Mỹ: Lốc xoáy càn quét; Văn hóa tiền típ; Trump khởi động tranh cử; Cảnh báo Iran; 'Ủ' nhiều 'át chủ bài' đối phó TQ

Lốc xoáy càn quét bang miền nam nước Mỹ, 23 người chết

(Ảnh minh họa).

Lốc xoáy và mưa giông quét qua bang Mississippi, miền nam nước Mỹ trong đêm khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

"Ít nhất 23 người thiệt mạng trong trận lốc xoáy dữ dội đêm qua. Chúng tôi biết có nhiều người bị thương. Các đội cứu hộ cứu nạn đang làm việc", thống đốc bang Mississippi Tate Reeves ngày 25/3 thông báo. Cơ quan ứng phó tình huống khẩn cấp bang Mississippi cảnh báo số thương vong có thể tiếp tục tăng.

Trận lốc xoáy đêm 24/3 quét qua khu vực dài khoảng 160 km. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NSW), lốc xoáy và mưa giông ảnh hưởng tới khu vực giữa bang Mississippi và một phần bang Alabama.

Phát ngôn viên cơ quan ứng phó tình huống khẩn cấp bang Mississippi Malary White nhận định chưa thể đánh giá toàn bộ thiệt hại do trận lốc xoáy gây ra. "Ưu tiên chính của chúng tôi lúc này là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân", bà White nói.

Khu vực chịu thiệt hại nặng nhất là thị trấn Silver City và Rolling Fork, nơi có dân số lần lượt là 200 và 1.700 người. "Thị trấn của tôi đã biến mất", Eldridge Walker, người đứng đầu Rolling Fork, cho biết. "Tôi chỉ nhìn thấy sự tàn phá".

Brandy Showah, cư dân Rolling Fork, cho biết chưa từng chứng kiến bất cứ điều gì như trận lốc xoáy, đồng thời nói nhiều người vẫn mắc kẹt trong nhà của họ.

Woodrow Johnson, quan chức hạt Humphreys, nói ông đánh thức vợ dậy và họ nghe thấy âm thanh "giống tiếng tàu hỏa lao tới". "Ngôi nhà của tôi đã bị phá hủy. Thật đáng sợ", ông Johnson nói.

Thị trưởng Walker cho biết một số người đã được giải cứu khỏi đống đổ nát và đang trong bệnh viện. "Rất nhiều gia đình đang bị tổn thương. Cộng đồng chúng tôi đang ở trong tình huống mà không ai ngờ tới", ông Walker nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Người dân Mỹ căng thẳng vì văn hóa tiền típ

Trên khắp nước Mỹ, nhiều người đang bày tỏ sự mệt mỏi khi văn hóa “tiền típ” đang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Lịch sử tiền típ ở Mỹ

Gửi thêm tiền típ cho bồi bàn và nhân viên phục vụ là văn hóa phổ biến tại Mỹ. Tại mỗi tiểu bang, quy định về mức lương của nhân viên khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người nhận định lương của các nhân viên phục vụ tại Mỹ là thấp, do đó tiền típ chính là một cách để hỗ trợ những người làm công việc này kiếm được mức thu nhập khá hơn.

Tại Mỹ, dù là nhà hàng hạng sang hay quán ăn bình dân, thực khách cũng sẽ phải bỏ ra thêm từ 15-20% chi phí bữa ăn, tùy vào sự hào phóng và mức độ hài lòng đối với chất lượng phục vụ. Đây là khoản tiền bồi dưỡng cho nhân viên phục vụ, hay còn gọi là tiền típ. Không bắt buộc và cũng không quy định mức độ nhiều, ít bao nhiêu, song pháp luật Mỹ cho phép chủ lao động trong lĩnh vực dịch vụ được phép trả tiền công cho người lao động thấp hơn mức tối thiểu và lấy khoản tiền típ bù lại.

Dù hiện nay, vấn đề típ được coi trọng như ở Mỹ, trước thế kỷ 20, nó từng bị coi là thô lỗ. Thời điểm ấy, típ vẫn là tiêu chuẩn chung ở nhiều nơi. Cụ thể, trước thế kỷ 19, ngành công nghiệp khách sạn ở Mỹ khá nhỏ. Việc típ bị coi là xúc phạm. Khách típ chẳng khác gì hình thức hối lộ để có phòng tốt hơn hoặc thức ăn nhiều hơn, ngon hơn.

Tuy nhiên, khi ngành dịch vụ này mở rộng hơn vào giữa những năm 1800, cộng thêm sự gia tăng tầng lớp trung lưu, nhân viên phục vụ phải làm nhiều việc hơn. Do đó, kỳ vọng vào chất lượng của ngành dịch vụ này cũng tăng lên. Nhân viên phải thay đổi để tốt hơn. Đổi lại, họ cũng mong nhận được nhiều hơn.

Từ năm 1900 cho đến những năm 1920, tiền típ được phổ biến hơn - bất chấp sự miễn cưỡng từ nhiều khách hàng. Thời kỳ này, nhiều khách sạn, nhà hàng thực hiện các chính sách “chống tiền típ”. Thậm chí, khách đến nơi còn chẳng được thấy mặt người phục vụ. Vấn đề này gây tranh cãi tới mức 6 bang đã cấm tiền típ từ năm 1909 đến năm 1915.

Tuy nhiên cho đến nay, văn hóa tiền típ vô hình trung đã ăn sâu vào đời sống của người dân Mỹ. Theo thống kê mỗi năm, người dân Mỹ chi tới 40 tỷ USD cho tiền típ. Đã có không ít phong trào vận động loại bỏ thói quen này. Tuy nhiên khi đã vượt khỏi phạm trù kinh tế và ăn sâu vào văn hóa người dân thì việc loại bỏ thói quen này không phải là việc dễ dàng.

Khách hàng căng thẳng vì tiền típ

Tuy nhiên, trên khắp nước Mỹ, nhiều người đang bày tỏ sự thất vọng nặng nề khi văn hóa này đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Một số khách hàng phàn nàn về việc họ bị “đòi tiền” bất cứ mọi lúc, mọi nơi, từ một chiếc bánh nướng cho đến một tách cà phê đơn giản. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số, khách hàng sẽ tự động được nhắc để lại tiền thưởng sau mỗi lần thanh toán.

Ông Vincent Rotolo - Chủ cửa hàng bánh Good Pie cho biết: “Chúng tôi không chấp nhận tiền mặt ở cửa hàng, như vậy chúng tôi sẽ dễ dàng theo dõi mọi giao dịch và cả các khoản tiền típ. Ở đây chúng tôi đưa ra các mức tiền típ như 18%, 20%, 22% để khách hàng chọn”.

Việc áp dụng hình thức gửi tiền típ như thế này đã tạo ra phản ứng trái chiều với người tiêu dùng. Các nghiên cứu cho thấy, nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu bởi các yêu cầu tiền típ tự động tại các quán cà phê và các quán ăn cung cấp dịch vụ tại quầy, những nơi khách hàng không mấy khi để lại tiền típ, vì dịch vụ thường bị hạn chế.

Hannah Koban, một luật sư 30 tuổi, thừa nhận rằng gần đây cô phải “boa nhiều hơn trước đây tôi từng làm”. Nữ luật sư cho biết việc liên tục yêu cầu tiền thưởng cho người phục vụ “đang gây thêm một chút áp lực”. Thậm chí, nhiều trang còn đề xuất số tiền boa lên tới 30% trên tổng hóa đơn - con số vượt xa tỷ lệ thông thường.

“Kết quả là tôi phải mất thời gian để tra cứu xem khi nào nên boa, khi nào không boa, mức boa nào là phù hợp, có phải lúc nào cũng là 20% không? Và vì vậy tôi cảm thấy như mình đang tra cứu trên Google liên tục”- Koban nói.

Ông Mike Avella - Giảng viên tại Trường khách sạn và du lịch DePaul nói: “Cảm giác như giờ đi đâu mọi người cũng phải típ vậy. Từ cửa hàng bán đồ điện tử, tạp hóa, cho đến siêu thị”.

Nathaniel Meyersohn, phóng viên kinh doanh của CNN, trong một chương trình phát sóng gần đây, cũng cho biết mọi người đều đang cảm thấy mệt mỏi vì tiền típ. Điều này bị ảnh hưởng bởi chi phí bữa ăn cao và lạm phát.

Các chuyên gia nghiên cứu về chủ đề này nêu rõ, nhiều người tiêu dùng cảm thấy khó chịu với các yêu cầu tiền típ tự động tại các quán cà phê và các quán ăn phục vụ tại quầy. Theo ông Thomas Farley - Chuyên gia nghi thức xã giao: “Khách hàng bị rơi vào tình huống buộc phải típ, dù trước đó có thể họ không có ý định đó. Nhân viên phục vụ chỉ cần nhìn liếc qua cũng biết bạn ấn vào số tiền típ là bao nhiêu, chưa kể những khách hàng xếp hàng tại quầy đằng sau bạn cũng thấy được khoản tiền bạn chi trả”.

Nhân viên vẫn mong muốn được nhận tiền típ

Tuy nhiên dù là khách hàng hay nhân viên phục vụ đều có nỗi niềm riêng. Theo đó, hiện mức lương tối thiểu ở Mỹ là 7,25 USD/giờ. Tuy nhiên, mức lương thực nhận của những người phục vụ thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 2,13 USD/giờ. Có những người được nhận mức lương cao tới 126,92 USD/giờ. Dù vậy, nó còn tùy thuộc vào kỹ năng và thâm niên. Những người phải nhận mức lương thấp hơn mức tối thiểu là rất đông. Điều này khiến những người phục vụ phải sống nhờ những đồng tiền típ. “Mức lương thấp khiến tiền típ trở thành thu nhập chính của những người phục vụ. Họ mong chờ tiền típ để duy trì cuộc sống. Ở Mỹ, típ là một phần văn hóa”, theo Just Restaurant Supplies.

Đối với một nhân viên phục vụ như Dylan Schenker, người đàn ông 38 tuổi này kiếm được khoảng 400 USD/tháng từ tiền típ. Đây là khoản tiền bổ sung thêm cho mức lương chỉ 15 USD/giờ của anh khi làm nhân viên pha chế tại một quán cà phê. Tiền thưởng giúp Schenker trang trải tiền thuê nhà hàng tháng và giảm bớt một số gánh nặng về chi phí sinh hoạt. Schenker cho rằng mình khó thông cảm với những khách hàng có thể mua một món nước đắt tiền, nhưng lại phàn nàn về tiền típ với nhân viên. “Tôi cảm thấy mất tinh thần khi không nhận lại được gì từ họ. Đặc biệt là khách quen”, anh nói.

Với vấn đề này Saru Jayaraman, Chủ tịch của hiệp hội One Fair Wage, tổ chức bảo vệ mức lương “công bằng” cho những người phục vụ bàn cho biết: “Nếu chúng ta phát ngán với việc liên tục cho tiền boa, thì hãy tham gia phong trào chấm dứt mức lương dưới mức tối thiểu cho những người lao động ở lĩnh vực “được boa”. Bởi trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, phục vụ ăn uống, các ông chủ thường trả thấp hơn mức lương tối thiểu”.

Theo Saru Jayaraman, thủ đô Washington hồi tháng 11/2022 đã cùng một số bang áp đặt mức lương tối thiểu, ngay cả đối với những nhân viên được trả tiền boa và điều này đã thu hút lực lượng lao động đáng kể. “Nếu còn tồn tại mức lương dưới mức tối thiểu thì việc “ám ảnh tiền boa” sẽ còn khiến người tiêu dùng mệt mỏi”, Saru Jayaraman nói.

(Nguồn: Báo Pháp Luật)

Ông Trump khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống

(Ảnh minh họa).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay (25/3) sẽ tổ chức cuộc vận động tranh cử đầu tiên trong năm 2023 tại thành phố Waco thuộc bang Texas.

Tờ USA Today cho biết, địa điểm được cựu Tổng thống Trump lựa chọn trong cuộc vận động tranh cử đầu tiên trong năm nay xét về mặt chính trị khá quan trọng đối với bản thân ông. Do thành phố Waco được coi là “nơi nằm giữa nhiều khu vực có người dân mang xu hướng bảo thủ, và sẽ tin vào những điều sắp được ông Trump diễn thuyết”.

“Waco nằm ở vị trí trung tâm của những khu vực ủng hộ đảng Cộng hòa ở bang Texas như Dallas-Fort Worth, Houston, Austin và San Antonio. Người dân ở đó về mặt văn hóa khá bảo thủ và ủng hộ chính sách về súng đạn. Về mặt xã hội, họ cũng bảo thủ”, chiến lược gia chính trị của đảng Cộng hòa làm việc ở bang Texas, ông Matt Mackowiak nhận định.

Trong một thông cáo được đưa ra sau đó, nhóm tranh cử của ông Donald Trump cho biết việc lựa chọn Waco làm điểm khởi đầu cuộc vận động tranh cử tổng thống có liên quan tới việc sân bay quốc tế nằm ở thành phố này đủ rộng để hàng chục nghìn người ủng hộ cựu tổng thống có thể tụ họp tại đó.

“Đó là địa điểm lý tưởng, để nhiều người ủng hộ ông Trump từ khắp bang Texas và các bang lân cận có thể tới tham dự cuộc mít tinh lịch sử này,” thông cáo từ nhóm tranh cử cho biết.

Theo USA Today, việc ông Trump tổ chức cuộc vận động tranh cử ở thành phố Waco diễn ra trong bối cảnh đại bồi thẩm đoàn ở Manhattan, New York, đang cân nhắc liệu có khởi tố cựu tổng thống với cáo buộc ông phạm pháp khi trả 130.000 USD, thông qua luật sư thân tín Michael Cohen, để che giấu mối quan hệ với nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels trong giai đoạn vận động tranh cử vào Nhà Trắng hồi năm 2016.

(Nguồn: Vietnamnet)

Mỹ cảnh báo Iran sau các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng ở Syria

Tổng thống Joe Biden cảnh báo Iran sau các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa lực lượng đôi bên tại Syria hôm 23 và 24-3.

Reuters dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc cho biết lượng dân quân thân Iran liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ ở Syria.

Đầu tiên là vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát hôm 23-3 vào Cơ sở bảo dưỡng của liên quân do Mỹ dẫn đầu gần TP Hasakah ở Đông Đắc Syria.

Tiếp đến, hôm 24-3, lực lượng dân quân thân Iran đã phóng 10 rốc-két vào vị trí quân sự Mỹ tại Green Village, Đông Bắc Syria. Đáng chú ý, cuộc tấn công này diễn ra không lâu sau khi quân đội Mỹ điều máy bay chiến đấu F-15 thực hiện hai cuộc không kích đáp trả nhằm vào "cơ sở liên kết với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran".

Hậu quả của các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" khiến 7 người Mỹ thương vong. Giới chức Lầu Năm Góc xác nhận các cuộc tấn công của lực lượng thân Iran tại Syria khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng, một nhà thầu khác và 5 binh sĩ bị thương.

"Không quân Mỹ mở cuộc không kích theo lệnh của Tổng thống Joe Biden nhằm gửi thông điệp rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ nghiêm túc bảo vệ binh sĩ của mình, cũng như phản ứng nhanh chóng và dứt khoát nếu họ bị đe dọa" - Chuẩn tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, giải thích về việc điều tiêm kích F-15 thực hiện hai cuộc không kích đáp trả nhằm vào "cơ sở liên kết với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran".

Tổng thống Joe Biden sau đó lên tiếng cảnh báo Iran: "Tôi nhấn mạnh rằng Mỹ không muốn xung đột với Iran. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị cho khả năng chúng tôi hành động mạnh mẽ để bảo vệ công dân Mỹ".

Mỹ hiện duy trì số lượng nhỏ binh sĩ tại Syria để hỗ trợ chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và bảo vệ các cơ sở khai thác dầu mỏ vốn do lực lượng người Kurd kiểm soát.

Có khoảng 700 binh sĩ Mỹ đóng ở căn cứ al-Shaddadi, gần TP Hasakah và khoảng 200 binh sĩ đồn trú tại căn cứ al-Tanf, gần biên giới Syria - Jordan.

Syria và Nga cáo buộc Mỹ triển khai căn cứ bất hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông.

Đáp lại, Lầu Năm Góc tuyên bố binh sĩ Mỹ chỉ rời đi khi tiêu diệt hoàn toàn IS và các đồng minh của họ ở Syria được bảo vệ.

Mỹ từng nhiều lần cáo buộc dân quân thân Iran thực hiện các vụ tập kích nhằm vào lực lượng liên quân tại Syria.

Dân quân do Iran hậu thuẫn là một trong các đồng minh của lực lượng chính phủ Syria trong xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

(Nguồn: Soha)

Mỹ ấp ủ nhiều "át chủ bài" như AUKUS để đối phó với Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Mỹ đang dự kiến thực hiện nhiều thỏa thuận tầm cỡ như AUKUS để có thể kiềm chế được ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Trải qua hàng thập kỷ, công nghệ tàu ngầm của Mỹ vẫn là một thứ bất khả xâm phạm, ngay cả đối với các đồng minh thân cận nhất. Hiện nay chỉ có duy nhất Anh quốc được tiếp cận các kỹ thuật động cơ đẩy hạt nhân của Mỹ vào năm 1958. Do đó, thỏa thuận AUKUS được ký kết mới đây chính là cột mốc lịch sử mở ra mô hình hợp tác an ninh mới dường như phù hợp hơn với vị thế của Mỹ tại thời điểm hiện nay.

Đánh đổi "bí quyết" vì mục tiêu lớn

Mỹ không còn đủ khả năng duy trì vị thế độc tôn về quân sự và kinh tế như trong quá khứ, đó là một thực tế mà nhiều chuyên gia thừa nhận. Bất chấp mong muốn của các chính trị gia Mỹ về việc "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", Washington đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong và ngoài nước.

Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc dường như là không thể ngăn cản. Sức mạnh về kinh tế, công nghệ hay quân sự của Bắc Kinh vẫn gia tăng bất chấp các nỗ lực kiềm chế của Mỹ.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ ngoạn mục, hiện vượt xa Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại. Hải quân Trung Quốc đã chế tạo 12 tàu ngầm hạt nhân trong 15 năm qua và hiện là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về quy mô. Theo một thống kê gần đây về các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn, Trung Quốc dẫn đầu với 37/44 công nghệ quân sự và dân sự quan trọng, nhiều gấp 5 lần so với vị trí thứ 2.

Với bối cảnh đó, các chuyên gia tin rằng chỉ bằng cách chia sẻ và hợp tác trong các bí mật công nghệ quốc gia như AUKUS, Mỹ mới có thể tập hợp được đủ sức mạnh để cùng hành động.

“AUKUS là một mô hình phù hợp nơi các đồng minh có thể hành động cùng nhau. Bởi nó liên quan đến sự đánh đổi giữa chủ quyền và năng lực”, tờ Economist nhận định.

Theo đó, Mỹ sẽ phải chia sẻ bí mật “thiêng liêng” nhất, nhưng đổi lại là khoản đầu tư khổng lồ của Úc cho các xưởng đóng tàu tân tiến, hay được quyền tiếp cận thêm nhiều bến cảng ở Thái Bình Dương, đồng thời có thêm một đồng minh có vũ khí tân tiến hơn ở châu Á. Về phía Úc, Canbera có công nghệ tàu ngầm hiện đại nhất thế giới và sự cam kết an ninh mạnh mẽ hơn từ Mỹ và Anh. Chưa kể, cả ba quốc gia đều được hưởng lợi về kinh tế khi tập hợp được các nguồn lực thế mạnh của nhau.

Mô hình tương lai để ngăn chặn Trung Quốc?

AUKUS có thể sẽ là hình mẫu hợp tác trong tương lai, với trụ cột là sự gia tăng lòng tin, chia sẻ lợi ích để cùng thắng. Mỹ có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong cách làm này, với mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các quốc gia đi đầu về kĩ thuật và khoa học công nghệ trên thế giới. Và ý tưởng này đã bắt đầu được nhen nhóm từ vài năm trở lại đây.

Năm 2021, Nhật Bản từng đề xuất tham gia một thỏa thuận tương tự AUKUS với Mỹ, Anh, Úc trong lĩnh vực không gian, phát triển hệ thống tác chiến dưới nước không người lái và tên lửa tiên tiến.

Chuyên gia Henry Sokolski, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Chính sách Phi Hạt nhân (NPEC) ở Washington cho rằng, Mỹ có thể cân nhắc một thỏa thuận tương tự giữa Mỹ - Pháp – Hàn Quốc (ROKFUS) để xây dựng một hệ thống giám sát không gian tân tiến. Hợp tác này có thể tận dụng hệ thống vệ tinh viễn thám ở châu Âu và châu Á, tạo nên một mạng lưới vệ tinh đồng nhất trong khi tối ưu chi phí để theo dõi các vệ tinh quân sự và dân sự của Trung Quốc.

Đức cũng sẽ là một đối tác tiềm năng, với vai trò đầu tàu trong EU. Ý tưởng về một thỏa thuận Mỹ - Đức – Nhật Bản (DEJPUS) đã xuất hiện khi bàn về hợp tác máy tính và thông tin liên lạc tiên tiến nhằm giải mã, bảo mật và mở ra các hệ thống internet khép kín trước nguy cơ an ninh mạng của Trung Quốc hay Nga. Theo các chuyên gia, một thỏa thuận như vậy có thể giúp Mỹ dành lại thị trường 5G của châu Âu, hay vượt qua chế độ tường lửa thông tin tân tiến của Bắc Kinh.

Dù vậy, để đi đến những thỏa thuận khác tầm cỡ AUKUS, Mỹ sẽ phải đánh đổi nhiều lợi ích về kinh tế và chính trị - một ý tưởng sẽ khó vượt qua được một Quốc hội Mỹ với nhiều chia rẽ. Dù vậy, theo các nhà quan sát, chỉ bằng cách huy động sức mạnh tổng hợp từ các đồng minh, Mỹ mới có thể thực sự chặn được bước tiến của Trung Quốc trên con đường trở thành cường quốc số một thế giới.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang