Đức: Phá mạng lưới tin tặc quốc tế; Bê bối tài chính chấn động; Vẫn mua lượng lớn dầu Nga; Loại bỏ thiết bị Huawei, ZTE

Cảnh sát Đức triệt phá mạng lưới tin tặc quốc tế

(Ảnh minh họa).

Ngày 6/3, nhà chức trách Đức thông báo đã phát hiện và triệt phá một mạng lưới tin tặc quốc tế âm mưu thực hiện các vụ tấn công nhằm vào hơn 600 tổ chức và cá nhân, trong đó có cả hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, sau một cuộc điều tra kéo dài, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã cáo buộc mạng lưới tin tặc quốc tế này tống tiền kỹ thuật số, phá hoại hệ thống máy tính và nguy hiểm hơn là dùng mã độc tống tiền (ransomware), một dạng phần mềm độc hại chuyên mã hóa dữ liệu hoặc khóa quyền truy cập thiết bị của người dùng, sau đó tống tiền họ.

Năm 2017, nhóm này đã thực hiện cuộc tấn công lớn đầu tiên nhằm vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh. Sau khi tấn công vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh, mã độc tống tiền đã nhằm vào một loạt công ty và tổ chức. Các quan chức Đức cho biết, tại nước này, mục tiêu của tin tặc là tấn công Bệnh viện Đại học ở Duesseldorf và Funke Media Group, một nhà xuất bản báo và tạp chí lớn.
Giới chức Đức đã ban hành lệnh bắt giữ 3 nghi phạm và phát lệnh truy nã trên toàn thế giới đối với 3 người này. Cảnh sát Hà Lan và Ukraine cũng tham gia cuộc điều tra trên.

Theo truyền thông Đức, trong những tháng qua, nhiều công ty và sân bay đã phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng, trong đó các tin tặc Nga bị cho là thủ phạm.

Các vụ tấn công sử dụng mã độc nằm trong số những hình thức tấn công mạng phổ biến nhất và ảnh hưởng đến nhiều ngành trong những năm gần đây. Ransomware là mã độc chuyên mã hóa dữ liệu, khóa quyền truy cập thiết bị của người dùng để đòi tiền chuộc. Theo chiến lược mới, các vụ tấn công bằng mã độc bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng nghĩa rằng chính phủ sẽ sử dụng nhiều công cụ hơn để giải quyết vấn đề, thay vì chỉ bắt giữ và buộc tội.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Bê bối tài chính chấn động nước Đức: Cổ phiếu 1 công ty giảm 75% sau tuyên bố từ hãng kiểm toán, loạt nhân chứng bị theo dõi nhằm bịt miệng

Nhiều nhà quản lý và công tố viên đã vào cuộc để làm sáng tỏ xem một trong những công ty fintech hứa hẹn nhất châu Âu đánh lừa các nhà đầu tư như thế nào.

Hồi năm 2020, cả nước Đức chấn động với bê bối tài chính của Wirecard - công ty nổi lên như một ngôi sao mới trong lĩnh vực fintech. Năm 2018, vốn hóa của nó đã lên tới gần 25 tỷ USD, thay thế ngân hàng lớn thứ 2 của Đức là Commerzbank trong rổ chỉ số DAX và chính thức trở thành một trong 30 tập đoàn Đức giá trị nhất được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt.

Bê bối chính thức được tờ Financial Times hé lộ hôm 18/6/2020, sau khi hãng kiểm toán EY từ chối xác nhận báo cáo kinh doanh năm 2019 của Wirecard có khoản tiền trị giá tới 1,9 tỷ Euro trong các tài khoản ở 2 ngân hàng Philippines không thể kiểm chứng. Nhiều nhà quản lý và công tố viên đã vào cuộc để làm sáng tỏ xem một trong những công ty fintech hứa hẹn nhất châu Âu đánh lừa các nhà đầu tư như thế nào.

Ông Markus Braun, Giám đốc điều hành Wirecard lúc bấy giờ cho hay: “Có dấu hiệu cho thấy một bên tín thác đã tìm cách lập các tài khoản giả vì mục đích lừa đảo. Nhiều khả năng Wirecard đã trở thành nạn nhân của một vụ gian lận nghiêm trọng”.

Không rõ tính xác thực của phát biểu trên, chỉ biết giá cổ phiếu Wirecard sụt giảm hơn 75% ngay sau thông báo của EY, qua đó buộc CEO Markus Braun phải từ chức. Công ty cũng thừa nhận, con số 1,9 tỷ Euro nói trên thực chất có thể không tồn tại.

“Đây là một thảm kịch. Chúng tôi đã mắc sai lầm khi để bế bối như thế này xảy ra và sẽ không để điều tương tự lặp lại”, ông Felix Hufeld, Chủ tịch Cơ quan Giám sát tài chính Đức (BaFin) cho hay.

Wirecard sau đó kiện Financial về loạt báo cáo điều tra mà họ cho là xuyên tạc bí mật nội bộ. Công ty cũng cử thám tử theo dõi các nhân chứng buộc tội mình, trong đó có chuyên gia Matthew Earl, nhằm bưng bít các phản ứng tiêu cực.

Theo lời kể của Matthew Earl, một chiếc Mercedes-Benz đen bí ẩn thường xuyên đỗ trước cửa nhà và bám theo gia đình ông. Nó là lời tuyên bố thẳng thừng từ Wirecard, rằng Earl và hai đứa con ông đều đang bị giám sát.

Vài ngày sau, hai người lạ mặt bước ra khỏi chiếc ô tô và giao cho ông lá thư từ công ty thanh toán Wirecard, Đức. Được biết họ, thuộc công ty điều tra tư nhân Kroll, sau đó đã bị cáo buộc sử dụng giọng điệu đe dọa đáng sợ với người vô tội.

Hồi năm 2020, cả nước Đức chấn động với bê bối tài chính của Wirecard - công ty nổi lên như một ngôi sao mới trong lĩnh vực fintech.

Theo The Guardian, sự kiện trên đánh dấu một chương mới trong “chiến dịch quấy rối bất hợp pháp” của các công ty luật đứng đằng sau Wirecard, chẳng hạn như Jones Day hay Kroll. Một đơn kiện vừa được đệ trình lên tòa án cấp cao London, nêu chi tiết các cáo buộc về việc Kroll bí mật theo dõi, xâm nhập thông tin liên lạc và đề xuất tấn công chặn dữ liệu điện thoại di động.

Thông qua các luật sư của mình, Kroll thanh minh rằng “hành động trên hoàn toàn phù hợp với tất cả các luật hiện hành”, và rằng Earl đã “hiểu nhầm” về động cơ của họ.

Bất kể khiếu nại pháp lý chống lại Jones Day hay Kroll thành công hay không, bằng chứng và các email được tiết lộ mới đây sẽ cung cấp cái nhìn hiếm hoi về thế giới ngầm nhằm bịt miệng nhân chứng và những người mang tư tưởng chỉ trích chống đối.

Matthew Earl là người sáng lập kiêm quản lý quỹ tại Shadowfall - một quỹ phòng hộ chuyên tập trung vào bán khống. Nguồn cơn việc bị theo dõi chủ yếu bắt nguồn từ những cáo buộc của ông nhằm vào Wirecard AG - công ty thanh toán hàng đầu nước Đức từng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Giám đốc điều hành Wirecard, Markus Braun, đã bị bắt vào tháng 6/2020 và hiện đang chịu xét xử tại Đức với loạt tội danh, bao gồm gian lận, biển thủ và thao túng thị trường. Braun phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng bản thân ông cũng là một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo.

Từng là nhà phân tích tại công ty môi giới chứng khoán Charles Stanley, Earl có lịch sử lâu dài trong việc “gây chiến” với các công ty ông cho là được định giá quá cao. Một bài báo xuất bản vào cuối năm 2019 trên City AM cho biết dân bán khống rất dễ xác định các lỗ hổng trong cấu trúc nội bộ.

“Trong một số trường hợp, việc gian lận đã được phát hiện bởi hoạt động bán khống của các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, bài báo nêu rõ.

Đáng chú ý, tác giả bài báo lại Ben Hamilton - một trong hai nhân viên Kroll có tên trong đơn kiện của Earl. Hồ sơ của Hamilton trên trang web Kroll nêu rõ anh là cựu nhà báo điều tra, có kinh nghiệm theo dõi bê bối tiền số và tìm ra kẻ tấn công email của Giám đốc điều hành FTSE 100. Những gì liên quan đến Wirecard không được đề cập.

Earl đưa ra những cáo buộc đầu tiên với Wirecard AG vào ngày 24/ 2/2016 từ Zatarra Research, một trang web ẩn danh do ông đồng sáng lập. Cổ phiếu Wirecard ngay lập tức giảm 21%.

Công ty này sau đó cố gắng phủ nhận mọi cáo buộc và vạch trần Earl, cuối cùng thuê Kroll và các điệp viên giám sát nghiêm ngặt một số chuyên gia bán khống.

Kroll, được Duff & Phelps mua lại vào năm 2018, có văn phòng trên khắp thế giới, bao gồm cả tòa nhà chọc trời Shard ở London. Dịch vụ của nó không hề rẻ, và theo đơn kiện, Kroll bị cáo buộc tính phí tới 75.000 € (66.000 bảng Anh) song chỉ cung cấp dịch vụ điều tra trong 6 tuần. Công ty này cũng từng lập hóa đơn 254,661 € cho gần 750 giờ làm việc của 16 nhân viên, bao gồm “điều tra máy tính”, “giám sát”...

Tháng 8/2016, một nhân viên khác của Kroll bị cáo buộc gửi cho Giám đốc điều hành Wirecard những bức ảnh bí mật của Earl tại nhà ga Victoria của London. Wirecard cũng đã thuê ít nhất 5 công ty luật và một công ty quan hệ công chúng để giải quyết hậu bê bối.

Theo một báo cáo hồi tháng 3/2016, Wirecard thậm chí còn được đề xuất sử dụng các phương tiện cực đoan hơn để truy tìm những người chỉ trích, trong đó có việc sử dụng bất hợp pháp công cụ nhận dạng thuê bao di động quốc tế (IMSI).

“Trong suốt quá trình này, hành động của Kroll hoàn toàn phù hợp với tất cả các quy định hiện hành. Nó không – và tất nhiên sẽ không bao giờ – tham gia bất kỳ hành vi đe dọa hay bất hợp pháp nào”, luật sư của Kroll cho biết. “Kể từ khi kết thúc hợp đồng với Wirecard, Kroll phát hiện ra rằng Wirecard cũng hợp tác với nhiều công ty điều tra tư nhân khác. Đương nhiên, Kroll không biết về sự tham gia của họ nên không thể bình luận tính đúng sai”.

(Nguồn: CafeF)

Đức vẫn là khách hàng mua năng lượng lớn thứ 2 của Nga

(Ảnh minh họa).

Một năm kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vẫn đang chảy đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), kể từ khi cuộc chiến nổ ra vào khoảng một năm trước, Nga đã kiếm được hơn 315 tỷ USD doanh thu từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch cho các nước trên khắp thế giới. Trong đó, gần một nửa, tức khoảng 149 tỷ USD, đến từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Đúng như dự đoán, kể từ sau chiến sự, Trung Quốc đã trở thành khách hàng mua nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga. Quốc gia láng giềng của Nga chủ yếu nhập khẩu dầu thô, chiếm hơn 80% trong tổng lượng nhập khẩu trị giá hơn 55 tỷ USD của nước này kể từ tháng cuối tháng 2 năm ngoái.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là khách hàng nhập khẩu lớn thứ 2 của nhiên liệu Nga, do phần lớn nước này nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga. Riêng giá trị nhập khẩu khí đốt từ Nga của Đức đã lên hơn 12 tỷ USD.

Đứng thứ 3 là Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, do Thổ Nhĩ Kỳ không thuộc EU, không chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của khối này, nên có khả năng quốc gia này sẽ sớm vượt Đức về nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Mặc dù hơn một nửa trong top 20 quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hàng đầu của Nga vẫn từ EU, song nhiều quốc gia ở khu vực này đã cắt giảm đáng kể nhập khẩu nhiên liệu từ Nga do tác động từ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển cũng như cơ chế giá trần đối với than, dầu thô vận chuyển bằng đường biển và các sản phẩm xăng dầu.

Các lệnh cấm này đã khiến Nga sụt giảm gần 85% doanh thu bán nhiên liệu hàng ngày cho khối này, từ mức 774 triệu USD/ngày vào tháng 3/2022 xuống còn 119 triệu USD/ngày vào ngày 22/2 năm nay.

Mặc dù, trong thời gian này, Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, tăng từ 3 triệu USD/ngày trước chiến sự lên 81 triệu USD/ngày vào ngày 22/2, song mức tăng này không đủ bù đắp được khoản hụt thu 655 triệu USD do các quốc gia EU giảm nhập khẩu.

Tương tự, ngay cả khi các quốc gia châu Phi tăng gấp đôi nhập khẩu nhiên liệu từ Nga kể từ tháng 12 năm ngoái, thì theo S&P Global, kể từ tháng 1, xuất khẩu dầu qua đường biển của Nga vẫn giảm 21%.

Nhìn chung, so với mức đỉnh cao khoảng 1,17 tỷ USD doanh thu mỗi ngày vào ngày 24/3 năm ngoái, thì hiện doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm hơn 50% xuống chỉ còn 560 triệu USD/ngày.

Cùng với việc EU cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga, một nhân tố chính góp phần khiến Nga hụt thu là giá dầu của Nga đã giảm gần 50% kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, từ mức 99 USD/thùng, hiện còn 50 USD/thùng.

Chưa rõ liệu doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga còn tiếp tục giảm hay không nhưng gói trừng phạt thứ 10 mà EU công bố vào ngày 25/2, bao gồm cấm nhập khẩu nhựa đường và các vật liệu liên quan như cao su tổng hợp, muội than, ước tính sẽ làm tổng doanh thu xuất khẩu của Nga giảm gần 1,4 tỷ USD.

(Nguồn: Năng Lượng Quốc Tế)

Đức sắp loại thiết bị viễn thông Huawei, ZTE

Chính phủ Đức được cho là đang lên kế hoạch ngăn các nhà khai thác viễn thông ở nước này dùng thiết bị từ Huawei, ZTE cho mạng 5G.

Trang Zeit Online ngày 6/3 dẫn nguồn tin chính phủ Đức rằng lệnh cấm sẽ áp dụng với cả các thành phần đã được tích hợp trong hệ thống mạng viễn thông tại Đức. Chính phủ sẽ yêu cầu các nhà khai thác phải loại bỏ và thay thế chúng.

Nguồn tin tiết lộ cơ quan an ninh mạng thuộc chính phủ Đức và Bộ Nội vụ Đức đã xem xét liệu có thành phần nào trong mạng 5G mà các nhà cung cấp đang phát triển có thể gây nguy hiểm cho an ninh của Đức hay không. Việc kiểm tra đã được thực hiện trong nhiều tháng. Dù chưa chính thức kết thúc, nguồn tin nhấn mạnh "kết quả đã rõ ràng".

Đức được cho là đang trong quá trình đánh giá lại toàn diện về mối quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc. Chính phủ nước này chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, theo Reuters, một nguồn tin thân cận với chính phủ cho biết thông tin trên là chính xác.

Huawei không bình luận về lệnh cấm nhưng khẳng định công ty "có hồ sơ tốt về bảo mật" trong suốt 20 năm cung cấp công nghệ viễn thông cho Đức và phần còn lại của thế giới.

Trước đó, một số quốc gia cũng đã hạn chế dùng thiết bị viễn thông từ Huawei và ZTE vì cho rằng cả hai có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Những nước này lo ngại các phần mềm gián điệp có thể được nhúng vào hệ thống viễn thông để phục vụ mục đích nghe lén hoặc truyền dữ liệu trái phép.

Đức đã thông qua luật bảo mật công nghệ thông tin từ năm 2021, trong đó đặt ra nhiều quy định nghiêm ngặt đối với việc xây dựng hệ thống viễn thông mới cho các mạng thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, nước này chưa cấm Huawei và ZTE như một số quốc gia khác đã làm.

Theo Reuters, một báo cáo gần đây cho biết các nhà khai thác viễn thông Đức đã tránh sử dụng công nghệ của Huawei cho các mạng lõi. Dù vậy, Đức hiện vẫn phụ thuộc công ty này ở mảng thiết bị mạng truy cập vô tuyến (RAN) 5G.

Trước đó, Mỹ là quốc gia mạnh tay nhất trong việc ngăn chặn các thiết bị viễn thông từ Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Washington đã liệt Huawei và ZTE vào danh sách doanh nghiệp bị coi là mối đe dọa với nước này, cấm cấp phép cũng như nhập khẩu hoặc bán sản phẩm của họ.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang