Thép TQ 'càn quét'; Nghề giao hàng hộ shipper; Cuộc chiến thuê nhà ở Canada; Ukraine mất điện diện rộng; Khủng hoảng ở Sudan

MỘT MẶT HÀNG CỦA TRUNG QUỐC ĐANG CÀN QUÉT KHẮP THẾ GIỚI NHƯ "CƠN LŨ": LÀ "XƯƠNG SỐNG" CỦA NỀN KINH TẾ, VIỆT NAM ĐẨY MẠNH NHẬP KHẨU VỚI GIÁ SIÊU RẺ

Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023, gây áp lực lên một ngành sản xuất của Việt Nam.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong 8 năm do cuộc khủng hoảng bất động sản đã làm suy yếu tiêu dùng nội địa ở nước này và gây ra lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu trong một số ngành công nghiệp.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước lên 15,9 triệu tấn, là mức cao nhất kể từ năm 2016 trong giai đoạn này.

Các nhà phân tích tin rằng xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm nay sẽ bằng hoặc vượt mức so với năm ngoái do Trung Quốc nỗ lực kích thích nền kinh tế và những nỗ lực cắt giảm sản xuất dường như là chưa đủ.

Thép là một phong vũ biểu quan trọng cho thấy sự tăng trưởng trong nền kinh tế thâm dụng đầu tư của Trung Quốc, nền kinh tế mà nhiều người lo ngại sẽ chuyển sang tình trạng dư cung trong các lĩnh vực từ ô tô đến tấm pin mặt trời do tiêu dùng nội địa phục hồi yếu hơn dự kiến sau đại dịch.

Trung Quốc sản xuất khoảng 55% lượng thép của thế giới, do đó, ngay cả một sự gia tăng nhỏ trong xuất khẩu cũng có thể gây áp lực giá trên thị trường thế giới. Lần cuối cùng xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt mức cao như vậy là trong thời kỳ kinh tế suy thoái từ năm 2015 đến 2016.

Colin Richardson, người đứng đầu bộ phận thép tại cơ quan báo cáo giá Argus Media cho biết: “Có quá nhiều thép trên thế giới… Ngay cả khi Trung Quốc thoái lui, vẫn còn rất nhiều thép”.

Tomas Gutierrez, nhà phân tích của Kallanish Commodities cho biết, các công ty thép Trung Quốc bắt đầu đưa ra các hợp đồng xuất khẩu với mức chiết khấu đáng kể.

“Kỳ vọng ban đầu của chúng tôi là xuất khẩu có thể giảm bớt trong năm nay nếu thị trường bất động sản ổn định. Nhưng với tình hình bất động sản vẫn đang sụt giảm, có vẻ như chắc chắn rằng xuất khẩu sẽ mạnh mẽ từ ngay thời điểm này”, ông cho biết.

Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế tại Moody's Analytics cho biết, triển vọng kinh tế yếu hơn cũng ảnh hưởng đến giá quặng sắt.

“Việc thiếu các biện pháp kích thích có ý nghĩa từ các phiên họp của các nhà chức trách Trung Quốc tuần trước đã làm sứt mẻ đường ống xây dựng trong năm nay, đẩy giá quặng sắt xuống chỉ còn khoảng 100 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023”, ông cho biết.

Bên cạnh nhu cầu nội địa yếu hơn ở Trung Quốc, chính sách tiền tệ dễ dàng hơn ở các thị trường phát triển, dự kiến sẽ được áp dụng vào cuối năm nay, sẽ tạo động lực bên ngoài cho xuất khẩu thép của nước này.

Colin Hamilton, nhà phân tích hàng hóa tại BMO cho biết, Trung Quốc đang chuyển thép sang các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài tại các thị trường đang phát triển mà họ thường tự tài trợ và xây dựng, chẳng hạn như các thị trường thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Một số nhà phân tích cho biết, các nhà sản xuất phương Tây được bảo vệ tốt hơn khỏi tác động của xuất khẩu ngày càng tăng của Trung Quốc so với năm 2016, phần lớn nhờ thuế quan và các rào cản thương mại khác nhắm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cũng như trợ cấp cho thép xanh.

Tuy nhiên, thép Trung Quốc vẫn đang tìm đường vào thị trường phương Tây thông qua các quốc gia châu Á khác.

Việt Nam tăng nhập khẩu thép Trung Quốc gấp 3 lần

Theo Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam đạt hơn 2,6 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng gần 70%, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 triệu USD, tăng đột biến gấp 3 lần (191%) về lượng và 2,3 lần (133%) về giá trị. Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc đạt 627,6 USD/tấn, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành thép Việt Nam vốn đang khó khăn khi nhu cầu thấp, nay lại thêm sức ép to lớn bởi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Từ đầu quý I, giá nguyên vật liệu (quặng sắt, than coke, phế, ..) giảm, nhưng các chi phí tài chính và tỷ giá USD tăng khá cao, cộng với nhu cầu tiêu thụ thép thấp khiến các nhà máy phải điều chỉnh giảm giá bán nhằm bù lại một phần chi phí sản xuất tăng.

Do đó, từ đầu tháng 3, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Việt Đức thông báo điều chỉnh giảm giá bán sau hơn 4 tháng tăng liên tiếp để mở rộng hoặc giữ thị phần. Nhiều nhà máy sản xuất còn phải chịu cảnh tạm dừng các lò do tồn kho lớn.

Việc thép ồ ạt tràn về Việt Nam đặt ra yêu cầu về giám sát. Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất sứ từ Trung Quốc. 

Trong một báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) kỳ vọng giá thép có thể phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên giá khó có thể tăng mạnh vì thị trường bất động sản ở Trung Quốc chưa có nhiều khởi sắc, nhu cầu chung vẫn đang bị ảnh hưởng.

NGHỀ MỚI Ở TRUNG QUỐC: GIAO HÀNG HỘ SHIPPER

Dịch vụ giao hàng hộ bắt đầu bùng nổ giúp các shipper giải quyết các vấn đề như thời gian chờ đợi quá lâu hay địa điểm giao hàng quá khó tìm.

Cứ đến giờ ăn trưa, dưới tầng trệt của tòa nhà SEG Plaza thuộc khu Hoa Cường Bắc, thành phố Thâm Quyến lại có hàng chục người phụ nữ đứng chờ để nhận hàng từ các "shipper" (người giao hàng) và chuyển đến cho khách hàng. Những người này được gọi với biệt danh là "dì giao hộ" hoặc "dì giao chặng cuối".

Sau khi đưa hàng đến địa điểm dự kiến, các shipper sẽ quét mã QR của dì giao hộ và trả cho họ một mức phí là 2 nhân dân tệ (gần 7 nghìn đồng). Những người giao hộ sẽ tích đủ số đơn hàng và nhanh chóng bước vào tòa nhà giao cho các khách hàng đang chờ đợi.

Người làm dịch vụ giao hàng chặng cuối gần đây đã trở thành một hiện tượng mới tại các khu trung tâm thương mại ở Thâm Quyến. Hầu hết họ là những người làm việc bán thời gian và trong lúc rảnh rỗi sẽ đến SEG Plaza để kiếm thêm thu nhập với công việc giao hàng hộ.

Như Huang Xiumei quê gốc Hồ Nam, hiện đang làm nhân viên dọn dẹp ở Thâm Quyến. Bà cho biết các shipper tìm người giao hàng hộ vì thời gian chờ thang máy trong các trung tâm thương mại thường rất lâu, họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm đến tận điểm giao hàng.

SEG Plaza là tòa nhà chọc trời cao 71 tầng ở khu Hoa Cường Bắc với hơn 3.000 căn hộ với cách bố trí phức tạp. Trong giờ ăn trưa đông người, thời gian chờ thang máy ít nhất là năm phút, phải mất ít nhất 15 phút để đi từ tầng cao nhất xuống đến tầng trệt của tòa nhà, bao gồm cả việc dừng ở mỗi tầng để người khác vào và ra thang máy.

Vì đã quá quen với cấu trúc tòa nhà, cô Huang có thể nhanh chóng giao 20 đơn hàng trong vòng 30 phút.

Dù là một lĩnh vực mới nhưng công việc giao hàng hộ cũng ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Cô Huang cho biết, vì công việc này không cần bằng cấp nên bất kỳ ai cũng có thể đến đây kiếm tiền. Năm 2023, có đến 50 - 60 người đến khu vực này cùng một lúc để nhận giao hàng hộ, thậm chí có cả người trẻ tuổi.

Số lượng cung nhiều hơn cầu khiến thu nhập của cô Huang bị ảnh hưởng đáng kể trong năm qua. Cô chia sẻ mình chỉ có thể nhận tối đa 30 đơn hàng vào mỗi giờ ăn trưa, tương đương khoảng 1.000 - 2.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 - 7 triệu đồng) mỗi tháng.

Mặc dù chỉ kiếm được khoảng 4 - 7 nhân dân tệ (khoảng 14 - 25 nghìn đồng) mỗi đơn hàng, hầu hết những shipper hoạt động ở khu vực các tòa nhà văn phòng tại Thâm Quyến cho biết họ đành phải lựa chọn chia sẻ thu nhập của bản thân với những người giao hàng hộ, bởi nếu hàng được giao chậm thì lương của họ cũng sẽ giảm hoặc bị đánh giá không tốt. Và việc chờ thang máy ở các tòa cao ốc như SEG Plaza quá tốn thời gian, có thể mất đến 20 phút để giao một đơn hàng.

Tuy nhiên, việc nhờ người giao hàng hộ đôi lúc sẽ gặp vướng mắc về vấn đề trách nhiệm. Có những trường hợp "dì giao hộ" giao hàng sai hoặc bị chậm trễ thì các tài xế phải chịu trách nhiệm và họ phải bồi thường cho khách hàng.

Li Xianliang, luật sư tại công ty luật Hebei Shidai Jingdian, đã chỉ ra rằng về cơ bản, những người giao hàng hộ này không khác một "trạm trung chuyển". Điểm khác biệt duy nhất là họ có thể di chuyển và không có giấy phép hoạt động.

Ông nói thêm, nếu không nhận được sự chấp thuận của khách hàng, các shipper thực tế đang vi phạm thỏa thuận giao hàng khi chuyển đơn đặt hàng của khách cho người giao hàng hộ. Nếu đơn hàng bị mất, người bán, nền tảng và đặc biệt là shipper chính đều phải chịu trách nhiệm.

CUỘC CHIẾN THUÊ NHÀ Ở CANADA

Chen, sinh viên năm cuối, quyết định đi máy bay từ Calgary tới trường hàng tuần, do giá thuê nhà ở Vancouver quá cao.

Trong tháng 1, Tim Chen, sinh viên năm cuối Đại học British Columbia (UCB), hoàn thành 7 chuyến khứ hồi, di chuyển gần 1.000 km từ Calgary đến Vancouver, tỉnh British Columbia, đi học hàng tuần.

Anh sống cùng bố mẹ tại thành phố Calgary, từng thuê nhà ở Vancouver để tiện đi học, nhưng sốc nặng khi thấy giá thuê nhà tăng vọt lên 2.500 USD.

Do chỉ phải đến trường hai tiết mỗi tuần, Chen nảy ra ý định ở lại nhà tại Calgary và đi máy bay tới Vancouver đi học. Vé khứ hồi Calgary - Vancouver có giá khoảng 111 USD, nên chi phí đi lại của Chen khoảng 890 USD mỗi tháng, rẻ hơn rất nhiều so với thuê nhà, trong khi vẫn được sống cùng bố mẹ.

"Chuyến bay mất gần hai giờ, giống như đi xe bus vậy", Chen nói, gọi sáng kiến của mình là "hình thức đi lại siêu việt".

Chen không phải người duy nhất đang vật lộn với tình trạng nhà cho thuê ngày càng đắt đỏ và khan hiếm ở Canada. British Columbia là tỉnh đắt đỏ nhất Canada, nơi cạnh tranh thị trường nhà ở diễn ra khắc nghiệt. Giá thuê trung bình một căn hộ tại tỉnh này là 2.481 USD một tháng, nhưng rất ít nhà có sẵn để thuê.

Người thuê nhà ở Canada đang phải tuyệt vọng tìm một nơi ở giá cả phải chăng, hoặc ít nhất là có sẵn. Những người này cho hay thường phải đối mặt nguy cơ bị đuổi ra đường, bởi giá thuê nhà ở Canada đã tăng trung bình 384 USD mỗi tháng kể từ năm 2022, khiến các chủ nhà tìm cách trục xuất người thuê để tăng giá.

Cạnh tranh khốc liệt đến mức nhiều người đang phải tìm nhà theo những cách "sáng tạo". Một số lập hồ sơ có lịch sử thuê nhà, điểm tín dụng, thậm chí mô tả thêm về tính cách bản thân, thông tin gia đình, kỹ năng sống để xin thuê nhà.

Robert Forsyth đã chi 1.700 USD một tháng để thuê căn hộ ở Squamish, tỉnh British Columbia, trong 7 năm qua. Khi nghe hàng xóm mới nói giá thuê nhà của họ là 2.900 USD, Forsyth cảm thấy lo lắng. Cuối năm ngoái, anh nhận thông báo của chủ nhà, chấm dứt hợp đồng cho thuê.

Kể từ đó, anh nộp hồ sơ xin thuê hàng chục nơi, nhưng chưa có kết quả. Trong khi chờ đợi, anh đồng ý trả tiền cao hơn để được tiếp tục ở tại chỗ cũ.

"Chi phí sinh hoạt có thể tăng gấp ba. Tôi rất lo lắng và stress", Forsyth chia sẻ.

Nghiên cứu từ trường Dân số và Y tế Công thuộc UCB cho thấy ngày càng nhiều gia đình trẻ không tìm được chỗ ở khi giá thuê nhà tăng cao.

"Lớp trẻ đang làm việc chăm chỉ, nhưng không được đền đáp như trước đây. Họ phải quảng cáo bản thân để chủ nhà cho họ thuê căn hộ một phòng ngủ với giá cắt cổ. Tôi rất buồn khi nghe những điều này", Paul Kershaw, giáo sư chính sách của UCB, nói.

Theo đài CBC của Canada, Vancouver có giá thuê trung bình cho căn hộ một phòng ngủ cao nhất cả nước, ở mức 2.653 USD một tháng. Các thành phố cùng tỉnh như Burnaby, Victoria và Surrey thuộc top đắt đỏ nhất.

Shaun Hildebrand, chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường nhà ở Urbanation có trụ sở ở Toronto, cho biết tình trạng giá thuê nhà leo thang dường như "không thể ngăn chặn", trong khi nguồn cung nhà hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn.

Giá thuê leo thang thúc đẩy các chủ nhà tìm cách đuổi khách cũ để có thể tăng giá. Chủ nhà ở British Columbia chỉ được phép đuổi khách thuê nếu chuyển nhà, bán hoặc cải tạo, phá bỏ ngôi nhà, và cần thông báo trước vài tháng.

Dù những người thuê bị chấm dứt hợp đồng, như Forsyth ở Squamish, có thể khởi kiện chủ nhà, nhưng quá trình kiện tụng có thể kéo dài nhiều năm và mang lại rất ít kết quả.

Ngay cả những người có thu nhập cao hơn cũng cảm thấy sức ép từ cuộc chiến thuê nhà này.

Gần đây, kỹ sư Reid Madiuk và vợ đã bị đuổi khỏi căn nhà thuê ở Squamish. Đây là lần thứ hai vợ chồng anh bị đuổi khỏi nhà kể từ 2020.

Để tìm chỗ ở mới, Madiuk đăng bài trên nhóm Facebook, quảng cáo rằng hai vợ chồng có lối sống sạch sẽ, năng động, hiếm khi ở nhà, kèm lời hứa giữ yên tĩnh.

Đầu bếp Kumariah và vợ trước đây phải mất nhiều tháng để thuê được một căn nhà ở Burnaby. Nhận lời tiếp quản một chuỗi bánh mì, vợ chồng anh cùng con nhỏ 9 tháng tuổi chuyển nhà đến Vancouver Island, nhưng tá hỏa vì không thể tìm được căn hộ phù hợp với gia đình với giá 2.300 USD một tháng.

"Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này. Tôi đã làm việc tại Mỹ, tại Bermuda và nhiều nước khác, nhưng chưa bao giờ chứng kiến mức độ cạnh tranh khốc liệt như vậy chỉ để thuê nhà", Kumariah bày tỏ.

Ba tháng qua, hai vợ chồng anh vẫn nỗ lực tìm nhà ở Vancouver Island nhưng chưa có kết quả. Để gây chú ý với các chủ nhà tương lai, Kumariah đăng lên Facebook ảnh hai vợ chồng cùng con nhỏ trước con voi ma mút khổng lồ ở bảo tàng Victoria.

"Chiến thuật là phải nổi bật giữa đáp đông", anh nói.

UKRAINE MẤT ĐIỆN DIỆN RỘNG SAU LOẠT TẤN CÔNG DỮ DỘI CỦA NGA

Các quan chức Ukraine cho biết, quân Nga đã tiến hành một trong những đợt không kích và tấn công tên lửa dữ dội nhất vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này trong những tuần gần đây.

Trong một bài đăng trên Facebook hôm nay (22/3), Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cáo buộc mục tiêu của Nga “không chỉ là gây thiệt hại mà còn cố gắng tạo ra sự cố trên quy mô lớn cho hệ thống năng lượng Ukraine một lần nữa, giống như năm ngoái”.

“Thật không may đã có những cú nhắm bắn trúng và thiệt hại đối với các cơ sở sản xuất điện, hệ thống truyền tải và phân phối ở nhiều khu vực khác nhau của Ukraine”, ông Galushchenko viết, đồng thời tiết lộ một trong những đường dây điện kết nối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền đông đã bị cắt đứt. Vùng Zaporizhia đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào mùa thu năm 2022.

Theo công ty quản lý thủy điện Ukrhydroenergo của Ukraine, các lực lượng Moscow đã tiến hành một vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào nhà máy thủy điện Dnipro (HPP) ở thành phố Zaporizhia đang nằm dưới sự kiểm soát của Kiev. Cơ sở này đã bị bắn trúng và bốc cháy.

Ukrhydroenergo khẳng định không có nguy cơ vỡ đập thủy điện và tình hình đã được kiểm soát. Tuy nhiên, giám đốc công ty Igor Sirota đánh giá quy mô thiệt hại là rất lớn và họ đang tạm mất trạm phát điện.

Các video và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hỏa hoạn ở một con đập gần thủy điện Dnipro. Trong khi đó, tình trạng mất điện trên diện rộng đã được báo cáo ở nhiều vùng khác của Ukraine, bao gồm Kharkiv, Odessa, Dnipro, Vinnitsa, Lviv, Ivano-Frankivsk và Nikolaev.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, quân Nga đã sử dụng hơn 60 máy bay không người lái (UAV) và gần 90 tên lửa các loại trong đợt tập kích này.

Thị trưởng Kharkiv Igor Terekhov thông báo đã xảy ra 15 vụ nổ trong thành phố. Quan chức này nói thêm, thành phố thủ phủ vùng Kharkiv đang gặp vấn đề về nguồn cung cấp nước, trong khi hệ thống đèn tín hiệu và phương tiện giao thông bằng điện đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Oleg Kiper, lãnh đạo vùng Odessa thông tin, các vụ tập kích của Nga đã khiến khoảng 53.000 cư dân địa phương bị mất điện. Nhà chức trách đang nỗ lực khắc phục sự cố.

Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng bình luận về các phát biểu của giới chức Ukraine. Tuy nhiên, nghị sĩ Nga Mikhail Sheremet nhấn mạnh, đợt tấn công mới nhằm đáp trả các vụ tập kích của lực lượng Kiev nhằm vào dân thường ở Belgorod và các khu vực biên giới khác của Nga, khiến hàng chục người thiệt mạng.

SUDAN ĐỐI MẶT KHỦNG HOẢNG NHÂN ĐẠO CỰC KỲ TỒI TỆ

Sudan đang đối mặt với một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

Đây là đánh giá được Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNOCHA) - bà Edem Wosornu đưa ra hôm qua (20/3) tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình nhân đạo tại Sudan sau gần một năm xung đột.

Trong báo cáo, người đứng đầu UNOCHA nêu rõ đánh giá trên được kết luận trên cơ sở xem xét cả khía cạnh nhu cầu nhân đạo, số người bị mất nhà ở và nguy cơ chết đói tại Sudan. Đáng chú ý, bà Wosornu nhấn mạnh rằng thảm kịch nhân đạo vẫn đang tiếp tục xảy ra tại Sudan mà không hề nhận được sự quan tâm hay hành động can thiệp cần thiết từ cộng đồng quốc tế.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột vũ trang bùng phát ngày 15/4/2023 giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), đã cướp đi mạng sống của hàng chục nghìn người và khiến khoảng 8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Đáng lo ngại hơn, chiến sự đang đẩy khoảng 18 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực, tăng thêm tới 10 triệu người so với năm ngoái, đồng thời phá hủy khoảng 70% hạ tầng y tế. Nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo khoảng 222.000 trẻ em Sudan có nguy cơ tử vong trong vài tuần hoặc vài tháng tới, nếu điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc y tế tại nước này không được cải thiện một cách đáng kể.

Nguồn: Soha; Báo Tin Tức; Vnexpress; Vietnamnet; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang