EU: Cảnh báo thiếu nước; Lạm phát giảm; Thế kẹt giữa 2 cuộc chiến; Tự chủ vũ trang không dễ; Thụy Điển chính thức vào NATO

CẢNH BÁO THIẾU NƯỚC NGHIÊM TRỌNG Ở CHÂU ÂU

Ủy ban châu Âu ước tính rằng biến đổi khí hậu có thể làm giảm 7% sản lượng kinh tế của khối cho đến năm 2100.

Biến đổi khí hậu đang đè nặng lên nguồn tài nguyên nước của EU, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ xung đột giữa các thành viên trong khối, Politico đưa tin vào hôm thứ Tư, trích dẫn một tài liệu bị rò rỉ của Ủy ban châu Âu.

Theo tài liệu này, cơ quan điều hành của khối sẽ cảnh báo các nước thành viên về rủi ro khí hậu gia tăng vào tuần tới. Brussels cho biết những nỗ lực của EU là chưa đủ để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này, đồng thời kêu gọi các chính phủ cần gấp rút hành động cho việc ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tài liệu này cũng xác định tình trạng khan hiếm nguồn nước là một trong những thách thức hàng đầu mà 27 quốc gia thành viên EU đang phải đối mặt. Các quan chức cảnh báo tình trạng này đang đe dọa đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống và có thể sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua về nguồn cung trong EU.

Hiện, EU đang rơi vào thế khó khi các chính sách phát triển xanh đang vấp phải sự phản đối quyết liệt, cũng như áp lực nguồn nước ngày càng gia tăng do các hiện tương thời tiết cực đoan, chẳng hạn: mưa lớn dẫn đến lũ lụt hay hạn hán khiến nguồn nước khan hiếm.

Vào đầu năm nay, tranh chấp về nước đã xảy ra tại các khu vực ở Tây Ban Nha. Tháng trước, Catalonia, nơi đang đối mặt với đợt hạn hán khủng khiếp nhất lịch sử, đã cố thuyết phục chính quyền TP Madrid chuyển nước từ nước láng giềng Aragón sang sông Ebro. Tại Pháp, các nhà hoạt động khí hậu đã xung đột với cảnh sát vào năm ngoái khi cố ngăn cản việc xây dựng hồ chứa nước cho nông dân.

Ủy ban châu Âu ước tính rằng biến đổi khí hậu có thể làm giảm 7% sản lượng kinh tế của khối cho đến năm 2100. Những rủi ro liên quan đến nước như lũ lụt tại các ven biển có thể khiến EU thiệt hại 1,6 nghìn tỷ euro hàng năm (1,75 nghìn tỷ USD).

Theo tài liệu, khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm hàng đầu cũng như lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế và doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề sống còn về mặt kinh tế đối với các vùng nông thôn và ven biển.

Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng ngay cả khi một số chính sách được áp dụng, việc quản lý hiện tượng nóng lên toàn cầu trong khối vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Tài liệu cũng cảnh báo về việc EU có thể phải đối mặt với nhiều thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu hơn trong tương lai như: hạn hán, lũ lụt, cháy rung, bệnh tật, thiệt mạng vì nắng nóng.

TÌNH HÌNH LẠM PHÁT Ở KHU VỰC ĐỒNG TIỀN CHUNG CHÂU ÂU ĐANG GIẢM DẦN

Theo nhật báo Les Echos, mức tăng của giá đang dần chậm lại cho thấy lời kêu gọi cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang được lắng nghe để tránh thiệt hại cho nền kinh tế.

Nhận xét về tình hình lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhật báo Les Echos cho rằng mức tăng của giá đang dần chậm lại cho thấy lời kêu gọi cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang được lắng nghe để tránh thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo công bố của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát ở Khu vực đồng euro vẫn đang giảm dần. Vào tháng 2/2024, lạm phát tăng 2,6%, trong khi tháng trước đó lạm phát ở mức 2,8%.

Giá thực phẩm tăng ít hơn so với tháng Một, tương tự đối với hàng hóa sản xuất và và ít hơn ở khu vực dịch vụ. Ở hầu hết các nước châu Âu, lạm phát đang chậm lại đáng kể, đặc biệt ở Đức, Pháp và cả Tây Ban Nha.

Tuy nhiên ngay cả khi hoạt động kinh tế ở khu vực đồng euro vẫn suy thoái và lạm phát chậm lại, rất ít khả năng những thông tin này sẽ thuyết phục ECB hạ lãi suất. Bởi vì những người chịu trách nhiệm về tổ chức có trụ sở tại Frankfurt vẫn lo ngại lạm phát sẽ kéo dài.

Đối với họ, dường như “dặm cuối cùng," tức là quay trở lại mức lạm phát 2%, là điều khó thực hiện nhất. Việc giá dịch vụ chỉ giảm rất chậm khiến họ lo ngại tiền lương sẽ tăng quá nhanh để có thể đưa lạm phát trở lại mức 2%. Trong khi đó, hoạt động sản xuất có xu hướng giảm từ hai năm nay ở Khu vực đồng euro và điều này có nguy cơ thúc đẩy lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong ba thập kỷ, ở mức 6,4%.

Tuy nhiên, lãi suất tăng hiện đang có tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế. Các khoản vay ngân hàng dành cho các công ty trong khu vực đồng euro đang bị tồn đọng, đầu tư kinh doanh cũng được dự đoán sẽ tiếp tục trì trệ. Và Cơ quan quan sát điều kiện kinh tế Pháp (OFCE) dự đoán chính sách tiền tệ hạn chế của ECB sẽ làm giảm mức tăng trưởng của Pháp 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Với lạm phát chỉ trên 2% và lãi suất doanh nghiệp gần 5,5%, chi phí nợ thực tế đang tiến gần tới mức 3,5%. Trong môi trường mà GDP luôn giậm chân tại chỗ từ 18 tháng qua, chi phí này là rất cao đối với nền kinh tế.

Đặc biệt là vào thời điểm các quốc gia và công ty phải đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để cạnh tranh bình đẳng với các cường quốc Trung Quốc và Mỹ, cũng như và vào việc tập trung nâng cao năng lực sản xuất vũ khí để đối phó với những mối đe dọa từ Nga.

Ông Xavier Ragot, Chủ tịch OFCE, bày tỏ mong muốn: “Ít nhất, ECB phải thông báo rằng họ sẽ nhanh chóng hạ lãi suất, nếu không, thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ ngày càng lớn hơn theo thời gian.”

Còn ông Nicolas Goetzmann, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Financière de la Cité, công khai chỉ trích: “ECB đang chống lại việc tăng lương chứ không phải tăng giá."

Lý do cho sự thiên vị này rất đơn giản, đó là khu vực đồng euro tạo ra thặng dư tài khoản vãng lai nhờ phần còn lại của thế giới. Do đó, nó được hưởng lợi từ nhu cầu nước ngoài bằng cách nén nhu cầu của chính mình để đạt được khả năng cạnh tranh và tấn công thị trường nước ngoài.

Vấn đề đặt ra hiện nay là để giảm lạm phát từ 2,6% xuống 2%, sẽ cần phải giảm lãi suất các khoản vay và quyết định này phụ thuộc vào thái độ của ECB./.

THẾ KẸT CỦA EU GIỮA HAI CUỘC CHIẾN

Cả hai cuộc chiến đều đang xảy ra ngay trước "cửa ngõ" châu Âu, giáng đòn nặng nề vào kinh tế và xã hội, làm lung lay nghiêm trọng an ninh, trật tự châu Âu.

Theo nhận định của Jade Wong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Gordon&Leon (Mỹ) mới đây, EU hiện đang bị mắc kẹt giữa hai cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Cả hai đều đang xảy ra ngay trước "cửa ngõ" châu Âu, đều đang giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế và xã hội châu Âu. Cả hai cuộc chiến cũng đều đang làm lung lay nghiêm trọng an ninh, trật tự châu Âu.

Cuối tháng 10 năm ngoái, Josep Borrell, người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU, đã mô tả cảm xúc của mình khi nghe tin về xung đột Israel - Hamas, cho rằng có cảm giác tương tự như vào ngày 24/2/2022, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Ông Borrell nói: “Chúng ta sắp phải đối mặt với một thời điểm quyết định khác trong lịch sử, tạo ra đau khổ to lớn cho con người và xác định vai trò toàn cầu của EU trong nhiều năm tới”.

Có thể nói, cho đến nay EU đã tránh được điều tồi tệ nhất. Dù đã thất bại trong việc biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội, nhưng châu lục này đã tự thích nghi với hoàn cảnh và tìm cách bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình. Thậm chí có thể lập luận rằng tình hình hiện tại ở một mức độ nào đó đã giúp EU tránh được những khó khăn lớn hơn.

Vào ngày thứ 4 của cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt các lực lượng răn đe của Nga trong tình trạng báo động cao, làm dấy lên một kịch bản chiến tranh hạt nhân cho châu Âu. Tránh leo thang hoặc lan rộng xung đột là nhu cầu cấp thiết nhất của EU. Mặt khác, EU không muốn thấy toàn bộ khu vực Á-Âu chìm trong hỗn loạn, một lập trường được thể hiện rõ qua những tuyên bố thận trọng liên quan đến cuộc binh biến của lực lượng Wagner.

Bên cạnh đó, EU không theo đuổi một chiến thắng nhanh chóng hay trọn vẹn cho Ukraine. Hai cuộc phản công lớn đã được Ukraine phát động vào mùa thu năm 2022 và một lần nữa vào mùa hè năm ngoái. Kết quả là sự bế tắc kéo dài trên chiến trường. Tuy nhiên, tại Hội nghị An ninh Munich gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus, một phần vì lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Ngoài những cân nhắc về mặt chiến thuật, hai yếu tố đã ngăn cản EU can dự sâu vào cuộc chiến: Thứ nhất là cơ chế ra quyết định ngoại giao ở cấp EU và lập trường ở cấp quốc gia. Thứ hai là năng lực sản xuất quân sự của châu Âu.

Về vấn đề Trung Đông, EU rơi vào thế khó hơn. Vấn đề Do Thái và Hồi giáo đã chia rẽ châu Âu. Mặc dù là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Trung Đông, EU đã không thể hiện được vai trò địa chính trị sau khi xung đột bùng nổ ở Gaza. Chính sức mạnh quân sự của Mỹ – hai nhóm tấn công tàu sân bay và chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng đang ổn định tình hình trong khu vực.

Châu Âu có nhiều mối quan ngại liên quan đến Trung Đông. Trước hết, họ muốn tránh làn sóng người tị nạn. Mùa xuân Arab năm 2011 đã dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu năm 2015 và điều đó vẫn còn ám ảnh EU. Với nguồn lực quân sự hạn chế, EU không muốn đối mặt với các cuộc chiến cùng lúc ở Trung Đông, Ukraine và có thể cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, EU muốn đảm bảo các tuyến đường vận tải hàng hải và tự do thương mại.

Cho rằng các hành động của Mỹ đã giải quyết được những mối quan ngại chính của châu Âu, EU phần lớn đã chấp nhận và hợp tác. EU cũng đã triển khai chiến dịch hộ tống ở Biển Đỏ riêng của mình, Chiến dịch Aspides, tuy nhiên, hoạt động này nhằm bổ sung cho các hoạt động của Mỹ.

Thành công trong quá khứ đôi khi lại trở thành gánh nặng ở thời điểm hiện tại là điều thường thấy. Tình trạng khó khăn hiện tại của EU là kết quả của di sản phức tạp của những thành công trong quá khứ.

Hội nhập, bắt đầu từ đầu Chiến tranh Lạnh và tăng tốc sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã là công thức chiến thắng cho châu Âu trong nửa thế kỷ. Điều này không chỉ xác lập trật tự châu Âu mà còn là nguồn sức mạnh của EU trong các vấn đề quốc tế. Nhưng hai cuộc chiến đang diễn ra đặt ra thách thức hội nhập.

Tuy nhiên, về cơ bản, hội nhập châu Âu không bị phủ nhận. Nếu không có hy vọng gia nhập EU, Ukraine có thể không có động lực tinh thần trong cuộc xung đột với Nga. Nếu không có triển vọng trở thành thành viên EU, việc tái thiết Ukraine sau xung đột sẽ trở thành một vấn đề lớn, như những thất bại ở Iraq và Afghanistan đã cho thấy.

Một vấn đề chiến lược quan trọng khác với EU là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sự tập trung của châu Âu vào hòa bình và thịnh vượng sau Thế chiến thứ hai đã được đặt trong "chiếc ô an ninh" do Mỹ cung cấp. Cái giá mà châu Âu phải trả là chấp nhận quyền bá chủ của Mỹ. Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang khiến EU lo lắng.

Rõ ràng, EU không đủ sức mạnh để thay thế quyền bá chủ của Mỹ, cũng như không coi quốc gia nào khác là bá chủ mới đầy tiềm năng. Do đó, điều duy nhất EU có thể làm là đẩy nhanh “quyền tự chủ chiến lược” của mình, chủ yếu như một sự bổ sung - và đôi khi là một vùng đệm - cho quyền bá chủ của Mỹ.

TỰ CHỦ VŨ TRANG KHÔNG DỄ

Liên minh Châu Âu (EU) vừa giới thiệu chiến lược mới về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vũ trang trong khối.

Ngoài định hướng lớn và mục tiêu cụ thể, chiến lược này còn bao hàm cả kế hoạch tài chính dự chi 1,5 tỉ euro cho giai đoạn 2025 - 2027 thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vũ trang nội khối sao cho giúp EU tự chủ được hoặc cơ bản tự chủ được về vũ khí và thiết bị quân sự cần thiết cho việc đảm bảo an ninh của các nước thành viên.

Việc tự chủ này trở nên cần thiết đối với EU từ khi khối nhận thấy không còn có thể dựa cậy hoàn toàn vào NATO như lâu nay nữa. Nguyên do ở chỗ như vậy đồng nghĩa với việc lệ thuộc vào Mỹ về an ninh, trong khi Mỹ đã bắt đầu không còn được tin cậy như trước nữa về cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO khác.

Bản chất chiến lược mới trên của EU là thống nhất chính sách vũ trang của các nước thành viên để cùng nhau tự sản xuất, tự tiêu thụ vũ khí và thiết bị quân sự, vừa giảm mức độ mua sắm ở bên ngoài EU vừa tiêu chuẩn hóa vũ khí và thiết bị quân sự giữa các nước thành viên. EU nhìn nhận ở đó cách thức đắc dụng để giảm mức độ lệ thuộc vào mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự bên ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư vào ngành công nghiệp vũ trang, cũng như hiệu quả của việc sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự được sản xuất và chế tạo theo tiêu chí và tiêu chuẩn thống nhất chung trong EU.

Cách tiếp cận và những định hướng chiến lược này đúng đắn và cần thiết đối với EU nhưng tính khả thi lại bị hạn chế. Các thành viên dễ đồng thuận về chủ trương nhưng lại dễ mỗi nước thực hiện một kiểu vì nước nào cũng có hợp tác song phương với bên ngoài EU trên phương diện này. Hơn nữa, EU thường cần rất nhiều thời gian để thực hiện được những mục tiêu đề ra.

THỤY ĐIỂN CHÍNH THỨC GIA NHẬP NATO, CHẤM DỨT NHIỀU CHỤC NĂM TRUNG LẬP

Thụy Điển ngày 7/3 chính thức gia nhập NATO với tư cách là thành viên thứ 32 của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, chấm dứt hàng thập niên trung lập sau Thế chiến II giữa lúc lo ngại về sự hung hăng của Nga ở châu Âu đã tăng vọt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine từ năm 2022.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ tọa buổi lễ.

“Những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi,” ông Blinken nói.

Sau đó trong ngày 7/3 ông Kristersson đến thăm Tòa Bạch Ốc và sau đó làm khách mời danh dự tới nghe bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Joe Biden trước Quốc hội Mỹ.

Tòa Bạch Ốc nói việc có Thụy Điển là đồng minh của NATO “sẽ khiến Mỹ và các đồng minh của chúng ta an toàn hơn nữa”.

“NATO là liên minh phòng thủ hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới và ngày nay việc đảm bảo an ninh cho công dân của chúng ta cũng quan trọng như 75 năm trước khi liên minh của chúng ta được thành lập từ đống đổ nát của Thế chiến Thứ hai,” Tòa Bạch Ốc nói trong một tuyên bố.

Thụy Điển, cùng với Phần Lan, gia nhập NATO vào năm ngoái, đều từ bỏ tính trung lập quân sự lâu đời vốn là đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại thời Chiến tranh Lạnh của các quốc gia Bắc Âu sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào đầu năm 2022.

Ông Biden, trong bài phát biểu trước Quốc hội, dự kiến sẽ trích dẫn việc Thụy Điển gia nhập NATO làm bằng chứng cho thấy ý định chia rẽ và làm suy yếu liên minh này của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thất bại do hậu quả trực tiếp của cuộc xâm lược Ukraine. Và, tổng thống của đảng Dân chủ dự kiến sẽ sử dụng quyết định tham gia của Thụy Điển để tăng cường kêu gọi các đảng viên Cộng hòa đang ngần ngừ hãy chấp thuận viện trợ quân sự đang bị đình trệ cho Ukraine khi chiến tranh bước sang năm thứ ba.

Tư cách thành viên của Thụy Điển đã bị trì trệ do sự phản đối của các thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ lo ngại rằng Thụy Điển đang chứa chấp và không có hành động đủ chống lại các nhóm người Kurd mà nước này coi là khủng bố, còn Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của Hungary Viktor Orban đã thể hiện tình cảm thân Nga và không chia sẻ quyết tâm của NATO trong việc hỗ trợ Ukraine.

Sau nhiều tháng trì hoãn, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn sự gia nhập của Thụy Điển vào đầu năm nay và Hungary cũng đã làm như vậy trong tuần này.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị; VietnamPlus; Soha; Thanh Niên; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang