Người Việt hải ngoại: Xuân Quê hương ở Nhật; Thùy Tiên đưa tết đến Campuchia; Cuộc sống ở Tây Tạng; Xử vụ đưa cô gái vào Anh

KHAI MẠC LỄ HỘI TẾT XUÂN QUÊ HƯƠNG 2024 TẠI FUKUOKA, NHẬT BẢN

(Ảnh minh họa).

Để chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Hiệp hội Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam tại Kyushu đã tổ chức Lễ hội Tết Xuân Quê hương 2024 tại Công viên Tenjinchuo, trung tâm Thành phố Fukuoka. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bà con kiều bào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Trao Bằng khen, Giấy khen cho cá nhân, tập thể đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả, góp phần vào việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam Nhật Bản.

Sự kiện có sự tham gia của bà Vũ Chi Mai - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, bà Omagari Akie - Phó Thống đốc Tỉnh Fukuoka, ông Kohara Katsuji - Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka, ông Inoue Hirotaka - Phó Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam tại tỉnh Fukuoka, đại diện các tổ chức, đơn vị từ trong nước, hội đoàn người Việt tại Fukuoka cùng hơn 40 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu, nhà thiết kế trong nước, Đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuổi Trẻ do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cùng hàng ngàn bà con người Việt Nam và Nhật Bản tại khu vực Kyushu.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Vũ Chi Mai - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka cho biết, năm 2023 là một năm có rất nhiều sự kiện quan trọng, với việc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản, 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hữu nghị giữa Thành phố Hà Nội và Tỉnh Fukuoka. Đặc biệt, tại chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai bên đã nâng cấp quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản lên 'Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới'. Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm Tỉnh Fukuoka và gặp mặt đại diện cộng đồng tại khu vực Kyushu. Nhân dịp đón năm mới Giáp Thìn, Tổng Lãnh sự quán cùng Hội người Việt Nam tại Fukuoka và Hiệp hội Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam tại Kyushu, tổ chức “Lễ hội Xuân Quê hương 2024” với nhiều sự kiện được diễn ra từ ngày 18-21/01/2024. Tết cộng đồng là sự kiện thường niên thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo kiều bào và người dân khu vực Kuyshu - Okinawa, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, Nhật Bản nói riêng, với mong muốn bà con là một khối đại đoàn kết và luôn hướng về cội nguồn. Lễ hội không chỉ là dịp để chia sẻ văn hóa Việt Nam, mà còn là cơ hội để tạo ra những mối quan hệ mới, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị.

Phát biểu chúc mừng Lễ hội Tết Nguyên Đán Việt Nam 2024, bà Omagari Akie - Phó Thống đốc Tỉnh Fukuoka cho biết, Tỉnh Fukuoka đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với Thành phố Hà Nội vào năm 2008 và năm ngoái đã kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ giữa hai địa phương. Bà cùng các đại biểu HĐND Tỉnh đã có kế hoạch đến thăm Hà Nội và ký một bản ghi nhớ nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương. “Hiện nay, cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại tỉnh Fukuoka lớn nhất là cộng đồng người Việt Nam và họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như lưu học sinh và thực tập sinh. Sáng nay, tôi nghe tin Kỷ lục Guinness thế giới về mặc áo dài cũng đã đạt được với sự tập trung đông đảo của cộng đồng người Việt Nam cũng như Nhật Bản, tôi đánh giá rất cao và vui mừng cho sự phát triển này của các bạn”, bà Omagari Akie chia sẻ thêm.

Tại sự kiện, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka đã trao Bằng khen của Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho 04 cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả, góp phần vào việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản; trao Giấy khen của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka cho 03 tập thể và 12 cá nhân “Đã đồng hành và có nhiều đóng góp trong hoạt động phục vụ cộng đồng và sự kiện Xuân Quê hương tại Fukuoka, Nhật Bản”

Điểm nhấn của Lễ hội là hai sự kiện quan trọng lần đầu tiên được tổ chức, gồm xác lập kỷ lục số lượng người mặc Áo dài xếp hình bản đồ Việt Nam ở nước ngoài (1.500 người) và Tuần lễ Thời trang Áo dài Fukuoka 2024 với bộ sưu tập gồm 180 áo dài của 6 nhà thiết kế thời trang hàng đầu Việt Nam.

Khai bút đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam, không chỉ biểu trưng cho sự hiếu học, mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy. Để gìn giữ và giới thiệu nét văn hóa tốt đẹp này, Ban tổ chức cùng khách mời Nhật Bản tham dự Xuân Quê hương đã cùng thực hiện nghi thức "Khai bút đầu năm".

Tại Lễ hội Xuân Quê hương Việt Nam, bà con kiều bào và bạn bè quốc tế được hòa mình vào không khí của mùa Xuân, kết nối tình cảm và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Khoảng 70 gian hàng giới thiệu về ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cũng như hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và Nhật Bản, quảng bá doanh nghiệp... mang lại cho người tham dự những trải nghiệm thú vị

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội bày tỏ kỳ vọng sự kiện sẽ góp phần xây dựng Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản văn minh, đoàn kết, trở thành cộng đồng có những hoạt động nổi bật trong số các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Fukuoka. Điều này sẽ giúp phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè Nhật Bản và đóng góp thiết thực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Hiện có khoảng hơn 20 ngàn người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại tỉnh Fukuoka. Năm ngoái, chương trình “Xuân Quê hương 2023” đã diễn ra rất thành công, không chỉ thu hút sự quan tâm, tham gia của Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và người dân sở tại, mà còn nhận được sự đánh giá cao của chính quyền Tỉnh Fukuoka.

Trong khuôn khổ Lễ hội, Ban tổ chức đã tái hiện một cách chân thực và trọn vẹn nhất các hoạt động văn hóa truyền thống của Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán như viết câu đối, chơi cờ người, ném còn, múa sạp…, các chương trình văn nghệ cũng là sự kết hợp của các diễn viên, người mẫu, ca sỹ từ Việt Nam với các tài năng trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Lễ hội Xuân Quê hương 2024 đã mang đến không khí vui tươi, đầm ấm, góp phần vơi đi nỗi nhớ quê của những người con xa xứ tại đất nước Mặt Trời mọc.

Thùy Tiên mang Tết hạnh phúc đến với bà con người gốc Việt Nam tại Campuchia

Hoa hậu Thuỳ Tiên giản dị, đội nón lá, mặc áo cờ đỏ sao vàng trong chuyến từ thiện tại Campuchia. Cô trao 500 phần quà cho học sinh là con em người gốc Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn và một số gia đình nghèo trên địa bàn Phnom Penh và tỉnh Kandal.

Ngày 21, 22, 23/1 vừa qua, hoa hậu Thùy Tiên cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tổ chức chương trình “Tết hạnh phúc cho kiều bào tại Campuchia”.

Tại đây, Thuỳ Tiên đã có chuyến công tác ý nghĩa khi trao tặng gần 500 phần quà, gồm cặp sách, quần áo, bánh kẹo và tiền mặt cho học sinh là con em người gốc Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên và một số gia đình nghèo trên địa bàn Phnom Penh và tỉnh Kandal.

Được biết, các con em kiều bào sinh sống tại Campuchia sẽ được giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Song song với chương trình này, trường cũng tổ chức dạy chữ Khmer cho các cháu, để hỗ trợ học sinh hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Đa phần các hoàn cảnh tại đây đa phần có cuộc sống khó khăn.

Tổng giá trị của dự án hơn 600 triệu đồng bao gồm: 273 phần quà tại Trường Tiểu học Tân Tiến với tổng giá trị là 330.330.000 đồng, 148 phần quà tại Lớp học Cây số 16 với 187.368.000 đồng, 70 phần quà cho con em cán bộ Hội với chi phí 103.600.000 đồng, 5 phần quà cho 5 hộ gia đình, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị là 26.430.000 đồng.

Phối hợp tổ chức chương trình này gồm đoàn thiện nguyện của Hoa hậu Thuỳ Tiên với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia (KVA) và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia.

Cũng giống như những lần tham gia công tác thiện nguyện trước đó, hoa hậu Thuỳ Tiên luôn xuất hiện giản dị và chỉn chu. Lần này, nàng hậu chọn cho mình những outfits đơn giản nhưng mang đậm nét đẹp của người con Việt như nón lá, áo cờ đỏ sao vàng. Có thể thấy, dù lịch trình khá dày đặc nhưng Thuỳ Tiên luôn tranh thủ quảng bá văn hóa - con người Việt Nam ở khắp mọi nơi bằng những hành động nhỏ và tinh tế.

Nàng hậu cũng có dịp đến thăm tại đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia tại thủ đô Phnom Penh. Tượng đài này gần Vương cung Campuchia, được xây dựng để kỷ niệm liên minh Việt Nam-Campuchia. Tượng đài này cũng nằm gần tư dinh của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Theo ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia: "Tôi rất vui mừng và phấn khởi, đây là lần đầu tiên Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia được đón tiếp Hoa hậu Hoà Bình Quốc tế sang thăm và tặng quà cho con em người gốc Việt tại Campuchia, đó là niềm vinh dự và vui mừng cho bà con nơi đây".

"Tiên thật sự vui mừng khi bản thân cùng ê kíp đã có thể thực hiện dự án ý nghĩa này, đây là một dự án mình đã ấp ủ từ lâu và rất may mắn vì được sự hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM. Cùng với đó là sự xúc động khi được lắng nghe những chia sẻ những khó khăn, vất vả của người dân và trẻ em người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Campuchia.

Tiên hy vọng với những phần quà nho nhỏ của mình sẽ có thể giúp đỡ các em thêm một phần động lực để học tập và cùng gia đình đón một cái Tết thật an vui, hạnh phúc". Thuỳ Tiên chia sẻ.

Cô gái Việt kể cuộc sống -20 độ ở Tây Tạng, mỗi tháng chi tiêu 50 triệu đồng

(Ảnh minh họa).

Kiều Phùng kể, các gia đình ở Tây Tạng nuôi nhiều bò Yak. Loài bò này chịu được cái lạnh âm độ. Người Tây Tạng dùng sữa, thịt bò Yak để làm thực phẩm, phân bò dùng làm nguyên liệu đốt, sưởi.

Đến nay, Kiều Phùng (26 tuổi, quê Phú Thọ) có 7 năm sinh sống ở Trung Quốc. Cách đây hơn 2 năm, khi đặt chân đến mảnh đất Tây Tạng, cô quyết định ở lại để phát triển công việc kinh doanh dược liệu.

Tây Tạng nằm biệt lập ở độ cao trung bình 4.900m so với mặt nước biển trên dãy Himalaya, nơi được mệnh danh là vùng đất của "nóc nhà thế giới". Trong nhiều thế kỷ, Tây Tạng bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi vị trí địa lý và khí hậu khắc nghiệt.

Đây là một trong những vùng đất hẻo lánh nhất trên trái đất nhưng sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nguồn dược liệu quý, đặc biệt là đông trùng hạ thảo.

Tây Tạng có nhiều dãy núi tuyết vĩnh cửu, khí hậu khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là rất lớn. Thời gian đầu, cô gái Việt gặp không ít khó khăn khi đến một vùng đất mới.

Kiều Phùng kể, vì nằm ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển nên không khí ở Tây Tạng khá loãng, càng lên cao sẽ càng cảm thấy khó thở, chóng mặt. Khi mới tới đây, đôi lúc cô cũng gặp hiện tượng này.

Để thuận tiện cho sinh hoạt và lựa chọn sinh sống lâu dài, Kiều Phùng đã thuê nhà ở nơi có độ cao khoảng 4.000m.

"Những người dân bản địa có thể sinh sống ở độ cao khoảng 5.000-6.000m vì họ đã quen với khí hậu nơi đây. Tôi chỉ dám chọn thuê nhà ở Na Khúc và Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng", cô gái Phú Thọ kể.

Vì lạnh giá, cheo leo nên dân cư ở Tây Tạng thưa thớt, cuộc sống bình lặng khác hẳn vẻ nhộn nhịp của những thành phố hiện đại.

Mùa hè ở Tây Tạng rất ngắn chỉ khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 và gần như không có mùa thu. Mùa đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, băng tuyết bao phủ khắp nơi. Mùa xuân ngắn ngủi chỉ vào khoảng tháng 5.

Kiều Phùng cho hay, càng lên cao nhiệt độ càng lạnh. Ở khu vực cô sinh sống, mùa đông thường duy trì nền nhiệt khoảng -10 đến -20 độ C. Những vùng cao hơn, nhiệt độ có thể hạ xuống dưới -30 độ C.

Những khu vực thành phố mới, khu chung cư mới thường được trang bị hệ thống sưởi. Vì vậy, mùa đông với những người sống ở khu vực này không quá khắc nghiệt.

"Những người từ nơi khác đến hay những người có điều kiện kinh tế hơn sẽ vẫn sinh hoạt, tắm giặt bình thường nhờ hệ thống sưởi, nước nóng hiện đại", Kiều Phùng kể.

Tuy nhiên, ở những vùng dân cư cũ, vùng có độ cao lớn tập trung nhiều người bản địa, các gia đình vẫn phải sử dụng nhiều cách thức truyền thống để giữ ấm, phổ biến nhất là bếp sưởi dùng nguyên liệu phân bò.

Kiều Phùng kể, các gia đình người Tây Tạng thường nuôi nhiều bò Yak trong nhà. Đây là giống bò lông dài, sống thích nghi ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, chịu được cái lạnh dưới âm độ của vùng cao nguyên Himalaya đặc biệt này.

Người Tạng dùng mọi thứ từ bò Yak: Sữa, thịt để làm thực phẩm, lông để làm áo, thảm trùm bên ngoài các ngôi nhà để giữ ấm, phân bò dùng làm nguyên liệu đốt sưởi cho mùa đông, trát tường giữ ấm.

Vì lạnh giá và nguồn nước không ổn định nên đa số người Tạng rất ít tắm, vài ba tháng họ mới tắm một lần. Có người sẽ tìm đến các suối nước nóng công cộng để ngâm mình cả ngày trong những hôm bớt lạnh. Có gia đình lấy băng từ các hồ nước về để đun lên dùng cho sinh hoạt.

Những gia đình ở trong núi sâu do điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn nên họ thường lựa chọn những cách sinh hoạt "ít nước nhất có thể" như tích trữ đồ ăn, ở hẳn trong nhà, không đi ra ngoài tiếp xúc với ai…

Mùa đông, một bộ phận người dân sùng đạo sẽ lựa chọn tránh rét bằng cách chuyển vào các tu viện để tu hành, những người có điều kiện kinh tế sẽ di chuyển các thành phố ấm áp gần Tây Tạng như Lhasa, Thành Đô…

Vào những ngày nhiệt độ -10 đến -20 độ C, Kiều Phùng thường hạn chế ra ngoài bởi nếu không che chắn kỹ cô rất dễ bị bỏng lạnh, tay chân buốt cứng...

Cũng theo cô gái Việt, người dân Tây Tạng chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và săn tìm dược liệu.

Chi phí sinh hoạt ở đây khá đắt đỏ vì nhiều loại thực phẩm, rau củ phải nhập từ khu vực khác đến. Đường sá đi lại vất vả, chi phí xăng xe không hề rẻ.

"Chi phí trung bình một tháng sinh sống ở Tây Tạng của tôi hết từ 50 đến 70 triệu đồng/tháng. Tiền nhà hơn 10 triệu đồng, còn lại chủ yếu là xăng xe", cô gái này kể.

Xử tù tài xế Slovakia đưa phụ nữ Việt vào Anh 'trong bảng điều khiển xe hơi'

Jozef Balog, người Slovakia đã bị xử hai năm rưỡi tù giam vì tội hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp, bằng hành vi cho một phụ nữ Việt Nam chui vào sau bảng điều khiển xe hơi để vào Anh.

Phiên xử trước tòa ở Canterbury, hạt Kent, Anh Quốc vào trung tuần tháng 1/2024 đã tiết lộ ra một cách chuyển người lậu kiểu mới vào Anh.

Theo hồ sơ tòa án được BBC News và các báo Anh đăng tải thì vào tháng 6/2022, ông Balog đã bị bắt giữ ở biên giới Anh-Pháp.

Khai là “trở về Anh sau chuyến đi thăm thân nhân” ông ta bị cơ quan biên phòng Anh phát hiện đã chở người nhập cư lậu trong xe.

Thông thường, những chuyến xe có đưa người nhập cư trái phép vào Anh thường chở họ trong thùng xe hai ngăn, trong đồ gỗ, thùng hàng.

Nhưng lần này, các nhân viên biên phòng Anh khi kiểm tra xe trên lãnh thổ Pháp, ở cửa khẩu Coquelles, đã thấy phần nệm ở nền xe bị kéo lệch lên phía trước một cách đáng ngờ.

Họ đã tháo hộp đựng đồ dùng (glovebox) và thấy một phụ nữ châu Á ngồi phía sau bảng điều khiển (dashboard) của chiếc xe đó (xem hình).

Jozef Balog, ngụ cư ở Manchester đã thừa nhận hành vi phạm pháp trước phiên xử sơ thẩm ngay trong tháng 6/2022.

Người phụ nữ Việt Nam kia đã được nhà chức trách xác định danh tính và nhận giấy yêu cầu phải hồi hương.

Theo các báo Anh, các nhóm buôn người vào Anh ngày càng có nhiều “sáng kiến” để vận chuyển di dân bất hợp pháp, bất chấp hình phạt ngày càng cao.

Con số người nhập cư lậu vào Anh bằng thuyền nhỏ, xe thùng, bằng các phương tiện khác tăng giảm tùy mùa- ví dụ mùa nước to, nhiều sóng lớn ở Eo biển La Manche (English Channel) thì số thuyền nhỏ từ châu Âu lục địa sang Anh có giảm – nhưng nhìn chung vẫn không ít đi bao nhiêu.

Thành phần tham gia các vụ đưa người cũng đa dạng, gồm cả người Anh và các dân tộc khác.

Nhiều cách đưa người lậu vào Anh

Hồi tháng 11/2023, một phụ nữ Albania sống ở Bandury, Oxfordshire đã nhận tội trước tòa Crown Court ở Oxford và chịu án tới 7,6 năm tù.

Ujeza Kurmekaj có trong điện thoại 21 hình ảnh, hình chụp hộ chiếu và hàng trăm tin nhắn liên quan tới những người Albania đã vượt biên vào Anh trót lọt bằng đường biển.

Bà Kurmekaj không chỉ chuẩn bị đón họ ở Anh mà còn tham gia điều phối, liên lạc cách đưa nhóm dân Albania kia sang Anh từ Pháp.

Sau khi thụ án tù, bà ta sẽ bị trục xuất về quê cũ, theo phán quyết của tòa.

Trước đó, vào tháng 9/2023, một cặp đôi sống ở Pháp bị tòa Anh xử tù tổng cộng 10 năm tù vì giúp di dân Việt 'nằm trong sofa' từ Pháp vào Anh bất hợp pháp.

Junior Toussaint và Andrene Paul, hai công dân Pháp gốc châu Phi bị phát hiện có "sáng kiến" giấu một phụ nữ và ba trẻ em Việt Nam trong ghế sofa để đem họ vào Anh. Chuyến đi không thành vì chiếc xe bị khám và số di dân trái phép bị bắt giữ cùng chủ xe trên chuyến phà từ Pháp sang Anh.

Tại nước Ireland láng giềng của Anh, hồi đầu năm nay, cảnh sát phát hiện hai trẻ em và 12 người lớn, trong đó có ba người Việt Nam, ‘đục một lỗ trong container vì họ không thở được’, theo báo The Irish Times.

Cảnh sát Ireland đã bắt đầu mở một cuộc điều tra về buôn người sau khi phát hiện 14 người nhập cư không giấy tờ trong một container đông lạnh cập cảng Rosslare Europort.

Dư luận Anh và châu Âu từng bị choáng khi vụ 39 người Việt chết thảm trong xe đông lạnh trên đường từ Bỉ vào Anh hồi cuối 2019.

Nguồn: Quê Hương Online; Báo Giao Thông; Vietnamnet; BBC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang