EU: 143 phụ nữ kiện Đan Mạch; Apple bị phạt; Bất trắc nhập cư trái phép; Giảm rác thải bao bì; Ba Lan kêu gọi trừng phạt nông sản

Nhóm phụ nữ kiện Đan Mạch vì bị lén đặt vòng tránh thai

143 phụ nữ Greenland khởi kiện với cáo buộc chính quyền Đan Mạch đã lén đặt vòng cho họ từ năm 1966 tới 1970, khi một số người còn chưa thành niên.

Trong đơn kiện ngày 4/3, nhóm phụ nữ Greenland ngày 4/3 yêu cầu chính quyền Đan Mạch bồi thường 43 triệu kroner (6,3 triệu USD) vì hành động lén đặt vòng mà họ cho là đã vi phạm nhân quyền.

Một số người cho hay họ bị các bác sĩ Đan Mạch đặt vòng tránh thai khi mới 12 tuổi, trong chiến dịch kìm hãm đà tăng dân số ở Greenland. Có khoảng 4.500 phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của chiến dịch từ năm 1966 tới 1970.

Trước năm 1953, Greenland là thuộc địa của Đan Mạch. Vùng đất này sau đó được lập chính quyền địa phương, nhưng vẫn là một phần của lãnh thổ Đan Mạch và có hai nghị sĩ trong quốc hội Đan Mạch.

Tháng 10/2023, 67 phụ nữ đã yêu cầu chính quyền Đan Mạch bồi thường, nếu không sẽ khởi kiện, nhưng Copenhagen được cho là không có hành động nào. Kể từ đó, số người yêu cầu bồi thường đã tăng gấp đôi.

Naja Lyberth, người đầu tiên lên tiếng, cho hay đã bị đặt vòng khi còn là thiếu nữ trong chiến dịch kiểm tra sức khỏe của chính quyền Đan Mạch. Bà gọi hành động đặt vòng mà không tham vấn này là "chiến dịch triệt sản có tổ chức". Lyberth cho rằng chính quyền Đan Mạch đang "câu giờ" và các nạn nhân, trong đó người nhiều tuổi nhất đã 80, không thể chờ thêm được nữa.

"Chừng nào còn sống, chúng tôi còn muốn lấy lại lòng tự trọng và sự tôn trọng đối với quyền sinh sản của mình. Chính phủ không có quyền quyết định chúng tôi nên có con hay không", bà nói.

Theo Lyberth, bà khó khăn lắm mới có con năm 35 tuổi, trong khi nhiều phụ nữ phát hiện bản thân không thể thụ thai, có người tới năm 2022 mới biết mình đã bị lén đặt vòng.

"Hành động này giống như triệt sản các thiếu nữ từ lúc mới dậy thì", Lyberth, nhà tâm lý học và nhà bảo vệ quyền phụ nữ, nói. Nhiều người cho hay họ bị đau bụng dữ dội, chảy máu trong, nhiễm trùng vùng bụng.

Lyberth chia sẻ câu chuyện của mình vài năm trước, nhưng sau một thời gian dài, vụ bê bối mới thu hút chú ý rộng rãi ở Đan Mạch.

Năm ngoái, chính phủ Đan Mạch và Greenland đã mở điều tra về chiến dịch tránh thai ở Greenland từ năm 1960 tới 1991, thời điểm vùng lãnh thổ tự trị giành lại quyền kiểm soát ngành y. Kết quả điều tra sẽ được báo cáo vào tháng 5/2025.

"Đây là thảm kịch. Chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ. Đó là lý do một nhóm nghiên cứu đang tiến hành cuộc điều tra độc lập, khách quan", Bộ trưởng Nội vụ và Y tế Đan Mạch Sophie Løhde bày tỏ.

Apple bị phạt 1,8 tỷ EUR tại châu Âu

Lần đầu tiên Apple bị Brussels phạt tiền trong bối cảnh các cơ quan quản lý cạnh tranh tăng cường giám sát Big Tech.

Brussels đã phạt Apple hơn 1,8 tỷ EUR vì bóp nghẹt cạnh tranh từ các dịch vụ phát nhạc trực tuyến đối thủ. Đây là lần đầu tiên, nhà sản xuất iPhone bị trừng phạt vì vi phạm luật pháp EU.

Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của khối, thông tin: Apple đã phá vỡ các quy tắc chống độc quyền của EU trong một thập kỷ khi "hạn chế các nhà phát triển thông báo cho người tiêu dùng về các dịch vụ âm nhạc thay thế, rẻ hơn có sẵn bên ngoài hệ sinh thái Apple".

Apple nói sẽ sẽ kháng cáo quyết định này, báo hiệu quy trình pháp lý kéo dài nhiều năm tại các tòa án EU.

Ủy ban Châu Âu cho biết họ đã vượt ra ngoài quy trình phạt tiêu chuẩn nhằm răn đe không chỉ Apple mà còn các "công ty khác có quy mô và nguồn lực tương tự". Bà Vestager nói rằng "phần tiền phạt truyền thống" - khoảng 40 triệu EUR - là "khá nhỏ". Do đó, ủy ban đã tăng tổng số tiền phạt lên 1,84 tỷ EUR, tương đương 0,5% doanh thu toàn cầu của Apple.

Tháng trước, truyền thông đưa tin số tiền phạt dự kiến vào khoảng nửa tỷ EUR. Tuy nhiên, sau đó, ủy ban đã quyết định áp dụng mức phạt cao hơn. Nó là án phạt chống độc quyền lớn thứ ba tại EU. Trước đó, Google bị phạt tổng cộng khoảng 8 tỷ EUR trong một thập kỷ do vi phạm luật chống độc quyền, dù hãng này cũng đang kháng cáo.

Apple lập luận ủy ban đã ra quyết định dù không "phát hiện ra bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về tác hại của người tiêu dùng", đồng thời Brussels "bỏ qua thực tế về một thị trường đang phát triển nhanh, mạnh và cạnh tranh".

Ủy ban bắt đầu điều tra Apple vào năm 2019 sau khi ứng dụng phát nhạc trực tuyến Spotify khiếu nại, cáo buộc “táo khuyết” có hành vi phản cạnh tranh. Các nhà quản lý EU phát hiện hành động của Apple đã dẫn đến việc người dùng phải trả "giá cao hơn đáng kể" cho các dịch vụ phát nhạc trực tuyến.

Nhà sản xuất iPhone tính phí 30% cho tất cả doanh số bán hàng thông qua App Store, một chi phí mà ủy ban cho rằng đã được chuyển sang cho người tiêu dùng gánh chịu dưới dạng phí đăng ký cao hơn.

Cũng trong phán quyết hôm 4/3, ủy ban cấm Apple chặn các ứng dụng cung cấp dịch vụ bên ngoài iOS.

Apple chưa bao giờ bị Brussels phạt vì vi phạm chống độc quyền, nhưng công ty từng bị phạt 1,1 tỷ EUR vào năm 2020 tại Pháp vì cáo buộc phản cạnh tranh. Sau khi kháng cáo, tiề phạt giảm còn 372 triệu EUR.

FT nhận định hành động của EU sẽ khơi mào cuộc chiến giữa Brussels và Big Tech vào thời điểm các doanh nghiệp công nghệ đang buộc phải thể hiện việc tuân thủ các quy tắc mới sâu rộng. Hạn chót ngày 6/3, Big Tech phải tuân thủ Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA). DMA khiến Apple phải đề xuất một loạt thay đổi đối với hệ điều hành iOS như cho phép người dùng tải ứng dụng từ các nguồn khác ngoài App Store, sử dụng hệ thống thanh toán thay thế.

Bất trắc hành trình nhập cư bất hợp pháp

Trong 2 năm qua, làn sóng nhập cư bất hợp pháp đến Vương quốc Anh tăng cao kỷ lục với hầu hết người di cư chọn con đường vượt Eo biển Manche từ Pháp bằng thuyền hơi hoặc đi đường bộ trên những xe tải đông lạnh chở hàng từ châu Âu.

Nhiều người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đã bỏ mạng trên hành trình nguy hiểm này khi chưa đặt chân tới Anh. Mạo hiểm tính mạng để đến Anh, người nhập cư trái phép có nguy cơ bị trục xuất hoặc sống chui lủi bất hợp pháp, trở thành nạn nhân của chính những kẻ đưa họ vào con đường di cư đầy bất trắc này.

Ngày 28/2, một người đã thiệt mạng và hai người mất tích sau khi rơi xuống biển từ một chiếc thuyền cố vượt biển từ Pháp đến Anh. Đây là sự cố mới nhất liên quan tới người nhập cư bất hợp pháp vượt Eo biển Manche đến Anh. Trên tuyến đường này, hồi tháng 1 vừa qua, 6 người di cư đã bỏ mạng trong khi 4 người tử vong vào tháng 12/2023, và ít nhất 6 người thiệt mạng, 2 người mất tích trong vụ lật thuyền hồi tháng 8/2023. Thảm kịch lớn nhất trên tuyến đường di cư này là vụ chìm thuyền hồi tháng 11/2021, khiến ít nhất 27 người thiệt mạng.

Theo Bộ Nội vụ Anh, trong 2 năm qua, 76.000 người từ các quốc gia trên khắp thế giới đã đến Anh bằng cách vượt Eo biển Manche trên các con thuyền nhỏ. Số người tử vong trên hành trình nguy hiểm này tăng gấp 3 lần trong năm 2023 so với năm trước. Kể từ năm 2019, ít nhất 65 người đã thiệt mạng khi vượt biển trên những chiếc thuyền hơi từ Pháp sang Anh.

Ông James Grace, quan chức thuộc Lực lượng chống nhập cư bất hợp pháp trên biển (SBOC), cảnh báo hành trình vượt Eo biển Manche đến Anh đặc biệt nguy hiểm khi 50-60, thậm chí 80 người được nhồi nhét trên 1 chiếc thuyền hơi nhỏ, rẻ tiền, không được thiết kế để vượt biển đường dài, trong khi trang thiết bị an toàn như áo phao, phao cứu sinh, hầu như không có. Những chiếc thuyền chở quá tải này dễ dàng bị lật, tràn nước, xịt hơi hoặc thủng khi di chuyển trên biển trong điều kiện thời tiết biến đổi nhanh.

Việc đi đường bộ trên những chiếc xe tải đông lạnh chở hàng cũng rủi ro không kém khi người di cư phải trốn trong khoang đông lạnh kín với nguy cơ bị chết cóng hoặc chết ngạt, hoặc bị bắt tại các cảng hoặc cửa khẩu. Dư luận thế giới vẫn chưa thể quên được vụ thi thể của 39 người Việt được tìm thấy trong một xe tải container đông lạnh tại hạt Essex của Anh hồi năm 2019 và thảm kịch tương tự xảy ra vào năm 2000 khi 60 người Trung Quốc được phát hiện bên trong một xe tải chở cà chua tại cảng Dover, hạt Kent, phía Đông Nam nước Anh, trong đó 58 người đã chết và chỉ 2 người sống sót.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Anh, ông James Grace nhấn mạnh ngay khi đến được Anh, người nhập cư bất hợp pháp không có cơ hội ở lại để bắt đầu cuộc sống mới. Ông dẫn Luật Nhập cư bất hợp pháp của Anh quy định, những người đến nước này bằng con đường trái phép sẽ bị giam giữ và trục xuất về nước ngay lập tức, hoặc bị đưa tới một quốc gia thứ ba như Rwanda. Theo luật Anh, những người nhập cảnh từ một quốc gia an toàn và nộp đơn xin tị nạn cũng sẽ không được xét hồ sơ.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, năm ngoái, đã có hơn 6.300 trường hợp xin tị nạn bị buộc hồi hương và hơn 19.000 trường hợp xin hồi hương tự nguyện, tăng lần lượt 66% và 76% so với năm trước, trong bối cảnh Chính phủ Anh siết chặt luật nhập cư. Ông Grace lưu ý Chính phủ Anh sẽ mạnh tay với những đối tượng tạo điều kiện cho việc nhập cảnh trái phép vào Anh và những nghi phạm theo Luật nhập cư bất hợp pháp sẽ bị điều tra và có thể bị bắt và kết án.

Anh cũng áp dụng những quy định hình sự mới đối với người nhập cảnh bất hợp pháp với các hình phạt ngày càng cứng rắn. Người nhập cư đến Anh không qua thủ tục nhập cảnh hợp lệ bị coi là phạm tội hình sự với mức án lên đến 4 năm tù, trong khi tội phạm đưa người nhập cư trái phép sang Anh đối mặt với án tù chung thân. Những người bị phát hiện tiếp tay cho đường dây buôn người, như lái thuyền chở người nhập cư bất hợp pháp hoặc giúp người di cư trả tiền cho tội phạm buôn người, sẽ bị truy tố và kết án trước khi bị trục xuất đến một quốc gia khác.

Từ khi thành lập Cơ quan tình báo chung vào tháng 7/2020, Anh và Pháp đã triệt phá 76 nhóm tội phạm có tổ chức và thực hiện hơn 500 vụ bắt giữ, với 779 người bị kết án tại Anh về các tội liên quan đến nhập cư với tổng hình phạt hơn 900 năm tù, và hơn 340 bản án liên quan đến các vụ đưa người nhập cảnh trái phép.

Bộ Nội vụ cũng cảnh báo với những người nhập cư trái phép cố tình trốn lại, cuộc sống đầy bất trắc khi họ không có quyền làm việc, thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng hay tiếp cận dịch vụ y tế, xã hội tại Anh. Vì vậy, nhiều người nhập cư bất hợp pháp phải phụ thuộc vào chính các đối tượng đưa họ sang Anh để tìm việc làm và nơi ở, và trong nhiều trường hợp bị bóc lột lao động, hoặc buộc phải làm những công việc trái pháp luật, nguy hiểm hoặc tham gia vào các đường dây tội phạm.

Bất chấp những rủi ro, số người di cư đến Anh - phần lớn bằng đường biển - vẫn cao, cho thấy nhận thức trong cộng đồng về mối nguy hiểm của những tuyến đường di cư bất hợp pháp vẫn còn hạn chế.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Carol Heginbottom, Phó Giám đốc bộ phận Hoạt động quốc tế thuộc SBOC, cho biết thách thức lớn nhất của lực lượng chống nhập cư bất hợp pháp là việc truyền tải thông điệp về mức độ nguy hiểm của hành trình xuyên Eo biển Manche, cũng như việc xử lý vấn nạn bóc lột người di cư. Bà Carol Heginbottom cảnh báo người di cư đang mạo hiểm tính mạng khi vượt biển trên những con thuyền nhỏ kém chất lượng, nhấn mạnh đối tượng duy nhất hưởng lợi là các băng nhóm tội phạm, vốn không quan tâm tới mạng sống của người di cư, trong đó có phụ nữ và trẻ em, sẵn sàng đưa họ vào chỗ chết trong các chuyến đi đầy nguy hiểm.

Ông Grace cũng đồng tình, nhiều người đã trả cho những kẻ buôn người khoản tiền dành dụm cả đời chỉ để nhận kết cục bị bắt khi vừa đặt chân tới Anh, buộc phải về nước hoặc đến một nước thứ ba. Ông Grace nêu rõ người nhập cư cần tìm hiểu về những tuyến đường an toàn và hợp pháp đến Anh. Từ năm 2015, Anh là nước tiếp nhận người tị nạn lớn thứ ba ở châu Âu sau Đức và Thụy Điển và lớn thứ sáu trên thế giới, với hơn nửa triệu người được nhập cư vào Anh theo các tuyến đường hợp pháp. Ông Grace khẳng định mặc dù hạn chế tình trạng nhập cư bất hợp pháp, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ những người tị nạn dễ bị tổn thương cũng như nghiên cứu các tuyến đường mới an toàn và hợp pháp cho những người xin tị nạn.

Năm 2023, Chính phủ Anh thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp, như thành lập lực lượng chuyên trách chống nhập cư bất hợp pháp trên biển, hợp tác với Pháp và các đối tác quốc tế tăng cường giám sát, tuần tra biển, đặc biệt ở các điểm tập trung đưa người vượt biển; tăng cường kiểm soát biên giới đường bộ, sử dụng chó nghiệp vụ và máy quét có thể phát hiện người để khám xét xe tải tại tất cả các trạm kiểm soát của Liên minh châu Âu (EU) trước khi đến Anh; trấn áp tội phạm buôn người có tổ chức; ban hành luật mới nhằm đưa những người nhập cư bất hợp pháp trở về nước hoặc đến nước thứ ba. Mới đây, ngày 23/2, Anh và EU đạt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan biên giới Anh và Cơ quan biên giới EU (Frontex) nhằm đảm bảo an ninh biên giới và chống tội phạm có tổ chức về nhập cư bất hợp pháp.

Với những nỗ lực này, số người vượt Eo biển Manche đến Anh giảm 36% trong năm 2023 xuống còn gần 29.440 người, so với 45.780 người trong năm 2022. Cùng với Pháp, Anh cũng ngăn chặn được 26.000 lượt người có ý định vượt biển đến nước này vào năm 2023. Theo ông Grace, nhập cư bất hợp pháp là thách thức quốc tế mà Chính phủ Anh đang nỗ lực giải quyết trên mọi mặt trận, gồm việc hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ông nhấn mạnh Việt Nam và Anh đang hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn nạn nhập cư bất hợp pháp cũng như các vấn đề khác.

Bà Heginbottom cũng cho biết Chính phủ Anh đang thực hiện các chiến dịch truyền thông xã hội ở ngước ngoài với hy vọng truyền tải thông điệp cảnh báo tới những người có ý định thực hiện hành trình di cư nguy hiểm đến Anh.

Châu Âu đạt thỏa thuận về một văn bản giảm lượng rác thải bao bì

Thỏa thuận của EU đặt ra một số mục tiêu, trong đó có giảm theo trọng lượng sản xuất rác bao bì bất kể vật liệu: giảm 5% đến năm 2030, 10% đến năm 2035 và 15% đến năm 2040 so với năm 2018.

Nghị viện châu Âu (EP), các quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt thỏa thuận về một văn bản nhằm giảm lượng rác bao bì tại châu Âu.

Thỏa thuận đặc biệt được mong đợi này đã đạt được vào tối 4/3 tại Brussels. Các nhà đàm phán từ EP, EC và Hội đồng châu Âu đã kết thúc một năm đàm phán về quy định bao bì và chất thải bao bì. Một thỏa thuận gần như hoàn chỉnh, nhưng EC vẫn chưa ký kết.

Thỏa thuận đặt ra một số mục tiêu, trong đó có mục tiêu giảm theo trọng lượng sản xuất rác bao bì bất kể vật liệu (nhựa, gỗ, kim loại sắt, nhôm, thủy tinh, giấy và bìa carton): giảm 5% đến năm 2030, 10% đến năm 2035 và 15% đến năm 2040 so với năm 2018.

Đến năm 2030, tất cả các bao bì trong Liên minh châu Âu (EU) phải tái chế được, ngoại trừ một số trường hợp. Trong các quán càphê và nhà hàng, tất cả nhựa sử dụng một lần cho bán lẻ sẽ bị cấm nhưng bao bì bằng giấy hoặc bìa cứng vẫn được phép.

Do đó, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh sẽ không bắt buộc phải sử dụng hộp đựng có thể tái sử dụng thay vì vô số bao bì dùng một lần, nhưng ít nhất họ sẽ phải cho phép người tiêu dùng mang theo hộp đựng của riêng mình nếu họ muốn mang bữa ăn đi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực khách sạn được hưởng lợi từ một số miễn trừ nhất định.

Từ ngày 1/1/2030, sẽ chấm dứt sử dụng các bao bì nhựa sử dụng một lần cho trái cây và rau củ, thực phẩm và đồ uống, gia vị, sốt, đường, v.v. trong ngành ăn uống ; cho các sản phẩm mỹ phẩm nhỏ và dùng trong ngành lưu trú (ví dụ, chai dầu gội hoặc dưỡng thể); và cho các túi nhựa rất nhẹ (dưới 15 micron, như những túi mà khách hàng nhận được tại các chợ hoặc cửa hàng tạp hóa), "trừ khi chúng cần thiết cho mục đích vệ sinh."

Để tránh bao bì quá khổ, các quy định mới đặt ra tỷ lệ khoảng trống tối đa là 50% trong bao bì đóng gói, vận chuyển và thương mại điện tử, đồng thời yêu cầu nhà sản xuất và nhà nhập khẩu giảm thiểu trọng lượng và khối lượng của bao bì.

Đề xuất quy định cũng mở đường cho việc thiết lập các hướng dẫn về chai nhựa và lon hộp. Đến năm 2029, các quốc gia thành viên phải đảm bảo thu gom riêng biệt ít nhất 90%/ năm của các bao bì này. Để làm điều này, họ phải áp dụng một hệ thống tiền đề, trừ khi trước đó họ đã thiết lập một hệ thống cho phép đạt được mục tiêu bằng các cách khác.

Thỏa thuận cũng hạn chế từ năm 2026 đối với việc đưa ra thị trường bao bì tiếp xúc với thực phẩm có chứa per và polyfluoroalkylat (Pfas) vượt quá ngưỡng nhất định.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), châu Âu đã sản xuất 84 triệu tấn bao bì vào năm 2021, tương đương 188,7 kg rác thải trên mỗi người dân. Nếu không có biện pháp, ước tính lượng rác thải này có thể tăng lên 209kg vào năm 2030./.

Ba Lan kêu gọi EU trừng phạt nông sản của Nga và Belarus

Ba Lan, vốn đang tìm cách đáp ứng các yêu cầu của nông dân biểu tình, có kế hoạch yêu cầu Liên minh châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập từ Nga và Belarus, theo Thủ tướng Donald Tusk cho biết hôm 4/3 trong chuyến thăm thủ đô Vilnius của Litva.

Giống như phần lớn châu Âu, Ba Lan đã hứng chịu các cuộc biểu tình trong những tuần gần đây khi nông dân diễu hành phản đối các quy định về môi trường của EU và điều mà họ cho là sự cạnh tranh không công bằng từ Ukraine kể từ khi khối này miễn thuế cho các hàng nhập khẩu vào năm 2022.

Tuần trước, Thủ tướng Tusk cho biết sự gián đoạn thị trường cũng do các sản phẩm nông nghiệp từ Nga và Belarus gây ra và không loại trừ việc đưa ra lệnh cấm.

“Tôi muốn thông báo với các bạn rằng hôm nay tôi sẽ chuyển cho Chủ tịch Quốc hội đề xuất về một nghị quyết kêu gọi Ủy ban Châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm thực phẩm từ Nga và Belarus”, ông Tusk nói trong cuộc họp chung với Thủ tướng Litva, Ingrida Simonyte.

Ông Tusk cho rằng các quyết định chung của EU sẽ hiệu quả hơn các biện pháp do từng quốc gia đưa ra. Còn bà Simonyte cho biết Vilnius sẽ ủng hộ sáng kiến này.

Hôm 29/2, Thủ tướng Tusk cho biết nông sản từ Nga và Belarus đang gây biến dạng thị trường.

"Latvia quyết định thực hiện lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm (nông nghiệp) từ Nga", ông Tusk nói trong một cuộc họp báo vào tuần trước khi tiếp đón thủ tướng Latvia tại Warsaw. “Chúng tôi sẽ phân tích trường hợp của Latvia và tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ có hành động phù hợp.”

Thủ tướng Ba Lan cho biết Liên minh châu Âu cần "tập trung nghiêm túc vào các quy định tốt hơn khi nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm từ phía đông".

Nguồn: Vnexpress; Vietnamnet; Báo Tin Tức; VietnamPlus; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang