EU: Cấm hộp nhựa dùng 1 lần; Chậm phủ sóng tiền kỹ thuật số; Kiểm soát không phận; Tự sản xuất vũ khí; Pháp sửa Hiến pháp

EU cấm hộp nhựa sử dụng một lần trong nhà hàng

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (4/3) đã đạt thỏa thuận cấm sử dụng dần các hộp nhựa sử dụng một lần trong các nhà hàng và quán cà phê từ nay đến năm 2030 trong nỗ lực “xanh hoá” đồ hộp ghi trong “Thỏa thuận Xanh” châu Âu.

Theo thông cáo báo chí của Hội đồng châu Âu, thỏa thuận cấm sử dụng hộp nhựa sử dụng một lần tại nhà hàng và quán cà phê ở EU từ nay đến năm 2030 được xem là một trong những nội dung cốt lõi của “Thỏa thuận Xanh” châu Âu.

Cùng bị hạn chế sử dụng dần đến năm 2030 là các loại hộp nhựa dùng một lần khác như chai dầu gội mini trong khách sạn, hộp đựng nước sốt nhỏ, màng bọc bảo vệ bao quanh vali ở sân bay, bao bì nhựa đựng trái cây, rau quả chưa qua chế biến, túi nhựa siêu nhẹ...

EU đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ giảm bớt 5% việc sử dụng hộp đóng gói trên toàn châu Âu so với năm 2018, đến năm 2035 sẽ nâng tỷ lệ này lên 10% và sau đó là 15% vào năm 2040.

Song song với việc hạn chế dần sử dụng hộp nhựa, EU cũng đặt ra mức độ ràng buộc về yêu cầu tái sử dụng hoặc tận dụng lại bao bì trong các lĩnh vực khác nhau như thương mại điện tử, đồ gia dụng, đồ uống… từ nay đến năm 2030.

Kể từ năm 2030, hộp đóng gói phải được làm từ chất liệu tái chế và đến năm 2035 sẽ triển khai thực hiện trên quy mô toàn châu Âu nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn.

Cuối cùng, từ năm 2026, EU nghiêm cấm việc cố ý sử dụng polyfluoroalkyl (PFAS) trên bao bì thực phẩm như hộp bánh pizza. Đây là những hóa chất nhân tạo được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp để làm cho mọi thứ không thấm nước, chống dính, là tác nhân có nguy cơ gây bệnh và gây ô nhiễm vĩnh cửu.

Thỏa thuận cấm hộp nhựa sử dụng một lần sẽ cần phải được Quốc hội châu Âu và quốc hội 27 nước thành viên EU thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.

Châu Âu chậm chân trong phủ sóng tiền kỹ thuật số

Theo ước tính từ cổng thanh toán tiền kỹ thuật số TripleA, hiện có khoảng 31 triệu người dùng tiền kỹ thuật số tại châu Âu và độ phủ sống của loại tài sản này khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia.

Theo Chỉ số ứng dụng tiền số toàn cầu năm 2023 của nền tảng dữ liệu chuỗi khối (blockchain) Chainalysis, các nước Đông Âu là nơi đầu tư vào tiền số nhiều nhất. Trên thang điểm từ 0-1, chỉ số này cho thấy nơi nào tỷ lệ tài sản của người dân được đầu tư vào tiền số là cao nhất.

Theo đó, ba quốc gia sử dụng tiền số phổ biến nhất tại châu Âu đều ở Đông Âu, đứng đầu là Ukraine (U-crai-na) với 0,215 điểm, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ với 0,142 điểm và Nga với 0,140 điểm. Còn ở phía Tây Âu, Anh xếp thứ tư châu Âu về độ phủ sóng của tiền số với 0,121 điểm, và Tây Ban Nha đứng thứ năm với 0,062 điểm.

Tuy nhiên, khi xét trên phạm vi toàn cầu, châu Âu lại xếp sau các châu lục khác. Châu Á đứng đầu với 263 triệu người dùng tiền số, sau đó là Bắc Mỹ với 57 triệu người dùng và châu Phi với 38 triệu người dùng.

Trong đó, Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ trọng đầu tư cho tiền số trong tổng tài sản của người dân, với số điểm tối đa 1 điểm. Nigeria (Ni-giê-ri-a) đứng thứ hai với 0,642 điểm và Việt Nam đứng thứ ba với 0,568 điểm.

Ở khoảng điểm dưới 0,5 điểm, Mỹ đứng ở vị trí thứ tư thế giới với 0,367 điểm, và Ukraine, đứng ở vị trí thứ năm với 0,215 điểm, là quốc gia châu Âu duy nhất lọt top 5 và top 10 toàn cầu.

Theo Chainalysis, Trung Á và Nam Á là khu vực có độ phủ sóng tiền số cao nhất, khi có đến 6/10 nước đứng đầu đến từ khu vực này.

Trong khi bitcoin đang ở gần mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền số đã tăng 5% trong 24 giờ lên 2.440 tỷ USD, cao hơn cả Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

EU tiến tới thống nhất các quy định về kiểm soát không phận

EU đã đạt thỏa thuận về cải cách giao thông hàng không nhằm thống nhất các quy định về không phận, vốn bị cho là nguyên nhân của sự chậm trễ và lượng phát thải không cần thiết trên khắp châu Âu.

Ngày 6/3, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về cải cách giao thông hàng không nhằm thống nhất các quy định về không phận, vốn bị cho là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ thường xuyên và lượng phát thải không cần thiết trên khắp châu Âu.

Bỉ, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU, cho biết các nhà đàm phán của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu đã đạt được thỏa thuận tạm thời về cải cách "Bầu trời châu Âu thống nhất", nhằm tăng năng lực, giảm chi phí và tăng khả năng thích ứng của hệ thống kiểm soát không lưu, đồng thời giảm tác động môi trường của ngành hàng không.

Bộ trưởng Giao thông Bỉ, ông Georges Gilkinet cho biết: “Thỏa thuận sẽ tạo ra tiến bộ lớn trong việc giảm khí thải CO2 từ lĩnh vực hàng không và cung cấp cho các quốc gia thành viên nhiều công cụ hơn nhằm hạn chế sự phiền toái do hoạt động hàng không gây ra”.

Theo thỏa thuận, các quốc gia thành viên sẽ thành lập các cơ quan giám sát quốc gia để đánh giá cơ cấu và tính bền vững tài chính của cơ quan kiểm soát không lưu. Các quốc gia thành viên có thể hợp nhất các chức năng giám sát kinh tế và an toàn trong cùng một cơ quan hành chính, cắt giảm quan liêu và tuân thủ các mô hình tổ chức chung.

Tuyên bố nêu rõ quy định mới sẽ khuyến khích việc sử dụng định tuyến tiết kiệm nhiên liệu nhất và tăng cường sử dụng các công nghệ động cơ đẩy sạch thay thế, cho phép nhà quản lý mạng lưới không lưu Eurocontrol sử dụng không phận một cách bền vững và hiệu quả hơn.

EU vạch chiến lược tự sản xuất vũ khí để giảm phụ thuộc Mỹ

Quan chức EU công bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất vũ khí nội khối để bớt phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và tăng viện trợ cho Ukraine.

"Để đối phó với sự trở lại của xung đột cường độ cao ở biên giới, chúng tôi quyết định tăng tốc sản xuất vũ khí", Thierry Breton, Ủy viên Công nghiệp và Thị trường nội bộ Liên minh châu Âu (EU), nói hôm 5/3, đề cập chiến sự Nga - Ukraine.

Ông đưa ra phát biểu sau khi công bố sáng kiến mang tên "Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng châu Âu", trong đó dành khoảng 1,63 tỷ USD từ ngân sách của EU để tăng cường sản xuất vũ khí nội khối. Quan chức này trước đó cho biết liên minh cần chi khoảng 106 tỷ USD để có thể cạnh tranh sòng phẳng với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager cho rằng đây là khoản đầu tư không lớn, song nhấn mạnh kế hoạch này sẽ tạo tiền đề để EU có thể tự "chịu trách nhiệm nhiều hơn" với an ninh của mình.

Bà cũng ám chỉ rằng việc liên minh tăng cường sản xuất vũ khí nội khối là động thái mang tính dự phòng, trong trường hợp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay, sau đó ra quyết định bỏ rơi Ukraine và rút Mỹ khỏi NATO.

"Chúng ta phải chịu trách nhiệm nhiều hơn với an ninh của chính mình và duy trì cam kết đầy đủ với NATO", Vestager nói. "Chúng ta cần đạt được thế cân bằng xuyên Đại Tây Dương bất chấp kết quả bầu cử ở Mỹ. Chúng ta sẽ trở thành một đồng minh mạnh hơn nếu cải thiện được năng lực".

Bà Vestager cho biết gần 80% vũ khí EU mua sau khi xung đột Ukraine bùng phát tới từ các nước ngoài khối, trong đó riêng Mỹ là 60%. Đây là hiện trạng mà bà cho là "không còn bền vững".

Sáng kiến mới của EU cũng kêu gọi các thành viên chi ít nhất 50% ngân sách quốc phòng để mua vũ khí châu Âu vào năm 2030, trước khi tăng tỷ lệ này lên 60% sau đó 5 năm. Để hỗ trợ các nước đạt mục tiêu trên, liên minh dự kiến ban hành các chính sách cắt giảm thuế và thiết lập cơ chế để khuyến khích hoạt động mua bán khí tài nội khối.

Cũng theo sáng kiến, Ukraine sẽ được coi là "thành viên chưa chính thức" của EU, giúp quốc gia này có thể mua vũ khí từ các nước trong liên minh dễ dàng hơn.

Các nước EU đã ủng hộ Ukraine mạnh mẽ từ khi xung đột bùng phát ở nước này, ước tính chuyển giao khoảng 80.000 viên đạn pháo cho Kiev mỗi tháng, cùng nhiều khí tài hiện đại như xe tăng, thiết giáp, hệ thống phòng không hay tên lửa tầm xa.

Tuy nhiên, EU dự kiến chỉ có thể đáp ứng một nửa cam kết đưa ra hồi tháng 3/2023 về việc viện trợ cho Ukraine một triệu viên đạn pháo sau 12 tháng. Mỹ, quốc gia hậu thuẫn Ukraine nhiều nhất từ đầu xung đột, chưa thông qua gói viện trợ mới cho nước này do vấp phải phản đối của phe Cộng hòa tại quốc hội.

Sụt giảm viện trợ từ phương Tây là một trong các nguyên nhân khiến quân đội Ukraine gần đây gặp nhiều thất bại trên chiến trường, trong đó có việc để mất thành trì Avdeevka ở tỉnh Donetsk hồi giữa tháng 2.

Chưa từng có trong lịch sử, Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới sửa Hiến pháp vì chị em phụ nữ nhân dịp lễ 8/3

Cuộc bỏ phiếu mang tính lịch sử đã biến Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất thế giới làm điều này vì phái đẹp.

Tờ Fortune cho hay nước Pháp mới đây đã có bước đi lần đầu tiên trong lịch sử khi sửa Hiến pháp vì phụ nữ trong đợt Lễ 8/3 (Ngày quốc tế phụ nữ) năm nay.

Cụ thể, các nhà lập pháp ngày 4/3/2024 đã thông qua dự luật mới về quyền phá thai được ghi thêm trong Hiến pháp với số phiếu ủng hộ áp đảo, qua đó khiến Pháp trở thành quốc gia lần đầu tiên trên thế giới và duy nhất toàn cầu thực hiện điều này.

Động thái mang tính lịch sử này vốn được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất như một cách để ngăn chặn phong trào chống quyền phá thai của phụ nữ những năm gần đây ở Mỹ.

Theo Fortune, cuộc bỏ phiếu trong phiên họp đặc biệt của nghị viện Pháp đã thu hút sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các nhà lập pháp.

Với 780 phiếu thuận và 72 phiếu chống, cuộc họp diễn ra ở Cung điện Versailles đã chính thức ghi nhận quyền phá thai vào trong Hiến pháp.

Trên thực tế, quyền này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực chính trị Pháp và đã được hợp pháp hóa kể từ năm 1975.

Ngay sau động thái trên, hàng loạt tổ chức hoạt động vì quyền phụ nữ đã ăn mừng, ca ngợi Tổng thống Macron trong bối cảnh Tòa án Mỹ thông qua lệnh đảo ngược quyền được phá thai vào năm 2022.

Tờ Fortune cho hay Pháp được coi là nước đầu tiên và duy nhất hiện nay trên thế giới ghi nhận quyền phá thai vào trong Hiến pháp.

Trên thực tế Nam Tư cũ cũng đã quy định trong Hiến pháp năm 1974 về việc "một người được tự do quyết định việc có con hay không" nhưng không nêu chi tiết cụ thể cũng như đảm bảo quyền phá thai của nữ giới.

Khi Nam Tư cũ giải thể đầu thập niên 1990, mặc dù các quốc gia mới kế thừa điều này trong Hiến pháp nhưng cũng không ghi cụ thể hay đảm bảo quyền lợi phá thai rõ ràng cho người phụ nữ.

Trong cuộc bỏ phiếu lịch sử, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã phát biểu trước 925 nhà lập pháp tập trung tại phiên họp ở Versailles khi kêu gọi đưa quốc gia này thành nước đi đầu về quyền phụ nữ, qua đó làm gương cho thế giới.

"Chúng ta đang mắc nợ những người phụ nữ", Thủ tướng Attal nói khi bày tỏ lòng tôn kính với Simone Veil, nhà lập pháp nổi tiếng, cựu bộ trưởng y tế và nhà hoạt động nữ quyền chủ chốt, người đã ủng hộ dự luật phi hình sự hóa việc phá thai ở Pháp vào năm 1975.

"Chúng ta đang có cơ hội làm nên lịch sử. Hãy khiến cho Simone Veil cảm thấy tự hào", Thủ tướng Attal nói trong sự hoan nghênh nhiệt liệt của các nhà lập pháp tham dự cuộc họp.

Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp để ghi nhận việc phá thai vào tháng 1/2024 với số phiếu áp đảo và quyết định chính thức được thông qua tại Thượng viện vào thứ 4 tuần trước. Đến ngày 4/3/2024, cuộc họp chung đã diễn ra với 3/5 số nhà lập pháp ủng hộ.

Tờ Fortune cho hay hiện không có đảng phái chính trị nào tại Pháp nghi vấn về quyền phá thai, từ đảng cầm quyền cho đến đảng đối lập.

Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy 80% công chúng Pháp ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ và đa số người dân cũng đồng tình việc ghi chúng vào trong Hiến pháp.

Một điều đặc biệt là chính phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ năm 2022 hủy bỏ đạo luật đảm bảo quyền phá thai của phụ nữ vốn đã tồn tại 50 năm là nguyên nhân khiến công chúng Pháp quan tâm hơn đến vấn đề này, từ đó dẫn đến cuộc bỏ phiếu lịch sử trên.

Trong lịch sử, việc sửa đổi hiến pháp là một quá trình tốn nhiều công sức thảo luận để đi đến nhất trí, đồng thời cũng là một sự kiện hiếm có ở Pháp.

Kể từ khi được ban hành năm 1958, Hiến pháp Pháp đã được sửa đổi 17 lần. Lần gần đây nhất là vào năm 2008, khi nghị viện được trao nhiều quyền lực hơn và công dân Pháp được quyền đưa khiếu nại của mình lên Tòa án Hiến pháp.

Nguồn: VOV; Báo Mới; Bnews; Vnexpress; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang