Covid-19 thế giới: Cập nhật; Châu u đã ổn định; TQ muốn điều tra Mỹ; Campuchia trả TQ vaccine; Brazil dừng dùng AstraZeneca

Tin Covid-19: Mỹ sắp bỏ quy định buộc khách Trung Quốc xét nghiệm

(Ảnh minh họa).

Giới thạo tin cho hay Mỹ sắp bỏ quy định buộc khách đến từ Trung Quốc xét nghiệm Covid-19 dựa trên ưu tiên về y tế công cộng hơn chính sách ngoại giao.

Tờ The Washington Post ngày 8.3 đưa tin giới chức Mỹ có thể dỡ bỏ quy định buộc khách đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm Covid-19 từ ngày 10.3, do số ca nhiễm ở Trung Quốc đã giảm.

Thông tin trên được 3 quan chức ẩn danh xác nhận, trong khi Nhà Trắng từ chối bình luận. Các quan chức y tế và an ninh quốc gia Mỹ trong tuần này đã đạt thỏa thuận dỡ bỏ quy định trên và dự kiến sẽ thông báo cho các hãng hàng không Mỹ, giới ngoại giao Trung Quốc và các bên khác, trước khi chính thức thông báo về sự thay đổi.

Theo các nguồn tin, quyết định trên được đưa ra dựa trên ưu tiên về y tế công cộng hơn là chính sách ngoại giao. Các nước khác như Nhật Bản từng áp dụng quy định tương tự đối với khách đến từ Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ.

Mỹ quy định mọi khách 2 tuổi trở lên đến từ Trung Quốc phải đưa ra kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19 khi nhập cảnh. Quy định có hiệu lực từ ngày 5.1, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero Covid-19 và số ca nhiễm tăng.

Khi đó, giới chức Mỹ lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm tại Trung Quốc có thể dẫn đến các biến chủng mới của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc sau đó cho hay nước này đã không ghi nhận biến chủng mới.

Giới chức Mỹ cho biết rằng họ cảm thấy được đảm bảo trong vài tuần qua, với những dấu hiệu số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Trung Quốc giảm.

Trong một diễn biến khác, Reuters ngày 8.3 đưa tin ngành du lịch Đức dự kiến sẽ có một năm thành công sau thời gian khó khăn vì đại dịch Covid-19, khi những du khách trở lại dù lạm phát cao và tình hình chiến sự tại Ukraine.

"Chúng tôi hy vọng hoạt động kinh doanh vào dịp lễ Phục sinh và mùa hè không chỉ rất ổn định mà còn tương đương năm 2019", theo ông Jens Bischof lãnh đạo công ty con Eurowings của Hãng hàng không Lufthansa (Đức) phát biểu tại hội chợ du lịch ITB hôm 7.3.

Tập đoàn du lịch TUI của Đức ghi nhận số khách đặt chỗ gia tăng từ đầu năm nay và Tổng giám đốc Stefan Baumert cho biết việc kinh doanh trong giai đoạn đó đã mạnh mẽ hơn so với một quãng thời gian dài trước đó.

"Chúng tôi kỳ vọng một mùa hè từ tốt đến rất tốt", ông phát biểu và cho biết công ty dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2023 mạnh hơn so với năm 2019 trước đại dịch Covid-19.

(Nguồn: Thanh Niên)

Tình hình COVID-19 tại châu Âu đã ổn định nhưng vẫn cần được giám sát

ECDC nhấn mạnh việc các biến thể BA.2, BA.4 và BA.5 không còn lây lan ở châu Âu cho thấy tình hình dịch bệnh đã ổn định, song đây không phải là dấu hiệu cho thấy mối đe dọa của virus đã chấm dứt.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết sẽ loại các biến thể BA.2, BA.4 và BA.5 của virus SARS-CoV-2 khỏi danh sách các biến thể đáng lo ngại.

Trong tuyên bố, ECDC nêu rõ những biến thể này không còn chiếm ưu thế ở các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, ECDC lưu ý cơ quan này sẽ tiếp tục phân loại và báo cáo các dòng biến thể đang lây lan, có liên quan đến tình hình dịch tễ tại châu Âu.

ECDC nhấn mạnh việc các biến thể BA.2, BA.4 và BA.5 không còn lây lan ở châu Âu cho thấy tình hình dịch bệnh đã ổn định, song đây không phải là dấu hiệu cho thấy mối đe dọa của virus SARS-CoV-2 đã chấm dứt.

Theo ECDC, các biến thể "hậu duệ" của BA.2 và BA.5 vẫn đang lây lan tại châu Âu, cần được đánh giá và theo dõi.

ECDC cũng kêu gọi các cơ quan công quyền châu Âu duy trì cảnh giác và tăng cường các hệ thống giám sát, khả năng giải trình tự gene và báo cáo các biến thể mới được phát hiện.

Người dân cũng được khuyến nghị duy trì các biện pháp vệ sinh phòng dịch và tiêm vaccine ngừa COVID-19.

(Nguồn: VietnamPlus)

Trung Quốc kêu gọi WHO điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Mỹ

(Ảnh minh họa).

Trung Quốc cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên mở một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của Covid-19 tại Mỹ.

Khi được hỏi về những bình luận gần đây của người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia khác "minh bạch trong việc chia sẻ dữ liệu" liên quan đến nguồn gốc của đại dịch Covid-19, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning khẳng định Bắc Kinh đã "chia sẻ nhiều dữ liệu và kết quả nghiên cứu hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đóng góp nhiều nhất vào việc truy xuất nguồn gốc dịch bệnh".

"Truy tìm nguồn gốc của virus là một vấn đề khoa học. Nghiên cứu này nên và chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà khoa học trên khắp thế giới", bà Mao nói với các phóng viên hôm 6/3, đồng thời cáo buộc chính phủ Mỹ cản trở những nỗ lực đó bằng cách "chính trị hóa, vũ khí hóa vấn đề".

"Chúng tôi hy vọng Ban thư ký WHO sẽ có lập trường dựa trên cơ sở khoa học, khách quan và công bằng, không để chính trị hóa cản trở và tiến hành điều tra nguồn gốc dịch bệnh ở Mỹ và đóng vai trò tích cực trong hoạt động truy xuất nguồn gốc dịch bệnh toàn cầu dựa trên cơ sở khoa học", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Bình luận của bà Mao được đưa ra vài ngày sau khi Giám đốc FBI Christopher Wray tuyên bố loại virus gây đại dịch Covid-19 "nhiều khả năng" bắt nguồn từ một vụ rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Một báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ nói rằng Covid-19 có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Tuy họ nói rằng, đánh giá được đưa ra với "mức độ tin tin thấp", nhưng điều đó cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của cơ quan này, khi trước đây họ không nghiên về giả thuyết nào.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Washington "lan truyền thông tin hoang đường" mà không có "bằng chứng hỗ trợ", nói rằng cáo buộc này nhằm đánh lạc hướng cuộc điều tra nguồn gốc dịch bệnh toàn cầu dựa trên cơ sở khoa học. Bà Mao lưu ý rằng WHO đã đến Trung Quốc hai lần để điều tra vấn đề và kết luận giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra", nhưng cho biết không có cuộc điều tra tương tự nào được thực hiện ở Mỹ.

"Mặc dù tuyên bố thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc, nhưng Mỹ chưa bao giờ mời các nhóm chuyên gia của WHO đến Mỹ để nghiên cứu chung hoặc chia sẻ bất kỳ dữ liệu ban đầu nào. Thay vào đó, họ đã nhắm mắt làm ngơ trước những lo ngại của thế giới về các căn cứ quân sự sinh học của Mỹ tại Fort Detrick và trên toàn thế giới", bà Mao cho biết.

Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 với những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay, nguồn gốc của đại dịch vẫn gây tranh cãi. WHO đã đưa ra 4 giả thuyết. Giả thuyết nhiều khả năng nhất là virus lây sang người từ một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Một giả thuyết khác được đánh giá "có khả năng" khác là virus lây truyền từ một loại động vật mang virus corona tương tự như dơi hay tê tê. Trong khi đó, giả thuyết virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh "ít khả năng" và giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm "rất khó xảy ra".

(Nguồn: Dân Trí)

Campuchia hoàn trả Trung Quốc 15 triệu liều vaccine Covid-19

Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia sẽ hoàn trả Trung Quốc 15 triệu liều vaccine Covid-19.

Phát biểu tại lễ tổng kết của Bộ Y tế chiều 7/3, Thủ tướng Hun Sen cho biết, do nhu cầu tiêm phòng Covid-19 của người dân đã giảm và việc lưu giữ vaccine cũng phức tạp nên Campuchia sẽ hoàn trả lại Trung Quốc 15 triệu liều vaccine Covid-19. Số lượng vaccine này vẫn chưa được vận chuyển đến Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen cũng cho hay, hiện nay Campuchia cũng đang còn hơn 6 triệu liều vaccine Covid-19 được lưu trữ trong kho.

Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia công bố hôm nay, 95,47% dân số Campuchia đã được tiêm phòng vaccine Covid-19./.

(Nguồn: VOV)

Brazil ngừng sử dụng thuốc phòng COVID-19 của AstraZeneca

(Ảnh minh họa).

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 7/3, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) thông báo tạm thời đình chỉ việc sử dụng khẩn cấp thuốc Evusheld dự phòng COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca sản xuất.

Anvisa cho biết dữ liệu từ các cơ sở nghiên cứu của cơ quan này cho thấy thuốc Evusheld kết hợp 2 kháng thể đơn dòng cilgavimabe và tixagevimabe tỏ ra không hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan tại Brazil. Anvisa cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Evusheld vào tháng 2/2022. Loại thuốc dự phòng COVID-19 này được chỉ định sử dụng trong điều trị COVID-19 ở các trường hợp nhiễm bệnh nhẹ.

Vào tháng 1 năm nay, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã thông báo dừng cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc Evusheld. Cơ quan này cho biết Evusheld không có hiệu quả đối với dòng phụ XBB.1.5 của Omicron, biến thể đang gây lây nhiễm cho 61% số ca bệnh ở Mỹ.

FDA đánh giá trong bối cảnh Evusheld chỉ có tác dụng đối với chưa đến 10% các dòng phụ gây lây nhiễm tại Mỹ, việc ngừng cấp phép sử dụng loại thuốc này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bệnh nhân có thể bị các tác dụng phụ do sử dụng thuốc, như dị ứng.

Trong trường hợp của Brazil, Anvisa cho biết Evusheld chỉ có tác dụng với khoảng 77% biến thể BQ.1 và chưa đến 15% đối với biến thể BA.5.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang