Sinh viên TQ ngán du học Mỹ; 'Cuộc đua vũ trang' chip; 'Thị trường tóc bạc' TQ; Bán đảo Triều Tiên dậy sóng; Putin tái đắc cử

SINH VIÊN TRUNG QUỐC NGÁN DU HỌC MỸ

Tại một hội thảo ở Thượng Hải, hai cô gái trẻ đang tìm cơ hội du học nhưng đều không chọn điểm đến nổi tiếng trong nhiều thập kỷ với sinh viên Trung Quốc là Mỹ.

Đối với Helen Dong, 22 tuổi, sinh viên năm cuối ngành quảng cáo, vấn đề là học phí. "Không có ích gì khi chi tới 278.000 USD du học mà không tìm được việc làm khi tốt nghiệp", Dong nói. Thay vì chọn Mỹ, cô sẽ đến Hong Kong học vào kỳ mùa thu này.

Nhu cầu du học tại Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng nhu cầu du học Mỹ đang có xu hướng giảm, trong bối cảnh thay đổi địa chính trị tái định hình quan hệ Washington - Bắc Kinh. Giảm giao lưu nhân dân có thể tác động lâu dài đến quan hệ hai nước.

"Giáo dục quốc tế là một cầu nối dài hạn. Những sinh viên đến đây là những kỹ sư, chính trị gia, doanh nhân tương lai. Mỹ cần chú ý nếu cầu nối này lung lay", Fanta Aw, lãnh đạo Hiệp hội Giáo dục Quốc tế (NAFSA) nhận định.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp hơn 86.000 visa cho sinh viên Trung Quốc trong năm tài khóa 2023, tăng gần 40% so với năm ngoái, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 105.000 visa.

Theo bà Aw, sinh viên Trung Quốc tham gia các chương trình đại học Mỹ sụt giảm do dân số Trung Quốc giảm, căng thẳng quan hệ hai nước gia tăng và có nhiều lựa chọn khác hơn do học phí ở Mỹ quá cao.

Các chương trình sau đại học cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Zheng Yi, phó giáo sư cơ khí ở Đại học Đông Bắc Boston, chứng kiến lượng sinh viên Trung Quốc nộp hồ sơ vào các khoa kỹ thuật sau đại học giảm xuống dưới 10, so với mức 20-30 trước đại dịch.

Andrew Chen, nhà tư vấn du học Mỹ cho sinh viên Trung Quốc tại Pittsburgh, dự đoán xu hướng này có thể tiếp diễn.

"Đây là một kỷ nguyên mới. Góc nhìn về Mỹ như một cường quốc suy yếu, nơi bạo lực súng đạn hoành hành đang khiến các gia đình Trung Quốc ngần ngại gửi con sang nước này", ông Chen nói.

Bắc Kinh cũng chỉ trích Washington vì chính sách thiếu thân thiện với sinh viên nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây phản đối việc một số sinh viên bị từ chối nhập cảnh khi đến các sân bay Mỹ, cáo buộc đây là hành vi "phân biệt đối xử có chọn lọc, mang động cơ chính trị".

Quỹ Tín thác Giáo dục Trung - Mỹ thừa nhận tình trạng khó khăn mà sinh viên Trung Quốc phải đối mặt. Khảo sát năm 1991-2021 của quỹ cho thấy du học sinh Trung Quốc thường bị coi là gián điệp tiềm năng ở Mỹ, trong khi bị chỉ trích "sính ngoại" ở quê nhà.

Theo EIC Education, tổ chức tư vấn giáo dục Trung Quốc, nhiều thanh niên nước này vẫn mong muốn du học, nhưng đã chuyển mục tiêu từ Mỹ sang Anh. Sinh viên thích các chương trình học ngắn, chất lượng và học phí hợp lý của nền giáo dục Anh, cũng như cảm giác an toàn tại nước này.

Khác với Helen Dong, học phí không phải mối lo đối với Yvonne Wong, 24 tuổi. Wong hiện học thạc sĩ văn học tại Đại học Bristol, Anh. Cô lựa chọn nước này vì lý do an toàn.

"Các gia đình thường không muốn gửi con gái đến những nơi không cấm súng", cô nói. "Họ coi Anh an toàn hơn Mỹ, đó cũng là mối quan tâm lớn nhất của bố mẹ tôi".

VÌ SAO CHIP LẠI TRỞ THÀNH 'CUỘC ĐUA VŨ TRANG' MỚI TRÊN TOÀN CẦU?

Chip là linh kiện thiết yếu để hiểu và xử lý những khối dữ liệu khổng lồ, tầm quan trọng có thể sánh ngang với dầu mỏ và trở thành huyết mạch của nền kinh tế.

Công nghệ bán dẫn, lĩnh vực sản xuất vô cùng phức tạp và có tính rủi ro cao, luôn là cuộc chiến giữa những gã khổng lồ của ngành. Giờ đây, nó còn là cuộc đua giữa các chính phủ.

Linh kiện công nghệ quan trọng này còn được gọi là mạch tích hợp hoặc cách gọi thông dụng hơn là chip. Đây có thể là sản phẩm có kích cỡ nhỏ nhưng lại có quy trình sản xuất khắt khe nhất. Do quá khó và tốn kém, thế giới phụ thuộc vào một số ít công ty, sự phụ thuộc này càng trở nên rõ ràng qua tình trạng thiếu hụt chip trong đại dịch.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ, chip cũng đã trở thành một "vũ khí" địa chính trị, với việc Mỹ tăng cường các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc để kiềm chế sự trỗi dậy của một đối thủ cạnh tranh kinh tế.

Vì sao chip thành 'cuộc đua vũ trang'?

Silicon là trung tâm của mọi đột phá về công nghệ. Phần lớn công nghệ chip hàng đầu thế giới có nguồn gốc từ Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường lớn nhất về linh kiện điện tử và có mong muốn ngày càng tăng trong việc tự sản xuất chip cho chính mình. Điều đó đã khiến ngành công nghiệp này trở thành tâm điểm của Washington khi họ cố gắng hạn chế sự trỗi dậy của đối thủ cạnh tranh châu Á và giải quyết những gì họ cho là các vấn đề an ninh quốc gia.

Về phía mình, Bắc Kinh đã đổ hàng tỷ USD vào các nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp chip nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc nguồn nhập khẩu, vốn đang ngày càng bị Mỹ hạn chế. Đồng thời, châu Âu và Mỹ đang dành ra một khoản tiền chính phủ khổng lồ để đưa sản xuất chip trở lại trong nước, nhằm giảm bớt điều mà họ gọi là "sự phụ thuộc nguy hiểm vào một vài cơ sở sản xuất ở Đông Á".

Tầm quan trọng của chip

Chip là linh kiện thiết yếu để hiểu và xử lý những khối dữ liệu khổng lồ, giờ đây sánh ngang với dầu mỏ, trở thành huyết mạch của nền kinh tế.

Được tạo ra trên các tấm đĩa bán dẫn làm từ silicon, chip có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Chip nhớ có chức năng lưu trữ dữ liệu, tương đối đơn giản và được giao dịch như hàng hóa. Chip logic chạy chương trình và hoạt động như bộ não của thiết bị, phức tạp và đắt tiền hơn.

Việc truy cập vào các thành phần như bộ tăng tốc AI H100 của Nvidia Corp đã trở nên gắn liền với cả an ninh quốc gia lẫn vận mệnh của các công ty khổng lồ như Google và Microsoft của Alphabet, trong cuộc đua xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ nhằm giành ưu thế trong lĩnh vực được coi là tương lai của điện toán.

Nhưng trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, ngay cả các thiết bị hàng ngày cũng ngày càng phụ thuộc vào chip. Mỗi lần nhấn nút trong một chiếc xe đầy tiện ích đều cần những con chip đơn giản để chuyển đổi thao tác chạm đó thành tín hiệu điện tử. Và tất cả các thiết bị chạy bằng pin đều cần chip để chuyển đổi và điều chỉnh dòng điện.

Ai kiểm soát nguồn cung?

Sản xuất chip đã trở thành một ngành kinh doanh ngày càng bấp bênh và độc quyền. Các nhà máy mới có giá thành hơn 20 tỷ USD phải mất nhiều năm để xây dựng và cần hoạt động hết công suất 24 giờ một ngày để tạo ra lợi nhuận.

Quy trình khắt khe và đòi hỏi quy mô lớn đã giảm số công ty có khả năng sản xuất chip xuống chỉ còn 3 - Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Samsung Electronics của Hàn Quốc và Intel Corp của Mỹ.

TSMC và Samsung hoạt động như các xưởng đúc (foundry), cung cấp dịch vụ sản xuất theo hợp đồng cho các công ty trên toàn thế giới. Tất cả các bên, từ Nvidia đến các nỗ lực nội bộ của Microsoft và Amazon, đều phụ thuộc vào việc tiếp cận các cơ sở sản xuất tốt nhất, phần lớn nằm ở Đài Loan.

Intel trước đây tập trung sản xuất chip cho riêng mình, nhưng hiện cũng đang cố gắng cạnh tranh với TSMC và Samsung trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất theo hợp đồng.

Ở phân khúc thấp hơn, có một ngành công nghiệp khổng lồ sản xuất các loại chip analog, một thành phần cốt lõi không thể thiếu trong hầu hết các thiết bị điện tử chúng ta đang dùng hàng ngày như điện thoại di động, máy tính, thậm chí cả các hệ thống âm thanh, ô tô, thiết bị y tế,...

Các công ty như Texas Instruments (Mỹ) và STMicroelectronics NV (Pháp - Italia) là những nhà sản xuất hàng đầu cho loại chip này.

Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia bị cản trở tiếp cận nhiều máy móc cần thiết để sản xuất các bộ phận tiên tiến, cũng đang nhắm đến dòng chip analog, đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất và giành thị phần.

Điều gì đang xảy ra?

Bất chấp mức chi tiêu khổng lồ của Trung Quốc, các nhà sản xuất chip của nước này vẫn phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất chip ở nước ngoài của họ đang bị thu hẹp.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn trong năm 2023 đối với một số loại chip và thiết bị sản xuất chip để ngăn Trung Quốc phát triển các năng lực mà Washington coi là "mối đe dọa quân sự tiềm tàng", như siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo.

Vào tháng 10, các biện pháp hạn chế đã được thắt chặt hơn nữa bằng các thỏa thuận đạt được với Nhật Bản và Hà Lan sẽ có hiệu lực vào năm 2024.

Một số công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Huawei Technologies, đã bị liệt vào một danh sách đen của Mỹ được gọi là "Danh sách thực thể" (Entity list). Theo đó, các nhà cung cấp công nghệ chip của Mỹ phải được chính phủ phê duyệt mới được phép bán sản phẩm cho các công ty này. Đây là một động thái nhằm hạn chế khả năng phát triển chip cao cấp và xây dựng các ứng dụng AI tiên tiến của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Huawei năm nay đã ra mắt điện thoại Mate 60 Pro sử dụng chip Kirin 9000s mới. Bộ xử lý này được Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) có trụ sở tại Thượng Hải sản xuất với công nghệ 7nm, tiên tiến hơn so với quy định của Mỹ cho phép.

Các chính trị gia Mỹ đã quyết định rằng họ cần phải làm nhiều hơn là chỉ kiềm chế Trung Quốc. Đạo luật Khoa học và Chip năm 2022 sẽ cung cấp khoảng 50 tỷ USD tiền liên bang để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn của Mỹ và thúc đẩy lực lượng lao động lành nghề mà ngành này cần. TSMC, Samsung và Intel, ba nhà sản xuất chip lớn nhất, đều đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ.

Châu Âu cũng nhảy vào cuộc đua nhằm giảm bớt sự tập trung sản xuất chip ở Đông Á. Các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí vào tháng 11/2023 về kế hoạch trị giá 43 tỷ euro để khởi động lại năng lực sản xuất chất bán dẫn của họ. Mục tiêu là tăng gấp đôi sản lượng trong khối lên 20% thị trường toàn cầu vào năm 2030.

Ở những nơi khác, Nhật Bản đã dành khoảng 4 nghìn tỷ yên (27 tỷ USD) trong quỹ chính phủ để phục hồi lĩnh vực bán dẫn và hy vọng rằng chi tiêu trong lĩnh vực này, bao gồm cả hỗ trợ của khu vực tư nhân, có thể đạt tới 10 nghìn tỷ yên (67,4 tỷ USD). Một trong những mục tiêu của kế hoạch là gấp ba doanh số bán chip do nội địa sản xuất vào năm 2030.

‘THỊ TRƯỜNG TÓC BẠC’ TỈ USD NỞ RỘ Ở TRUNG QUỐC

Xu hướng già hóa dân số của Trung Quốc đang tạo ra 1 thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty cung cấp lớp dạy thêm và hoạt động giải trí cho tầng lớp trung lưu lớn tuổi, theo Reuters ngày 18.3.

Xu hướng trên là nỗ lực thích nghi của ngành giáo dục tư nhân Trung Quốc sau khi chính phủ áp đặt các quy định chặt chẽ vào năm 2021 để kiểm soát các lớp dạy thêm nhằm vừa giảm bớt áp lực cho trẻ, vừa thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước thông qua việc giảm chi phí chi tiêu trong gia đình.

Ông Thu Bá Lâm, lãnh đạo Mama Sunset - một doanh nghiệp đào tạo các kỹ năng cho người cao tuổi đã mở 5 trung tâm ở Bắc Kinh (Trung Quốc) kể từ khi thành lập vào tháng 4.2023, cho biết ngành giáo dục tư nhân đang tập trung vào những người lớn tuổi.

Công ty tư vấn Frost & Sullivan (trụ sở ở Mỹ) kỳ vọng thị trường giáo dục cho người lớn tuổi của Trung Quốc sẽ tăng trưởng kép mỗi năm 34% và tới năm 2027 đạt 120,9 tỉ nhân dân tệ (421 nghìn tỉ đồng), tăng từ mức 28 tỉ nhân dân tệ của năm 2022.

Khoảng 300 triệu người Trung Quốc sẽ nghỉ hưu (tương đương với gần như toàn bộ dân số Mỹ). Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor (trụ sở ở Anh) ước tính cứ 2 người trên 65 tuổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có 1 người sống ở Trung Quốc vào năm 2040.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc đang đe dọa nền tảng công nghiệp, tài chính và các nỗ lực xóa đói giảm nghèo của nước này, một số nhà đầu tư coi nhóm người già ngày càng tăng là cơ hội làm ăn.

Điển hình, Mama Sunset, nơi cung cấp 20 lớp học khác nhau cho hàng nghìn người Trung Quốc trên 50 tuổi, đang đàm phán với các nhà đầu tư trong nước để mở rộng 200 trung tâm nhượng quyền trên toàn quốc trong 3 năm tới khi họ muốn niêm yết trên sàn giao dịch Hồng Kông.

Một công ty khác, Quantasing - nhà cung cấp dịch vụ học tập trực tuyến lớn nhất cho người cao tuổi ở Trung Quốc, hiện có kế hoạch thuê thêm gia sư thái cực quyền và y học cổ truyền để bổ sung vào các lớp học hiện có, từ rèn luyện trí nhớ đến chỉnh sửa video. Ngoài ra, công ty này cũng có kế hoạch tận dụng cơ sở khách hàng của mình để bán các sản phẩm như moxa (được sử dụng trong y học cổ truyền) hoặc Baijiu (1 loại rượu Trung Quốc).

Doanh thu của Quantasing tăng 24,7% so với cùng kỳ trong quý 4/2023 lên 980,5 triệu nhân dân tệ, trong khi tổng số người dùng đã đăng ký ứng dụng tăng 44,6% so với cùng kỳ lên 112,4 triệu vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, thị trường tiềm năng này cũng được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ. Chẳng hạn, chính phủ đã công bố ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi vào tháng 1. Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào tháng 3 đã cam kết nỗ lực hơn nữa để phát triển "kinh tế tóc bạc". Ngoài ra, chính quyền tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã cung cấp không gian cho chi nhánh Thương Châu (tỉnh Hà Bắc) của Mama Sunset như một phần của chương trình xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, thị trường này vẫn đối mặt với một số thách thức. Cụ thể, một số nhà phân tích cảnh báo rằng làn sóng đầu tư vào các ngành dành cho người cao tuổi có thể phát triển quá nhanh nếu Trung Quốc không thể thực hiện bước nhảy vọt mà các xã hội già hóa khác đã thực hiện: thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Các nhà phân tích cho biết thị trường này sẽ thu hẹp đáng kể nếu thu nhập hưu trí thấp, sự bất an về các nhu cầu cơ bản (như sức khỏe) trong bối cảnh nhiều người già phụ thuộc tài chính vào con cái.

Đồng thời, theo Giám đốc nghiên cứu tại Euromonitor Rachel He, dân số già của Trung Quốc là một tệp khách hàng đầy hứa hẹn, nhưng vẫn còn nghi vấn liệu hình thức kinh doanh này có phù hợp với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian tới hay không.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra "sự bất bình đẳng thu nhập sâu sắc" và thái độ bảo thủ hơn ở người già Trung Quốc, những người ít có xu hướng tiêu tiền cho bản thân.

Lương hưu trung bình hằng tháng ở thành thị dao động từ khoảng 3.000 nhân dân tệ ở các tỉnh kém phát triển đến khoảng 6.000 nhân dân tệ ở Bắc Kinh.

Tập đoàn thương mại quốc tế Nomura ước tính 160 triệu người Trung Quốc ở nông thôn nhận lương hưu chỉ khoảng 100 nhân dân tệ mỗi tháng.

Một lớp học tại Mama Sunset có giá từ 50 đến 60 nhân dân tệ, trong khi gói 36 lớp có giá 1.980 nhân dân tệ. Tại Quantasing, các gói thời hạn từ 1 đến 3 tháng có giá dao động từ 1.980 đến 3.699 nhân dân tệ.

Bà Thôi Xuân Vận, một kế toán 60 tuổi ở Bắc Kinh, đã tham gia các lớp học khiêu vũ của Mama Sunset để giữ dáng và tăng cường sức khỏe. "Tôi muốn cơ thể dẻo dai, ngay cả người trên 70 tuổi vẫn có thể nhảy múa, chúng tôi phải vận động để sống", bà chia sẻ.

BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN “DẬY SÓNG” VỚI LOẠT CUỘC TẬP TRẬN VÀ PHÓNG TÊN LỬA

Sau 2 tháng, sáng nay (18/3), Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra hướng biển phía Đông nước này, đúng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Blinken đang có mặt ở Hàn Quốc và Mỹ - Hàn tiến hàng loạt tập trận trong tháng 3. Bán đảo Triều Tiên tiếp tục dậy sóng trong bối cảnh tiến trình đàm phán đình trệ quá lâu.

Quân đội Hàn Quốc cho biết, một số tên lửa tầm ngắn Triều Tiên đã bay khoảng 300km sau khi được phóng trong khoảng thời gian từ 7h44 đến 8h22 sáng nay (theo giờ địa phương), từ thủ đô Bình Nhưỡng và đã hạ cánh ở ngoài khơi bờ biển phía đông. Quỹ đạo bay của tên lửa giống với KN-24 - tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn có tầm bắn lên tới 410km, với trọng tải 400-500kg. Quân đội Hàn Quốc nhận định, đây là một sự khiêu khích rõ ràng của Triều Tiên và đang cố gắng chia sẻ thông tin vụ việc với phía Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận, Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa và các tên lửa đã bay được khoảng 350km, ở độ cao tối đa 50km, rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế nước này.

Ngay lập tức, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ trích động thái của Triều Tiên: “Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo khá thường xuyên kể từ đầu năm nay. Một loạt hành động của Triều Tiên đe dọa hòa bình, an ninh của đất nước chúng tôi, khu vực, cộng đồng quốc tế và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Vụ phóng vi phạm các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc và chúng tôi cực lực lên án hành động này. Chúng tôi sẽ cố gắng để thu thập và phân tích thông tin cũng như theo dõi tình hình và hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc”.

Cùng quan điểm như Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích động thái mới của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đối thoại. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này luôn giữ cam kết thực hiện cách tiếp cận ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên, cùng cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản vững chắc.

Vụ phóng của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh khu vực này thời gian qua diễn ra nhiều cuộc tập trận quân sự khác nhau từ cả hai phía. Triều Tiên đã tiến hành một số cuộc tập trận sử dụng vũ khí thông thường, trên không và trên biển, được đích thân Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo, giám sát. Trong khi đó, ngay sau cuộc tận trận quân sự chung quy mô lớn thường xuyên kéo dài 10 ngày, Mỹ và Hàn Quốc lại tiến hành các cuộc tập trận mới, nhằm thực hành triển khai lực lượng trong tình huống khẩn cấp ở các đảo biên giới phía Tây.

Theo kế hoạch, Hàn Quốc và Mỹ tổ chức tổng cộng 48 cuộc diễn tập trên thực địa trong tháng 3 này, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc sắp tiến hành bầu cử quốc hội vào tháng tới.

Các động thái mới của Triều Tiên cũng được quốc tế đặc biệt quan tâm khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang ở thăm Hàn Quốc, để dự hội nghị cấp cao về Dân chủ, với sự tham gia của đại diện khoảng 30 quốc gia. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ dự kiến sẽ sớm có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Cho Tae-yul.

ÔNG PUTIN TÁI ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG NGA

Ông Vladimir Putin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga với 87,97% số phiếu bầu, theo kết quả chính thức đầu tiên được công bố hôm 17/3 sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.

Trong khi đó, Nhà Trắng hôm 17/3 nói rằng cuộc bầu cử ở Nga "rõ ràng là không tự do và công bằng" vì Tổng thống Vladimir Putin đã bỏ tù các đối thủ và ngăn cản những người khác ra tranh cử.

Ông Putin, 71 tuổi và đã nắm quyền hơn hai thập kỷ, hiện sẽ có thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa.

Trước đó, Reuters đưa tin, ông Putin sẵn sàng siết chặt quyền lực hôm 17/3 trong cuộc bầu cử ở Nga, vốn chắc chắn sẽ mang lại cho ông chiến thắng vang dội, mặc dù hàng nghìn người phản đối đã tổ chức một cuộc biểu tình mang tính biểu tượng vào buổi trưa tại các điểm bỏ phiếu.

Ông Putin, người lên nắm quyền vào năm 1999, dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ 6 năm nữa, giúp ông có thể vượt qua ông Josef Stalin và trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm.

Cuộc bầu cử diễn ra chỉ hơn hai năm kể từ khi ông Putin tiến hành cuộc xung đột nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế Chiến II bằng cách ra lệnh xâm lược Ukraine. Ông gọi nó là một "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Chiến tranh đã phủ bóng lên cuộc bầu cử kéo dài ba ngày: Ukraine đã liên tục tấn công các nhà máy lọc dầu ở Nga, pháo kích các khu vực của Nga và tìm cách xuyên qua biên giới Nga bằng các lực lượng ủy nhiệm - một động thái mà ông Putin nói sẽ không để yên.

Trong khi khả năng tái đắc cử của ông Putin là điều không thể nghi ngờ nhờ sự kiểm soát của ông đối với nước Nga và không có bất kỳ đối thủ thực sự nào, cựu điệp viên KGB muốn chứng tỏ rằng ông nhận được sự ủng hộ đông đảo của người Nga. Vài giờ trước khi các cuộc bỏ phiếu đóng cửa vào buổi chiều, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc đã vượt qua mức 67,5% của năm 2018.

Những người ủng hộ nhân vật đối lập Alexei Navalny, người đã chết trong một nhà tù ở Bắc Cực vào tháng trước, đã kêu gọi người Nga tham gia cuộc biểu tình gọi là "Buổi trưa chống lại Putin" để thể hiện sự bất đồng quan điểm của họ đối với một nhà lãnh đạo mà họ cho là một kẻ chuyên quyền tham nhũng.

Không có con số độc lập nào về việc có bao nhiêu trong số 114 triệu cử tri Nga đã tham gia các cuộc biểu tình của phe đối lập, trong bối cảnh an ninh hết sức chặt chẽ với sự tham gia của hàng chục nghìn cảnh sát và quan chức an ninh.

Các nhà báo của Reuters chứng kiến sự gia tăng dòng cử tri, đặc biệt là những người trẻ tuổi, vào buổi trưa tại một số điểm bỏ phiếu ở Moscow, St Petersburg và Yekaterinburg, với hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn người, xếp hàng.

Một số người cho biết họ đang biểu tình dù có rất ít dấu hiệu bên ngoài để phân biệt họ với cử tri bình thường.

Khi vợ góa của ông Navalny, bà Yulia, xuất hiện tại đại sứ quán Nga ở Berlin, nơi người Nga đang chờ bỏ phiếu, một số người đã cổ vũ bà và hô vang "Yulia, Yulia".

Những người sống lưu vong vốn ủng hộ ông Navalny đã phát sóng các đoạn phim về các cuộc biểu tình ở Nga và nước ngoài trên YouTube.

Nguồn: Vnexpress; CafeF; Thanh Niên; VOV; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang