽ là người sẽ trực tiếp hội đàm với thành viên nội các chiến tranh Israel Benny Gantz.

“Tình trạng khủng khiếp ở Gaza là hiện thực không thể chối cãi. Mọi người đang chết vì đói và vì những căn bệnh có thể phòng ngừa được”, ông Cameron nói.

Giống như Mỹ, nước Anh ban đầu cũng ủng hộ cuộc tấn công của Israel vào Gaza nhằm đáp trả cuộc tấn công của nhóm chiến binh Hamas vào ngày 7/10/2022 khiến 1.200 người thiệt mạng và giải cứu 253 con tin đang bị bắt giữ.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, ông Cameron lại lên tiếng kêu gọi ngừng bắn sau khi cơ quan y tế Palestine ước tính con số thương vong đã lên tới 30.000 người và Liên Hợp Quốc liên tục cảnh báo rằng nhiều người đang trên bờ vực chết đói.

Ngoại trưởng Anh cho biết có nhiều mặt hàng đã bị từ chối vận chuyển vào Gaza vì chúng được cho là hàng hóa có “công dụng kép", đồng thời cũng thông báo rằng số tiền viện trợ gửi tới Gaza vào tháng 2 đã giảm một nửa so với tháng 1.

Ông Cameron nói thêm: “Sự kiên nhẫn của nước Anh trước tình trạng khủng khiếp ở Gaza đã đi tới giới hạn và chúng tôi cần đưa ra cảnh báo dành cho Israel. Tôi hy vọng rằng mọi việc sẽ thay đổi, bắt đầu từ cuộc gặp sắp tới với ông Gantz sau khi ông đến thăm Vương quốc Anh”.

Ông Benny Gantz, đối thủ chính trị của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng nhận được một thông điệp tương tự sau buổi gặp gỡ với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ở Washington hôm 4/5. Bà Harris yêu cầu Israel phải xây dựng một kế hoạch để tăng dòng chảy viện trợ cho Gaza, sau khi chỉ trích tình trạng đang diễn ra ở Gaza là "vô nhân đạo".

Liên Hợp Quốc và các cơ quan cứu trợ khác cũng đưa ra cáo buộc rằng Israel đã ngăn chặn hoặc hạn chế viện trợ vào Gaza. Israel đã phủ nhận cáo buộc này đã, cam kết sẽ cải thiện tình hình ở Gaza và không có giới hạn về viện trợ cho dân thường. Tuy nhiên, nước này cũng quy trách nhiệm cho Liên Hợp Quốc trong vấn đề vận chuyển hàng tiếp tế, đồng thời cho biết những hạn chế về số lượng hàng viện trợ và tốc độ viện trợ phụ thuộc lớn vào khả năng của Liên Hợp Quốc và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Nguồn: CafeF; Báo Tin Tức; Soha; Vnexpress; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang