Báo động đỏ khí hậu; Ai Cập 'khát' USD; TQ-Ấn Độ giành ảnh hưởng; Nghịch lý chiến trường, bước ngoặt mới ở Ukraine

BÁO ĐỘNG ĐỎ VỀ KHÍ HẬU TOÀN CẦU

Tổ chức Khí tượng Thế giới đang phát đi cảnh báo đỏ về hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong đó mọi kỷ lục lớn về khí hậu toàn cầu đã bị phá vỡ vào năm 2023.

Theo đó, năm 2023 đã tăng kỷ lục về khí nhà kính, nhiệt độ đất và nước cũng như tình trạng tan chảy của sông băng và băng biển.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 19/3 rằng có "khả năng cao" năm 2024 sẽ lại là một năm nóng kỷ lục nữa, đồng thời cảnh báo rằng những nỗ lực của thế giới nhằm đảo ngược xu hướng này là chưa thỏa đáng.

Cơ quan có trụ sở tại Geneve, Thụy Sĩ này bày tỏ quan ngại trong báo cáo Tình hình Khí hậu Toàn cầu rằng một mục tiêu quan trọng về khí hậu đang ngày càng gặp nguy hiểm - hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bà Celeste Saulo, Tổng Thư ký VMO, nói: "Cộng đồng WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đỏ cho thế giới".

Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, khoảng thời gian 12 tháng từ tháng 3/2023 đến tháng 2/2024 đã vượt quá giới hạn 1,5oC, trung bình cao hơn 1,56oC.

Trong năm Dương lịch 2023, mức này chỉ dưới 1,5oC (1,48oC), nhưng khởi đầu phá kỷ lục trong năm nay đã đẩy mức trung bình 12 tháng vượt quá mức đó.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Trái đất đang đưa ra lời kêu cứu. Báo cáo Tình hình Khí hậu Toàn cầu mới nhất cho thấy một hành tinh đang trên bờ vực. Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang khiến khí hậu trở nên hỗn loạn".

Omar Baddour, Giám đốc Giám sát khí hậu của WMO, nhận định: "Chúng tôi không thể nói chắc chắn rằng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất. Nhưng tôi cho rằng có khả năng cao năm 2024 sẽ lại phá kỷ lục của năm 2023, nhưng chúng ta hãy chờ xem. Tháng 1/2024 là tháng 1 ấm nhất được ghi nhận. Vì vậy, các kỷ lục vẫn đang bị phá vỡ".

Vào năm 2023, hơn 90% nước biển đã trải qua tình trạng sóng nhiệt ít nhất một lần. Nhiệt độ đại dương ở mức ấm nhất trong 65 năm, gây hại cho hệ sinh thái biển.

Theo kết quả theo dõi từ năm 1950, các sông băng đã thất thoát lượng băng nhiều kỷ lục. Băng biển ở Nam Cực rút xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, thấp hơn kỷ lục trước đó tới 1 triệu km2.

'CƠN KHÁT' USD CỦA AI CẬP

Thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng và khủng hoảng kinh tế, Ai Cập liên tiếp bán cơ sở hạ tầng cho láng giềng đề nhận cứu trợ và đầu tư.

Vào thời điểm Ai Cập đang thiếu ngoại tệ nghiêm trọng, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang chuẩn bị bơm 35 tỷ USD vào nước này. Phần lớn số tiền được dành cho việc phát triển Ras El-Hikma, một bán đảo rộng 170 triệu m2, trải dài trên khoảng 50 km bãi biển cát trắng.

Đứng sau thương vụ là quỹ nhà nước ADQ của Tiểu vương quốc Dubai. ADQ tham vọng biến Ras El-Hikma trở thành "một trong những thành phố mới lớn nhất được phát triển bởi một tập đoàn tư nhân" bằng cách biến nó thành một địa điểm du lịch sang trọng kết hợp với trung tâm tài chính và khu vực tự do thương mại.

Abu Dhabi đã chuyển trước 10 tỷ USD và sẽ chuyển tiếp 12 tỷ USD trong 2 tháng tới. Còn lại 11 tỷ USD sẽ được giải ngân từ lượng tiền gửi hiện có của UAE tại Ngân hàng Trung ương Ai Cập. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án khác nhau trên khắp đất nước.

Cairo đang chật vật các khoản nợ ước tính hơn 160 tỷ USD và cuộc khủng hoảng thanh khoản tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Khoản đầu tư khổng lồ của UAE tiếp thêm làn gió mới, cùng với gói vay bổ sung của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đầu tháng 3, IMF phê duyệt khoản vay mới trị giá 5 tỷ USD, sau thỏa thuận ban đầu trị giá 3 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Vậy Ai Cập đang thiếu ngoại tệ đến mức nào? Trong hai năm qua, tình trạng thiếu hụt USD nghiêm trọng đã khiến nhập khẩu bị đình trệ, ảnh hưởng dây chuyền đến ngành công nghiệp địa phương. Giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu tăng nhanh hơn nhiều so với lạm phát chung, lên mức kỷ lục 38% trong tháng 9/2023.

Đồng bảng Ai Cập đã giảm hơn hai phần ba so với USD kể từ tháng 3/2022. Lãi suất tăng và nội tệ suy yếu làm tăng chi phí trả nợ nước ngoài. Hiện các khoản thanh toán lãi đã chiếm hơn 45% tổng doanh thu trong năm tài chính kết thúc tháng 6/2023 của quốc gia này.

Thiếu ngoại tệ bắt đầu nghiêm trọng từ khi Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah el-Sisi lên điều hành năm 2014. Ngoài các khoản chi thường xuyên, nước này đã chi mạnh tay cho cơ sở hạ tầng, bao gồm nhà ở, thành phố mới và đường sá. Siêu dự án nổi bật nhất là thủ đô mới trị giá 58 tỷ USD ở sa mạc phía đông Cairo.

Đồng thời, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho hay nhập khẩu vũ khí của Ai Cập cũng tăng mạnh trong thập kỷ qua, khiến nước này trở thành nước nhập khẩu lớn thứ ba trên toàn cầu.

Giới chức Ai Cập nói họ đã tăng chi tiêu với các chương trình xã hội dành cho người nghèo, bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho khoảng 5 triệu gia đình, mặc dù các nhà phê bình cho rằng phúc lợi không đủ để bảo vệ mức sống. Hiện ước tính có 60% trong số 106 triệu người Ai Cập ở dưới hoặc gần mức nghèo khổ.

Tiền từ UAE đến đã tạo ra những tác động nhất thời. Trong khi tỷ giá ngân hàng được ấn định ở mức 30 bảng Ai Cập đổi một USD thì thực tế tỷ giá đã đạt mức 70 bảng đổi một USD trên thị trường chợ đen vào tháng trước. Sau thông báo về thỏa thuận với UAE, tỷ giá hạ nhiệt xuống còn 44 bảng vào đầu tháng 3.

Nhưng cái giá để được bơm ngoại tệ không nhỏ. Để tiếp tục được IMF cho vay thêm, Cairo đã phải cam kết thả nổi đồng bảng Ai Cập mà trước đây bị quốc tế cho là định giá quá cao. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã tăng lãi suất thêm 6 điểm, lên kỷ lục 27,25%.

Chính phủ Ai Cập đồng thời cũng phải tăng kỷ luật tài chính nhằm giảm lạm phát và thâm hụt thương mại. IMF yêu cầu giảm tốc độ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cải cách cơ cấu nhằm khuyến khích tăng trưởng khu vực tư nhân, bằng cách loại bỏ các miễn trừ và đặc quyền dành cho doanh nghiệp nhà nước.

Với tiền nhận từ Vùng Vịnh, Ai Cập phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khu vực này mua lại tài sản trong nhiều lĩnh vực, từ du lịch và nông nghiệp đến ngân hàng, cảng và dược phẩm. Đó là điều có qua có lại, khi để giúp đỡ nền kinh tế Ai Cập thập kỷ qua, Vùng Vịnh đã gửi tổng cộng 28 tỷ USD vào Ngân hàng trung ương Ai Cập.

Tháng trước, Cairo bán một khách sạn cổ lại cho ADQ với giá 800 triệu USD. Chính phủ đang chuẩn bị tư nhân hóa việc quản lý các sân bay, đồng thời thông báo mời đấu thầu quốc tế. Tổng thống el-Sissi cũng đã phê chuẩn luật cho phép bán đất sa mạc cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Sau bán đảo Ras El-Hikma, một siêu dự án khác ở miền Nam Sinai đã được thảo luận, nằm bên bờ Biển Đỏ. Bán đảo Ras Gamila có thể thu hút nguồn vốn của Arab Saudi ước tính khoảng 15 tỷ USD để phát triển một dự án khu du lịch.

Dù chính phủ Ai Cập đã tuyên bố sẽ giữ lại 35% lợi nhuận dự kiến từ dự án Ras El-Hikma nhưng thỏa thuận này vẫn tạo một số ngờ vực. Nói trên Le Monde, nhà kinh tế Ilhami El-Mirghani nói không thực sự biết hàng tỷ USD sẽ được bơm vào kênh nào và số tiền còn lại sẽ được chi vào dự án nào. Ai Cập đã từ bỏ quyền sở hữu đất đai chưa.

Theo chuyên gia, bằng cách bán những tài sản này, đất nước mất quyền kiểm soát với đất đai của mình. "Chúng tôi đang mất đi các công ty tốt nhất, các nguồn lực chiến lược, thế chấp các cảng và sân bay", ông nói.

TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ TRANH GIÀNH ẢNH HƯỞNG Ở ẤN ĐỘ DƯƠNG

Trung Quốc gia tăng nỗ lực tăng cường quan hệ an ninh với các nước ở Ấn Độ Dương trong những tuần gần đây, ký một thỏa thuận an ninh mới với Maldives và cử một phái đoàn quân sự tới ba nước trong khu vực vào đầu tháng này.

Vào ngày 4 tháng 3 năm nay, Bộ Quốc phòng Maldives thông báo đã ký một thỏa thuận hỗ trợ quân sự với Trung Quốc nhằm mục đích “thúc đẩy mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn”. Bộ này không nói rõ chi tiết về thỏa thuận.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cử một phái đoàn quân sự đi thăm 10 ngày tới Maldives, Sri Lanka và Nepal hồi đầu tháng.

Theo Bộ này, phái đoàn đã gặp Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu và các quan chức quốc phòng của cả ba nước để thảo luận về “các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm”, phát triển quan hệ quân sự song phương và thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.

Những diễn biến này xảy ra khi Ấn Độ bắt đầu rút khoảng 80 nhân viên an ninh đồn trú ở Maldives theo yêu cầu của ông Muizzu. Nhân viên an ninh Ấn Độ đã được triển khai tới quần đảo này để vận hành trực thăng và các máy bay khác thực hiện nhiệm vụ giám sát hoặc cứu hộ.

Việc này cũng diễn ra sau chuyến thăm của một tàu nghiên cứu Trung Quốc tới Maldives vào tháng trước. Các hoạt động gia tăng của tàu nghiên cứu Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong vài tháng qua đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh cho Ấn Độ. Ấn Độ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể triển khai tàu hải quân đến khu vực dựa trên những gì thu thập được từ các hoạt động này.

Một số nhà phân tích cho rằng những diễn biến gần đây ở Ấn Độ Dương là một phần trong nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện an ninh trong khu vực. Ông David Brewster, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Úc, nói với VOA qua điện thoại: “Trung Quốc đã làm như vậy trong khoảng 15 năm và đang áp dụng một cách tiếp cận cơ hội để [tăng cường hiện diện an ninh] ở Ấn Độ Dương”.

Thay vì tập trung vào việc phát triển quan hệ an ninh với một quốc gia cụ thể, ông Brewster cho biết Trung Quốc thường chờ đợi cơ hội để “nâng cao vị thế” ở một số quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương.

Trong trường hợp của Maldives, Trung Quốc “đang lợi dụng thực tế là chính phủ mới [Maldives] dưới sự lãnh đạo của ông Muizzu lên nắm quyền vào tháng 11 năm ngoái và lợi dụng cảm giác ‘đuổi Ấn Độ’ của nhiều người dân trong nước,” ông nói.

Trả lời câu hỏi về việc nhân viên an ninh Ấn Độ rút khỏi Maldives, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 12/3 nói Trung Quốc “ủng hộ Maldives bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thực hiện hợp tác thân thiện với tất cả các bên trên cơ sở độc lập”.

Trong khi Maldives đã tăng cường trao đổi với Trung Quốc dưới thời chính phủ mới, ông Brewster cho biết vẫn chưa rõ mối quan hệ này thực chất đến mức nào. Ông nói với đài VOA: “Những bước đầu tiên trong hợp tác quân sự [giữa Trung Quốc và Maldives] khá khiêm tốn và không rõ mối quan hệ an ninh song phương sẽ phát triển như thế nào”.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ lo ngại về sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và sẽ cố gắng chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh bằng cách mở rộng sự hiện diện hoặc tăng cường trao đổi với các nước láng giềng.

Ông Harsh Pant, Phó Chủ tịch Nghiên cứu và Chính sách Đối ngoại tại Sáng hội Nghiên cứu Quan sát ở Ấn Độ, nói: “Nếu bạn có một quốc gia có quy mô, tài nguyên và khả năng như Trung Quốc hiện diện ở Ấn Độ Dương và Nam Á, các lựa chọn của Ấn Độ sẽ bị hạn chế”.

Ấn Độ đã áp dụng một số biện pháp để tăng cường sự hiện diện và bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược, với 80% hàng hải toàn cầu đi qua vùng biển này.

Đầu tháng này, Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân mới trên Minicoy, hòn đảo cực nam thuộc quần đảo Lakshadweep của Ấn Độ và gần Maldives. Ông Pant cho biết New Delhi cũng đang xây dựng các cơ sở mới ở các nước khác trong khu vực như Mauritius.

Ông nói với đài VOA qua điện thoại: “Ấn Độ có cách tiếp cận riêng để quản lý sự chuyển đổi an ninh trong khu vực,” ông nói thêm rằng những nỗ lực này bao gồm thực hiện các dự án ở các nước láng giềng, nâng cao khả năng nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Ấn Độ và thúc đẩy quan hệ đối tác với các nền dân chủ có cùng quan điểm như Mỹ và Nhật Bản.

Ông Brewster ở Úc nói những diễn biến gần đây là một phần của cuộc tranh giành ảnh hưởng liên tục giữa Bắc Kinh và New Delhi.

Ông nói với đài VOA: “Ở bất kỳ quốc đảo nào [trong khu vực], đều có một con lắc dao động qua lại giữa ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc.” Ông nói thêm rằng những thay đổi chính trị nội địa ở các nước trong khu vực thường có thể tạo ra các điều kiện có lợi cho cả Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Một số nhà phân tích cho rằng khu vực này sẽ trở thành một khu vực cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa các cường quốc.

“Trung Quốc có thể cố gắng thiết lập thêm căn cứ hải quân, hỗ trợ trên không về mặt chiến thuật hoặc tăng cường hậu cần ở khu vực Ấn Độ Dương trong vòng thập niên tới,” ông Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, nói với VOA qua điện thoại.

Ông Kondapalli cho rằng Ấn Độ và các đồng minh có thể tăng số lượng tàu hải quân ở Ấn Độ Dương và “xây dựng” một số thỏa thuận hải quân với các nước trong khu vực. Ông nói: “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một số cuộc xung đột và tranh chấp ở mức độ thấp ở khu vực Ấn Độ Dương trong tương lai”.

NGHỊCH LÝ CHIẾN TRƯỜNG UKRAINE: CỖ MÁY CHIẾN TRANH NGA "SỐNG KHỎE" NHỜ THỨ TỐI QUAN TRỌNG CỦA PHƯƠNG TÂY

Hơn 1 tỷ USD chất bán dẫn tiên tiến từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đã được đưa vào Nga trong năm ngoái.

"Cỗ máy chiến tranh" Nga chạy bằng linh kiện phương Tây

Tại thành phố Izhevsk của Nga, nơi đặt nhà máy sản xuất súng trường Kalashnikov, các trung tâm mua sắm đang được chuyển đổi thành nhà máy sản xuất máy bay không người lái. Các nhà sản xuất vũ khí đã được kêu gọi làm việc suốt ngày đêm để cung cấp cho "cỗ máy chiến tranh" của Nga.

Theo truyền thông địa phương, các công ty quốc phòng đã mua ít nhất 3 trung tâm mua sắm ở Izhevsk để tái sử dụng cho mục đích sản xuất máy bay không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái tấn công Lancet mà Bộ Quốc phòng Anh mô tả là một trong những vũ khí mới hiệu quả nhất mà Nga đưa ra chiến trường năm ngoái. Lancet, có chi phí sản xuất khoảng 35.000 USD, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tấn công của quân đội Nga.

Giống như nhiều hệ thống vũ khí của Nga, Lancet được trang bị đầy đủ các thành phần của phương Tây. Một phân tích hình ảnh của máy bay không người lái được Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS) có trụ sở tại Washington công bố vào tháng 12/2023 cho thấy chúng chứa một số bộ phận từ các nhà sản xuất Mỹ, Thụy Sĩ và Séc, bao gồm các thành phần phân tích và xử lý hình ảnh đóng vai trò then chốt cho phép máy bay không người lái tiếp cận mục tiêu trên chiến trường.

Lancet không phải là UAV duy nhất được phát hiện có chứa các thành phần của phương Tây. Một phân tích riêng công bố vào tháng 11/2023 kết luận rằng hầu như tất cả các linh kiện điện tử trong máy bay không người lái Shahed-136 của Iran mà Nga hiện đang sản xuất với sự giúp đỡ của Iran để sử dụng ở Ukraine đều có nguồn gốc từ phương Tây.

Vũ khí phương Tây chống lại vũ khí phương Tây ở Ukraine

Khi Moscow khởi xướng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước sản xuất lớn từ Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Á đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt mặt hàng được coi là quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ khí của Nga.

Nga nhanh chóng trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới: Khoảng 16.000 người và công ty phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và lệnh kiểm soát xuất khẩu do liên minh 39 quốc gia áp đặt. Các hạn chế xuất khẩu dày đặc đến nỗi kính râm, kính áp tròng và răng giả cũng nằm trong danh sách cấm.

Nhưng khi xung đột đã bước qua mốc thời điểm hai năm, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vẫn không ngăn được dòng thiết bị điện tử và máy móc tiên tiến tiến vào Nga.

Một điều tra của Nikkei Asia cho thấy xuất khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) sang Nga đã tăng gấp 10 lần ngay sau khi xung đột nổ ra - phần lớn trong số đó là từ các nhà sản xuất Mỹ.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu mật của cơ quan hải quan Nga mà Bloomberg thu được, hơn 1 tỷ USD mặt hàng bán dẫn tiên tiến từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đã được đưa vào nước này vào năm ngoái. Một báo cáo gần đây của Trường Kinh tế Kiev cho thấy nhập khẩu các linh kiện được coi là quan trọng cho chiến trường chỉ giảm 10% trong 10 tháng đầu năm 2023, so với mức trước xung đột Ukraine.

Báo cáo lưu ý rằng điều này đã tạo ra tình trạng mà trong đó, quân đội Ukraine chiến đấu bằng vũ khí của phương Tây chống lại kho vũ khí của Nga cũng sử dụng các linh kiện của phương Tây.

Đầu cuộc chiến, Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) đã phân tích 27 hệ thống quân sự của Nga, bao gồm tên lửa hành trình, tổ hợp tác chiến điện tử và hệ thống thông tin liên lạc, và phát hiện ra rằng chúng chứa ít nhất 450 linh kiện do nước ngoài sản xuất, cho thấy sự phụ thuộc của Nga vào hàng nhập khẩu.

Một trong những cách thức chính mà Nga né tránh sự kiểm soát xuất khẩu của phương Tây là thông qua việc trung chuyển qua các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và các quốc gia láng giềng từng thuộc Liên Xô cũ.

Bloomberg đưa tin vào tháng 11 năm ngoái rằng trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng của phương Tây, UAE đã đồng ý hạn chế xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm sang Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xem xét động thái tương tự. Các quan chức Kazakhstan đã công bố lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng chiến trường sang Nga vào tháng 10/2023.

Chuỗi cung ứng chất bán dẫn thường trải dài trên nhiều quốc gia, với chip được thiết kế ở một quốc gia và sản xuất ở quốc gia khác trước khi được bán cho hàng loạt nhà phân phối hạ nguồn trên khắp thế giới. Điều đó gây khó khăn cho các công ty trong việc xác định người dùng cuối cùng của sản phẩm của họ.

Trong khi liên minh gồm 39 quốc gia, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiên tiến lớn trên thế giới, áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Nga, thì phần lớn phần còn lại của thế giới vẫn tiếp tục giao thương tự do với Moscow.

Khả năng của Nga trong việc thách thức những hạn chế này không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc chiến ở Ukraine mà cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về thách thức phía trước đối với Trung Quốc - tờ Foreign Policy bình luận.

BƯỚC NGOẶT MỚI TRONG CUỘC XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE

Ukraine tăng cường tập kích vào các nhà máy lọc dầu bên trong lãnh thổ Nga cho thấy cuộc xung đột đã bước sang một giai đoạn mới.

Gần đây, Ukraine tăng tần suất tấn công vào các nhà máy lọc dầu bên trong lãnh thổ Nga. Nguồn tin tình báo Ukraine nói rằng, lực lượng của họ đã tập kích thành công ít nhất 12 nhà máy lọc dầu của Nga.

Khi cuộc xung đột ở tiền tuyến chuyển sang có lợi cho Moscow, chiến dịch sử dụng máy bay không người lái (UAV) đang trở thành một trụ cột quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine - cả về tính biểu tượng lẫn mục tiêu chiến lược.

Nó mang lại cho Kiev khả năng tiếp cận sâu vào lãnh thổ Nga và tấn công một ngành công nghiệp quan trọng vốn vừa mang lại nguồn thu cho nước này, vừa cung cấp nhiên liệu cho lực lượng vũ trang.

"Nga là một trạm xăng cho quân đội và chúng tôi có ý định phá hủy trạm xăng đó. Chúng tôi sẽ tập trung vào nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất và đó là nguồn tài chính", ông Francisco Serra-Martins, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của nhà sản xuất UAV Terminal Autonomy, cho biết.

Ngay cả khi chiến dịch sử dụng UAV trở thành một câu chuyện thành công đối với quân đội Ukraine, thì đó vẫn là một lá bài nguy hiểm tiềm ẩn đối với thị trường thế giới và các đồng minh phương Tây của Kiev.

Giá dầu thế giới liên tục tăng những ngày gần đây trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các cuộc tấn công của Ukraine một ngày nào đó có thể phá hủy một cơ sở xuất khẩu dầu lớn của Nga.

Cách đây 6 tuần, Ukraine đã lập lực lượng hệ thống không người lái, một đơn vị chuyên biệt tập trung vào UAV. Vào thời điểm đó, lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng công nghệ này một cách hiệu quả, phá hủy một số tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga và làm hư hại một cơ sở dầu mỏ trên Biển Baltic.

Nga đã buộc phải cấm xuất khẩu nhiên liệu từ ngày 1/3 đến 31/8 để đảm bảo nguồn cung trong nước trước khi nhu cầu tiêu thụ tăng theo mùa.

"Các nhà lãnh đạo Ukraine dường như cảm thấy rằng, ngay cả khi ở thế phòng thủ, họ vẫn cần có khả năng tiếp tục gây tổn thất cho Nga", Peter Schroeder, cựu nhà phân tích cấp cao về Nga tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, nhận định.

Tuy nhiên, để làm được điều đó cũng không hề dễ dàng. Các UAV của Ukraine phải được thiết kế với khả năng vượt qua các hệ thống gây nhiễu sóng tinh vi của Nga, sử dụng điều hướng địa hình hoặc định vị trực quan không yêu cầu bất kỳ liên lạc điện tử nào sau khi phóng.

Chúng cần phải hoạt động ở phạm vi lên tới 1.000km, đồng thời mang theo trọng tải nổ đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể cho các cơ sở được xây dựng để có khả năng phục hồi của Moscow.

Thị trường dầu toàn cầu hiện chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chiến dịch tập kích của Ukraine nhằm vào mạng lưới nhà máy lọc dầu của Nga. Tuy nhiên, tác động sẽ lớn hơn nhiều nếu Kiev nhắm đến các cảng xuất khẩu dầu chính của Nga ở Baltic hay Biển Đen.

"Tuy nhiên, điều đó sẽ gây thêm áp lực cho mối quan hệ với các đồng minh phương Tây vì tác động lên giá dầu và sản phẩm tinh chế toàn cầu sẽ rất lớn", Mark Williams, giám đốc nghiên cứu dầu ngắn hạn tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, nhận định.

Hiện tại, chiến dịch UAV của Ukraine chỉ tập trung vào tác động kinh tế ở Nga: cản trở khả năng xử lý dầu thô thành nhiên liệu và làm suy yếu hệ thống phòng không của nước này. Các cuộc tấn công cũng nhằm gây tác động tâm lý.

Để đối phó chiến dịch này của Ukraine, tại một cuộc họp quốc hội ngày 19/3, ông Artyom Verkhov, Giám đốc bộ phận phát triển ngành khí đốt của Bộ Năng lượng Nga, cho biết nước này có kế hoạch bảo vệ các cơ sở dầu khí bằng hệ thống tên lửa.

"Chúng tôi đang cùng làm việc, bao gồm cả các đồng nghiệp từ Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, để bảo vệ các cơ sở, chẳng hạn như lắp đặt các hệ thống tên lửa bảo vệ như Pantsir", ông nói.

Nguồn: CafeF; Vnexpress; VOA; Soha; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang